Mỗi thực thể tồn tại đều có hai mặt, mặt trong và mặt ngoài. Mọi người có thể nhìn thấy mặt ngoài nhưng không thể nhìn thấy mặt trong. Nếu phơi bày những gì bên trong, bạn sẽ đánh mất tâm hồn mình, đánh mất “diện mạo thật” của mình. Sau đó, bạn sẽ sống như thể mình chẳng có nội tâm. Cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ, phù phiếm. Điều này thường xảy ra đối với những người nổi tiếng - các chính trị gia, các ngôi sao điện ảnh. Khi được công chúng biết đến, họ đã hoàn toàn đánh mất cuộc sống bên trong của mình; họ không biết mình là ai ngoại trừ những điều công chúng nói về họ. Họ phụ thuộc vào ý kiến của người khác, không có ý niệm về sự tồn tại của chính mình.
Marilyn Monroe - một trong những nữ diễn viên huyền thoại của Mỹ - đã tự kết liễu đời mình, và các nhà phân tâm học luôn muốn tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của bà. Marilyn Monroe là một trong những người phụ nữ xinh đẹp nhất, một trong những người thành đạt nhất. Ngay cả John F. Kennedy, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã yêu bà, hàng triệu người khác cũng yêu bà. Không ai hiểu được bà còn muốn gì hơn thế. Bà đã có tất cả. Nhưng Marilyn là người của công chúng và bà biết rõ điều đó. Ngay cả khi ở trong phòng riêng với Tổng thống Kennedy, bà vẫn gọi ông là “Ngài Tổng thống” - như thể bà đang quan hệ với một tổ chức công thay vì một con người.
Tôi cho rằng Marilyn tự kết liễu đời mình bởi vì đó là điều duy nhất còn lại để bà có thể thực hiện một cách riêng tư. Mọi thứ đều công khai, nhưng đó là việc duy nhất bà có thể làm một mình.
Bà là một tổ chức công. Mỗi ngày trôi qua, bà càng nhận thức rõ rằng mình chẳng có gì riêng tư. Một lần nọ, khi Marilyn đang tạo dáng để chụp ảnh khỏa thân, ai đó đã hỏi: “Bà có mặc gì khi tạo dáng không?”. Bà đáp: “Có, tôi có mặc - hào quang của sự nổi tiếng”. Phơi bày, khỏa thân, không có cái tôi của riêng mình. Tôi cho rằng Marilyn tự kết liễu đời mình bởi vì đó là điều duy nhất còn lại để bà có thể thực hiện một cách riêng tư. Khi mọi thứ đều công khai thì đó là việc duy nhất bà có thể làm một mình, theo cách hoàn toàn riêng tư và bí mật. Các nhân vật của công chúng thường có xu hướng tự tử vì chỉ có làm như vậy họ mới có chút khái niệm về mình là ai.
Tất cả những thứ tuyệt đẹp đều ở bên trong, và cái bên trong đó có nghĩa là sự riêng tư. Hãy thử làm điều này: Hãy mở vòi tắm vào ban đêm, sau đó tắt đèn. Khi căn phòng chỉ còn bóng tối, bạn sẽ nghe thấy tiếng nước chảy rõ hơn, âm thanh sắc hơn. Nhưng khi đèn sáng, âm thanh đó sẽ không còn rõ nữa. Điều gì đã xảy ra trong bóng tối? Trong bóng tối, bạn không thể nhìn thấy, mọi thứ khác dường như biến mất. Chỉ có bạn và tiếng nước chảy. Đó là lý do vì sao tất cả những nhà hàng nổi tiếng đều thích dùng nến thay cho ánh đèn. Khi nhà hàng đốt nến, mùi vị của thức ăn sẽ đậm đà hơn - bạn thấy ngon miệng hơn. Hương thơm như lan tỏa quanh bạn. Nếu có ánh sáng, hương vị sẽ không còn ở đó. Khi đó, mắt sẽ nhìn rõ mọi vật. Ngay trong câu đầu tiên của cuốn Metaphysics, Aristotle nói rằng thị lực là giác quan cao nhất của con người. Thực tế không phải như vậy, thị giác là thứ có tính áp đảo cao. Nó đã làm tê liệt toàn bộ cái tôi và hủy hoại các giác quan khác. Plato - thầy của Aristotle - cho rằng các giác quan có một hệ thống cấp bậc - cao nhất là thị giác còn thấp nhất là xúc giác. Ông ta hoàn toàn sai lầm. Chẳng có một hệ thống cấp bậc nào ở đây cả. Tất cả các giác quan đều ngang nhau, và không hề có thứ bậc cao thấp nào giữa chúng.
Nhưng bạn sống bằng thị giác: 80% cuộc đời bạn được định hướng qua đôi mắt. Đây là điều không cần thiết; cần phải khôi phục lại sự cân bằng giữa các giác quan. Bạn phải có xúc giác, bởi xúc giác sở hữu những thứ mà thị giác không có được. Nhưng hãy thử, thử chạm vào người phụ nữ bạn yêu thương hoặc người đàn ông bạn yêu thương trong ánh sáng, rồi sau đó làm điều tương tự trong bóng tối. Trong bóng tối, cơ thể sẽ tự thể hiện chính nó, còn khi ở ngoài ánh sáng, cơ thể che giấu chính mình.
Bạn đã bao giờ nhìn thấy những bức tranh vẽ cơ thể phụ nữ của Renoir(*)? Chúng chứa đựng điều gì đó kỳ diệu. Nhiều họa sĩ đã vẽ phụ nữ khỏa thân, nhưng không ai sánh được với Renoir. Đâu là điểm khác biệt giữa họ? Tất cả các họa sĩ khác đều vẽ cơ thể phụ nữ bằng mắt. Renoir vẽ nó theo cảm nhận của đôi tay, vì vậy, những bức tranh của ông chứa đựng sự ấm áp, gần gũi, và rất sống động.
(*) Pierre-Auguste Renoir (1841 – 1919): họa sĩ người Pháp, người luôn đề cao vẻ đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ.
Khi sử dụng xúc giác, bạn sẽ cảm nhận điều gì đó rất gần gũi. Còn khi sử dụng thị giác, bạn sẽ thấy nó xa xôi. Trong bóng tối, trong sự riêng tư, bí mật, điều gì đó sẽ được tiết lộ, không giống như khi ở ngoài ánh sáng. Mọi người đang theo dõi, đang quan sát, nên có gì đó trong lòng bạn như chùng lại, không thể nở hoa. Giống như bạn gieo hạt xuống nền đất mặt, nơi mọi người đều nhìn thấy. Chúng sẽ không bao giờ nảy mầm. Chúng cần được nằm sâu trong lòng đất, ở phần tăm tối, nơi không ai có thể nhìn thấy. Tại đó, chúng sẽ bắt đầu nảy mầm, phát triển thành cây, thành lá.
Giống như hạt mầm cần có sự riêng tư và bóng tối trong lòng đất, tất cả những mối quan hệ sâu sắc và thân thiết đều nằm sâu bên trong. Chúng cần sự riêng tư, cần một nơi chỉ có hai cá thể tồn tại.
Giống như hạt mầm cần có sự riêng tư và bóng tối trong lòng đất, tất cả những mối quan hệ sâu sắc và thân thiết đều nằm sâu bên trong. Chúng cần sự riêng tư, cần một nơi chỉ có hai cá thể tồn tại. Rồi sẽ đến lúc ngay cả trạng thái này cũng biến mất, chỉ còn lại một.
Hai người yêu nhau thật sự đồng điệu với nhau sẽ hòa làm một. Họ hít thở cùng một bầu không khí, hiện hữu cùng nhau, khi đó chỉ tồn tại sự thống nhất. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu có sự hiện diện của những người quan sát. Họ sẽ không thể nào làm được nếu bị người khác theo dõi. Chính cặp mắt của người khác sẽ trở thành rào cản. Vì vậy, tất cả những điều đẹp đẽ, những gì sâu sắc sẽ chỉ diễn ra trong bóng tối. Trong các mối quan hệ của con người, sự riêng tư là điều cần thiết. Sự bí mật luôn có lý do của riêng nó. Hãy luôn nhớ rằng bạn sẽ hành xử rất xuẩn ngốc nếu bị phơi bày hoàn toàn trước đám đông. Giống như kiểu một người tự lộn túi quần của mình ra ngoài. Đó là phơi bày chính mình. Không có gì sai khi sống hướng ngoại, nhưng hãy nhớ rằng đó chỉ là một phần của cuộc sống, không phải là cái tổng thể.
Tôi không bảo mọi người cứ mãi sống trong bóng tối. Ánh sáng cũng có vẻ đẹp và lý lẽ riêng của nó. Nếu cứ mãi nằm trong bóng tối, không chịu nhô lên khỏi mặt đất để đón nhận ánh nắng mặt trời, hạt giống sẽ chết. Nó cần phải đi vào bóng tối để nảy mầm, để lấy sức và tái sinh; và rồi bước ra ngoài, đối mặt với thế giới bên ngoài, với ánh sáng, với mưa giông và gió bão. Nó phải chấp nhận thử thách của thế giới bên ngoài. Nhưng bạn chỉ vượt qua thử thách đó nếu đã có một nền tảng vững chắc bên trong.
Tôi không khuyên bạn trở thành kẻ đào tẩu, thoát ly thực tại. Tôi không bảo bạn nhắm mắt, đi vào bên trong và không bao giờ xuất hiện. Tôi chỉ nói rằng hãy bước vào bên trong để rồi bạn có thể bước ra ngoài với một nguồn năng lượng, tình yêu và lòng trắc ẩn. Hãy bước vào trong để khi trở ra, bạn không phải là kẻ ăn mày khốn khó mà là một vị vua hùng mạnh. Hãy bước vào trong để khi trở ra, bạn sẽ có điều gì đó chia sẻ - những bông hoa, những chiếc lá. Hãy bước vào trong để khi trở ra, bạn sẽ không còn nghèo khó mà sống một cuộc sống giàu sang. Và luôn nhớ rằng, khi nào bạn cảm thấy kiệt sức, nguồn năng lượng đó luôn hiện hữu bên trong. Chỉ cần nhắm mắt lại và bước vào.
Hãy tạo ra các mối quan hệ bên ngoài, và cả các mối quan hệ bên trong. Tất nhiên là phải tồn tại các mối quan hệ bên ngoài - bạn bước vào thế giới, vào các mối quan hệ công việc - nhưng không phải là tất cả. Mỗi thứ đều có vai trò của nó, nhưng bạn phải có điều gì đó riêng tư, bí mật, điều gì đó mà bạn có thể cho là của riêng mình.
Đó là điều mà Marilyn Monroe không có được. Cô ấy là người thành đạt, người của công chúng, nhưng lại hoàn toàn thất bại. Cô đã tự kết liễu đời mình khi đang đứng trên đỉnh vinh quang. Vì sao cái chết của cô vẫn còn là điều bí ẩn? Cô đã có mọi thứ: danh vọng, sức hấp dẫn, sắc đẹp, sức khỏe. Tất cả đều hiện diện trong đời cô, không ai có thể được ban tặng nhiều hơn thế, nhưng vẫn còn thiếu điều gì đó. Đó là cái bên trong, tâm hồn cô trống rỗng. Cho nên, tự tử là lối thoát duy nhất.
Có lẽ bạn không đủ liều lĩnh để tự kết liễu đời mình như Marilyn Monroe. Có lẽ bạn vô cùng hèn nhát và làm điều đó một cách rất chậm rãi - nhưng đó vẫn là tự tử. Nếu không sở hữu thứ gì bên trong, thứ gì đó chỉ của riêng bạn, không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài - một thế giới, một không gian nơi bạn có thể nhắm mắt và quên đi sự tồn tại của mọi vật khác - bạn sẽ tìm cách tự kết liễu đời mình.
Cuộc sống bắt nguồn từ bên trong và lan tỏa ra bên ngoài. Cần phải có sự cân bằng. Tôi luôn ủng hộ trạng thái cân bằng. Tôi không nói rằng cuộc sống của bạn phải là một cuốn sách mở, không phải vậy. Chỉ cần mở vài chương, còn vài chương được đóng kín, một bí ẩn tuyệt đối. Nếu giống như cuốn sách mở, bạn sẽ chẳng khác nào một cô gái làm tiền, phơi bày cơ thể nơi công cộng. Điều đó sẽ không giúp ích được gì.
Nếu là cuốn sách mở, bạn sẽ chỉ là ngày mà không có đêm, chỉ là mùa hè mà không có mùa đông. Bạn sẽ nghỉ ngơi ở đâu, sẽ định tâm ở đâu, sẽ cư ngụ ở đâu? Bạn sẽ đi đâu khi thế giới này quá chật chội? Nơi nào để bạn cầu nguyện và thiền định? Cho nên, phải kết hợp hai nửa để tạo thành một tổng thể hoàn hảo. Hãy để nửa cuốn sách mở - mở cho mọi người nhìn thấy - và nửa kia bí mật, chỉ có vài vị khách hiếm hoi mới được phép đến đó.
Tôi không nói rằng cuộc sống của bạn phải là một cuốn sách mở, không phải vậy. Chỉ cần mở vài chương, còn vài chương phải được đóng kín, một bí ẩn tuyệt đối.
Hiếm ai được phép đi vào ngôi đền của bạn. Đó chính là cách cần đạt được. Nếu đám đông có thể ra vào một cách dễ dàng, vậy đó không còn là ngôi đền nữa. Nó có thể là phòng chờ ở sân bay nhưng tuyệt đối không thể là ngôi đền. Rất hiếm khi bạn cho phép ai đó nhìn thấy cái tôi của bạn. Đó chính là ý nghĩa của tình yêu.
CHÚNG TA LUÔN SỐNG CÙNG NGƯỜI KHÁC - Từ giây phút rời khỏi bụng mẹ, đứa bé không bao giờ tồn tại một mình - nó ở cùng bố mẹ, cùng gia đình, bạn bè, cùng mọi người. Các mối quan hệ ngày càng mở rộng, và đám đông sẽ tụ tập quanh nó. Đó là những gì mà chúng ta gọi là cuộc sống. Càng có nhiều người hiện diện trong đời mình, bạn càng cho rằng mình có một cuộc sống phong phú.
Khi bạn bắt đầu hướng vào bên trong, tất cả những khuôn mặt này sẽ mờ đi, đám đông sẽ dần biến mất. Bạn phải nói lời tạm biệt với mọi người: ngay cả người thân nhất, người yêu, bạn cũng phải nói lời tạm biệt. Có những khoảnh khắc, ngay cả người yêu của bạn cũng không ở bên cạnh bạn. Đó là lúc bạn trở về nơi của riêng mình như khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng khi đó, bạn chưa quen biết với đám đông nên không cảm thấy cô đơn. Đứa trẻ hoàn toàn hạnh phúc khi ở trong bụng mẹ vì không có ai khác để so sánh, tất cả đều là niềm vui. Bởi chưa từng gặp ai nên đứa trẻ không bao giờ cảm thấy cô đơn - nó không có bất kỳ khái niệm nào. Bụng mẹ là thực tế duy nhất mà nó biết.
Nhưng giờ đây, bạn đã biết đến đám đông, biết đến các mối quan hệ, niềm vui và nỗi buồn. Khi hướng vào bên trong, thế giới bên ngoài sẽ bắt đầu biến mất, chỉ còn tiếng vọng, và ngay cả tiếng vọng đó cũng sẽ sớm tan biến, con người sẽ hoàn toàn bị mất phương hướng. Nhưng đây chỉ là một cách hiểu. Nếu có thể đi thêm chút nữa, bạn bỗng thấy chính mình - và lần đầu tiên, bạn tìm thấy chính mình. Lúc này, bạn sẽ thấy bất ngờ: bạn bị mất phương hướng giữa đám đông; giờ bạn đã ổn. Bạn đã bị mất phương hướng giữa các mối quan hệ, và giờ đã “trở về nhà”. Để rồi khi quay trở lại với thế giới đông đúc kia, bạn sẽ là một người hoàn toàn khác. Bạn sẽ có các mối quan hệ, nhưng không phụ thuộc; bạn sẽ yêu thương nhưng tình yêu của bạn không phải là một nhu cầu. Bạn sẽ yêu thương, nhưng không chiếm hữu; bạn sẽ yêu thương nhưng không ghen ghét, đố kỵ. Và khi tình yêu không chứa đựng sự đố kỵ, không mang tính chiếm hữu thì đó là thứ tình cảm diệu kỳ. Bạn sẽ hiện hữu với mọi người. Trên thực tế, chỉ khi đó bạn mới có thể hiện hữu với mọi người vì bạn đã làm được điều đó. Lúc ban đầu, bạn không hiện hữu với mọi người, vì vậy, toàn bộ ý nghĩ đó chỉ là ảo giác, giống như một giấc mơ.
Nếu không hiện hữu, làm sao bạn có thể quan hệ với mọi người? Nếu không hiện hữu, làm sao bạn có thể có mặt cùng với mọi người? Đó chỉ là hư cấu; chỉ là tưởng tượng.
Nếu không định tâm, không biết mình là ai, bạn sẽ không thực sự có mối quan hệ với mọi người. Mối quan hệ đó sẽ chỉ là ảo tưởng nếu bạn không tự nhận biết chính mình.
Nếu không định tâm, không biết mình là ai, bạn sẽ không thực sự có mối quan hệ với mọi người. Mối quan hệ đó sẽ chỉ là ảo tưởng nếu bạn không tự nhận biết chính mình. Người kia cho rằng anh ta có quan hệ với bạn, còn bạn thì nghĩ rằng mình có quan hệ với anh ta; nhưng không ai hiểu được chính mình. Vậy người nào có quan hệ với người nào? Không ai cả! Chỉ hai chiếc bóng đang tham gia vào một trò chơi. Và vì là hai chiếc bóng nên mối quan hệ này không có thực. Đó là những gì tôi luôn quan sát: Mọi người có quan hệ với nhau nhưng thực chất lại chẳng có gì. Họ có quan hệ với người khác vì lo sợ rằng nếu không làm thế, họ sẽ trở nên cô độc và cảm thấy mất phương hướng. Vì vậy, họ lại vội vã bắt đầu mối quan hệ mới. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều tốt hơn là không có quan hệ; dù đó là mối quan hệ thù địch vì ít ra nó cũng khiến cho người kia cảm thấy mình có liên quan. Cái gọi là tình yêu đó của bạn chẳng khác nào một kiểu thù địch - một kiểu đấu tranh, chi phối lịch sự, một kiểu hành hạ văn minh.
Cho nên, bạn phải đi vào không gian này. Thu hết can đảm để bước vào. Cho dù cảm thấy rất buồn, rất cô đơn, đừng lo lắng, chúng ta phải trả giá cho việc này. Và một khi bạn đã đạt đến khởi nguồn của nó, toàn bộ sự việc sẽ hoàn toàn thay đổi, và bạn sẽ bước ra ngoài với tư cách một cá thể. Đó là cách tôi phân biệt giữa một người và một cá thể. Con người là hiện tượng không có thật, cá thể mới là thật. Con người, cá tính đều là những chiếc bóng, những chiếc mặt nạ; còn cá thể mới chính là bản chất, là thực tại. Và chỉ có cá thể độc lập mới biết yêu, mới có quan hệ; con người chỉ biết tham gia trò chơi.