T
hợ mộc Lý bị thầy phong thủy hù dọa một phen sợ khiếp vía, nào còn dám chờ đợi nữa, ông ta lập tức gọi cho vợ bảo về nhà gọi người tới dời mộ.
Thầy phong thủy ngăn thợ mộc Lý, nói cho ông ta biết chuyện dời mộ này không thể làm ẩu được, phải mời thầy chuyên môn dời mộ đến làm, người bình thường không thể động được vào Xuyên tâm sát, nếu không tính mạng khó mà đảm bảo. Mặt khác, dời mộ còn phải lựa chọn thời gian, khi nào động thổ, bao lâu thì nhấc quan tài, đều phải có quy cách của nó.
Thợ mộc Lý cuống đến mức đi lại xung quanh như một con kiến, ông ta nói những người chuyên giúp dời mộ trong thôn đều chỉ là người hỗ trợ, cho tới bây giờ ông ta còn chưa từng nghe qua cái gì gọi là thầy dời mộ nữa, nên trong lúc nhất thời không thể tìm ra ai được.
Lúc này vợ của thợ mộc Lý đột nhiên nghĩ đến cái gì, bỗng dưng vỗ đùi hô lên: Thằng nhóc của nhà họ Trần kia chẳng phải mở cửa hàng dời mộ ở trên trấn đấy sao, hai năm trước mẹ cậu ta còn sai người tới làm mối muốn cưới con gái út, nhưng lúc ấy tôi ngại tuổi tác của cậu ta hơi lớn, thanh danh lại không được tốt nên từ chối, nếu không đi tìm cậu ta thử xem sao?
Thợ mộc Lý nghe xong tên của ông nội tôi thì liên tục xua tay và bảo: “Thằng nhóc nhà họ Trần kia làm gì có tay nghề khỉ gì, lại còn tự xưng là thầy dời mộ. Hai năm nay tôi cũng đâu thấy cậu ta đi dời mộ cho nhà ai, tôi thấy chắc chắn là treo đầu dê bán thịt chó, đi lừa người rồi, đâu phải bà không biết thằng nhóc đó từ nhỏ đã là đứa du côn.
Bên này hai ông bà tranh luận túi bụi, bên kia thầy phong thủy cũng muốn hoàn thành công việc sớm để về nhà, thế là ông ta đưa ra một ý tưởng. Cứ để thợ mộc Lý đến tìm ông tôi nói về chuyện chuyển mộ, bàn bạc giá cả xong xuôi, chờ khi ông tôi đồng ý lập chứng từ rồi thì lại bắt đầu mặc cả. Nếu có thể mặc cả thì ông ta được quyền bỏ đi, còn nếu ông tôi sống chết không cho mặc cả, vậy ông ta nên chịu nhận lỗi và mời ông tôi đến dời mộ.
Thợ mộc Lý nghe mà chẳng hiểu gì cả, đã không cho mặc cả mà lại còn phải mời cậu ta? Còn phải chịu nhận lỗi? Đây là cái ý kiến chết tiệt gì vậy.
Thầy phong thủy cười nhưng không nói gì, chỉ bảo thợ mộc Lý cứ làm theo như thế đi.
Thợ mộc Lý không còn cách nào khác đành mua bao thuốc lá xịn rồi vội vàng chạy lên thị trấn. Sau khi đến cửa hàng của ông tôi, thợ mộc Lý lấy bao thuốc lá ra và nói rõ ý đồ đến đây.
Ông tôi hỏi rõ lý do xong thì sảng khoái đáp ứng, trong lòng thợ mộc Lý càng lẩm bẩm, nhưng nghĩ đến thầy phong thủy, ông ta đành nhẫn nhịn hỏi phí chuyển mộ, sau một lúc bàn bạc, cuối cùng được chốt giá 600 tệ.
Sau khi làm hợp đồng giấy trắng mực đen xong, đến lúc giao tiền thì thợ mộc Lý lại bắt đầu mặc cả theo lời dặn của thầy phong thủy. Ông tôi vốn đang cười lập tức sầm mặt xuống và nhất định không cho mặc cả. Thợ mộc Lý cuống lên, ông ta nói mình không còn nhiều tiền, bớt mười đồng cũng được.
Ông tôi thở dài nói với thợ mộc Lý, chú đang thăm dò tôi hả, nếu thăm dò thì tôi nói thật cho chú biết tại vì sao không được mặc cả, đỡ phải tổn thương tình cảm đồng hương.
Thợ mộc Lý đỏ mặt cười xấu hổ, trong lòng ông ta cũng tò mò vì cái gì mà mười đồng cũng không bớt được. Đây cũng không phải vụ mua bán nhỏ, 600 tệ là có thể xây nửa căn nhà rồi.
Ông nội tôi chỉ vào hợp đồng và giải thích: “Phí dời mộ trong nghề được gọi là tiền mua mạng, khi chưa có hợp đồng, chưa in dấu tay thì có thể mặc cả, một khi in dấu tay lên hợp đồng tức là nó đã có hiệu lực, chú có thể mời người giỏi hơn, nhưng mặc cả có nghĩa là không đủ tiền mua mạng, tôi sẽ không mua được mạng của mình.”
“Mỗi một nghề có một luật riêng, không ai biết thật hay giả, nhưng không người nào dám xúc phạm đúng không?” Ông tôi nói xong bèn châm một điếu thuốc cho thợ mộc Lý rồi cười bảo: “Chú Lý là thợ mộc, tôi nghe nói nghề thợ mộc kiêng nói từ “Song”, hễ nhắc đến từ đó đều thay bằng “Đúng” hoặc “Phó”, nếu không sẽ gặp xui xẻo.”
Thợ mộc Lý nhìn ông nội tôi đầy ẩn ý rồi bảo: “Cậu nói đúng, nghe nói tên hồi nhỏ của tổ sư nghề mộc Lỗ Ban là Tiểu Song, gọi Song tức là bất kính và khinh nhờn đối với tổ sư, sẽ không được tổ sư phù hộ.”
Thợ mộc Lý nói xong thì cất ngay hợp đồng lại, sau đó xin lỗi ông của tôi: “Chú đã nhìn ra cậu không còn là gã lưu manh như trước kia nữa, chú thăm dò cậu cũng là bất đắc dĩ, hi vọng cậu đừng thấy lạ, cậu xem lúc nào mới có thể đi chuyển mộ.”
Ông tôi xin ngày sinh tháng đẻ của thợ mộc Lý, sau đó lại cùng đi đến kiểm tra mộ tổ nhà họ Lý, cuối cùng hẹn thợ mộc Lý đúng bảy giờ sáng mai sẽ động thổ, ông cũng bảo thợ mộc Lý chuẩn bị kỹ một số thứ để sáng mai cầm qua đó.
Một đêm không có chuyện gì xảy ra, sáng sớm hôm sau ông tôi đi tới mộ tổ nhà họ Lý. Thợ mộc Lý dẫn theo mấy người giúp đỡ đã chờ ở đó từ lâu, khi ông ta thấy ông của tôi thì khiêm tốn giới thiệu.
Ông tôi chào hỏi lại từng người, thái độ rất khiêm tốn, không những phát thuốc cho đoàn người mà còn che gió châm lửa cho mấy ông già lớn tuổi. Điều này khiến mấy người lúc đầu còn nghi ngờ muốn chế giễu vài câu không thể nào mở miệng được nữa, giơ tay không đánh người đang cười, huống hồ người đang cười này còn rất biết lễ nghĩa.
“Sơn Hà à, cậu xem phải làm thế nào.”
Thợ mộc Lý rít một hơi thuốc rồi sốt ruột hỏi. Không còn cách nào khác, ngôi mộ tổ này còn một ngày chưa dời, trong lòng ông ta vẫn treo một tảng đá lớn, cả đêm không thể ngủ được.
Ông tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ bỏ túi trong túi áo, sáu giờ hai mươi phút, cách giờ động thổ mà ông đã tính còn bốn mươi phút nữa, ông tôi bèn bảo thợ mộc Lý bày hương án trước mộ, sau đó trình bày với tổ tiên lý do muốn dời mộ.
Sáu quả táo, một con cá chép chiên dầu vàng óng vừa chín tới, một bát đậu phụ trắng bóc. Cộng thêm một đôi nến thơm, ba cây hương và một bó tiền vàng.
Quả táo có ý nghĩa phù hộ con cháu bình an, có sáu quả táo vì làm theo tích xưa Lục Lục Đại Thuận, ý muốn mọi chuyện may mắn.
Cá chép lại được coi là tiền thân của rồng, trong dân gian từ xưa đã có sự tích cá chép vượt Long Môn. Ý của nó là con cháu sẽ hóa rồng rồi lên như diều gặp gió.
Còn về bát đậu phụ trắng thì muốn nói cho tổ tiên là con cháu trong sạch, tuyệt đối không làm ra việc nhục nhã tổ tiên.
Thợ mộc Lý thành kính quỳ đốt giấy trước mộ, trong miệng lẩm nhẩm đọc gì đó. Sau khi ông ta bẩm báo tổ tiên xong, ông tôi bảo thợ mộc Lý hãy để cho người có bối phận lớn nhất trong họ đứng ra để là người đầu tiên động thổ.
Thợ mộc Lý vội kéo một ông lão trong đám người ra và giới thiệu đây là chú của ông ta, trong nhà họ Lý thì ông chú này là người lớn nhất và nhiều tuổi nhất.
Ông tôi gật nhẹ đầu rồi bảo ông chú kia là đúng bảy giờ động thổ, ông chú hãy cầm cuốc đào ba lần bên cạnh mộ bia, không được nhiều hơn hoặc ít hơn.
Ông chú cố ý hỏi ông tôi, nếu đào nhiều hơn một lần thì sao.
Ông tôi nói với giọng rất nghiêm trọng: “Mộ bia tương đương với cánh cửa vào mộ, đào ba lần để nói với tổ tiên là làm bất cứ thứ gì cũng không quá ba lần, sau này sẽ không quấy rầy sự yên tĩnh của tổ tiên nữa, đó cũng là một loại tôn kính và áy náy. Đào nhiều hoặc ít sẽ khiến tổ tiên hiểu nhầm.”
Ông chú mỉm cười thiện chí, coi như đã chấp nhận lời giải thích của ông tôi, ông tôi đợi đến đúng bảy giờ bèn ra lệnh một tiếng, ông chú kia bình tĩnh vung cuốc đào ba lần.
“Được rồi, đánh ngã mộ bia trước, sau đó bắt đầu đào, nhớ là phải đào từ đằng trước.” Ông tôi căn dặn.
Thợ mộc Lý vẫy tay, mấy thanh niên trẻ khỏe trong đám người lập tức bắt đầu làm việc.
Thợ mộc Lý bê nước trà tới cho ông tôi, sau đó hỏi nhỏ: “Đào phía trước với đào phía sau khác nhau chỗ nào? Chú thấy phía sau không có đá vụn, chắc sẽ dễ đào hơn đấy.”
Ông tôi cười nói: “Động thổ còn được gọi là đào đất, đào phía sau còn có nghĩa là đào đời sau, đào như vậy sau này sẽ tuyệt hậu.”
Thợ mộc Lý lập tức cuống lên, ông ta vội chạy đến để giám sát.
Thanh niên làm việc đúng là nhanh nhẹn, chưa đến một tiếng đã đào được quan tài. Ông tôi bảo thợ mộc Lý lấy ra tấm vải đen đã chuẩn bị từ trước, dùng bốn cây gậy trúc để đỡ che phía trên quan tài.
Không cần ông tôi giải thích thì mọi người cũng hiểu, đây là sợ hài cốt của tổ tiên bị tổn hại bởi sức nóng của ánh nắng.
Đã qua nhiều năm nên chiếc quan tài khá mục nát, xen lẫn là những chiếc rễ cây, toàn bộ phần mộ trông rất thảm hại.
Thợ mộc Lý chỉ vào đám rễ cây lít nha lít nhít kia rồi hỏi cái này có phải gọi là Xuyên tâm sát không, ông tôi gật đầu rồi dặn đám thanh niên đào bốn phía xung quanh, tuyệt đối không được dẫm lên rễ cây và cũng không được đào vào quan tài.
Đợi đến lúc xung quanh chiếc quan tài có thể đặt chân được, ông tôi ra hiệu mọi người đi lên, nhất định phải quay lưng về phần mộ mà không được quay đầu lại, trên đường về phải nhổ chín bãi nước bọt. Sau khi về nhà việc đầu tiên là dùng nước nóng tắm rửa, ngoài ra quần áo phải ném vào lửa đốt cháy, tuyệt đối không được để đến hôm sau.