L
úc đầu Cảnh Thất bị ánh nhìn trắng trợn không hề che lấp gì của hắn làm cho gượng gạo cả người, sau lại nhớ đến mấy ngày vừa qua, sống khổ sở nhàm chán, chốn chốn mưu toàn, lại còn sống khổ hạnh như thầy tu, rượu không chạm nhạc chẳng được nghe, nhất thời thấy đến khớp xương cũng đau ê ẩm cả ra. Y liền đứng dậy vươn vai, nói với Ô Khê: “Theo ta ra sân làm mấy chiêu giãn gân cốt nào.”
Ô Khê còn đang bận suy tính trong lòng xem phải làm thế nào “bắt cóc” người ta về Nam Cương, nhất thời chưa phản ứng kịp. Hắn thoáng ngẩn người, sau đó vô thức nói thực: “Ta không động thủ với ngươi đâu, ta sợ làm ngươi bị thương.”
Lời vừa ra khỏi miệng, Ô Khê có bộc trực thẳng thắn mấy đi nữa cũng biết bản thân lỡ lời. Quả nhiên, Cảnh Thất đang vươn vai được một nửa liền cứng đờ người lại, trừng mắt nhìn hắn đến là hung tợn. Sau đó y đột nhiên cười một tiếng đến là âm hiểm, xốc cổ áo Ô Khê lên, muốn kéo hắn ra khỏi thư phòng: “Võ công ta có ổn hay không, tiểu tử ngươi cứ hứng hai quyền là biết ngay thôi.”
Ô Khê vừa để mặc kéo đi không phản kháng vừa dở khóc dở cười nói: “Hay để ta gọi Nô A Cáp tới hầu ngươi nhé, có được không?”
Trước giờ Nô A Cáp vẫn làm chân quản gia cho hắn, nói năng tương đối lanh lợi, cũng khá giỏi quan sát sắc mặt người khác. Có điều người này tuy vóc người cũng coi như cao lớn uy mãnh, thân thủ lại có phần… thảm hại. Người ta đồn rằng lúc đã thành trai tráng rồi mà hắn vẫn trải qua những giờ phút “vẻ vang” bị tên đệ đệ chín tuổi quăng ngã ra đất. Cảnh Thất trợn mắt nhìn hắn: “Hôm nay không cho ngươi thấy sự lợi hại của ta thì ngươi còn không biết mã vương gia có bao nhiêu con mắt1!”.
1 Ý câu này xuất phát từ truyền thuyết Mã vương gia có ba con mắt. Mã vương gia là một nhân vật trong truyền thuyết. Về con mắt thứ ba của ông, dân gian Trung Quốc có rất nhiều cách lý giải. Một trong số đó được trình bày trong tác phẩm Nam du ký như sau:
“Ngày nọ, Ngọc hoàng đại đế phái Tinh Nhật Mã cùng Lâu Kim Cẩu, Khuê Mộc Nương, Hư Mục Thử hạ phàm, đi bốn phương tuần tra tội ác. Bốn vị thần mỗi người đi một hướng, vài ngày sau trở lại thiên đình báo cáo Ngọc Đế. Ba vị thần khác đều báo tin vui, nói hạ giới sống yên vui no ấm, chỉ có Tinh Nhật Mã báo lại cả thiện lẫn ác. Ngọc Đế hoài nghi, sai Thái Bạch Kim Tinh xuống hạ giới điều tra lần nữa, sau mới biết ba vị thần kia ăn hối lộ dưới trần gian, báo điều gian dối. Tinh Nhật Mã làm việc liêm khiết, được Ngọc Đế hết lời khen ngợi, còn ban cho một con mắt thứ ba. Từ đó trở đi ánh mắt Mã vương gia càng thêm sáng rõ, ai gặp cũng kính nể. Từ đó trong dân gian lưu truyền câu nói: “Ngươi cũng biết Mã vương gia đấy, ba con mắt không dễ chọc đâu.”
Nói sao y cũng là đồ đệ của danh sư, có điều vị “danh sư” này lại là Phùng đại tướng quân. Nghĩ đến “quan hệ ngày xưa” của Phùng đại tướng quân với Nam Cương, y không tiện nhắc đến trước mặt Ô Khê mà thôi.
Trong vương phủ kỳ thực cũng có một gian luyện công chuyên dùng làm chỗ tập võ cho chủ tử, có điều mấy năm nay Cảnh Thất khi rảnh thì cắm cổ chơi bời, lúc bận lại vùi đầu công cán, không dùng được mấy lần. Bình An chẳng hiểu chủ tử nhà mình hôm nay lại nổi cơn gì, vội càng gọi người quét dọn gian luyện công một lượt, sau lại đốt bếp lò, trải thảm trên sàn vì lo y ngã, bận rộn đến người liểng xiểng ngựa ngã nghiêng, thực hiện triệt để theo bốn chữ “nâng trứng hứng hoa”. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Ô Khê đã bao giờ thấy người ta luyện công thế này đâu, vừa giận lại vừa buồn cười, không kìm được mà phá lên cười. Cảnh Thất cứng cả mặt, ho khan một tiếng, sau đó nghiêm mặt mắng rằng: “Các ngươi làm gì đây, ta chỉ tập luyện một chút, đứng trong sân đấu mấy chiêu giãn gân giãn cốt là được rồi.”
Bình An mặt mày hốt hoảng, dông dài mãi: “Vương gia nói gì vậy? Trời thì lạnh thế này, dưới đất cỏ còn không mọc được một cọng, nếu vương gia bị ngã hay va đập vào đâu, thương đến xương cốt thì làm thế nào? Gió Tây Bắc thổi vù vù như thế, nhỡ đổ mồ hôi lại hứng gió rét căm căm rồi cảm lạnh thì sao…”
Cảnh Thất cắt ngang lời hắn, mặt mũi lạnh tanh: “Bình An, ngươi ném ngay một thứ đi cho bản vương.”
“Ôi chao, chủ tử trông thứ gì không vừa mắt ạ?”
Cảnh Thất nói chắc như đinh đóng cột: “Ngươi.”
Bình An thưa ngay: “Vâng, vậy nô tài ném…” Nói được phân nửa hắn mới nhận ra câu nói có vấn đề, bèn bĩu môi híp mắt, tủi thân nhìn Cảnh Thất: “Chủ tử nói gì vậy chứ? Cái đó… Nô tài không có ý dông dài đâu, chỉ là chủ tử chẳng biết trân trọng bản thân mình gì cả…”
Cảnh Thất trừng mắt nhìn hắn, Bình An cuối cùng cũng im miệng, ỉu xìu đi ra. Ai ngờ Bình An mới ra chân trước, Cát Tường đã xách ngay một tấm áo choàng từ thư phòng hộc tốc chạy ra, nhanh đến độ Cảnh Thất còn chưa kịp chớp mắt kia: “CHủ tử, trời rét căm căm thế này cậu với vu đồng ra ngoài này đứng làm gì, mau khoác tấm áo lên…”
Chút hào khí muốn luận bàn võ nghệ, đánh đấm một trận cho thỏa thuê sắp tan gần hết. Ô Khê liền hiểu được một chuyện. Người khác luyện công chú trọng: “Tam Cửu ngày đông, Tam Phục trời hè1”, càng khổ càng luyện mới rèn giũa được gân cốt, làm ít được nhiều. Còn vị này, phỏng chừng chỉ mấy ngày xuân về hoa nở hay gió thu đương độ mới vung tay đá chân vài cái trong gian luyện công có đến tám chục người hầu hạ này – quả nhiên là kiểu cách của Đại Khánh vương gia. Hắn lại nhớ đến khi tên Nô A Cáp lắm lời nhà mình làm bộ làm tịch mà rằng: “Vị vương gia này tính tình rất tốt, ôn hòa nhã nhặn, bộ dạng cũng ưa nhìn, chỉ có điều… không dễ nuôi đâu.”
1 Võ thuật Trung Quốc có câu “Hạ luyện Tam Phục, Đông luyện Tam Cửu”. Ngày Tam Phục chính là ba ngày nóng nhất trong ngày hè, bởi vậy cũng là lúc khí huyết trong người dồi dào nhất. Nếu ngày Tam phục luyện võ sẽ có thể mượn được “tiết trời” giúp đả thông những kinh mạch thường ngày không đả thông được. Còn ngày Tam Cửu là ngày lạnh nhất trong mùa đông, cũng là ngày khí huyết suy nhược nhất, bắp thịt căng cứng nhất. Nếu luyện võ vào ngày Tam Cửu sẽ dựa vào “sức người”mà rèn giũa được cơ bắp, khiến khí huyết lưu thông.
Ô Khê cũng có chút gật gù đồng ý, thầm nghĩ người này quả nhiên khó nuôi, nếu muốn kéo y về Nam Cương, chỉ sợ còn phải chuẩn bị sẵn chút của ăn của để, khiến y được ăn ngon mặc ấm mới xong.
Nghĩ vậy Ô Khê liền suy tính về vấn đề Chu Tử Thư thương lượng với mình thời gian trước – đó là đem mấy thứ thuốc Nam Cương của hắn đi bán. Chu Tử Thư có đường làm ăn, hắn có hàng. Giờ xây dựng chút ít thế lực bản thân trong chốn giang hồ Đại Khánh, vạn nhất sau này Đại Khánh cùng Nam Cương trở mặt, cũng có người phối hợp. Bởi vậy Ô Khê thấy bản thân phải về nhà tính toán cẩn thận một phen mới được. Hắn liền bảo Cảnh Thất: “Bắc Uyên, ta đột nhiên nhớ ra trong phủ còn một số chuyện, ngày mai ta lại sang chơi với ngươi nhé?”
Nghe khẩu khí hắn hệt như đang dỗ trẻ em, Cảnh Thất bèn thuận miệng hỏi, giọng điệu không tốt đẹp gì: “Ngươi làm gì mà bận rộn như thế?”
Ô Khê trả lời đến là trịnh trọng: “Ta đang tính cách gây dựng chút của cải, tránh cảnh sau này ngươi theo ta chịu khổ.”
Cảnh Thất bất ngờ không kịp đề phòng, nghe lời ấy của hắn xong liền nghẹn họng, thiếu chút nữa thì không thở được, mặt xanh như tàu lá, chỉ vào Ô Khê mà “Ngươi” cả nửa ngày trời, cuối cùng cũng không thốt ra được tiếng nào. Y hừ lạnh một tiếng, vung tay áo sải bước bỏ đi, chốc lát sau liền thấy bên trong truyền ra tiếng sập cửa.
Bình An nghe thấy, không khỏi thò đầu ra nhìn, e dè vỗ ngực, hỏi Ô Khê: “Vị vương gia của phủ này vừa sập cửa đấy ư?”
Ô Khê nhìn hắn vẻ vô tội, gật đầu.
Bình An nhỏ giọng đáp: “không sao đâu, vu đồng đừng chấp vương gia làm gì. Không phải đang trong kỳ trai giới sao, uống rượu cấm mà ăn chơi cũng cấm. Ngài cũng biết chủ tử nhà tôi rồi đấy, cả ngày hết đá gà lại qua chọi chó, ngồi yên sao nỗi? Hiềm nỗi trai giới lần này do chính miệng chủ tử đưa ra, có giận cá cũng chẳng kiếm đâu ra thớt. Chủ tử đang bức bối đó thôi, đợi vài hôm nữa hết trai giới là đâu lại vào đấy ngay ấy mà.”
Ô Khê bảo: “Hình như hôm nay ta đã lỡ lời, khiến y mất hứng thì phải.”
Bình An xua tay: “Gì mà mất hứng, chẳng qua chủ tử khó chịu trong lòng, giả vờ giả vịt mượn cớ trút giận thôi, không để trong lòng thật đâu, đảm bảo ngày mai là quên bằng sạch. Bình An đi theo vương gia từ nhỏ, bao nhiêu năm trôi qua, cũng chưa thấy chủ tử nhà mình nổi giận thật mấy lần.”
Ô Khê nghe vậy liền hiểu, thầm nhủ thì ra hành động ấy của y là làm nũng. Thế là vu đồng liền cáo từ Bình An, trở về phủ, tinh thần cực kỳ phấn chấn.
Tối hôm ấy, vị tiểu công công từng chịu ơn sâu của Cảnh Thất nhờ người truyền tới một tin, nói hoàng thượng âm thầm tới thăm nhị điện hạ, cho lui tất cả kẻ hầu người hạ xung quanh, chẳng ai biết phụ tử hai người đã nói những gì. Có điều không nghe được không có nghĩa người khác đoán không ra. Cảnh Thất cùng Hách Liên Dực đã hiểu rõ hoàng thượng quá rồi, bởi vậy trong lòng cũng ít nhiều lường được hành động lần này của Hách Liên Bái, nghe tin ấy xong cũng không sửng sốt gì. Ngày hôm sau phủ Tông Nhân tra xét vụ án này. Chân tướng sự việc kỳ thực đã quá rõ ràng, có điều người của phủ Tông Nhân đều rặt những kẻ lõi đời, liền kéo dài hết ngày này qua ngày khác. Rõ ràng là chuyện chỉ cần điều tra thoáng cái sẽ rõ, vậy mà nhất định họ phải làm bộ làm tịch, giằng co đến ngót một tháng trời.
Bọn họ cũng đang chờ xem hướng gió thế nào.
Mấy ngày sau Lục Thâm liền dâng tấu trên triều, tố cáo Ngự Sử Đại Phu Tưởng Chinh. Tội danh đưa ra lại rất sâu xa hàm súc, không hề nhắc tới mấy lý do đã nghe tới nhàm tai như “kéo bè kéo cánh”, “vu tội hoàng thân”, chỉ vạch tội ông ta ăn trên ngồi trốc, thất trách với triều đình. Các vị đại nhân trong lòng đều rõ cả, tuy rằng họ đoán được chuyện nhị điện hạ đột nhiên gặp chuyện nhất định có liên quan gì đó tới thái tử điện hạ, nhưng cũng cảm thấy giờ này thái tử đứng ra, thể hiện rõ lập trường đứng chung chiến tuyến cùng phụ hoàng, huynh trưởng cũng không có gì chê trách được. Chỉ thấy Lục Thâm vạch tội Tưởng Chinh, lời lẽ hùng hồn: “Thân làm ngôn quan lại không tận lực thực thi chức trách của mình, không giám sát nổi bách quan, không can gián nổi hoàng đế, trước mặt ngôi cao đoán ý ton hót, xu nịnh ạ dua, việc phía dưới không nghe không hỏi…”
Các quan nghĩ bụng, lần này Tưởng đại nhân xui xẻo tới nơi rồi. Hoàng thượng đang không tìm được cơ hội xử lý ông ta, giờ Lục đại nhân lại thức thời dâng tấu lên tận cửa. Chẳng ai ngờ sau khi nghe hết những gì Lục Thâm nói, Hách Liên Bái lại trầm ngâm chốc lát, chẳng những không có phản ứng quá khích nào, ngược lại còn do dự một hồi, sau mới hời hợt nói một câu: “Lục khanh nói quá lời rồi.”
Cứ thế, chuyện này bị ngài gác qua một bên không đề cập nữa. Chúng nhân ai nấy đều kinh ngạc không thôi, trong lòng thầm lo lắng, không biết vị hoàng thượng bất thình lình biến thành “minh quân” kia đang âm thầm cân nhắc điều gì, hay là đã quyết trừng trị nhị điện hạ thật rồi. Nhất thời vây cánh cũ của nhị điện hạ có không ít người tâm thần hoảng loạn, một số ít phe phái dựa hơi bắt đầu dao động, mưu tính khắp nơi tìm lối thoát thân. Đến cả người ban đầu còn lo lắng không yên, chỉ sợ Tưởng đại nhân gặp chuyện gì là Hạ Doãn Hành cũng chậc lưỡi kinh ngạc mãi, thầm nhủ thái tử điện hạ quả nhiên có bản lĩnh, nói lời cấm có sai. Thái tử bảo Lục đại nhân viết tấu chương như vậy, hoàng thượng cũng không còn cách nào. Lần này hoàng thượng không “xử lý” Tưởng đại nhân, đã mơ hồ cho các triều thần thấy thái độ của mình. Tuyệt kỹ “xoay theo chiều gió” của các vị đại nhân đều đã luyện đến độ nước chảy mây trôi, về sau chẳng ai dám tùy tiện dâng tấu nữa, đến lúc hoàng thượng muốn trút giận thật, chỉ sợ cũng không tìm được lý do.
Vì chuyện này, Hạ Doãn Hành còn âm thầm thấy mừng trong dạ, nhủ rằng lần này Tưởng đại nhân đã được an toan.
Kỳ thực lần này Lục Thâm dâng tấu lên, bất luận Hách Liên Bái có căm tức chuyện Tưởng Chinh cầm đầu gây chuyện thế nào chăng nữa, cũng không thể dùng lý do ấy đả kích ông ta được, lý do cũng rất đơn giản - Tưởng Chinh là người một tay ngài nâng đỡ, vị quan duy nhất có thể xem là “dùng được” dưới trướng vạn tuế gia “anh minh thần võ” ngài đây chỉ có độc ông ta. Lục Thâm nói Tưởng Chinh “với bề trên đón ý nói hùa, a dua xu nịnh” một cách hùng hồn khẳng khái, vàng thật không sợ lửa thiêu. Hoàng thượng nghe xong lại không thấy khẳng khái hùng hồn cho lắm. Tưởng Chinh không phải người không hiểu thủ đoạn, trước nay ông ta vẫn biết vị vạn tuế gia này bùn nhão không đắp nên tường, lại ưa sĩ diện. Bởi thế trước nay đã bao giờ nói những lời khuyên nhủ hoàng thượng nghiêm chính trước mặt bao người đâu, mà chỉ âm thầm lải nhải mấy câu rồi thôi. Cứ thế, cứ nghe lải nhải phiền lòng quá, Hách Liên Bái còn đóng cửa không thèm gặp Tưởng đại nhân kia nữa.
Hách Liên Bái có thể xử lý Tưởng Chinh bằng bất kỳ tội danh trời ơi đất hỡi nào, duy độc không thể là tội “Ăn không ngồi rồi”, “Ton hót a dua” – nếu không bản thân ngài sẽ thành kẻ nhìn người không sáng suốt, đề bạt tin dùng hạng gian nịnh tiểu nhân.
Cả đời Hách Liên Bái chủ trọng nhất là thể diện, năm đó ngài huy động mấy chục vạn quân tấn công Nam Cương là vì thể diện, căm hận Tưởng Chinh lại vì thể diện, lần này miễn cưỡng dằn cục tức xuống mà bỏ qua cho Tưởng Chinh, cũng vì thể diện. Ngài đưa mắt nhìn thoáng qua Lục Thâm đang quỳ dưới điện, vẻ mặt vừa mờ mịt lại ngỡ ngàng. Ngài biết người đứng sau vị Lục trạng nguyên này chính là thái tử, lại trông thấy bộ dạng căm phẫn sục sôi của Hách Liên Dực, trong lòng cũng coi như được an ủi phần nào. Ngài thầm nghĩ, tiểu nhi tử này vẫn còn chút tình nghĩa đây, thường ngày trông vào không lạnh không nóng, đến lúc quan trọng vẫn biết bảo vệ người thân. Lại nhớ đến vài ngày trước, ngài nghe Hách Liên Kỳ khóc lóc thảm thương, nước mắt nước mũi giàn giụa nói lần này có”kẻ gian” hại mình, câu nào câu nấy đều ám chỉ thái tử, trong lòng liền nảy sinh vài phần khúc mắc, cảm thấy lão nhị tuy đáng thương nhưng cũng quá vô tình. Gặp chuyện uất ức, gã không tìm người ngoài mà gây chuyện, lại khăng khăng suy xét chuyện huynh đệ ruột thịt hại mình trước tiên.
Nghĩ vậy ngài liền thấy có chút không vui, cảm thấy nên nhốt nó thêm một thời gian nữa, để nó bớt phóng túng đi, nhận chút giái huấn cũng là chuyện tốt. Vụ án cứ thế bị kéo dài, kéo mãi, kéo mãi, kéo đến tận khi kỳ trai giới sắp kết thúc. Trong thời gian này các phe phái trong triều sôi sục cả lên, nỗ lực tranh giành, phỏng đoán ý tứ của lão hoàng đế, một mặt gắng sức làm sạch quan hệ giữa mình và Hách Liên Kỳ, một mặt đầy hết những kẻ ngứa mắt về phía gã. Hoạt động thẩm tra Hách Liên Kỳ không có động tĩnh gì lớn, có điều bè lũ Triệu Chấn Hưng bị lôi ra làm người thế mạng, quơ một mẻ lớn, nhổ củ cải bật cả bùn đất lên, đủ loại tiết mục vạch tội, tố giác đùn đẩy trách nhiệm đua nhau trình diễn, ai cũng chẳng quan tâm “Nê Bồ Tát”1 nhà mình đã tõm xuống góc sông nào rồi, người nào lo thân kẻ ấy, tình nghĩa gì cũng dẹp bỏ sang một bên.
1Tương truyền Bồ Tát là người cứu khổ cứu nạn, nhưng Nê Bồ Tát làm bằng bùn, nên dễ thấm nước. Dân gian Trung Quốc hay có so sánh hình tượng là “Nê Bồ Tát qua sông” hay “Nê Bồ Tát rơi sông” để ví von việc bản thân cũng đang trong tình thế hiểm nghèo, không còn tâm trí sức lực lo chuyện cứu người nữa.
Hách Liên Bái vẫn giữ thái độ cao thâm khó đoán, không nói không rằng, mặc triều thần ầm ĩ với nhau.
Chuyện tranh giành đấu đá càng lúc càng nghiêm trọng, kéo theo đó càng nhiều người bị kéo ra. Kẻ gây chuyện trước nhất là Truông Tiến đương nhiên không có kết cục tốt đẹp gì. Bản thân lão cũng tự biết số phận của bản thân, đêm hôm bị áp giải vào đại lao, lão liển bỏ thuốc độc đã giấu sẵn từ trước ra ăn, hai chân thoáng giãy, vạn sự xong xuôi, cũng xem như không phải chịu nỗi đau thể xác. Đám sâu lớn mọt nhỏ trên Tây Bắc chỉ trong mấy chục ngày ngắn ngủi đều rơi vào thế cùng đường, số lượng đông đảo, quy mô đồ sộ, khiến người ta phải than “chỉ đến thế là cùng” – trong dân gian có kẻ đùa rằng, dải Tây Bắc ấy ư, nếu lôi những kẻ làm quan ra chém hết, khả năng sẽ có kẻ chết oan, hiềm nỗi nếu chém một tha một thì lại để một đám đông lọt lưới.
Giang sơn gấm vóc của Đại Khánh đã bị những kẻ đó đục khoét thành một cái vỏ rỗng tuếch.
Kho vàng nhỏ trong phủ Nội Vụ của hoàng thượng lại một lần nữa được chất đầy, thái tử được nhận biểu dương, vô số tham quan thất thế, phái nhị hoàng tử xẻ nghé tan đàn. Về phần bản thân Hách Liên Kỳ, gã bị giam trong phủ Tông Nhân một thời gian, cuối cùng không tra ra được cái gì. Đám lọc lõi phủ Tông Nhân qua loa cho xong việc, chỉ dùng tội danh “Dâm loạn trong thời kỳ trai giới” phạt gã bổng lộc một năm, Hách Liên Bái hạ lệnh giam lỏng để gã tự xét lại mình.
Nhị điện hạ tuy rằng tổn thất nặng nề, cũng coi như “hữu kinh vô hiểm”1. Bởi vậy, củng đã đến lúc phải tính cho hết nợ rồi.
1Nhìn có vẻ như sợ đến kinh hồn bạt vía, nhưng lại chẳng chút nguy hiểm nào.