S
au lưng Hách Liên Dực, Chu Tử Thư lùi lại một bước, đưa mắt nhìn Ô Khê đứng gần đó như có điều suy nghĩ, đôi mày chau lại. Vẫn gương mặt xanh xao vàng vọt ấy, mí mắt chẳng thèm chớp một cái, ấy thế mà trong bụng hắn đã suy tính được mấy lượt liền. Ngày đó ở Đông cung, những lời Hách Liên Dực thốt ra trước lúc y rời đi dường như còn đang quanh quẩn bên tai hắn, mơ hồ để lộ thứ gì khang khác.
Thế sự một hồi mộng lớn, nhân gian mấy độ thu se 1, ba trăm năm yêu hận vùn vụt lướt qua, từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc, chóng vánh như đạn chỉ tu du 2, má hồng tóc mây biến cả thành xương khô tàn tạ, kiếm đảm cầm tâm 3 đều hóa tro bay.
1 Nguyên văn: Thế sự nhất tràng đại mộng, nhân sinh kỷ độ thu lương. Trích trong bài Tây Giang Nguyệt kỳ 1 của nhà thơ Tô Thức.
2 Trong sách Tăng Chích Luật của Ấn Độ có chép rằng: Giả như "sát na" là thời gian của một ý niệm, thì hai mươi "sát na" là một "thuấn gian", hai mươi "thuấn gian" bằng một "đạn chỉ", hai mươi "đạn chỉ" bằng một "la dự", hai mươi "la dự" bằng một "tu du", một ngày một đêm có ba mươi "tu du" cả thảy. Các từ trên đều mang ý nghĩa tương đối, biểu thị một khoảng thời gian ngắn ngủi.
3 Cầm tâm chỉ nội tâm giàu tình cảm, kiếm đảm chỉ sự can đảm, quả quyết.
Sáu mươi ba năm rã rời làm khách bên đá Tam Sinh, sáu mươi ba năm đắng khổ nhớ nhung, mới biết được thì ra trên đá Tam Sinh không hề có chữ. Vậy cái gọi là duyên định mấy đời, chẳng phải quá mức hoang đường ư?
Trên thế gian này thứ duy nhất không thay đổi chỉ có "vô thường" mà thôi.
Chỉ có ..."vô thường" mà thôi.
Cảnh Thất cười nhẹ tênh, nắm bàn tay lại, thản nhiên đáp: "Thuyết Văn Giải Tự có viết, Cảnh cũng là Quang, trên là mặt trời, dưới là kinh đô, chữ là chữ hay, chỉ đáng tiếc đại nhân lại hỏi nhầm rồi.
Hách Liên Dực nhìn y, ánh mắt thâm trầm: "Ta hỏi nhầm điều gì?".
Cảnh Thất vươn tay, chấm chút nước từ bát trà sứ thô mẻ vành, ngón tay thon dài viết lại chữ "Cảnh" lên mặt bàn, nói: "Mặt trời mọc từ phương đông, ánh sáng rọi soi bốn phía, núi chồng lên núi cao chót vót, dần dần tiến bước có ngày lên, 'Hoàng' đầu khuyết nét chấm, phía dưới 'Kinh' hoa lệ 1, có thể tiến mà không thể lùi, chữ này nếu đại nhân hỏi tiền đồ, vậy tuy gian nan hiểm trở, lại cao quý không lời nào tả xiết.
1 Chữ Cảnh (景) được tạo bởi chữ Nhật (日) ở trên và chữ Kinh (京) ở dưới. Chữ Nhật là chữ Bạch (白) thiếu nét chấm, mà chữ Bạch là phần đầu của chữ Hoàng trong từ Hoàng đế (皇). Còn chữ Kinh ở dưới để chỉ kinh đô và kinh thành.
Hách Liên Dực khẽ cười một tiếng, khóe mắt lại chẳng hề nheo lại, thấp giọng hỏi rằng: "Nếu như ta...nhất định muốn hỏi nhân duyên thì sao?".
Cảnh Thất lắc đầu, cười nhẹ bẫng: "Chữ này là một chữ vô duyên, nếu có duyên định Tam Sinh, vậy chẳng phải chỉ là một hồi hư "ảnh"1 hay sao, đại nhân không cần hỏi lão, trong lòng ngài rất rõ ràng".
1 Chữ Cảnh (景) là chữ Ảnh (影) khuyết đi bộ sam đằng sau. Bộ Sam nhìn như chữ Tam (三) viết nghiêng đi. Chữ Tam chỉ duyên định viết trên đá Tam Sinh, còn chữ Ảnh để chỉ bóng hình người thương. Ý nói bản thân và người trong mộng không có duyên phận với nhau.
Hách Liên Dực cúi đầu, hồi lâu sau mới miễn cưỡng nở nụ cười, đứng dậy, bờ vai như bị thứ gì đè nặng, không sao thẳng lên được. Hắn ngẩng đầu, nheo mắt nhìn tấm bảng hiệu viết mấy chữ huênh hoang "Thần cơ Thất gia" kia, trên mặt thoáng lộ vẻ đau khổ không kìm nén được: "Tiên sinh nói rất có lý...".
Câu nói này phảng phất như dồn ép trong lồng ngực hắn, một một từ thốt ra đều như dao cứa vào cuống họng, thanh âm nghe hơi khản đặc: "Có lý". Bỗng nhiên hắn lấy từ trong người ra một cái chiếc nhỏ cực kỳ tinh xảo, rồi ném vào cái bát mẻ Cảnh Thất dùng để thu tiền coi bói. Chiếc túi va phải non nửa bát tiền đồng vang lên những tiếng kêu lanh lảnh, sau đó hắn quay người, sải bước đi, hệt như ngay cả quay đầu một lần cũng không dám vậy. Chu Tử Thư gật đầu với Cảnh Thất và Ô Khê, cũng vội vã theo sau.
Nét cười trên gương mặt Cảnh Thất cứ như đâm rễ trên đó vậy, một lúc sau vẫn không biến mất, hồi lâu, y mới nhặt chiếc túi kia lên, mở ra xem thử, không ngờ bên trong không phải là bạc vụn, mà là con thỏ ngọc chỉ tầm hai tấc, trên chân thỏ bị dùi một lỗ, treo chiếc lục lạc cũ mèm, gió thổi qua rung lên những tiếng giòn tan. Y nâng con thỏ trên tay, nhìn cả nửa ngày trời mới nhớ ra, lúc còn rất nhỏ, Hách Liên Bái đã tặng cho một đôi thỏ ngọc, y cố ý tìm người xuyên lục lạc vào, đưa cho Hách Liên Dực một con, con còn lại chỉ sợ còn đang trong phủ của mình, cùng chỗ với đám đồ cũ năm xưa. Thì ra đã mười năm có lẻ rồi. Cảnh Thất nở nụ cười, cất túi đi, sau đó chậm rãi đứng lên vươn vai: Người có tiền vung tay đúng là hào phóng, dọn sạp thôi, dọn sạp thôi, Tiểu Ô Tử, lão Thất ta mời ngươi đi ăn vằn thắn ở quán đối diện".
Nói vậy xong, y liền cúi xuống, thu cái sạp bịp người của mình vào chiếc hộp tồi tàn kia, rồi vớ cây gậy gỗ đặt một bên, vừa chọc chọc đất vừa tiến về phía trước. Đi được mấy bước mới phát hiện Ô Khê không đi theo mình, y liền quay đầu lại, mắt hé một khe nhỏ, bĩu môi bảo: Sao còn đứng đấy? Ngươi chê à?".
Ô Khê hỏi: "Ban nãy người kia hỏi vậy, là muốn nói hắn thích một người họ Cảnh ư?".
Cảnh Thất đứng lại, chà chà mũi, thầm bảo cái thứ chuyện bát nháo này tốt nhất không nên dạy hư trẻ nhỏ, liền đáp: "Cái gì mà họ Tỉnh với chả họ Hà 1 chứ, chỉ là mấy lời cợt nhả đốt tiền mua vui của đám công tử nhà giàu mà thôi, nếu đoán đúng thì đời nào tìm ta".
1 chữ "Tỉnh" có nghĩa là "Giếng", có âm đọc giống với chữ "Cảnh", chữ "Hà" có nghĩa là "Sông" nên Cảnh Thất mới nói liền "Họ Tỉnh với chả họ Hà".
Ô Khê lắc đầu: "Không phải mua vui, hắn nói nghiêm túc, ngươi cũng biết mà".
Cảnh Thất cười giễu: "Ngươi thì biết cái gì? Tiểu tử ngươi ấy à, chịu khó đọc sách mới là chuyện nên làm, nghĩ nhiều thế làm gì?".
Ô Khê chau mày: "Ta không phải tiểu tử".
Cảnh Thất gật đầu cho có lệ, đáp: "Ừ ừ, không còn nhỏ nữa, đang vào độ trẻ trung má thắm hồng, không hết đa tình sầu vô hạn cơ mà, ôi chao". Y học giọng điệu của đám kép hát, bắt đầu ỷ ôi, trêu chọc cười đùa, phảng phất như chuyện ban nãy chưa từng xảy ra vậy. Ấy thế mà Ô Khê vẫn đứng nguyên tại chỗ bất động, khăng khăng nói: "Ta không phải tiểu tử". Cảnh Thất đã tới trước quán mỳ vằn thắn, buông đồ đạc xuống, bắt chuyện cùng lão bản, cách xa quá, y không nghe được câu này của hắn.
Lau xanh ngắt sậy um tùm, sớm thu buông sương trắng xóa 1, mà người kia đứng bờ đối diện, vươn tay ra nhưng lại khó mà chạm vào.
1 Nguyên văn: Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương. Trích trong thiên Tần Phong thuộc phần Thập ngũ cuốc phong trong Kinh Thi. "Kiêm" chỉ lau sậy chưa mọc đòng. "Gia" chỉ lau sậy mới mọc. "Bạch lộ" có hai cách hiểu, một là sương sớm mùa thu, hai là chỉ một trong hia mươi tư tiết khí, bắt đầu vào ngày 8 tháng 9 Dương lịch.
Công danh cát bụi, đất khách đường xa, có ai phút rảnh rang để vì chút nhi nữ tư tình buông xuống tiếng thở dài não ruột?
Thình lình, Ô Khê sải bước tiến về phía trước, nắm chặt lấy cánh tay Cảnh Thất, ánh mắt nhìn y chăm chú, hỏi rằng: "Trong lòng ngươi...đã bao giờ có một người, ngày ngày trông thấy người ấy liền thấy trong lòng như có trăm hoa đua nở, không gặp được người ấy liền mỗi giờ mỗi khắc đứng ngồi không yên, lại không dám nói cho người ấy biết, chỉ cảm thấy bản thân có làm sao cũng không xứng với người ta, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng đều nghĩ chu toàn cho người ta, chỉ sợ dù bản thân có phải chết, cũng không mong người ấy khó xử dù chỉ một ngày, không mong người ấy mất hứng dù chỉ là một chút?".
Bàn tay giơ ra lấy đũa của Cảnh Thất thoáng khựng lại, cứ như y nghe lời Ô Khê mà thoáng nhớ lại điều gì vậy, một lát sau mới buông tiếng cười nhẹ bẫng, đáp: "Có".
Ô Khê run bắn người, há hốc miệng, nhưng tiếng nói đều tắc nghẹn trong cổ họng, nói ra cũng không phải, nuốt xuống lại không đành. Hồi lâu sau, hắn mới hít một hơi thật sâu, thấp giọng hỏi: "Là...là người như thế nào?".
Hai bát mỳ vằn thắn khói bay nghi ngút được bưng lên bàn, hơi nóng xông lên mặt, Cảnh Thất bưng bát dấm trên bàn lên, đổ chút ít vào bát cho vừa vị, thuận miệng trả lời: "Chết rồi, ta đã sớm không nhớ được rõ ràng".
Ô Khê nói: "Nếu thật sự có một người như thế, thì bản thân dù có chết cũng sẽ không quên, ngươi lại nói dối rồi".
Cảnh Thất chỉ cười, không nói gì nữa, sau đó nhắm mắt lại, cúi đầu.
Không nhớ được rõ ràng, không phải bởi người đã mất, mà là vì...tâm đã chết rồi.
Buổi triều sớm ngày hôm sau, Hách Liên Bái lại bất ngờ xuất hiện, trước lúc đi còn cố ý giữ Cảnh Thất lại, bảo y hầu mình uống chén trà, đánh ván cờ chơi.
"Tiểu tử lại định chạy đấy ư, là thứ gì mà hấp dẫn được ngươi như thế? Đến cả hoàng bá phụ cũng chẳng buồn gặp ư?".
Cảnh Thất cười trừ: "Sao có thể thế được, chẳng phải là do... công vụ bộn bề ư?".
Hách Liên Bái nhứng mắt trừng y: "Bộn bề? Đã bộn bề đến độ phải ra thành nam bày sạp đoán mệnh rồi cơ à?".
Cảnh Thất mặt nhăn mày nhó, oán giận rằng: "Khụ, người xem...thái tử điện hạ lại vạch tội thần rồi, chẳng qua thần cũng chỉ "nể" mặt người quen, đòi của ngài ấy thêm chút tiền bói thôi mà".
Hách Liên Bái bật cười, gí đầu y một cái: "Làm bừa! Lúc còn trẻ phụ thân ngươi chính là đệ nhất tài tử của kinh thành, sao lại sinh ra một nhi tử lười biếng ham chơi như ngươi chứ!".
Cảnh Thất đón ý tiếp lời: "Chỉ tiếc phụ vương qua đời sớm quá, nếu không người có thể hỏi thử xem, chắc không phải bế lộn con đâu nhỉ?".
Lời này lại dấy lên nỗi hoàn niệm trong lòng Hách Liên Bái, ngài đưa mắt quan sát Cảnh Thất một lượt từ trên xuống dưới, cảm khái rằng: "Minh Triết...đã đi được tám năm rồi nhỉ?".
Cảnh Thất đáp: "Dạ, hồi hoàng thượng, chẵn tám năm rồi ạ".
Hách Liên Bái khép hờ hai mắt, nhớ lại chuyện xưa, lại sinh ra vài phần thương cảm, bèn vươn tay ra dấu trong không khí: "Tám năm trước, ngươi mới cao có chừng này...hài nhi chỉ nhỏ ngần ấy thôi, giờ đã thành trang nam tử rồi".
Cảnh Thất lặng thinh.
Hách Liên Bái lại thở than: "Đám bạn chí cốt chén chú chén anh, ngâm thơ cười nói cùng trẫm năm đó, giờ đã khối người không còn trên nhân thế, trông đám các ngươi đã trưởng thành hết cả, trẫm cũng già rồi".
Cảnh Thất lùng túng nói: "Hoàng thương đang vào độ tuổi sung mãn nhất, sao có thể nói là già được? Là phụ vương không có phúc mà thôi".
Hách Liên Bái thổn thức hồi lâu, sau đó lại liên miên dông dài mãi những chuyện thời còn trẻ cùng Cảnh Thất, trong lúc ấy còn rơi nước mắt đến hai lần. Cảnh Thất chỉ đành ngồi một bên nghe, còn phải nặn khuôn mặt cho ra bộ dạng thần đây cũng rất đau lòng khổ sở, hầu ngài đa sầu đa cảm, ai bảo chủ đề này của hoàng thương là do chính y khơi ra cơ chứ. Y biết vị hoàng thượng này là người trọng tình, mới mượn cơ hội này, cố ý nhắc lại chuyện xưa. Ai ngờ vị vương gia này lên cơn đa sầu đa cảm lại dữ dội không dừng nổi thế này.
Nước trà rót thêm đến ba bốn lượt, Hách Liên Bái bấy giờ mới ngừng lại, lau mắt: "Người già rồi, thích nhắc lại chuyện cũ, đám trẻ các ngươi chắc hẳn chẳng thích thú gì".
Cảnh Thất cười đáp: "Sao hoàng thượng lại nói thế, phụ vương lì trần quá sớm, lúc ấy thần còn nhỏ, ấn tượng về phụ vương cũng không sâu sắc, có đôi khi nhớ tới người, lại chỉ cảm thấy mơ hồ. Hoàng thượng kể nhiều thêm một chút, lòng thần ghi nhớ thêm mấy câu, giữ lại để kiếp sau làm vốn hiếu thuận với phụ vương".
Hách Liên Bái lắc đầu, than thở: "Ngươi ấy à...".
Bỗng ngài nhớ ra chuyện gì, ngẩng đầu nhìn Cảnh Thất: "Bắc Uyên này, tính ra tuổi ngươi cũng không còn nhỏ nữa nhỉ? Cũng đã đến lúc lo chuyện lớn cả đời rồi, tháng sau chính là ngày tuyển tú nữ, đến lúc đó hoàng bá phụ sẽ làm chủ cho ngươi, chọn một người hiền lương thục đức trong số các thục nữ tài mão song toàn con nhà danh gia vọng tộc, có điều nếu ngươi đã có ý trung nhân thì có thể nói trước cho trẫm biết, đừng để lão già này sốt sắng đôn đáo một hồi rồi lại chọn người ngươi không ưng ý".
Cảnh Thất ngẩng đầu, ngước nhìn Hách Liên Bái, vẻ mặt có chút ngạc nhiên, Hách Liên Bái cười ha hả vỗ vai y: "Ngươi cũng đã lớn, đã đến lúc nên thành gia lập ngiệp rồi, cả ngày ngươi cứ chạy khắp nơi chơi bời lêu lổng, còn ra thể thống gì? Chẳng phải sẽ khiến ngườ ta chê cười sao?".
Cái vị tổ tông ăn chơi trác táng này lại quay sang dạy dỗ người khác cơ đấy, Cảnh Thất vội vã cúi đầu, nhỏ giọng đáp: "Hoàng bá phụ nói gì vậy, Bắc Uyên thấy mình vẫn còn trẻ, chuyện...chuyện thành gia vẫn...vẫn còn sớm".
"Hèm", Hách Liên Bái trợn mắt: "Còn sớm gì nữa, ngươi nói em lúc nào thì không còn sớm?".
Cảnh Thất ho khan một tiếng, vắt óc một lúc lâu mới nặn ra được một câu: "Hung...hung Nô kia...kia chưa diệt, sao có thể thành gia!".
Hách Liên Bái phá lên cười ha hả, cơ hồ cười đến ngả nghiêng, nước mắt mới lau sạch lại bắt đầu rớt ra vì cười: "Hung Nô chưa diệt lấy chi làm nhà? Ngữ chân tay lười biếng, ngu cốc còn chẳng phân biệt như ngươi ấy à, Hung Nô mà đến thật thì ngươi có thể làm được trò trống gì?".
Mặt Cảnh Thất nhăn nhúm lại, ra chiều khổ sở: "Hoàng thượng nói thì nói thế thôi, có điều, có điều...".
Hách Liên Bái ngắt lời y: "Có điều làm sao? Sợ thành thân rồi ảnh hưởng đến việc chơi bời của ngươi chứ gì? Cần phải tìm một cô nương 'lợi hại' về trông coi ngươi mới được.
Đúng rồi, nói đến cô nương lợi hại, nha đầu nhà Phùng Nguyên Cát, nhu danh là Thư Nhi ấy, lúc nhỏ ngươi cũng từng gặp rồi, phụ thân nha đầu ấy tận trung vì nước, trẫm trông nha đầu ấy cũng đáng thương, liền nhận làm dưỡng nữ, vừa khéo Hiền quý phi không có con, liền để dưỡng nữ sống ở chỗ nàng ấy luôn. Nha đầu kia đúng là khăn trùm chẳng kém mày râu, từ nhỏ đã thích vung đao múa thương rồi, tính tình hoạt bát, ngươi xem...".
Cảnh Thất thấy tim mình rớt "bộp" một cái, vừa cười hùa theo vừa cẩn thận dò xét vẻ mặt của Hách Liên Bái - nhi nữ của Phùng đại tướng quân, về sau được phong làm công chúa Tĩnh An ư? Ai được kết thân cùng nàng, chẳng khác nào thu được các bộ hạ cũ hiện đang không gặp thời phải dạt về các nơi của Phùng đại tướng quân, huống gì còn vị phụ thân chức cao quyền trọng của Hiền quý phi - Triệu thái sư nữa? Triệu thái sư cùng Lục Nhân Thanh qua lại cực kỳ thân thiết, tuy thường ngày nước chẳng lộ núi kín bưng, nhưng có văn nhân môn khách nào không coi ông là bậc tiền bối? Lấy được công chúa Tĩnh An thì sẽ có vị trí gì giữa cả triều văn võ?
Nàng công chúa Tĩnh An này là miếng bánh thơm lừng, thế nhưng vào trong tay y lại là miếng khoai lang nóng. Hách Liên Bái đang thử y sao? Cảnh Thất mới thở phào được một hơi nhẹ nhõm, nay lại phải treo nỗi lo lắng lên. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, y "phịch" một tiếng: "Hoàng thượng, thần vạn lần không dám vâng mệnh!".
Hách Liên Bái quét mắt nhìn y, nói không nặng không nhẹ: "Làm sao, công chúa của trẫm không xứng với vương gia ư?".
Cảnh Thất chỉ dập đầu mãi, cắn chặt răng không hé tiếng nào, dập đến độ thái dương tróc một mảng da, y lại cứ như không cảm thấy gì, Hách Liên Bái biến sắc, quát bảo: "Được rồi, còn ra thể thống gì nữa?"
Sau đó ngài cười lạnh: "Nếu vương gia đã không thèm để mắt đến công chúa của trẫm, trẫm cũng chẳng phải hôn quân không hiểu lý thấu tình, sao có thể cưỡng ép vương gia cho được?"
Cảnh Thất bấy giờ mới thấp giọng thưa: "Thần đáng chết muôn lần. Xin hoàng thượng thứ tội, lòng thần đã trao chọn tình cho người khác, vạn lần không dám bôi nhọ thanh danh công chúa".
Hách Liên Bái nhướng mắt nhìn y, thoáng dừng lời, sau mới hỏi: "Thế sao? Không biết tiểu thư nhà nào lại thần thông quảng đại như vậy, khiến Nam Ninh vương của trẫm say mê như điếu đổ, đến công chúa cũng chẳng cần?".
Cảnh Thất im lặng mãi, mới từ từ bẩm: "Hồi hoàng thượng, Minh Hoa là...nam nhân".
Ngụm trá Hách Liên Bái nhấp trong miệng thiếu chút nữa đã bị phun ra. Hỷ công công đứng một bên thấy vậy liền mau chóng bước lên vỗ lưng ngài, Hách Liên Bái bị sặc một lúc mới từ từ hồi phục lại, bèn cao giọng hỏi: "Ngươi nói cái gì?".
Cảnh Thất quỳ dưới đất không đứng dậy, cúi đầu nói: "Hồi hoàng thượng, Minh Hoa tuy thân ở nơi phong hoa tuyết nguyệt, tâm lại chẳng phải của kẻ phong trần, cùng thần chân thành thề hẹn, đôi bên thấu hiểu đã lâu, thần ...thần....".
Mấy từ "phong hoa tuyết nguyệt" vừa được thốt ra, Hách Liên Bái đã thấy đầu mình nổ tung, ngón tay chỉ vào Cảnh Thất của ngài run lên không ngừng, "ngươi" cả nửa ngày trời, cuối cùng quên luôn cả từ ngữ.
Cảnh Thất không dừng lời: "Hoàng thượng bớt giận, chỉ có điều...tình ái là thứ khó kiềm chế nhất, chỉ có thể ngầm hiểu trong lòng, khiến con người ta sống chết vẫn sắt son...như Tử Ngọc 1 năm xưa vậy".
1 Tử Ngọc: Truyền thuyết kể rằng, Ngô vương Phù Sai thời Xuân Thu có một người con gái tên là Tử Ngọc, vừa tròn mười tám, đem lòng thường chàng Hàn Trọng, muốn gả làm chàng nhưng bị phụ vương ngăn trở, ấm ức qua đời. Sau khi Trọng học xa trở về, đi thăm mộ Ngọc, Ngọc hiện hình tặng Trọng minh châu. Về sau người ta dùng từ này để chỉ người thiếu nữ đa tình.
"Vô liêm sỉ!" Hách Liên Bái giận dữ mắng ầm lên, cắt ngang lời y: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại 2, ngươi không cần con cháu nữa sao? Muốn để cho đệ nhất dị tính vương của Đại Khánh ta đoạn tử tuyệt tôn đấy à?".
2 Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất.
Cảnh Thất lặng thinh không nói, vẻ mặt bi thương. Hách Liên Bái giận dữ quát rằng: "Cảnh Bắc Uyên, ngươi cút về phủ cấm túc cho trẫm, trong vòng ba tháng không được ra ngoài, nếu...nếu ngươi để trẫm biết được ngươi còn tới cái chỗ phong hoa tuyết nguyệt kia làm chuyện hoang đường, trẫm...trẫm sẽ thay Minh Triết đánh gãy chân ngươi!".
Cảnh Thất quỳ sụp dưới đất không đứng dậy. Hách Liên Bái quăng mạnh chén trà trong tay xuống đất: "Đứng dậy rồi cút về cho trẫm, trẫm nhìn ngươi lại thấy giận! Cút về, cấm không được ra ngoài!".
Cảnh Thất đứng dậy, thoáng lảo đảo người, Hỷ công công vội vàng lệnh cho Vương Ngũ tới đỡ y, sau cùng y miễn cưỡng vẽ ra một nụ cười: "Thần tuân chỉ". Bấy giờ mới lui ra, sống lưng hơi gù xuống, y vốn gầy, giờ lại đi khom như vậy, nhìn bóng lưng liền có cảm giác tiều tụy đôi phần. Hách Liên Bái trông mà sửng sốt, không kìm được quay mặt đi không nhìn y.
Cảnh Thất giữa nguyên tư thế như cây khô cằn cỗi ấy mãi đến lúc ra khỏi cung, bấy giờ y mới thẳng lưng dậy, trên gương mặt chật vật lộ vẻ cười nhạt. Đại Khánh đệ nhất dị tính vương? Thôi cứ dứt khoát cắt tiệt rễ của cái ngôi chức cao quyền trọng này đi, đỡ khiến cho đám bề trên kia phải đa nghi trằn trọc cả ngày. Cấm túc ba tháng... Thế nhưng sau ba tháng này, hoàng thượng sẽ không còn lý do gì để lo lắng nữa.
Đến khi đó, có người chờ tiếp chiêu là được.