Nhớ đến đây, tôi bịt mắt, không muốn nhớ tiếp.
Chuyện cũ như mây tụ lại tan, tan lại tụ. Người kia cố nhiên đã trở về với đất, người này sao có thể hạnh phúc? Cũng là người đáng thương như ngọn đèn cạn dầu đang đi đến đoạn cuối cuộc đời mà thôi.
Tôi đổ thuốc đã sắc ra bát, bê đến dâng lên trước mặt chàng: “Cửu Hoàng tử xin mời dùng thuốc!”
Cung nữ bên cạnh giơ tay định đón lấy, nếm thử xem có độc, đó vốn là thông lệ của Hoàng cung. Nhưng chàng xua tay, bưng lên miệng từng ngụm uống cạn, chàng là người bệnh bình tĩnh nhất mà tôi từng gặp.
Trong mấy năm đi theo thúc phụ học y, tôi đã gặp bao nhiêu bệnh nhân sắp chết, bọn họ, người hoảng sợ đến nỗi không thể ngủ được, người giận dữ nóng nảy, đều tỏ ra sợ chết và nuối tiếc cuộc sống.
Chỉ có Tần Nhiễm vẫn điềm tĩnh như lần đầu tôi gặp: Cặp mày hơi nhíu, ánh mắt xa xăm, sắc mặt xanh xao, không để lộ cảm xúc.
Thúc phụ châm cứu cho chàng, chàng không hề kêu rên, luôn dùng thuốc đúng thời gian, chưa từng tỏ ra khó chịu hay thoái thác, về mặt này chàng là một người bệnh rất dễ bảo nhưng mặt khác chàng lại không chịu nằm yên tĩnh dưỡng. Hàng ngày vẫn đến binh trường luyện quân, đi tuần tra quân doanh, không chỉ có thế, gần đây trời chuyển lạnh mùa đông sắp đến chàng còn đích thân đến các khu dân nghèo phát quần áo ấm.
Thúc phụ thấy vậy rất đau lòng, đã nhiều lần khuyên giải, cuối cùng Tần Nhiễm hỏi lại: “Nếu ta nằm một chỗ dưỡng bệnh có thể sống được bao lâu?”
“Một năm.”
“Nằm trên giường bệnh vô dụng một năm và cúc cung tận tụy sống có ích mấy tháng, nên lựa chọn đằng nào? Trong lòng tiên sinh chắc đã có câu trả lời?” Khi chàng nói vậy, sắc mặt vẫn lạnh ánh mắt mông lung, mơ hồ đến nỗi có cảm giác chàng sẽ lập tức biến mất.
Thúc phụ không biết nói sao, cũng không dám ngăn cản. Nhưng lần sau chàng ra ngoài, ông bảo tôi đi theo đề phòng bất trắc.
Cũng bắt đầu từ đó, vị Hoàng tử kiêu ngạo nhất thiên hạ mà tôi từng gặp sáu năm trước, dần trở nên phong phú trong ấn tượng của tôi, không chỉ là hình ảnh chàng kị mã đơn thuần ngày trước.
Đầu tiên, Tần Nhiễm không biết cười.
Tôi vốn tưởng chàng muốn giữ tôn nghiêm của Hoàng gia nên cố tình không cười với dân chúng, đến giờ khi được kề cận phụng hầu mới biết với ai chàng cũng thế.
Hàng lông mày của chàng luôn khẽ nhíu, ánh mắt luôn dửng dưng khiến người ta cảm thấy khó gần. Nhưng chàng chưa bao giờ trách mắng kẻ dưới, có thể nói là một chủ nhân không khó hầu hạ.
Có lần, một cung nữ đánh vỡ nghiên mực quý của chàng, bị nhũ mẫu trách phạt, chàng biết chỉ nhẹ nhàng nói một câu, “thôi!” Vậy là cung nữ được tha tội. Lại có lần, một thái giám ngủ gật vô tình để nến rơi, làm cháy bức bình phong khiến Tần Nhiễm thức giấc, chàng liền đích thân đi lấy nước cứu hỏa, sự việc xong xuôi chưa kịp trách phạt thái giám nọ, đã vội lên triều. Trên đường đi, thấy mặt chàng tái xám tôi liền khuyên không nên lên triều nữa, chàng nhìn tôi lắc đầu, tôi lại khuyên lần nữa, cuối cùng chàng nói: “Nếu ta không đi phụ hoàng sẽ lo lắng.”
Ánh đèn lồng trong xe ngựa chập chờn lúc tối lúc sáng, chàng nhìn ánh đèn lắc lư khẽ nói, “nếu ta có thể sống thêm ít nữa thì tốt quá.”
Tôi phụng hầu chàng lâu như vậy đây là lần đầu tiên thấy chàng nhắc tới bệnh tật của mình, lòng vừa kinh ngạc vừa xót xa, đâu đó trong tôi như bị khoét rỗng một mảng không thể nào khỏa lấp.
Có lẽ điều đó đã thể hiện trên mặt, cho nên khi ánh mắt chàng dừng lại trên mặt tôi liền hỏi: “Cô nương đang buồn thay cho ta ư?” Tôi chưa kịp trả lời, chàng lại tiếp, “không cần đâu, cuộc đời ta đã vinh quang tột đỉnh, bách chiến bách thắng, trong sạch không tỳ vết, cho dù bây giờ phải chết cũng không hổ thẹn với đất trời, không có gì phải hối hận.”
Tôi chăm chú nhìn chàng, trong lòng có tiếng thở than… đây chính là người mà tỷ tỷ từng yêu, từng suốt đời ái mộ.
Đương nhiên như chàng nói, cuộc đời chàng huy hoàng thanh cao không hổ thẹn với đất trời nhưng chàng lại nợ một người.
Đó chính là tỷ tỷ của tôi.
Tần Nhiễm, chàng vẫn nợ tỷ tỷ tôi, nhưng chàng không hay biết.