Cuối con đường dài là phủ nhà tôi (phủ Tướng quốc.)
Những bậc thềm bằng đá bạch ngọc cao vút thênh thang, hai bên cổng là hai con linh thú đầu người bằng đồng uy nghi đứng canh.
Đứng trước cánh cổng màu đỏ, tấm biển trên vòm cổng được chạm từ thủy tinh nguyên khối, do Tiên đế đích thân ngự bút, ban tặng bốn chữ “Đồng quốc chi công”1.
Cha tôi, chính là Đồng Tịnh vị tướng có công dựng nước, được nhận đất phong cả tòa Yến thành.
Dòng họ Đồng vinh hoa tột đỉnh một thời, lẫy lừng thiên hạ, ai ngờ, cuối cùng lại có ngày xa sút thành ra thế này.
Cột nạm ngọc còn đây, chỉ có đổi thành màu nâu đỏ, tấm biển trên vòm cổng đã thay mới, hai chữ “Nhan phủ” cỡ lớn thếp vàng lộng lẫy tráng lệ dưới ánh đèn.
Tôi ngây người nhìn chữ “Nhan” kia, lòng đau đớn.
Người áo trắng phía sau nói: “Nơi cô nương cần tìm là đây sao?”
Tôi gật đầu, rồi lại lắc.
Người đó tư lự nhìn tôi như có gì suy nghĩ, chính lúc đó, cổng phủ mở, một người có vẻ là quản gia đột ngột lao ra, kính cẩn cúi chào: “Cuối cùng tiên sinh đã về, mau vào đi!”
Tôi mới biết, thì ra người này cũng đến đây, ông ta là ai?
Quản gia vừa dẫn đường vừa nói: “Tam Điện hạ đã chờ rất lâu, nhắn là khi nào tiên sinh đến, lập tức đi gặp người.”
“Bây giờ Điện hạ thế nào?”
“Vết thương của điện hạ mãi vẫn không thấy có chuyển biến, mấy ngày nay lại ho không dứt, đã mời rất nhiều đại phu giỏi, tất cả đều bó tay.”
“Ăn uống thế nào?”
“Mỗi ngày chỉ húp ba bát cháo trắng, gầy không còn ra hình người nữa, khiến chúng tôi lo lắng vô cùng... Tiên sinh, bên này, xin mời!” Quản gia đi qua chiếc cửa vòm, lòng tôi đột nhiên thắt lại.
Thủy tạ bên hồ, ẩn bóng dưới tán cây xanh và hoa quỳnh, lan can hồng, ván gỗ màu lam, hành lang uốn khúc, đẹp như tiên cảnh.
Lan can treo tám mốt chiếc lục lạc, rèm cửa thêu bảy mươi hai đóa sen hé nở... quen thuộc như vậy, tôi lại giương mắt nhìn chốn cũ của mình biến thành hành cung của kẻ thù!
Quản gia mở cửa phòng, bẩm báo: “Điện hạ, tiên sinh đã đến!”
Đáp lại là một trận ho dài, quản gia vội quay người mời chúng tôi vào.
Đi vào thấy trong phòng vẫn bài trí như cũ, mọi đồ vật không hề suy xuyển, tôi không khỏi ngạc nhiên, còn trên chiếc sập ngà khảm long phượng có một người nằm lặng lẽ.
Mặc dù gặp lần đầu, nhưng tôi biết, đó chính là Nhan Thước.
Tam Hoàng tử Nhan Thước được coi là có khả năng thừa kế ngai vàng nhất trong các Hoàng tử Thị quốc.
Chính kẻ này đã hại chết cha tôi, khiến mẹ tôi tự vẫn, khiến huynh trưởng tôi trở thành trò cười của thiên hạ!
Lúc này, kẻ đó cách tôi chỉ năm bước chân, sắc mặt trắng nhợt, khí sắc hư yếu. Nếu tôi lao đến, liệu có thể bóp chết hắn trước khi cận vệ kịp xuất hiện?
Tôi nghĩ, sắc mặt tôi chắc là rất đáng sợ, bởi vì người áo trắng đột nhiên ngoái đầu, kinh ngạc nhìn tôi.
Tôi vội vàng cụp mắt, thời cơ chưa đến, không được manh động, cơ hội chỉ có một lần, nhất định ra tay là phải thành công.
Người áo trắng đi đến bên sập, bắt mạch cho Nhan Thước, lại vén mi mắt lên xem. Quản gia lo lắng hỏi: “Tiên sinh, thế nào?”
Người áo trắng trầm ngâm một hồi, đứng lên nói: “Mặc dù tôi hết lòng muốn cứu nhưng Điện hạ không chịu phối hợp.”
Quản gia kinh ngạc: “Sao? Ý tiên sinh là Điện hạ không muốn khỏi bệnh?”
“Bây giờ tôi kê một toa thuốc cho Điện hạ dùng thử, theo dõi mấy ngày, rồi tính tiếp.” Người đó đi đến án thư, nhìn quanh không thấy bút nghiên, tôi buột miệng nói: “Ở ô kéo thứ ba.”
Ông ta mở ô kéo, bút lông, bút trúc, bút gỗ trắc, bút ngà, nằm ngay ngắn thành hàng. Ông ta cầm lên chiếc bút ngà ngắm nghía, ánh sáng của nó làm sáng cả án thư.
Người đó trầm trồ, khen: “Bút đẹp! Nghiên cũng đẹp!”
“Tiểu thư của Đồng gia từ nhỏ đã nổi danh chữ đẹp, được Đồng Tịnh cưng chiều như ngọc báu, thứ gì tốt nhất cũng mang về cho con gái.” Nghe quản gia nói vậy, lòng tôi lại thấy đau.
Người áo trắng không nói gì nữa, cầm bút kê toa thuốc. Quản gia gọi mấy gia nhân đến, đưa đơn bảo họ đi sắc thuốc, lại sắp xếp phòng nghỉ cho khách. Không biết tại sao, họ không nhắc câu nào về sự xuất hiện của tôi, cơ hồ coi tôi là gia quyến của người áo trắng, cũng không thu xếp phòng riêng cho tôi.
“Phòng của tiên sinh đã chuẩn bị xong, xin mời theo tôi!” Quản gia mở cửa dẫn đường, tôi đi theo sau người áo trắng, vừa bước qua bậc cửa, đột nhiên có tiếng gọi phía sau vọng đến, “Đồng Đồng...”
Tôi kinh ngạc, quay người, thì ra là tiếng Nhan Thước nói mơ.
Tên tôi là Đồng Đồng.
Mẹ tôi nói, ý nghĩa của nó là mẹ nguyện cùng cha tôi chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Câu nói đã trở thành lời chú.
Nhắm mắt là hiện lên cảnh Yến thành bị mất. Cha tôi trên người trúng mấy mũi tên, rơi từ lưng ngựa xuống, bị cây thương của địch quân đâm xuyên qua, còn mẹ tôi mắt trừng trừng chứng kiến cảnh cha tôi tuẫn nạn, cũng nhân lúc không ai để ý lao đầu vào tường thành...
Còn hôm nay, tôi đứng trước hành lang quanh co, nhìn cây mai chết héo trước sân, nghĩ lại từng chuyện trong quá khứ, lòng như sát muối.
“Rốt cuộc cô nương là ai?” Người áo trắng đứng tựa cửa, hỏi tôi như vậy
“Hình như cô nương rất quen thuộc chỗ này!”
“Vậy còn tiên sinh, tiên sinh là ai?”
Người đó yên lặng.
“Tôi không hỏi lai lịch tiên sinh, mong tiên sinh cũng đừng hỏi tôi, được không?”
Người đó quay người bỏ đi.
Tôi theo hành lang đi về phía trước, nhìn thấy đầm Rùa tiên. Có một dạo mẹ tôi bị bệnh nặng, đêm mơ thấy con rùa cõng một ly rượu đưa cho mẹ, sau khi uống rượu, tỉnh lại quả nhiên bệnh chuyển biến, sau đó tìm khắp phòng, quả nhiên tìm thấy một con rùa, mẹ thả nuôi trong đầm, ngày ngày cho ăn tôm và cá nhỏ, gìn giữ như báu vật.
Tôi đi đến bên hồ, con rùa vẫn ở đó. Rùa ơi, người đã cứu mẹ ta một lần, tại sao không cứu lần nữa? Đang buồn bã, một chuỗi tiếng bước chân từ xa đi đến, tôi vội vàng trốn sau thân cây to, nhìn thấy mấy a hoàn đang dìu một vị phu nhân đeo đày đồ trang sức châu báu tiến lại gần.
Nét mặt của người đó trong bóng tối không nhìn rõ chỉ cảm thấy xiêm y và đồ trang sức rất quý giá, thầm nghĩ chắc là gia quyến của Nhan Thước.
Tiếng a hoàn hỏi: “Phu nhân, con rùa đó linh diệu vậy sao? Nghe nói Đồng phu nhân trước đây cung phụng như báu vật trong phủ, có đúng không?”
Một a hoàn khác che miệng cười: “Im mồm, không được nói bừa!” Giọng nói cực kỳ quen, cơ hồ đã nghe thấy ở đâu, tôi chăm chú nhìn, lại chỉ thấy một phần vạt áo, gấu tay thêu hoa lan, vô cùng trang nhã.
A hoàn lấy ra con cá vàng trong hộp, vị phu nhân đó đích thân giẫm cho con cá nửa chết, mới bỏ xuống hồ. A hoàn vỗ tay reo: “Ăn rồi, ăn rồi, ăn thật rồi! Thì ra phải nuôi như vậy, chẳng trách mấy ngày trước, cho thế nào cũng không ăn.”
Lòng tôi lại run lên, đây là cách nuôi cá đặc biệt của mẹ tôi, người này rốt cuộc là ai, tại sao lại biết?
Hình như là để hóa giải băn khoăn của tôi, một cơn gió thổi đến, mái tóc dài của vị phu nhân bị gió làm rối tung, cô ta nghiêng mặt giơ tay vấn lên, ánh sáng đèn lồng đúng lúc chiếu lên mặt cô ta, tôi kinh ngạc suýt kêu lên.
Người này! Quý phụ này dung nhan phong mãn, đeo toàn trang sức quý, lại chính là Tiểu Lan, a hoàn ngày trước của tôi.
Cô ta chưa chết? Cô ta lại vẫn còn lưu lại trong phủ? Hơn nữa chớp mắt đã thay đổi, từ tôi tớ biến thành chủ nhân? Cô ta là chủ nhân của ai? Là phu nhân của ai?
A hoàn nói: “Phu nhân, đã cho cá ăn rồi, chúng ta mau về thôi, phu nhân đang mang thai, rất kỵ nhiễm lạnh.”
“Đúng thế! Đúng thế, Tam Điện hạ đã nói nhất định phải chăm sóc tốt cho phu nhân, nếu phu nhân có gì sơ sảy, tôi tớ chúng con sẽ bị phạt tội.”
“Yên tâm, Tam Điện hạ sủng ái phu nhân như vậy, nếu có chuyện chỉ cần phu nhân đứng ra nói giúp vài câu với Điện hạ, nhất định Điện hạ sẽ không phạt chúng ta.”
Mấy người cười nói đi xa dần, còn tôi, đứng sau gốc cây, hồn siêu phách lạc. Cảm thấy trời long đất lở cũng chỉ đến thế.
A hoàn của tôi, Tiểu Lan từ nhỏ đã cùng tôi lớn lên thân thiết như tỷ muội ruột thịt, lại trở thành thê tử của Nhan Thước!
Yến thành mới mất không quá một tháng, sao cô ta đã có thai, vậy là trước khi thành rơi vào tay địch, cô ta đã ngầm ngầm qua lại với Nhan Thước, đồ tiện nhân!
Uổng cho tôi luôn thương cô ta, những gì tôi có đều chia cho cô ta, không ngờ kẻ hạ tiện đó không những tư thông với kẻ thù, rất có thể còn làm nội gián tiết lộ tin tức trong thành cho địch, cô ta đã phản bội tôi, cũng phản bội Đồng gia, đồ tiện nhân!
Hỏa khí bốc lên, tôi không nghĩ gì hết tức thì xông ra, chỉ muốn tóm lấy kẻ tiện nhân đó đánh một trận, không ngờ có bàn tay giơ ta, kéo vai tôi lại, “làm gì thế?”
Tôi ngoái đầu, nhìn thấy khuôn mặt mình trong đôi mắt như thủy tinh đó mắt tôi điên loạn rực đỏ như lửa.
Ý nghĩ này giống như chậu nước lạnh giội thẳng xuống đầu tôi, lạnh từ đầu xuống chân, tôi bịt mắt, không chịu nổi, khóc rống lên.
Tại sao lại để tôi nhìn thấy tất cả những cái đó?
Tại sao sau khi phải chứng kiến cảnh cha chết thảm, mẹ tự vẫn, huynh trưởng đầu hàng, lại bắt tôi nhìn thấy sự phản bội của Tiểu Lan? Tại sao? Tại sao?
Người áo trắng đi đến, nhẹ nhàng xoa đầu tôi, “cô nương mệt rồi, ta chơi khúc đàn cho cô nghe.”
Người đó ngồi xuống đất, kéo cây đàn trên vai xuống, bắt đầu chơi.
Tiếng đàn thanh trong như tiếng quỳnh châu ngọc bội nhảy múa từ ngón tay người đó chảy ra, tôi nghe những thanh âm đó, tất cả cảnh vật trước mắt bắt đầu nhạt nhòa, vạn vật hình như chập chờn ở cách rất xa, tôi không nhịn nổi, vội nhắm mắt...