C
ũng không biết có phải y làm du hồn đã thành quen, hoặc là thân thể trẻ nhỏ đang trong thời kỳ phát triển, mà y thèm ngủ nhiều hơn. Suốt mấy tháng liền, Cảnh Thất cứ cảm giác thân thể mình ủ rũ, lười biếng vô cùng. Bình An thầm nhủ trong bụng, chủ tử nhà mình quả thực là “xuân mỏi thu mệt hạ lim dim”, ba tháng ngày đông ngủ say như chết, bộ dạng con người cử chỉ chả ra sao, ngày qua ngày sống cứ như heo vậy. Báo một tiếng cáo ốm với hoàng thượng, trừ những lúc đi thỉnh an theo lệ ra, thì trên cơ bản y cửa chính không ra cổng trong không vượt, còn “có phép tắc” hơn tiểu thư nhà khác mấy phần.
Kiếp trước làm người, trong lòng Cảnh Thất thương nhớ Hách Liên Dực, từ sau khi hiểu chuyện, liền quen nếp việc gì làm cũng phải nghĩ cho thái tử mấy phần, lo trước cái lo của thái tử, vui sau cái vui của thái tử, lao lực nhọc nhằn, cúc cung tận tụy. Quả thực y đã đem hết cái “Hiếu” cái “Tâm” chưa kịp dùng để báo đáp phụ thân của mình dồn cả cho thái tử điện hạ.
Đến kiếp này, đột nhiên không có người chấp nhất trong lòng nữa, y thấy trống rỗng vô cùng, nhưng cũng lại nhẹ nhõm hơn nhiều. Nói cho cùng thì Cảnh Thất cũng nghĩ thoáng ra rồi, hiện tại y vẫn còn nhỏ, Đại Khánh này tuy nói là mục từ rễ mục lên, thế nhưng dù sao bên ngoài vẫn còn cái vỏ vinh quang phồn thịnh, ngày một ngày hai cũng không sập được, dăm bữa nửa tháng cũng không tan được nước. Còn đợi đến khi nguy cơ loạn trong giặc ngoài thật sự nổi lên thì vây cánh của thái tử cũng đã tương đối cứng cáp, ngày đó đến thì dẫu trời có sập xuống cũng còn bọn họ chống đỡ cơ mà.
Trong phút chốc, y bỗng nhiên hiểu được vì sao hai mươi năm qua hoàng thượng không lên triều sớm - thứ thích hợp nhất với kiếp con người còn gì hơn hai chữ “yên vui”? Mỗi ngày ngủ đến khi mặt trời mọc cao ba sào, đứng dậy nhai qua loa mấy miếng thức ăn, hí hoáy luyện chữ, nổi hứng lên thì đề mấy bài thơ cẩu thả, lật xem mấy trang sách dạy đánh cờ, qua quýt coi mấy tờ nhàn thư1, từ địa lý nước non tới thoại bản dân gian, truyền miệng phố phường không gì không đọc, đọc một lúc thấy nhức mắt thì ngả nghiêng trên tháp2 ngủ tiếp một hồi. Theo như Bình An nhẩm tính, tuy rằng thời gian “đọc sách” của vương gia nhà mình rất dài, nhìn thì có vẻ tuổi còn nhỏ đã biết cố công học tập, thế nhưng lần nào hắn vào phòng châm trà rót nước, hết mười lần thì có đến tám chín lần thấy tiểu vương gia đang nhắm nghiền hai mắt, “đọc sách” bằng... mí mắt.
1 Chỉ những quyển sách phục vụ mục đích giải trí, không liên quan đến những vấn đề nghiêm túc, trọng đại. Trước đây thường dùng để chỉ những cuốn sách không phải là kinh sử điển tịch như: dã sử, bút ký, tiểu thuyết...
2 Tháp là một loại ghế ngồi, mặt bằng phẳng hình chữ nhật. Tháp khá giống giường thế nhưng thường nhỏ hơn, có thể dùng để nằm hoặc để ngồi.
Quả thực đã phát huy câu “ăn no chờ chết” đến cực điểm tinh hoa. Bước vào trong vương phủ, hình như thời gian đều bị kéo dài ra. Càng lười càng ngủ, càng ngủ càng lười. Sau cùng, đến khi Hách Liên Dực có được phút nhàn rỗi mà xuất cung thăm y, cũng thấy ngay có điều không ổn.
Chỉ đáng thương thiếu niên thái tử thường ngày phải hết lòng lo lắng, mỗi lần tới Nam Ninh vương phủ thuận miệng hỏi một câu “Chủ tử nhà các ngươi đâu?”, câu trả lời nhận được bao giờ cũng nằm trong mấy dạng sau: “Đã đi nghỉ rồi ạ”, “Còn chưa thức dậy ạ”, “Đang nghỉ tạm trong thư phòng ạ”, “Đang nghỉ ngơi ở sân sau ạ”. Địa điểm thì tùy vào thời gian tìm tới khác nhau mà có sự biến động, còn chuyện y làm thì chỉ có một chủ đề duy nhất - ngủ! Cứ thế lâu ngày Hách Liên Dực còn nghĩ y mắc phải bệnh gì, cẩn thận dẫn theo thái y tới thăm. Khi bắt mạch thái tử điện hạ rất căng thẳng đứng canh ở một bên, thỉnh thoảng lại hỏi một câu: “Thế nào rồi?”.
“Cái này...”, thái y chần chừ một lúc, thật ra vừa bước chân vào cửa, chưa cần bắt mạch, chỉ cần quan sát sắc mặt thôi là lão đã biết vị Nam Ninh vương gia này ăn ngon ngủ kỹ đào đâu ra bệnh, có điều không thể nói thẳng ra như thế được, bởi lẽ làm vậy sẽ khiến trình độ của lão có vẻ... không cao. Thế là Hồ thái y liền làm bộ làm tịch gãi cằm một chút, kéo dài giọng, chậm rãi mở lời: “Sách Tố Vấn1 viết rằng, trăm bệnh đều từ khí mà ra, tức giận thì khí dâng cao, vui thì khí bình hòa, buồn thì khí tiêu tan, sợ thì khí hạ xuống, lạnh thì khí thu vào, nóng thì khí tiết ra, hoảng thì khí loạn, mệt thì khí tiêu hao, lo thì khí kết tụ. Thất tình lục dục của con người cái gì cũng sinh ra khí, khí sinh ra thì phế phủ không điều hòa...”.
1 “Vấn”, tên đầy đủ là Hoàng đế nội kinh tố vấn, là tập sách lý luận về trung y sớm nhất được ghi nhận, tương truyền được viết để dâng cho hoàng đế vào khoảng thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Sách này vốn có chín quyển, sau được Vương Băng đời Đường chỉnh lý bổ sung, sửa thành hai mươi tư quyển, tám mươi mốt thiên.
Lão thao thao bất tuyệt trích dẫn kinh điển một tràng không ngừng nghỉ, Hách Liên Dực tuy không hiểu lão đang nói cái gì, thế nhưng lại biết rõ một chuyện, ấy là mức độ bốc phét trong “bệnh” của Cảnh Thất quả thực có hơi cao. Thế là hắn sa sầm mặt xuống, liếc mắt nhìn Cảnh Thất. Đợi đến khi khách khí gọi người tiễn lão thái y đi rồi, Hách Liên Dực mới quay đầu lại, hỏi một câu ý vị sâu xa: “Bệnh ngươi không nhẹ nhỉ?”.
Cảnh Thất nghiêm trang đáp: “Thái tử điện hạ có điều không biết, chứng bệnh này của thần tuy rằng không đến nỗi mất mạng, thế nhưng cũng không dễ chữa trị, thái y lan man dài dòng như thế, kỳ thực là vì lực bất tòng tâm”.
Hách Liên Dực nhướn mày nhìn y: “Là bệnh gì thế?”. “Tiền triều từng có một quyển sách tên là Vấn Thạch, tương truyền là tuyệt học cả đời của một vị thần y họ Đỗ, chương thứ chín trong sách chuyên ghi lại những chứng bệnh nan y, trong đó có một loại bệnh, gọi là “chứng tham ngủ”. Chứng bệnh này cực kỳ hy hữu, trăm năm trước chẳng qua cũng chỉ có vài trường hợp, Hồ Thái y tuổi hãy còn trẻ, chưa gặp chứng ấy bao giờ cũng là chuyện bình thường.” Hách Liên Dực nghe y phân tích, gương mặt cười mà như không cười, trông tiểu tử này gật gật gù gù hệt như đám bịp bợm giang hồ lừa lọc đảo điên, nhưng cũng không cắt lời.
Cảnh Thất ngay cả bản nháp cũng không cần viết, đĩnh đạc mà rằng: “Người mắc phải chứng tham ngủ, lúc ban đầu không khác gì người bình thường, chỉ có phần tham ngủ, uể oải hơn một chút, về sau cả ngày đều trong trạng thái mơ màng, vừa nhắm mắt vào là có thể ngủ liền một ngày một đêm, sấm đánh bên tai cũng không nhúc nhích, đợi thêm vài năm nữa trôi qua, sẽ có thể chìm vào giấc ngủ dài, không ăn không uống, ít thì ba mươi đến năm mươi năm, nhiều thì....”.
“Nhiều thì được bao lâu?”, Hách Liên Dực bưng chén trà lên, ngồi ở một bên nghe y thao thao bất tuyệt.
Ánh mắt của Cảnh Thất lóe lên, cười nói: “Nghe người ta bảo, người dài nhất có thể ngủ đến sáu mươi ba năm không tỉnh”. Hách Liên Dực cảm thấy trong nháy mắt, dường như có một thứ thần thái nào đó không diễn tả được thành lời lướt qua gương mặt của thiếu niên thanh tú ấy, như giễu cợt mỉa mai, lại phảng phất vài phần vui đùa cười cợt. Thế nhưng chỉ một thoáng liền thôi, nhanh đến mức khiến hắn cho là mình hoa mắt trông lầm. Hách Liên Dực chớp mắt, trước mắt chỉ còn sót lại gương mặt lờ đờ biếng nhác của tên tiểu tử bịp bợm, nhìn thế nào cũng thấy uất nghẹn cả người, thế là hắn liền tiện tay cuộn tròn quyển sách y đặt ở một bên lại, sau đó gõ đầu y: “Là chứng ham ngủ ư? Theo ta thấy thì là bệnh lười mới đúng?”.
Cảnh Thất vừa cười vừa né. Từ sự kháng cự và không thích ứng lúc ban đầu, y dần dần quen với những màn đùa giỡn không cố kỵ điều gì giữa đám thiếu niên, chỉ là thỉnh thoảng sẽ chợt nảy ra đôi phần cảm khái, ví như: “Thì ra ta và người này cũng đã từng có thời điểm lòng không vướng mắc thế này”. Quỷ Vô Thường làm việc quá mức vô thường, người trước mặt kia dù trong tương lai tài trí kiệt xuất thế nào, thủ đoạn độc ác, trở mặt vô tình ra sao thì hiện giờ trong mắt Cảnh Thất, hắn chẳng qua cũng chỉ là một đứa trẻ quật cường cắn răng không chịu cam lòng, không chịu cúi đầu khuất phục.
Hách Liên Dực dù sao cũng hơn y vài tuổi, chẳng mấy chốc đã bắt được y, dằn trong lồng ngực cấu véo một hồi, nắn cho gương mặt bé xíu của Cảnh Thất đỏ hồng lên mới thả người ra, oán hận bảo: “Ngươi đi với phụ hoàng cái khác không học được, ngược lại thành tài được một ngón võ: Thần long thấy đầu chẳng thấy đuôi”.
Con không chê cha dở, huống gì lão cha có hoang đường thế chứ hoang đường nữa cũng vẫn là một vị hoàng đế chỉ cần mở miệng là có thể chém bay đầu kẻ khác, Cảnh Thất bị giật mình bởi một câu nói thẳng thừng không kiêng dè gì của hắn. Con người Hách Liên Dực từ trước đến nay vốn làm việc thận trọng thỏa đáng, là người chủ trương “đi không thừa một bước, nói không thừa một câu”, một câu nếu không quẹo đủ chín khúc quanh mười tám khúc vòng trong bụng thì tuyệt đối không chịu tùy tiện thốt ra. Nhưng dù sao hiện tại hắn vẫn còn nhỏ, sự khôn ngoan sắc sảo còn chưa hoàn thiện, Cảnh Thất không trở lại trong cung, hắn ngay cả một người có thể nói lời thực lòng cũng không có, nếu không phải đã nín nhịn quá mức rồi thì cũng chẳng đến nỗi nói không lựa lời như thế.
Lời vừa ra khỏi miệng là Hách Liên Dực đã biết mình nói lỡ, trong lòng thầm nghĩ may mà Bắc Uyên chẳng phải người ngoài. Thế là hắn thở dài một tiếng, chuyển đề tài: “Ta thấy ngươi sống trong vương phủ cũng sung sướng nhàn hạ gớm nhỉ!”. Cảnh Thất lặng thinh hồi lâu, bấy giờ mới nói: “Thái tử, tiền lệ đã định, thị độc của hoàng tử triều ta phần lớn là con cháu thế gia, chưa kế thừa tước vị. Phụ vương mất sớm, hôm nay... Dựa theo quy củ, việc đọc sách của thần nên do vương phủ tự mời Tây Tịch1...”. Y dừng lời, liếc mắt nhìn Hách Liên Dực, thế gia của Đại Khánh đời đời cha truyền con nối, bất kể tuổi tác, phụ thân qua đời, tước vị sẽ truyền lại cho con trai trưởng, bất kể đứa bé đó mười tuổi hay mới lên năm, kế thừa tước vị xong người ấy cũng coi như đã trưởng thành rồi.
1 Tiên sinh dạy học tại nhà. Cổ nhân quy định ghế phía Đông là ghế của chủ, ghế phía Tây là ghế của khách hoặc thầy, vì vậy thường gọi những tiên sinh dạy học tại nhà hoặc phụ tá, quân sư là Tây Tịch.
Thế nhưng dẫu sao Cảnh Thất cũng là người lớn lên trong cung từ nhỏ, nếu y thật sự muốn tiếp tục làm thị độc của thái tử thì cũng hợp lý hợp tình, không coi là chuyện lớn - giống như kiếp trước vậy. Trừ phi là do bản thân y không tình nguyện mới viện cớ này, Hách Liên Dực thầm hiểu trong lòng, không khỏi thất vọng vô cùng: “Bắc Uyên...”.
Cảnh Thất tự nhận bản thân đã sớm không còn trẻ trung gì nữa, cái sự hăng hái của thiếu niên cũng bị mài mòn cạn kiệt, không muốn tiếp tục hao tâm tổn sức với đám người đó nữa - đương nhiên nguyên nhân chủ yếu hơn là, y không muốn dính dáng quá nhiều đến con người tương lai sẽ bước lên ngôi cửu ngũ chí tôn này. Có điều không dây dưa về phần không dây dưa, cũng không thể đắc tội với hắn được, nghĩ bụng một hồi y liền nói: “Thái tử có biết ai đã tới đây vào đêm Đầu Thất của phụ vương thần không?”.
Hách Liên Dực sửng sốt.
“Là Phùng đại tướng quân Phùng Nguyên Cát.” Cảnh Thất thấp giọng nói, ngón tay gõ nhẹ lên mép bàn, đôi mắt cụp xuống.
Lúc này Hách Liên Dực mới hoàn hồn lại, thần sắc đau xót, vẻ thương tiếc lần lượt hiện lên gương mặt, một lúc lâu sau mới cười lạnh một tiếng: “Đại hoàng huynh của ta... đúng là rất được. Bản lĩnh khác thì chẳng thấy đâu, thế nhưng riêng phần vu oan giá họa, hại nước hại dân, nếu huynh ấy nhận mình đứng thứ hai thì không ai dám mặt dày đòi tranh thứ nhất”.
Hắn thình lình đứng dậy, chắp tay đi lại trong phòng vài bước: “Rồng ngủ say không tỉnh, hổ lạc bước đồng bằng, đám sài lang hoành hành, nếu như ta... hừ!”. Nếu là gì, hắn không nói, tất cả nỗi đau thương phẫn nộ của thiếu niên đều hóa thành một tiếng cười lạnh bị nghiến giữa kẽ răng, gương mặt nhìn nghiêng cứng đờ lại.
Cảnh Thất nói: “Không quyền không thế, chỉ đành buông tay nghe mệnh trời thôi. Thế nên hôm đó thần đột nhiên cảm thấy, nếu thần không tiến cung mà ở lại trong vương phủ, thì ít nhất có thể giúp thái tử có một chỗ để ‘về’”.
Hách Liên Dực quay đầu lại, rất nhiều năm sau hắn vẫn nhớ như in bộ dáng của thiếu niên ngày hôm ấy, y khoác chiếc trường bào màu xanh nhạt có phần ảm đạm, co chân ngồi đó, hai tay bưng một chén trà, khóe mắt cong cong, mắt cười sao mà lém lỉnh. Không có những lời tôn kính dư thừa, không ra vẻ trải đời lên mặt, chỉ là xưng thần gọi thái tử sơ sài hời hợt, giọng điệu nói ra như đang tán gẫu chuyện đời thường - ít nhất có thể giúp thái tử có một chốn quay về. Thiếu niên không biết vị sầu, trong lòng thiếu niên còn chưa có quá nhiều hoài nghi ngờ vực, thiếu niên còn chưa nếm trải cái cảm giác nắm quyền sinh sát trong tay.
Chỉ đáng tiếc, cánh xuân tươi đẹp há chờ thiếu niên... Mà thôi, những chuyện ấy để sau này hãy nói.
Lần đầu tiên Cảnh Thất chính thức ra cửa gặp người, đã vào sáu tháng sau, khi hoàng thượng cố ý truyền chỉ tới vương phủ, gọi y tiến cung - nguyên nhân là bởi con tin từ Nam Cương đã tới.
Cách nghĩ của hoàng đế bệ hạ kỳ thực rất đơn giản, nghe nói vu đồng của đại vu sư mới chỉ mười một mười hai tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ, ngàn dặm xa xôi từ Nam Cương tới kinh thành, đường dài lại khó đi, có hợp khí hậu không tạm thời chưa nhắc tới, tối thiểu ngôn ngữ đã không thông hiểu, cũng thật đáng thương. Đại Khánh từ trước tới nay vốn lấy nhân nghĩa để trị quốc, đối phương từ xa mà tới, dù thế nào cũng phải đón tiếp nồng hậu, khiến hắn cảm thấy như ở quê nhà mới được... Đương nhiên, trị quốc bằng nhân nghĩa và xuất quân đánh Nam Cương là hai chuyện khác nhau, chuyện nào ra chuyện nấy. Vừa khéo Cảnh Bắc Uyên lại là người lớn lên trước mắt ngài, đứa bé này vừa biết giỡn biết đùa, lại ham an nhàn ưa trốn việc, còn biết giở mánh khóe ra, hợp ý ngài lắm lắm. Ngài cảm thấy Cảnh Bắc Uyên là một đứa bé “ngoan” hiếm thấy, nhân dịp này cũng có thể kết thêm một bằng hữu.
Thế là trời vừa sáng, Cảnh Thất đã bị một đám người vây quanh, trong ba lớp, ngoài ba lớp, mặc lên người y bộ triều phục kích thước tí hon. Sau đó Cảnh Thất mắt nhắm mắt mở chậm rãi vào cung, gặp được người đã định sẽ cùng y dây dưa cả một đời.