- Võ Thị Minh Huệ
(nói thay con trai)
V
ậy là mình đã tròn 3 tháng. Mẹ bảo mình không còn là trẻ sơ sinh nữa. Vậy mình là ai? Mình là một thằng con trai bé xíu? Một gã đàn ông vạm vỡ nay mai? Làm trẻ con khó thật, nếu mình biết nhiều thì bị gọi là “cụ non”, nếu mình ngây ngô thì mọi người bảo mình “khờ quá”. Nếu mình khóc thì bảo mình hư (mà mình có còn vũ khí hay phương tiện nào ngoài tiếng khóc đâu). Nếu mình nằm chơi một mình thì bảo mình hiền quá và sau này dễ bị vợ bắt nạt. Cuộc đời mình mới được một đoạn tý teo mà bao nhiêu điều phải lăn tăn suy nghĩ. Mình thích những ngày tháng êm đềm nằm trong bụng mẹ. Có nằm trong đó mới hiểu làm mẹ khó biết nhường nào.
MẸ LÀ BÀ BẦU HẠNH PHÚC - MÌNH TỰ HÀO VỀ ĐIỀU ĐÓ
Mình nhớ cái cảm giác lạ lùng khi thấy mẹ mừng đến rơi lệ đưa cho bố xem cái que thử thai với hai vạch “hoành tráng”. Bố ôm chặt hai mẹ con, bố cảm ơn mẹ và nhắn nhủ mình, “thề thốt” rằng sẽ luôn bên cạnh mình. Ngày hôm đó là một ngày dài nhất trong cuộc đời mình. Mẹ gọi điện í ới, nhắn tin ì xèo thông báo với mọi người về việc xuất hiện “người thứ ba” trong tổ ấm này. Mình biết, mọi người đã chờ mình, và mình tự hào về sự có mặt của mình. Mẹ soi gương và trả lời cố ngoại về các biểu hiện khác trước. Ngày xưa không có que thử, người già chỉ nhìn chân mày xem có xếch và cổ có nổi gân xanh không để nhận biết “bà chửa”. Cố ngoại còn kể là mấy cô gái chửa hoang có khi chưa biết mình có thai đã bị người ta dị nghị vì những dấu hiệu đó (khổ thật!).
Mấy ngày sau đó, mẹ bắt đầu lợm giọng và buồn nôn vào buổi sáng. Mẹ gọi điện cho bà ngoại vì thấy quá lo lắng. May mà bà ngoại động viên rằng đó là chuyện rất bình thường, mẹ được trấn an, mình cũng thấy đỡ lo hơn. Những lúc như thế, mẹ ngậm một lát gừng, lần đầu tiên trong đời, mình bắt đầu cảm nhận vị nồng cay của gừng. Hơi khó chịu một chút nhưng để mẹ dễ chịu thì mình cố được.
Dù rất mệt, rất khó chịu nhưng mình thấy mẹ luôn vui vẻ. Mẹ cứ xoa bụng và năn nỉ mình “thích ăn gì đó đi con”, mẹ mong được làm “bà rở”. Rở là thèm một hay nhiều thứ gì đó. Người thì thèm chua, người thì thèm ngọt, người thèm bia, cà phê, thuốc lá. Nghe đâu có người rở còn đập gạch ra nhai rau ráu. Mẹ thì chẳng ăn được gì, thậm chí thấy gì cũng sợ. Có hôm đang ngồi nghe kể chuyện về thịt bò mà mẹ đã lao đi tìm chậu. Bố còn bảo mẹ dạo này thính mũi mà lại ù tai, hoa mắt, thật chẳng giống ai. Mỗi lần mẹ ói mật xanh mật vàng ra, mình cứ lo mẹ chết mất. Vậy mà xong trận đó là mẹ lại rửa mặt và nhoẻn miệng cười. Thật kỳ diệu, nụ cười của mẹ vẫn tươi. Có lẽ nụ cười của mẹ đã làm mình an tâm hơn, đỡ áy náy hơn.
Bố tặng mẹ một cuốn sách: “Chăm sóc mẹ và bé”. Trời đất, so với tuổi của mình lúc đó, em bé trong ảnh nó bé tý teo. Mình có cảm giác là còn rất lâu nữa mình mới “thành người” được. Em của ngoại mình mang đến cho mẹ một loạt sách về Thai giáo “Dạy con từ 0 tuổi”. Thì ra, ngày xưa các cụ nhà mình gọi là dưỡng thai, nay đã có ngành khoa học nghiên cứu và được gọi là Thai giáo (nghe hoành tráng hơn nhiều). Mẹ bảo mẹ sẽ cùng mình thực hiện những bài thai giáo, dù đòi hỏi kiên trì và chịu khó.
Tâm lý của mẹ rất tốt, mẹ đã chờ đợi mình hai năm nay nên sự xuất hiện của mình không có gì là bất ngờ. Nhưng mẹ rất hồi hộp với vai trò làm mẹ của mình. Bố cũng vậy, cứ cuống quýt với mẹ con mình. Nhận lương về, bố tậu ngay một chiếc MP3, đủ sức chứa rất nhiều bản nhạc. Nhạc không lời cổ điển có, hiện đại có, nhạc mới có, cũ có…, vậy mà mình thích nhất mấy bài dân ca. Bố mẹ trêu mình là “có tinh thần dân tộc” (không biết có phải vì thế mà cả nhà gọi mình là cu Khoai không?). Có lẽ những làn điệu hát ru, dân ca ba miền làm cho mình thấy thân thiện với cuộc sống xung quanh mình hơn. Mẹ hay mở ti vi và xem phim, tiếng Anh có, tiếng Việt có. Mẹ muốn cho mình tiếp cận với ngôn ngữ sớm, mẹ muốn sau này mình biết nói sớm như cậu Trung nhà mình. Bà ngoại kể, cậu Trung nhà mình biết nói trước biết đi. Khi bà ngoại bế cậu đi chơi, có người hỏi bà ngoại : “Bé đã biết đi chưa ạ?”, cậu nhanh nhảu trả lời luôn: “dạ, chưa”. Cậu hay nói và nói cũng rất hay. Mẹ muốn mình sau này là nhà hùng biện. Giống như em bà ngoại mình “mồm miệng đỡ chân tay” nên mình thấy lúc nào cũng vui vẻ, cuộc đời lúc nào cũng như ba mươi Tết.
Đôi lúc, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường còn mình say sưa nghe nhạc, thỉnh thoảng mình còn hứng lên nhẩy nhót làm mẹ giật mình.
Bố thích xem phim Mỹ, toàn phim hành động hấp dẫn đến thót tim. Mình cũng thích xem, nhưng mẹ lấy tay che mặt hoặc đôi khi úp mặt vào gối, mẹ sợ sau này ảnh hưởng đến tính cách của mình. Mẹ bảo sợ nhất là đàn ông nóng tính và hay gây chuyện (chắc có lẽ mẹ quen với người chồng dễ chịu và lành tính như bố). Nhưng đôi khi mình cũng muốn mạnh mẽ và oai hùng một chút.
Giấc ngủ rất quan trọng, mẹ biết điều đó nên bố mẹ đã dọn dẹp và sửa soạn phòng ngủ cho mình. Cái tủ to đùng với những thùng hộp lỉnh kỉnh đã chuyển sang phòng bên cạnh. Mẹ tậu luôn hai bộ ga trải giường mới, màu xanh nhạt rất dễ chịu. Mẹ còn thay luôn rèm cửa, mẹ muốn phòng ngủ thoáng mát, lãng mạn. Mẹ bảo để sau này con trai mình đào hoa…hơn bố. Bố bảo, bây giờ hai mẹ con là vua trong nhà, phải ưu tiên số một. Mẹ cười mãn nguyện.
Nhờ trời, mình không dễ ăn nhưng được cái dễ ngủ. Chỉ đôi lúc “khó ở” mình mới trở mình liên tục, còn lại là rất “dịu êm”. Thậm chí đôi lúc mẹ thấy lo lo khi mình nằm ngoan quá. Đúng là làm mẹ khó thật, một bất thường nho nhỏ là đã thấy lo. Lúc trong bụng mẹ, mình quen ngủ đẫy giấc nên bây giờ mình rất ít khi dậy khóc đêm. Muốn ăn hay cần sự quan tâm của mọi người thì mình thức dậy và vặn vẹo. Sắp tới, mình dự tính bỏ luôn bữa đêm, bố khỏe, mẹ khỏe, con cũng khỏe.
Thỉnh thoảng mình biết mẹ lo lắng và hơi sợ. Nhất là hôm vô tình xem chương trình chất độc da cam. Nhìn những đứa trẻ dị tật, mẹ vừa thương vừa sợ. Nhưng ngay lúc đó, mẹ đã tự trấn an mình. Xác suất sinh ra những đứa trẻ khuyết tật không nhiều, một phần do di truyền (lịch sử hai họ nhà mình thì không phải lo chuyện này), một phần ảnh hưởng của thời kỳ mang thai. Nếu biết đề phòng và chăm chút thì xác suất rủi ro cũng ít. Mẹ đọc sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết cho những người mẹ sinh con đầu lòng, mẹ bớt lo lắng hơn.
Mẹ là người có nghị lực đến bất ngờ. Mẹ thú nhận ngày xưa mẹ là một người yếu đuối và cũng yếu ớt, thấy gì cũng sợ, lúc nào cũng lo. Vậy mà từ khi sống cho mình, mẹ cứng cáp lên hẳn. Mẹ điều chỉnh mọi thứ cho tâm trạng luôn thanh thản. Quẳng hết mọi lo toan (thậm chí có lúc dồn sang cho bố), mẹ luôn tạo cho mình một sự thăng bằng và lạc quan. Hình như mọi suy nghĩ và hành động của mẹ đều có mình. Suốt chín tháng nằm trong bụng mẹ, mình tự hào mình là người hiểu mẹ nhất, hơn cả bà ngoại, người sinh ra mẹ, hơn cả bố, người được coi là một nửa của cuộc đời mẹ.
Mình cảm nhận được từng hơi thở của mẹ. Bây giờ mình được mọi người khen ngoan và vô tư đó là công lao của mẹ. Mẹ đã dẹp hết mọi lo toan của cuộc sống để sống những ngày vui vẻ nhất với mình.
Làm bà bầu hạnh phúc có khó không? Nếu một người phụ nữ bất đắc dĩ phải làm mẹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc hành trình làm mẹ. Tâm lý của người mẹ trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của con mình. Làm sao để con mình không có cảm giác cô đơn và bỏ rơi khi người mẹ phải một mình làm mẹ? Có sách vở nào ghi hết được nỗi niềm của những người mẹ “đơn thân” phải trải qua?
Mình nghĩ, có con là một hạnh phúc, làm mẹ là một niềm tự hào và bản năng làm mẹ sẽ giúp người phụ nữ vượt qua khó khăn vật chất và tinh thần để nuôi dưỡng con.
MẸ MÌNH LÀ MỘT BÀ BẦU ĐẸP
Trong 3 tháng đầu, không ăn được nên mẹ gầy và xanh. Thỉnh thoảng soi gương và mẹ chép miệng với nỗi lo âu thoáng qua. Nhưng rồi mẹ lại ngẩng cao đầu, cười tươi tắn, mẹ rất tự hào vì được lên chức làm mẹ của mình. Mình đi với mẹ đến những tiệm thời trang đầm bầu. Trời đất, người ta thiết kế cho bà bầu bao nhiêu là mẫu mã đẹp - đủ màu, đủ cỡ. Chẳng bù cho thời bà ngoại mình mang thai mẹ, khi có bầu là phải nới thun quần, mặc áo chật hai thân trước không khép lại được, hở hết cả bụng bầu. Nhiều bà bầu xấu hổ đi đâu còn lấy nón che.
Thời trang bà bầu chủ yếu là bằng chất liệu mềm và thoáng mát, hút mồ hôi. Bà bầu lúc nào cũng thấy nóng nực nên người ta hay dùng vải 100% cotton.. Mẹ thử hết bộ này sang bộ khác, nhưng mình thích nhất là mấy bộ đồ màu xanh nhạt, mát mẻ và dễ chịu. Đồ “phụ tùng” cũng rất phong phú mẫu mã và được thiết kế tiện lợi. Bố mẹ mình không có nhiều tiền nhưng cũng sắm sửa kha khá. Mẹ chịu khó làm điệu để thấy tự tin hơn. Vậy mà nhiều bà bầu cứ lo lắng, thiếu tự tin vì thấy mình cồng kềnh và xấu xí.
Mẹ uống nhiều nước cam nên da căng và hồng hào. Mẹ bảo phải cố gắng giữ “phong độ” để bố khỏi chê. Nhưng mình biết bố cũng thấy mẹ đẹp hơn khi có mình, và có mình bố càng quấn quýt với mẹ hơn.
Ba tháng đầu vì mẹ có dấu hiệu bóc tách 30% nên mẹ phải nằm nhà nhiều và “kiêng” luôn bố. Bố vẫn âu yếm và ân cần chăm chút mẹ. Bố hay thơm vào bụng mẹ và thì thào trò chuyện với mình. Bố bảo bây giờ bố phải sống tốt với vai trò làm chồng, kiêm luôn là ông bố chu đáo và trách nhiệm. Sau khi hết dấu hiệu bóc tách, chuyện sinh hoạt vợ chồng của bố mẹ diễn ra bình thường và đều đặn. Vậy mà có người bảo khi vợ có bầu, phải kiêng làm chuyện ấy suốt thời kỳ mang thai và 6 tháng sau khi sinh. Thật là lạc hậu.
Một số bà bầu không bị nghén nên họ vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường. Một số chất kích thích bị khuyến cáo không dùng cho bà bầu, còn lại thì muốn gì ăn nấy. Khi nằm trong bụng, chưa biết con trai hay gái nhưng mẹ gọi mình la Lele. Nghe qua mọi người tưởng tên Tây, nhưng thực chất đó là…vịt trời. Chả là có hôm mình thấy đói cồn cào và thèm xôi le le. Món này mẹ đã được chiêu đãi khi chưa có mình và kể lại. Mấy ngày trước đó, mình ăn không ngon miệng lắm (có lẽ vì trời nắng quá). Khi bố đưa suất xôi le le từ nhà hàng Đồi Xanh về, mình nghĩ chắc cả nhà ăn không hết. Vậy mà hai mẹ con mình đánh một hơi… hết sạch. Chưa bao giờ mình được một bữa ngon và “đã” như thế. Mọi người trêu mình, con nhà lính mà sở thích con nhà…“quý xì tộc”. Một gói xôi le le giá bằng một hộp sữa ngoại cao cấp. Mình phải thanh minh rằng đôi lúc mình cũng thèm một món rất bình dân như bánh bèo chẳng hạn. Thức ăn rất quan trọng với mẹ con mình, ngoài chuyện đủ chất, thèm gì ăn nấy, mình rất lo cái khoản an toàn thực phẩm. Sợ nhất là tiêu chảy hay ngộ độc thức ăn, thỉnh thoảng có bài báo đưa tin là mình thót hết cả tim.
BÀ BẦU VUI, ĐẸP VÀ QUAN TRỌNG LÀ PHẢI KHỎE
Khỏe thì mới mang nổi bầu. Ông ngoại bảo ngày xưa hành quân mang ba lô khoảng chừng 5 kg, đến đâu thả xuống đấy mà vẫn mệt đừ. Bà bầu phải mang chiếc “ba lô” cả chục ký, 24/24 tiếng, không khỏe đâu có làm nổi.
Thỉnh thoảng mẹ có đi bơi, mặc dù mẹ bơi rất tệ. Mẹ bảo ngâm mình dưới nước mẹ thấy cơ thể cồng kềnh của mình di chuyển dễ dàng hơn. Tối tối, bố mẹ đi dạo trong công viên cạnh nhà. Mẹ thường tập mấy động tác yoga dành cho bà bầu trước khi ngủ. Mỗi lần như thế, mình thấy rất hoạt bát và năng động. Được vận động, duỗi tay chân, được thay đổi tư thế, mình thoải mái. Mình hy vọng sau này sẽ trở thành một chàng trai cường tráng và nhanh nhẹn.
Mình thấy tự hào vì mẹ mình là một bà bầu hạnh phúc. Mẹ nói về mình suốt ngày với mọi người mà không biết chán. Nhiều khi gọi điện hỏi mọi người, nhưng thực chất là mẹ đang khoe với mọi người về sự thay đổi của mình trong bụng mẹ.
Ăn ít, lên cân ít (chỉ có 9 ký), mẹ thường xuyên leo lên bàn cân và hơi lo lo về việc lên cân ít của mình. Mẹ lo sinh ra thằng cu “nhỏ con” quá. Nhưng mọi người động viên mẹ “có đầu có đuôi nuôi lâu cũng lớn”, bé mà hạt tiêu, bé mà khỏe mạnh là được. Dì Nhung nhà mình sinh ra 1,3 ký, cái đầu bằng cái bóng đèn vậy mà bây giờ vẫn to lớn bình thường, đang học Đại học, kém gì các bạn sinh ra 3 - 4 ký đâu.
Sinh ra 2,7 ký, mình nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Nhìn clip bố quay ngay sau khi mình ra đời, mọi người khen mình già dặn và không tin, cứ tưởng là mình đã tròn tháng. Chỉ khác là chân tay khẳng khiu và bụng vẫn còn dây rốn lòng thòng. Riêng ánh mắt thì tinh nhanh và quan sát “như người lớn”.
Mình “ngon lành” như bây giờ không phải vì được bồi bổ cao lương mỹ vị, mà mình được no đủ về tinh thần. Nụ cười của mẹ, sự chăm sóc chu đáo của bố, sự quan tâm của những người xung quanh đã “nặn” ra một cu Khoai khỏe mạnh, dễ chịu và rất đàn ông.
Ai cũng khen nụ cười tươi tắn và quyến rũ của mình. Cảm ơn cả nhà đã cho con những tháng ngày êm đềm trong bụng mẹ. Hạnh phúc của mẹ trong những ngày mang thai đã ươm mầm cho hạnh phúc và thành công của con sau này. Cuộc đời của hai mẹ con đã gắn chặt với nhau từ ngày con được “đơm hoa kết trái”. Thai giáo thật kỳ diệu, và là một nghệ thuật, một nghệ thuật tuyệt vời.