Mùa xuân năm 1966…
Chiều nay bộ phận tiền trạm của Đội điều trị 14 do tôi phụ trách lên đường. Đồng chí lái chiếc xe tải (GAT-69) đưa chúng tôi đi theo con đường Chuông - Hà Đông - Hà Nội. Những tia nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá chênh chếch xuống mặt đường nhựa nhấp nha nhấp nhoáng như nhảy múa. Đến Ngã Tư Sở xe ngoặt phải chạy theo đường Tàu Bay - Đuôi Cá. Đúng giờ tan tầm Hà Nội. Trên đường, người đi lại hối hả. Những chiếc xe đạp ngược xuôi nhộn nhịp lấn ra gần hết lòng đường. Ô tô bóp còi inh ỏi, chạy ì ì chậm hơn cả những người đi bộ. Cảnh ấy của Hà Nội quen quá. Thế nhưng nhớ nhất vẫn là hình ảnh của một Hà Nội sẵn sàng chiến đấu. Những khẩu pháo 12,7 ly đặt trên nóc các nhịp cầu Long Biên hàng ngày hàng giờ luôn luôn cảnh giác, nòng súng vươn cao sẵn sàng nhả đạn vào những “thần sấm, con ma” Mỹ. Độc đáo biết bao, kiên cường, dũng cảm biết bao. Nó đã in đậm trong tâm trí chúng tôi về một thủ đô chiến đấu. Ôi Hà Nội thân yêu, trái tim Tổ quốc! Tạm biệt nhé. Chúng tôi đi. Tạm biệt.
Ra khỏi Hà Nội, đồng chí lái xe chạy tăng thêm tốc độ. Con đường quốc lộ 1 uốn lượn qua những làng quê trù phú. Những cây xanh thẳng tắp lấp ló sau lũy tre làng quen thuộc, những vườn cây xanh mát, những cánh đồng lúa xanh non bát ngát thẳng cánh cò bay. Phía Tây, mặt trời chiều đỏ rực như một quả cầu lửa treo lơ lửng trên đỉnh núi xa tít tắp phản chiếu ánh hào quang rực rỡ của nó lên những đám mây thành ngũ sắc đẹp tuyệt trần. Một cậu y tá ngồi bên y sĩ Nguyễn Ích Định đột nhiên lên tiếng hỏi:
- Chị Tiên đẹp lắm phải không anh Định?
- Không đẹp đâu vớ.
- Nhưng ít ra thì cũng là một đóa hoa rừng chứ?
Định đánh trống lảng:
- Các cậu nhìn kìa. Đẹp, đẹp quá. Nom giống hệt như một con sư tử đang vờn.
Mọi người cùng nhìn hướng theo tay anh chỉ. Bất thình lình lại giọng một người khác reo to:
- Trông giống ngư ông ngồi câu cá không kìa. Có râu tóc hẳn hoi nhé. Thật tuyệt vời!
- Cảm ơn ông tạo hóa đã cho chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp tuyệt trần của thiên nhiên như thế.
Mọi người đang say mê ngắm cảnh đẹp mê hồn ấy thì giọng Định trầm hẳn lại: “Giá như đất nước mình không có chiến tranh thì hạnh phúc biết bao”. Câu nói bâng quơ ấy không ngờ làm mọi người ngồi trong thùng xe bị hẫng đi vài phút. Tiếp đó là một cuộc tranh luận gay gắt giữa một bên là các chàng trai vừa mới rời ghế nhà trường với một bên là Định (25 tuổi) - người được coi là lớn nhất trong đám. Tất nhiên phần thắng thuộc về lớp trẻ.
Màn đêm buông xuống dần. Mọi người đã bắt đầu ngủ gà ngủ gật, lắc lư theo chiều rung lắc của chiếc xe chạy với tốc độ có lẽ đến 30 cây số một giờ. Đột nhiên nó chồm lên rồi khựng lại một cách bất ngờ và mạnh làm tất cả chúi vào nhau. Sau phút giây choáng váng, tôi thò đầu ra ngoài ca-bin hỏi vọng lên thùng xe:
- Có cậu nào việc gì không?
- Có cậu Đẳng bị vều môi vì cú hôn bất đắc dĩ ấy thôi thủ trưởng ạ - Chiến nói trêu.
Mọi người ồ lên. Đẳng thụi luôn cho Chiến một quả:
- Cậu lắm chuyện quá.
Dưới ánh trăng mờ, nhìn qua cửa kính thấy hai bên đường chi chít các hố bom, tôi nghĩ bụng chắc tai nạn gì đây. Đồng chí lái xe sau khi xuống quan sát địa hình hai bên và nhìn phía trước đầu xe. Nhảy vào ca-bin, vừa mở máy anh vừa xuýt xoa:
- May quá thủ trưởng ạ. Tí nữa thì xuống chầu “Diêm Vương” tuốt. Cách đầu cầu chừng ba mét phía bờ Bắc bị bom đánh gục. Công binh đánh dấu nguy hiểm và cắm mũi tên chỉ rẽ xuống ngầm. Xe chạy đèn rùa tối quá nên nhìn không rõ. Thật hú vía.
- Như vậy là Diêm Vương vồ hụt. Thua ta một bàn. - Tôi động viên đồng chí lái xe.
Lái xe lùi một đoạn rồi sang số, rú ga đánh tay lái sang bên trái vọt lên. Một lúc sau anh quay sang tôi nói: “Hết đêm nay nữa nếu không có gì bất trắc, chúng ta sẽ tới khu vực R.H đúng giờ quy định”. Qua câu chuyện dọc đường tôi biết tên anh là Dung quê Hà Tây. Tốt nghiệp lớp 10 xong vào bộ đội. Ít lâu sau được đi học lái xe ba tháng. Ra trường, trên điều anh về phục vụ ở đoàn xe Y, thuộc Cục Vận tải. Dung sớm trở thành một con tuấn mã Trường Sơn. Lái tốt, cẩn thận, dũng cảm, mưu trí và nhất là không tự do như các chàng lái trẻ khác. Dung đã được tặng nhiều bằng khen. Được kết nạp Đảng ngay trên một cung đường cam go nhất. Lần này Cục Vận tải giao nhiệm vụ ra đón bộ phận tiền trạm chúng tôi. Theo những đoàn xe nối tiếp nhau chạy trong đêm. Càng vào sâu phía trong, các hố bom ở hai bên đường càng dày đặc nhất là ở những đoạn gần cầu cống lớn. Cây cối đổ ngổn ngang, nhiều cây còn cháy dở, mùi khói bom khét lẹt. Chẳng còn đâu là: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Dung cho biết thêm, mới cách đây mấy hôm, đoạn đường này còn đẹp lắm, thế mà nay đã tan hoang như vậy. Nhìn Dung vừa căng mắt để căn đường hai tay không ngừng hoạt động, khi xoay vô lăng sang trái, lúc xoay sang phải, kết hợp hai chân lúc dậm ga, lúc phanh cho xe chạy chậm lại, nghiêng bên này, lắc bên kia. Tự nhiên thấy thương cậu ta quá.
- Có mệt lắm không cậu?
- Vừa thôi, tôi quen rồi. - Đúng lúc đó xe từ từ bò xuống dốc, qua một cái ngầm khá sâu và rộng. Sang đến bờ Nam, Dung quay sang tôi nói như reo - Thế là thoát được ngầm Ka Tang. Chỉ còn khoảng 20 cây số nữa là tới.
- Vậy là Diêm Vương thua ta bàn thứ hai phải không? - Tôi thò đầu ra ngoài hỏi với lên. - Các cậu ơi, ngủ cả rồi à? Sao im lặng thế? Chúng ta vừa vượt qua trọng điểm Ka Tang đấy.
- Thủ trưởng bảo gì cơ? “Khăn Tang” ở đâu? - Định ngái ngủ hỏi lại.
- Ngầm Ka Tang chứ không phải khăn tang. Rõ chưa? - Đẳng chỉnh lại. Mọi người cười ồ lên vui vẻ.
- Rõ thần hồn nát thần tính. Thế mà cũng đòi đi oánh Mỹ!
- Thôi đi ông trẻ - Định đe lại - Rồi sẽ biết nhau thôi vớ!
Ngay lúc đấy, mấy tiếng nổ vang lên ở phía sau vọng tới. Dung bảo máy bay nó tọa độ ở ngầm Ka Tang tiễn chúng mình đấy. Mọi người đều ngơ ngác. Chẳng ai hiểu “bom tọa độ” là thứ bom gì. Đánh nhau với giặc Mỹ có khác, thật lắm kiểu. Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi đến khu vực “R.H”. Ánh trăng lưỡi liềm cuối tháng không đủ sức xuyên qua màn sương. Ai nấy đều mệt mỏi, đói và khát. Có người chưa nhảy được xuống lòng đường. Tất cả còn đang lúng túng chưa biết phải làm gì đó thì có một bóng người chạy ra hỏi:
- Hàng gì vào thế?
- Người - Dung đáp - Bộ phận tiền trạm Đội điều trị 14.
- Đi đâu?
- Về Binh trạm 12.
- Đợi đấy. Tôi báo cáo trực ban binh trạm giải quyết.
- Hắc ghê quá vớ! - Định lên tiếng.
- Ở mặt trận không hắc thế có mà chết cả nút. - Chiến vặn lại.
- Chú ý. Theo lệnh thủ trưởng binh trạm, các đồng chí theo tôi rời khỏi đây ngay. Hàng hóa khắc có người chuyển vào sau. Khu vực này vừa bị đánh phá dữ dội lúc chiều. Đủ loại bom. Kể cả na-pan và bom lân tinh.
Mọi người nhìn theo tay chỉ, toàn khu vực rộng lớn bị tàn phá nặng nề. Đất đá bị xới tung lên. Cây cối cháy sém. Một vài chỗ trên sườn núi, những vệt dài ngoằn ngoèo xanh lẹt của bom lân tinh còn đang cháy dở. Đoàn chúng tôi vừa lội qua con suối rộng, đến gần một xóm nhỏ xơ xác cách trục đường chiến lược 15 chừng năm, sáu trăm mét thì một bầy chín chiếc máy bay B-57 nối đuôi nhau bay theo hàng dọc, cứ ba chiếc một lướt qua. Từng chùm bom trên chín chiếc máy bay đó trút xuống nổ liên hồi chát chúa, đinh tai nhức óc. Khói bụi mù mịt, tưởng như trời đất sập đến nơi. Khu vực “R.H” lại một phen nghiêng ngả.
Một lát sau. Cảnh vật trở lại yên tĩnh. Bóng đêm vẫn còn bao phủ khắp núi rừng nhưng phía đông, ánh sáng hồng nhạt của bình minh đã hiện dần lên le lói xuyên qua từng kẽ lá ngọn cây.
- Lần thứ ba Diêm Vương lại vồ hụt - Có tiếng ai đó vui vẻ thốt lên - Chịu thua ba nhé!
Mọi người cười ồ lên vui vẻ. Riêng đồng chí dẫn đường mặt cứ thộn ra chẳng hiểu chuyện gì. Mặc, chúng tôi cứ trò chuyện râm ran bước thấp bước cao đi sâu mãi vào phía núi đá trong thung lũng Trường Sơn theo bước chân của đồng chí giao liên.