Tôi biết tên bác Tạ Lưu từ nhiều năm trước nhưng chưa một lần gặp mặt mà chỉ qua những sáng tác thơ văn đăng tải trên tạp chí Người Kinh Bắc của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, Báo Bắc Ninh... Cứ nghĩ đây là cây bút ở cơ sở như Nguyễn Hữu, Duy Hợp, Duy Phi, Phạm Thuận Thành...
Bất ngờ một hôm đang làm việc ở cơ quan, tôi được tiếp một bác tuổi đã cao, tác phong có phần chậm chạp nhưng đôi mắt rất sáng, tinh nhanh, giọng nói nhẹ nhàng. Bác xưng tên là Tạ Lưu, đến nhờ tôi đọc và cho nhận xét về tập hồi ký “Cuộc đời chúng tôi” của bác. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên này và cũng vì nhận lời đề nghị của bác, tôi đã tìm hiểu và được biết bác vốn là bác sĩ Quân y - một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có những cống hiến và nhiều thành tích xuất sắc.
Tạ Lưu sinh ra và lớn lên ở xã Tương Giang, huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Đó là một vùng quê sơn thủy hữu tình, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử quê hương và dân tộc. Núi Tiêu đột khởi như viên ngọc quý, dòng Tiêu Tương len lỏi dưới chân núi và qua những xóm làng trù phú. Truyền rằng xưa trên dòng sông này ngân vang tiếng hát của anh thuyền chài Trương Chi làm mê đắm nàng Mỵ Nương, con quan thừa tướng. Chân núi Tiêu, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích những làng xóm cổ, xưởng chế tác những công cụ, đồ trang sức bằng đá nhiều thế kỷ trước công nguyên. Trên sườn núi Tiêu, tọa lạc tòa Tiêu Sơn Cổ Sái (tức chùa Thiên Tâm), một trung tâm Phật giáo lớn thời Lý, nơi hành đạo của Thiền sư Lý Vạn Hạnh - người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau đó giúp đưa lên ngôi Vua lập Vương triều Lý, khai mở nền văn minh Đại Việt.
Tiếp nối truyền thống quê hương, Tạ Lưu đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi mới 15 tuổi, anh đã được đi học cứu thương, y tá. Từ đó anh có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh, tiếp lửa cho các chiến sĩ cầm súng giết giặc, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của Quân đội ta. Từ một y tá, y sĩ vừa làm vừa học trên chiến trường và may mắn được học những người thầy tài năng như: Đỗ Xuân Hợp, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Thế Khánh, Nguyễn Ngọc Doãn, Trần Lưu Khôi, Bùi Đại, Đặng Ngọc Tốt… Tạ Lưu đã trở thành bác sĩ Quân y. Đặc biệt với tài năng đức độ và có nhiều cống hiến xuất sắc trong Quân đội, bác sĩ Tạ Lưu đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: “Thầy thuốc Ưu tú”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đại tá, bác sĩ Tạ Lưu đã đảm trách lãnh đạo một bệnh viện lớn của Quân đội: Viện trưởng Viện Quân y 110. Đó là kết quả phấn đấu rèn luyện lâu dài để có được phẩm chất cao quý của anh Bộ đội Cụ Hồ, có được y đức của người thầy thuốc chân chính, mà cho tới lúc này tôi mới được tiếp kiến và tìm hiểu những sáng tác thơ văn, đặc biệt là công trình sưu tầm “Danh ngôn bốn phương” và tập “Y tâm” rất công phu của bác.
Viết văn, làm thơ và dịch thơ, vốn không phải là nghề của bác, mà chỉ là niềm đam mê, nỗi ước ao được cống hiến, nhất là từ ngày được nghỉ hưu. Nhiều sáng tác văn thơ của bác đã được công bố và xuất bản như: “Trong thung lũng Trường Sơn” (Nxb Quân đội nhân dân, năm 1997), “Người quanh ta” (Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004), “Những áng thơ hay”, tập 1-2-3 (thơ dịch in chung Nxb Hội Nhà văn năm 1999-2000-2003), “Y tâm” (Nxb Y học, năm 2006)... Đặc biệt nhất là tác phẩm “Những tấm gương sống giữa đời thường” (Nxb Công an nhân dân, năm 2007) đã nhận được giải thưởng Văn học xuất sắc của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2008.
Với lòng cảm phục và quý mến phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc - chiến sĩ, tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập truyện ký “Thầy thuốc hỏa tuyến” của tác giả Tạ Lưu, trong đó có nhiều bài viết đã được trao các giải thưởng văn học như:
- Thương binh cần thầy thuốc đến: Giải Nhì Bộ Quốc phòng.
- Nữ chiến sĩ Quân y: Giải Khuyến khích Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh.
- Chiếc đèn Đi-na-mô trong phòng mổ: Giải Ba Bộ Quốc phòng.
- Bác Hồ ra trận: Giải Ba của Ban Tuyên giáo tỉnh Bắc Ninh.
- Ký ức gia đình thắp sáng tương lai: Giải Nhì của Tạp chí gia đình.
- Người thầy thuốc giàu lòng nhân ái: Giải Ba báo chí Ngô Gia Tự.
- Những kỷ vật kháng chiến: Giải Nhì Bộ Quốc phòng.
- Đội điều trị 14 - Binh trạm 12: Giải Khuyến khích của Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn 2014.
- Trường Sơn máu lửa và hoa: Giải Ba của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2015.
Hy vọng cuốn sách “Thầy thuốc hỏa tuyến” sẽ đem lại cho bạn đọc những phút giây thư thái, cũng như có thời gian, tìm hiểu tư liệu và hiểu sâu hơn những chiến sĩ quân y trên tuyến lửa Trường Sơn trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiến sĩ Sử học Trần Đình Luyện
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh 20-9-2020