Nhiệt độ ngoài trời lúc này đang ở dưới 100C.
Cô bảo, sáng nay khi mở cửa đi làm, đó là lần hiếm hoi nhìn thấy nắng. Như thể những ngày cắt da cắt thịt của mùa đông giá buốt đến từng sợi nơron thần kinh, cuối cùng cũng sắp sửa kết thúc. Đó phải chăng là một điềm lành?
Chẳng biết. Nhưng ít ra thì với một chút nắng giữa tiết trời thế này, thực sự đã là một sự cứu rỗi rất lớn. Nắng vàng ươm qua các nóc nhà, len lỏi trong các hẻm phố thành những mảng ấm áp và đẹp đẽ. Thời tiết đã bắt đầu ấm lên. Và người ta thường có xu hướng lạc quan hơn để khởi đầu một ngày mới.
Không có điều gì chắc chắn. Dù cho đó là một ngày khởi đầu cho sự kết thúc của mùa đông đi chăng nữa.
Cảnh sát đến tìm cô tại cửa hàng. Họ bảo K gieo mình từ tầng mười bốn của một tòa nhà nào đó mà cô chưa từng nghe qua. Khi cô dần định hình được những gì họ nói thì trên tay đã cầm yên vị một di thư của K.
Một buổi sáng ấm áp được thay thế hoàn toàn bằng mây giăng xám xịt trong lồng ngực. Cô chưa từng khóc một lần nào kể từ năm mười tám tuổi, một mình tự thu xếp đồ đạc và cuốn gói du học đến tận Berlin xa xôi. Lần đó, cô nghĩ mình đủ mạnh mẽ. Sẽ ổn thôi dù cho có đến bất cứ đâu đi chăng nữa. Cô nhủ thầm. Nhưng khi đối diện với cái chết của K thì sự mạnh mẽ đó có phần rạn nứt.
Cô chưa từng kể cho ai về sự hiện diện của K. Và mãi sau này cũng không. Cũng như cô không chấp nhận việc ai đó chọn lấy cái chết để chấm dứt cho mọi sự bế tắc. Sự ích kỉ đó cô không chấp nhận.
Làm sao có thể chấp nhận vào một ngày đẹp trời nào đó, cảnh sát ập đến tận nơi làm việc và thông báo về một cái chết? Nhưng dù không chấp nhận, thì sự thật vẫn cứ là sự thật.
***
Cô gặp K vào đúng ngày sinh nhật thứ mười chín. Một cô gái người Châu Á nhỏ nhắn, đứng bên ngoài cửa hàng hoa với vẻ khao khát và mắt thì nhìn gián vào những chậu hoa đủ sắc màu.
Mười chín tuổi cô chẳng có gì ngoài việc đều đặn lên giảng đường mỗi ngày và một công việc làm thêm với thù lao rẻ mạt. Vậy nên việc tự tặng mình một chậu hoa nhân ngày sinh nhật cũng trở thành xa xỉ. Nhiều lúc mệt mỏi và muốn trốn quách khỏi cái đất nước xa lạ này. Nhưng từ trong suy nghĩ, cô biết chỉ cần buông xuôi thì mọi thứ sẽ trôi tuột như nước luồn qua kẽ tay. Bằng mọi giá cô phải sống và bám trụ lại nơi đây. Cô không thể thua cuộc.
K đã quan sát cô từ khá lâu trước đó. Rất nhanh chóng, họ có cuộc gặp gỡ kì lạ. K tiến sát về phía cô, trên tay là một chậu hoa păng-xê màu tím. “Tặng em, nếu em không ngại”. K nói. Cô bần thần độ vài giây, rồi khẽ khàng nhận lấy. Cô không phải loại người thích nhận thứ gì của người khác, nhưng sự chân thành của K lúc đó đã thôi thúc cô và đôi tay chìa ra như một phản xạ vô thức. Ngay vào khoảnh khắc đó, cô hiểu, mỗi một thời điểm đều ẩn chứa một cơ duyên nhất định, người ta có thể đặt chân đến bất cứ nơi đâu, tiếp xúc, gặp gỡ trò chuyện với đủ mọi loại người, trong số đó ắt hẳn sẽ tìm được một người mà mình có thể đồng cảm và tin tưởng từ lần đầu chạm mặt.
K nghiễm nhiên bước vào cuộc sống của cô theo cách đó. Sau này họ có nhiều thời gian để gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, sự thân thiết cũng bắt đầu nảy sinh như một điều hiển nhiên mà cuộc sống sắp đặt. K cũng như cô, chẳng có gì ngoài công việc làm thêm ở cửa hàng hoa. Nhưng việc có thêm một người bạn khiến cô đỡ bất an, trơ trọi và lẻ loi giữa lòng Châu Âu chật hẹp.
Không có mẹ. Hoàn cảnh giống hệt cô. Chỉ khác là anh sinh ra tại Đức. Một người Đức gốc Việt. Năm mười bảy tuổi thì anh bắt đầu dọn ra ở riêng, dù rằng gia đình chẳng có bao nhiêu người chung sống. Cô hỏi anh lí do. “Từ khi mẹ bỏ đi, mỗi người đã tự nhóm lên cho mình một nỗi cô đơn riêng. Anh không thể sống mãi ở đó được, nó làm anh cảm thấy ngộp thở”. Câu trả lời làm cô suy tư. Ở một góc độ nào đó chính cô cũng sở hữu nỗi cô đơn tương tự. “Có phải mỗi người đều cô đơn khi được sinh ra không?”. Cô hỏi. “Có lẽ vì thế mà họ cần một ai đó để gắn kết với cuộc đời mình”. K nói.
Và khi đó cô rơi vào dòng xoáy của suy nghĩ.
Cô đã từng giận bố ghê gớm. Mười ba tuổi cô tưởng chừng mọi thứ sụp đổ. Mẹ bỏ nhà đi kể từ lần đó, cô chẳng nhìn thấy mẹ thêm một lần nào nữa. Cô tin sự hà khắc của bố là căn nguyên cho mọi đổ vỡ. Và cũng chính tính cách đó khiến cô cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Cuối cùng thì cô tự tìm cách giải thoát cho mình bằng việc đặt chân đến đây. Một Châu Âu xa xôi đến chính cô cũng không thể ngờ. Nhưng sau này cô lại thầm cảm ơn cái tính cách khắc nghiệt đó. Nhờ nó mà cô đủ bản lĩnh để đương đầu với cuộc sống đơn độc ở một đất nước xa xôi, nếu như không muốn bị tống khứ ở một xó xỉnh nào đó nơi đất khách. Và cô hiểu để có thể rèn giũa một con người, điều cần làm là phải thật lạnh lùng và tàn nhẫn với họ. Chẳng ai khắc cốt ghi tâm bằng những hành động có phần dễ dãi và dịu dàng cả.
Để rồi chính cô cũng thừa hưởng cái tính cách lạnh lùng và vô tâm đó từ bố. Cô chợt nhận ra mình đã quá tàn nhẫn với K khi không gắng gượng vực K dậy. Cuối cùng K đã từ bỏ cô mãi mãi.
Những ngày này, bỗng dưng cô nhớ K khủng khiếp. Cô cứ nghĩ về K mọi nơi, mọi lúc. Cô thường xuyên giam mình trong phòng, lục lọi trí nhớ để hình ảnh về K còn sót lại. Và K hiện ra một cách rời rạc nó làm tim cô như muốn xé tung thành từng mảnh. Mãi rất lâu sau đó, cô mới dám mở di thư mà K để lại. Cô hơi sững người bởi đó chẳng phải một bức thư tuyệt mệnh, nó giống như lời thì thầm của một người bạn lâu ngày không gặp, cùng ôn lại những kỉ niệm đã có phần cũ kĩ. K lúc nào cũng dịu dàng với cô như thế. Đến lúc rời đi K vẫn giữ sự dịu dàng đó.
Trong thư K viết cô không cần phải tỏ ra mạnh mẽ, bởi yếu đuối cũng là một trong những đặc quyền của phụ nữ. K thích những lúc cô cười, lúc đó trông cô hồn nhiên và thanh khiết như chính số tuổi mà cô sở hữu. K biết cô đã cố gắng chống chọi với cuộc sống đơn độc và chới với ở nơi này ra sao vậy nên trong những giây phút chênh vênh đó hãy cứ tìm đến K, chẳng cần làm gì cả chỉ nằm gối đầu lên chân K mà để nước mắt giàn giụa, rồi cô sẽ cảm thấy bình thản thay vì cứ cố gắng với cơn bão lòng lúc nào cũng chực chờ lao tới. Cô từ chối tình cảm của K cũng được nhưng đừng bỏ mặc hay trốn chạy sự hiện diện của K. Cô thấy mình trở nên hèn nhát khi không dám đối diện với sự thật, đang tâm dập tắt tình cảm của K một cách tàn nhẫn như người ta thổi tắt ánh sáng của cây đèn cầy, bỏ lại khoảng không một màu đen dày đặc. Cô tin một tình cảm mất đi sẽ có một tình cảm khác thay thế. Cũng như những cảm xúc u uất cùng cực cũng phải tàn lụi theo thời gian. Nhưng K lại không nghĩ thế…
Và cô nhận ra, nếu người ta đã có quyền lựa chọn cho riêng mình cách sống đúng với những gì mà họ mong muốn, bằng việc thành thật với con tim và cảm xúc thì họ cũng có quyền chọn cho mình sự kết thúc khi cảm thấy buông xuôi và bất lực.
Và K đã chọn cách gieo mình.
***
Cô đến tìm N nhưng không thấy. N lúc nào cũng như một chiếc bóng cô chẳng thể nào nắm bắt. Vậy mà cô lúc nào cũng như kẻ mộng du mải miết làm nhiệm vụ của người câu bóng. Cô viết thư cho N và bảo rằng người ta chỉ có thể phí hoài thanh xuân của mình, duy nhất bởi một điều đó là tình yêu. Cô nói mình không tha thiết tin mấy vào đàn ông kể từ ngày mẹ bỏ đi không bao giờ quay lại. Bản thân cô đã mang trong lòng hạt mầm của sự ích kỉ, ngay cả với chính bản thân mình, khi không cho phép đón nhận sự yêu thương của ai khác. Nhưng từ khi gặp N rồi, cô mới nhận ra, chẳng điều gì tồi tệ hơn một cuộc sống thiếu đi sự yêu thương. Người ta có thể chết vì cô độc, nhưng không thể sống mà không có tình yêu.
Cô biết ở một khoảnh khắc nào đó cô đã chết khi N hờ hững. Vậy mà vẫn cố chấp bám víu vào sự hờ hững đó mà gắng gượng. Đôi lúc cô tự nhủ tình yêu sẽ cảm hóa một con người, điều quan trọng là thời gian. Nhưng cô không biết tình cảm là một phạm trù khó đoán định, hoặc sẽ là tất cả hoặc chẳng là gì cả.
Cô viết xong lúc này đã là một giờ sáng. Nhưng cô không gửi nó cho N. Cô đã chẳng mạnh mẽ như cô tưởng. Cô vùi mình vào chăn, trên bàn thì radio vẫn phát những bản nhạc jazz du dương để dỗ dành những kẻ còn thức. Cô bắt đầu hồi tưởng. Lần đầu tiên cô thổ lộ với N và rất điềm nhiên anh ta nói: “Tôi không yêu em”. Lần thứ hai, N suy nghĩ lâu hơn một chút, nhưng vẫn kiên định như lần đầu. Những lần sau đó không cần chờ đợi thanh âm từ môi N phát ra, cô đã hiểu từ những phút giây chần chừ, chẳng có ngôn từ mà cô đang chờ đợi. Nhưng cô vẫn nói với N, cô không thể không yêu anh ta.
Đó có phải sự ngu muội và ngây dại trong tình yêu không? Mà thực ra thì tình yêu đã là sự ngu muội và ngây dại rồi nên cần gì câu trả lời nữa. Cô biết thế nên dặn lòng mình không khóc. Có những tình yêu cố chấp như vậy đó. Dù biết rõ ràng không bao giờ được đáp lại, hay chẳng thể nào nhìn thấy được đích đến, thì vẫn cứ không thể không yêu. Đôi lúc, việc vùng vẫy để thoát ra chỉ khiến bản thân chuốc thêm nhiều đau đớn và thương tổn. N tựa như thể những vết thương sâu chí mạng đâm xuyên vào trái tim cô.
Cô biết khó khăn lắm mới có thể yêu một ai đó nên chẳng thể nào tự tay giết chết nó. Điều mà cô có thể làm là chờ đợi cho đến ngày mà nó tàn lụi. Nhưng ngày đó là bao lâu thì chính cô cũng chẳng thể xác định.
Có lúc cô đã từng oán giận N. Những suy nghĩ như thể từ vực sâu, thoảng vang đến hoặc cứ vang vọng lên tâm trí. “Anh ta là kẻ tồi tệ nhất trên thế giới”. “Tất cả đàn ông đều nhẫn tâm như vậy sao?”. “Tại sao anh có thể tàn nhẫn đến vậy trong khi tôi đã hết sức chân thành?”. Mặc nhiên chẳng có ai tán thành hay đáp lại. Người ta thường tự xoa dịu mình bằng cách trút bỏ sự tức giận và hằn học lên đối phương. Đổi lại, điều đó chẳng làm cho họ thanh thản được phần nào. Ngược lại, càng chứng tỏ họ đã bất lực và thua cuộc thảm hại khi tự cho phép bản thân tự kết liễu mình bằng những suy nghĩ nhuốm mùi tiêu cực. Chẳng có vết thương nào được chữa lành bằng những suy nghĩ có phần ích kỉ.
Sinh nhật lần thứ hai mươi của cô K nhắn tin dù có về trễ đến mấy thì cũng hãy ghé lại nhà. K bảo sẽ chờ cho đến lúc cô tới. Cô mường tượng giọng K tha thiết, cùng với sự chân thành kiên định khi đọc tin. Đêm đó là giáng sinh cô vẫn cần mẫn công việc của một kẻ chạy bàn. Cơ thể mệt lả và đôi chân mỏi nhừ, tưởng chừng như sắp sửa kiệt sức. Cô ghé nhà K lúc này đã hơn một giờ sáng, những ô cửa bên cạnh đã tắt điện tối om. Phòng K vẫn sáng.
Cô mở cửa bước vào. K nhìn cô mừng rỡ. Rất nhanh chóng K cởi giúp cô áo khoác tăng nhiệt độ lò sưởi, rót tách trà nóng. K luôn là người chu đáo trong mọi tình huống. Cô thầm biết ơn vì điều đó. Nó làm cô cảm thấy được quan tâm. Nhưng cũng làm cô cảm thấy day dứt, và mệt mỏi. Cô nghĩ tới N giờ này anh đang làm gì, ở đâu, với ai, có cảm thấy lạnh không? N như chất gây nghiện và cô cứ sống bằng việc đặt cho mình những câu hỏi lặp lại đến nhàm chán. Đôi khi những cử chỉ nhỏ nhặt của N khiến cô hạnh phúc. Nhưng khi đối diện với thực tế lúc K đang tỉ mẫn cắt chiếc bánh táo lên phần dĩa trắng tinh, cô gần như ngã quỵ. Sợi dây tình cảm mà K luôn nâng niu, cô chẳng thể nào đáp lại. Là cố chấp tàn nhẫn hay sự mặc nhiên của cảm xúc?
Cô toan đứng dậy khoác lại áo và đẩy nhẹ cửa, không quên buông vội câu hờ hững: “Em không ổn, em về đây”. Đi giữa lòng phố, cô lẻ loi như những bông tuyết ngoài trời. Cô biết khi cô nhẫn tâm cắt đi sợi dây tình cảm nơi K, cô chẳng còn ai bên cạnh. Nơi ngọn đèn đường, cô thu mình một chỗ rồi đứng khóc. Cô đã tin một ngày nào đó, K sẽ mang tình cảm dành cho cô mà trao cho một ai đó. Rồi họ sẽ có một kết cục đẹp và viên mãn. Thay vì phải tạo cho nhau sự ái ngại và xa cách như lúc này. Nhưng chính cô chưa từng nghĩ đến niềm ước muốn duy nhất của K chỉ là mỗi cô. Tình yêu đó như một vòng tròn có đi mãi vẫn cứ quay về điểm xuất phát.
Cho đến khi K chết, cô chợt nhận ra mình chẳng dành thời gian bên cạnh K. Những kỉ niệm về K cứ rời rạc và đứt đoạn từ những lần cô bỏ đi giữa chừng. Họa hoằn lắm mới nói với nhau câu tạm biệt. Nhưng K thì chưa lần nào trách giận cô, chắc K hiểu trong tình yêu không có mẫu số chung nào cho sự cố gắng. Nhưng bế tắc và bất lực thì vẫn cứ dồn ứ, đến mức người ta muốn chọn cách gieo mình để giải thoát. Như K.
Đã có lần cô từng nghe K hỏi.
“Em sẽ hạnh phúc nếu anh biến mất chứ?”
“Anh đừng nói những câu ngu ngốc như thế”. Cô gắt gỏng.
“Em không biết rằng anh đã hoảng loạn thế nào đâu!”.
“Tại sao?”
“Về một viễn cảnh nào đó, em sẽ bỏ đi”.
Lần đó, cô thấy K khóc. Nhưng cô không chạy tới để lau đi những giọt nước mắt đó. Lần đầu tiên cô thấy một người đàn ông khóc vì mình chua xót lắm. Cô ghét sự bi lụy của mình và của K. Cô chưa từng nghĩ tuổi trẻ của mình lại đắm chìm trong quá nhiều đau khổ và xót xa như vậy nó phiền lắm. Nhưng chính cô cũng chẳng thoát ra được.
Cô hận K, có phải vì sợ cô bỏ đi nên anh đã chủ động ra đi trước. Cô ghét K đã quá ích kỉ với cô và với chính bản thân K. Một điều chính là cô đã không nhận ra, rằng K cũng cô độc đến nhường nào ngay trên chính đất nước mà mình sinh ra. Cô cứ mãi trung thành với nỗi cô đơn được nhóm lên từ N, mà quên hẫng đi sự hiện diện của người còn lại đó là K. Cô chẳng hề biết một tuần sau khi cô gặp K lần cuối, người mẹ mà K hết mực yêu thương đã gieo mình xuống sông tự tử. Và giờ thì đến K trầm mình từ độ cao của mười bốn tầng nhà.
Khi nghe những lời đó cô vỡ òa. Tưởng chừng như khoảng thời gian xưa cũ bỗng dưng tái hiện. Nhưng K giờ là hư ảnh mãi mãi không bao giờ chạm được nữa rồi.
***
Bác sĩ nói cô có khối u trong não.
Cô lao đi tìm N và xin anh ta có thể ôm lấy cô một lần cuối? N vẫn làm nhiệm vụ của kẻ hờ hững, dứt khoát bước đi chẳng chút luyến lưu. Cô gào lên bất lực, muốn nói mình chẳng sống được bao lâu. Nhưng rồi lại thôi, cô cảm thấy mình yếu đuối đến bi lụy mất rồi. Trái tim sắt đá kia mãi mãi không thuộc về cô…
Cô chợt nhận ra giữa N và cô là những khoảng trống vô cùng lớn. Khi cô tìm cách với tới những khoảng trống là những hố đen sâu hun hút, chẳng thể nào chạm tới. Rồi người ta thấy cô và N chia tay nhau ở ngã tư đường. N đi về phía nam thành phố lấp lánh đèn, còn cô thì bước trên vỉa hè trở về ngôi nhà ở hướng Tây. Lúc ấy là một buổi chiều tà, ánh hoàng hôn khẽ khàng rớt xuống sau lưng họ. Cô và N khi ấy vẫn là một kẻ “không yêu” và một người “không thể không yêu”…