Nguyễn Thị Thanh Thúy
Chuyên viên xã hội học
T
ình trạng sức khỏe, trạng thái tâm lý của người mẹ khi mang thai có ảnh hưởng rất nhiều tới thai nhi. Suốt quá trình thai nghén và sinh nở, người phụ nữ luôn chịu đựng một mình những thay đổi bất thường về thể chất và cả những biến đổi tâm sinh lý. Vì thế thai phụ rất cần được bảo bọc trong một “chiếc chăn nhung” do chính mình và các thành viên trong gia đình dệt nên.
Khi người phụ nữ mang thai, nếu chỉ chăm sóc về mặt vật chất thôi thì chưa đủ mà chúng ta còn cần phải giúp cho họ có một trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ, không lo âu buồn phiền trong suốt thời kỳ mang thai.
Có như vậy đứa trẻ sinh ra mới thật sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, là điều kiện để trẻ phát triển hài hòa sau này.
Nếu như bào thai là kết quả của tình yêu thực sự giữa vợ chồng, thỏa mãn kỳ vọng của cả gia đình thì việc có thai sẽ củng cố bầu không khí hòa thuận, đầm ấm khiến các thành viên thêm vui vẻ, chăm sóc và thương yêu nhau hơn. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có một thái độ thiện chí và giúp người mẹ chăm sóc cho thai nhi một cách cẩn thận, chu đáo. Thái độ ân cần, niềm nở, vui vẻ của mọi người trong gia đình sẽ là nguồn động viên lớn giúp cho người phụ nữ vượt lên những khó khăn khi mang thai.
Ngược lại, sự lo âu, buồn phiền, chán nản, thất vọng, bực tức, cáu giận hoặc những cảm xúc như hồi hộp, ngạc nhiên, vui vẻ quá mức đều là những trạng thái tâm lý có ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Bởi những cảm xúc mạnh như lo âu, phiền muộn, căng thẳng kéo dài trong thời kỳ mang thai sẽ gây ra những biến đổi nội tiết trong máu của người mẹ rồi truyền sang đứa con qua nhau thai. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm cho hệ thần kinh của trẻ sinh ra dễ bị kích động.
Như vậy rõ ràng môi trường xung quanh có sự tương tác mật thiết với bào thai, nên việc thai giáo đạt kết quả tốt nhất cần được thực hiện với sự góp sức của cả nhà, trong đó người mẹ đóng vai trò quan trọng nhất.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ
• Chuẩn bị tốt nhất về tâm lý
• Tích lũy kiến thức nuôi dạy con
• Chăm sóc sức khỏe bản thân
• Thực hành nuôi dưỡng thai theo khoa học
Trong giai đoạn mang thai, bà mẹ cần lưu ý những điều sau:
Khám thai: Dù không thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào, mọi sản phụ đều nên đi khám thai định kỳ theo lịch sau:
• 3 tháng đầu: Khám 1 lần, xác định thai nằm trong hay ngoài dạ con, xác định tuổi thai.
• 3 tháng giữa: Mỗi tháng, tầm soát bất thường thai, chích ngừa 2 lần từ sau 22 tuần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
• 2 tháng kế tiếp: Mỗi 2 tuần 1 lần khám, đánh giá thai phát triển.
• 1 tháng cuối: Mỗi tuần khám 1 lần, tiên lượng cuộc sinh.
Nếu bị bất kỳ bệnh gì trong khi mang thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để hướng dẫn và phối hợp điều trị.
Dù chưa đến lịch hẹn tái khám, thai phụ cũng nên đi khám ngay lập tức nếu thấy chỉ một trong các dấu hiệu sau:
Luôn ghi nhớ: Một sản phụ khỏe mạnh không đồng nghĩa chắc chắn sẽ sinh ra một em bé khỏe mạnh, vì giữa mẹ và bé còn có bánh nhau và dây rốn có thể bị tổn thương.
• Trằn bụng giống như sắp hành kinh, đau bụng dưới
• Bụng không to đều trong 2 tuần, theo dõi liên tiếp từ khi thai được 10 tuần trở lên
• Trong 3 tháng đầu mà hết nghén đột ngột
• Chảy sữa non trước sinh
• Ra huyết âm đạo dù ít, khí hư nhiều, ra nước
• Thai cử động yếu: ít hơn 1- 2 lần mỗi giờ hay không cử động trong 2-3 giờ liên tục
• Nhức đầu, ói mửa quá mức, ói ra máu, phù tay - chân - mặt, gồng người hoặc bị co giật
• Khó thở về đêm phải ngồi dậy, ngất
• Đau vùng vết mổ lấy thai cũ, đặc biệt khi không gò bụng
• Sau khi bị té hay chấn thương vùng bụng
• Biểu hiện nặng thêm của bệnh có sẵn trước khi mang thai lần này.
Siêu âm: Phụ nữ mang thai cần lưu ý đến việc khám thai trong các thời điểm quan trọng của thai kỳ. Nên siêu âm tối thiểu 3 lần như sau:
Lần 1: Vào tuần thứ 12 của thai kỳ để biết phôi thai có tốt không (bao gồm cả việc đo độ mờ da gáy của thai nhi để kiểm tra hội chứng Down), tính ngày dự sinh, đo tim thai và xác định độ giãn nở của tử cung.
Lần 2: Vào tuần thứ 22 của thai kỳ (tầm soát thai) để kiểm tra sự phát triển của em bé, đo các chi thể, chân có khoèo hay không, chiều dài từ đầu đến xương cụt, đường kính sọ não, bụng, xác định sự hiện diện của các cơ quan.
Lần 3: Vào tuần thứ 32 của thai kỳ nhằm tầm soát một số điều khác thường về hình thái, hình dạng cấu tạo của thai nhi nếu trước đó chưa thấy (Đối với các bà mẹ có bệnh lý như tiểu đường, suy thận, huyết áp… sẽ được kiểm tra rất kỹ). Bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí, tư thế của bào thai và xem khối lượng nước ối, v.v.
Việc kiểm tra sức khỏe thai kỳ vào đầu thời kỳ mang thai thường tỉ mỉ, kỹ lưỡng nhất. Việc này được thực hiện vào giai đoạn giữa tuần thứ 8 và tuần thứ 12 của thai kỳ với hàng loạt các xét nghiệm, đánh giá để theo dõi sự phát triển của mẹ và bé.
Xét nghiệm máu: Thường ở thời kỳ đầu mang thai, bạn sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm máu.Việc kiểm tra bao gồm:
• Xét nghiệm xác định nhóm máu.
• Kiểm tra những tình trạng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Kiểm tra sự miễn dịch của cơ thể bạn đối với bệnh Rubella, kiểm tra chứng thiếu máu.
Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm kiểm tra hàm lượng đạm và hàm lượng đường trong cơ thể. Lượng protein cao là dấu hiệu của chứng tiền co giật. Lượng đường trong nước tiểu cao là dấu hiệu của chứng tiểu đường thời kỳ thai nghén. Bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu cũng sẽ được phát hiện sớm khi thực hiện các xét nghiệm này.
Kiểm tra nhịp tim của thai nhi: Giúp các bà mẹ bớt lo lắng khi thỉnh thoảng họ thấy đứa con trong bụng mình không cử động.
Đếm số lần thai máy: Mỗi giờ, thai cần máy ít nhất 1 lần.
Chuẩn bị tốt cho việc làm mẹ sẽ giúp thai phụ ít bị cảm giác buồn nôn và những cảm giác khó chịu vào buổi sáng; bớt lo lắng về cảm giác đau đớn khi vượt cạn; tự tin trong việc sinh con, nuôi con; tránh được trạng thái trầm cảm sau khi sinh.
Các bà mẹ phải biết cách tự chăm sóc bản thân mình vì đứa con tương lai, phải biết những gì nên làm và việc gì không nên làm. Phải nghiêm túc tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hàng ngày.
Trong trường hợp có nguy cơ sinh non, bạn hãy bàn bạc với chồng để bạn có thể tạm nghỉ ở cơ quan, tập trung nghỉ ngơi và chỉ làm những việc nhẹ nhàng, không được đi chơi xa.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA
Bên cạnh sự hỗ trợ y tế, sự quan tâm và động viên của người bạn đời là vô cùng quan trọng đối với thai phụ. Các ông chồng hãy chủ động trang bị cho mình một “cặp kính màu hồng” trong lúc vợ mang thai để có thể nhìn ra những nét đáng yêu khác của vợ mình, để cùng vợ vượt qua một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và trong cuộc sống hôn nhân. Các ông chồng cũng đừng vì những thay đổi về hình dáng hay tính tình của vợ mà có những lời đùa giỡn hoặc ứng xử không hay. Hãy đón nhận những thay đổi đó như một phần tất yếu của đời sống vợ chồng mà gia đình nào rồi cũng phải trải qua. Và hãy bên cạnh người vợ của mình trong lúc sinh nở, hay những lúc khó khăn trong quá trình chăm sóc con cái sau này.
Động viên bằng lời nói: Thể hiện sự yêu thương, trân trọng và thông cảm với những vất vả mà người vợ đang phải chịu đựng khi mang thai đứa con của mình. Những lời nói tình cảm, sự âu yếm và cử chỉ dịu dàng của chồng sẽ tạo thêm sức mạnh cho người vợ đồng thời gắn kết sâu sắc hơn tình cảm giữa vợ chồng.
Chia sẻ bằng hành động: Người chồng không thể mang thai hộ vợ nhưng có thể làm một trợ thủ đắc lực, cùng lúc có thể hoàn thành nhiều vai trò khác nhau:
• Nhà nội trợ: Đi chợ, nấu ăn - có khi giữa khuya vẫn đi mua một món đặc biệt mà phụ nữ mang thai bất chợt thèm ăn (nhớ nhắc nhở vợ mình không nên ăn quá khuya).
• Người giúp việc: Đỡ đần tích cực trong các công việc nhà, càng nhiều càng tốt.
• Tài xế: Việc đi lại của phụ nữ đang mang thai rất khó khăn. Các ông chồng không nên để vợ tự lái xe, nhất là những đợt đi khám thai định kỳ, cho dù vợ có tự đi được thì cô ấy cũng dễ tủi thân khi đi một mình.
• Bác sĩ: Phải cùng nhau tìm hiểu về kiến thức thai sản để chăm sóc dưỡng thai theo khoa học. Phương châm: “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”.
• Nhân viên massage: Khi thai nhi được 4 tháng tuổi trở lên, mỗi tối chồng nên massage cho vợ, giúp vợ thư giãn toàn thân, điều hòa hơi thở và có giấc ngủ sâu. (Xem bài Các bài tập thể dục giữ gìn sức khỏe khi mang thai và sinh con, phần Massage lưng, trang 86).
Ngoài ra, người chồng cũng phải biết tạo không khí thật thoải mái trong gia đình khi người vợ mang thai, tránh làm cho vợ bị sốc hay bị stress, căng thẳng về tinh thần. (Nhưng phụ nữ cũng cần cư xử, hành động tế nhị, đúng mực, đừng lợi dụng lúc này để “ăn hiếp” chồng).
Luôn nhớ để mắt và nhắc nhở vợ mình chú ý khi ngồi, nằm, nhặt hoặc nâng một vật, điều chỉnh tư thế đúng khi mang thai để giúp cho cơ lưng và cơ bụng không bị kéo căng quá mức.
Và hãy bên cạnh người vợ của mình trong lúc sinh nở. Các ông chồng đã đồng hành với vợ trong suốt những tháng ngày vợ mang thai, chuẩn bị tất cả những kiến thức, tinh thần và vật chất, thì sự có mặt trong giây phút quan trọng này sẽ mang lại cho người vợ một cảm giác được yêu thương trọn vẹn. Chỉ cần một nụ hôn nhẹ, một vòng tay ấm áp, một nụ cười biết ơn của chồng, người vợ sẽ quên đi cảm giác đau đớn và mệt mỏi của phút giây “vượt cạn”.
VAI TRÒ CHUNG CỦA HAI VỢ CHỒNG
Trong thời gian người vợ mang thai, các cặp vợ chồng nên theo phương pháp của bác sĩ Frans Veldman (Hà Lan). Đó là phương pháp HAPTONOMIE: Khoa học của sự trìu mến và yêu thương. Phương pháp này đã được minh chứng bằng thực nghiệm là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thai phụ khi sinh cũng như cho sự phát triển của trẻ sau sinh.
“Nếu cha mẹ xây dựng mối liên hệ mật thiết với thai nhi khi nó mới tượng hình, điều đó sẽ giúp cho việc sinh nở được dễ dàng hơn, tự nhiên hơn và có thể không cần đến sự can thiệp bằng những phương pháp gây tê cục bộ hoặc phẫu thuật cục bộ.”
(Tạp chí Paris Match)
Cụ thể, cả hai vợ chồng nên cùng nhau thực hiện những việc sau:
• Người chồng cùng mang thai với vợ bằng cách chia sẻ, gánh vác những công việc nặng, quan tâm đến nhu cầu tâm lý tình cảm của vợ. Qua đó, tổ ấm gia đình được củng cố, quan hệ tình cảm giữa con cái với bố mẹ đã hình thành ngay khi đứa bé còn trong lòng mẹ.
• Vợ chồng cùng nhau đi dạo để hít thở không khí trong lành và làm cho tâm trí sảng khoái. Nên chọn những công viên gần nhà vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối, chú ý tránh vận động mạnh.
• Cùng nhau tìm hiểu về kiến thức thai sản để chăm sóc dưỡng thai theo khoa học. “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”, do đó cần có những hiểu biết nhất định về một số bất thường của mẹ và bé để đưa ra những yêu cầu, đề nghị can thiệp kịp thời. Cuốn sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được xem là tài liệu hướng dẫn rất bổ ích của nhiều bà mẹ, ông bố.
• Cùng cười vui với mọi người, giữ nét mặt thật rạng rỡ.
• Xem thai nhi như một đứa trẻ thật sự, biết cảm xúc, biết tiếp nhận tình cảm thương yêu của bố mẹ. Cả hai vợ chồng cùng âu yếm, vuốt ve, nói chuyện, hát, nói đùa với thai nhi, hình thành một quang cảnh gia đình đầm ấm, cả nhà đang vui đùa cùng con.
• Cả nhà cùng nhau đặt một tên thân mật cho bé và dùng tên này để nói chuyện với bé khoảng 15 phút/ ngày, đây là cách rất tốt để mọi người gắn kết lại với nhau. Chú ý chọn những tên dễ gọi, ngộ nghĩnh, vui nhộn, có ý nghĩa, ít trùng lắp…
• Bàn bạc và thống nhất với nhau sẽ sinh bé ở bệnh viện nào. Việc chọn nơi sinh tốt là rất cần thiết, tuy nhiên không phải bệnh viện quốc tế nổi tiếng viện phí cao mới là tốt. Thực ra nếu không có gì bất thường thì chỉ cần một bệnh viện có chuyên khoa Sản ở gần nhà, vệ sinh tốt, không quá đông đúc là có thể an tâm rồi.
• Khi sắp đến ngày sinh, cần chuẩn bị:
+ Tên, địa chỉ và số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ, nữ hộ sinh và một bác sĩ sản khoa dự phòng. Thêm số điện thoại của người thân sẽ đưa bạn đến bệnh viện (nếu không ở cùng nhà với bạn) hoặc của một dịch vụ cấp cứu trong trường hợp bạn cần một sự trợ giúp khẩn cấp.
+ Tuyến đường nhanh nhất và dễ nhất đến bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản. Lưu ý cả lối vào dành cho sản phụ.
VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI THÂN KHÁC (BỐ MẸ, ANH CHỊ EM)
Những người thân trong gia đình có vai trò tích cực mà không người giúp việc nào thay thế được. Họ là những người rất cần thiết để san sẻ những lo âu và chia sẻ niềm tự hào của người sắp làm mẹ.
• Chia sẻ kinh nghiệm mang thai và sinh nở.
• Tạo không khí gia đình chan hòa tình thương yêu, cho thai phụ cảm giác được quan tâm, thai nhi được vỗ về.
• Giúp thai phụ làm những việc nặng nhọc.
• Chăm sóc em bé lớn (nếu có).
• Tạo tâm lý tốt cho các bé lớn chào đón đứa em của mình, khuyến khích bé cùng đi mua sắm đồ cho em, giúp bé sớm xây dựng tình thương yêu với em từ khi em con trong lòng mẹ. Những cuốn sách như “Làm sao có em bé?”(*) hoặc ”Đời sống của em bé”(**) có thể xem là “giáo trình” tốt để cả nhà giải thích cho bé lớn biết về em bé sắp chào đời.
(*)Tác giả Andrew C. Andry và Steven Schepp. Người dịch: Nguyễn Hà, Nhà Xuất Bản Trẻ.
(**)Nhà Xuất Bản Tổng Hợp T.P Hồ Chí Minh.
• Cùng tham gia các lớp tiền sản để được các chuyên viên y tế cập nhật thêm kiến thức khoa học mới và bổ ích về mang thai và sinh con...
Bên cạnh đó những người thân cần tránh thực hiện các hành vi sau:
• Tránh tranh cãi, la lối với nhau gây bất hòa trong gia đình. Tối kỵ việc la mắng hay cáu gắt khủng bố tinh thần với chính thai phụ. Việc thay đổi hormone trong quá trình mang thai và những bất đồng quan điểm trong dưỡng thai là những nguyên nhân dễ gây ra các xung đột gia đình. Lúc này những người thân cần hết sức kiềm chế để duy trì hòa khí gia đình.
• Tránh làm cho thai phụ hoang mang vì những quan niệm đã lỗi thời, lạc hậu như là kiêng quan hệ tình dục hoặc kiêng tắm rửa (thật ra thai phụ cần tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh thân thể, chỉ không nên tắm bồn mà tắm bằng vòi sen, đồng thời phải cẩn thận chú ý an toàn mỗi khi vào nhà tắm trơn trượt).
• Hạn chế những hoạt động gây độ ồn cao như hát Karaoke, tiệc tùng lớn, sửa chữa nhà cửa khi trong nhà có người thân đang mang thai.
Tóm lại, những lời nói âu yếm, sự quan tâm chăm sóc của các thành viên trong gia đình là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi. Sự yên tĩnh với bầu không khí yên bình hòa thuận trong nhà sẽ là môi trường xanh cho sự phát triển hài hòa của bào thai. Bản thân người mẹ khi được sống trong tình yêu thương của mọi người cũng được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và niềm vui để hoàn thành tốt giai đoạn đầu tiên trong sứ mệnh làm mẹ cao cả của mình.