1 Là một trong tám nguyên tắc cầm quân đánh trận mà Tôn Vũ đề ra trong thiên Quân Tranh, Binh Pháp Tôn Tử. Ý chỉ khi bao vây quân địch vẫn nên để lại một con đường sống cho đối phương.
Á
nh nhìn của Cảnh Thất và Hách Liên Dực vụt giao nhau, trong lòng mỗi người nhanh chóng nảy ra chủ ý riêng. Cảnh Thất thì lùi ra phía sau một bước, vờ điếc giả câm, không màng "thế sự". Hách Liên Dực lại "phịch" một tiếng, quỳ sụp xuống, làm rõ lập trường bản thân trước nhất: "Phụ hoàng minh giám sao nhị ca có thể làm ra chuyện như thế được? Nhi thần là người đầu tiên không tin!".
Theo lý thuyết mà nói, trong tình huống này, Hách Liên Dực thân là người kế vị, lựa chọn tốt nhất chính là vờ điếc giả câm - trong lòng hắn rất rõ ràng những chuyện dơ bẩn xấu xa này đều do Hách Liên Kỳ gây ra cả, hắn cũng biết giờ này nếu đỡ lời cho Hách Liên Kỳ sẽ là hoa mắt ù tai, thiên vị tình riêng xem thường luật pháp. Nhưng nếu hắn giúp Tưởng Chinh thì sự việc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, công khai mượn cơ hội diệt trừ địch thủ, còn chưa làm hoàng đế đã mưu tính thủ tiêu huynh đệ. Có điều, ai trong bọn họ cũng đều hiểu, rằng người đang ngồi trên long ỷ kia, quả thực có bắc tám sào cũng không với được tới hai chữ "minh quân".
Hách Liên Bái hoàn toàn chẳng muốn nghe xem con nhà ai sống, con nhà nào chết, kẻ nào lén nuôi quân đội, kẻ nào lũng đoạn tham ô - đương nhiên, những chuyện ấy cũng quan trọng lắm, nếu là thường ngày đã đủ để ngài phải nện bàn quát lớn một câu: "Tra xét rõ ràng cho trẫm", hiềm nỗi giờ này, trước mắt ngài chỉ còn sót lại một việc mà thôi - đó là đám già sống dai như đỉa Tưởng Chinh kia lại dám liên kết với nhau, định ép ngài trừng trị chính nhi tử mình.
Là ép, là tạo phản!
Hách Liên Chiêu thấy vậy lập tức hoàn hồn, biết bản thân đã đi chậm một bước. Hắn thầm nghiến răng nghiến lơi, cũng chỉ còn cách phụ họa theo thái tử: "Phụ hoàng, lời thái tử nói chí phải, nhi thần cũng không tin. Việc này trọng đại, hi vọng các vị đây thận trọng lời nói, hành vi, từ từ bàn kỹ".
Hiển nhiên, giờ này Tưởng Chinh đã là lợn chết không sợ nước đang sôi, nghe vậy liền đáp đâu ra đó: "Hoàng thượng minh giám, trong tay thần có bức huyết thư do đích thân Trương Tiến Trương đại nhân viết cùng các loại sổ sách, thư từ qua lại. Chuyện nhị điện hạ giam giữ Trương công tử trong một tiểu viện ở phía Tây Bắc thành thần đã tra xét rõ ràng, hơn ba mươi kẻ hầu người hạ đều đã bắt gọn, thần không dám khi quân. Sự việc thật giả thế nào, để phủ Tông Nhân điều tra sẽ rõ ràng ngay".
Mới đầu Hách Liên Bái thấy đầu mình ong ong như nổi trống, mãi đến khi Hách Liên Dực lên tiếng mới thoáng hoàn hồn. Ngài cúi xuống, nhìn nhi tử Hách Liên Kỳ đáng thất vọng của mình, vừa thấy bộ dạng gã như thế, liền hiểu được bảy tám phần, biết những lời Tưởng Chinh nói quá nửa là sự thật. Lòng ngài rét lạnh, khí huyết dâng cuồn cuộn, chỉ hận không thể ấn tên tiểu tử này về lại trong bụng mẹ, coi như chưa từng sinh nó ra đời. Thế nhưng ngài vừa chuyển mắt, lại thấy đám người Tưởng Chinh tuy chân quỳ nhưng lưng lại vươn thẳng tắp, bộ dạng sừng sững bất động. Trong lòng lão hoàng đế liền dậy lên một suy nghĩ khác, ngài lạnh lùng nghĩ: Được lắm hôm nay ép trẫm trừng trị hoàng tử, ngày mai sẽ ép trẫm nhường cái ghế này luôn chứ gì? Được lắm!
Ngài im lặng một lúc lâu mới miễn cưỡng bình ổn lại tiếng nói của mình. Hách Liên Bái biết nhất định phải đưa ra một phương án giải quyết chuyện này mới được, chỉ đành kiềm chế cơn giận, gượng ép nói: "Người đâu, lôi nghịch tử Hách Liên Kỳ xuống cho trẫm. Hạ chỉ...cho phủ Tông Nhân tra rõ chuyện này".
Buổi lâm triều ngày hôm đó kết thúc trong vội vã. Nói xong câu đó, Hách Liên Bái như chẳng buồn nhìn ai thêm chốc lát, thoáng sau đã tuyên bố bãi triều, vừa đứng dậy liền sải bước đi nhanh. Lúc đứng lên, thân thể ngài không kìm được mà hơi lảo đảo, may mà Hỉ công công nhanh tay lẹ mắt đỡ lấy ngài, mới tránh được cảnh thiên tử đương triều lăn kềnh ra đất. Hách Liên Chiêu đứng từ xa đưa mắt nhìn Hách Liên Dực, sau đó hành lễ theo quy củ rồi mới đi, cũng không biết hắn có ý gì. Cảnh Thất đứng một bên ra chiều nghĩ ngợi, Hách Liên Dực khẽ kéo y: "Về chỗ ngươi đi".
Đoàn người âm thầm xuất cung, Cảnh Thất và Hách Liên Dực im lặng không nói, Lục Thâm có phần thấp thỏm, chỉ còn Hạ Doãn Hành kia trên bay dưới nhảy, khẳng khái sục sôi, phảng phất đôi ba phần khía thế trâu non mới sinh không sợ hổ, chỉ sợ thiên hạ này không loạn lạc mà thôi. Mãi đến khi Cảnh Thất bị hắn nhao nhao đến nhức cả đầu, mới thở dài nói: "Tiểu hầu gia, ngài yên tĩnh một lát giùm cho".
Bấy giờ Hạ Doãn Hành mới phát hiện chỉ có mình hắn ngớ ngấn kích động nãy giờ, không khỏi ngượng nghịu một phen, sau đó lại cảm thấy có gì đó không đúng, liền hùng hồn bảo: "Hôm nay các ngươi cũng thấy bộ dạng tên Hách Liên Kỳ đó rồi đấy, ta xem đến hoàng thượng cũng tin đến bảy tám phần. Tự làm bậy không thể sống, gã đi đêm cho lắm vào, giờ xem như đã gặp phải con quỷ treo cổ già là Tưởng đại nhân rồi, đây không phải là chuyện tốt sao?".
Cảnh Thất liếc mắt nhìn hắn, sáng suốt chọn cách...im lặng.
Hạ Doãn Hành thấy chẳng ai thèm để ý đến mình liền chớp mắt, vắt óc suy nghĩ một lúc lâu mới vỗ đùi, tỉnh ngộ: "Điện hạ với mọi người đang lo lắng cho Tưởng đại nhân chứ gì? Theo ta thấy, bao nhiêu năm qua Tưởng đại nhân đã nói được câu nào dễ nghe đâu. Hoàng thượng làm ra chuyện nào 'ngứa mắt', ông ta cứ rình được lần nào là mắng luôn lần ấy. Thế mà cũng có sao đâu. Lại nói, lần này Hách Liên Kỳ khiến mọi người phẫn nộ, số đại nhân vạch tội gã nhiều như thế, hoàng thượng có nổi giận thật, cũng đâu xử lý một lúc nhiều người như thế, đúng không nào?".
Hách Liên Dực nhắm mắt bịt tai, xem như không có người này bên cạnh. Khi tới vương phủ rồi hắn mới hỏi Cảnh Thất: "Ngươi xem xem, kết quả nghiêm trọng nhất có thể là gì?"
Cảnh Thất dẫn mọi người vào thư phòng, lúc này Bình An liền tiến lại, len lén nói bên tai y: "Chu công tử đến rồi, vu đồng cũng tới, nô tài đã dẫn ngài ấy vào trong vườn rồi ạ".
Cảnh Thất thấp giọng dặn dò: "Dẫn Chu công tử vào đây, còn vu đồng...ngươi bảo hắn cứ tự chơi trước đi..."
Bình An nhận lệnh đi ra, Cảnh Thất trầm ngâm trả lời câu hỏi của Hách Liên Dực: "Bịt miệng người đời còn nguy hiểm hơn chặn sông gây lũ, thế nhưng lời nói thẳng chung quy chẳng dễ nghe... Người chịu nghe chẳng được bao nhiêu, chỉ sợ hoàng thượng một khi bị rắn cắn, từ nay về sau nắn quá hóa dở, sẽ không nguyện khoan dung thêm nữa". Cảnh Thất không nói nữa, lần này ý tại ngôn ngoại đến Hạ Doãn Hành nghe cũng hiểu - trước nay hoàng thượng vốn không thích ngôn quan, trải qua chuyện lần này, vạn nhất ngài thẹn quá hóa giận thì chỉ sợ sau này trong triều ngôn quan sẽ chẳng còn chỗ đứng.
Hạ Doãn Hành thoáng sửng sốt: "Chuyện này...chắc không phải chứ?". Không ai lên tiếng, kể cả Chu Tử Thư vừa mới bước vào, tất cả mọi người đang cân nhắc giả thuyết này của Cảnh Thất - bọn họ đều biết chuyện này không thể được, thế nhưng người khác không làm được, không có nghĩa vị vạn tuế gia phong cả chim làm đại tướng quân kia của bọn họ không dám làm.
Một lúc lâu sau Hách Liên Dực mới buông tiếng thở dài: "Đi bước nào hay bước ấy vậy..."
Cảnh Thất lại nói: "Đối với Hách Liên Kỳ mà nói, chuyện lần này cực kỳ nguy hiểm, nhưng cũng không phải đã hết hẳn đường sống".
Chu Tử Thư chấn động: "Lời này của vương gia căn cứ vào đâu?".
Cảnh Thất vừa vô thức gõ tay xuống bàn, vừa buông lời thật chậm, thận trọng nói: "Tử Thư, ngươi có biết cái gì gọi là 'hở lưới một bên' không?"
Tài trí Chu Tử Thư cao đến nhường nào, nghe nói vậy chỉ ngẩn người chốc lát, sau lập tức hiểu ra - cái "hở lưới một bên" Cảnh Thất nói đương nhiên không phải mấy lời nhảm nhí như ông Trời có đức hiếu sinh, mà là nguyên tắc được chú trọng tring binh thư - "Giặc cùng đường chớ ham bức ép, giăng vòng vây nhớ để đường lui". Nếu cố ép đối phương vào chỗ chết, cuối cùng sẽ dễ rơi vào thế 'Đập nồi dìm thuyền'1 hoặc 'sống mái một phen'. Ngược lại mất nhiều hơn được, chưa biết chừng lại khiến đối phương có cơ hội tìm được đường sống trong chỗ chết.
1 Nguyên văn là "Phá phủ trầm châu", dựa theo tích Hạng Vũ đem quân đi đánh Cự Lộc. Sau khi qua sông thì dìm hết thuyền bè, đập vỡ nồi niêu, chỉ giữ lại ba ngày lương thực để cho binh sĩ thấy không còn đường lui, phải quyết tâm đánh thắng.
Ví như tình hình trước mắt, kết cục của Hách Liên Kỳ chắc chắn không thể tốt được. Thế nhưng không thể bỏ qua vị vạn tuế gia chân chính nắm quyền sinh sát trong tay kia. Hoàng thượng mất mặt giữa triều đường, mà kẻ đầu sỏ gây ra chuyện ấy chính là Hách Liên Kỳ. Theo lý mà nói, hoàng thượng hận Tưởng Chinh tận xương tận tủy, thì sẽ nghĩ sao về nhị hài tử gây ra chuyện tày đình ấy? Chỉ sợ chút tình phụ tử nhỏ nhoi trong lòng ngài cũng đứng trước nguy cơ bay theo chiều gió. Có điều nếu các đại thần làm quá sẽ khiến hoàng thượng nảy sinh cảm giác khủng hoảng. Cảm giác khủng hoảng liên quan đến quyền lực trí mạng hơn bất cứ điều gì, đợi một ngày tâm lý phản nghịch dậy lên trong lòng ngài ấy thì lúc ấy nhìn tình cảnh bi thảm của đứa nhi tử kia, chỉ sợ không những không ghét bỏ, có khi còn dấy lên thứ cảm giác "thỏ chết cáo thương" khó giải thích rõ ràng.
Lục Thâm không kìm được, đưa mắt nhìn thoáng Hách Liên Dực đang trầm ngâm không nói, trong lòng càng khâm phục thái tử điện hạ không thôi - chỉ trong một thời gian ngắn như thế đã nghĩ được đến mức này, chẳng màng thị phi trắng đen, nắm thời cơ quyết đoán đứng về phía Hách Liên Kỳ. Sau đó hắn liền hỏi: "Điện hạ, giờ chúng ta nên hành động thế nào?"
Hách Liên Dực không trả lời ngay mà quay sang hỏi Cảnh Thất: "Bắc Uyên, ngươi thấy sao?".
Cảnh Thất còn chưa lấy lại tinh được tinh thần, vô thức ném trả vấn đề lại cho thái tử: "Xin nghe theo quyết định của thái tử điện hạ".
Hách Liên Dực trừng mắt nhìn y: "Giờ là lúc nào rồi còn giở trò lần như trạch tránh như lươn - Trầm Như, ngày mai ngươi dâng một tấu lên...". Thái tử gọi Lục Thâm lại dặn dò một phen. Lục Thâm đã hiểu, tức khắc cùng Hạ Doãn Hành nhận lệnh mà đi, trở về nhà suy tính xem phải viết tấu chương thế nào. Hách Liên Dực ngồi thêm một chốc, thấy Cảnh Thất cùng Chu Tử Thư đều có vẻ không yên lòng cũng thấy nhàm chán. Lại nghĩ giờ còn đang trong tháng trai giới, thời điểm mấu chốt này mà rời cung quá lâu cũng dễ bị kẻ khác vin vào chỉ trích, thái tử liền dẫn thị vệ trở lại Đông cung. Trước khi đi hắn đưa mắt liếc Chu Tử Thư, Chu Tử Thư lập tức lĩnh ý, cáo từ Cảnh Thất xong liền vội vã đuổi theo sau. Ra khỏi vương phủ, Hách Liên Dực mới thấp giọng dặn dò: "Ta sai người dâng tấu lên cũng vì muốn giữ gìn cho Tưởng lão, bao nhiêu năm qua, người làm được chuyện có ích trong triểu quả thực chẳng được bao nhiêu".
Trước nay Tưởng Chinh chưa từng nhúng tay vào chuyện tranh quyền đoạt vị, không dựa dẫm bên nào. Chu Tử Thư không hiểu thái tử định nói gì, chỉ đành gật đầu trước. Hách Liên Dực càng thấp giọng hơn: "Những việc trong khả năng chúng ta cứ làm, còn thấy được gì hay không...thì còn phải nghe ý ông Trời..."
Hắn thoáng ngừng lời, nghiêng đầu nhìn Chu Tử Thư. Bộ dạng Hách Liên Dực quả thực không hề giống một người kế vị, không xem là uy nghi, ngược lại cả toát ra phong thái của một kẻ đọc sách, tao nhã ôn tồn, vẻ cười thường trực, khiến người khác thư thái như đang hứng gió xuân, có điều ánh mắt ấy của hắn lại khiến Chu Tử Thư rùng mình ớn lạnh, chỉ nghe hắn nói tiếp rằng: "Còn nếu không được, vậy nhị ca vốn là hiếu tử, cái tiếng xấu sát hại trung lương gã phải gánh thay phụ hoàng rồi".
Chu Tử Thư lĩnh ý, thấp giọng đáp lời: "Thuộc hạ hiểu rõ".
Sau đó, suốt dọc đường đi hai người không nói thêm câu nào nữa.
Hương trong thư phòng vương phủ âm thầm cháy, ngắn đi từng đoạn từng đoạn một. Cảnh Thất dựa người trên ghế, hai mắt khép hờ, ngón tay lại vô thức gõ xuống mặt bàn. Y cơ hồ có thể tưởng tượng ra trên đường Hách Liên Dực sẽ nói gì với Chu Tử Thư. Người khác nghe không hiểu, y lại rõ nằm lòng. Hách Liên Dực dặn dò Lục Thâm như vậy, nhìn bề ngoài có vẻ như đang nỗ lực bảo vệ Tưởng Chinh, trên thực tế bản thân lại rất rõ ràng, lần này Tưởng đại nhân có lên trời cũng không thoát được - xem ra thái tử đã quyết định rồi - Tưởng đại nhân đằng nào cũng phải vì nước tận trung, vậy nên lợi dụng ông ta cho triệt để.
Y đang nghĩ đến xuất thần, một thoáng không chú ý, lại đột nhiên cảm giác có hai ngón tay nhẹ nhàng áp lên thái dương mình. Cảnh Thất giật nảy, hai mắt mở to, lại phát hiện ra Ô Khê đã vào tự lúc nào không hay, lẳng lặng đứng sau lưng, đang vươn tay day thái dương cho mình. Cảnh Thất cảm thấy hơi mất tự nhiên, liền cười giả lả: "Ngươi vào từ lúc nào thế? Đi đứng cứ như mèo, tiếng cũng chẳng thấy đâu?"
Ô Khê "suỵt" một tiếng: "Ngồi yên nào". Hắn nhanh chóng vươn tay ấn y xuống, xoa nắn dọc theo mấy huyệt đạo lớn trên người y. Cảnh Thất xuýt xoa, chỉ thấy như có luồng kình lực đang chui vào thân thể mình qua những chỗ bị hắn ấn, tê dại không thôi. Y muốn tánh ra, lại bị Ô Khê giữ chặt. Hắn nói: "Ngươi tập trung vào, nhớ kỹ những lời ta nói".
Sau đó Ô Khê mở miệng đọc môt bộ khẩu quyết giản đơn, Cảnh Thất tốt xấu gì cũng xem như từng học võ, vừa nghe liền biết hắn đang dạy mình bộ công phu luyện khí dưỡng thần, cảm thấy cũng mới lạ, liền thuận theo, để khẩu quyết cùng lực ấn huyệt của hắn dẫn dắt. Một loáng sau mở mắt ra, y cảm thấy toàn thân thoải mái hơn nhiều, tác dụng con fhpn cả chợp mắt nghỉ ngơi. Lúc này Ô Khê mới buông tay, mùi thơm ngan ngát trên y phục Cảnh Thất vẫn còn vương lại trên đầu ngón tay. Khí thế nghiêm trang, lên mặt dạy dỗ ban nãy đột nhiên tan thành mây khói, chẳng hiểu sao hắn đột nhiên có cảm giác mình đã "vô lễ" với người ta, lại sợ Cảnh Thất để bụng chuyện này, liền giải thích có phần ngượng nghịu: "Ngươi...suy nghĩ quá nhiều, khí huyết đình trệ, ban nãy ta giúp ngươi khai thông".
Bộ dạng rụt rè quá đỗi ngây thơ của hắn, đột nhiên khiến vị vương gia ban nãy còn đầu óc ngổn ngang trăm sự thấy lòng vui sướng. Cảnh Thất cũng chẳng hiểu vì sao bản thân lại không kiềm được mà phá lên cười. Bộ dạng y vốn rất ưa nhìn, hiềm nỗi chiếc cằm hoi nhọn, khiến người ta nhìn vào cảm giác mỏng manh, sắc môi hơi nhợt nhạt, nhìn vào liền
Phảng phất cảm giác người này phận mỏng. Giờ này y cười rộ lên, từ mi lẫn mắt đều cong vút, hai má điểm thêm chút sắc hồng. Ô Khê đang vào độ khí huyết dồi dào, ngơ ngác nhìn y, những ý nghĩ thướt tha cứ lan tràn trong óc, liền si mê thầm tưởng: "Trông y thật đẹp. Nếu sau này có thật nhiều người thích y, y không chịu đi cùng ta nữa thì làm thế nào? Vậy...vậy ta sẽ đánh ngất y, sau đó trói lại, mang về Nam Cương. Vượt qua khu rừng đầy khí độc kia rồi thì đến chim cũng không bay nổi, xem y chạy đằng nào".