Năm 1964 Chính quyền Mỹ có dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ra lệnh cho không quân Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Lầu Năm Góc ồ ạt tuồn trái phép vũ khí, phương tiện chiến tranh và hàng vạn cố vấn quân sự vào miền Nam.
Cả nước sục sôi bừng bừng khí thế chống giặc Mỹ. Từng đoàn cán bộ quân, dân chính Đảng, trong đó có nhiều cán bộ quân dân y đã tấp nập vượt Trường Sơn. Nhiều đơn vị chiến đấu mới được tổ chức thêm. Nhiều đội điều trị của Cục Quân y được thành lập…
Ấy thế mà… lớp bác sĩ khóa Yd lại được trên quyết định cho học thêm 12 tháng nữa để nâng cao chất lượng. Hầu như tất cả học viên, nhất là anh chị em ở Đại đội 7 bàn tán rất xôn xao. Có người không kìm nổi bực tức đã thốt lên: “Tăng cường chất lượng kiểu gì lạ thế? Đã từng dạy y tá, hộ lý bây giờ lại đi học những công việc của y tá, hộ lý? Thật ngược đời! Lãng phí thời gian kinh khủng? Cho chúng tôi đi nhận công tác thôi. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này ai an tâm mà ngồi học”. Đại đội lên phản ánh. Tiểu đoàn lên phản ánh. Vô hiệu. Các chi bộ họp kiến nghị lên Đảng ủy cấp trên. Tất thảy đều vô hiệu. Tâm trạng chán ngán bao trùm lớp học. Ai cũng muốn lớp học mau chóng kết thúc để sớm được hòa nhập vào không khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lúc đó.
Mùa hè năm 1965
Tiếng kêu của những con cuốc cuốc ran lên báo hiệu, mùa thi cử bắt đầu. Đây là một cuộc đua tranh giành thắng lợi, đòi hỏi các thí sinh phải học ra học. Học đến gầy rộc người đi vì quên ăn, thiếu ngủ. Thế rồi những ngày thi căng thẳng ấy cũng đến và nhanh chóng qua đi.
Sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ khóa Yd như những con chim lâu ngày bị bó cánh, tù túng, nay được xổ lồng bay tỏa đi khắp bốn phương trời lồng lộng, lòng tràn đầy phấn khởi.
Vào một buổi sớm đầu thu, tiết trời mát mẻ, những giọt sương đêm còn đọng trên những cành cây, ngọn cỏ long lanh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Trên đường Hà Đông đi chợ Chuông, tôi gò lưng trên chiếc xe Phượng Hoàng cũ kỹ mải miết đạp mà lòng vui phơi phới. Tôi được về Đội điều trị 13. Đơn vị đóng quân ở Võ Lao, Chương Mỹ, Hà Đông. Vùng Chuông này là nơi đã sản sinh ra những chiếc nón quai thao nổi tiếng thời xưa. Ngày nay những bàn tay cần cù khéo léo của các cô gái làng Chuông ấy lại càng miệt mài hơn để sản xuất ra những chiếc nón bài thơ xinh xắn, góp phần làm giàu đẹp hơn cho Tổ quốc.
Vừa mải miết đạp xe, tôi vừa bồi hồi nhớ lại. Mới ngày nào những chàng học viên y sĩ khóa 6 (1955) chúng tôi tham gia đào móng, đắp nền xây dựng những tòa hai, ba tầng đầu tiên của Trường Đại học Quân y với một niềm mơ ước lớn tưởng như chẳng bao giờ đến được với đời mình. Thế mà giờ đây như một giấc mơ kỳ diệu, chúng tôi đã trở thành bác sĩ. Đảng, Bác Hồ đã chắp cánh cho chúng tôi bay cao và bay xa. Công ơn ấy đối với những trường hợp trí thức công nông trưởng thành từ y tá, cứu thương như chúng tôi thật là sâu nặng. Mai đây trên khắp các nẻo đường đất nước, chúng tôi sẽ đi, sẽ đến phục vụ bộ đội và nhân dân. Mỗi một chúng tôi đều ước hẹn phải làm thật nhiều, thật tốt để xứng đáng với Đảng, Bác Hồ kính yêu, xứng đáng với các thầy, cô, những vị giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, trợ giáo, các anh, các chị cán bộ, nhân viên phục vụ đã tận tụy vất vả, hao tâm tổn trí truyền lại những kiến thức cho chúng tôi về chuyên môn, chính trị và nhất là phẩm chất đạo đức cao quý của người quân y cách mạng. Chúng tôi đặc biệt quý trọng và biết ơn Giáo sư, Hiệu trưởng Đỗ Xuân Hợp, người chẳng những nhiệt tình cách mạng nóng bỏng thể hiện trong những giờ giáo sư lên lớp trên giảng đường mà còn vì giáo sư đã tận tụy bỏ ra bao công sức biên soạn nhiều sách giáo khoa về giải phẫu học phục vụ cho ngành y tế Việt Nam. Giáo sư còn có một tình thương yêu rộng mở, thông cảm sâu sắc với các thế hệ học viên của trường.
Đội điều trị 13 là một trong số nhiều đội điều trị mới được thành lập vài tháng gần đây do yêu cầu của tình hình cách mạng miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ. Bác sĩ Lê Song là đội trưởng, Nguyễn Kiên là chính trị viên. Trong ban chỉ huy còn có bác sĩ Vũ Đức, Chiến sĩ thi đua toàn quốc thời chống Pháp cũng là bạn cùng khóa Yd mới về nhận nhiệm vụ được vài tháng, chưa ngồi nóng chỗ đã nhận lệnh vào một đơn vị nào đó ở trong Nam. Vừa cởi được chiếc ba lô ở cái đèo hàng, tôi giật mình vì tiếng reo bất ngờ phía sau:
- A! Lưu, đến khi nào vậy?
- Báo cáo anh, tôi được lệnh về Đội điều trị 13.
- Tốt, tốt! Chúng ta lại được sống và cộng sự với nhau - Lê Song hồ hởi nói tiếp - Đưa ba lô đây. Đi báo cơm, tắm rửa, nghỉ ngơi, chiều bàn công việc. Dứt khoát chưa?
Với Lê Song, tôi biết anh cách đây đã mười ba, mười bốn năm trước (từ năm 1952). Khi anh là y sĩ về bổ túc thêm ngoại khoa ở Bệnh viện Quân y 108 cùng các anh Tiêu, Thuận, Chất… Rồi ba năm học bác sĩ với nhau trong một đại đội. Tôi xúc động ôn lại những kỷ niệm xa xưa thời chống Pháp và những năm tháng gần đây. Lê Song không những là anh về tuổi đời, tuổi Đảng mà ngay cả chuyên môn anh cũng giàu kinh nghiệm, lại dày dạn trong cuộc sống, tính tình điềm đạm, giản dị, giải quyết công việc chắc chắn, nhiệt tình, không sợ khó khăn, gian khổ hy sinh. Nghĩ tới đây bất giác tôi mỉm cười thoải mái. Được làm việc với anh thật dễ chịu.
Sau đó là những ngày làm việc khẩn trương. Tôi được phân công phụ trách ban ngoại. Trong ban còn có một bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội cùng khóa với bác sĩ Đỗ Ngọc Kiểm bên ban nội. Anh cao, gầy một chút, đẹp trai, nước da trắng mịn, dáng dấp một thư sinh hơn là một người lính. Anh hoạt bát, vui tính, hay bông đùa nên được anh chị em trong ban yêu mến gọi đùa bằng cái tên thân mật “Đèo bác sĩ”. Những tưởng cùng nhau cộng tác lâu dài, không may anh bị cảm nặng, tự uống aspirine vào lúc đói nên bị biến chứng chảy máu dạ dày phải đi mổ cấp cứu ở Viện Quân y 103.
- Đó là một sai lầm nghiêm trọng về sử dụng aspirine của tôi - Sau khi ra viện, bác sĩ Đào Văn Long thường tâm sự với bạn - Chính vì vậy nên tôi không được đi vào B đấy.
- Kể cũng tiếc - Bạn anh an ủi - Nhưng ở lại miền Bắc cũng là phục vụ chứ?
Long không trả lời, chỉ thở dài như nuối tiếc.
Qua mấy ngày ổn định về tổ chức, đơn vị khẩn trương đi vào huấn luyện. Rèn luyện năm môn kỹ thuật cơ bản. Không khí thi đua giữa các ban lâm sàng, cận lâm sàng và hậu cần rất sôi nổi. Hôm tổ chức diễn tập thu dung cấp cứu điều trị thương binh, bệnh binh vào hàng loạt, Chính trị viên Nguyễn Kiên đến từng ban động viên:
- Các cậu phải làm thật tốt đấy. Làm như thật ấy.
- Tất nhiên rồi thủ trưởng ạ! - Một chiến sĩ trẻ đứng cạnh trả lời - Thủ trưởng cứ tin ở chúng em.
- Đã thủ trưởng sao lại xưng em? - Tôi hỏi.
- Báo cáo em quên ạ!
Mọi người cười ồ lên làm cậu ta đỏ mặt. Kết thúc diễn tập, cả bốn ban ngoại, nội, cận lâm sàng và hậu cần đều được biểu dương. Đó là khích lệ bước đầu.
Tin tức hàng ngày cho biết quân dân miền Nam liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn. Giặc Mỹ phải gia tăng các phi vụ. Liên tiếp đánh phá các hệ thống giao thông vận tải, các kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, thậm chí chúng ném bom xuống cả các trường học và bệnh viện. Căm thù sôi sục. Không thể cứ ngồi mà đợi.
Tôi đề nghị ban chỉ huy cho ban ngoại sang Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (lúc đó đang sơ tán ở Sủi) ở cách xa Chuông chừng hơn bốn mươi cây số để thực tập thêm về ngoại. Bác sĩ Thược - Viện trưởng và anh chị em bệnh viện đa khoa đã giúp đỡ, hướng dẫn tận tình. Việc học tập đang thuận lợi thì vào buổi trưa của một ngày đầu năm 1966, cậu Tuệ liên lạc đạp xe hộc tốc đến Cách khoảng mươi mét, tôi đã nghe tiếng k... i... i... i… í... t rất gấp gáp của chiếc xe. Tuệ vừa thở vừa báo cáo:
- Thủ trưởng có thư.
Đón nhận tờ giấy nhỏ từ tay Tuệ, tôi hỏi:
- Lệnh gì thế?
- Thủ trưởng đưa đơn vị về ngay để đi công tác gấp. - Tuệ vừa nói vừa đưa cùi tay trái lên gạt mồ hôi trán.
- Cậu đợi chúng mình cùng về chứ?
- Tôi phải về trước - Nói rồi Tuệ quay người nhảy phốc lên xe.
Tôi lướt vội trên mảnh giấy vẻn vẹn có mấy câu:
Anh Lưu,
Theo lệnh Cục Quân y, Đội điều trị 14 được thành lập tách ra từ Đội điều trị 13. Anh là đội phó. Ngay chiều nay anh đưa anh em về, chuẩn bị để chiều mai anh lên đường trước làm tiền trạm. Đợi anh về bàn cụ thể thêm. Thân ái!
Lê Đính
Lê Đính nào thế nhỉ? Tôi hỏi và lại tự trả lời. Có lẽ là đội trưởng mới của mình đây. Liếc nhìn đồng hồ đã sắp đến giờ làm việc buổi chiều. Tôi tập hợp anh em động viên vài lời ngắn gọn. Giao nhiệm vụ cho Vinh y sĩ, đưa anh em hành quân bộ về Chuông, còn tôi đến gặp bác sĩ Thược - Viện trưởng cùng các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm để cảm ơn và chào tạm biệt. Dắt xe ra đến ngoài đường cái rồi tôi còn nghe thấy họ bảo nhau: “Quân đội có khác, đến và đi nhanh chóng, bất ngờ quá, chả như cánh dân sự mình”.
Trên quốc lộ 5 từ Sủi về Hà Nội, chiếc xe đạp cũ của tôi lướt nhẹ tênh tênh trên đường nhựa tráng phẳng lì. Đầu óc tôi lúc này lại ngổn ngang trăm mối. Đến ngã ba Cầu Chui, nếu rẽ phải theo quốc lộ 1 thì chỉ một giờ sau là tôi đã về với gia đình ở cái xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc đẹp tựa trong tranh, như lời một anh bạn có dịp đứng trên đỉnh Tiêu Sơn hít thở no nê đến căng lồng ngực không khí trong lành đượm mùi hương lúa mới của một vùng quê trù phú. Chùa Tiêu được xây dựng bên sườn núi quay mặt về hướng Tây Nam. Vùng này có nhiều truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn về Đức Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt hét ra lửa diệt giặc Ân cứu nước. Và cũng chính thân mẫu Lý Công Uẩn (thủy tổ nhà Lý) đang mang thai ở chùa Tiêu này. Thôn Tiêu Thượng bé nhỏ nằm sát chân núi Tiêu, nơi đây có bố mẹ tôi đang sống. Ngoài bảy mươi tuổi, các cụ đã bao năm vất vả cần cù, thức khuya dậy sớm tần tảo làm ăn nuôi dạy anh em chúng tôi từ tấm bé mà cho đến nay tôi vẫn chưa có được lấy một ngày chăm nom phụng dưỡng. Nếu đạp dấn thêm mươi cây số nữa là tôi sẽ về đến Viện Quân y 110. Ở đó vợ tôi vừa vất vả công tác vừa sớm hôm tần tảo chăm sóc nuôi dạy ba đứa con thơ. Đã có lần vợ tôi tâm sự:
- Chúng mình lấy nhau đã mười mấy năm rồi nhưng thực ra sống bên nhau chỉ chừng dăm bảy tháng. Khi em ở miền Trung thì anh đất Bắc. Khi em ra Bắc thì anh lại vào Nam. Chả khác gì vợ chồng Ngâu.
- Còn hơn vợ chồng Ngâu xa - Tôi đáp - Có thế chúng mình mới được gọi là Bộ đội Cụ Hồ chứ.
“Nhu ơi, giờ này em đang làm gì? Cả các con nữa?”. Tôi miên man suy nghĩ. Mình mà về bất ngờ thế này chắc em và các con sẽ mừng lắm. Nhất là bé Việt Hoa. Nó mới hơn một tuổi, đang lầm chầm đi. Có người đã nói một câu rất đúng rằng, vợ bộ đội đã khổ, nhưng nữ bộ đội lấy chồng bộ đội thì vất vả nhân đôi. Nghĩ như vậy nhưng khi xe về đến ngã ba Cầu Chui thì tay lái của tôi lại lẹ làng ngoặt về bên tay trái. Đến Hà Nội, tranh thủ đem xe đạp gửi vào nhà anh bạn thân ở số nhà x, ngõ chợ Hàng Da theo lá thư nhỏ.
Em và các con thân yêu,
Anh đi làm nhiệm vụ gấp. Em xin phép ra Hà Nội theo địa chỉ… đem xe về cho anh.
Hôn các con hộ anh.