Bạn sẽ không thể phát triển được mối quan hệ thân thiết nào nếu cứ mãi kìm nén. Nếu luôn tỏ ra thông minh, luôn tìm cách bảo vệ, che chắn cho chính mình, chỉ có cá tính gặp nhau, còn bản chất vẫn chia tách. Khi đó, chỉ có lớp mặt nạ trong mối quan hệ chứ không phải bạn. Khi một điều như thế xảy ra, sẽ có đến bốn người thay vì chỉ hai người trong mối quan hệ đó. Hai người giả mạo gặp nhau, còn hai người thật sự vẫn ở hai thế giới hoàn toàn tách biệt.
Nếu luôn tỏ ra thông minh, luôn tìm cách bảo vệ, che chắn cho chính mình, chỉ có cá tính gặp nhau, còn bản chất vẫn chia tách. Khi đó, chỉ có lớp mặt nạ trong mối quan hệ đó chứ không phải bạn.
Đó chính là rủi ro - nếu bạn chân thật, không ai biết liệu mối quan hệ này có hiểu được sự chân thật, đích thực hay không; liệu mối quan hệ này có đủ mạnh mẽ để chống chọi với giông bão. Luôn tồn tại rủi ro, và chính vì thế mà mọi người luôn rất cảnh giác. Họ chỉ nói những gì cần nói, làm những gì cần làm; tình yêu chẳng khác nào một nghĩa vụ. Nhưng như vậy thì thực tại vẫn đói khát, vẫn cần được nạp năng lượng. Do vậy mà bản chất càng trở nên buồn bã hơn. Sự dối trá của cá tính đè nặng lên bản chất, lên tâm hồn. Rủi ro là có thật, và không có gì đảm bảo được, nhưng tôi muốn nói với bạn rằng rủi ro đó đáng để bạn đánh đổi.
Sự dối trá của cá tính đè nặng lên bản chất, lên tâm hồn. Rủi ro là có thật, và không có gì đảm bảo được, nhưng tôi muốn nói với bạn rằng rủi ro đó đáng để bạn đánh đổi.
Trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, mối quan hệ đó có thể tan vỡ. Nhưng tốt hơn hết là chia tay, thà chấp nhận thực tế còn hơn cố gắng chung sống nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Việc làm đó sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Bạn sẽ vẫn thấy đói khát, và sẽ tiếp tục níu kéo, chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra.
Để điều kỳ diệu xảy ra, bạn sẽ phải làm gì đó, và đó chính là: hãy bắt đầu chân thật. Bạn có thể sẽ gặp rủi ro là mối quan hệ đó không đủ mạnh mẽ, không thể chịu được thử thách - sự chân thật có thể quá lớn đến mức không thể chịu đựng được - nhưng như vậy bạn mới biết rằng liệu mối quan hệ đó có xứng đáng hay không. Cho nên, nó cần phải vượt qua thử thách.
Hãy đánh đổi mọi thứ để trở nên chân thật, bằng không, bạn sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn. Bạn sẽ làm nhiều thứ nhưng không có gì thật sự xảy ra với bạn. Bạn sẽ di chuyển nhiều nhưng không bao giờ đến được nơi nào. Toàn bộ kết quả này gần như ngớ ngẩn. Cứ như thể bạn đói khát và mơ về các món ăn - ngon lành và đẹp mắt. Nhưng giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ; nó không phải là sự thật. Bạn không thể ăn những món ăn không có thật. Trong khoảnh khắc, bạn có thể lừa dối chính mình, có thể sống trong thế giới mộng tưởng, nhưng giấc mơ đó sẽ không đem lại cho bạn bất cứ điều gì. Nó sẽ lấy đi của bạn nhiều thứ nhưng sẽ không mang lại điều gì. Thời gian mà bạn dành cho cá tính giả mạo đó hoàn toàn lãng phí; bạn sẽ không bao giờ lấy lại được. Những khoảnh khắc này đúng ra rất thật, rất xác thực. Một phút chân thật vẫn tốt hơn cả đời sống trong giả dối. Vì vậy, đừng lo sợ. Nhưng tâm trí bạn sẽ luôn mách bảo rằng hãy tiếp tục bảo vệ chính mình và người khác. Đó là cách hàng triệu người đang sống.
Vào những ngày cuối đời, Freud đã viết thư kể với một người bạn về điều mà ông đã quan sát suốt cuộc đời mình - và ông thật sự đã quan sát rất kỹ; không ai quan sát kỹ lưỡng, tập trung, kiên định và khoa học như thế - một kết luận dường như vô cùng chắc chắn rằng con người không thể sống nếu không dối trá. Sự thật luôn nguy hiểm. Những lời dối trá rất ngọt ngào nhưng không có thật. Bạn cứ nói với người yêu những lời lẽ ngọt ngào nhưng vô nghĩa, còn anh ta cũng rót vào tai bạn những thứ tương tự. Trong khi cuộc sống cứ dần trôi qua, con người càng đến gần hơn với cái chết.
Trước khi chết, hãy ghi nhớ một điều: tình yêu phải được thể hiện trước khi chết. Nếu không, bạn sẽ sống trong tuyệt vọng, cả cuộc đời bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Trước khi đón nhận cái chết, hãy chắc chắn rằng tình yêu được sống đúng nghĩa của nó. Nhưng điều đó chỉ xảy ra bằng sự chân thật. Vì vậy hãy sống chân thật. Chấp nhận đánh đổi mọi thứ để sống chân thật, và đừng làm điều ngược lại. Hãy ghi nhớ quy tắc cơ bản này: Thậm chí nếu phải hy sinh chính mình, cuộc đời mình, tôi cũng sẽ hy sinh vì sự chân thật, và sẽ không đánh đổi nó với bất cứ điều gì. Khi đó, lòng bạn sẽ ngập tràn hạnh phúc, những điều tốt đẹp bất ngờ sẽ tìm đến với bạn.
Những lời dối trá rất ngọt ngào nhưng không có thật. Bạn cứ nói với người yêu những lời lẽ ngọt ngào nhưng vô nghĩa, còn anh ta cũng rót vào tai bạn những thứ tương tự.
Một khi bạn chân thật, mọi thứ đều có thể xảy ra. Nếu bạn giả dối - chỉ đeo mặt nạ, chỉ thể hiện vẻ bề ngoài - mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi sự giả dối thường đi kèm với giả dối, còn sự chân thật sẽ được chào đón bởi những điều chân thành, xác thực.
Vấn đề của tất cả những người yêu nhau là tận sâu bên trong, họ vẫn lo sợ. Họ cứ luôn tự hỏi liệu mối quan hệ này có đủ mạnh mẽ để chứa đựng sự chân thật. Nhưng làm cách nào bạn biết trước được điều này?
Tôi hiểu được vấn đề đó - vấn đề của tất cả những người yêu nhau - rằng tận sâu bên trong, họ vẫn lo sợ. Họ cứ luôn tự hỏi liệu mối quan hệ này có đủ mạnh mẽ để chứa đựng sự chân thật. Nhưng làm cách nào bạn biết trước được điều này? Không có hiểu biết nào diễn ra theo lối tiên nghiệm (priori knowledge). Bạn phải dấn thân vào để hiểu được nó. Làm sao bạn biết được liệu mình có vượt qua cơn bão to gió lớn bên ngoài hay không nếu cứ ngồi trong nhà? Bạn chưa từng đi trong bão. Hãy đi và trải nghiệm! Phương pháp thử sai là cách duy nhất. Đi và trải nghiệm - có thể bạn sẽ thất bại, nhưng ngay cả khi thất bại, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với lúc này.
Nếu thất bại lần thứ nhất, hãy thử lần thứ hai, và cứ thế cho đến khi chính cơn bão đó khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Đến một ngày, bạn bắt đầu cảm thấy hân hoan, bắt đầu nhảy múa trong mưa bão. Và rồi cơn bão đó không còn là kẻ thù nữa, mà trở thành cơ hội, một cơ hội rất tự nhiên để bạn hiện hữu.
Hãy nhớ, sự hiện hữu không bao giờ diễn ra một cách thoải mái, nếu không, nó hẳn đã xảy ra với tất cả mọi người. Sự hiện hữu không hề dễ dàng, nếu không, hẳn mọi người đều có thể hiện hữu không chút lo âu. Và tình yêu chính là mối hiểm nguy lớn nhất. Nó đòi hỏi bạn phải toàn tâm toàn ý.
Vì vậy, đừng e ngại, hãy dấn thân. Nếu vượt qua được thử thách của sự thật, mối quan hệ đó sẽ trở nên tuyệt đẹp. Nếu mối quan hệ kia không thể sống sót sau thử thách, bạn phải mừng vì thứ giả tạo đã kết thúc, và giờ bạn có nhiều khả năng phát triển một mối quan hệ khác chân thật hơn, bền vững hơn, có liên quan đến bản chất cốt lõi hơn.
Nhưng hãy nhớ, sự giả dối không bao giờ phải trả giá. Có thể nó trông như đang trả giá nhưng thực chất là không. Chỉ có sự thật mới trả giá - dù ngay từ đầu, sự thật không có vẻ như phải trả giá. Nó dường như sẽ làm tiêu tan mọi thứ. Nếu bạn nhìn từ bên ngoài, sự thật trông rất nguy hiểm, đáng sợ. Nhưng đó chỉ là quan điểm từ bên ngoài. Nếu bạn đi vào bên trong, sự chân thật là điều tuyệt vời duy nhất. Và một khi bắt đầu yêu thích nó, nếm trải nó, bạn sẽ càng muốn nhiều hơn bởi nó khiến bạn hài lòng.
Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Chân thật với người lạ lúc nào cũng dễ dàng hơn. Những người xa lạ cùng đi trên một chuyến tàu bắt đầu trò chuyện với nhau, và khẳng định những điều mà họ chưa bao giờ khẳng định với bạn bè của mình, bởi với người lạ, bạn không phải cam kết, không có liên quan. Nửa giờ sau, khi tàu vào ga, bạn bước xuống, sẽ quên hết, và người kia cũng sẽ quên những điều bạn đã nói. Vì vậy, những gì bạn đã nói sẽ không tạo nên sự khác biệt nào. Với một người xa lạ, bạn không phải đặt cược điều gì.
Khi nói chuyện với người lạ, con người trở nên chân thật hơn, và dễ tiết lộ lòng mình. Nhưng khi nói chuyện với bạn bè, với người thân - bố, mẹ, anh, chị, em, chồng, vợ - luôn tồn tại một trạng thái kìm nén vô thức. “Đừng nói điều này, nó sẽ cảm thấy tổn thương. Đừng nói điều kia, nó sẽ không thích. Đừng cư xử kiểu này, bố già rồi, ông ấy có thể không chịu đựng được”. Và mọi người cứ luôn kiểm soát. Dần dần, sự chân thành bị rơi xuống đáy sâu của thực thể tồn tại, và rồi bạn trở nên rất nhanh nhẹn, ranh mãnh với những thứ không thật, không chân thành. Bạn cứ mãi giữ những nụ cười gượng gạo – những thứ chỉ đơn thuần là cử động của cơ miệng. Bạn cứ nói ra những điều tốt đẹp, nhưng vô nghĩa. Bạn chán ngán bạn trai hoặc người thân của mình nhưng cứ mãi nói, “Thật vui được gặp anh!”, trong khi những gì bạn muốn nói là “Hãy để tôi yên!”; nhưng bạn lại cứ phải giả vờ. Và mọi người đều hành động giống nhau, không ai nhận thức được bởi vì tất cả đều đang ở trên cùng một con thuyền.
Một người có đạo là người bước ra khỏi chiếc thuyền này và chấp nhận rủi ro. Người đó sẽ nói: “Hoặc tôi sẽ sống chân thật hoặc không là gì cả. Nhưng tôi sẽ không sống giả dối”.
Bằng bất cứ giá nào, hãy thử làm điều đó, đừng cứ mãi sống theo cách giả dối. Mối quan hệ có thể đủ mạnh mẽ để chứa đựng sự thật. Khi đó, nó sẽ rất đẹp đẽ. Nếu không thể chân thật với người mà bạn yêu thương, bạn sẽ chân thật được với ai? Ở đâu? Nếu không thể chân thật với người mà bạn nghĩ đang yêu thương bạn - nếu ngay cả với họ bạn cũng ngại tiết lộ sự thật, ngại phơi bày suy nghĩ của bản thân, và vẫn che giấu - thì bạn còn tìm được nơi nào và không gian nào để có thể hoàn toàn tự do?
Đó chính là ý nghĩa của tình yêu, rằng ít nhất với sự hiện diện của một người, chúng ta có thể hoàn toàn phơi bày chính mình. Chúng ta biết rằng người đó yêu, vì vậy, người đó sẽ không hiểu lầm. Chúng ta biết rằng người đó yêu, vì vậy nỗi sợ hãi sẽ biến mất. Bạn có thể tiết lộ mọi thứ. Bạn có thể mở toang mọi cánh cửa, có thể mời người đó bước vào. Bạn có thể bắt đầu đi vào bản thể của người khác.
Tình yêu là quá trình đòi hỏi sự tham gia, vì vậy ít nhất với người yêu, đừng giả dối. Tôi không bảo bạn hãy chân thật với tất cả mọi người, bởi vì điều đó sẽ tạo ra những rắc rối không đáng có. Nhưng hãy bắt đầu với người yêu, rồi gia đình và những người khác nữa. Dần dần, bạn sẽ hiểu được rằng sự chân thật đẹp đẽ đến mức bạn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được nó. Từ đó, ngay cả giữa chốn đông người, sự chân thành sẽ là cách sống của bạn. Hãy tìm hiểu những điều cơ bản nhất về tình yêu, về sự chân thật với những người gần gũi nhất bởi vì họ sẽ hiểu bạn.