Võ Thị Minh Huệ
Chuyên viên tham vấn tâm lý
T
hời kỳ mang thai là một bước ngoặt của cuộc đời người phụ nữ. Có thể là khởi đầu cho một cuộc sống mới, cho niềm hạnh phúc và sự kiêu hãnh. Nhưng với một số phụ nữ, đó là bắt đầu một cuộc sống lo toan và đầy vất vả. Một đứa con khỏe mạnh, lành lặn và thông minh được ra đời trong vòng tay êm ái của cả nhà là niềm mơ ước của mọi bà mẹ. Nhưng cũng không ít người phải trải qua sự thấp thỏm, cô đơn và đau khổ trong những ngày chờ đợi đứa con của mình.
CẢM GIÁC ÁM ẢNH, SỢ HÃI
Chúng tôi gặp chị Huyên ở Gia Lai khi tổ chức chuyên đề “Thai giáo- Hai tiếng thay đổi cuộc đời con bạn”. Chị đang có thai tháng thứ ba, và đây là đứa con thứ hai của chị. Chị kể trong nước mắt: Lấy chồng ở tuổi hai mươi, háo hức được làm mẹ nên hai vợ chồng quyết định sinh con ngay. Nhưng ngày chị sinh con trở thành ngày cả nhà phải chứng kiến một nỗi đau khủng khiếp: Đứa bé trai nặng 3,5 kg nhưng bị dị tật bẩm sinh, gần như không nhận biết được gì xung quanh. Chị vật vã với nỗi đau và thất vọng. Rồi bản năng làm mẹ cũng giúp chị chấp nhận sự thật và chăm sóc con mình. Nhưng đứa trẻ chỉ sống được 6 tháng. Với chị, đứa con trai đầu lòng đã mang đi một nỗi thất vọng và lo âu chưa kịp giải thích. Chị không biết con chị bị bệnh gì, có phải là bệnh di truyền hay bị chất độc da cam? Chị sợ sinh tiếp đứa con thứ hai, vì chị không biết nó có cùng chung số phận như anh nó hay không. Nhiều khi chị định thôi không sinh nữa. Nhưng chị còn trẻ, anh lại là con trai một trong gia đình đông con. Nếu không được làm mẹ, chị sợ không thể vượt qua được dư luận và áp lực từ phía gia đình.
Khi có thai lần thứ hai, chị bắt đầu mất ngủ. Đêm đêm, chị nằm thao thức và bị hình ảnh đứa con trai bé bỏng ám ảnh tâm trí. Chị không nhớ chị đã khóc như thế nào, chị đã van xin ra sao để xua đi nỗi ám ảnh đó. Chị xua đi, thì đứa trẻ lại càng níu lấy chị. Chị lại thấy có lỗi với đứa con tật nguyền. Chị cảm thấy mình không hết lòng để giữ lấy nó cho mình.
Nhìn gương mặt xanh xao vì thiếu ngủ của chị, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có thai đã ba tháng nhưng bụng chưa thấy gì. Thậm chí chị còn bị sụt mất 5 kg. Không dám đi đâu vì sợ người ta biết mình có bầu, chị sợ người ta thương hại chị. Chúng tôi đã khuyên chị đi khám thai, làm các xét nghiệm, kiểm tra tim thai ở bệnh viện huyện. Phải ngồi hàng giờ để trấn an chị, phân tích cho chị hiểu chị phải làm gì để bắt đầu thích nghi với vai trò làm mẹ của mình. Chị cần lạc quan và sống vì đứa bé. Những gì đã qua, có thể là rủi ro và do số phận. Nhưng bây giờ, khi chị đang ươm mầm non mới trong cơ thể mình, chị không thể ôm quá khứ, không thể để tương lai lụi dần trong bi quan và lo sợ. Chính tâm trạng sợ hãi, bị ám ảnh của chị sẽ làm tăng thêm xác suất khiếm khuyết phát triển của thai nhi. Chúng tôi giúp chị đề cao vai trò làm mẹ, vực chị dậy để làm tròn bổn phận của một người mẹ đang mang đứa con trong lòng.
Suốt thời gian chị mang thai, các Hội viên của Hội quán Các bà mẹ đã theo dõi và cho lời khuyên về việc thai giáo của chị. Và niềm hạnh phúc ngập tràn khi chị sinh một cô bé nặng 2,7 kg, lành lặn và rất kháu khỉnh. Niềm vui của chị chính là niềm vui của chị em Hội quán Các bà mẹ. Nếu chị không kịp thời thoát khỏi nỗi ám ảnh, cứ sợ con mình bị dị tật thì có lẽ hai mẹ con chị không thể mạnh khỏe và hạnh phúc như bây giờ.
Có rất nhiều vợ chồng biết mình bị nhiễm chất độc da cam, hay biết mình bị những căn bệnh di truyền nhưng vẫn quyết định có con. Có gia đình 5 đứa con, cả 5 đều tật nguyền. Hoặc có những phụ nữ sinh nhiều lần, và những đứa trẻ ấy lần lượt chết vì những căn bệnh lạ. Nhưng họ vẫn muốn có con. Họ hy vọng sẽ sinh ra một đứa trẻ lành lặn để bù đắp cho những thiệt thòi mà những đứa khác phải chịu. Nhưng cũng có người khi sinh ra một đứa trẻ bị bệnh bẩm sinh, họ quyết định không sinh thêm con nữa. Họ sợ sự lặp lại của khổ đau, và họ thương những đứa trẻ sinh ra sau đó, có thể bị bệnh tật, hoặc phải chấp nhận gánh nặng khi có người anh, người chị bệnh tật như thế. Nó sẽ phải đảm đương vai trò chăm sóc anh chị khi bố mẹ không còn.
Sinh con thêm hay không, tùy nhận thức và quyết định của mỗi người. Nhưng các ông bố bà mẹ đừng vội chấp nhận sự thật phũ phàng, hãy khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe của những đứa trẻ với bác sĩ và những người có chuyên môn. Nếu thực sự, xác suất dị tật của những đứa con mình quá lớn thì không nên sinh con. Những đứa con không lành lặn, bệnh tật sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân sự tồn tại của trẻ.
CHƠI VƠI KHI LÀM MẸ MỘT MÌNH
Dáng người mảnh mai, nước da xanh và có đôi mắt đượm buồn, Mai vừa kể về mình vừa cố giấu cái bụng đã lùm lùm sau chiếc mũ. Cái bụng bầu là kết quả của một cuộc tình chóng vánh. Quen nhau được một tháng, với những lời hứa hẹn và góp gạo thổi cơm chung, có bao nhiêu tiền dành dụm, Mai sắm sửa đồ đạc để chuẩn bị cho cuộc sống của hai người. Không ngờ, khi biết Mai có thai, anh ta đã trốn mất. Anh ta bỏ đi không nói với cô một lời. Không biết tìm người yêu ở đâu, không biết phải làm gì, Mai không nói với ai về những gì mình đang chịu đựng. Phần vì xấu hổ, phần vì hy vọng một ngày nào đó người đàn ông ấy trở về nên cô đã buộc chặt bụng bầu và vẫn đi làm, thậm chí tăng ca. Với mọi người trong công ty, cô vẫn cố gắng làm việc bình thường, cười đùa tỏ ra vui vẻ. Cô không muốn mọi người biết mình có thai. Nhưng mỗi đêm về, cô thấy mình cô đơn khủng khiếp. Cô vừa sợ, vừa tủi thân, vừa thấy bế tắc. Cô không biết mình đang gánh vác một vai trò vô cùng quan trọng. Cô chỉ biết rằng, bụng cô đang lớn dần lên. Thậm chí khi đứa trẻ đạp, cô không biết mình nên buồn hay nên vui. Khi mấy người cùng phòng trọ phát hiện ra cô có thai và khuyên cô nên đi phá thai thì bào thai đã hơn 5 tháng. Có lẽ cô chưa bao giờ có một cảm giác tự hào vì được làm mẹ, mà thậm chí cô xấu hổ về điều đó.
Đối mặt với sự thật phũ phàng - cha của con mình là một người đàn ông hèn nhát và phản bội - Mai bắt đầu chuẩn bị cho việc làm mẹ “bất đắc dĩ” của mình. Cô không thể trốn chạy được, chỉ có cô mới có thể đảm đương vai trò này. Sau khi tư vấn với chuyên gia tâm lý, cô xác định những việc mình phải làm. Không còn nhiều thời gian cho trách móc, bi lụy. Cũng không còn hy vọng gì ở người đàn ông mà đợi mà chờ, tự cô phải vươn lên để sống. Cô chuyển sang phòng trọ ở cùng mấy người bạn gái cùng quê. Vừa đỡ tiền phòng vừa được mọi người quan tâm chăm sóc. Và điều mà cô tưởng chừng mình không bao giờ làm được là gọi điện về báo với bố mẹ về những gì đang xảy ra với mình. Cùng với sự thuyết phục của các thành viên Hội quán Các bà mẹ, gia đình đã hiểu và sẵn sàng đón Mai về nhà sinh nở.
Quan hệ tình dục trước hôn nhân đang là mối lo ngại hiện nay của toàn xã hội. Nhiều người hoàn toàn chưa chuẩn bị cho một cuộc sống gia đình, khi có “hậu quả” thì bối rối và lẩn tránh trách nhiệm. Do không có kiến thức về tình dục an toàn và lành mạnh, nhiều người phụ nữ phải chịu hậu quả một mình. Khi người mẹ lo lắng, uất hận, hay bơ vơ trong cô đơn, những đứa trẻ ra đời sẽ thiếu tự tin, gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người khác. Những người phụ nữ mang thai một mình, cần có sự quan tâm của gia đình, bạn bè. Quan trọng, bản thân họ phải xác định được trách nhiệm của mình. Có thể bị lừa gạt, bị bố của đứa trẻ bỏ rơi, nhưng người phụ nữ không thể đổ lỗi hết cho người đàn ông. Trước khi góp gạo thổi cơm chung sống như vợ chồng, phụ nữ cần biết cái được, cái mất của mình.
Nếu như bất đắc dĩ phải làm mẹ một mình, người phụ nữ cần xác định đó là một thử thách lớn của đời mình, một bước ngoặt lớn và một tương lai không hoàn toàn sáng sủa. Nhưng trong cuộc sống cũng có những phần thưởng dành cho những người phụ nữ có nghị lực. Nhiều gia đình một mẹ một con nhưng con cái vẫn học giỏi, ngoan ngoãn, đặc biệt là rất thương mẹ. Sinh ra một đứa trẻ đã khó, nhưng dạy con nên người là một việc khó khăn hơn nhiều, nhất là đối với những bà mẹ đơn thân.
CẢM GIÁC HỐI HẬN, GIÀY VÒ
Một cuộc điện thoại hơn hai tiếng đồng hồ từ Long An qua tổng đài 1088 đã giúp chị Ái giải tỏa ít nhiều cảm giác giày vò và hối hận. Chị tìm ra được một niềm an ủi và một lối thoát cho mình. Hai vợ chồng chờ đợi hai năm mà chưa có con. Thỉnh thoảng, vì bất đồng quan điểm sống và nóng lòng chờ con nên hai vợ chồng lại giận dỗi nhau. Giận rồi lành, vợ chồng nào cũng có lúc thế. Nhưng lần này, không hoàn toàn dễ dàng đối với chị. Trong khi giận chồng, chị đã gặp lại người yêu cũ. Sau lần đó, chị có thai. Hai năm trông chờ, chị từng hình dung mình sẽ mừng như thế nào khi biết mình được làm mẹ. Nhưng bây giờ, khi có thai thì chị lại rối bời. Vợ chồng làm lành, chị báo chị có thai. Chồng và cả gia đình vô cùng mừng rỡ. Chồng chị càng chăm sóc, chị càng muốn lảng tránh. Chị sợ chồng phát hiện ra rằng mình đã gặp người yêu cũ. Và chị sợ người yêu cũ biết mình đang có thai sau lần hai người gặp nhau ở khách sạn. Chị không còn cảm giác vui mừng, không hân hoan và cũng không muốn cả hai người đàn ông quan tâm đến mình. Mỗi lần chồng mua về những món ăn chị thích, chị tránh cái nhìn năn nỉ và âu yếm của anh. Mỗi lần thấy chồng háo hức với vai trò làm bố, chị lại thấy mình có tội. Chị không quen nói dối, lần nói dối đầu tiên lại liên quan đến quá nhiều người thân yêu, đặc biệt là đứa con đang lớn dần lên trong bụng mình. Chị không biết có giấu nổi những gì đã xảy ra với chị mãi không. Đôi lúc, chị muốn nói hết với chồng rồi xin anh tha thứ. Đôi lúc chị muốn nhắn tin bắt đền người yêu cũ. Vì một phút yếu lòng mà chị phải chịu đựng cảnh dối lừa. Chị loay hoay với những ý nghĩ hối hận, buồn chán và thậm chí chị quên mất vai trò làm mẹ của mình. Chị không còn thấy mình xứng đáng được làm mẹ.
Sau khi chia sẻ được với chuyên gia tâm lý, chị bắt đầu thấy bình tâm hơn. Dù là con ai, của chồng hay của người yêu cũ thì đứa con cũng là con của chị. Đứa con mà chị đã mong đợi suốt bao nhiêu ngày qua. Nếu nói ra hết những nghi ngờ của mình với chồng, chắc gì chị nhận được sự cảm thông của anh ấy. Thậm chí, sự ghen tuông và lòng tự trọng sẽ làm gia đình chị tan vỡ. Hoặc anh ấy không thoát ra được khỏi suy nghĩ bị phản bội và suốt đời sẽ hành hạ chị. Nếu nói với người yêu cũ rằng hai người đang có con chung, anh ấy sẽ không đành lòng để chị phải chịu vất vả một mình. Nhưng còn gia đình, vợ con anh ấy. Anh ấy không thể vì một đứa trẻ sắp ra đời mà bỏ hết tất cả những gì anh đang có. Và biết đâu được, anh sẵn sàng chối bỏ “hậu quả” của cuộc gặp gỡ vụng trộm, rồi chị càng thêm đau đớn vì sự hèn nhát của người đàn ông mình từng thương yêu.
Đứa con bé bỏng của chị cần có mẹ, có bố. Nó là đứa trẻ vô tội. Dù muốn hay không thì nó cũng sẽ được sinh ra. Và số phận nó sẽ như thế nào khi nó không được ai thừa nhận. Có thể đến lúc nào đó, chị sẽ nói hết với chồng, nhưng không phải lúc này. Chị cần có một tâm lý ổn định để cho đứa con của chị sinh ra khỏe mạnh và thông minh. Khi xác định được điều đó, chị thấy nhẹ lòng. Chị xác định mình sống cho con, cho đứa trẻ mà chị từng mơ ước. Chị bớt đi nỗi lo sợ với chính mình. Chị bắt đầu chia sẻ với chồng những cảm giác thay đổi của một phụ nữ mang thai. Chị biết, anh đang hạnh phúc với vai trò mới, chị biết ơn anh về những gì anh đang dành cho chị. Chị không muốn lừa dối bất cứ ai, nhưng chị cần có sự bình yên của một thai phụ. Chị sẽ làm tròn bổn phận của mình, một người mẹ. Lỗi lầm của chị, chị sẽ phải trả giá, nhưng chị không thể để đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả từ sai lầm của mình.
LẠC LÕNG, BƠ VƠ NGAY TRONG CĂN NHÀ CỦA MÌNH
Chị Lan mang thai lần thứ ba, hai đứa con gái xinh xắn của chị đã lớn.
Chị đang chịu một áp lực rất lớn từ ông chồng gia trưởng của mình: “Con gái là con người ta”, anh quyết tâm lần này phải sinh một thằng con trai. Anh giao trách nhiệm nặng nề đó cho chị. Hai vợ chồng cũng áp dụng các “bí quyết” để sinh con trai, trong sách vở và cả truyền miệng. Chị đã phải chịu những tháng ngày vô cùng căng thẳng khi chờ đợi kết quả. Chị chỉ biết cầu nguyện và mong có một phép mầu để mình làm được những gì chồng mong muốn. Siêu âm biết rằng sẽ sinh con gái, chị cảm thấy suy sụp. Chồng chị không nói một lời, không trách móc, không nạt nộ. Nhưng anh không còn để ý tới chị như trước. Anh bắt đầu đi sớm về muộn. Thậm chí có lúc qua đêm đâu đó, mùi rượu có, mùi nước hoa lạ có. Chị lặng lẽ giống như mọi tội lỗi thuộc về mình. Thà anh làm ầm lên, có lẽ chị còn thấy nhẹ lòng hơn. Chị vẫn ở trong nhà mình mà như người khách, không ai quan tâm chị đã ăn gì chưa, mệt hay khỏe. Thậm chí có lúc bà mẹ chồng lại còn chì chiết “nhà này bây giờ đã thành ổ vịt trời” làm chị thấy chua xót. Chị, hai đứa con gái xinh xắn và đứa con bé bỏng trong bụng đâu có tội tình gì. Sao chồng chị và gia đình chồng lại gán cho chị một cái tội “không biết đẻ”. Chị mệt mỏi, chán chường. Đã có lúc chị muốn buông xuôi.
Chị tìm đến chuyên gia tâm lý và được tư vấn về tầm quan trọng của tâm lý người mẹ trong thời kỳ mang thai đối với đứa trẻ. Khi bà mẹ mong muốn con trai, có thể bé gái sinh ra sẽ có tính cách và thậm chí hình thức hơi “nam tính”. Thậm chí có thể làm lệch lạc giới tính của đứa trẻ. Chị hiểu rằng, giới tính đã được xác định, chị không thể thay đổi được. Thay vì buồn bã và thất vọng, chị sẽ cố gắng ăn uống, nghĩ dưỡng, đặc biệt là vui vẻ để cô con gái của chị sẽ vui tươi xinh xắn. Chị sẽ chứng minh với chồng rằng, con gái chị sẽ là đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Chị hy vọng khi cô con gái này ra đời sẽ thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ của chồng và gia đình chồng. Chị muốn chồng chị sẽ không phải thất vọng với những đứa con gái của chị.
Nhiều người đàn ông đặt nặng vấn đề con trai hay con gái và đã vô lý trách móc vợ khi sinh ra toàn con gái. Ai cũng muốn có nếp có tẻ, có con trai để nối dõi tông đường. Nhưng việc sinh con trai hay con gái hoàn toàn là do tự nhiên, nếu không muốn nói trách nhiệm phần lớn là do người đàn ông, vì trong trứng của người phụ nữ chỉ có nhiễm sắc thể XX, chính nhiễm sắc thể XY của người đàn ông mới quyết định việc thai nhi là trai hay gái. Cho nên việc một số ông chồng đổ lỗi “không biết sinh con trai” cho vợ là điều vô lý, vô tâm và thậm chí là vô trách nhiệm. Hiện nay, nam nữ bình đẳng, con trai hay con gái đều có thể đảm nhận vai trò lớn trong gia đình, đâu phải chỉ có con trai mới có thể làm chỗ dựa cho bố mẹ. Điều quan trọng là những đứa con phải được giáo dục là người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Còn bao nhiêu cảm xúc buồn vui lẫn lộn của người phụ nữ mang thai, có nước mắt và có nụ cười, có hy vọng và thất vọng. Điều quan trọng nhất là bản thân người phụ nữ phải thấy được vai trò của mình khi được làm mẹ. Khi cân bằng được cuộc sống, người mẹ sẽ vượt qua được mọi trở ngại trong suốt những ngày mang nặng đẻ đau. Dù chờ đợi hay bất ngờ, dù cố tình hay bất đắc dĩ, thời gian mang thai luôn là những tháng ngày đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người phụ nữ.