T
ôi cùng Đường Ba đều là những đứa trẻ sinh ngoài chính sách[1], cho tới khi trưởng thành, hộ khẩu vẫn ở nông thôn. Theo quy định, sinh viên có thể chuyển khẩu tới hộ khẩu chung của trường Đại học. Tôi còn nhớ ngày ấy, hai đứa hùng hục tới trường khai báo đăng kí. Giáo viên phụ trách hành chính làm thủ tục cho chúng tôi khi ấy đeo cặp kính còn dày hơn đít chai bia, nặng nhọc gõ từng chữ. Đường Ba chờ lâu quá nên mất hết kiên nhẫn, bèn cầm lấy chiếc thước kẻ đặt trên bàn giáo viên để tốc váy tôi lên. Cậu ta hẳn phải ngứa người muốn ăn đòn lắm rồi, mà khi ấy tôi còn trẻ, tình tình nóng nảy, bồng bột, xử sự hấp tấp nên cũng không thèm nghĩ ngợi gì, tức mình liền quẳng luôn chiếc điện thoại di động cậu ta đặt trên bàn vào bình nước pha trà của giáo viên. Phải công nhận là chiếc điện thoại đó quá trâu bò, lúc vớt ra vẫn còn “thoi thóp” được hẳn một tiếng sau mới chính thức “lìa đời”.
Sau đó, tôi và Đường Ba thân thiết đúng kiểu không đánh không quen. Cậu ta tự động kết nạp tôi vào nhóm của mình, hết gọi tôi là em gái này lại kêu em gái nọ, đối xử với tôi rất tốt. Khi nhìn thấy Quyên Tử, cậu ta còn cố ý chạy tới chào hỏi, “Chị đi học ạ!”, “Chị đi ăn ạ!”, vẻ mặt vô cùng thành kính giống như đó là chị ruột của mình vậy.
Quyên Tử từng nói với tôi rất nhiều lần rằng, “Đường Ba là một người rất chân thành, em có dự định suy xét gì không?”.
Nhưng tiêu chuẩn của tôi lúc đó còn cao hơn trời, làm sao có thể cân nhắc tới một tên vô lại cả ngày chỉ biết đánh nhau đến vỡ đầu chảy máu như cậu ta. Hơn nữa, khi ấy, ngoài việc lái xe đi học mỗi tuần, đến kì nghỉ đông và hè tôi đều tham gia đội leo núi nghiệp dư chạy khắp nơi. Người dẫn đội là một anh trai rất tuyệt, nghe đồn đã giành được vị trí cao khi tham dự giải đấu quốc tế. Tôi chỉ nhìn thấy mặt anh ấy mấy lần từ xa rồi thầm để ý, nhưng mãi vẫn không biết tên.
Dĩ nhiên tôi cũng không thể ngờ được, sẽ có một ngày anh lấy thân phận là bạn trai Quyên Tử để xuất hiện trong cuộc sống của mình.
Rồi sau đó Quyên Tử xảy ra chuyện, việc này cũng có liên quan tới Đường Lâm nên quan hệ giữa tôi và nhóm của Đường Ba ngày càng nhạt hơn nhiều. Tôi không tham gia vào bất cứ một hoạt động nào của nhóm, từ việc ăn cơm, đi nhậu đến du lịch, khiêu vũ… mà trở thành một con rùa rút đầu rụt cổ, vạn năm chỉ núp trong căn phòng nhỏ mười sáu mét vuông. Giờ cậu ta đột nhiên nói muốn ra mắt cha mẹ hai bên làm trái tim tôi đập loạn một lúc rồi thắt lại. Tôi và Đường Ba thực sự không phải cùng một loại người, cũng chưa bao giờ nghĩ tới phát triển thành người yêu.
“Tôi với anh có yêu đương trai gái gì sao mà đòi gặp mặt cha mẹ hai bên thế?” Tôi vừa nói vừa nhanh chóng kéo phần nệm bọc sô pha xuống. Loại vải nệm bọc này cần phải giặt tay, mất rất nhiều công sức. Tôi vội tìm chiếc chậu để đem nó đi ngâm.
“Có sao đâu. Thì cứ ra mắt cha mẹ trước rồi sau đó mới xác định quan hệ cũng không muộn mà.” Đường Ba dường như rất tự tin vào chuyện này.
“Không đi đâu. Anh đừng có đùa nữa.” Tôi đi ra dỗ ngọt.
“Mẹ em cũng tới, em không đi sao được?”
“Anh định gạt trẻ con à. Việc gì mẹ tôi phải đi chứ!” Nói mẹ ở nhà nấu cơm giặt quần áo tôi còn tin, chứ bảo bà tư tưởng tân tiến tới mức đi tham gia tiệc tối đính hôn của người khác thì đúng là chém gió.
Đường Ba gân cổ cãi, “Không tin thì em gọi điện cho dì đi.”
Gọi thì gọi, cũng không phải là điện thoại đường dài quốc tế.
“Alo, mẹ ạ.” Tôi gọi điện về nhà.
“Tiểu Phỉ à, mẹ đang định tìm con. Hôm nay trang điểm một chút, theo mẹ đi uống rượu.”
Lòng tôi có chút hồi hộp, “ Rượu gì vậy ạ? Mẹ lại có cuộc vui nào vậy?”
“Dì Lưu của con nói Duy Lạc muốn kết hôn với con gái nhà họ Đường. Không, không phải, hình như là đính hôn. Nói chung đều là trò mới mẻ của tụi trẻ các anh các chị. Kết hôn thì kết luôn đi, còn bày đặt đính hôn. Nhưng mà Duy Lạc không phải là đứa bé vong ân phụ nghĩa, mẹ muốn tới hỏi một chút xem rốt cuộc nó có ý gì?”
“Có gì đáng để tới đâu ạ. Chuyện của người khác chúng ta làm sao mà quản được chứ?”
Người nào lại thiếu đạo đức tới mức mời mẹ tôi tới? Họ muốn chơi xấu Tiết Duy Lạc hay muốn cho anh mát mặt? Nói không chừng mẹ tôi vừa tới sẽ cho anh một cái tát trước mặt mọi người, tiệc đính hôn của Tiết Duy Lạc có thành hay không tôi không quá quan tâm, nhưng khiến mẹ tôi giận giữ điên lên rồi lại bị bệnh thì tôi không cho phép.
“Mẹ phải nói thế nào thì chị mới nghe? Dù muốn hay không thì chị cũng phải đến. Nếu chị nhẫn tâm nhìn mẹ làm trò cười thì ở nhà, để tôi đi!” Dứt lời bà đột ngột dập điện thoại. Tính tình của mẹ và tôi khá giống nhau, chỉ là giờ bà còn thêm được khoản thích lải nhải. Tôi bị mẹ dồn ép như thịt heo trên thớt gỗ, hoàn toàn không có đường thoát.
Đường Ba lại hớn hở khi thấy vẻ mặt khó coi của tôi, “Sao rồi? Anh trai không lừa em đúng không nào? Đời nào anh trai lại làm thế?”
Tôi cầm tờ báo trên khay trà đập bộp vào ngực cậu ta, “Tôi cảnh cáo anh, mẹ tôi mà gặp chuyện gì thì cũng đừng trách tôi trở mặt.”
“Phỉ Phỉ tức giận rồi sao? Giận thật đấy à? Yên tâm đi, ai dám động đến một sợi tóc của mẹ, anh băm chết nó. Đảm bảo mẹ không gặp chuyện gì đâu, quan trọng là đến tham gia cho vui chút thôi.” Cậu ta tiến sát lại gần tôi, nói mấy lời cợt nhả vô nghĩa khiến đầu tôi nhức đến phát điên.
Cuộc sống chẳng bao giờ được như ta mong muốn. Chúng ta vẫn tâm niệm là phải nhẫn nhịn cho yên chuyện, an ổn là trên hết, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, không chỉ Tiết Duy Lạc mà ngay cả tôi cũng bị đẩy tới nơi đầu sóng ngọn gió. Dường như có một bàn tay vô hình trong cõi U Minh đang lôi kéo, truy đuổi, đẩy tôi tới một cái hố đen mà tôi không muốn thấy. Tôi cố ý chống cự không muốn đi, nhưng có đến ngàn vạn sợi tơ trói quanh người tôi được đặt trong bàn tay này. Rõ ràng tôi biết nếu tối nay mình lựa chọn đến đó thì sẽ phải đối mặt với đau đớn nhưng không đi không được; đây là số mệnh.
Tôi nói, “Anh tránh ra chỗ khác đi. Tôi muốn thay quần áo”.
Quả nhiên Đường Ba đã chuẩn bị trước khi đến, “Quần áo của em anh đều mang tới, là chị gái anh chọn. Chị ấy sợ em lại mặc như tối hôm qua nên bảo anh đưa vài bộ mới đến.”
Loại chu đáo này của Đường Lâm cứ như đang mỉa mai tôi ấy. Chị ta có ý gì? Bố thí cho tôi vì không có quần áo tử tế hay là chế nhạo tôi ăn mặc quá lố lăng? Nhưng mà dù sao đi nữa, hôm nay, tôi cũng sẽ không ngốc đến nỗi mặc quần short ngắn ra ngoài đường như tối qua. Trong nhà tôi vẫn có mấy bộ quần áo “hợp quy củ”, nói chính xác hơn thì chúng không phải của tôi mà là của Quyên Tử. Mẹ tôi nói chúng đều còn mới, ngay đến tem mác cũng chưa bóc, tôi lại là người nhà, không cần phải kiêng kỵ nên bà vẫn giữ lại tất cả cho tôi. Chỉ là lúc mẹ đưa như thế nào, đến bây giờ chúng còn nguyên như vậy. Tôi không thích loại trang phục thục nữ như thế, mặc áo sơ mi rộng cũng sống được qua ngày.
Tôi không để ý tới Đường Ba, trực tiếp lôi mấy bộ quần áo bị bỏ quên dưới đáy hòm từ lâu ra.
Đường Ba cầm lấy, hết nhìn trái rồi nhìn phải, ngó lên ngó xuống, “Phỉ Phỉ, thì ra em cũng có quần áo bình thường. Váy này còn che được đầu gối nữa đấy.”
“Ai cần anh lo.” Ách, quả thực tôi có một tủ những thứ đồ đồng nát linh tinh, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tôi không thể sở hữu vài bộ váy thục nữ.
“Màu nào, lam hay vàng?” Sau một hồi lâu tôi vẫn chưa thể quyết định được.
“Lam đi. Em mặc màu này trông tôn da hơn.” Đường Ba chọn thay tôi.
Chiếc váy màu lam là đầm tay lỡ, cổ trái xoan không có hoa văn, dài tới đầu gối. Kiểu dáng không mới nhưng cũng không đến nỗi lỗi thời. Tôi phối hợp thêm một chiếc đai lưng da bản rộng màu lam nhạt, lại xỏ thêm đôi giày thủy tinh gót siêu cao có thể hù chết người nhìn. Mặc dù đôi giày này là “nguyên liệu” phối hợp phong cách “chơi đêm” của tôi nhưng dùng trong trường hợp này cũng không quá phản cảm. Tôi không mang dây chuyền mà để lộ xương quai xanh nơi cổ, đeo thêm một đôi hoa tai hình giọt lệ màu lam của Swarovski [2] khiến tôi trông có khí chất hơn, lại không át đi vẻ xinh đẹp. Tôi thỏa mãn khi ngắm mình trong gương rồi quay đầu lại hỏi Đường Ba. “Trông thế nào?”
Cậu ta nhìn chằm chằm vào tôi một lúc rồi mới nói, “Nhìn em thế này thật giống chị gái em.”
“Anh nói linh tinh gì vậy? Tôi là người sao Hỏa, chị ấy là người sao Thủy, vốn không cùng một hành tinh.”
“Nhưng anh vẫn thấy rất giống.”
“Ừ thì giống.” Tôi nuốt nửa câu còn lại vào bụng: Như vậy lại càng tốt, đêm nay sẽ càng thêm náo nhiệt.
Nếu đêm nay đã muốn làm “gái ngoan”[3] thì khuôn mặt cũng không được phép trang điểm quá đậm. Rất nhiều người đều hiểu lầm rằng trang điểm tự nhiên chính là không cần dùng mỹ phẩm hoặc chỉ bôi trát đơn giản, qua loa một chút là được. Như vậy chẳng khác gì nói mặc vào quần áo mới là người đẹp, cởi ra vài thứ thì không phải. Trang điểm tự nhiên chú trọng việc che lỗ chân lông, mụn đầu đen, nếp nhăn, vết nám… Cho dù chỉ là mấy cây tóc gáy đáng thương không có chút quan hệ nào cũng có thể phá vỡ hiệu quả tổng thể của loại trang điểm này. Dĩ nhiên Đường Ba không hề hiểu những thứ này, nhiệm vụ của cậu ta chỉ là ngồi xem tôi bận rộn trước hộp trang điểm to bằng lòng bàn tay.
“Phỉ Phỉ, hôm nay đừng trang điểm quá đậm nhé, được không?” Cậu ta mếu máo.
Xuyên qua gương, tôi có thể nhìn thấy vẻ mặt của cậu ta đang đứng phía sau mình, trông vô cùng buồn cười.
Tôi dùng một chút kem che khuyết điểm lại kẻ mí mắt tạo sự tương phản sáng tối để tăng điểm nhấn cho khuôn mặt, thoa một chút son bóng màu hồng để kết thúc công cuộc trang điểm. Tôi chọn chiếc túi xách nhỏ đắt nhất của mình, một chiếc Chanel trắng với dây xích màu vàng. Thứ đồ chơi này không chứa được nổi một quyển sách bỏ túi, là quà sinh nhật được tặng từ năm nào tôi cũng đã quên. Chỉ nhớ sau khi nhận được nó, tôi đã lẩm bẩm một lúc lâu, nếu có bằng này tiền thà đi mua thịt xiên nướng ăn cho đã còn hơn.
Đường Ba ôm tôi xoay quanh trước gương một lúc rồi nói, “Không tệ. Rất xứng với khuôn mặt này của anh.”
Tôi cầm lấy dây xích, dùng túi đập vào mông cậu ta, “Hả hê cái gì? Anh có đi hay không?”
Đường Ba lái một chiếc BMW X5, là loại xe yêu thích trong mơ của tôi. Chỉ tiếc hận một điều là cậu ta không chịu cho tôi lái thử. Hồi còn đi học, nhờ tôi mà cậu ta đã có một trải nghiệm ấn tượng trong đời. Lần đó, tôi cùng nhóm cậu ta lái xe tốc độ, hậu quả là tôi cho xe lao thẳng vào bể phun nước giữa công viên, kết quả là một người một xe được “bốc” về nhà trong tình trạng ướt như chuột lột. Kể từ đó, Đường Ba không cho tôi chạm vào xe của cậu ta nữa. Chỉ có điều tôi nghĩ đó đã là chuyện của quá khứ xa xưa rồi. Bây giờ kỹ thuật lái của tôi đã tiến bộ hơn nhiều, sẽ không có vụ đâm xe vào rãnh như vậy nữa.
“Em gái, lát nữa giúp anh chọn quà nhé. Anh ưng hai bức tranh nhưng không biết nên tặng chị gái bức nào thì thích hợp hơn.”
“Thật khó tin, người như anh cũng có óc thưởng thức nghệ thuật cơ đấy?” Tôi cứ nghĩ rằng thằng nhóc quê một cục này chọn quà tặng không phải vàng khối thì cũng là kim cương, chứ đời nào lại chọn tranh. Hành động này đúng là gây sốc mà. Quen biết nhiều năm như vậy, Đường Ba vốn là loại thô lỗ, ăn xó mó niêu, đời nào lại học được mấy thú vui tao nhã như thế chứ[4].
“Ê, em thì biết cái gì? Đó là chị anh thích, anh thì làm sao đạt được cảnh giới này.” Đường Ba gãi đầu, quay sang phía tôi vui vẻ cười hắc hắc.
Rosa Gallery là một trong những phòng trưng bày có tiếng nhất thành phố. Bên cạnh một số tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng đương đại, nó còn bán một ít bản chép tay của các bức danh họa nổi tiếng thế giới. Dĩ nhiên những bức tranh này sẽ không cùng khổ với bản gốc, cũng được ghi rõ là hàng nhái. Nhưng cho dù như vậy còn có rất nhiều người có tiền, yêu thích phong cách Châu Âu cổ điển mua về trang trí trong nhà.
Đường Ba đỗ xe dưới tầng hầm của phòng trưng bày, sau đó hai chúng tôi đi vào thang máy.
Trước đó, cậu ta đã cẩn thận dặn dò nhân viên phòng tranh. Hai bức tranh được chọn cũng được lấy xuống, chuẩn bị sẵn sàng cho vận chuyển.
Một bản chép tay bức tranh "Bó hoa bên dãy hành lang Little rock" của họa sĩ An Bộ. Bác Tạ Nhĩ/[T1] Ambrose. Một bức khác là bản chép bức danh họa “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân ” của Eugène[5].
Tôi nói, “Tặng bức tranh hoa này đi. Bức đó khá được.”
Đường Ba lấy tay đặt bên hông tôi, nói, “Anh đã nói mà. Đúng là mắt thẩm mĩ của Phỉ Phỉ là tốt nhất. Thực ra anh cũng muốn tặng bức tranh đó.”
Tôi tránh né cặp móng giò heo của cậu ta, chuyển hướng đi xem những tác phẩm khác treo trên tường, và rồi bị hấp dẫn bởi một hàng chữ : “Những ai đã từng nếm trải mùi vị của đau thương xin hãy tới mà xem, còn có sự thống khổ nào có thể sánh được với nỗi đau của ta?” (Ca thương Jeremia, 1.12)[6]
Đây là lời đề từ ngắn cho “Sự thương khó của Đức Mẹ”[7]. Trong tranh, Chúa Jesus đã chết. Người gầy trơ xương cùng vết máu chảy dài nơi ngực. Đức Mẹ đặt con trai mình trên đầu gối, nghiêng đầu nhìn con với ánh mắt ngập tràn đau thương. Trong bức tranh ấy, Đức Mẹ cùng Chúa Jesus không còn là người mẹ đầy đặn xinh đẹp cùng hài đồng ngây thơ mà là sự trần trụi và cơ cực cùng nỗi thống khổ của người mẹ mất con.
Trong khoảng khắc, tôi cứ ngẩn người ra ngắm bức tranh ấy cho tới khi có tiếng người nào đó gọi lại từ phía sau, “Này cô gái, cô có thể hơi nghiêng đầu về phía này được không?” Một thanh niên cầm bản phác họa đứng phía sau tôi, nói "Cô có thể đứng yên như vậy một lát được không? Chỉ một lát là được rồi."
Tôi biết rõ những người như chàng thanh niên này. Họ thường là sinh viên vừa tốt nghiệp học viện mỹ thuật hoặc là những họa sĩ vỉa hè lang thang. Vẽ một bản phác họa chỉ mất tầm năm sáu phút, nếu người qua đường yêu thích muốn mua, họ có thể nhờ đó kiếm chút tiền tạm sống qua ngày. Tôi cân nhắc số tiền mặt Tiết Duy Lạc đưa còn sót lại, nếu người này vẽ không tệ cũng có thể bỏ chút tiền mua, coi như là làm thêm một việc thiện.
Người thanh niên nói, "Được rồi, cô xem này."
Tôi chưa kịp nhận lấy thì Đường Ba đã cầm đi, "Đây là cái gì vậy Phỉ Phỉ? Lúc nãy anh vừa đi thanh toán tiền tranh."
Bức phác họa sử dụng kết cấu tam giác, chọn những phần gây xúc động nhất của Đức Mẹ và Chúa Jesus trong "Sự thương khó của Đức Mẹ" . Tôi đứng nghiêng người bên ngoài bức tranh với khuôn mặt buồn man mác. Nỗi muộn phiền của tôi như hòa cùng sự khổ đau trong tranh càng nhuộm đẫm thêm bầu bi thương, làm người ta không thể nhận ra được: là sự thống khổ của Đức Mẹ khiến tôi xúc động hay chính nỗi đau của tôi đã ảnh hưởng tới Người. Khi vẽ Chúa Jesus, người thanh niên đó sử dụng những đường bút cứng cỏi, rõ ràng trong khi tôi đứng bên ngoài lại sử dụng những nét vẽ mềm mại, hư ảo. Tôi nâng giá vẽ có chút thất thần, trong đầu không ngừng hiện lên thật nhiều chuyện với đầy rẫy những nghi vấn, về Quyên Tử, về Đường Lâm.
Đường Ba tán thưởng, "Cậu vẽ thật không tệ chút nào. Bao nhiêu tiền, tôi nhất định phải mua."
"Người trong tranh là tôi, tại sao anh lại cướp. Tôi muốn mua nó."
“Không được, anh muốn mua về treo lên.” Đường Ba vẫn đòi cướp mua bức vẽ với tôi. Cậu ta nhanh chóng thanh toán tiền lại muốn mua thêm một khung tranh. Bức phác họa này cũng không lớn, chúng tôi trực tiếp mang đi. Bức “Bó hoa bên dãy hành lang Little Rock” tặng cho Đường Lâm, phòng tranh sẽ trực tiếp chuyển tới tiệc đính hôn.
Đường Ba cầm bức phác họa, tấm tắc khen, “Quả thật là rất đẹp.”
Tôi phồng má nói, “Trả lại cho tôi.”
"Em gái à, càng ngày em càng vô lý nhé. Bức tranh này vốn là của anh mà."
Suốt đường đi, hai người chúng tôi tranh cãi không vui. Không biết từ lúc nào, xe đã tới nơi cần đến.
Dì Lưu là vợ của phó tổng giám đốc một Công ty vật liệu xây dựng nào đó, gia đình cũng có chút điều kiện, không cần lo chi phí cuộc sống. Ngày thường dì nhàn rỗi chẳng có việc gì, hết uốn tóc, đánh bài, buôn chuyện nói xấu, không việc nào không làm. Mẹ tôi vốn là tình cờ mà quen với dì Lưu, nghe ai đó kể là hai người họ ngẫu nhiên biết nhau từ một buổi họp mặt. Kể từ đó, mỗi khi rảnh rỗi dì sẽ chạy sang nhà tôi tìm mẹ già buôn chuyện. Từ rất xa tôi đã nhìn thấy mẹ bước xuống từ một chiếc Kim Bôi[8] màu vàng đất, trên thân xe còn viết dòng chữ "Vật liệu xây dựng Nhạc Nhạc". Không cần phải hỏi cũng biết, đây là xe trong xưởng của chồng dì Lưu. Hôm nay mẹ tôi mặc đồ màu vàng nhạt, tóc cũng uốn qua, nhìn vô cùng phấn chấn.
Đường Ba vội vàng mở cửa xuống xe, gọi mẹ tôi cùng dì Lưu, "Dì ơi, Phỉ Phỉ ở đây với cháu."
Mẹ nhìn Đường Ba đang đứng phía sau tôi, nghi hoặc hỏi, "Cậu đây là?"
"Dạ thưa dì, dì không nhớ con sao? Con là bạn học của Phỉ Phỉ. Hồi trước còn được ăn bánh chưng dì làm, là bánh nhân thịt heo đó ạ."
"Hừ, ngày đó có nhiều người đến như vậy, mẹ tôi làm sao có thể nhớ được?", tôi dùng Nhất Chỉ Thiền[9]đẩy Đường Ba ra, kéo tay mẹ đi về phía trước.
"Em gái à, qua cầu rút ván là không được đâu." Đường Ba đứng phía sau tôi gào hô, không cần phải miêu tả cũng biết nghe vô cùng ai oán.
Dì Lưu vén mái tóc xoăn dài, lộ ra đóa mẫu đơn lớn cài trên cổ áo. Dì khoác tay mẹ tôi bắt đầu nói mát, "Đó không phải là Đường Ba, em trai của Đường Lâm hay sao?"
Sắc mặt mẹ tôi lập tức chuyển màu xám ngắt. Tôi chỉ hận không thể dùng cái bánh chưng nhân thịt heo để chặn miệng dì Lưu lại. Vậy mà bà dì ấy còn tiếp tục nói, "Ha ha, nhưng mà lũ trẻ bây giờ cũng chẳng quan tâm chuyện đó mà, đúng không. Hôm nay Phỉ Phỉ ăn mặc rất xinh đẹp. Chị cứ suốt ngày nói con bé lôi thôi. Tôi thấy con bé đâu đến nỗi, còn rất xinh xắn."
Mẹ tôi nói, "Hừ, con nhóc này cố gắng ăn vận, còn có chút bóng dáng của Quyên Tử."
Thật quá vô lý. Rõ ràng tôi và Quyên Từ là cùng một mẹ sinh ra, vậy mà trong lòng mẹ ruột, tôi chỉ cần có một chút giống như Quyên Tử đã là ông trời có mắt. Tôi thật không hiểu loại logic này cũng không biết là ai đã nhồi nhét cho mẹ ý nghĩ đó. Suy cho cùng, đây hẳn là do tôi tự gây nghiệt, chỉ có thể cảm thán một tiếng: không thể chống lại xã hội.
Cha của Đường Ba là một người khá có tiếng tăm trong thành phố này. Trên danh nghĩa, ông là chánh văn phòng của tập đoàn kiến trúc, nhưng thực tế lại nhúng tay vào chuỗi khách sạn Swan. Buổi tiệc đính hôn hôm nay dĩ nhiên không thể làm lợi cho người ngoài nên được tổ chức tại khách sạn năm sao Swan Lake.
Tôi vừa ngẩng đầu đã thấy đôi trai tài gái sắc - Tiết Duy lạc và Đường Lâm đứng ở cửa khách sạn tiếp khách.
Nhìn thấy Tiết Duy Lạc tôi có chút sững sờ. Hôm nay anh không mặc âu phục màu đen hay trắng mà là một bộ màu lam nhạt. Cũng có thể do mắt tôi không tốt nên cũng không dám chắc chắn, nhưng tôi vẫn cảm thấy bộ trang phục này rất giống mẫu mới được quảng cáo năm nay của D&Z, có thiết kế khá đặc biệt. Vóc người của Tiết Duy Lạc khá kiên nghị, còn có chút góc cạnh hơn so với những người đàn ông khác. Điểm đặc biệt của bộ âu phục này là nó lại có thể làm nổi bật những đường nét đó. Cổ áo sơ mi bẻ cao, bờ vai được thiết kế gọn gàng, quần âu thanh thoát càng làm toát lên vẻ nam tính của anh. Tôi nghĩ bất cứ ai khi nhìn anh đều sẽ nghĩ ngay tới một người đàn ông giỏi giang và thành đạt.
Đường Lâm mặc một bộ sườn xám màu lam nhạt, tay khoát trên khuỷu tay của Tiết Duy Lạc. Quả thực là một cặp đôi trai tài gái sắc. Tôi quay đầu lại ra hiệu cho Đường Ba đổi hướng, tiến lên phía trước vài bước để che chắn cho mẹ tôi, tránh trường hợp nhìn thấy Tiết Duy Lạc, bà quá kích động mà ngã thì lại phiền toái.
Mẹ tôi chạy đi lên phía trước đón đầu. Vừa nhìn thấy Tiết Duy Lạc lại gần, hai chân bà càng chạy càng run. Cũng thật trùng hợp, vừa lúc đó MC mang một cuốn sổ vội vàng đi tới muốn thảo luận chuyện gì đó, Tiết Duy Lạc quay người đi theo MC vào trong. Mẹ tôi đón hụt. Bà vừa định đuổi theo thì lại bị một bé gái bên lễ tân ngăn lại.
"Cô là người thân bên nhà trai đúng không ạ? Mời cô tới ký tên ở đây ạ."
Cô bé mở một cuốn danh sách đăng kí dài màu hồng nhạt, chỉ vào một vị trí trống trên giấy để mẹ tôi ký tên. Lúc này mẹ tôi đang khó chịu nên bà nói chuyện có chút gay gắt," Ký cái gì mà ký! Tôi đây không ký, không ký, không ký."
Cô bé tủi thân liếc nhìn bà. Có lẽ em cũng không hiểu tại sao một người đến chung vui với lễ đính hôn lại còn đáng sợ hơn cả mấy bà cô hàng cá cãi nhau ngoài chợ. Đường Ba trừng mắt, hung dữ hỏi cô bé, "Cái này viết mấy thứ vớ vẩn gì thế?"
Theo đầu ngón tay của cậu ta, tôi nhìn xuống danh sách đăng kí, có một ai đó dùng lối chữ Khải[10] đường hoàng viết những lời sau: " Khi chúng ta không thể mua được hạnh phúc, thì đừng bao giờ đứng quá gần tủ kính, chuyên tâm ngắm nhìn hạnh phúc." Người viết không kí tên, chỉ từ nét chữ thì cũng khó có thể phân biệt được đây là nam hay nữ.
"Mấy thứ vớ vẩn này…" Đường Ba gõ lên bàn, không chịu buông tha.
Dì Lưu vỗ vai, lôi cậu ta đi vào trong, "Thằng bé này, đừng quá nóng nảy. Được rồi, đi vào đi."
Tôi khẽ mím môi rồi cũng đi vào theo. Cô bé lễ tân cuống quýt hô lên, "Mọi người kí tên đã. Sao không ai ký vậy!" Tôi cúi người ký tên, lại không nhìn được mà ký bù cho câu nói phía trước: William Shakespeare.
Tôi vẫn thường cho rằng, Shakespeare luôn khao khát được yêu nhưng cũng rất thận trọng trong tình cảm. Ông đã từng nói rằng: "Tình yêu như đóa hoa mọc nơi vách núi, cần có sự dũng cảm cho tất cả những ai muốn hái." Hay " Khi chúng ta không thể mua được hạnh phúc, thì đừng bao giờ đứng quá gần tủ kính, chuyên tâm ngắm nhìn hạnh phúc." Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại có người viết câu danh ngôn đó vào danh sách ký tên. Họ muốn ám chỉ hay cảnh cáo điều gì? Hoặc là đó có thể là sự khởi đầu của một trò đùa dai?
Phòng khách sạn tổ chức lễ đính hôn đạt đúng tiêu chuẩn năm sao: thời thượng, đơn giản và quy phạm. Đáng chú ý là chiếc đèn chùn pha lê vô cùng chói lóa trên đầu. Nó không chỉ được ghép bởi mấy trăm viên pha lê hình bán cầu, mà đặc biệt hơn, trong mỗi viên pha lê đó còn được đặt một ngọn nến đang cháy sáng. Ánh nến khúc xạ qua pha lê tỏa ra ánh sáng nhẹ nhàng và ấm áp, tô đậm thêm bầu không khí lãng mạn. Đường Ba thu xếp cho chúng tôi ngồi ở góc bàn bên tay trái, nơi này không quá nhiều người. Cậu ta cầm bức tranh trong tay, rồi thuận tiện đi về phía một chiếc bàn, đặt nó lên và đi giải quyết công việc của mình. Tôi chỉ mới đi rửa tay một chút mẹ đã không kịp đợi. Không biết bà tìm được Tiết Duy Lạc từ góc nào, sống chết kéo anh về phía bàn chúng tôi. "Duy Lạc à. Cháu lại đây ngồi một chút. Dì có chút việc cần hỏi cháu."
"Dì ạ." Tiết Duy Lạc tự nhiên ngồi vào chỗ của mình. Ánh mắt anh lướt qua đỉnh đầu tôi, có vẻ không vui. Người phục vụ rót cho Tiết Duy Lạc một chén trà mới và có vẻ như anh hoàn toàn không có ý định uống nó.
So với mẹ tôi, dì Lưu còn nhanh mồm nhanh miệng hơn, "Duy Lạc à, mẹ của Quyên Tử đang muốn hỏi, tại sao cháu lại thân thiết với nhà họ Đường như vậy".
Tôi dùng giọng điệu của một người đi xem trò vui mà nói, "Người ta tự do yêu đương, mẹ và dì làm sao quản được. Hai người thật là…!"
Mẹ tôi, dì Lưu và Tiết Duy Lạc, cả ba người cùng trừng mắt nhìn tôi, ý bảo tôi câm miệng.
"Dì à, có vẻ như mọi người đã hiểu lầm Đường Lâm rồi." Tiết Duy Lạc vô cùng bình tĩnh, bình tĩnh đến nỗi tôi thậm chí còn cảm thấy câu nói này của anh rất máy móc. Anh lấy ra một chiếc bật lửa, đùa nghịch trong lòng bàn tay, ánh mắt dừng lại trên bức tranh phác họa.
"Hiểu lầm? Tôi hiểu lầm cái gì? Là tôi mù, không biết nhìn người. Tôi sống đã năm mươi năm sao còn có thể nhìn nhầm người đây?" Mẹ tôi chỉ tay thẳng vào ngực Tiết Duy Lạc, "Cậu hãy tự hỏi lương tâm của mình đi, đây có thể là hiểu lầm hay sao? Hay là lương tâm của cậu đã sớm vứt cho chó ăn rồi?"
Dì Lưu cũng nói, "mẹ của Quyên Tử tốt bụng muốn khuyên nhủ cậu. Cậu muốn cưới ai chẳng được, chó mèo cũng chẳng sao. Sao cứ nhất định phải là người nhà họ Đường? Gia đình này có sạch sẽ hay không chẳng lẽ cậu còn không rõ? Quyên Tử không phải do…"
"Cháu xin lỗi. Cháu còn bận chút việc ở đằng kia." Tiết Duy Lạc thản nhiên đánh gãy lời của dì Lưu, đứng dậy sửa sang âu phục, nhẹ nhàng thả chiếc bật lửa vào túi quần. Mẹ tôi tức giận đến mức phải liên tục vuốt ngực. Tôi vội vàng tìm người phục vụ gọi một cốc nước ấm, lấy Xạ Hương Bảo Tâm hoàn[11] ra, cẩn thận cho bà uống.
Nghỉ ngơi một lúc mẹ tôi mới nói: "Chúng ta đi thôi. Ở đây chỉ càng thêm bực mình."
Dì Lưu không đồng ý, "Mẹ Quyên Tử, đừng vậy, ở lại đây ăn chút gì đã rồi hãy đi."
"Nếu muốn thì tự chị ở lại mà ăn. Tôi đang bực muốn điên đây."
"Ôi, chị đừng như vậy chứ. Xe cũng đã đi rồi, chị làm sao về được đây. Hay là chúng ta ở lại ăn một chút. Lát nữa tài xế sẽ quay lại đón chúng ta."
"Không có xe tôi có thể gọi taxi." Mẹ tôi tuy rằng vẫn đang tranh cãi nhưng khí thế cũng không còn hùng hổ như trước nữa.
Dì Lưu lại thuyết phục bà, "Chúng ta có xe, sao lại phải tốn tiền? Đi taxi rất tốn kém. Chi bằng chúng ta cứ tạm nghỉ ngơi một lát, khi nào chị hết giận thì đi." Hai chị em chỉ vì chuyện đi hay ở mà hết thương lượng đi tới bàn bạc lại. Tôi tự rót cho mình một chén trà, ngồi ở chỗ này chậm rãi uống. Với tính cách của hai người bọn họ, cho dù tôi có đưa bất cứ lời đề nghị nào cũng sẽ bị gạt phắt đi ngay, vậy thì tốt nhất là tôi chẳng nên nói làm gì. Trà hoa cúc này tuy không thể so được với trà Phổ Nhĩ hay Thiết Quan Âm của tôi nhưng cũng rất thơm. Trà này được làm từ hoa cúc trắng bông nhỏ chứ không phải cúc đại đóa.
Tôi liếc mắt nhìn trên bàn. Ơ, bức phác họa biến đâu mất rồi? Chẳng lẽ là do Đường Ba lấy đi lúc tôi không để ý? Hay là một người khác? Không có khả năng là người phục vụ. Đó chỉ là một bức phác họa bình thường, tính cả khung tranh thì giá trị cũng chỉ có 300 tệ, không phải là thứ gì đáng giá. Hay là do tôi chê nó quá chiếm diện tích nên phục vụ đã chuyển đi nơi khác? Tôi hết nhìn trái lại nhìn phải, không chỗ nào có. Chuyện này thật quá kì lạ.
Đường Ba bỗng nhiên chặn vai tôi từ phía sau lưng ghế dựa, "Phỉ Phỉ, mọi người có muốn ăn chút bánh trái trước không? Để anh báo nhà bếp chuẩn bị một chút?"
Dì Lưu mừng đến cười tít cả mắt lại, "Được đó. Cháu gọi cho dì một bát bánh trôi cũng được."
"Dạ, cái này đơn giản…"
Tôi chỉ về phía cái bàn rồi hỏi Đường Ba. "Anh lấy bức tranh đi đúng không? Tại sao trong chớp mắt đã không thấy nó? Đây có phải là khách sạn năm sao không vậy?"
"Anh không cầm. Nhưng em yên tâm, ở đây chắc chắn không có chuyện mất cắp đâu. Có lẽ là do bức tranh đó choán chỗ quá nên người ta mang đi đặt chỗ khác thôi."
Đường Ba nói như vậy tôi cũng thấy đúng. Bức tranh đó chắc chắn không thể mất được, chỉ không biết được là lúc này nó đang bị quẳng ở xó nào thôi.
Tiết Duy Lạc ôm Đường Lâm, chậm rãi đi tới thảm đỏ. MC tuyên bố lễ đính hôn chính thức bắt đầu. Mẹ tôi cúi đầu chẳng thèm liếc mắt nhìn. Ngược lại, dì Lưu có vẻ rất hứng thú, nghiêng người nhìn chăm chú. Đường Ba ngồi cạnh thuận tiện nắm tay tôi nói nhỏ, "Đó là cha mẹ anh, bên cạnh là cha mẹ Tiết Duy Lạc. Người béo ngồi ở bàn chủ trì em cũng biết đúng không? Ông ta là Chủ tịch tập đoàn kiến trúc chỗ bố anh, họ Khưu. Ông ấy dường như rất muốn anh vào làm ở công ty mình, giảng giải tường tận cho anh ai là thư ký, ai đảm nhiệm vị trí công tác nào… Anh nghe một lúc mà nản vô cùng, chỉ mong nhanh nhanh chạy thoát."
Đường Ba bỗng nhiên ngừng lại hỏi tôi, "Bức tranh hoa anh đặt sao bây giờ còn chưa chuyển tới nhỉ? Lúc chúng ta đi chẳng phải đã được đưa lên xe rồi à? Thế này không được, anh phải gọi điện thoại hỏi xem sao."
Tôi cũng cảm thấy tốc độ giao hàng của phòng tranh này hơi chậm chạp. Rõ ràng người tài xế kia đã nói tranh sẽ đưa tới ngay lập tức. Tôi khuyên cậu ta, "Chắc cũng sắp chuyển tới rồi đó."
"Em gái à, anh thấy em thay đổi thật rồi đấy. Trước đây chỉ có ly trà sữa chuyển tới chậm một chút thôi mà em đã gọi điện mắng um cả lên, cách ba con phố vẫn còn nghe rõ ràng."
Giọng cậu ta rất lớn. Tôi vội vàng che cái miệng cậu ta lại, "Câm miệng! Anh đừng nói lung tung." Trong mắt người ngoài, hành động của chúng tôi lúc này trông rất thân mật. Thậm chí có vài người không quen còn nghiêng đầu nhìn về phía bàn này.
"Duy Lạc anh nhìn xem, hai đứa chúng nó thân thiết thật đấy." Giọng nói nũng nịu nhẹ nhàng vọng tới làm da đầu tôi run lên. Không biết từ lúc nào, cặp đôi hoàn hảo này đã cầm ly rượu đỏ đứng sau lưng chúng tôi.
Đường Ba nâng ly rượu, chúc, "Chị à, chúc mừng chị nhé."
Đường Lâm vờ tức giận, "Cậu cho rằng chúc mừng suông là được à? Quà của chị đâu?"
Đường Ba vò đầu bứt tai, "Quà tặng còn đang trên đường chuyển tới. Vừa nãy em đã gọi điện thoại thúc giục rồi."
Tiết Duy Lạc vỗ vai Đường Ba, ôm một cái rồi sau đó hai người cùng chạm ly.
"Anh nhớ phải đối xử tốt với chị tôi đấy, bằng không tôi sẽ không tha cho anh."
"Việc này không cần cậu phải nhắc." Khóe môi của Tiết Duy Lạc hơi nhếch lên, thành một nụ cười nửa miệng.
Đường Lâm nói với tôi vài câu rồi quay sang kính rượu dì Lưu. Tiết Duy Lạc cùng cười tủm tỉm cầm ly đi qua bên đó. Tôi không biết anh cố tình hay vô ý, cánh tay vốn đặt trên ghế dựa tôi ngồi bỗng đẩy tôi một cái. Chờ khi tôi giữ ổn ly rượu quay đầu lại, anh đã giả vờ như chẳng có việc gì, ôm Đường Lâm đi tới những bàn phía xa. Cái quái gì vậy? Anh bị sao mà lại làm những việc mờ ám này.
Đường Ba gọi tôi, "Em xem này, bức tranh của anh cuối cùng cũng đến rồi."
Tôi vừa ngẩng đầu lên thì thấy đúng là nhân viên phòng tranh đang mang đồ vào phòng. Ngoài ba lớp xốp bọc ngoài, cửa hàng còn dùng thêm vải màu xanh lam che kín bức tranh. Kích thước xem ra còn lớn hơn so với lúc tôi nhìn thấy ở phòng tranh, có lẽ là do khung. Đường Ba nâng tay chỉ huy, "Treo tranh lên, treo lên đi. Để cho chị tôi thêm vui vẻ."
Nhân viên phòng tranh tháo lớp xốp bao quanh phía ngoài. Trong lúc này, họ cũng chưa tìm được dây thừng thích hợp nên đặt bức tranh ngay trước màn hình trong phòng đính hôn, lại buộc cố định hai đầu bức tranh ở dây treo của chiếc đèn pha lê. Đường Ba dùng ngón tay đẩy tôi một chút, "Phỉ Phỉ này, em ra tháo vải phủ xuống đi."
Đường Lâm tủm tỉm cười, tự mình tiến về phía bức tranh, "Để chị nhìn xem quà tặng là gì nào."
Chị ta đưa tay tháo mảnh vải lam phủ trên khung tranh xuống.
"A…"
"Cái này là…."
"Trời ơi…"
"Tôi chết mất…"
Đây là những tiếng kinh hô của mọi người ở đây.
Cái này đâu phải là bức tranh "Bó hoa bên dãy hành lang Little Rock" mà chúng tôi chọn! Dưới ánh đèn, nó chính là “Sự thương khó của Đức Mẹ!”. Đáng sợ hơn là có một con thỏ bị đóng đinh trên bức tranh, xác của nó bị mổ phanh bụng, đang chảy đầy máu đỏ.
Đường Lâm gào thét, "Đường Ba, mày, mày, mày…"
Điều này làm tôi nhớ tới Quyên Tử, khi ấy chị còn học năm nhất Đại học còn tôi đang học cấp ba, hết ăn lại nằm. Phòng kí túc của chị có bốn giường nhưng cuối cùng lại chỉ có ba người ở. Hồi ấy, tôi trốn học thành thói, chiều chiều lại chuồn ra ngoài chơi bời nhảy nhót, tối tối lại ngủ tại phòng kí túc của chị. Cụ ông gác cổng ánh mắt đã kém, mỗi lần thấy tôi đều nói, "Cố Quyên Quyên lên phòng à…", sau đó tới phiên tôi hớn hở nói vâng.
Quyên Tử học thể dục rất kém. Mỗi tuần phòng của chị thi chạy Marathon đều đứng thứ nhất - tính ngược từ dưới lên. Những phòng khác đều dán đầy cờ đỏ, mấy người phòng chị chỉ có thể nhìn cờ trắng mà mếu máo. Có một lần tôi tình cờ giúp họ một chút. Ngày thi đấu, tôi thay chị thi nhảy xa, ném xa lại nhẹ nhàng mà chạy thêm 800 mét. Quyên Tử đội một chiếc mũ che nắng rộng vành rất lớn, đứng ở bên ngoài mà còn căng thẳng hơn cả đứa đi thi là tôi đây. Chị hô chạy chậm lại, chậm một chút, em chạy chậm lại cho chị[12]. Tăng rồi lại giảm, điểm tổng kết môn thể dục năm nhất của Quyên Tử vô cùng lẹt đẹt nhưng cũng may mắn qua môn. Chị được 63 điểm, vừa đủ điểm qua. Chị cảm tạ trời đất, mời tôi đi ăn cá luộc mấy lần.
Sau đó, trường của chị nổi lên phong trào giúp đỡ nhau rèn luyện thể chất, phòng nam sinh cùng nữ kết hợp. Bên ngoài là nói giúp đỡ nhau nâng cao thể chất nhưng thật ra không ai biết có bao nhiêu cặp đôi nhờ vào ngọn gió đông này mà được công khai quan hệ. Nghe nói phòng Quyên Tử vô cùng may mắn, được hợp tác cùng phòng ngủ có "soái ca", thậm chí còn là nhân vật tiếng tăm hiếm có trong trường. Từ đó việc chạy bộ của chị cũng không cần tôi nữa.
Khi ấy tôi cũng bận việc riêng. Tôi tham gia một cuộc thi nhảy Hip-hop tên là "Khoa tay múa chân/Thủ vũ túc đạo." Mỗi ngày tôi đều hưng phấn như con quỷ nhỏ bật tivi lung tung, xem người ta có cập nhật gì mới mẻ thì học theo cái đó: Charlie rock move, chống một tay, xoạc chân… Nếu như không phải sau đó bị ngã gãy tay, tôi nghĩ có thể đã đi theo con đường Hip-hop này. Tôi phải bó thạch cao, ngoan ngoãn theo bố mẹ về nhà, đi học có người đưa, tan lớp có người đón, sống cuộc sống của người bị giam lỏng. Sau một trăm ngày dưỡng thương, cho tới khi được gặp lại Quyên Tử thì tôi mới biết chị đang yêu đương. Đó cùng là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên Tiết Duy Lạc.
Quyên Tử nói, cái tên Duy Lạc này thật hay, nghe như một tấm lưới trải rộng khắp nơi, có thể đem chị đặt ở vị trí trung tâm để bảo vệ[13]. Tôi nói, Quyên Tử chị đừng hâm dở. Tên chỉ là cái tên, tôi chẳng nhìn ra nó có ý nghĩa gì.
Một ngày nào đó vào tháng 4 năm ấy, Quyên Tử mang về một con thỏ trắng. Chị nói đó là của Tiết Duy Lạc tặng. Chị gọi nó là "Easter Bunny" (Thỏ Phục Sinh[14]). Sau khi tay lành, trong đầu tôi vẫn toàn là mấy thứ "Hip-hop, nhảy nhót", đi đường như bị điện giật, hoàn toàn không có chút khái niệm nào về Lễ Phục Sinh. Quyên Tử nói, lễ Phục Sinh là kỷ niệm ngày chúa Jesus hồi sinh của đạo Cơ Đốc. Khả năng sinh sản của thỏ rất mạnh vì vậy mà chúng nó được dùng làm vật biểu trưng cho ngày lễ Phục Sinh. Không chỉ vậy, thỏ còn là biểu tượng được khắc trên thánh vật mà nữ thần Bình Minh (Eos) sử dụng. Vị thần này cũng được gọi là nữ thần Rạng Đông, do đó, thỏ cũng tượng trưng cho việc bắt đầu một ngày mới.
Nếu là một con thỏ đã chết thì điều đó tượng trưng cho cái gì đây?
Nếu như con thỏ đó còn bị mổ phanh bụng thì nó đại diện cho điều gì?
Nếu như con thỏ bị mổ phanh bụng còn bị đóng đinh treo trên bức tranh “Sự thương khó của Đức Mẹ ” thì nó muốn ám chỉ gì đây?
Nếu như tôi nhanh chóng hiểu được thì chắc hẳn điểm thi Đại học của tôi cũng không chỉ vỏn vẹn có hơn ba trăm. Haiz, dĩ nhiên cũng chẳng có ai hi vọng tôi sẽ dũng cảm đứng ra làm Holmes hay thám tử Conan một lần. Với bọn họ mà nói, tôi chỉ là một A Đấu[15] vô dụng, mỗi lời thốt ra đều là nói xằng nói cuội.
Mẹ kéo cánh tay tôi, nói "Đây là Quyên Tử, chính là Quyên Tử nhà chúng ta. Quyên Tử quay về báo thù."
Đường Lâm ném ly rượu đỏ trong tay đập vào mặt tranh một cách dữ tợn. Chiếc ly rơi xuống nền đá cẩm thạch liền vỡ tan thành từng mảnh, vụn thủy tinh văng khắp nơi. Rượu trong ly vẽ thêm một vệt đỏ sẫm trên mặt bức tranh. Khách khứa bàn tán xôn xao, "Đã xảy ra chuyện gì vậy?", "Thật quá xui xẻo. Có chuyện gì thế này?", "Thật quá vớ vẩn!".
Tiết Duy Lạc ra sức nỗ lực an ủi khách quý tại bàn chủ trì. Nhưng dù sao đi nữa anh cũng chỉ có một cái miệng, hai cái tay, dường như chẳng thể xoay chuyển được gì. Đường Ba vội xông tới ôm lấy Đường Lâm trấn an, "Chị à, chị bình tĩnh một chút. Chị bình tĩnh lại."
"Mày có ý gì hả Đường Ba? Mày nói xem mày có ý gì hả? Mày mua thứ này về là để ám chỉ cái gì?" Đường Lâm như một con sư tử cái đang lên cơn điên. Chị ta đẩy Đường ba, cầm kéo trên bàn chĩa về phía cậu ta, "Mày đang báo thù cho nhà họ Cố. Mày đang vì nhà họ Cố mà báo thù! Mày là cái loại em gì vậy, mày không phải em trai tao."
Hai mắt chị ta đỏ rực. Tôi không biết đó là vì tức giận hay oan ức. Nước mắt chảy dọc theo khóe mi rơi xuống, chị ta xoay người, vung kéo cắt xoẹt, xoẹt hai tiếng, dây thừng treo bức tranh đứt lìa. Nhưng Đường Lâm đã quên, hai sợi dây này không chỉ treo bức tranh, chúng vốn dùng để giúp cố định một phần của chiếc đèn trần pha lê. Tuy rằng đèn có dùng xích sắt để treo trên nóc nhà nhưng những chiếc dây thừng này lại giúp nó giữ thăng bằng.
Những viên cầu nhỏ trên ngọn đèn pha lê lay động dữ dội. Ánh lửa từ những ngọn nến giống như những hồn ma bị giam cầm đang cảm thấy bất an, rối loạn mà hoảng hốt muốn xông ra. Những viên cầu va vào nhau, tạo nên những âm thanh chát chúa, giòn giã như tiếng kêu rên trong cơn ác mộng, như tiếng than của ma quỷ giữa đêm khuya. Những ánh nến li ti rơi xuống, tung bay trên tấm khăn trải bàn trắng như tuyết, rồi đọng lại thành đốm đen giống như gạ vừng. Toàn bộ phòng lễ trở nên náo loạn, chẳng ai muốn ở lại đây thêm bất kỳ giây phút nào nữa. Khách khứa điên cuồng ôm đầu chạy trốn. Chẳng ai biết được một giây sau, điều gì sẽ xảy ra? Còn có thứ đáng sợ nào sẽ đến nữa.
Dì Lưu cũng đã đứng ngồi khôn yên, "Xì! Còn chưa ăn được chút gì cả. Thật đúng là xui xẻo. Chúng ta đi thôi. Nhanh đi."
Mẹ tôi dường như chẳng hề sợ hãi chút nào. "Ha ha, tôi nói không sai mà. Chính là Quyên Tử nhà tôi trở về bảo vệ mẹ nó. Có cái gì mà phải sợ."
Tôi nói, "Đường Lâm cũng quá kích động. Đây chẳng qua chỉ là một bức tranh và một con thỏ đã chết thôi."
"Con thì biết cái gì? Nếu cô ta không làm chuyện xấu xa, sao lại sợ ma quỷ tới quấy rối." Mẹ lớn tiếng mắng tôi.
"Mẹ à, hay là chúng ta cũng đi thôi. Làm gì có quỷ thần nào đến chứ."
"Chị có tin chỉ cần chị nói thêm một câu, chỉ một câu thôi là tôi lấy đĩa đập chị không. Đồ vô lương tâm. Đây chính là Quyên Tử nhà chúng ta trở về báo thù đấy."
Chúng tôi là những người cuối cùng rời khỏi phòng đính hôn. Mẹ tôi vẫn khẳng định là Quyên Tử sẽ không làm hại chúng tôi nên trên đường đi ra, bà vô cùng bình tĩnh. Chỉ có dì Lưu sợ xanh mặt, một mình vọt lên, đi trước hai mẹ con tôi. Cho tới khi ra đến bên ngoài khách sạn, dì mới lau mồ hôi mà nói, "Thật là huyền bí. Quá huyền bí."
Tôi ôm bụng nói, "Chúng ta bị hành hạ cả buổi, cũng chưa ăn được chút gì. Hay là chúng ta cùng tìm một quán cơm nhỏ tạm ăn bát mì được không ạ?"
Mẹ chê tôi “nát”, chẳng hy vọng được gì, "Hừ, chị thì chỉ biết ăn thôi. Không biết lúc này có chúa miếu nào còn mở cửa không nhỉ? Mẹ phải đi thắp cho Quyên Tử nén hương."
Tôi không đồng ý với bà, "Người ta đi thắp hương khấn vái vào sáng sớm. Bây giờ đã hơn tám giờ tối, làm gì còn chùa miếu nào mở cửa? Ngày mai mẹ đi cũng được mà."
Ai… Mẹ tôi thở dài, cũng chỉ có thể đồng ý với đề nghị của tôi, đi tới quán cơm.
Tôi ăn một nửa bát mì cá thịt băm, mẹ tôi chỉ uống được nửa bát cháo gà. Khẩu vị của dì Lưu có vẻ tốt hơn, ăn hết một suất cà ri gà lại xử gọn thêm một bát trứng gà nóng.
" Tôi nghĩ đi nghĩ lại đều cảm thấy chuyện này có điều gì đó vô lý. Duy Lạc không phải là đứa vong ân phụ nghĩa. Chị thấy thế nào?" Mẹ tôi vừa ngậm đũa vừa hỏi dì Lưu.
Dì Lưu ăn cay vừa xuýt xoa vừa đáp, "Mẹ của Quyên Tử này. Chị nghĩ thoáng lên, đừng lo nghĩ nhiều. Nếu không phải thì càng mừng chứ sao."
Tôi lấy đũa chọc chọc sợi mì. Tại sao là thỏ? Vì cái gì mà nhất định phải là thỏ? Con thỏ này xuất hiện bằng cách nào? Tôi nghĩ nát óc vẫn không tìm được manh mối. Rõ ràng là bức tranh đó được đưa lên xe ngay trước mắt tôi. Nhưng có một điều không cần phải suy nghĩ cũng có thể biết được, đây chính là do Tiết Duy Lạc ra tay. Sau khi ăn xong, lái xe nhà dì Lưu tới đưa mẹ tôi và dì về. Tôi đi một mình tới trạm xe buýt, chuẩn bị đi về cửa hàng.
Một chiếc xe Jeep màu bạc mở đèn sáng choang tấp vội vào lề đường, ép tôi lùi sát vào phía trong.
"Phỉ Phỉ, lên xe đi!" Tiết Duy Lạc hạ cửa kính xe xuống nói với tôi.
Cho tới khi ổn định chỗ ngồi trong xe xong tôi mới cảm thấy có điều gì không ổn. Nếu cẩn thận suy xét thì sẽ thấy, tình huống vừa rồi đã khiến mọi chuyện vô cùng rối ren khó vãn hồi. Tại sao Tiết Duy Lạc lại không ở bên Đường Lâm?
"Em đã ăn no chưa? Có muốn ăn thêm chút gì không?" Anh gõ nhịp lên vô lăng, mắt chăm chú nhìn ánh đèn pha.
"Tôi…đã ăn no." Tôi không hiểu sao mình lại ngồi đây chỉ để nghe anh hỏi chuyện ngu ngốc như đã ăn no hay không thế này.
Vẻ mặt anh vô cùng thoải mái, "Anh còn chưa ăn gì đây. Hay là em đi ăn cùng anh nhé."
"Tôi không rảnh đi cùng anh. Cho tôi xuống xe."
"Còn định khen em hôm nay mặc rất đẹp. Ai ngờ em vừa mở miệng thì vẫn chẳng hề đáng yêu như trước đây."
"Ách… Tôi không đáng yêu cũng chẳng phải là điều mới mẻ gì. Tại sao anh không tới đồn công an báo án, là vụ việc có liên quan tới con thỏ kia ấy."
"Có cần thiết không? Việc đó hẳn sẽ có Đường Ba lo liệu chứ nhỉ?"
Anh ném áo khoác cho tôi, "Lấy giúp anh một điếu thuốc trong túi áo, cả bật lửa nữa."
"Tiết Duy Lạc, tôi là thư ký của anh hay sao? Anh muốn hút thuốc thì tự mình làm đi."
Anh hết liếc cái áo khoác lại nhìn sang tôi, trông vô cùng đáng thương. Tôi vốn là người dễ mềm lòng, nhìn thấy anh như vậy đã vội giơ tay đầu hàng, "Ây, thuốc của anh đây, hương bạc hà. Như vậy đã được chưa?"
"Phiền em giúp anh châm lửa."
"Xì. Lúc ăn cơm anh có cần tôi ăn giúp luôn không?"
"Như vậy càng chứng tỏ tình cảm của chúng ta tốt." Anh nở nụ cười với tôi, nhận điếu thuốc đã được châm sẵn, hút một hơi thật sâu.
"Phải rồi, em muốn ăn gì?
"Tôi không đói bụng."
"Chẳng phải em vừa nói muốn ăn giúp anh hay sao? Vậy nên em quyết định đi."
"Thật quá vô lý."
"Phải rồi." Anh trầm mặt nói, "Đồng chí Cố Phỉ Phỉ, tại sao em muốn kí thêm tên Shakespeare? Em có điều gì không hài lòng với hạnh phúc của tôi hay sao?”
"Tôi đâu dám? Tôi chỉ là…chỉ là…" Bỗng nhiên mồm miệng tôi trở nên vụng về, không biết nên nói gì cho phải. Nói rằng tôi chỉ lỡ tay hay là nói tôi thấy câu nói kia còn thiếu chút gì đó?
Mặt anh vẫn rất nghiêm túc, "Vậy em nói xem, tại sao em muốn phá hoại lễ đính hôn của anh? Bức tranh kia là em đưa đến có phải không?
"Anh đừng có gắp lửa bỏ tay người… Không phải tôi. Tôi biết rõ anh muốn vu oan…"
"Không phải em sao? Nhưng tôi có chứng cứ." Anh chỉ tay về phía băng ghế sau.
Tôi nới lỏng dây an toàn, nghiêng người nhìn về phía ghế sau. Quả thực trên ghế có thứ gì đó bị che đi. Tôi vươn tay phải với một lát mới tóm được nó. Thứ này tôi biết rất rõ. Đó chính là bức phác họa mà Đường Ba đã mua. Lúc trước tôi còn thắc mắc tại sao bỗng nhiên không thấy đâu, thì ra nó đã bị Tiết Duy Lạc lấy đi.
"Tiết Duy Lạc, anh lấy cắp bức tranh này đúng không?
"Ừ." Anh thở ra một vòng khói hương bạc hà.
Tôi nó là giả thiết lúc trước của mình, "Như vậy thì bức tranh ‘Sự thương khó của Đức Mẹ/ The Pieta of Villeneuve Les Avignon’ cũng là do anh đổi?”
"Em đoán xem?" Anh không trực tiếp trả lời tôi.
"Tôi đoán trúng rồi, con thỏ chết cũng là do anh đặt vào đúng không? Hừ, anh quả là cao thủ."
"Em muốn nghĩ như thế nào cũng được." Anh nhún vai, dửng dưng như không.
"Tại sao? Tại sao thù của Quyên Tử lại do anh đến trả! Đây là việc của gia đình tôi. Anh là kẻ điên, là hung thủ giết người. Anh dựa vào cái gì mà đòi thay Quyên Tử trả thù!" Tôi dùng sức ném mạnh bức phác họa vào ghế sau. Tại sao đã lâu như vậy mà trong lòng anh vẫn không thể buông bỏ hình ảnh Quyên Tử? Tại sao? Vì cớ gì chị đã chết rồi vẫn còn được quan tâm nhiều như vậy, còn tôi trước giờ chưa từng được ngó ngàng tới?
"Đây là việc của tôi." Anh đưa tay ra ngoài cửa sổ, gạt một lớp tàn thuốc.
"Nói đi cũng phải nói lại, chẳng lẽ thù của Quyên Tử để cho em trả sao? Cố Phỉ Phỉ, đừng quên em cũng nằm trong số những hung thủ giết người."
Tôi chợt nhìn hai tay mình, khó chịu mà lau chùi vết máu vốn không tồn tại. Đúng vậy, là do tôi! Nếu như tối hôm ấy tôi không giận dỗi với Quyên Tử, chị ấy cũng sẽ không chết trong núi. Đó là lỗi của tôi. Dù cho mọi người không ai nói ra nhưng tôi biết, tôi có tội.
"Tiết Duy Lạc, có phải anh… muốn giết tôi?"
"Em nói xem."Anh vẫn tiếp tục giọng điệu ấy.
[1] Chính phủ Trung Quốc có “chính sách kế hoạch hóa gia đình” từ năm 1979, hạn chế mỗi một cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được sinh một con, những trường hợp ngoại lệ áp dụng đối với các cặp vợ chồng ở nông thôn có con gái đầu lòng.Những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con phải đóng một phức phạt cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân thông thường của họ. Nếu gia đình không đóng khoản phí này, những đứa con ngoài chính sách không được đăng kí khai sinh, không có tên trong hộ khẩu, không được cấp chứng minh thư, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm cũng như không được hưởng hệ thống giáo dục, sức khỏe của nhà nước. Do đó rất nhiều trẻ em ở thành thị là con thứ hai phải chuyển hộ khẩu về nông thôn.
[2] Tên một công ty đồng thời cũng là một thương hiệu chế tác đá quý lâu đời đến từ nước Áo, rất nổi tiếng với các trang sức từ pha lê
[3] Nguyên văn既然今晚要立牌坊 - Tạm dịch “Nếu đêm nay muốn lập đền thờ” được tác giả lấy ý trong câu “Kỹ nữ lập đền thờ”. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, trinh tiết của phụ nữ rất được coi trọng, thậm chí Hoàng Đế còn cho lập đền thờ trinh tiết để nêu gương. “Đã làm kỹ nữ không còn trinh tiết nhưng vẫn giả bộ để được lập đền thờ” ý muốn ám chỉ người làm chuyện xấu xa nhưng vẫn muốn hình tượng tốt đẹp trong mắt người khác. Tác giả đã lấy nghĩa đen của câu này nhằm mỉa mai việc bản thân Phỉ Phỉ phải giả trang “gái ngoan” đi dự tiệc.
[4] Nguyên văn bản gốc là “他就是吃大蒜的料什么时候喝过咖啡呀” – tạm dịch “cậu ta là loại người ăn tỏi, khi nào thì uống qua cà phê”. Dịch giả mạn phép dịch thoát ý như trên để dễ hiểu và hợp văn phong Việt hơn.
[5] Ferdinand Victor Eugène Delacroix (26/04/1798 - 13/08/1863) là một trong những gương mặt quan trọng của trường phái lãng mạn Pháp. Bức họa Liberty Leading the People (1830) - Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân (tiếng Pháp: La Liberté guidant le peuple có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Eugène Delacroix, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Louvre, nước Pháp.
[6] Ca thương Jeremia: Trong kinh thánh tiếng Hy Lạp và La Tinh có năm bài ca thương - những bài ca than thở mang tên Jeremia mà theo các tư liệu cổ là do chính Jeremia - một tiên tri tiếng Do Thái trong kinh thánh. Ông được bổ nhiệm bởi Thiên Chúa để đối đầu với Giu-đa và Jerusalem khi họ được thờ thần tượng và phá vỡ giao ước. Câu ca thương được tác giả nhắc tới là câu thơ thứ 12 trong bài đầu tiên, nguyên gốc tiếng Anh như sau: “Is it nothing to you, all you who pass by? Look around and see. Is any suffering like my suffering that was inflicted on me, that the LORD brought on me in the day of his fierce anger?”
[7] Bức họa tác giả nhắc tới là “The Pieta of Villeneuve Les Avignon” - bức tranh sơn dầu được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật cuối thời Trung Cổ. Sau lần xuất hiện đầu tiên tại một cuộc triển lãm vào năm 1904, tác giả của bức tranh vẫn là một vấn đề được tranh cãi dù người ta vẫn cho rằng đây là tác phẩm của Enguerrand Quarton. Bức tranh hiện được trưng bày tại bảo tàng Musée du Louvre, Pháp.
[8] Kim Bôi (Jinbei) là hãng ô tô tải nhẹ của tập đoàn Hoa Thần, Trung Quốc, sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.
[9] " nhất chỉ thiền" là công pháp nội kình của riêng của chùa Thiếu Lâm ở Phúc Kiến Trung Quốc.
[10] Chữ Khải hay Khải Thư là 1 thể chữ thư pháp thường dùng trong thư pháp Hán tự. Chữ lấy khung vuông. Đặc trưng của chữ Khải là chỉnh tề quy củ, do đó nó trở thành thể chữ tiêu chuẩn của chữ viết Hán tự hiện đại.
[11] Tên một loại thuốc từ Đông y của Trung Quốc, có tác dụng điều trị và làm giảm các triệu chứng bệnh động mạch vành, tim co thắt, nhồi máu cơ tim…
[12] tiếng Trung đại từ nhân xưng chỉ có你 và你 nên khi quyên Tử hô như vậy sẽ không có vấn đề gì.
[13] Trong tiếng Hán, chữ Duy -维 còn có nghĩa là bảo vệ, bảo toàn, Lạc -络 ;là tấm lưới. Duy Lạc có thể hiểu là tấm lưới bảo vệ.
[14] Thỏ Phục Sinh là con thỏ đem lại trứng phục sinh. Bắt đầu từ những tín hữu của giáo hội Luther ở Đức, thỏ Phục Sinh ban đầu đóng vai trò một người phân xử, đánh giá xem liệu những đứa trẻ đã cư xử ngoan ngoãn hay là không vâng lời vào lúc bắt đầu mùa Phục Sinh. Thỉnh thoảng, thỏ Phục Sinh được mô tả là có mặc quần áo. Theo truyền thuyết, nhân vật này mang những quả trứng có màu trong giỏ của mình, kẹo và đôi khi cả đồ chơi đến nhà của trẻ nhỏ. Cũng tương tự như ông già Noel, cả hai đều mang quà đến cho trẻ em vào buổi tối trước ngày lễ tương ứng của họ (thỏ Phục Sinh vào Lễ Phục Sinh còn ông già Noel vào Lễ Giáng Sinh).
[15] A Đấu tức Lưu Thiện - con Lưu Bị, là vị hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán dưới thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Được đánh giá như một kẻ bất tài vô dụng, làm mất nước.
[T1]Dịch giả đã tra tìm nhưng không có thông tin về tác giả cũng như bức tranh nên đã dịch theo ý hiểu. Có thể tham khảo thêm thông tin từ tác giả.