D
ời mộ, ngôn ngữ trong nghề gọi là cải táng.
Nói đơn giản chính là giúp người ta chuyển mộ sang an táng ở nơi khác, những người làm nghề này được gọi là thầy dời mộ.
Ngành nghề dời mộ đã có từ thời nhà Đường, nhưng khi đó còn chưa có tên gọi thống nhất, cách gọi cũng vô cùng kì quặc, nào là đào mộ, đào hố. Phần lớn là những người du mục lười biếng và không có tổ chức, tụ tập lại với nhau để kiếm miếng cơm. Mà sau khi qua triều Tống rồi triều Nguyên, cho đến đầu triều đại nhà Minh, cái nghề dời mộ này mới thực sự trở thành một nghề được mọi người công nhận.
Theo gia phả và ghi chép lịch sử của "môn phái" dời mộ được lưu truyền đến nay, người sáng lập ra "môn phái" dời mộ là một người tên Lưu Phương Niên sống ở cuối triều đại nhà Minh, người này tự xưng là hậu nhân của Ngự sử trung thừa kiêm Thái sử lệnh - Lưu Bá Ôn.
Lưu Bá Ôn là ai? Đây chính là vị thuật sĩ tiếng tăm lừng lẫy thời nhà Minh, quân sư của khai quốc Hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Có câu nói “Ba phần thiên hạ Gia Cát Lượng, nhất thống giang sơn Lưu Bá Ôn”. Những cố sự liên quan tới vị kỳ nhân này thật sự nhiều vô số kể, thậm chí có người còn nói ông ta là thần linh trên trời hạ phàm.
Lưu Phương Niên có phải là hậu nhân của Lưu Bá Ôn hay không thì không thể nào kiểm chứng được, nhưng liên quan tới cái nghề thầy dời mộ thần bí này, thật ra tôi lại có thể kể cho mọi người nghe một chút.
Bởi vì ông nội của tôi là một thầy dời mộ có bái sư học nghệ đàng hoàng hẳn hoi.
Ông nội tôi họ Trần, tên Sơn Hà, lúc còn trẻ là một kẻ du côn, du côn cũng có nghĩa là lưu manh ấy. Nghe người trong thôn nói, khi đó ông nội tôi chuyên trộm gà bắt chó, gây rối đánh lộn, gần như trở thành kẻ chuột chạy qua đường, người người đuổi đánh, chỉ thiếu mỗi nước đi ăn cơm tù thôi.
Cụ tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất là ông nội, từ nhỏ đã nuôi như của báu, bình thường đừng nói là đánh, đến lỡ nói một lời nói nặng thôi cũng có thể đau lòng mất nửa ngày. Nhưng của báu thì của báu, cụ cũng không thể thật sự nhìn ông tôi trở thành tội phạm đi trên con đường không lối về được phải không? Vì thế người trong nhà bàn bạc và quyết định cho ông tôi lấy vợ.
Đàn ông mà, lập gia đình có gánh vác có con rồi thì cũng nên bớt phóng túng lại một chút chứ đúng không? Nói gì thì cũng còn có một cô vợ trông coi mà.
Ở thời điểm đó không thịnh hành cái thứ gọi là tự do hôn nhân, đều là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, chỉ cần người lớn hai nhà nói chuyện với nhau là việc hôn nhân coi như đã được định sẵn rồi.
Ai có thể nghĩ một kẻ không sợ trời không sợ đất như ông tôi, vừa nghe đến chuyện phải cưới vợ thì sợ quá trốn nhà đi ngay trong đêm. Đi thì đi đi, trước khi đi ông còn mượn gió bẻ măng trộm hết tiền sính lễ mà trong nhà đã chuẩn bị.
Cụ tôi biết chuyện, sau một cơn thở gấp thì ra đi cùng ngày hôm đó. Thời điểm cụ chết hai mắt trợn lên, làm thế nào cũng không chịu khép lại. Người trong thôn đều nói rằng cụ nhà tôi là bị ông nội làm cho tức chết nên mới chết không nhắm mắt được, bọn họ đều mắng ông nội là thứ ngỗ nghịch đến súc sinh cũng không bằng.
Nhắc tới cũng kỳ, sau khi cụ tôi mất, ông nội giống như đột nhiên tỉnh táo lại, chẳng những từ bỏ việc chơi bời lêu lổng, gây chuyện sinh sự, thói hư tật xấu, ông còn chủ động nói với gia đình là muốn ra ngoài học lấy một cái nghề.
Con hư biết quay đầu đúng là quý hơn vàng, dù cụ bà không nỡ thế nào cũng chỉ có thể đồng ý trong nước mắt. Ai biết lần này ông tôi đi là biền biệt mười năm trời, trong mười năm này không hề có tin tức gì, thậm chí người trong nhà đều cho rằng ông đã chết ở bên ngoài rồi.
Kết quả mười năm sau ông nội tôi trở về, không chỉ trở về bình an, ông còn mua một cửa hàng mặt tiền trên trấn để bắt đầu làm nghề dời mộ.
Phải nói rằng dời mộ cũng không phải là một nghề hay ho gì, người nông thôn vừa nhiều kiêng kị lại mê tín. Có câu đào mộ phần của người khác, chết không được yên lành, một thằng nhóc trẻ tuổi như thế cả ngày tiếp xúc với mộ phần của người chết thì có thể có kết quả gì tốt?
Năm đó ông nội tôi 28 tuổi, còn chưa lập gia đình.
Vào thời điểm đó, 28 tuổi còn chưa lập gia đình chắc chắn là một gã ế vợ. Cụ bà cuống hết cả lên, yêu cầu bà mối nghe ngóng khắp nơi để tìm cho ông nội một cô vợ. Nhưng đối phương chỉ cần nghe được tên của ông tôi là lập tức vung tay bỏ đi, còn nói cái gì mà không muốn đẩy con gái vào hố lửa, gả con cho ai cũng không gả cho thứ vô danh.
Ba chữ “Thứ vô danh” giống như một cái nhãn hiệu gán ở trên người ông tôi, có làm thế nào cũng không xé đi được.
Cứ như vậy lại qua hai năm, ông nội đã 30 tuổi.
Năm đó ông nội tôi gặp phải một chuyện rất lớn, chuyện này chẳng những giúp ông xé toang cái nhãn hiệu vô danh, mà còn làm cho ông gặp bà nội của tôi.
Thôn chúng tôi gọi là thôn Lão Loan, cách thôn Lão Loan bảy, tám dặm còn có một cái thôn khác gọi là thôn Đào Sơn. Thôn Đào Sơn là một thôn nhỏ, tổng cộng cũng chỉ có bảy, tám chục hộ gia đình. Trong thôn có gia đình họ Lý làm nghề thợ mộc.
Vị thợ mộc họ Lý kia thật sự là một người có nghề, những thứ ông ấy làm ra vừa tốt lại vừa rẻ, làm người trung thực thành thật, coi như cũng có chút danh tiếng trong vùng.
Thợ mộc Lý có bốn cô con gái, ngoại trừ cô con gái út vừa tròn 20 tuổi vẫn đang ở nhà, thì ba cô con gái đầu đều đã đi lấy chồng. Mặc dù không có con trai, nhưng thợ mộc Lý có ba cô con gái tri kỷ, ba anh con rể hiếu thảo, cuộc sống của ông ấy thật sự khiến người ngoài phải hâm mộ ghen tị.
Chỉ có điều là mỗi năm, chuyện kỳ lạ xảy ra trong nhà thợ mộc Lý ngày càng nhiều.
Đầu tiên là con rể cả đi múc nước giếng thì bị lao đầu vào trong giếng, lúc phát hiện ra thi thể cũng đã trương phềnh. Chưa hết nửa năm sau, anh con rể thứ hai leo lên thay bóng đèn không đứng vững, ngã từ trên ghế xuống vỡ đầu chết ngay tại chỗ.
Hai người con rể chết oan uổng, bên ngoài lời đồn nổi lên bốn phía, nói là con gái nhà họ Lý khắc chồng, gả người nào người nấy chết. Vốn con gái út cũng đến tuổi phải lấy chồng rồi, nhưng vì việc này mà không có bà mối nào dám đến cửa. Thợ mộc Lý vừa tức vừa lo lắng, nhưng lại chẳng có biện pháp nào cả.
Trong thôn có một ông lão có kinh nghiệm đề nghị thợ mộc Lý đi mời thầy phong thủy về xem qua, nếu có gặp phải cái gì không hay thì cũng nên xử lý cho tốt, đừng đợi đến khi lại xảy ra chuyện gì thì đã không còn kịp nữa rồi. Hai vợ chồng thợ mộc Lý nói chuyện với nhau xong, đêm hôm ấy ông ta đi ngay vào thành phố, cắn răng bỏ ra 500 tệ để mời một vị đại sư về.
500 tệ lúc bấy giờ cũng không phải là một số tiền nhỏ, phải biết khi đó một cân thịt heo chỉ khoảng 2 tệ mà thôi.
Thợ mộc Lý dẫn vị đại sư kia rẽ trái rẽ phải, đến mộ tổ của nhà họ Lý. Vị đại sư kia biến sắc, nói cho thợ mộc Lý biết sở dĩ nhà ông ấy xảy ra chuyện là do chỗ mộ tổ này có vấn đề, muốn được yên ổn thì nhất định phải chuyển mộ.
Thợ mộc Lý nửa tin nửa ngờ, di rời mộ tổ là một chuyện rất lớn, đâu thể nghe thầy phong thủy nói một câu là đã đào mộ phần của tổ tiên lên được. Có câu nghèo không đổi cửa, giàu không chuyển mộ phần, nhà họ Lý những năm này ngày càng trở nên giàu có, ở trong thôn Đào Sơn cũng được coi là nhà giàu nhất nhì, nhỡ chuyện chuyển mộ không được giải quyết ổn thỏa còn ảnh hưởng tới những cái khác thì sao?
Tất nhiên thầy phong thủy biết trong lòng thợ mộc Lý đang suy nghĩ cái gì, lấy tiền của người ta thì phải giúp người ta giải quyết rắc rối, ông ta bèn đem nguyên nhân vì sao cần phải chuyển mộ nói rõ ràng cho thợ mộc Lý biết.
Thì ra chỗ mộ tổ nhà họ Lý chôn cất là ông nội của thợ mộc Lý, nếu ngôi mộ tốt đẹp cũng không có gì đáng nói. Nhưng mấy năm trước lúc đến viếng mộ, ba anh con rể thấy chỗ mộ tổ mọc quá nhiều cỏ dại rậm rạp thì có ý định tu sửa. Thợ mộc Lý thấy các con rể có lòng hiếu thảo như vậy thì tất nhiên là mừng rỡ không ngậm được miệng lại mà đồng ý ngay.
Cứ như vậy, ba anh con rể xuất tiền xuất lực, khắc mộ bia mới, trải đá vụn ra xung quanh, còn cố ý trồng thêm hai cây tùng.
Theo lý mà nói tu sửa mộ tổ là một chuyện tốt, tích âm đức tu phúc báo. Nhưng xấu chính là ở chỗ hai cây tùng kia.
Người xưa vẫn thường nói trồng cây bên cạnh mộ sẽ mang lại phúc cho con cháu, ý là phải trồng cây ở hai bên bia mộ, còn nhất định phải giữ một khoảng cách nhất định. Chờ sau khi cây lớn lên sẽ có tác dụng che nắng che mưa cho tổ tiên. Tổ tiên hưởng phúc do con cháu mang lại thì tự nhiên sẽ muốn phù hộ con cháu.
Ba anh con rể nhà họ Lý nào hiểu những kiêng kị này, cứ thế trồng luôn hai cây tùng ở sát cạnh phần mộ. Mấy năm sau cây tùng phát triển càng ngày càng lớn, rễ cây đâm vào trong quan tài, tạo thành thế Xuyên tâm sát trong bố cục phong thủy.
Thầy phong thủy nói cho thợ mộc Lý biết, thế Xuyên tâm sát này cực kì bất lợi đối với con cháu, trước chết nam, sau chết nữ, nếu không chuyển mộ phần thì chỉ sợ nhà họ Lý chẳng ai gánh nổi.
Thợ mộc Lý không phục, nói rằng có chết thì cũng làm sao tới lượt con rể mình được. Người ta nói rằng con rể là người ngoài, còn ông ta mới là con cháu thực sự của nhà họ Lý.
Thầy phong thủy chỉ vào hai cây tùng và cười bảo, trồng dưa ra dưa, trồng đậu ra đậu, cây này do ai trồng thì tự nhiên báo ứng ở người đó trước. Nếu ông ta không tin thì cứ đợi đi, người tiếp theo xảy ra chuyện sẽ là con rể thứ ba của ông.