Đội phẫu thuật của Hoàng My chốt ở Bến Than, cách khu vực Bãi Hà chừng 10 cây số. Gây mê hồi sức cho Hoàng My là y sĩ Thái Bá Lộc. Cả hai đều là cán bộ thuộc ban ngoại Đội điều trị 14 ngay từ những ngày đầu năm 1966. Lộc ở phòng mổ. Phần lớn thời gian công tác của anh là ở tại đơn vị. Chỉ thỉnh thoảng đột xuất anh mới đi với đội phẫu thuật của bác sĩ Nguyễn Xuân Huyên hoặc bác sĩ Dũng. Khác với y sĩ Nguyễn Ích Đinh, y sĩ Thái Bá Lộc về Đội điều trị rồi mới được đi bồi dưỡng thêm nghiệp vụ về gây mê hồi sức ở Quân y viện 4 thời gian ba tháng. Do tính cần cù, cẩn thận và tỉ mỉ rất phù hợp với nghề nghiệp nên mới có vài năm mà tay nghề của anh đã khá vững.
Hoàng My là một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xốc vác, vui tính, mặt vuông chữ điền, lông mày rậm, da ngăm ngăm bánh mật. Mỗi khi nói chuyện hai chiếc răng được viền vàng thường lộ ra khóe miệng nom rất có duyên.
Khi Đội điều trị 14 bắt đầu nhận thương binh, Hoàng My được phân công phụ trách “lán trọng thương”. Nhiệm vụ này làm Hoàng My rất lo. Vừa mới ra trường, vốn sống và kinh nghiệm chuyên môn chưa có tí gì. Vốn liếng mà anh có được chỉ là những trang sách vở.
- Đồng chí cứ yên tâm. Vừa làm vừa học. Chỗ nào chưa rõ cứ hỏi anh Lưu hoặc tôi - Đội trưởng Đính động viên trước khi Hoàng My đứng dậy. - Miễn là chúng ta có trái tim nóng bỏng, cái đầu biết suy nghĩ và đừng bao giờ làm việc gì mà ta chưa biết rõ.
Từ đó Hoàng My lao vào công việc với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng say mê nghề nghiệp. Dao, kéo, cưa, đục, nỉa, panh, kim, chỉ… là công cụ nghề nghiệp của anh. Anh đọc sách, hỏi cấp trên, trao đổi bàn bạc với bạn bè và cấp dưới. Anh tranh thủ các buổi trưa, buổi chiều tập thắt, tập buộc từng nút chỉ sao cho nhanh và đẹp. Sự miệt mài rèn luyện đó đã được đền bù xứng đáng theo năm tháng. Hôm nay Hoàng My nhận lệnh từ đội trưởng Đội điều trị Đỗ Ngọc Kiểm đi phụ trách đội phẫu thuật lưu động chốt ở Bến Than, một hướng vận chuyển chủ yếu của Binh trạm 12. Sự phấn khởi của anh hiện rõ trong đôi mắt sáng long lanh. Rõ ràng trong ý nghĩ của anh lúc này là anh sẵn sàng đi và hành động. Bất giác anh nhớ lại lần đầu tiên vào phụ mổ cho bác sĩ Lưu hồi giữa năm 1966. Anh đã bị một phen xấu hổ vô chừng. Động tác lóng nga lóng ngóng, tay chân cứ như thừa ra. Đụng chạm lung tung vào những dụng cụ hữu trùng, rồi lại định đưa tay đón chiếc săng mổ vô trùng mà cô Xinh y tá dụng cụ đang chìa ra cho bác sĩ Lưu để phủ lên vết thương trên bụng thương binh.
- Anh ra rửa tay lại ngay đi - Xinh hét toáng lên - Lần sau tay bẩn đừng có mó vào dụng cụ vô trùng của em nhé.
Lúc đó, giá như có phép Tề Thiên Đại Thánh thì anh đã độn thổ cho rồi. Lại một lần khác, người ta khiêng vào lán anh một thương binh nặng bị hơi bom hất từ trên mâm pháo văng xuống. Mặt, ngực, bụng và chân tay có nhiều vết xây xát còn đang rỉ máu. Hai mắt nhắm nghiền, các xương khớp không có tổn thương gì. Vậy mà sao huyết áp lại không đo được? Tim chỉ thoi thói đập. Mũi không hề động đậy. Phải làm gì bây giờ? Mấy cô y tá sau khi báo cáo kết quả lấy mạch, nhiệt độ, đo huyết áp và nhịp thở của bệnh nhân. Đang đứng đợi anh ra mệnh lệnh điều trị để thực hiện. Song anh vẫn lúng túng chưa biết cách xử trí ra sao. Anh em thương binh, bệnh binh đến xem, xúm lại mỗi lúc một đông. Xì xào to nhỏ, càng làm anh thêm rối. Một cô y tá nhanh trí đã chạy vội đi mời bác sĩ trưởng ban:
- Mời các đồng chí thương binh, bệnh binh về ngay giường của mình - Trưởng ban dùng hai tay rẽ đám đông, len vào hỏi - Huyết áp, mạch, nhịp thở ra sao?
- Huyết áp: 0, mạch cảnh: 0. Cánh mũi không động đậy. Tim rời rạc, nhỏ - Hoàng My báo cáo.
Trưởng ban vội vành mi mắt bệnh nhân để kiểm tra. Đồng tử đã giãn khá to. Anh không kịp lấy ống nghe mà nghiêng đầu ghé hẳn tai vào ngực bên trái bệnh nhân:
- Tim đã ngừng đập - Anh vừa cởi quần áo cho bệnh nhân vừa nói với cô y tá đứng bên - Cho tôi bơm tiêm có kim dài, to và một ống a-đờ-re-na-lin.
Trong khi chờ đợi, anh cúi khom người dùng tay trái bịt chặt mũi bệnh nhân, tay phải đẩy cằm xuống, đồng thời ghé mồm mình qua miếng gạc trùm trên miệng bệnh nhân thổi mạnh. Còn Hoàng My chặp chéo hai bàn tay để trên ngực trái bệnh nhân ấn xuống ba, bốn cái liền theo nhịp đập con tim sau mỗi lần trưởng ban hà hơi thổi ngạt. Hai người cứ thay phiên nhau nhịp nhàng phối hợp giữa thổi ngạt với bóp tim ngoài lồng ngực cho tới lúc cô y tá mang bơm tiêm và thuốc tới. Trưởng ban nhanh chóng xác định vị trí, đâm kim rồi bơm trở lại vào tim. Sau đó trưởng ban lại cùng Hoàng My tiếp tục làm hô hấp nhân tạo. Mười lần, hai mươi lần… rồi 100 lần. Tay mỏi rã rời. Mồ hôi hai người vã ra. Chẳng lẽ không còn hy vọng gì sao?
- Cứ phải kiên trì - Trưởng ban động viên - Phải kiên trì thôi! Hai y tá vào thay. Nào! Một, hai… 10 lần, 20 lần, rồi 200 lần.
Anh em thương binh, bệnh binh đứng ngoài xì xào bàn tán:
- Anh ấy chết mất!
- Chỉ tại bọn giặc Mỹ chó chết ấy!
- Khó lòng mà cứu được!
- Còn nước còn tát các đồng chí ạ. Nào! Ta tiếp tục đi - Trưởng ban và Hoàng My vào thay thế. Mười lần… 100 lần, 200 lần. - Đưa cho tôi cái ống nghe - Bỗng trưởng ban nói như reo.
- Có tiếng tim rồi. Tiêm thêm ngay 2 ống B1, 2 ống C và một Strychine vào bắp thịt.
Trưởng ban và Hoàng My lại tiếp tục. Một, hai, ba… 10… 100… Đột nhiên có tiếng người nào đó phấn khởi quá hét lên:
- Sống rồi! Sống rồi! Hai mi mắt động đậy rồi.
- Truyền dung dịch huyết thanh ngọt ưu trương - Trưởng ban ra lệnh…
Ngày tháng quá đi. Hoàng My thấy mình cũng trưởng thành lên nhiều. Giờ đây anh đã là một phẫu thuật viên chính của Đội điều trị 14 rồi. Lòng tràn đầy phấn khởi và tự tin. Anh lao vào cùng anh chị em chuẩn bị. Xây dựng tổ chức, huấn luyện nhân viên. Diễn tập cho cả bên chuyên môn lẫn hậu cần. Anh đưa thêm một dược tá mang theo nồi chưng cất nước để có thể pha chế được các loại thuốc tê, huyết thanh mặn, ngọt, H.T, rửa… phục vụ kịp thời tại các trọng điểm khi địch đánh căng quá không thể về lĩnh ở Đội điều trị được.
Sáu, bảy năm với một cuộc đời không phải là dài lắm. Song dưới mưa bom, bão đạn, giữa cái sống và cái chết luôn rình rập hàng ngày, thậm chí hàng giờ, nhiều lúc có cảm giác sáu, bảy năm ấy là cả một chuỗi ngày dài vô tận. Và mặc dù anh mới chỉ là y sĩ nhưng anh đã từng mổ cứu sống nhiều thương binh nặng hiểm nghèo. Công bằng mà nói giờ đây anh đã trở thành người phẫu thuật viên thực thụ của Đội điều trị 14. Sáu, bảy năm qua, lao động sáng tạo là một cái gì đó đối với anh rất diệu kỳ, huyền bí mà chỉ có những người thầy thuốc lành nghề, lão luyện mới khám phá ra. Nhìn anh đứng mổ người ta có cảm giác anh là một phẫu thuật viên thực thụ chứ không phải là một y sĩ ngoại khoa bình thường nữa. Các thao tác của anh chính xác, nhanh nhẹn và ngoạn mục. Hơn nữa trong con người anh còn có một đặc điểm rất đáng quý mà người ta thường gọi là sự nhạy cảm với nghề nghiệp. Cái bản năng cảm thụ thậm chí hình như là đoán trước được những điều mà người khác không thấy được, làm mọi người phải ngạc nhiên chẳng phải là cái gì xa lạ, thần bí ngoài việc phải kiên trì rèn luyện và biết tích lũy những kinh nghiệm lâu năm của những người đi trước và của chính bản thân mình. Và giờ đây Hoàng My lại có dịp vui thú với kỹ năng kỹ xảo của mình mà chính cái kỹ năng kỹ xảo ấy đã trở thành nguồn gốc của lòng tự hào vậy.
Cứ như vậy, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, đội phẫu thuật Hoàng My đã đi khắp các trọng điểm trong khu vực Bãi Hà. Đội đã mổ xẻ cấp cứu thương binh ngay dưới những trận mưa bom B-52 của Mỹ. Vật lộn với bao nhiêu hiểm nguy rình rập, gây được lòng tin của cấp trên và sự mến phục của các đơn vị bạn. Lập nhiều thành tích xuất sắc, được tặng nhiều bằng khen và Huân chương Chiến công. Riêng đội trưởng Hoàng My ngoài sổ bằng khen, trong ba năm 1972, 1973, 1974 anh đã được tặng một Huân chương Chiến công hạng Nhì và hai Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đội đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của Đội điều trị 14 anh hùng, làm rạng rỡ thêm bề dày truyền thống vẻ vang của ngành quân y cách mạng.