Bạn có thể chưa nghe tên Saraha, nhưng Saraha là người sáng lập ra Tantra. Ông là một trong những nhà hảo tâm vĩ đại của nhân loại. Sinh ra sau Đức Phật khoảng hai thế kỉ, ông là một nhánh của cái cây vĩ đại bắt đầu từ Đức Phật. Một nhánh chuyển từ Đức Phật tới Ma Ha Ca Diếp tới Bồ Đề Đạt Ma, nơi Thiền ra đời – và nhánh đó vẫn đầy ắp hoa. Một nhánh khác chuyển từ Đức Phật tới con trai ông, La Hầu La, từ La Hầu La tới Sri Kirti,và từ Sri Kirti tới Saraha. Từ Saraha nó được chuyển tới Nagarjuna và Tilopa – đó là nhánh Tantra của cái cây mà Đức Phật trồng. Nó vẫn đang ra quả ở Tây Tạng. Tantra đã cải hóa Tây Tạng và Saraha là người sáng lập Tantra giống như Bồ Đề Đạt Ma là người sáng lập Thiền. Bồ Đề Đạt Ma chinh phục Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản. Saraha chinh phục Tây Tạng.
Một vài điều về cuộc đời Saraha: Ông sinh ra tại Vidarbha, một phần của bang Maharashtra, Ấn Độ, gần Pune. Khi vua Mahapala trị vì Maharashtra, một ngườiBrahmin1 rất có học thức trong triều đình của nhà vua đã sinh ra Sahara. Người cha ở trong triều, cho nên chàng trai trẻ lớn lên ở đó; anh có bốn người anh nữa và họ đều là những học giả lớn. Saraha là em út và là người thông minh nhất trong tất cả bọn họ.
1 Đẳng cấp cao nhất tại Ấn Độ.
Bốn người anh không thể so sánh được với Saraha. Cả bốn người trưởng thành và kết hôn. Danh tiếng của Saraha lan truyền khắp đất nước và nhà vua bị anh làm cho say mê. Ông sẵn sàng gả con gái cho Saraha, nhưng Saraha muốn từ bỏ mọi thứ để trở thành một sannyasin, một người tìm kiếm lang thang.
Nhà vua bị tổn thương, ông cố gắng thuyết phục Saraha ở lại. Chàng trai trẻ này quá đẹp và quá thông minh, chính nhờ anh mà triều đình của Mahapala mới trở nên nổi tiếng. Nhà vua lo lắng, ông không muốn chàng trai trẻ này trở thành một sannyasin. Ông muốn bảo vệ anh và cho anh tất cả những tiện nghi có thể có – ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho anh. Nhưng Saraha cứ khăng khăng, và anh đã được cho phép – anh trở thành một sannyasin và đệ tử của Sri Kirti.
Sri Kirti thuộc dòng truyền thừa trực tiếp của Đức Phật – đầu tiên là Đức Phật, rồi con trai ông, La Hầu La, rồi đến Sri Kirti. Chỉ có hai bậc thầy ở giữa Saraha và Đức Phật, cho nên cái cây hẳn vẫn còn rất xanh tươi; rung động hẳn còn rất sống động. Đức Phật chỉ vừa mới ra đi, bầu không khí hẳn vẫn còn đầy hương thơm của ông.
Nhà vua bị sốc, bởi vì Saraha là một người Brahmin – nếu anh muốn trở thành mộtsannyasin thì lẽ ra anh nên trở thành một sannyasin Hindu giáo, nhưng thay vì thế anh lại chọn một bậc thầy Phật giáo, Sri Kirti. Điều đầu tiên Sri Kirti bảo Saraha là:
“Hãy quên tất cả kinh Veda1, tất cả học thức của con đi, tất cả những thứ vô nghĩa đó.” Thật khó khăn cho Saraha, nhưng anh sẵn sàng đánh cược mọi thứ. Sự hiện diện của Sri Kirti có một cái gì đó đã hấp dẫn anh như một khối nam châm khổng lồ. Anh vứt bỏ tất cả kiến thức của mình, anh trở lại thành một người chưa từng học gì cả.
1 Kinh quan trọng bậc nhất của Hindu giáo.
Đây là một trong những sự từ bỏ vĩ đại nhất – thật dễ để từ bỏ giàu sang, thật dễ để từ bỏ một đại vương quốc, nhưng từ bỏ tri thức là điều khó khăn nhất trên thế giới. Đầu tiên, làm sao bạn có thể từ bỏ nó? Nó ở đó bên trong bạn. Bạn có thể trốn khỏi vương quốc của bạn, bạn có thể đi tới dãy Himalaya, bạn có thể phân phát của cải của mình – nhưng làm thế nào bạn có thể từ bỏ tri thức của mình được? Thật đau đớn khi lại trở nên dốt nát. Lại trở nên dốt nát, lại trở nên ngây thơ như một đứa trẻ là khổ hạnh lớn lao nhất. Nhưng Saraha sẵn sàng.
Nhiều năm qua đi, và dần dần anh đã xóa hết những gì anh biết. Anh trở thành một thiền nhân vĩ đại. Hệt như việc anh trở nên nổi tiếng là một học giả lớn, giờ đây danh tiếng của anh như là một thiền nhân vĩ đại bắt đầu lan truyền. Người ta bắt đầu tới từ những nơi xa xôi chỉ để nhìn lướt qua chàng trai trẻ này, người đã trở nên quá đỗi ngây thơ, như một chiếc lá non, như những giọt sương đọng trên cỏ vào buổi sáng.
Một hôm, trong khi Saraha đang hành thiền, anh nhìn thấy một linh ảnh – linh ảnh về một người phụ nữ ở chợ, người sẽ trở thành thầy thực sự của anh. Sri Kirti chỉ đưa anh vào con đường, nhưng giáo huấn thực sự sẽ tới từ một người phụ nữ.
Bây giờ, phải thấu hiểu điều này. Chỉ có Tantra chưa bao giờ tôn sùng nam giới. Trên thực tế, để đi vào trong Tantra bạn cần sự hợp tác của một người phụ nữ thông tuệ; thiếu một người phụ nữ thông tuệ, bạn sẽ không thể bước vào thế giới phức tạp của Tantra.
Saraha có một linh ảnh rằng thầy của anh sẽ là một người phụ nữ ở chợ. Là một người phụ nữ chưa đủ mà còn ở chợ nữa ư? Tantra thịnh vượng ở chợ, ở nơi huyên náo nhất của cuộc sống. Nó không phải là một thái độ phủ định, nó là khẳng định hoàn toàn.
Saraha đứng dậy rời đi. Sri Kirti hỏi anh: “Con đi đâu vậy?”
Saraha nói: “Thầy đã cho con thấy con đường – thầy đã lấy học thức của con đi. Thầy đã làm một nửa công việc – thầy đã lau sạch tấm bảng đen của con. Giờ đây con đã sẵn sàng cho nửa còn lại.” Với sự chúc phúc của Sri Kirti, người đang cười lớn, Saraha ra đi. Anh ra chợ và kinh ngạc: Anh thực sự tìm được người phụ nữ mà anh đã nhìn thấy trong linh ảnh! Người phụ nữ đó đang làm một mũi tên, cô là một thợ rèn tên.
Điều thứ ba phải được ghi nhớ về Tantra là một người càng văn hóa, càng văn minh thì Tantra càng ít có khả năng chuyển hóa người đó. Một người càng ít văn minh, càng nguyên thủy, thì càng sống động. Bạn càng văn minh thì bạn càng trở thành nhựa – bạn trở nên giả tạo. Nếu bạn quá có học thức, bạn sẽ đánh mất gốc rễ ở trong đất của mình. Bạn sợ thế giới bùn lầy và bạn bắt đầu làm ra vẻ như là bạn không thuộc về thế giới. Tantra nói rằng để tìm ra con người thực sự, bạn sẽ phải đi đến gốc rễ.
Những người vẫn chưa có văn minh, chưa có giáo dục, chưa có văn hóa thì sống động hơn; họ có nhiều sức sống hơn. Trong thế giới của những người vẫn còn nguyên thủy, có một khả năng để bắt đầu phát triển. Bạn đã phát triển theo hướng sai còn họ vẫn chưa phát triển – họ vẫn có thể chọn hướng đúng, do đó họ có nhiều tiềm năng hơn. Họ không có gì phải hủy bỏ, họ có thể thẳng tiến.
Ở Ấn Độ, một người phụ nữ làm nghề rèn tên sẽ ở đẳng cấp thấp, với đối với Saraha – một người Brahmin có học thức, một người Brahmin nổi danh, người từng có dòng dõi hoàng gia – việc đi đến một người phụ nữ làm nghề rèn tên là một việc mang tính biểu tượng. Người có học thức phải đi đến người có sức sống. Người giả tạo phải đi đến người thực.
Anh nhìn thấy người phụ nữ này – một cô gái trẻ, rất sống động, tỏa ra sức sống mãnh liệt – đang làm thân một mũi tên, không nhìn sang phải cũng không nhìn sang trái, mà hoàn toàn mải mê vào việc làm tên. Anh ngay lập tức cảm thấy điều gì đó phi thường trong sự hiện diện của cô, điều gì đó mà anh chưa bao giờ gặp. Thậm chí thầy của anh, Sri Kirti, còn bị lu mờ trước sự hiện diện của người phụ nữ này. Một điều gì đó quá tươi tắn, một điều gì đó đến từ chính cội nguồn...
Sri Kirti là một triết gia lớn. Đúng vậy, ông đã bảo Saraha vứt bỏ tất cả học thức của mình, nhưng ông vẫn là một người có học thức. Ông bảo Saraha vứt bỏ tất cả Veda và các kinh sách, nhưng ông lại có những kinh sách và Veda của riêng ông. Mặc dù ông chống lại triết lí, nhưng sự chống lại triết lí của ông lại là một loại triết lí. Bây giờ, ở đây, là một phụ nữ không triết lí cũng không chống lại triết lí – người đơn giản chẳng biết triết lí là gì, người mà sung sướng không có chút nhận biết gì về thế giới của triết lí, thế giới của tư tưởng. Cô là một người phụ nữ chỉ hành động và cô hoàn toàn mải mê vào hành động của mình.
Saraha chăm chú quan sát: Mũi tên sẵn sàng, người phụ nữ nhắm một mắt và mở mắt còn lại, lấy tư thế ngắm vào một mục tiêu vô hình. Saraha lại gần hơn nữa. Giờ đây, không có mục tiêu; cô chỉ đang làm tư thế đó. Cô nhắm một mắt, mắt kia của cô vẫn mở, và cô đang ngắm vào mục tiêu vô hình, không ai biết.
Saraha bắt đầu cảm nhận được thông điệp. Anh cảm thấy tư thế này mang tính biểu tượng, nhưng ý nghĩa của nó rất mờ và tối. Anh có thể cảm thấy có điều gì đó, nhưng anh không thể lí giải được nó là gì.
Anh hỏi người phụ nữ xem liệu cô có phải một thợ rèn tên chuyên nghiệp không, và người phụ nữ cười lớn, tiếng cười đầy hoang dại, và nói: “Anh là đồ Brahmin ngu xuẩn! Anh đã bỏ Veda, nhưng bây giờ anh lại đang tôn thờ lời của Đức Phật. Vậy còn nghĩa lý gì nữa? Anh đã thay đổi những cuốn sách của mình, anh đã thay đổi triết lí của mình, nhưng anh vẫn là con người ngu xuẩn ấy.”
Saraha bị sốc. Chưa từng có ai nói với anh theo cách đó. Chỉ một người phụ nữ không có văn hóa mới có thể nói theo cách đó. Và cách cô cười thật là không văn minh, thật là nguyên thủy – nhưng tuy nhiên, lại vô cùng sống động. Anh cảm thấy bị lôi cuốn. Cô là một thỏi nam châm lớn còn anh là một mẩu sắt. Rồi cô nói: “Anh nghĩ anh là một Phật tử sao?” Anh hẳn đang mặc y phục của nhà sư Phật giáo, một chiếc áo thụng màu vàng. Cô lại cười lớn: “Chỉ có thể biết ý nghĩa của Đức Phật qua hành động chứ không phải thông qua ngôn từ và sách vở. Anh vẫn chưa thấy đủ sao? Anh vẫn chưa chán tất cả những thứ này sao? Đừng phí thêm thì giờ vào cuộc tìm kiếm vô ích đó nữa. Hãy đến đây và theo tôi!”
Thế rồi điều gì đó đã xảy ra, điều gì đó giống như sự hiệp thông. Saraha chưa bao giờ cảm thấy như thế trước đây. Trong khoảnh khắc đó, ý nghĩa tâm linh của điều cô đang làm lóe lên trong anh. Không nhìn sang trái cũng không nhìn sang phải, anh nhìn cô – chỉ nhìn vào giữa. Lần đầu tiên anh hiểu ra ý của Đức Phật về việc ở giữa, tránh các cực đoan. Đầu tiên anh là một triết gia, rồi anh trở thành một phản triết gia – từ thái cực này sang thái cực kia. Đầu tiên anh tôn thờ một thứ, bây giờ anh tôn thờ thứ ngược lại, nhưng việc tôn thờ vẫn tiếp diễn.
Bạn có thể di chuyển từ trái qua phải, từ phải qua trái, nhưng điều đó sẽ chẳng giúp gì. Bạn sẽ giống như quả lắc di chuyển từ trái qua phải, từ phải qua trái... và bạn đã bao giờ quan sát chưa? Khi quả lắc đang đi sang phải, nó thu được đà để đi sang trái; khi nó đang đi sang trái, nó lại thu được đà để đi sang phải. Và đồng hồ cứ chạy, thế giới cứ tiếp diễn.
Ở giữa nghĩa là quả lắc chỉ treo ở đó ngay chính giữa, không di chuyển sang trái hay sang phải. Thế thì đồng hồ dừng lại. Thế thì thế giới ngừng lại. Thế thì không còn thời gian nữa, thế thì trạng thái không thời gian xuất hiện. Saraha đã được nghe Sri Kirti nói điều này quá nhiều lần; anh đã đọc về nó, anh đã trầm tư về nó, quán tưởng nó. Anh đã tranh luận với những người khác về nó, rằng ở giữa là điều đúng đắn. Lần đầu tiên anh nhìn thấy nó trong hành động. Người phụ nữ đang không nhìn sang phải và không nhìn sang trái... cô chỉ nhìn vào giữa, tập trung vào giữa.
Ở giữa là điểm xảy ra sự siêu việt. Hãy nghĩ về nó, ngẫm về nó, quan sát nó trong cuộc sống. Một người đang chạy theo tiền bạc, điên khùng, điên vì tiền; tiền là vị thần duy nhất. Một ngày nào đó, vị thần sụp đổ – nó chắc chắn sụp đổ. Tiền không thể là thần của bạn; nó là một ảo tưởng, bạn đang phóng chiếu. Một ngày kia, bạn nhận ra không có vị thần nào trong tiền cả – chẳng có gì trong nó và bạn đã lãng phí cuộc đời mình. Thế rồi bạn quay sang chống lại nó, bạn lấy thái độ ngược lại, bạn sẽ không chạm vào tiền. Cả hai con đường bạn đều bị ám ảnh. Giờ đây bạn chống lại tiền, nhưng sự ám ảnh vẫn còn. Bạn đã di chuyển từ bên trái sang bên phải, nhưng tiền vẫn ở trung tâm ý thức của bạn.
Bạn có thể đổi từ dục vọng này sang dục vọng khác. Bạn từng quá trần tục, bây giờ bạn trở nên thoát tục – nhưng bạn vẫn như cũ, bệnh vẫn dai dẳng.
Đức Phật nói, trần tục thì là trần tục, và thoát tục cũng là trần tục; tôn thờ tiền là điên khùng, chống lại tiền cũng là điên khùng; tìm kiếm quyền lực là ngu xuẩn, trốn chạy khỏi nó cũng là ngu xuẩn.
Ngay ở giữa là trí huệ. Lần đầu tiên Saraha thực sự thấy nó – thậm chí anh chưa thấy nó ở Sri Kirti. Và người phụ nữ đã đúng. Cô nói: “Anh chỉ có thể học qua hành động.” Cô chăm chú đến nỗi thậm chí đã không nhìn Saraha, người đang đứng đó quan sát cô. Cô hoàn toàn chăm chú, cô hoàn toàn ở trong hành động.
Đó lại là một thông điệp của Phật giáo: Hoàn toàn ở trong hành động là tự do khỏi hành động. Nghiệp được tạo ra bởi vì bạn không hoàn toàn ở trong hành động. Nếu bạn hoàn toàn ở trong một hành động, nó không để lại vết tích nào.
Nếu bạn toàn tâm toàn ý làm bất cứ điều gì thì không chỉ nó được hoàn thành mà bạn cũng sẽ không đem theo kí ức nào về nó. Nếu bạn không toàn tâm toàn ý, nó ở lại với bạn và trở thành tàn tích. Tâm trí muốn tiếp tục và hoàn thành nó. Tâm trí bị cám dỗ lớn lao đối với việc hoàn thành mọi thứ. Hoàn thành bất cứ thứ gì và tâm trí sẽ ra đi. Nếu bạn tiếp tục toàn tâm toàn ý làm mọi thứ, một ngày kia bạn sẽ đột nhiên thấy rằng không có tâm trí. Tâm trí là quá khứ tích lũy của tất cả những hành động không trọn vẹn. Bạn muốn yêu một phụ nữ và bạn đã không yêu, bây giờ cô ta đã ra đi. Bạn muốn tới gặp cha bạn và được ông tha thứ cho tất cả những điều bạn đã làm mà khiến ông tổn thương, bây giờ ông đã mất.
Tàn tích sẽ ở lại cùng bạn như bóng ma. Giờ đây bạn bất lực – phải làm gì? Đi đến gặp ai, và làm sao để xin sự tha thứ đây? Bạn muốn tử tế với một người bạn nhưng không thể bởi vì bạn khép mình. Giờ đây người bạn không còn nữa, và nó gây đau đớn. Bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi. Bạn ăn năn. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy.
Hãy làm bất cứ hành động nào toàn tâm toàn ý và bạn sẽ được tự do khỏi nó, bạn không nhìn lại bởi vì chẳng có gì để nhìn. Bạn không có những tàn tích. Bạn chỉ đi thẳng về phía trước. Đôi mắt của bạn giũ sạch quá khứ, tầm nhìn của bạn không bị che phủ. Trong sự rõ ràng đó, bạn sẽ đi đến chỗ biết thực tại là gì.
Bạn đầy lo lắng... với tất cả những hành động không trọn vẹn của mình, bạn giống như mớ đồng nát. Một điều không trọn vẹn ở đây, một điều khác không trọn vẹn ở kia – chẳng có gì trọn vẹn.
Bạn đã bao giờ quan sát nó chưa? Bạn đã bao giờ hoàn thiện thứ gì đó chưa, hay mọi thứ đều không trọn vẹn? Chúng ta đẩy một thứ sang bên và bắt đầu thứ gì đó khác, trước khi cái này trọn vẹn chúng ta đã lại bắt đầu một cái khác. Chúng ta trở nên ngày càng nặng gánh – đây chính là nghiệp. Nghiệp nghĩa là hành động không trọn vẹn.
Hãy toàn tâm toàn ý và bạn sẽ được tự do.
Người phụ nữ rèn tên hoàn toàn chăm chú. Đó là lí do tại sao cô ấy trông sáng chói đến thế – cô ấy quá đẹp. Cô ấy là một người phụ nữ bình thường nhưng vẻ đẹp của cô ấy không phải của Trái Đất này. Vẻ đẹp của cô ấy đến từ sự chăm chú hoàn toàn vào hành động. Cô ấy đẹp là bởi cô ấy không phải một người cực đoan. Cô ấy đẹp là bởi cô ấy ở giữa, cân bằng. Duyên dáng tới từ sự cân bằng.
Lần đầu tiên trong đời Saraha chạm trán một người phụ nữ không chỉ đẹp về thể chất mà còn đẹp cả về linh hồn – nhập tâm hoàn toàn, nhập tâm vào việc cô ấy đang làm. Lần đầu tiên anh hiểu ra: Đây chính là hành thiền! Không phải là bạn ngồi trong một khoảng thời gian đặc biệt và lặp lại một câu thần chú, không phải là bạn đi đến nhà thờ hay đi đến chùa hay đi đến thánh đường Hồi giáo – mà là ở trong cuộc sống, tiếp tục làm những việc nhỏ nhặt, nhưng nhập tâm đến nỗi sự sâu sắc được bộc lộ trong mọi hành động. Lần đầu tiên anh thấu hiểu thiền. Anh đã hành thiền, anh đã nỗ lực tranh đấu, nhưng lần đầu tiên thiền ở đó trước mặt anh, sống động. Anh có thể cảm thấy nó, anh gần như đã có thể chạm vào nó. Nó gần như hữu hình.
Hãy làm bất cứ hành động nào toàn tâm toàn ý và bạn sẽ được tự do khỏi nó, bạn không nhìn lại bởi vì chẳng có gì để nhìn.
Nhắm một mắt và mở mắt còn lại là một biểu tượng Phật giáo. Đức Phật nói – và ngày nay các nhà tâm lí học đồng ý với ông; sau 2.500 năm, tâm lí học đã đi đến cùng một sự thấu hiểu mà Đức Phật đã có rất lâu về trước – Đức Phật nói rằng một nửa bộ não là lí trí và một nửa bộ não là trực giác. Bộ não được chia làm hai phần, hai bán cầu. Nửa bên trái nắm giữ khả năng của lí trí, logic, suy luận, phân tích, triết học, thần học... toàn những lời là lời, lí lẽ, suy luận, suy lí. Phần bên trái của bộ não là theo kiểu Aristotle1. Phần bên phải là trực giác, chất thơ – khởi nguồn của cảm hứng, tưởng tượng, một ý thức sẵn có, một nhận biết sẵn có. Không phải là bạn tranh cãi – bạn cứ thế biết. Không phải là bạn suy luận – bạn cứ thế nhận ra. Đó là ý nghĩa của một ý thức sẵn có, nó cứ thế có ở đó. Nửa bên phải của bộ não biết chân lý, nửa bên trái suy luận ra chân lý. Suy luận chỉ là suy luận, nó không phải kinh nghiệm.
1 Triết gia Hy Lạp cổ đại, bậc thầy về luận lý.
Đột nhiên Saraha nhận ra rằng người phụ nữ này nhắm một mắt như tượng trưng cho việc đóng con mắt của lí trí, logic. Và cô ấy mở mắt còn lại, tượng trưng cho tình yêu, trực giác, nhận biết.
Rồi anh nhận ra điều gì đó về tư thế của cô. Ngắm vào cái không biết, vào cái vô hình, chúng ta đang trên hành trình hướng đến việc biết cái không biết – hướng đến biết cái không thể biết. Đó là tri thức thực sự – biết cái không thể biết, nhận ra cái không thể nhận ra, đạt tới cái không thể đạt được. Đam mê bất khả thi này là điều làm cho một người trở thành người tìm kiếm tâm linh.
Phải, nó là bất khả thi. Nhưng “bất khả thi” ở đây không phải là nó sẽ không xảy ra, mà là nó không thể xảy ra trừ khi bạn hoàn toàn được chuyển hóa. Như cách bạn đang hiện hữu thì nó không thể xảy ra được, nhưng có những cách hiện hữu khác, và bạn có thể mới hoàn toàn. Khi đó nó sẽ xảy ra. Nó là khả thi cho một dạng con người khác. Đó là lí do tại sao Jesus nói rằng nếu bạn không được tái sinh thì bạn sẽ không biết nó. Một con người mới sẽ biết nó.
Như cách bạn đang hiện hữu thì bạn sẽ phải biến mất. Thế rồi cái mới được sinh ra, một ý thức mới bước vào bởi vì có thứ gì đó không thể phá hủy được bên trong bạn; không ai có thể phá hủy nó. Chỉ có thứ có thể bị phá hủy mới bị tiêu diệt còn thứ không thể bị phá hủy sẽ ở đó. Khi bạn đạt tới yếu tố không thể phá hủy đó trong bản thể của mình, đạt tới sự nhận biết vĩnh hằng trong bản thể của mình, bạn là một ý thức mới. Thông qua ý thức đó, cái không thể thành có thể, cái không đạt được thành đạt được.
Cho nên Saraha chú ý tới tư thế của người phụ nữ. Ngắm vào cái không biết, cái vô hình, cái không thể biết, cái Một – đó là mục tiêu. Làm sao để là một với hiện hữu? Cái không nhị nguyên là mục tiêu, nơi chủ thể và đối tượng biến mất, nơi “Ta và Ngươi” biến mất.
Có một cuốn sách lớn của Martin Buber1 có nhan đề Ta và Ngươi. Martin Buber nói kinh nghiệm cầu nguyện là một kinh nghiệm Ta-Ngươi – ông ấy đúng. Thượng Đế là cái Ngươi và bạn vẫn là Ta. Bạn có một cuộc đối thoại, một sự hiệp thông với cái Ngươi. Nhưng Phật giáo không có cầu nguyện trong nó. Phật giáo đi cao hơn sự cầu nguyện. Nó nói: Thậm chí khi có mối quan hệ Ta-Ngươi thì bạn vẫn bị phân chia, bạn vẫn tách rời. Các bạn có thể thét vào mặt nhau nhưng vẫn sẽ không có hiệp thông. Hiệp thông xảy ra chỉ khi phân chia Ta-Ngươi không còn nữa; khi chủ thể và đối tượng biến mất; ở nơi không có Ta và không có Ngươi, không có người tìm kiếm và cái được tìm kiếm... khi có sự thống nhất, hợp nhất.
Saraha nói với cô ấy: “Cô không phải một người phụ nữ rèn tên bình thường. Tôi lấy làm tiếc vì đã nghĩ rằng cô là một người phụ nữ rèn tên bình thường. Thứ lỗi cho tôi, tôi vô cùng xin lỗi. Cô là bậc thầy vĩ đại và tôi tái sinh thông qua cô. Cho đến hôm qua tôi không phải một người Brahmin thực sự; từ hôm nay thì tôi mới là người Brahmin thực sự. Cô là thầy của tôi, cô là mẹ của tôi, cô đã sinh ra tôi một lần nữa. Tôi không còn giống như cũ nữa.”
1 Triết gia người Do Thái.
Người phụ nữ rèn tên chấp nhận anh. Cô đã chờ đợi Saraha tới. Họ di chuyển đến bãi hỏa táng và bắt đầu sống cùng nhau.
Tại sao lại tới một bãi hỏa táng? Bởi vì nếu bạn không thấu hiểu cái chết, bạn sẽ không thể thấu hiểu sự sống. Nếu bạn không chết, bạn sẽ không được tái sinh. Sau Saraha, nhiều môn đệ Tantra đã sống trên bãi hỏa táng bởi vì ông ấy là người sáng lập và ông ấy đã sống trên bãi hỏa táng. Những xác chết được mang đến và thiêu, nhưng ông sống ở đó; đó là nhà của ông. Ông sống cùng người phụ nữ rèn tên, họ sống cùng nhau. Có tình yêu lớn lao giữa họ – không phải tình yêu giữa một người đàn bà với một người đàn ông, mà là tình yêu giữa thầy và đệ tử, thứ tình yêu chắc chắn cao hơn bất cứ tình yêu nam nữ nào từng đạt tới. Thứ tình yêu thân mật hơn – chắc chắn là thân mật hơn – bởi vì luyến ái nam nữ là luyến ái thể xác, cùng lắm thì thỉnh thoảng nó có đưa vào tâm trí, còn nếu không thì nó vẫn chỉ là thể xác. Nhưng đệ tử và bậc thầy – nó là luyến ái tâm hồn. Saraha đã tìm được tri kỉ cho mình. Họ ở trong tình yêu phi thường, tình yêu vĩ đại, hiếm khi xảy ra trên Trái Đất. Cô ấy dạy anh Tantra.
Chỉ một phụ nữ mới có thể thực sự dạy Tantra. Đôi khi một người đàn ông có thể trở thành giáo viên Tantra, nhưng anh ta sẽ phải trở nên rất nữ tính. Phụ nữ thì nữ tính sẵn rồi, cô ấy đã có sẵn những phẩm chất đằm thắm, âu yếm đó; cô ấy tự nhiên đã có sự chăm nom đó, tình yêu đó, cảm nhận yếu mềm đó. Saraha trở thành một Tantrika1 dưới sự hướng dẫn của người phụ nữ rèn tên. Anh không hành thiền nữa. Trước kia anh đã bỏ lại tất cả Veda, kinh sách và tri thức; giờ đây anh bỏ lại thậm trí cả thiền. Tin đồn bắt đầu lan rộng khắp đất nước: “Anh ta không hành thiền nữa. Anh ta ca hát, tất nhiên, và còn nhảy múa, nhưng không hành thiền nữa.” Giờ đây ca hát là hành thiền của anh. Giờ đây nhảy múa là hành thiền của anh. Giờ đây toàn bộ phong cách sống của anh đều là sự hân hoan ca tụng.
Sống ở một bãi hỏa táng và hân hoan ca tụng ư? Sống ở nơi chỉ diễn ra cái chết và sống một cách vui vẻ ư? Đây là vẻ đẹp của Tantra – nó nối lại với nhau những điều trái ngược, những đối lập, những mâu thuẫn. Nếu bạn đi đến bãi hỏa táng, bạn sẽ cảm thấy buồn; sẽ khó để bạn vui vẻ được. Sẽ khó để bạn ca hát và nhảy múa ở nơi mà người ta bị hỏa táng còn bạn bè và người thân của họ gào khóc. Ngày qua ngày đều chỉ là cái chết và cái chết, cả ngày lẫn đêm đều là cái chết. Sao bạn có thể hân hoan?
1 Người theo Tantra.
Nhưng nếu bạn không thể hân hoan ở đó, thì tất cả những gì bạn nghĩ là niềm vui của bạn chỉ là giả tạo. Nếu bạn có thể hân hoan ở đó thì niềm vui đã thực sự xảy đến với bạn. Giờ đây nó là vô điều kiện. Giờ đây, dù cho cái chết hay sự sống xảy ra, dù cho ai đó sinh ra hay ai đó chết đi thì cũng chẳng có gì khác biệt.
Saraha bắt đầu ca hát và nhảy múa. Anh không còn nghiêm túc – Tantra không nghiêm túc. Tantra là sự vui đùa. Phải, nó chân thành – nhưng không nghiêm túc. Nó luôn vui. Sự vui đùa bước vào bản thể của Saraha. Tantra là sự vui đùa, bởi vì Tantra là dạng tiến hóa cao hơn của tình yêu. Tình yêu là sự vui đùa.
Có những người thậm chí không muốn tình yêu là sự vui đùa. Nhiều tôn giáo nói bạn chỉ nên làm tình khi bạn muốn sinh sản. Ngay cả tình yêu họ cũng biến thành công việc – “sinh sản”. Điều này thật xấu xí! Làm tình chỉ khi bạn muốn sinh sản – phụ nữ là cái máy đẻ hay sao? Sinh sản – từ này thật xấu xí. Tình yêu là sự vui đùa! Hãy làm tình khi bạn cảm thấy hạnh phúc, vui mừng, khi bạn ở trên đỉnh của thế giới. Hãy chia sẻ nguồn năng lượng đó. Hãy yêu người bạn đời của bạn khi bạn có phẩm chất của điệu vũ, bài hát và niềm vui – không phải khi bạn muốn sinh sản! Từ “sinh sản” thật tục tĩu! Hãy làm tình từ niềm vui, từ niềm vui dồi dào. Hãy cho đi khi bạn có nó.
Sự vui đùa bước vào bản thể của Saraha. Một người đang yêu luôn luôn có tinh thần vui đùa. Khoảnh khắc tinh thần vui đùa chết đi, bạn trở thành một người chồng hoặc một người vợ. Khi đó các bạn không còn là những người đang yêu nữa, khi đó các bạn sinh sản. Khoảnh khắc bạn trở thành một người chồng hay một người vợ, điều gì đó đẹp đẽ đã chết đi. Nó không còn sống động, tinh túy không còn chảy nữa. Giờ đây nó là giả vờ, là đạo đức giả.
RAHUL TRỞ THÀNH SARAHA
Tên ban đầu của Saraha là Rahul, cái tên do cha anh đặt. Người phụ nữ rèn tên gọi anh là Saraha. Saraha là một từ đẹp đẽ. Nó nghĩa là “người đã bắn mũi tên”. Khoảnh khắc mà anh nhận ra ý nghĩa những hành động của người phụ nữ, những điệu bộ mang tính tượng trưng đó, khoảnh khắc anh có thể đọc và giải mã điều cô cố gắng trao cho anh, điều cô cố gắng cho anh thấy, người phụ nữ vô cùng hạnh phúc. Cô nhảy múa và nói: “Bây giờ, kể từ hôm nay, anh sẽ được gọi là Saraha: Anh đã bắn mũi tên đi. Thấu hiểu được ý nghĩa những hành động của tôi, anh đã thâm nhập vào chân lí.”
Tantra là sự vui đùa, bởi vì Tantra là dạng tiến hóa cao hơn của tình yêu. Tình yêu là sự vui đùa.
Sự vui đùa bước vào bản thể của Saraha, và thông qua sự vui đùa, tôn giáo đích thực được sinh ra. Cực lạc của anh lan tỏa đến mức người ta bắt đầu tới để xem anh nhảy múa và ca hát. Khi mọi người đến xem, họ cũng sẽ nhảy múa và ca hát cùng anh. Bãi hỏa táng trở thành một nơi ngập tràn sự hân hoan ca tụng. Vâng, những cái xác vẫn được thiêu, nhưng ngày càng có nhiều người bắt đầu tụ tập xung quanh Saraha và người phụ nữ rèn tên, niềm vui sướng tột độ được tạo ra.
Nó lan tỏa đến mức những người chưa bao giờ nghe điều gì về cực lạc cũng tới nhảy múa, ca hát và rơi vào trong cực lạc. Chính rung động của anh, chính sự hiện diện của anh trở nên uy lực đến nỗi nếu bạn sẵn sàng tham gia với anh, nó sẽ xảy ra... nó là một kiểu “say lây”. Anh say đến nỗi cơn say nội tại của anh bắt đầu tràn sang những người khác. Anh chếnh choáng đến mức những người khác bắt đầu trở nên càng lúc càng chếnh choáng.
Thế rồi điều không thể tránh khỏi đã xảy ra: Những người Brahmin, các tu sĩ, các học giả và những người đạo đức bắt đầu gièm pha và phỉ báng anh. Tôi nói không thể tránh khỏi là bởi mỗi khi có một người như Saraha, các học giả sẽ chống lại anh ta, các tu sĩ sẽ chống lại anh ta, và những người được cho là phẩm hạnh – những người khắt khe về đạo đức, tự cho mình là đạo đức – sẽ chống lại anh ta. Họ bắt đầu lan truyền những tin đồn vô căn cứ về anh. Họ bắt đầu nói với mọi người: “Hắn đã đánh mất phẩm giá. Hắn là kẻ đồi trụy. Hắn không còn là một người Brahmin. Hắn không còn giữ lời nguyện độc thân. Hắn thậm chí không còn là nhà sư Phật giáo. Hắn phóng túng trong những thực hành đáng xấu hổ với một người đàn bà đẳng cấp thấp và chạy loạn xạ như một con chó điên.” Cực lạc của anh trông giống một con chó điên đối với họ – tất cả đều tùy thuộc vào cách bạn diễn dịch mọi thứ. Anh ấy đang nhảy múa khắp bãi hỏa táng. Anh ấy điên, nhưng anh ấy không phải một con chó điên – anh ấy là một vị thần điên! Nó tùy thuộc vào cách nhìn của bạn.
Nhà vua băn khoăn muốn biết chính xác chuyện gì đang xảy ra. Ngày càng nhiều người đến với anh. Họ biết rằng nhà vua luôn vô cùng nể trọng Saraha và ông đã muốn chỉ định anh làm cố vấn trong triều đình, nhưng anh chàng Saraha đó đã từ bỏ thế giới. Nhà vua buồn lắm. Ông yêu mến chàng thanh niên, tôn trọng anh nên ông lo lắng. Thế là ông gửi vài người đến thuyết phục Saraha: “Hãy trở về con đường trước đây của ngài. Ngài là một người Brahmin, cha ngài là một học giả lớn, bản thân ngài cũng là một học giả lớn – ngài đang làm gì vậy? Ngài đã lạc đường rồi. Hãy về nhà đi. Đức vua muốn ngài quay về cung điện và trở thành một phần gia đình của đức vua. Điều ngài đang làm là không tốt.”
Người ta nói rằng Saraha đã hát 160 câu thơ cho những người đến để cải hóa anh. Nghe 160 câu đó, mọi người bắt đầu nhảy múa và họ không bao giờ quay về nhà! Giờ đây đức vua thậm chí còn lo lắng hơn nữa.
Hoàng hậu cũng luôn luôn yêu thích chàng trai trẻ ấy. Bà muốn anh cưới con gái mình, cho nên bà đi gặp anh. Saraha hát 80 câu thơ cho hoàng hậu và bà không bao giờ quay về nhà. Bây giờ đức vua thực sự hoang mang: “Chuyện gì đang xảy ra thế này?” Cuối cùng nhà vua đích thân đi tới bãi hỏa táng, và Saraha hát 40 câu thơ cho ông. Nhà vua bắt đầu nhảy múa trên bãi hỏa táng như một con chó điên.
Cho nên có ba kinh sách mang tên của Saraha: một là, Bài ca cho dân chúng của Saraha, 160 câu thơ. Hai là, Bài ca cho hoàng hậu của Saraha, 80 câu thơ; và cuối cùng, Bài ca cho hoàng đế của Saraha. Có 160 câu thơ cho dân chúng bởi vì họ không thấu hiểu nhiều; 80 câu cho hoàng hậu – bà ở cao hơn một chút, bà thấu hiểu sâu sắc hơn; và 40 câu cho nhà vua bởi vì ông là người thông minh, nhận biết và thấu hiểu.
Bởi vì nhà vua đã được cải hóa nên dần dần cả vương quốc được cải hóa. Và những kinh sách cổ xưa nói rằng đó là một thời kì mà cả đất nước trở thành trống rỗng. Trống rỗng ư?! – Nó là một từ Phật giáo. Nó nghĩa là mọi người trở thành không ai cả, họ mất đi bản ngã của mình. Mọi người bắt đầu tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Hối hả, vội vàng, bạo lực, cạnh tranh, biến mất khỏi đất nước. Nó trở thành một đất nước im lặng. Nó trở nên trống rỗng... như thể không ai ở đó. Những “con người” như vậy biến mất, tính thần thánh lớn lao giáng xuống đất nước. Những câu thơ này của Saraha nằm ở gốc rễ của nó, chính cội nguồn của nó.