V
ào thời điểm này trong kiếp trước, Cảnh Thất vẫn còn là một thiếu niên nhỏ tuổi, chỉ trong một đêm đã mất phụ thân, bảy phần sợ tương lai mờ mịt không chỗ nương nhờ, ba phần đau phận đời xa xót, nỗi xúc động quá lớn hóa thành bi thương. Tiểu hài tử có quá nhiều chuyện luẩn quẩn trong lòng, tích tụ lại, liền ngã bệnh liệt giường, đến cả đêm Đầu Thất cũng không thể canh giữ bên linh cữu lão vương gia, bởi vậy không biết được chuyện Phùng đại tướng quân đến thăm giữa đêm khuya. Phùng Nguyên Cát và lão vương gia qua lại bao năm, ông lại là người không câu nệ lễ tiết, không quản đêm muộn tới tế bái người xưa, ngược lại lộ ra chút chân tình khó thấy trong những năm thói đời giả dối này. Chẳng ngờ kiếp này được tái sinh làm người, y lại có thể gặp mặt ông lần cuối trước lúc rời kinh.
Nghe ông hỏi vậy, Cảnh Thất bỗng chốc nở nụ cười: “Tốt xấu gì cháu cũng là thị độc1 của thái tử, hiện nay thái tử đã đến tuổi vào triều nghe chính sự, những chuyện lớn nhỏ trong triều, tuy rằng không đến lượt cháu được nghe, nhưng dù sao cũng biết được phong thanh”.
1 Thị độc có hai nghĩa:
Một là chỉ những người hầu đế vương đọc sách luận bàn đạo lý, hoặc hầu các hoàng tử học bài, nghe giảng kinh thư. Hai là chỉ một chức quan chuyên giảng sách cho đế vương, hoàng tử. Chức vụ này khá tương đồng với Thị Độc Học Sĩ, nhưng cấp bậc thấp hơn một chút. Ở đây “thị độc” dùng với nghĩa thứ nhất.
“Ha”, Phùng Nguyên Cát bật cười một tiếng, bị một câu này của Cảnh Thất vô ý chạm đúng vào tâm sự, trong khoảnh khắc ấy, vẻ bi phẫn trên gương mặt ông có muốn dằn xuống cũng không xong, chỉ có điều trước nay ông vốn là một trang nam tử kiên cường, không muốn để lộ trước mặt thiếu niên non nớt này, liền vội vã quay đầu sang chỗ khác, đưa mắt nhìn sắc trời xám xịt bên ngoài linh đường, im lặng một lúc lâu mới khống chế được giọng nói cũng như thần sắc. Ông nén giọng mình xuống, gắng sức bình tĩnh nói: “Ngay đến một tiểu tử như cháu cũng băn khoăn đến việc này, thế mà người nên nghe lại mắt điếc tai ngơ”.
Thương thay đêm khuya ngồi chiếu vắng; chẳng hỏi muôn dân hỏi quỷ thần.2
2 Là hai câu thơ cuối trong bài thơ Giả Sinh của Lý Thương Ẩn.
Khả liên dạ bán hư tiền tịch, Bất vấn thương sinh vấn quỷ thần.
Giả Sinh, tức Giả Nghị (200 - 168 TCN), là một chính trị gia và tác giả nổi danh đời Tây Hán.
Cảnh Thất nghe, lông mày khẽ nhếch lên một cái, y còn chưa kịp mở lời đã thấy Phùng Nguyên Cát quay đầu lại, trầm giọng nói: “Những lời này vốn ta không nên nói ra khỏi miệng, cháu cũng coi như gió thoảng qua tai, đã biết chưa?”.
Trong linh đường, ngọn nến trắng chập chờn theo cơn gió nhẹ, một tờ tiền vàng cháy dở giữa chậu than, sắc mặt thiếu niên cũng phảng phất như mượn được từ đâu ánh lửa, lẳng lặng ngồi đó, một đôi đồng tử đen bóng tựa điểm sơn1, dõi ánh nhìn thâm thúy qua đây, như thể chuyện gì cũng đều biết cả. Phùng Nguyên Cát nhìn mà không khỏi mềm lòng. Đối với ông, Cảnh Bắc Uyên cũng xem như con cháu trong nhà, lúc này Cảnh Minh Triết ném bỏ gánh gồng, ông lại phải xa bước Nam Cương, chuyến đi này không biết là sống hay chết, chỉ cảm thấy bóng dáng khoác áo gai chịu tang trong linh đường của thiếu niên thông tuệ trước tuổi này, quá ư đơn bạc, cũng quá đỗi lẻ loi. Nghĩ vậy ông liền mềm giọng: “Nam Cương nổi loạn, hoàng thượng vừa hạ chỉ lệnh cho ta đi dẹp yên, lần này đi... lần này đi chỉ sợ ngày dài đường xa, ta không ở kinh thành, không chăm lo được cho cháu, hãy tự chăm sóc bản thân cho tốt nhé”. Ông dừng lại một hồi, cuối cùng vẫn không yên tâm được, lại dặn thêm rằng: “Ta biết từ trước đến nay cháu vẫn thân thiết với thái tử, thái tử cũng là người tốt, chỉ có điều...”.
1 Ý chỉ nhựa cây sơn.
Phùng Nguyên Cát tuy rằng đọc chẳng được bao nhiêu quyển sách, nhưng suy cho cùng cũng là người lăn lộn chốn quan trường tới mấy chục năm. Ông nói lời này ngập ngừng do dự, Cảnh Thất lại hiểu rõ được ý tứ của ông, đương kim hoàng thượng thoạt nhìn đang độ tráng niên, nhưng chẳng qua chỉ là một xác ngoài đẹp đẽ đã bị đàn ca nữ sắc khoét cho rỗng ruột, giờ giang sơn này còn chưa biết sẽ do ai làm chủ, đến lúc đó ba vị hoàng tử phải đấu với nhau một trận tơi bời, Phùng đại tướng quân là sợ bản thân bị kéo vào trong vũng lầy ấy.
Cảnh Thất khẽ cười, ném thêm chút tiền vàng vào trong chậu than: “Cháu chẳng qua chỉ là một vương gia nhàn tản mang chút hư danh, dựa bóng ông cha, lại còn là một đứa con nít miệng còn hôi sữa, nuôi dưỡng ở chốn đế đô, thỉnh thoảng mang tới cho hoàng bá phụ chút niềm vui được con trẻ cận kề dưới gối. Trong mắt các vị đại nhân, cháu cũng chỉ như vị ‘Đốc Sát Ngự Sử’ trong thượng thư phòng mà thôi, đang yên đang lành có ai hơi đâu để mắt đến cháu? Đại tướng quân lo nghĩ quá rồi”.
Đại nhân “Đốc Sát Ngự Sử” kia chính là con chim sáo hiện đang được hoàng thượng sủng ái nhất, gần như đã chửi mắng một lượt tất cả văn võ bá quan trong triều. Phùng Nguyên Cát nghe những lời như cợt nhả như chế nhạo này của thiếu niên, trong lòng lại trầm hẳn xuống, thầm nghĩ nó mới được chừng này tuổi mà đã biết suy xét đến thế này ư? Sau ông lại tỉ mỉ nhìn bộ dạng cụp mi cười khẽ của y - khoan thai mà thâm trầm, đâu có chút dáng vẻ nào của thiếu niên chưa lớn.
Cảnh Thất nói: “Cháu không có chuyện gì, thế nhưng tướng quân có biết, trận đánh Nam Cương này, chỉ có một con đường chết mà thôi ?”.
Phùng Nguyên Cát nghe mà chấn động, không kiềm được bèn buột miệng hỏi rằng: “Cớ sao cháu lại nói vậy?”.
“Nam Cương tuy nhỏ, song kể từ khi Thái tổ giành được thiên hạ, đoạt được Cửu Châu mà sánh vai với triều đại trước, mảnh đất này liền giống như miếng xương chặn ngang cuống họng. Thái Tông võ công cao cường, trong vòng chưa đầy ba mươi sáu năm đã bắc chinh hai lần, khiến người Man ở hoang mạc phương Bắc (Bắc Mạc) phải cúi đầu xưng thần, song đến cuối cùng vẫn phải ngậm hờn trước non nước phương Nam, anh hùng mạt lộ. Mảnh đất Nam Cương lắm núi cao nhiều nước dữ, rừng già chướng khí, tạm thời không nhắc đến việc đi đường bất tiện, chỉ riêng việc tướng sĩ Trung Nguyên không làm quen được với khí hậu nơi đó đã đủ nguy nan rồi, huống gì...”
Đương nhiên không cần y lôi sử sách ra giảng giải, từ giây phút nhận được thánh chỉ Phùng Nguyên Cát đã ôm lòng chịu chết rồi, chỉ không ngờ được lại bị thiếu niên này nói thẳng ra, ông không khỏi cắt lời: “Lời này ai dạy cháu nói?”.
Cảnh Thất thuận miệng nói bừa: “Chu thái phó”.
Phùng Nguyên Cát lắc đầu, thái phó Chu Tự Dật, tên thì nghe phóng khoáng phiêu dật, thế nhưng lại là kẻ gàn dở bảo thủ hàng đầu, mở miệng nói được ba câu không rời lời thánh hiền nửa từ, tuyệt đối sẽ không cùng trẻ nhỏ bừa bãi luận bàn chuyện trong triều. Huống gì hắn chỉ là một thư sinh, văn nhân cổ hủ, cũng chưa chắc đã hiểu được những đạo lý binh đao này.
Cảnh Thất chỉ cười không nói.
Phùng Nguyên Cát có ý muốn nghe y nói, liền bảo: “Cháu nói tiếp đi”.
Cảnh Thất đứng dậy có phần gắng sức, thân người khẽ động, đầu óc vẫn còn hơi mơ hồ, y cố gắng giữ vững thân mình, đứng dậy đi đóng cánh cửa linh đường lại, sau đó ngồi về chỗ cũ, thở một hơi thật dài như vừa làm xong việc gì nặng nhọc lắm, ngần ngừ một lát mới thấp giọng nói rằng: “Đương kim thánh thượng ăn chơi sa đọa, nhìn thì có vẻ hoang đường bừa bãi, thế nhưng trong lòng không phải không chột dạ...”.
Lời còn chưa nói hết, Phùng Nguyên Cát đã nghiêm giọng quát rằng: “Đương kim thánh thượng là người cháu có thể phê bình xằng bậy sao? Lời này đại nghịch bất đạo!”.
Cảnh Thất vươn tay ra, nhẹ nhàng vỗ vào người đại tướng quân, ý bảo ông bình tĩnh lại, chớ vội nóng nảy, vạt áo trắng thuần dậy lên một luồng gió mát, tướng quân sắc mặt lạnh lùng giọng nói uy nghiêm, thiếu niên lại không hề bị ảnh hưởng mảy may, tiếp tục nói: “... Vì vậy chắc chắn sẽ muốn làm ra công tích gì đó để viết vào sách sử, cũng để thể hiện ngài coi giữ xã tắc có công, tướng quân không phải người ngoài, Bắc Uyên xin nói thẳng, những người đó - trộm nhớ nửa khối binh phù trên tay ngài đã lâu, hết lần này tới lần khác ngài lại như tường đồng vách sắt, mềm cứng không ăn, lại có trong tay binh hùng tướng mạnh, tất nhiên sẽ bị người đề phòng. Thế nên mới đoán ý bề trên, muốn mượn cơ hội này trừ khử đại tướng quân. Phùng đại tướng quân, lời này cháu nói có sai không?”.
Phùng Nguyên Cát lặng thinh không nói.
Cảnh Thất thở dài một tiếng: “Cháu chẳng qua cũng chỉ là một kẻ hậu bối bất tài, nói những lời này đã vượt khỏi quy củ, lại cực kỳ bất kính, vốn dĩ vạn lần không nên, thế nhưng...”. Đôi mày thon dài mà có vẻ quá ư thanh tú của y khẽ nhướng lên, để lộ ra vài phần sắc bén, cười lạnh mà rằng: “Đại tướng quân, ngài không vì mình, chẳng lẽ lại trơ mắt đứng nhìn hoàng thượng bị đám tiểu nhân che mắt bịt tai, tự hủy trường thành1 sao?”.
1 Sách Nam Sử - Đàn Đạo Tế truyện có chép lại rằng: Thời Nam Bắc triều, Tống quốc có đại tướng quân Đàn Đạo Tế, bởi vì danh tiếng quá lớn, các tướng dưới quyền đều dũng mãnh thiện chiến khiến hoàng đế nghi kỵ trong lòng, lại bị các đại thần gièm pha, lừa ông trở về kinh thành định trừ bỏ. Đàn Đạo Tế bị nhốt vào trong đại lao, đã quát lớn rằng: “Các ngươi làm vậy chính là tự hủy trường thành của các ngươi!” Từ đó về sau, người đời thường dùng câu “tự hủy trường thành” để ví với những người tự làm yếu sức mạnh của bản thân, tự phá hủy sự nghiệp của mình.
Phùng Nguyên Cát nhìn y, trên mặt tối tăm một mảnh, không nhìn rõ thần sắc, một lát sau ông mới ưu tư thở dài, đáp rằng: “Rõ ràng là một đứa trẻ, vì cớ gì phải lo lắng chuyện của người lớn, phải nói những lời của người lớn chứ?”.
“Nếu nước có thể quốc thái dân an, trời có thể gió hòa mưa thuận, thì cháu có làm trẻ nhỏ cả đời cũng có hề chi.”
Phùng Nguyên Cát không để ý tới câu nói sắc bén đến cắt lòng của y, chỉ nhẹ giọng hỏi rằng: “Vậy theo ý của cháu, ta phải làm thế nào đây?”.
Cảnh Thất vừa định nói, đã lại bị ông đưa tay lên chặn ngang lời.
“Không, cháu không cần nói nữa”, Phùng Nguyên Cát quan sát y, mang theo vô vàn cảm thán: “Bắc Uyên, bộ dạng của cháu giống mẫu thân nhiều hơn, chỉ có độc đôi mắt là thừa hưởng từ Minh Triết, thế nhưng tính tình lại chẳng giống một ai”.
Ông đứng dậy, chắp tay sau lưng, từ trên cao nhìn thiếu niên đang quỳ ở đó - thân thể y còn chưa phát triển hoàn toàn, trải qua biến cố lần này lại gầy gò ốm yếu, nét mặt thì tinh tế đến độ trông giống một nữ hài, song chẳng hiểu sao dáng y ngồi đó, hơi ngẩng đầu nhìn lại thấy ung dung vững chãi đến khó tả, khiến ông có thứ ảo giác rằng mình đang luận bàn với người cùng thế hệ.
Chẳng qua chỉ là... ảo giác mà thôi. Trong lòng Phùng Nguyên Cát rất rõ ràng, Cảnh Bắc Uyên xét đến cùng chỉ là một đứa trẻ lớn lên giữa chốn thâm cung.
“Những lời này vốn dĩ ta định để hai ba năm nữa mới nói ra cùng cháu, có điều... chỉ sợ là không kịp. Tâm tính cháu sớm trưởng thành, ta nghĩ cũng sẽ hiểu được, còn việc cháu nghe lọt mấy phần vào tai, ta không cưỡng ép. Năm ấy ta hoàn toàn không tán thành việc Minh Triết đưa cháu vào cung, thế nhưng ba hồn của hắn đã mất đi bảy vía, chỉ sợ khó mà chăm lo cho cháu chu toàn, nhìn thấy cháu lại nhớ đến vương phi, chỉ càng thêm đau lòng. Ta vốn định đón cháu tới chỗ ta, thế nhưng Phùng mỗ tuy thanh danh vang dội, người người nịnh bợ một câu ‘đại nhân’, ’tướng quân’, song suy cho cùng cũng chỉ là một kẻ võ biền xuất thân từ quân ngũ. Năm đó cháu còn chưa đầy tuổi, ta ôm ở trong lòng còn sợ làm cháu bị đau, tiểu thế tử của Nam Ninh vương phủ cao quý nhường kia, đặt vào trong tay ta chỉ sợ sẽ không nuôi sống nổi. Thế là ta bỏ ý định đó đi, định bụng đợi cháu lớn thêm chút nữa...”
Phùng Nguyên Cát rất ít khi nhẫn nại mà dông dài như vậy, Cảnh Thất lặng thinh không dám thốt một lời nào, đột nhiên phát hiện ra y mất đi vị trưởng bối này quá sớm, sớm đến độ bản thân kỳ thực hoàn toàn không hiểu rõ người này. “Nhưng giờ xem ra, ta không chờ được đến khi cháu trưởng thành rồi.” Phùng Nguyên Cát nở nụ cười tự giễu, thanh âm lại thình lình trở nên nghiêm khắc: “Cháu sinh ra trong nhà phú quý giàu sang, lớn lên trên tay của đàn bà con gái, tất cả đều là số mệnh an bài, vốn cũng không có vấn đề gì, thế nhưng cháu không thể quên, cháu sinh ra vốn là một nam nhân!”.
Cảnh Thất sững người... Sao tự dưng đại tướng quân lại nói lời này?
Phùng Nguyên Cát quay người lại, ánh nhìn sáng rực như đuốc chiếu qua: “Cảnh Bắc Uyên, nam nhi sinh ra trên thế gian này, không cầu chư hầu biết tiếng, thế nhưng cầu đội trời đạp đất, không cầu vinh hoa phú quý, nhưng chỉ cầu sống phải kiêu hãnh, chết ngẩng cao đầu. Phùng Nguyên Cát ta ăn bổng lộc của vua, xấu hổ nhận của mọi người một tiếng ‘Bình Tây đại tướng quân’, việc nên làm là đánh Man Di, bình nội loạn, trừ gian tặc, giữ biên cương. Những chiêu trò nham hiểm, dơ bẩn xấu xa cháu thấy ở trong cung, hừ, Phùng Nguyên Cát không phải không làm được, mà là coi khinh không làm!”.
Từng chữ từng chữ đanh đép hùng hồn, Cảnh Thất thật lâu sau vẫn không chịu tiếp lời, trong linh đường chỉ có chậu than thỉnh thoảng vang lên những tiếng “tanh tách”, hai người một lớn một nhỏ, một ngồi một đứng, im lặng hồi lâu.
Cảnh Thất yếu ớt tiếp lời: “Đại tướng quân, quá cứng thì dễ gãy”.
Phùng Nguyên Cát giễu cười: “Thà gãy cũng không cong”.
Cảnh Thất chợt cảm thấy, nam nhân đứng đó còn cao lớn hơn bóng người trong ký ức của y rất nhiều. Trước nay ông vốn cố chấp cứng đầu, không nhận khuyên răn, chẳng nghe ý kiến, một con đường dù có dẫn tới Hoàng Tuyền cũng phải đi cho bằng hết, có va phải tường Nam1 cũng không quay đầu, thấy quan tài cũng không rơi lệ, rõ ràng là một cục đá ôi mùi bị ném vào nhà xí2. Thế nhưng... cũng xứng với tiếng khen quật cường bất khuất.
1 Các công trình kiến trúc của Trung Quốc phần lớn đều xây về hướng Nam, những ngôi nhà lớn của những người có địa vị, thế lực đều có một bức tường xây làm bình phong ở cổng, gọi là tường Nam. Thế nên đi ra khỏi cửa thì phải đi sang bên trái hoặc đi sang bên phải, nếu cứ đi thẳng nhất định sẽ va phải tường Nam. Người ta thường dùng ví dụ này để ví von hành vi cố chấp của một người, không nghe người ngoài khuyên bảo.
2 Thời xưa được làm bằng cách khoét lỗ trên đá tảng, nếu là đá mềmthì sau một thời gian sử dụng sẽ bị phân và nước tiểu bào mòn, sụp lún, bởi vậy khi chọn vật liệu người ta phải chọn thứ đá rất cứng. Đá này bị phân và nước tiểu ngâm một thời gian dài, trở nên rất thối. Dân gian thường dùng câu nói này để ví von một gnười thái độ cố chấp, ngang ngược, không để lời của người khác vào tai, làm việc vô lý.
Anh hùng dù rơi vào bước đường cùng thì vẫn cứ là anh hùng, Cảnh Thất tự giễu mà cười một tiếng, chỉ là y luyến tiếc một nhân tài như thế, nên mới nói lời vô lễ, mạo phạm đến ông.
Phùng Nguyên Cát thở dài một tiếng, vẻ mặt ôn hòa trở lại, bàn tay tựa phiến quạt hương bồ vươn tới, xoa đầu y: “Tuổi cháu còn nhỏ, đừng học theo những người kia...”.
Đừng học cái gì của những người kia? Ông ngẩn người, lại không biết phải nói tiếp thế nào, đừng học những người kia một bụng âm mưu, một bồ nham hiểm, gian trá làm điều hung ác ư?
Thế nhưng đứa bé này... rốt cuộc cũng không giống như mình.
“Đại tướng quân”, một tiếng gọi khẽ còn mang theo âm điệu non nớt của trẻ nhỏ khiến ông hoàn hồn, Phùng Nguyên Cát mềm lòng nghĩ, tuổi nó còn nhỏ thế này đã biết kẻ gian người tốt, lại suy nghĩ cho mình, thật là khó được. Ban nãy ông nặng lời quá, chỉ sợ đứa trẻ vốn mang quá nhiều tâm tư này nghĩ ngợi nhiều, thế là ông liền dịu sắc mặt lại, đáp lời một tiếng.
Cảnh Thất ngẫm nghĩ một hồi, y biết vị Phùng đại tướng quân này rốt cuộc cũng không phải người đi chung lối với mình, những lời đã tới bên khóe miệng lại nuốt trở về, chỉ nhẹ giọng nói rằng: “Đại tướng quân, Nam Cương xa xôi cách trở, mong đại tướng quân chú ý giữ gìn”.
Thói đời hiện tại tựa như ngày xuân tàn lụi, mặt đất phủ kín hoa phai, người trong cuộc bị hoa giăng che mờ đôi mắt, không nhìn thấy mùa hạ cam go đang giương nanh múa vuốt lại gần. Trên không có minh quân, dưới không có hiền thần, mà y dù cho chuyển thế trở về, cũng chỉ là một đứa trẻ ranh không quyền không thế, trên người mang một cái danh Nam Ninh vương gia, thế nhưng cũng có khác gì con rối mua vui, trên người dát đầy bạc đầy vàng?
Y bất lực.
Y không ngăn được ông khẳng khái đi chịu chết, không ngăn được giang sơn Đại Khánh lung lay chực đổ...
Cuối năm ấy, tin Nam Cương thắng lớn truyền về, Phùng Nguyên Cát không hổ là danh tướng tuyệt thế - Đại vu sư của Nam Cương nghị hòa, đồng ý đưa vu đồng - người kế thừa của bản thân vào đế đô làm con tin, cả nước vui mừng.
Điều tiếc nuối duy nhất là đại tướng quân Phùng Nguyên Cát tử trận. Quan binh Đại Khánh tổng cộng bốn mươi vạn người, tướng sĩ tinh nhuệ gần như đã bỏ xác lại Nam Cương. Thế nhưng đối với người nam nhân cao quý đang ngồi trong đại điện thênh thang chốn đế đô kia, đó chẳng qua cũng chỉ là một bóng mờ nho nhỏ đằng sau thắng lợi, bốn mươi vạn người và một vị tướng quân, đổi cho ngài một hư danh lưu vào sử sách, cũng coi như hy sinh đúng chỗ rồi. Huống gì từ giờ sẽ không còn nam nhân kia trừng mày quắc mắt can gián bới móc những tật xấu của ngài nữa, ngày tháng trôi qua cũng sảng khoái hơn nhiều.
Đại hoàng tử Hách Liên Chiêu cuối cùng cũng có cơ hội chen một tay vào trong quân quyền vốn vững vàng như tường đồng vách sắt, càng vô cùng đắc ý.
Cuối năm sắp tới, khắp chốn hân hoan.
Người người đều nói rết trăm chân, chết rồi vẫn đứng. Thế nhưng cũng có câu “Đê dài ngàn dặm, gặp tổ mối cũng xong”. Cùng lắm chỉ là một bên phong ba bão táp từ ngoài đánh tới, một bên là rách nát thối rữa từ lõi phá ra mà thôi. Một năm ấy, ngày đông rét mướt vô cùng, đế đô ca múa thái bình như xưa.