T
om lười biếng trải qua sáng thứ Bảy, viết một bức thư gửi Heloise qua American Express, Athens, và tầm hai rưỡi chiều, anh nghe một chương trình hài kịch trên đài radio, như anh vẫn thường làm. Bà Annette, vào các chiều thứ Bảy, thỉnh thoảng lại thấy Tom cười quặn người trên chiếc sô-pha vàng và đôi khi Heloise sẽ bắt anh dịch lại, nhưng phần lớn các trò chơi chữ làm sao dịch lại được. Đến bốn giờ, đáp lại lời mời qua điện thoại lúc trưa, Tom đi uống trà với Antoine và Agnès Grais, hai người họ sống ở đầu bên kia của Villeperce, đi bộ tới được. Antoine là một kiến trúc sư làm việc ở Paris và chỉ các ngày cuối tuần mới về đây, cặm cụi trong xưởng vẽ của anh ta. Agnès, một phụ nữ tóc vàng khoảng hai tám tuổi trầm tính, ở lại Villeperce và chăm sóc hai đứa con nhỏ của họ. Còn có bốn vị khách khác ở nhà Grais, tất cả đều là dân Paris.
“Dạo này anh làm gì thế, Tome?” Agnès hỏi, mang món quà đặc biệt của chồng cô ta ra ở cuối tiệc trà, một chai rượu gin Hà Lan mạnh lâu năm, mà nhà Grais đề nghị họ hãy uống cạn.
“Vẽ này nọ. Dạo quanh vườn dọn dẹp những thứ không phù hợp, chắc vậy.” Người Pháp nói “dọn dẹp” thay cho “diệt cỏ”.
“Không cô đơn chứ? Khi nào thì Heloise mới quay trở lại thế?”
“Chắc tầm một tháng nữa.”
Một tiếng rưỡi ở nhà Grais thật dễ chịu đối với Tom. Họ không bình luận gì về hai vị khách của anh, ông Murchison và Bá tước Bertolozzi, và chắc cũng không để ý đến hay nghe đến qua bà Annette, người luôn thoải mái buôn chuyện trong các cửa hàng bán đồ ăn. Và nhà Grais cũng không chú ý đến hai lòng bàn tay đỏ quạch gần như chảy máu của anh, vẫn còn đau nhức vì sợi dây thừng quấn quanh xác ông Murchison.
Tối hôm ấy, Tom cởi giày ra và nằm trên sô-pha vàng, đọc lướt qua Từ điển Harrap, nó dày đến mức anh phải dựa nó vào đùi mình hoặc đặt nó lên bàn. Anh đang chờ điện thoại, dù cũng không chắc ai sẽ gọi đến, và lúc mười giờ mười lăm, điện thoại đổ chuông. Chris Greenleaf ở Paris.
“Có phải… anh Tom Ripley đấy không?”
“Đúng thế. Xin chào, Chris. Cậu thế nào?”
“Khỏe, cảm ơn anh. Tôi vừa tới nơi với bạn. Tôi mừng xiết bao vì anh có nhà. Tôi không có thời gian chờ thư của anh, nếu anh có viết thư. Chà… xem này…”
“Cậu đang ở đâu?”
“Ở khách sạn Louisiane. Được mấy anh bạn của tôi ở quê nhà nhiệt liệt tiến cử! Đây là đêm đầu tiên của tôi ở Paris. Tôi thậm chí còn chưa mở va-li ra nữa. Nhưng tôi đã nghĩ nên gọi cho anh.”
“Kế hoạch của cậu là gì? Cậu muốn đến đây chơi vào lúc nào?”
“À, lúc nào cũng được. Tất nhiên là tôi muốn đi tham quan một chút. Trước mắt là bảo tàng Louvre, chắc vậy.”
“Thứ Ba thì sao?”
“À… cũng được, nhưng tôi đã nghĩ hay là mai luôn, vì ngày mai bạn tôi sẽ bận cả ngày. Cậu ấy có một người họ hàng sống ở đây, lớn tuổi, người Mỹ. Nên tôi đã hy vọng…”
Không hiểu sao Tom không thể từ chối cậu ta hay nghĩ ra một cái cớ hợp lý nào đó. “Mai à. Được thôi. Vào buổi chiều nhé? Sáng tôi hơi bận một chút.” Tom giải thích là cậu ta sẽ phải đi tàu từ ga Lyon tới Moret-les-Sablons, và cậu ta nên gọi lại cho anh sau khi đã chọn được tàu, để Tom biết sẽ đón cậu ta lúc mấy giờ.
Rõ ràng là ngày mai Chris sẽ ngủ lại qua đêm. Tom nhận ra là anh sẽ phải đào xong mộ của ông Murchison và đưa ông ta xuống đó vào sáng mai. Trên thực tế, chắc vì thế nên anh mới đồng ý để Chris đến vào ngày mai. Thêm động lực cho anh làm việc.
Chris có vẻ ngây ngô, nhưng biết đâu cậu ta lại mang trong mình bản tính thiện lành của nhà Greenleaf và sẽ không mặt dày ở lại quá lâu. Tom nhăn nhó khi nghĩ đến điều này, vì chắc chắn là anh đã từng mặt dày bám riết lấy Dickie ở Mongibello thời tuổi trẻ nông nổi, khi anh đã hai lăm chứ không phải mới hai mươi. Tom đã từ Mỹ đến, hay phải nói là được cha của Dickie, ông Herbert Greenleaf, cử đến để đưa Dickie về nhà. Đúng là một tình huống kinh điển. Anh ta thì không muốn quay lại Mỹ. Và sự ngây ngô của Tom vào thời điểm ấy là thứ khiến anh giờ này phải co rúm người lại. Có biết bao nhiêu thứ anh phải học! Và rồi… thì, Tom Ripley đã ở lại châu Âu. Anh cũng học được đôi điều. Sau rốt thì anh cũng có ít tiền – tiền của Dickie – bọn con gái cũng khá mến anh, và trên thực tế thì Tom cảm thấy mình bị theo đuổi khá nhiều. Heloise Plisson là một trong số những người đã thích anh hồi đấy. Và dưới con mắt của Tom thì cô không phải là một khối xi-măng, truyền thống, hay quá tầm với, hay nhạt nhẽo. Tom không cầu hôn, Heloise cũng không. Đó là một chương đen tối trong đời anh, dù ngắn ngủi. Heloise đã nói, trong căn nhà gỗ một tầng đi thuê của họ ở Cannes, “Vì chúng ta đang sống cùng nhau, sao không kết hôn nhỉ?... Vì là, em không dám chắc cha em có tán thành (cô đã dùng từ nào để nói “tán thành” trong tiếng Pháp ấy nhỉ? Nhớ tra từ điển) việc chúng ta sống cùng nhau lâu hơn nữa đâu, trừ phi chúng ta thật sự kết hôn – đó lại là một câu chuyện trọn vẹn khác”. Mặt Tom đã xanh như tàu lá ở đám cưới, dù đó là một đám cưới hiện đại không có khách mời trong phòng xử án. Sau đó Heloise vừa cười vừa nói, “Lúc trước trông anh xanh ngắt”. Không sai. Nhưng ít nhất Tom cũng đã hoàn thành lễ cưới trọn vẹn. Anh cứ mong sẽ nhận được lời khen từ Heloise dù anh biết bản thân thật ngớ ngẩn khi nghĩ vậy. Chính chú rể là người phải nói, “Em yêu, em thật lộng lẫy!” hay “Mặt em rạng ngời vì sắc đẹp và hạnh phúc!” hay mấy câu sến súa như thế. Còn Tom thì xanh ngắt. Ít nhất thì anh đã không ngã quỵ trên đường tới bệ thờ – nó cũng chỉ là một lối đi dơ dáy giữa mấy cái ghế lưng thẳng không người ngồi trong văn phòng của một viên chức tư pháp nào đó ở phía nam nước Pháp. Lễ kết hôn nên kín đáo, Tom nghĩ, cũng nên riêng tư như đêm tân hôn vậy – dù nó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Vì đằng nào trong đám cưới, tâm trí của mọi người chẳng thẳng thắn đặt vào đêm tân hôn, sao bản thân chuyện yêu đương lại phải công khai một cách trắng trợn như thế không biết? Điều đó có vẻ thật thô tục. Sao người ta không thể làm bạn bè mình ngạc nhiên bằng cách nói, “À, nhưng đến giờ chúng tôi đã kết hôn được ba tháng rồi đấy!”. Trong quá khứ thì việc kết hôn công khai cũng có lý do hợp lý – cô dâu bị đẩy ra khỏi vòng tay gia đình và chú rể không thể thoát được nữa, không thì năm mươi họ hàng cô dâu sẽ luộc anh ta trong vạc dầu – nhưng ngày nay thì sao còn phải tổ chức đám cưới làm gì nữa?
Tom lên giường.
Sáng Chủ nhật, một lần nữa vào tầm năm giờ sáng, Tom lại kéo chiếc quần Levi’s lên và lặng lẽ đi xuống gác.
Lần này, anh chạm mặt bà Annette, người vừa mở cánh cửa từ bếp ra hành lang đúng lúc Tom chuẩn bị mở cửa trước để ra ngoài. Bà Annette ép một miếng vải trắng lên má – không nghi ngờ gì là miếng vải đó chứa muối thô nóng loại dùng để nấu ăn – và mặt bà ta đầy vẻ đau khổ.
“Bà Annette… là do cái răng à,” Tom nói một cách đầy cảm thông.
“Cả đêm tôi mất ngủ,” bà Annette nói. “Anh dậy sớm quá, anh Tome.”
“Gã nha sĩ chết tiệt đó,” Tom nói bằng tiếng Anh. Anh tiếp tục nói bằng tiếng Pháp, “Sao lại có cái suy nghĩ tuỷ sẽ rơi ra cơ chứ! Ông ta không biết mình đang làm gì hết. Nghe đây, bà Annette, tôi có một ít thuốc vàng trên nhà, tôi mới nhớ ra. Từ Paris. Chuyên trị đau răng. Chờ nhé”. Tom chạy lên gác.
Bà ta uống một viên con nhộng. Bà Annette chớp mắt khi nuốt thuốc xuống. Bà ta có đôi mắt màu xanh dương nhạt. Bờ môi trên mỏng quẹt đang rũ hai mép xuống, trông như người Na Uy. Bà ta mang dòng máu Breton thừa hưởng từ cha.
“Nếu bà muốn thì hôm nay tôi có thể lái xe chở bà tới Fontainebleau,” Tom nói. Anh và Heloise có một nha sĩ quen ở đó, và Tom nghĩ ông ta sẽ khám cho bà Annette vào ngày Chủ nhật.
“Sao anh dậy sớm thế?” Có vẻ tính tò mò của bà Annette lấn át cả cơn đau của bà ta.
“Tôi định làm việc trong vườn một chút rồi quay lại giường ngủ thêm khoảng một tiếng nữa. Tôi cũng thấy hơi khó ngủ.”
Tom nhẹ nhàng thuyết phục bà ta quay về phòng và để bà ta cầm theo lọ thuốc con nhộng. Anh dặn bà ta là chỉ nên uống bốn viên trong vòng hai mươi tư tiếng. “Đừng bận tâm lo nghĩ về bữa sáng hoặc bữa trưa cho tôi, bà Annette thân mến. Hôm nay bà cứ nghỉ ngơi đi.”
Rồi Tom ra ngoài tiếp tục công việc của mình. Anh làm với một tốc độ hợp lý, hoặc theo anh nghĩ là hợp lý. Cái hố cần sâu khoảng mét rưỡi, không được phép làm quấy. Anh đã cầm theo một cái cưa hơi rỉ sét nhưng vẫn dùng tốt từ trong nhà kho, có nó anh sẽ xử lý hết những cái rễ cây ngang dọc, mặc kệ đống đất ướt bám lấy răng cưa. Anh có tiến triển. Ánh sáng đã xuất hiện dù còn lâu mặt trời mới mọc khi anh đào xong hố và trèo ra ngoài, làm bùn dính lên toàn bộ ngực áo len, không may thay là một chiếc áo cashmere màu be. Anh nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy bóng dáng một ai trên con đường mòn băng qua rừng. Mừng thay, anh nghĩ thầm, vì người Pháp ở nông thôn thường xích chó của họ lại, nếu không thì tối qua biết đâu lại có con chó nào đó đánh hơi đống cành cây phủ trên xác ông Murchison và sủa nhặng lên thông báo, tiếng sủa của chúng chắc phải vang xa cả cây số. Một lần nữa Tom lại kéo sợi dây thừng buộc tấm vải dầu quanh xác ông Murchison. Cái xác rơi xuống với tiếng bịch đầy ngọt ngào trong tai Tom. Việc xúc đất đổ xuống cũng đem lại niềm vui. Vẫn còn đất dư sau khi đã dằn đất trên mộ xuống, Tom hất nó ra đủ hướng. Rồi anh chậm rãi rảo bước về nhà, băng qua bãi cỏ nhà mình rồi vòng ra cửa trước, đầy cảm giác thành tựu.
Anh giặt áo len bằng một loại bột thơm tho nào đó trong phòng tắm của Heloise. Sau đó anh ngủ say sưa cho tới mười giờ hơn.
Tom pha một ít cà phê trong bếp rồi ra ngoài mua tờ Observer và Sunday Times ở tiệm báo. Thường thì anh sẽ ghé qua đâu đó uống cà phê trong khi đọc qua hai tờ báo – vẫn luôn là một niềm vui quý giá đối với anh – nhưng hôm nay anh muốn ở một mình khi đọc các bài báo về Derwatt. Tom suýt nữa thì quên mua tờ báo hàng ngày của bà Annette, ấn bản địa phương của tờ Le Parisien, tiêu đề lúc nào cũng được in màu đỏ. Hôm nay, nó nói gì đó về một đứa trẻ mười hai tuổi bị bóp cổ. Các bức tranh cổ động bên ngoài cửa hàng chào bán các tờ báo khác nhau cũng kỳ quái tương đương nhưng theo một cách rất khác:
JEANNE VÀ PIERRE LẠI HÔN NHAU!
Mà họ là ai?
MARIE ĐIÊN TIẾT VỚI CLAUDE!
Người Pháp không chỉ thấy bực bội mà lúc nào họ cũng phải điên tiết cơ.
ONASSIS SỢ NGƯỜI TA SẼ CƯỚP JACKIE
TỪ TAY MÌNH!
Có thật người Pháp thức chong chong lo sợ về chuyện đó không?
NICOLE SINH MỘT EM BÉ!
Nicole nào không biết, trời ơi? Tom chẳng bao giờ biết được phần lớn những người trên báo này – ngôi sao điện ảnh, ca sĩ nhạc pop, chắc vậy – nhưng rõ ràng là họ giúp bán báo. Các hoạt động của gia đình hoàng gia Anh thật khó tin, Elizabeth và Philip đang trên đà ly dị lần thứ ba trong một năm, còn Margaret và Tony thì nhổ nước bọt vào mặt nhau.
Tom đặt tờ báo của bà Annette lên bàn bếp, rồi về phòng mình. Trên trang điểm tin nghệ thuật của cả tờ Observer lẫn Sunday Times đều có một bức hình của anh dưới bộ dạng Philip Derwatt. Có bức, miệng anh còn đang mở ra để trả lời một câu hỏi nào đó dưới bộ râu gớm ghiếc. Tom vội vã đọc lướt qua bài báo, không thật sự muốn chăm chú đọc từng từ một làm gì.
Tờ Observer viết: “… cắt ngang hành trình ẩn dật của mình bằng sự xuất hiện đầy bất ngờ vào chiều thứ Tư ở Buckmaster Gallery, Philip Derwatt, người chỉ muốn được gọi bằng cái tên Derwatt, rất dè dặt khi nói về nơi trú ngụ của anh ở Mexico nhưng lại nói khá nhiều khi được hỏi về tác phẩm của mình và các đồng nghiệp. Về Picasso: ‘Picasso cũng có nhiều giai đoạn. Tôi thì không có giai đoạn nào hết’”. Trong bức ảnh trên tờ Sunday Times, anh đứng sau bàn của Jeff, khoa tay múa chân, bàn tay trái nắm lại giơ lên, một động tác mà Tom không nhớ đã làm, nhưng có trên ảnh đây “… mặc bộ đồ rõ ràng đã cất ở trong tủ hàng năm trời… can đảm đương đầu trong trận chiến với mười hai nhà báo, hẳn là một phiên tòa sau sáu năm lánh đời, chúng tôi cho là vậy”. Cụm từ “chúng tôi cho là vậy” có phải là một sự châm biếm không nhỉ? Tom nghĩ hẳn là không, vì toàn bộ những lời nhận xét còn lại đều mang tính khen ngợi. “Các bức tranh sơn dầu gần đây của Derwatt vẫn giữ vững được tiêu chuẩn cao của anh – phong cách riêng, kỳ quái, thậm chí là bệnh hoạn, có phải chăng?... Không có bức tranh nào của Derwatt được vẽ qua loa hay thể hiện sự do dự. Chúng đều là thành quả của tình yêu, dù kỹ thuật vẽ của anh có phần nhanh gọn, tươi mới, và dễ dàng đối với anh. Đừng nhìn chúng mà tưởng dễ. Derwatt đã nói anh không bao giờ vẽ một bức tranh nào dưới hai tuần…” Anh đã nói vậy thật à? “… và anh làm việc ngày đêm, thường nhiều hơn bảy tiếng một ngày… Đàn ông, bé gái, ghế, bàn, những thứ kỳ lạ bị đốt, vẫn chiếm chủ đạo… Buổi triển lãm này sẽ lại bán sạch tranh thôi.” Không đề cập gì đến việc Derwatt biến mất sau buổi phỏng vấn.
Đáng tiếc thay, Tom nghĩ, những lời tán dương ấy lại chẳng thể được khắc lên mộ của chính Bernard Tufts, bất kể nó nằm ở đâu đi nữa. Tom nhớ đến câu “Nằm ở nơi đây người có tên đã cuốn theo dòng nước,” một dòng chữ luôn khiến Tom đong đầy nước mắt cả ba lần anh nhìn thấy nó trong nghĩa trang dành cho những người Anh theo đạo Tin Lành ở Rome, và thỉnh thoảng còn có thể khiến anh chỉ cần nghĩ đến đã ướt nước mắt. Biết đâu Bernard, con ong chăm chỉ ấy, tâm hồn nghệ sĩ ấy, sẽ tự gieo vần thơ riêng trước khi mất. Hay anh ta sẽ trở nên nổi tiếng trong vô danh nhờ một bức “Derwatt”, một bức tranh phi thường mà anh ta còn chưa vẽ ra?
Mà liệu Bernard có vẽ thêm một bức Derwatt nào nữa không? Chúa lòng lành, Tom nhận ra là thậm chí anh còn chẳng biết điều đó. Nếu Bernard vẽ thêm tranh mang phong cách của chính mình thì liệu chúng có thể được gọi là Tufts không?
Trước buổi trưa bà Annette đã cảm thấy khỏe lên. Như Tom đã lường trước, nhờ thuốc giảm đau mà bà ta không muốn bị đưa đến vị nha sĩ giỏi ở Fontainebleau nữa.
“Thưa bà… có vẻ là dạo này tôi ngập trong những lời mời. Đáng tiếc là Heloise không có ở đây. Nhưng tối nay có một vị khách nữa tới dùng bữa, một chàng trai tên là Christopher, người Mỹ. Tôi có thể tự đi mua sắm tất cả những thứ cần thiết trong làng… Không, không, bà cứ tĩnh dưỡng đi.”
Tom đã đi mua sắm ngay lập tức và trở về nhà trước hai giờ. Bà Annette nói rằng một người Mỹ đã gọi điện nhưng họ không thể hiểu lời nhau và cậu ta sẽ gọi lại.
Chris đã làm đúng như vậy và Tom sẽ đến đón cậu ta lúc sáu rưỡi chiều ở Moret.
Anh mặc một chiếc quần vải flannel cũ, áo cổ lọ, đi bốt cổ ngắn, và lái chiếc Alfa Romeo đi. Thực đơn tối nay là món viande hâchée – món hamburger kiểu Pháp đỏ rực và ngon đến mức người ta có thể ăn sống. Tom đã chứng kiến nhiều người Mỹ ngấu nghiến những chiếc hamburger đầy hành tây và tương cà trong các cửa hàng tiện lợi của Paris khi mà họ chỉ mới rời khỏi đất Mỹ có hai tư tiếng.
Tom chỉ mới liếc mắt nhìn đã nhận ra Chris Greenleaf, hệt như những gì anh nghĩ. Dù tầm mắt của Tom bị vài người che khuất, mái tóc vàng của Christopher nhô cao hẳn lên so với đầu những người qua lại. Đôi mắt và hàng lông mày của cậu ta nhăn nhẹ hệt như Dickie vậy. Tom giơ một cánh tay lên vẫy nhưng Christopher ngập ngừng cho tới khi họ chạm mắt nhau và anh mỉm cười. Nụ cười của chàng trai này cũng giống hệt Dickie, nếu có sự khác biệt thì chỉ ở đôi môi, Tom nghĩ. Môi của Christopher đầy đặn hơn, vẻ đầy đặn hoàn toàn không liên quan gì tới Dickie và hiển nhiên là đến từ bên ngoại của cậu ta.
Họ bắt tay.
“Ở đây giống hệt như nông thôn vậy.”
“ Cậu có thích Paris không?”
“Tôi thích chứ. Nó to hơn tôi nghĩ.”
Christopher ngắm nghía mọi thứ, nghển cổ nhìn cả những quán bar-cà phê bình thường nhất, cây ngô đồng, các ngôi nhà riêng dọc đường. Cậu ta kể cho Tom là anh bạn Gerald của cậu ta chắc sẽ tới Strassburg tầm hai đến ba ngày gì đó. “Đây là ngôi làng Pháp đầu tiên tôi nhìn thấy. Nó là thật phải không?” cậu ta hỏi cứ như thể nó là phông màn trên sân khấu.
Tom thấy sự háo hức của Chris thật thú vị, có phần đáng lo. Anh nhớ lại sự vui sướng điên rồ của chính mình – dù lúc ấy không có ai bên cạnh để anh kể chuyện hết – khi lần đầu tiên nhìn thấy tháp nghiêng Pisa trên một con tàu đang chạy băng băng, khi lần đầu tiên nhìn thấy dãy đèn dọc bờ biển của Cannes.
Trong bóng tối hiện thời, Belle Ombre không hiện ra rõ ràng nhưng bà Annette đã bật đèn ở cửa trước lên và tỷ lệ của nó có thể ước lượng được từ một ngọn đèn ở góc trước bên trái, nơi đặt nhà bếp. Tom tự mỉm cười trước những bình luận ngất ngây của Chris nhưng chúng vẫn khiến anh thấy hài lòng làm sao. Thỉnh thoảng Tom lại cảm thấy muốn đá văng Belle Ombre, và cả gia đình Plisson nữa, thành từng mảnh vụn, như thể họ là một khối lâu đài cát mà anh có thể dùng chân phá tan tành. Đó là những lần anh cáu điên lên trước những vụ việc gây ra bởi tính dửng dưng, tham lam của người Pháp, một lời nói dối không hẳn là nói dối nhưng cố tình che giấu sự thật. Mọi người đều ca tụng Belle Ombre và Tom cũng thích nó. Anh lái xe vào gara và cầm theo một trong hai chiếc va-li của Chris. Chris nói cậu ta đã mang tất cả mọi thứ theo.
Bà Annette mở cửa trước.
“Quản gia của tôi, người kề cận trung thành mà tôi không thể sống thiếu,” Tom nói, “Bà Annette, còn đây là Christopher”.
“Bà thế nào? Chào bà,” Chris nói.
“Xin chào. Phòng của anh đã sẵn sàng.”
Tom đưa Chris lên gác.
“Nơi này thật lộng lẫy,” Chris nói. “Như một viện bảo tàng vậy!”
Tom cho là nơi này cũng có hơi thừa xa-tanh và đồng giả vàng. “Do vợ tôi đấy… việc trang trí ấy, tôi nghĩ vậy. Bây giờ cô ấy không có ở đây.”
“Tôi đã xem một bức ảnh của cô ấy chụp cùng anh. Chú Herbert đã cho tôi xem nó ở New York, mới đây thôi. Cô ấy tóc vàng. Tên là Heloise.”
Tom để Christopher ở lại rửa ráy và báo là anh sẽ ở dưới gác.
Suy nghĩ của Tom lại lạc về chỗ ông Murchison: ông Murchison sẽ vắng mặt trong danh sách hành khách lên chuyến bay của ông ta. Cảnh sát sẽ kiểm tra các khách sạn ở Paris và phát hiện thấy ông ta không hề có mặt ở một khách sạn nào cả. Kiểm tra nhập cảnh cho thấy ông ta đã ở khách sạn Mandeville vào ngày 14 và 15 tháng Mười, cũng đã báo sẽ quay lại vào ngày 17. Tên và địa chỉ của Tom cũng nằm trong sổ đăng ký của khách sạn Mandeville vào tối 15 tháng Mười. Nhưng chắc chắn anh không phải là người đang sống ở Pháp duy nhất ngụ tại khách sạn Mandeville đêm đó. Liệu cảnh sát có tới thẩm vấn anh không nhỉ?
Christopher đi xuống cầu thang. Cậu ta đã chải gọn mái tóc vàng gợn sóng của mình, vẫn mặc quần nhung kẻ và đi đôi bốt quân đội. “Mong là anh không mời khách tới ăn tối. Nếu có thì tôi sẽ thay đồ.”
“Chỉ có hai chúng ta thôi. Đây là vùng nông thôn nên cứ mặc những gì cậu thích.”
Christopher ngắm các bức tranh sơn dầu của Tom và chú ý tới một bức tranh khỏa thân ánh hồng của Pascin, một bức tranh chì, hơn là các bức tranh sơn dầu. “Anh sống ở đây quanh năm à? Hẳn là sung sướng lắm.”
Cậu ta nhận một cốc rượu scotch. Tom lại phải trình bày thời khóa biểu của mình, đề cập tới việc làm vườn và việc học ngôn ngữ không nghiêm túc của anh, dù trên thực tế thì lịch học của Tom nghiêm ngặt hơn so với những gì anh thừa nhận. Dẫu vậy, Tom thích sự nhàn tản của mình, hết mức một người Mỹ có thể chấp nhận một khi đã làm quen với nó, tức là rất ít người có khả năng đó, Tom nghĩ. Đây không phải là chuyện mà anh thèm nói ra lời với bất kỳ ai. Anh đã khao khát sự nhàn tản và cả đôi chút xa hoa khi mới gặp Dickie Greenleaf, và giờ khi đã đạt được, sự quyến rũ của nó không hề phai bớt.
Ở bàn, Christopher bắt đầu kể chuyện Dickie. Cậu ta nói là mình có ảnh Dickie mà ai đó đã chụp ở Mongibello và Tom cũng có mặt trong một trong các bức ảnh đó. Christopher vẫn thấy có phần khó khăn khi nhắc đến cái chết của Dickie – việc anh ta tự tử, như mọi người nghĩ. Chris có một thứ tốt đẹp hơn cả phong thái lịch sự, đó là sự nhạy cảm, theo Tom. Anh ngẩn ngơ với ánh nến trong mống mắt xanh dương của cậu ta, vì đôi mắt của Dickie cũng giống hệt như vậy vào những buổi tối muộn ở Mongibello, hoặc trong một nhà hàng thắp nến ở Naples.
Christopher đứng dậy, nhìn ô cửa sổ kiểu Pháp, ngẩng lên ngắm trần nhà chia ô màu kem và nói, “Được sống ở một ngôi nhà như thế này giống như là trong truyện cổ tích vậy. Bên cạnh đó anh còn có âm nhạc… và tranh!”.
Tom đau đớn nhớ đến bản thân anh lúc tuổi đôi mươi. Gia đình Chris không nghèo, Tom chắc chắn như vậy, nhưng nhà của họ cũng không thể được như thế này. Trong lúc uống cà phê, Tom bật bản nhạc Giấc Mộng Đêm Hè.
Lúc ấy điện thoại reo. Tầm mười giờ tối.
Tổng đài viên người Pháp hỏi lại có phải số điện thoại của anh là như thế này không rồi bảo anh giữ máy chờ một cuộc gọi từ Luân Đôn.
“Xin chào. Bernard Tufts đây,” một giọng căng thẳng vang lên, sau đó là tiếng tanh tách.
“Xin chào? Phải. Là Tom đây. Anh có nghe rõ tiếng tôi nói không?”
“Anh có thể nói to hơn được không? Tôi gọi để nói…” Giọng Bernard mờ dần như thể bị chìm trong biển sâu.
Tom liếc nhìn Chris, cậu ta đang đọc bao đựng của một đĩa nhạc. “Thế này rõ hơn chưa?” Tom rống vào điện thoại, như để thể hiện sự giận dữ với anh, điện thoại phát ra một tiếng xẹt xẹt, rồi tanh tách như thể một ngọn núi bị chẻ đôi dưới sét. Tai trái của Tom kêu ù ù do thứ âm thanh đó và anh chuyển điện thoại sang tai phải. Anh có thể mang máng nghe thấy Bernard đang vật vã nói một cách chậm rãi, to tiếng, nhưng trời ơi câu chữ thì không thể nghe rõ nổi. Tom chỉ nghe đúng được từ “Murchison”. “Ông ta đang ở Luân Đôn!” Tom hét lên, mừng vì cũng có một chuyện rõ ràng để truyền tải. Giờ thì lại là chuyện gì đó liên quan đến khách sạn Mandeville. Có phải người ở Tate Gallery đã cố gắng liên lạc với ông Murchison ở Mandeville rồi đến nói chuyện với Buckmaster Gallery không nhỉ, Tom băn khoăn? “Bernard, cuộc điện thoại này thật vô vọng!” Tom hét lên một cách tuyệt vọng. “Anh có thể viết thư cho tôi được không?” Tom không rõ liệu Bernard đã dập máy hay chưa, nhưng theo sau là tiếng ro ro trong im lìm, và Tom cho rằng Bernard đã đầu hàng nên anh dập máy xuống. “Cứ nghĩ đến việc người ta phải trả một trăm hai mươi đô chỉ để có một cái điện thoại ở đất nước này,” Tom nói. “Tôi xin lỗi vì tràng la hét vừa rồi.”
“À, tôi vẫn nghe nói là các cuộc điện thoại ở Pháp chất lượng kém lắm,” Chris nói. “Nó có quan trọng không? Heloise à?”
“Không, không.”
Chris đứng dậy. “Tôi muốn anh xem sách hướng dẫn du lịch của tôi. Được chứ?” Cậu ta chạy lên gác.
Tom nghĩ việc cảnh sát Pháp hoặc Anh – thậm chí có khi cả cảnh sát Mỹ – thẩm vấn anh về ông Murchison chỉ là vấn đề thời gian. Tom hy vọng Chris không có mặt ở đây khi chuyện đó xảy ra.
Chris mang theo ba quyển sách xuống. Cậu ta có quyển Guide Bleu cho Pháp, một quyển sách nghệ thuật về các lâu đài của Pháp, và một quyển sách to về Rheinland, nơi cậu ta định cùng Gerald Hayman tới du lịch khi Gerald từ Strassburg về.
Christopher nhấm nháp một ly brandy với vẻ sung sướng, cố tình kéo dài. “Tôi nghiêm túc hoài nghi về giá trị của chế độ dân chủ. Một người Mỹ mà lại nói như thế thì thật kinh khủng, không phải sao? Nền dân chủ phụ thuộc vào việc mọi người đều có một trình độ giáo dục tối thiểu nhất định, và nước Mỹ cố gắng cho tất cả mọi người đều được nhận – nhưng chúng ta thật sự đâu có được như thế. Và cũng không phải tất cả mọi người đều muốn có sự giáo dục ấy…”
Tom chỉ nghe loáng thoáng. Nhưng những câu bình luận ngẫu hứng của anh có vẻ làm Chris thỏa mãn, ít nhất là trong buổi tối đó.
Điện thoại lại reo. Tom để ý thấy lúc ấy là mười một giờ kém năm theo chiếc đồng hồ bạc trên bàn đặt điện thoại.
Một giọng nam nói bằng tiếng Pháp thông báo rằng anh ta là một sĩ quan cảnh sát, xin lỗi vì đã gọi điện vào giờ này, nhưng không biết có anh Ripley ở đó không? “Chúc buổi tối tốt lành. Anh có tình cờ biết một người Mỹ tên là Thomas Murchison không?”
“Có,” Tom nói.
“Gần đây ông ta có tình cờ ghé thăm anh không? Thứ Tư? Hoặc thứ Năm?”
“Có, ông ấy đã tới đây.”
“À, tốt quá! Ông ta có đang ở chỗ anh không?”
“ Không, ông ấy đã quay lại Luân Đôn vào thứ Năm.”’
“Không có chuyện đó. Nhưng người ta đã tìm thấy va-li của ông ta ở sân bay Orly. Ông ta đã không lên chuyến bay mà ông ta định đi.”
“ Ồ?”
“Anh có phải là bạn của ông Murchison không, anh Reeply?”
“Không, không phải bạn bè gì. Tôi mới chỉ quen ông ấy một thời gian ngắn.”
“Ông ta đã đi từ nhà anh tới sân bay Orly kiểu gì?”
“Tôi đã lái xe chở ông ấy – vào tầm ba rưỡi chiều ngày thứ Năm.”
“Anh có quen người bạn nào của ông ta ở Paris – nơi biết đâu ông ta đang ngủ lại không? Vì ông ta không có mặt trong bất kỳ khách sạn nào ở Paris hết.”
Tom dừng lại, ngẫm nghĩ. “Không. Ông ấy không đề cập tới bất kỳ người nào hết.”
Rõ ràng chuyện này khiến viên sĩ quan thất vọng. “Anh nhớ ở nhà trong mấy ngày tới nhé, anh Reeply?... Chúng tôi có thể muốn nói chuyện với anh…”
Lần này Christopher tò mò. “Có chuyện gì thế?”
Tom mỉm cười. “À… có người hỏi tôi xem một người bạn của tôi đang ở đâu. Tôi không biết.”
Ai là người đang xới tung chuyện về ông Murchison lên nhỉ, Tom tự hỏi? Người ở Tate Gallery à? Cảnh sát Pháp ở sân bay Orly, là họ khơi ra à? Hay là người vợ của ông Murchison ở Mỹ không biết chừng?
“Heloise như thế nào?” Christopher hỏi.