Dưới đây là câu chuyện ngụ ngôn do Trang Tử kể lại:
Một người đàn ông nọ cảm thấy rất phiền lòng về chiếc bóng và bước chân của mình. Anh ta khó chịu đến mức quyết định thoát khỏi chúng. Cách đầu tiên mà người đó nghĩ đến là chạy trốn. Vì vậy, anh ta bắt đầu chạy, nhưng mỗi khi anh đặt chân xuống, bước tiếp theo lại xuất hiện, còn chiếc bóng thì cứ theo sát không rời. Người đó nghĩ rằng thất bại là do anh ta chạy chưa đủ nhanh. Vì vậy, anh ta bắt đầu chạy mỗi lúc một nhanh hơn mà không hề dừng lại cho đến khi gục chết.
Người đàn ông đó không nhận ra rằng nếu chỉ cần bước vào bóng râm, chiếc bóng của anh ta sẽ biến mất, và nếu chịu ngồi xuống và tĩnh tâm, anh ta sẽ không còn nhìn thấy bước chân nào nữa.
Bạn nỗ lực để đạt được một lý tưởng nào đó, nhưng nó lại luôn nằm ở tương lai. Hẳn là thế, không có lý tưởng nào ở hiện tại. Và tương lai thì không nhìn thấy, nó thậm chí còn chưa xuất hiện. Nhưng chính vì sống theo lý tưởng mà bạn mãi sống cho tương lai - một cuộc sống không có gì ngoài mộng tưởng. Vì lý tưởng, bạn không thể sống cho khoảnh khắc hiện tại. Vì lý tưởng, bạn tự lên án và buộc tội chính mình.
Mọi lý tưởng đều tạo ra hình ảnh trong tâm trí bạn. Và khi so sánh hình ảnh này với chính mình, bạn luôn cảm thấy bản thân có gì đó thiếu sót, khiếm khuyết. Không có gì là khiếm khuyết hay thiếu sót. Bạn hoàn hảo nếu có chăng cái gọi là hoàn hảo.
Chỉ khi hiểu được điều này bạn mới có thể hiểu được câu chuyện ngụ ngôn của Trang Tử. Đây là một trong những câu chuyện hay nhất từng được nhắc đến, và nó đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người. Tại sao chúng ta cứ mãi gồng gánh những lý tưởng trong đầu? Tại sao bạn không cảm thấy đủ khi chỉ là chính mình? Ngay lúc này, tại sao bạn không giống như các vị thánh? Ai đang cản trở bạn? Ai đang chắn lối đi của bạn? Tại sao bạn không thể vui sướng và hạnh phúc ngay tại chính giây phút này? Điều gì đã ngăn cản bạn?
Chính lý tưởng sống của bạn là vật cản. Làm sao bạn có thể vui vẻ được, khi trong bạn chất đầy sự giận dữ? Muốn vui vẻ, trước hết bạn phải loại bỏ cơn giận. Làm sao bạn có thể giống như các vị thánh để ăn mừng giây phút này, khi trong bạn chất đầy lòng tham, sự si mê và cuồng nộ? Chỉ khi loại bỏ được những điều đó, bạn mới có thể giống như các vị thánh. Vì đặt ra lý tưởng sống cho mình, bạn buộc tội và ruồng rẫy bản thân. Khi đem mình so sánh với lý tưởng, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Một khi bạn đặt mình vào tình trạng “nếu…”, hạnh phúc sẽ không bao giờ đến bởi “nếu” là một điều kiện phiền phức nhất từng có.
“Nếu những điều kiện kia được thỏa mãn, tôi sẽ hạnh phúc”. Khi nói ra điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Và thậm chí nếu được thỏa mãn, bạn sẽ không còn cảm thấy thích thú nữa và cũng không còn tâm trạng để ăn mừng vì trong đầu bạn lại xuất hiện ngay những lý tưởng khác.
Đây chính là sai lầm mà con người thường mắc phải trong cuộc sống. Bạn tạo ra lý tưởng và muốn mình trở thành lý tưởng đó, để rồi cảm thấy kém cỏi và buộc tội chính mình. Bởi vì suy nghĩ mộng mơ đó, thực tế trở nên chán chường và những giấc mơ thì cứ luôn đeo bám bạn.
Hãy làm điều ngược lại. Hãy sống như các vị thần trong khoảnh khắc này. Hãy ăn mừng cuộc sống. Và dần dần, bạn sẽ cảm thấy ít giận dữ, ít tham lam, ít ham muốn tính dục, và trở nên hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn. Khi đó, bạn sẽ đi đúng hướng. Khi một người biết thưởng thức cuộc sống theo cách trọn vẹn nhất, mọi sai lầm đều biến mất. Nhưng nếu bạn tìm cách khiến cho những sai lầm biến mất, nó sẽ xuất hiện.
Điều này cũng giống như việc chống lại bóng tối. Ngôi nhà của bạn tràn ngập bóng tối và bạn tự hỏi: “Làm sao tôi có thể thắp nến? Trước khi thắp nến, tôi phải xua tan bóng tối”. Đây chính là những gì bạn đã và đang làm. Bạn nói rằng phải từ bỏ lòng tham trước thì trạng thái phấn khích tột độ mới xuất hiện. Thật là ngớ ngẩn! Bạn nói rằng bóng tối phải biến mất thì bạn mới có thể thắp nến, như thể bóng tối cản trở bạn. Bóng tối không tồn tại. Nó chẳng là gì. Nó chỉ là trạng thái thiếu vắng, không phải sự hiện hữu. Nó chỉ là thiếu ánh sáng – hãy thắp ánh sáng và bóng tối sẽ biến mất. Hãy ăn mừng, trở thành ngọn lửa hạnh phúc và tất cả những điều sai trái sẽ biến mất. Sự giận dữ, tham lam, ham muốn tính dục hay bất cứ điều gì khác mà bạn nghĩ đến đều không chắc chắn; chúng chỉ là sự thiếu vắng một cuộc sống tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.
Vì không thể tận hưởng cuộc sống nên bạn giận dữ. Không phải vì ai đó tạo ra cơn giận của bạn, chỉ vì bạn không tận hưởng được cuộc sống nên bạn đau khổ. Đó là lý do vì sao bạn giận dữ. Những yếu tố khác chỉ là cái cớ. Vì không thể ăn mừng hạnh phúc nên tình yêu không thể đến với bạn. Nó chỉ chứa đựng bóng tối. Và rồi bạn cho rằng: “Trước hết phải hủy diệt những bóng tối này, rồi Thượng đế sẽ xuất hiện”. Đó là một trong những đặc tính ngu ngốc nhất của loài người. Một đặc tính lâu đời nhất và nó theo đuổi tất cả mọi người.
Thật khó để bạn nghĩ rằng tại chính giây phút này, bạn là thần thánh, nhưng tôi hỏi bạn, bạn còn thiếu điều gì? Còn tìm kiếm điều gì? Bạn là một thực thể sống động, có hơi thở, có ý thức, vậy bạn còn cần gì nữa? Hãy sống như thần thánh ngay chính giây phút này. Thậm chí bạn cảm thấy rằng đó chỉ là “như thể”, thì cũng đừng phiền lòng. Thậm chí bạn cảm thấy “mình chỉ giả định rằng mình là thần thánh”, thì hãy cứ giả định như thế, đừng lo lắng. Hãy bắt đầu bằng “như thể”, và thực tế sẽ xảy đến bởi trong thực tế, bạn là chính mình. Và một khi bạn bắt đầu tồn tại như một vị thánh, tất cả mọi đau khổ, bóng tối sẽ biến mất. Hãy trở thành ánh sáng, và ở trạng thái này, bạn không phải đáp ứng điều kiện nào.
Bây giờ, tôi xin kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau:
Có một người đàn ông nọ. Anh ta quá phiền lòng với chiếc bóng của mình và khó chịu với bước chân của mình đến mức anh ta quyết định loại bỏ cả hai.
Hãy nhớ rằng, bạn chính là người đàn ông này – anh ta tồn tại trong tất cả mọi người. Đây là cách bạn hành xử, và đây cũng chính là lập luận logic của bạn: thoát khỏi chiếc bóng. Người đàn ông này rất khó chịu khi nhìn thấy chiếc bóng của mình. Vì sao ư? Có gì không ổn với chiếc bóng? Sao bạn lại thấy phiền lòng với chiếc bóng? Bởi vì có thể bạn đã nghe thấy rằng thần thánh không có bóng. Khi di chuyển, họ không tạo ra chiếc bóng nào. Người đàn ông kia cảm thấy khó chịu vì ghen tị với những vị thánh. Người ta nói rằng trên thiên đường, mặt trời mọc và các vị thánh bước đi nhưng không có bất kỳ chiếc bóng nào, họ hoàn toàn trong suốt. Nhưng tôi xin nói với bạn: đó chỉ là giấc mơ. Không có nơi nào mọi thứ tồn tại mà không có cái bóng của nó. Nếu một vật hiện hữu, chiếc bóng sẽ được tạo ra. Nếu vật đó không hiện hữu, chiếc bóng cũng sẽ biến mất.
Hiện hữu có nghĩa là sẽ tạo ra chiếc bóng. Sự giận dữ, ham muốn tính dục, lòng tham của bạn – tất cả đều là chiếc bóng. Nhưng hãy nhớ rằng chúng chỉ là chiếc bóng. Chúng hiện hữu theo một ý nghĩa nào đó, tuy nhiên, chúng vẫn không hiện hữu, đó chính là ý nghĩa của chiếc bóng. Nó không có thực. Chiếc bóng chỉ là một trạng thái thiếu vắng. Bạn đứng, ánh nắng mặt trời chiếu lên người bạn, và bởi vì có sự che chắn của bạn nên một số tia nắng không thể đi qua. Khi đó hình ảnh của bạn được tạo ra - hình ảnh của chiếc bóng. Đó chỉ là trạng thái thiếu vắng. Bạn cản trở ánh nắng; đó là lý do mà chiếc bóng được tạo ra.
Chiếc bóng không có thật, chỉ có bạn mới là thật. Bạn có thật; đó là lý do vì sao chiếc bóng được tạo ra. Nếu bạn giống như hồn ma, khi đó sẽ không có bóng. Và những thiên thần trên thiên đường sẽ không khác gì những hồn ma - những hồn ma do trí tưởng tượng của bạn và những kẻ theo chủ nghĩa lý tưởng. Người đàn ông đó thấy phiền lòng vì anh ta nghe nói rằng anh ta chỉ có thể trở thành thần thánh khi chiếc bóng biến mất.
Có một người đàn ông nọ. Anh ta quá phiền lòng với chiếc bóng của mình và khó chịu với bước chân của mình đến mức anh ta quyết định loại bỏ cả hai.
Bạn khó chịu điều gì? Nếu đi sâu vào bên trong, bạn sẽ chẳng thấy gì ngoài âm thanh của bước chân mình.
Bạn khó chịu điều gì? Nếu đi sâu vào bên trong, bạn sẽ chẳng thấy gì ngoài âm thanh của bước chân mình. Bạn có thật, vì vậy phải có một chút âm thanh; bạn phải chấp nhận điều này. Nhưng con người lại nghe nói rằng thần thánh không có bóng và khi bước đi, họ không tạo ra bất kỳ âm thanh nào. Những vị thần thánh này không là gì ngoài giấc mơ; họ chỉ tồn tại trong ý nghĩ. Thiên đường này không tồn tại! Bất cứ khi nào có điều gì đó hiện hữu, âm thanh sẽ được tạo ra. Đây chính là cách tồn tại của sự vật, bạn không thể làm gì được. Đây là bản chất của tự nhiên. Nếu tìm cách thay đổi nó, bạn sẽ mắc sai lầm. Nếu tìm cách thay đổi nó, bạn sẽ lãng phí cả cuộc đời mình, và cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy rằng mình không đi đến đâu. Chiếc bóng vẫn tồn tại, bước chân vẫn tạo ra âm thanh, và cái chết vẫn sẽ đến gõ cửa.
Trước khi cái chết tìm đến, hãy chấp nhận chính mình và rồi điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Điều kỳ diệu đó là khi bạn chấp nhận chính mình, bạn không trốn chạy khỏi bản thân. Nhưng ngay lúc này, mỗi người trong các bạn lại đang chạy trốn chính mình. Ngay cả khi bạn đến với tôi, bạn cũng chỉ đến bằng phần trốn chạy. Đó là lý do vì sao bạn không tiếp cận được tôi, đó là khoảng cách. Nếu đến với tôi bằng phần trốn chạy đó, bạn không thể tiếp cận được tôi bởi nỗ lực của tôi là giúp bạn không phải chạy trốn chính mình. Đừng tìm cách chạy trốn chính mình, bạn không thể là ai khác. Bạn có một cá tính và vận số nhất định.
Bạn là một cá thể độc nhất vô nhị, chưa từng tồn tại trước đây và cũng sẽ không hiện hữu về sau, chỉ bạn mới có được nó. Hãy ăn mừng điều đó!
Giống như dấu vân tay - độc đáo và duy nhất. Kiểu vân tay đó chưa hề tồn tại trước đây và sẽ không hiện hữu trở lại. Nó chỉ thuộc về bạn, không có bản sao thứ hai. Điều này cũng đúng với sự hiện hữu của bạn. Bạn là một cá thể độc nhất vô nhị, chưa từng tồn tại trước đây và cũng sẽ không hiện hữu về sau, chỉ bạn mới có được nó. Hãy ăn mừng điều đó! Điều gì đó độc đáo đã xảy ra với mọi người. Thượng đế đã trao cho mọi người món quà độc nhất và bạn lên án nó. Bạn muốn điều gì đó tốt hơn! Bạn tìm cách trở nên khôn ngoan hơn thực thể hiện hữu của mình, bạn cố trở nên thông thái hơn, và rồi bạn sẽ đi sai đường. Hãy nhớ, một phần không thể nào trở nên thông thái hơn cái tổng thể, và bất cứ điều gì mà cái tổng thể tạo ra đều là cuối cùng, bạn không thể thay đổi được. Bạn có thể nỗ lực để thay đổi và lãng phí cuộc đời mình, nhưng cuối cùng sẽ chẳng được gì.
Vì sao không đón nhận chiếc bóng? Khoảnh khắc chấp nhận nó, bạn sẽ quên ngay; nó sẽ biến mất, ít nhất là khỏi tâm trí bạn ngay cả khi nó vẫn tồn tại trong cơ thể.
Cái tổng thể rất to lớn, bạn chỉ là một tế bào nhỏ. Đại dương mênh mông, còn bạn chỉ là một giọt nước nhỏ. Nước biển mặn chát, còn bạn lại cố tỏ ra ngọt ngào - điều đó là không thể. Nhưng cái tôi lại muốn làm những điều không thể, những điều khó khăn, những điều nằm ngoài tầm với. Trang Tử đã nói, “Cứ thoải mái”. Vì sao bạn không thể thoải mái và sẵn sàng đón nhận mọi thứ? Vì sao không đón nhận chiếc bóng? Khoảnh khắc chấp nhận nó, bạn sẽ quên ngay; nó sẽ biến mất, ít nhất là khỏi tâm trí bạn ngay cả khi nó vẫn tồn tại trong cơ thể.
Nhưng vấn đề nằm ở đâu? Làm cách nào một chiếc bóng lại có thể gây rắc rối? Sao lại cứ tìm kiếm rắc rối từ nó? Giống như cách bạn đang làm, mọi thứ đều rắc rối. Người đàn ông đó cảm thấy phiền lòng, khó chịu với chiếc bóng của mình. Hẳn anh ta muốn mình là một vị thánh, muốn mình không có chiếc bóng nào.
Nhưng bạn đã giống như một vị thánh, và bạn không thể trở thành ai khác ngoài những gì đã được ban tặng. Làm sao bạn có thể thực hiện được? Bạn chỉ có thể giống như những gì hiện có - tất cả những gì cần làm là di chuyển hướng đến trạng thái hiện hữu đó - thứ vốn đã tồn tại. Bạn có thể sẽ đi thơ thẩn và gõ nhầm cửa nhà người khác, nhưng đây chỉ là một kiểu trò chơi trốn tìm với chính mình. Tất cả phụ thuộc vào số lần bạn đi lang thang và số lần bạn gõ nhầm cửa nhà người khác. Cuối cùng, bạn sẽ đến cửa nhà mình, và nhận ra rằng cánh cửa của riêng bạn vẫn luôn tồn tại ở đó. Không ai mang nó đi. Bản chất, Đạo, không thể tách rời khỏi bạn.
Người đàn ông đó phiền lòng vì chiếc bóng của mình. Cách anh ta nghĩ đến trước tiên là chạy trốn khỏi nó - đó cũng là cách mà mọi người đang làm. Trí óc dường như sở hữu một lối tư duy sai lầm. Ví dụ, nếu cảm thấy giận dữ, bạn sẽ làm gì? Lúc đó, bạn sẽ nghĩ, “Đừng giận dữ, hãy giữ lời thề”. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ kìm nén - và bạn càng đè nén, cơn giận sẽ dồn xuống tận đáy sâu trong tâm tồn bạn. Và rồi bạn sẽ giận dữ thường xuyên. Nó trở thành máu thịt của bạn, trở thành một thứ độc dược; nó lan tỏa vào các mối quan hệ của bạn. Ngay cả khi bạn đang yêu ai đó, cơn giận kia cũng vẫn tồn tại và tình yêu trở nên quá khích. Ngay cả khi bạn tìm cách giúp đỡ ai đó, sự giúp đỡ ấy vẫn chứa đựng độc dược bởi độc dược đã ngấm vào cơ thể bạn. Và độc dược đó sẽ phản ánh chính bạn, hiện diện trong tất cả mọi hành động của bạn. Khi bạn cảm nhận điều này, tâm trí bạn sẽ nói: “Bạn chưa kìm nén đủ mức, phải kìm nén nhiều hơn nữa”. Cơn giận dữ tồn tại bởi sự đè nén, còn tâm trí thì cho rằng: “Hãy đè nén hơn nữa!”. Và rồi cơn giận sẽ chồng chất.
Tâm trí bạn sẽ trở nên ham muốn tính dục bởi sự đè nén, và cho rằng: “Hãy kìm nén hơn nữa. Tìm kiếm các cách thức và phương pháp mới để kìm nén cho đến khi bạn có thể tồn tại một cách độc lập”. Nhưng sự việc không thể diễn ra theo cách đó. Do kìm nén, nhu cầu tính dục không chỉ thâm nhập vào cơ thể mà còn đi vào tâm trí, gắn liền với não bộ. Và người kia sẽ không ngừng suy nghĩ về tình dục. Kéo theo đó là sự xuất hiện đầy rẫy các tác phẩm khiêu dâm.
Vì sao mọi người thích nhìn ảnh khỏa thân của phụ nữ? Bản thân phụ nữ vẫn chưa đủ hay sao? Có thể nói là hơn cả đủ! Vậy thì vì lý do gì? Bức ảnh luôn gợi cảm hơn so với người thật. Người phụ nữ thật có cơ thể và chiếc bóng, bước chân của họ luôn tồn tại và phát ra âm thanh. Còn bức ảnh là giấc mơ; nó hoàn toàn thuộc về trí tưởng tượng, và không có chiếc bóng nào tồn tại. Người phụ nữ thật sẽ toát mồ hôi, và có mùi cơ thể, còn bức ảnh thì không bao giờ toát mồ hôi. Người phụ nữ thật sẽ giận dữ; còn bức ảnh không bao giờ giận dữ. Người phụ nữ thật sẽ già đi, còn bức ảnh sẽ mãi trẻ trung, tươi tắn. Bức ảnh thuộc về tâm lý. Những ai đè nén bản năng giới tính trong cơ thể sẽ trở nên ham muốn về mặt tinh thần. Khi đó, tâm trí họ sẽ hoạt động theo bản năng giới tính và trở thành một căn bệnh.
Nếu bạn thấy đói, hãy ăn; nhưng nếu bạn liên tục nghĩ về thức ăn, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trở thành căn bệnh. Khi thấy đói, bạn hoàn toàn có thể ăn và kết thúc bữa ăn. Nhưng bạn không thể kết thúc bữa ăn nếu nó luôn diễn ra trong tâm trí.
Vợ của Mulla Nasruddin bị ốm và phải phẫu thuật. Vài ngày trước, cô ấy xuất viện về nhà, vì vậy, tôi đã hỏi thăm: “Vợ anh thế nào? Cô ấy bình phục chưa?”. Mulla đáp: “Chưa, cô ấy vẫn còn nói về nó”. Nếu bạn nghĩ về điều gì đó, nói về điều gì đó, nó sẽ tồn tại. Và lúc này, nó trở nên nguy hiểm hơn bởi vì cơ thể hồi phục, nhưng tâm trí không ngừng suy nghĩ và sẽ kéo dài đến vô tận. Cơ thể có thể hồi phục nhưng tâm trí thì không bao giờ.
Nếu bạn đè nén cơn đói trong cơ thể, nó sẽ chuyển vào tâm trí. Vấn đề đó không bao giờ mất đi, nó đã bị đẩy vào trong. Nói theo nghĩa đen, khi bạn nén bất cứ thứ gì, nó sẽ càng lún sâu xuống bên dưới. Khi đó, tâm trí sẽ nghĩ rằng nếu bạn không thành công, nghĩa là có điều gì đó không đúng, bạn không cố gắng đủ mức cần thiết, phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Cách anh ta nghĩ đến trước tiên là chạy trốn.
Tâm trí chỉ có hai lựa chọn: đấu tranh hoặc chạy trốn. Bất cứ khi nào gặp rắc rối, tâm trí nói rằng hoặc đấu tranh hoặc chạy trốn – và cả hai phương án đều sai. Nếu đấu tranh, bạn vẫn không giải quyết được vấn đề. Nếu bạn đấu tranh, vấn đề đó sẽ luôn tồn tại. Nếu đấu tranh, bạn sẽ bị chia tách bởi vấn đề đó không phải ở bên ngoài mà nó nằm sâu bên trong.
Ví dụ, nếu cảm thấy giận dữ và đấu tranh chống lại cơn giận đó, điều gì sẽ xảy ra? Một nửa trong bạn sẽ chứa đựng sự giận dữ, còn nửa kia chứa đựng ý nghĩ đấu tranh. Cứ như thể hai tay của bạn đang đánh nhau. Tay nào sẽ giành chiến thắng? Bạn sẽ tiêu hao năng lượng. Không ai chiến thắng. Bạn có thể đánh lừa chính mình rằng bạn đã kìm nén được cơn giận, giờ bạn đang ngồi trên sự giận dữ. Nhưng rồi bạn sẽ phải liên tục ngồi trên nó – thậm chí không một giây phút nghỉ ngơi nào. Nếu trong một khoảnh khắc nào đó không còn nhớ đến nó, bạn sẽ đánh mất toàn bộ chiến công của mình.
Vì sao bạn không thể thảnh thơi? Bởi bạn đã đè nén quá nhiều thứ. Bạn lo ngại rằng nếu bạn thả lỏng, chúng sẽ xuất hiện.
Vậy nên những người đè nén điều gì sẽ luôn phải ngồi trên chính những điều đó và luôn sợ hãi. Họ không thể thư giãn. Vì sao việc thư giãn lại trở nên khó khăn đến vậy? Vì sao bạn không thể ngủ? Vì sao bạn không thể thả lỏng người? Vì sao bạn không thể thảnh thơi? Bởi bạn đã đè nén quá nhiều thứ. Bạn lo ngại rằng nếu bạn thả lỏng, chúng sẽ xuất hiện. Những người được gọi là ngoan đạo sẽ không thể nào thư giãn; họ luôn căng thẳng và trạng thái căng thẳng đó bắt nguồn từ chính điều này. Họ đã đè nén điều gì đó - và bạn bảo họ phải thư giãn ư? Họ biết rằng nếu họ thả lỏng, kẻ thù sẽ xuất hiện. Tâm trí mách bảo, hoặc là đấu tranh - và nếu đấu tranh, bạn sẽ kìm nén - hoặc chạy trốn. Nhưng chạy trốn đi đâu? Ngay cả khi bạn trốn đến dãy núi Himalaya, cơn giận dữ cũng sẽ đi theo bạn: nó là chiếc bóng của bạn. Nhu cầu giới tính sẽ đi theo bạn, nó là chiếc bóng của bạn. Dù bạn đi đâu, chiếc bóng cũng sẽ đi theo.
Cách người đó nghĩ đến trước tiên là chạy trốn khỏi chúng. Vì vậy, anh ta bắt đầu đứng lên và chạy, nhưng mỗi lần anh ta đặt chân xuống thì bước kế tiếp lại xuất hiện, còn chiếc bóng vẫn theo sát anh không rời.
Người đó bất ngờ! Anh ta chạy thật nhanh, nhưng điều đó không có gì khó đối với chiếc bóng. Chiếc bóng vẫn theo sát một cách dễ dàng, thậm chí không hề đổ mồ hôi. Chiếc bóng không thấy khó khăn bởi nó không có thật. Người đàn ông đã đổ mồ hôi, bắt đầu thấy khó thở nhưng chiếc bóng vẫn bên cạnh. Chiếc bóng không thể rời bỏ bạn theo cách này. Cách hữu ích nhất là không đấu tranh cũng không chạy trốn. Bạn sẽ đi về đâu? Dù đặt chân đến nơi nào, bạn sẽ mang theo chính mình, và chiếc bóng của bạn sẽ ở đó.
Người đó cho rằng mình thất bại là do chạy chưa đủ nhanh. Thế là anh ta bắt đầu chạy ngày một nhanh hơn mà không dừng lại cho đến khi gục chết.
Bạn phải hiểu được logic của tâm trí. Nếu không hiểu, bạn sẽ trở thành nạn nhân của nó.
Bạn phải hiểu được logic của tâm trí. Nếu không hiểu, bạn sẽ trở thành nạn nhân của nó. Tâm trí sở hữu một logic không hợp lý, đó là một cái vòng luẩn quẩn. Nếu bạn lắng nghe tiếng nói của tâm trí, mỗi bước đi sẽ đưa bạn đến với nhiều bước đi khác trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Người đàn ông này sở hữu một lối tư duy logic hoàn hảo, bạn không tìm thấy bất kỳ sai sót nào trong logic của anh ta. Không có một sơ hở nào. Anh ta logic như Aristotle. Người đó cho rằng, nếu chiếc bóng vẫn còn theo sát anh có nghĩa là anh chạy chưa đủ nhanh. Anh cần phải chạy nhanh hơn, rồi sẽ đến lúc chiếc bóng không còn có thể theo được nữa. Nhưng chiếc bóng là của bạn, chứ không phải ai khác đang theo đuổi bạn. Nếu chiếc bóng là ai khác thì hẳn logic kia đã đúng.
Nếu ai đó đã đeo bám người đàn ông này thì hẳn anh ta đã đúng, hoàn toàn đúng khi cho rằng mình chạy chưa đủ nhanh, và đó là lý do vì sao người kia cứ mãi theo đuổi. Nhưng anh ta đã sai bởi vì không có ai khác. Tâm trí đó trở nên vô dụng.
Tâm trí dành cho người khác, thiền cho chính mình. Sử dụng tâm trí cho người khác, không dùng cho chính mình - đó chính là điểm nhấn của Trang Tử, của Thiền, của Sufi, Hasid, hay của những người hiểu biết; của Phật, của Jesus, Muhammad, hay của những người hiểu biết. Trọng tâm ở đây là bạn có thể sử dụng tâm trí cho người khác nhưng đừng sử dụng cho chính mình.
Người đàn ông đó rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi anh ta sử dụng tâm trí cho chính mình, và tâm trí đó sở hữu mô hình riêng của nó. Tâm trí cho rằng: “Chạy nhanh hơn, nhanh hơn nữa! Nếu bạn chạy đủ nhanh, chiếc bóng sẽ không thể theo kịp bạn”.
Người đó cho rằng mình thất bại vì chạy chưa đủ nhanh.
Thất bại đã có sẵn ở đó ngay từ lúc anh ta bắt đầu chạy. Nhưng tâm trí không nói lên được điều này, tâm trí chưa được nạp thông tin đó. Nó là một chiếc máy tính, bạn cần phải nạp liệu cho nó; nó là một cơ chế vận hành. Nó không thể mang đến cho bạn điều gì mới mẻ ngoài những thứ bạn nạp vào. Tâm trí không thể mang lại cái mới; những gì nó trao cho bạn đều là thứ vay mượn. Và nếu say sưa nghe theo nó, bạn luôn gặp rắc rối khi trở về với chính mình. Khi có sự chuyển hướng để quay về nguồn cội, bạn sẽ gặp rắc rối.
Khi đó, tâm trí sẽ trở nên hoàn toàn vô ích – không chỉ không hữu ích mà còn trở thành rào cản, trở thành thứ gây hại. Vì vậy, hãy từ bỏ nó. Tôi đã từng nghe câu chuyện sau:
Chuyện kể rằng một ngày nọ, con trai của Mulla Nasruddin trở về nhà sau giờ học và mang theo một cuốn sách nói về tình dục. Mẹ cậu rất lo lắng nhưng vẫn đợi chồng về. Cần phải làm gì đó, ngôi trường này đã đi quá xa! Khi trở về nhà, Mulla Nasruddin được vợ cho xem cuốn sách. Nasruddin lên lầu tìm con trai. Anh thấy nó trong phòng, đang hôn cô hầu gái. Vì thế Nasruddin nói: “Con trai, khi nào làm xong bài tập về nhà thì xuống dưới nhé”.
Đây chính là logic! Logic có bước đi riêng của nó, và các bước sẽ tiếp nối nhau, không bao giờ kết thúc. Người đàn ông sợ hãi chiếc bóng của mình đã nghe theo tâm trí, vì vậy anh ta chạy ngày một nhanh hơn mà không hề dừng lại cho đến khi gục chết. Chạy càng ngày càng nhanh và không dừng lại, khi đó cái chết là tất yếu.
Bạn có bao giờ quan sát thấy rằng cuộc sống đó chưa từng xảy ra với mình? Bạn có thấy rằng chưa từng có khoảnh khắc nào như thế trong cuộc sống xảy đến với bạn? Bạn chưa trải nghiệm một khoảnh khắc sung sướng nào mà Trang Tử và Phật đã nói. Và điều gì sẽ xảy đến với bạn? Chẳng có gì ngoài cái chết. Và càng gần đến cái chết, bạn càng chạy nhanh hơn bởi cho rằng nếu chạy nhanh, bạn sẽ trốn thoát.
Bạn chạy đi đâu mà nhanh đến thế? Con người và tâm trí của con người luôn điên cuồng với tốc độ, cứ như thể phải đến một nơi nào đó và cần có tốc độ. Cho nên chúng ta ngày một tăng tốc hơn. Bạn định đi đâu? Cuối cùng, dù đi chậm hay nhanh, bạn cũng đến gần cái chết. Và mọi người đều đến vào đúng thời điểm, không chậm trễ một giây phút nào. Tôi đã được nghe một vài người tiếp cận cái chết sớm hơn thời hạn, nhưng chưa từng nghe ai đến trễ. Một số khác chết sớm hơn thời hạn bởi các bác sĩ của họ.
Người đó cho rằng mình thất bại là do chạy chưa đủ nhanh. Vì thế, anh ta bắt đầu chạy ngày một nhanh hơn mà không dừng lại cho đến khi gục chết. Người đó không nhận ra rằng nếu chỉ cần bước vào bóng râm, chiếc bóng của anh ta sẽ biến mất.
Điều đó thật dễ dàng, dễ dàng nhất! Nếu bạn chỉ cần bước vào bóng râm nơi không có mặt trời, chiếc bóng sẽ biến mất bởi nó được mặt trời tạo ra. Đó là vì thiếu những tia nắng mặt trời. Nếu bạn đứng dưới bóng cây, chiếc bóng của bạn sẽ biến mất.
Người đó không nhận ra rằng chỉ cần bước vào bóng râm, chiếc bóng của anh ta sẽ biến mất.
Bóng râm đó được gọi là sự tĩnh lặng, bóng râm đó được gọi là sự bình yên nội tại. Đừng lắng nghe tâm trí. Chỉ cần bước vào bóng râm, vào sự yên lặng bên trong, nơi không có tia nắng mặt trời.
Bạn vẫn ở vùng ngoại vi, đó chính là vấn đề. Ở đó, bạn là ánh sáng của thế giới bên ngoài, và chiếc bóng sẽ được tạo ra. Hãy nhắm mắt, di chuyển vào bóng râm. Khoảnh khắc bạn nhắm mắt lại, mặt trời sẽ không còn tồn tại. Khi đó, tất cả mọi hành động thiền đều được thực hiện - bạn di chuyển vào bóng râm của chính mình. Bên trong đó, không có ánh mặt trời, không có chiếc bóng. Bên ngoài là xã hội, và là nơi chứa đựng đủ các kiểu bóng. Bạn có bao giờ nhận ra rằng cơn giận dữ của bạn, nhu cầu giới tính của bạn, lòng tham của bạn, tham vọng của bạn, tất cả đều là một phần của xã hội? Nếu bạn thật sự di chuyển vào bên trong và loại bỏ xã hội ra bên ngoài, vậy còn chỗ nào cho cơn giận, cho dục vọng? Nhưng hãy nhớ, ngay từ đầu, khi bạn vừa nhắm mắt, những thứ kia chưa thực sự khép lại. Bạn sẽ mang theo hình ảnh từ bên ngoài vào, và bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của chính xã hội đó. Nhưng nếu tiếp tục di chuyển vào bên trong, sớm muộn gì xã hội cũng sẽ biến mất. Bạn ở trong, còn xã hội ở bên ngoài - bạn đã di chuyển từ vùng ngoại vi vào đến tâm điểm.
Tại tâm điểm này, chỉ có sự im lặng: không giận dữ hay chống lại sự giận dữ, không dục vọng hay cô độc, không tham lam hay chống lại sự tham lam, không bạo lực hay chống lại bạo lực - bởi tất cả những thứ đó đều ở bên ngoài. Hãy nhớ, các trạng thái đối lập cũng ở bên ngoài - bên trong bạn không có gì hết. Bạn chỉ là một hiện hữu thuần khiết. Đây chính là điều mà tôi muốn nói, hãy giống như một vị thánh - một cá thể thuần khiết không có bất kỳ trạng thái đối lập nào, không đấu tranh hay chạy trốn. Không gì cả, chỉ là một cá thể hiện hữu. Bạn đã di chuyển vào bóng râm.
Người đó không nhận ra rằng nếu bước vào bóng râm, chiếc bóng của anh ta sẽ biến mất.
Và nếu người đó ngồi xuống và tĩnh lặng, sẽ không còn bước chân nào nữa. Điều này thật sự quá dễ dàng. Nhưng điều dễ dàng như thế sao lại trở nên quá khó khăn với tâm trí? Bởi vì tâm trí luôn dễ bỏ chạy, dễ đấu tranh, bởi vì chỉ như vậy mới có thứ gì đó để làm. Nếu bạn nói với tâm trí rằng “Đừng làm gì cả”, đó quả là điều khó khăn nhất. Tâm trí sẽ hỏi: “Ít nhất hãy trao cho tôi câu thần chú để khi nhắm mắt, tôi có thể nói Aum, Aum…Ram, Ram. Phải làm điều gì đó vì làm sao chúng ta có thể ngồi yên mà không làm bất cứ thứ gì, không có gì để theo đuổi?”.
Tâm trí hoạt động, còn bản chất con người là hoàn toàn tĩnh lặng. Tâm trí muốn chạy nhưng con người ngồi yên.
Tâm trí hoạt động, còn bản chất con người là hoàn toàn tĩnh lặng. Tâm trí muốn chạy nhưng con người ngồi yên. Vùng ngoại vi di chuyển còn trung tâm thì không. Hãy quan sát khi bánh xe di chuyển - vòng bánh xe chuyển động nhưng trục giữa thì không, hoàn toàn đứng im, tĩnh lặng. Sự hiện hữu của bạn là bất động, còn vùng ngoại vi luôn chuyển động. Đây chính là điểm cần ghi nhớ trong điệu nhảy Sufi Dervish(*). Khi thực hiện điệu nhảy này, hãy để cơ thể trở thành vùng ngoại vi - cơ thể chuyển động, và bạn hoàn toàn bất động. Hãy trở thành bánh xe. Cơ thể sẽ là bánh xe, vùng ngoại vi, còn bạn là trục quay, là trung tâm. Và bạn sẽ sớm nhận ra rằng mặc dù cơ thể chuyển động ngày một nhanh hơn, nhưng bên trong bạn lại cảm thấy rằng mình không hề di chuyển; và cơ thể di chuyển càng nhanh càng tốt bởi nó sẽ tạo ra hiệu ứng tương phản rõ rệt. Bỗng nhiên, cơ thể và chính bạn trở nên tách rời nhau.
(*) Điệu nhảy của các tu sĩ Hồi giáo phái Sufi.
Nhưng bạn không ngừng di chuyển với cơ thể, vậy nên không có sự tách rời nào. Hãy ngồi xuống. Chỉ cần ngồi xuống là đủ, không cần làm gì hết. Chỉ cần nhắm mắt và ngồi, ngồi, ngồi, và để mọi thứ tự lắng dịu. Điều này cần phải có thời gian bởi bạn đã do dự rất nhiều lần. Bạn đã tìm cách tạo ra đủ kiểu rắc rối, phiền toái. Nó cần có thời gian - nhưng chỉ thời gian thôi. Bạn không cần làm gì khác, bạn chỉ đơn giản nhìn và ngồi xuống, nhìn và ngồi xuống… Những người thiền định gọi nó là Zazen. Zazen có nghĩa là chỉ cần ngồi xuống và không làm gì khác. Đây chính là những gì mà Trang Tử đã nói:
Người đó không nhận ra rằng chỉ cần bước vào bóng râm, chiếc bóng của anh ta sẽ biến mất, và nếu chịu ngồi xuống tĩnh lặng, anh ta sẽ không còn nghe thấy bước chân nào nữa.
Không cần phải đấu tranh, không cần phải chạy trốn. Điều duy nhất cần làm là di chuyển vào bóng râm và ngồi xuống.
Và điều này phải được thực hiện trong suốt cuộc đời bạn. Đừng chống lại bất cứ điều gì, và cũng đừng tìm cách thoát khỏi nó. Hãy để mọi thứ diễn ra theo đúng quy trình của nó. Bạn chỉ việc nhắm mắt và di chuyển vào trung tâm, nơi tia nắng mặt trời không bao giờ thâm nhập được. Không có chiếc bóng nào - và đó chính là ý nghĩa của câu chuyện thần linh không có bóng. Điều này không có nghĩa rằng ở đâu đó tồn tại những vị thần không có bóng, mà chính là vị thần đang ở bên trong bạn, bởi không gì có thể thâm nhập vào được. Nó không thể thâm nhập; nó luôn nằm trong bóng râm.
Trang Tử gọi bóng râm đó là Đạo, bản chất cốt lõi bên trong bạn - thứ sâu thẳm nhất trong con người bạn.
Vậy cần phải làm gì? Thứ nhất, đừng lắng nghe tâm trí. Nó là công cụ hữu hiệu cho thế giới bên ngoài, nhưng lại là rào cản đối với thế giới bên trong. Logic thích hợp cho người khác, nhưng không tốt cho chính bạn. Khi giải quyết mọi việc, bạn cần đến logic và sự hồ nghi. Khoa học phụ thuộc vào sự hoài nghi, còn tôn giáo phụ thuộc vào niềm tin. Chỉ cần ngồi xuống, với niềm tin sâu sắc rằng bản chất nội tại sẽ tiếp quản mọi thứ. Nó luôn làm thế. Những gì cần làm là ngồi và kiên nhẫn. Và cho dù tâm trí mách bảo điều này, hãy lờ nó đi.
Lắng nghe tâm trí để phục vụ cho thế giới bên ngoài, đừng sử dụng cho bản chất bên trong - chỉ đơn giản là hãy gạt nó qua một bên. Và không cần phải đấu tranh với nó bởi nếu bạn đấu tranh, nó có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn. Chỉ cần gạt nó sang một bên. Đó chính là bản chất của niềm tin. Niềm tin có nghĩa là không đấu tranh với tâm trí - nếu bạn đấu tranh, kẻ thù sẽ gây ấn tượng với bạn. Và hãy nhớ, ngay cả bạn bè cũng không có tác động nhiều như kẻ thù. Khi liên tục đấu tranh với ai đó, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi chính họ, vì bạn sẽ phải sử dụng các chiến thuật tương tự để chống lại họ. Cuối cùng, kẻ thù sẽ trở nên quen thuộc. Rất khó để tách rời khỏi kẻ thù, họ sẽ ảnh hưởng đến bạn.
Và những ai bắt đầu chiến đấu với tâm trí sẽ trở thành những triết gia vĩ đại. Họ có thể nói về việc chống lại tâm trí nhưng toàn bộ cuộc nói chuyện đó thoát ra khỏi tâm trí. Họ có thể nói: “Hãy chống lại tâm trí”, nhưng bất cứ thứ gì họ nói đều bắt nguồn từ tâm trí, thậm chí từ trạng thái thù địch của họ. Bạn phải tồn tại với kẻ thù, và dần dần, kẻ thù sẽ đặt ra các điều lệ, và chúng trở thành một.
Hãy luôn ghi nhớ: Đừng đấu tranh với tâm trí. Nếu không, bạn sẽ phải tuân theo các điều lệ đó. Nếu muốn thuyết phục tâm trí, bạn phải tranh luận, và đó là toàn bộ vấn đề. Nếu muốn thuyết phục tâm trí, bạn phải sử dụng lời lẽ, và đó là toàn bộ vấn đề. Chỉ đơn giản gạt nó sang một bên. Việc gạt nó sang một bên không phải là chống lại tâm trí, mà nó vượt ra khỏi phạm vi tâm trí. Giống như khi ra ngoài, bạn mang giày, còn khi về nhà, bạn cởi và đặt nó qua một bên - không có đấu tranh, không gì cả. Bạn không phải nói với đôi giày: “Giờ tao vào nhà, không còn cần đến mày nữa, vậy nên tao đặt mày sang một bên”. Bạn chỉ cần đặt chúng qua một bên khi không cần đến.
Cũng giống thế này - cứ thoải mái, thảnh thơi, không đấu tranh. Hãy thoải mái - không đấu tranh, không xung đột. Bạn chỉ cần gạt tâm trí qua một bên, di chuyển vào bóng râm bên trong, và ngồi xuống. Khi đó sẽ không còn nghe thấy tiếng bước chân, không còn chiếc bóng nào theo đuổi bạn. Bạn sẽ giống như vị thánh. Và bạn có thể trở thành cái đã tồn tại trong bạn. Vậy nên tôi cho bạn biết rằng, bạn giống như vị thánh, bạn là thần thánh. Đừng chấp nhận những gì thấp hơn mức đó.