T
om mơ màng tỉnh giấc khi bà Annette gõ cửa phòng. Bà ta mang cà phê đen lên cho anh.
“Buổi sáng tốt lành, anh Tome! Hôm nay trời đẹp lắm!”
Đúng là mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ, một thay đổi thần kỳ so với ngày hôm qua. Tom nhấp cà phê, để ma thuật màu đen của nó lan đi trong cơ thể, sau đó đứng dậy thay đồ.
Tom gõ cửa phòng Chris. Vẫn còn thời gian để bắt chuyến tàu lúc 9 giờ 52.
Chris đang ngồi trên giường, một tấm bản đồ lớn trải rộng trên hai đầu gối cậu ta. “Tôi đã quyết định lên chuyến tàu lúc mười một giờ ba hai – nếu anh thấy không vấn đề gì.
Tôi thích được ngồi biếng nhác trên giường như thế này một lúc nữa.”
“Chắc chắn là được rồi,” Tom nói. “Cậu nên nhờ bà Annette mang cho ít cà phê.”
“À, như thế thì hơi quá.” Chris bật dậy khỏi giường. “Tôi nghĩ mình sẽ đi dạo một vòng vậy.”
“Được rồi. Vậy gặp cậu sau nhé.”
Tom xuống nhà. Anh đun nóng cà phê và rót thêm một tách nữa trong bếp, đứng nhìn ra ngoài cửa sổ, nhấm nháp cà phê. Anh thấy Chris rời khỏi nhà, mở cánh cổng lớn ra. Cậu ta rẽ trái, lối đi vào làng. Chắc là cậu ta định đi mua một cốc cà phê sữa và bánh sừng bò trong một quán bar-cà phê, cho đúng chất Pháp.
Rõ ràng là Bernard vẫn còn say ngủ, đáng mừng thật.
Lúc chín giờ mười, điện thoại reo. Một giọng Anh cẩn trọng nói: “Tôi là thanh tra điều tra Webster, đội cảnh sát thành phố Luân Đôn. Có anh Ripley ở đó không?”.
Chẳng lẽ đây là nhạc nền cho sự tồn tại của anh sao? “Có, đang nói đây.”
“Tôi gọi điện từ sân bay Orly. Tôi muốn được gặp anh sáng nay, nếu có thể.”
Tom muốn nói rằng buổi chiều sẽ thuận tiện hơn, nhưng lúc này tính cả gan thường ngày lại không hiện diện trong anh, và anh cũng cảm thấy nhỡ đâu viên thanh tra này lại nghi ngờ anh dành buổi sáng để cố gắng giấu giếm thứ gì đó thì sao. “Buổi sáng hôm nay cũng được. Anh đến bằng tàu à?”
“Tôi nghĩ là mình sẽ đi tắc-xi,” giọng nói cất lên một cách bình thản. “Quãng đường không xa cho lắm. Đi tắc-xi thì mất bao lâu nhỉ?”
“Khoảng một tiếng đồng hồ.”
“Vậy tôi sẽ gặp anh trong khoảng một tiếng nữa.”
Lúc ấy Chris vẫn còn ở đây. Tom rót thêm một tách cà phê và mang lên cho Bernard. Anh muốn giữ bí mật về sự hiện diện của Bernard với thanh tra Webster, nhưng trong hoàn cảnh này, và cũng không biết Chris có bật ra cái gì không, Tom nghĩ khôn ngoan nhất là đừng cố giấu Bernard đi làm gì.
Bernard đã tỉnh giấc, đang nằm ngửa, đầu đặt giữa hai cái gối, các ngón tay lồng vào nhau dưới cằm. Chắc anh ta đang thiền định sáng sớm.
“Chào buổi sáng, Bernard. Muốn uống cà phê không?”’
“Có, cảm ơn anh.”
“Một tiếng nữa sẽ có một người từ sở cảnh sát Luân Đôn đến đây. Có thể anh ta sẽ muốn nói chuyện với anh. Chuyện về ông Murchison, tất nhiên rồi.”
“Được rồi,” Bernard nói.
Tom chờ tới khi anh ta đã nhấp một, hai ngụm cà phê gì đó. “Tôi không cho đường vào đâu. Tôi không rõ anh có thích không.”
“Không quan trọng. Cà phê rất ngon.”
“Bernard này, hiển nhiên tốt nhất là anh cứ nói chưa bao giờ gặp ông Murchison, chưa bao giờ nhìn thấy ông ta. Anh cũng chưa bao giờ trò chuyện với ông ta trong quán bar ở khách sạn Mandeville đó. Anh hiểu chứ?” Tom hy vọng lời nói của mình có tính ép buộc.
“Hiểu.”
“Thêm nữa, anh thậm chí còn chưa một lần nghe đến cái tên Murchison, dù là nghe qua Jeff và Ed. Như anh biết đấy, hiện giờ anh không phải là một người bạn thân của Jeff hay Ed nữa. Các anh đều quen nhau, nhưng Jeff và Ed chẳng việc gì phải phí công kể cho anh chuyện có một người Mỹ… nghi ngờ bức ‘Đồng Hồ’ không phải là tranh thật.”
“Được rồi,” Bernard nói. “Tất nhiên.”
“Và… chuyện dễ nhớ nhất đây, vì nó là sự thật,” Tom tiếp tục, như thể đang nói với một lớp học sinh không chăm chú lắng nghe cho lắm, “anh mới chỉ đến đây chiều hôm qua, quá hai mươi tư tiếng sau khi ông Murchison ra về để tới Luân Đôn. Theo lẽ tự nhiên, anh chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói đến ông ta. Hiểu rõ chưa, Bernard?”.
“Hiểu rõ rồi,” Bernard nói. Anh ta đã chống một khuỷu tay dậy.
“Có muốn ăn gì không? Trứng nhé? Hoặc tôi có thể mang một chiếc bánh sừng bò lên cho anh. Bà Annette vừa ra ngoài mua vài cái.”
“Không, cảm ơn.”
Tom đi xuống nhà.
Bà Annette đang từ bếp vào. “Anh Tome, xem này.” Bà ta cho anh xem trang đầu tờ báo của bà ta. “Đây không phải là quý ông, ông Murcheeson mới đến đây chơi hôm thứ Năm sao? Họ nói rằng họ đang tìm ông Murcheeson đấy!”
A la recherche de M. Murcheeson…Tom nhìn bức ảnh ông Murchison rộng bằng hai cột báo, trọn mặt, hơi tươi cười, ở góc dưới bên trái của tờ Le Parisien - Ấn bản Seine et Marne. “Đúng thế,” Tom nói. Nó viết:
Thomas F. Murchison, 52 tuổi, người Mỹ, được tuyên bố đã mất tích từ chiều thứ Năm, ngày 17 tháng Mười. Va-li của ông ta được tìm thấy ở cửa ga đi ở sân bay Orly, nhưng ông ta không lên chuyến bay về Luân Đôn như đã đặt. Ông Murchison là một giám đốc kinh doanh ở New York, và đã tới thăm một người bạn ở vùng Melun. Vợ ông ta, bà Harriet ở Mỹ đã bắt đầu điều tra với sự giúp sức của cảnh sát Anh và Pháp.
Tom biết ơn vì họ không đề cập đến tên anh.
Chris bước vào cửa trước, tay cầm vài quyển tạp chí nhưng không có một tờ báo nào. “Xin chào anh Tom! Chào bà! Hôm nay thật là một ngày đẹp trời!”
Tom chào cậu ta rồi nói với bà Annette, “Tôi cứ tưởng đến giờ này người ta đã tìm được ông ấy rồi chứ. Nhưng thực tế thì… sáng nay sẽ có một người Anh đến đây hỏi tôi vài chuyện đấy”.
“Vậy à? Sáng nay sao?”
“Trong khoảng nửa tiếng nữa.”
“ Thật là bí ẩn!” Bà ta nói.
“Chuyện gì bí ẩn cơ?” Chris hỏi Tom.
“Ông Murchison. Báo hôm nay có đăng hình ông ấy.”
Chris hào hứng nhìn bức ảnh và chậm rãi đọc to vài câu bên dưới ảnh, chuyển nghĩa. “Trời ơi! Vẫn mất tích sao!”
“Bà Annette,” Tom nói, “tôi không chắc liệu người Anh đó có ở lại ăn trưa hay không. Bà cứ nấu cho bốn người được không?”.
“Được chứ, anh Tome.” Bà ta đi vào bếp.
“Người Anh nào?” Chris hỏi. “Lại có thêm một người nữa hả?”
Tiếng Pháp của Chris đang tiến bộ nhanh chóng, Tom nghĩ thầm. “Phải, anh ta đến để hỏi chuyện về ông Murchison. Cậu biết đấy… nếu cậu muốn lên chuyến tàu lúc mười một rưỡi thì…”
“Thế… tôi ở lại được không? Có một chuyến tàu lúc mười hai giờ hơn, và tất nhiên chiều nay cũng vẫn còn vài chuyến nữa. Tôi tò mò không biết họ đã tìm hiểu được những gì về ông Murchison rồi. Theo lẽ tự nhiên… tôi sẽ không ở lại phòng khách khi anh nói chuyện với người đó, nếu anh muốn ở riêng với anh ta.”
Tom thấy phiền phức, nhưng vẫn nói, “Sao lại không? Có gì bí mật đâu”.
Viên thanh tra điều tra đến lúc mười rưỡi bằng tắc-xi. Tom đã quên chỉ đường cho anh ta đến nhà anh, nhưng anh ta nói là mình đã hỏi đường ở bưu điện.
“Anh có một ngôi nhà thật xinh đẹp!” Viên thanh tra vui vẻ nói. Anh ta tầm bốn lăm tuổi, mặc quần áo đơn giản. Anh ta có mái tóc đen, mỏng, bụng hơi phệ, đeo cặp kính gọng đen mà qua đó anh ta nhìn đời một cách cảnh giác và lịch sự. Trên thực tế, nụ cười nhã nhặn của anh ta có vẻ luôn thường trực. “Anh sống ở đây lâu chưa?”
“Ba năm rồi,” Tom nói. “Anh không muốn ngồi xuống sao?” Tom đã ra mở cửa vì bà Annette không nhìn thấy tắc-xi đến và giờ Tom cũng cầm áo khoác giúp viên thanh tra.
Viên thanh tra mang theo một chiếc cặp táp màu đen nhỏ gọn có vẻ chỉ chứa được một bộ âu phục và anh ta cầm theo chiếc cặp này tới sô-pha, như thể không có thói quen xa cách nó. “Chà… việc cần giải quyết thì phải giải quyết trước. Lần cuối cùng anh gặp ông Murchison là khi nào?”
Tom ngồi xuống một cái ghế lưng thẳng. “Thứ Năm tuần trước. Tầm ba rưỡi chiều. Tôi đã chở ông ấy đến sân bay Orly. Ông ấy chuẩn bị đến Luân Đôn.”
“Tôi biết.” Webster mở chiếc cặp táp đen và lấy một quyển sổ ra, rút một cái bút khỏi túi áo. Anh ta ghi chép một lát. “Lúc ấy tâm trạng ông ta có vui vẻ không?” Anh ta hỏi, mỉm cười. Anh ta lấy một điếu thuốc lá ra khỏi túi áo khoác và nhanh nhẹn châm lên.
“Có.” Tom định nói rằng trước đó anh đã tặng ông ta một chai Margaux hảo hạng, nhưng không muốn nhắc đến hầm rượu của mình.
“Và theo tôi biết thì ông ta cầm theo tranh của mình. Bức ‘Đồng Hồ.’”
“Đúng thế. Được bọc giấy nâu.”
“Rõ ràng là đã bị lấy cắp ở sân bay Orly rồi. Đây là bức tranh mà ông Murchison nghĩ là tranh giả à?”
“Ông ấy bảo là ông ấy nghi ngờ như vậy – ban đầu là thế.”
“ Anh có thân với ông Murchison không? Quen được bao lâu rồi?”
Tom giải thích. “Tôi nhớ đã nhìn thấy ông ấy đi vào văn phòng của phòng triển lãm, mà theo tôi nghe nói thì Derwatt cũng ở đó. Vậy nên… khi tôi nhìn thấy ông Murchison ở quán bar khách sạn tôi ở tối hôm đó, tôi đã nói chuyện với ông ấy. Tôi muốn hỏi xem Derwatt thế nào.”
“Tôi hiểu rồi. Sau đó thì sao?”
“Chúng tôi uống rượu cùng nhau và ông Murchison tán gẫu với tôi về suy nghĩ có vài bức tranh Derwatt đã bị làm giả… dạo gần đây. Tôi kể là tôi cũng có vài bức Derwatt trong nhà mình ở Pháp và liệu ông ấy có muốn ghé qua ngắm chúng không. Nên chiều thứ Tư chúng tôi đã cùng nhau về đây và ông ấy qua đêm ở đây.”
Viên thanh tra điều tra ghi chép lại thông tin. “Anh tới Luân Đôn chỉ để xem triển lãm tranh Derwatt à?”
“À không phải thế.” Tom khẽ cười. “Vì hai việc. Tôi phải thú nhận là một phần vì triển lãm Derwatt, phần còn lại vì sinh nhật của vợ tôi vào tháng Mười một và cô ấy thích đồ Anh Quốc. Áo len và quần dài. Trên phố Carnaby. Tôi đã mua vài món đồ ở Burlington Arcade…” Tom liếc nhìn cầu thang và định chạy lên lấy cái kẹp vàng hình con khỉ nhưng tự kiềm chế lại. “Lần này tôi không mua một bức tranh Derwatt nào nhưng đã cân nhắc đến việc mua bức ‘Bồn Tắm’. Bức duy nhất còn chưa được bán vào thời điểm ấy.”
“Có phải anh – à đấy – mời ông Murchison đến nhà chơi với suy nghĩ biết đâu tranh của anh cũng là tranh giả không?”
Tom ngập ngừng. “Thú thật là tôi cũng có chút hiếu kỳ về chuyện đó. Nhưng tôi chưa bao giờ nghi ngờ hai bức tranh của mình. Sau khi xem tranh của tôi thì ông Murchison cũng nghĩ chúng là đồ thật.” Tom chắc chắn sẽ không thuật lại lý thuyết màu tím oải hương của ông Murchison. Và thanh tra Webter có vẻ cũng không mấy hứng thú với hai bức tranh Derwatt của Tom, chỉ thèm ngoái lại nhìn bức “Đôi Ghế Đỏ” sau lưng anh ta có vài giây rồi quay lại nhìn bức “Người Ngồi Trong Ghế” trước mặt.
“Tôi e hội họa không phải là thế mạnh của mình. Tranh hiện đại. Anh sống riêng à, anh Ripley? Anh và vợ anh?”
“ Phải, chỉ có thêm đúng bà quản gia của tôi, bà Annette mà thôi. Hiện giờ vợ tôi đang ở Hy Lạp.”
“Tôi muốn gặp bà quản gia của anh,” viên thanh tra nói, vẫn mỉm cười.
Tom chuẩn bị đi vào bếp để gọi bà Annette ra thì đúng lúc ấy Chris đi xuống nhà. “À, Chris. Đây là thanh tra điều tra Webster. Từ Luân Đôn. Đây là khách của tôi, Christopher Greenleaf.”
“Chào anh,” Chris nói, chìa tay ra, háo hức được gặp một nhân viên cảnh sát Luân Đôn.
“Chào cậu,” Webster nhã nhặn chào, cúi người bắt tay Chris. “Greenleaf. Richard Greenleaf. Anh ta là bạn anh phải không, anh Ripley?”
“Đúng thế. Và Chris là em họ của cậu ấy.” Gần đây Webster hẳn đã tìm hiểu thông tin về anh, Tom nghĩ, hẳn đã đào bới hồ sơ để xem Tom Ripley có tiền án tiền sự gì không, vì anh không nghĩ lại có người nhớ nổi tên của Dickie sau khoảng thời gian sáu năm dài. “Thứ lỗi cho tôi chút nhé, tôi sẽ đi gọi bà Annette.”
Bà Annette đang lột vỏ một thứ gì đó ở bồn rửa. Tom hỏi bà ta có thể vào phòng khách để gặp quý ông đến từ Luân Đôn không. “Chắc là anh ta biết nói tiếng Pháp.”
Sau đó, khi Tom quay về phòng khách thì Bernard đang đi xuống cầu thang. Anh ta mặc quần của Tom và mặc áo len mà không có áo sơ mi. Tom giới thiệu anh ta với Webster. “Anh Tufts là một họa sĩ. Từ Luân Đôn.”
“Ồ,” Webster nói. “Vậy anh có gặp ông Murchison lúc ở đây không?”
“Không,” Bernard nói, ngồi xuống một chiếc ghế bọc nhung màu vàng lưng thẳng. “Tôi mới đến đây hôm qua.”
Bà Annette đi vào.
Thanh tra điều tra Webster đứng dậy, mỉm cười và nói, “Rất vui được gặp bà.” Anh ta tiếp tục nói bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo dù vẫn đặc sệt giọng Anh, “Tôi đến đây để điều tra về việc ông Thomas Murchison mất tích”.
“À, phải rồi! Tôi mới đọc được tin này trên báo sáng nay,” bà Annette nói. “Vẫn chưa tìm được ông ấy à?”
“Không, thưa bà.” Lại một nụ cười nữa, như thể anh ta đang nói về một chuyện gì đó cực kỳ thú vị. “Có vẻ bà và anh Ripley là những người cuối cùng nhìn thấy ông ta. Hay cả cậu nữa, cậu Greenleaf?” Anh ta hỏi Chris bằng tiếng Anh.
Chris lắp bắp nhưng vẫn trả lời thành thật không thể bác bỏ. “Không, tôi chưa từng gặp ông Murchison.”
“Hôm thứ Năm ông Murchison rời khỏi nhà này lúc mấy giờ, bà Annette? Bà có nhớ không?”
“À, chắc tầm… Ngay sau bữa trưa. Tôi đã chuẩn bị bữa trưa khá sớm. Cứ áng chừng là ông ấy đi lúc hai rưỡi.” Tom giữ im lặng. Bà Annette nói chính xác.
Điều tra viên hỏi Tom, “Ông ta có nhắc đến tên bất kỳ một người bạn nào ở Paris không? Xin bà thứ lỗi nhé, tôi có thể nói bằng tiếng Pháp mà nhỉ”.
Nhưng cuộc trò chuyện tiếp tục bằng cả hai thứ tiếng, thỉnh thoảng Tom, thỉnh thoảng Webster dịch lại cho bà Annette vì Webster muốn nghe ý kiến đóng góp của bà ta, nếu có.
Ông Murchison không nhắc đến tên một người nào ở Paris cả và Tom nói rằng anh không nghĩ ông ta định gặp ai ở sân bay Orly.
“Anh biết đấy, việc ông Murchison và bức tranh của ông ta biến mất – hai chuyện này có thể liên quan tới nhau,” điều tra viên Webster nói. (Tom giải thích cho bà Annette là bức tranh mà ông Murchison mang theo đã bị đánh cắp ở sân bay Orly, và bà Annette sung sướng nhớ ra là đã nhìn thấy nó nằm cạnh va-li của ông ta trong hành lang trước khi ông ta đi. Chắc bà ta chỉ nhìn thoáng qua thôi, Tom nghĩ, nhưng đúng là may thật. Webster biết đâu lại nghi Tom đã tiêu hủy nó.) “Tập đoàn Derwatt, như tôi nghĩ mình có lý do để gọi như vậy, là một công ty lớn. Không chỉ có họa sĩ Derwatt dính dáng ở đây. Bạn bè của Derwatt, Constant và Banbury, sở hữu Buckmaster Gallery như nghề tay trái ngoài công việc chính của họ, nhiếp ảnh gia và phóng viên. Còn cả công ty cung cấp dụng cụ vẽ Derwatt.
Còn cả trường nghệ thuật Derwatt ở Perugia nữa. Nếu có việc làm giả ở đây thì nó đúng là một vụ lớn đấy!” Anh ta quay sang nói với Bernard. “Tôi nghĩ là anh biết anh Constant và Banbury, phải không anh Tufts?”
Tom cảm nhận một hồi chuông báo động khác, vì Webster hẳn phải đào sâu lắm mới biết được chuyện này: lâu nay Ed Banbury không hề đề cập đến tên Bernard trong nhóm bạn thân của Derwatt trên báo.
“Phải, tôi biết họ,” Bernard nói với vẻ có phần ngơ ngác, nhưng ít nhất thì anh ta không tỏ ra xúc động.
“Anh có nói chuyện với Derwatt ở Luân Đôn không?” Tom hỏi viên thanh tra.
“Không thể tìm được anh ta!” Điều tra viên Webster nói, giờ đang cười tươi roi rói. “Dù tôi cũng không cất công tìm anh ta, mà một người đồng nghiệp của tôi đã làm thế sau khi ông Murchison mất tích. Một điều thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn” – đến đây anh ta chuyển sang tiếng Pháp để cho cả bà Annette nghe – “đó là hoàn toàn không có thông tin về việc gần đây Derwatt đã nhập cảnh vào Anh từ Mexico hay bất kỳ nơi nào. Không chỉ trong mấy ngày vừa qua, khi mà có vẻ anh ta đã đến Anh Quốc, mà suốt cả mấy năm nay cũng vậy. Trên thực tế, ghi chép cuối cùng của sở Di cư cho biết Philip Derwatt đã rời khỏi đất nước cách đây sáu năm để sang Hy Lạp. Chúng tôi hoàn toàn không có hồ sơ ghi lại việc anh ta đã trở về. Như các anh chắc cũng biết, Derwatt bị cho là đã chết đuối hoặc tự tử đâu đó ở Hy Lạp.”
Bernard rướn người tới, cánh tay đặt trên đầu gối. Anh ta đang trấn tĩnh lại để đối đầu với thách thức hay chuẩn bị khai nhận tất cả đây?
“Phải, tôi từng nghe điều đó,” Tom nói với bà Annette, “Chúng tôi đang nói về họa sĩ Derwatt – có khả năng anh ta đã tự sát.”
“Vâng, thưa bà,” Webster lịch thiệp nói, “xin thứ lỗi cho chúng tôi một lúc nhé. Có chuyện gì quan trọng thì tôi sẽ nói bằng tiếng Pháp”. Rồi quay sang Tom, “Vậy có nghĩa là Derwatt đã đặt chân và thậm chí là rời khỏi Anh như Scarlet Pimpernel26 hoặc bóng ma”. Anh ta cười khẽ. “Còn anh, anh Tufts, theo tôi biết thì anh đã quen Derwatt từ xưa. Anh có gặp anh ta ở Luân Đôn không?”
26 Scarlet Pimpernel là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Baroness Orczy (1865 – 1947). Scarlet Pimpernel có biệt tài cải trang để thoát khỏi sự truy đuổi.
“Không.”
“Nhưng tôi đoán là anh đã tới xem buổi triển lãm của anh ta?” Nụ cười của Webster tương phản hoàn toàn với vẻ u ám của Bernard.
“Không, tôi định đi xem sau,” Bernard nghiêm trang nói. “Tôi bị… buồn bực với tất cả những gì liên quan tới Derwatt.”
Webster có vẻ đang đánh giá Bernard dưới một góc nhìn mới. “Vì sao?”
“Tôi… rất quý mến anh ấy. Tôi biết anh ấy không thích sự nổi tiếng. Tôi đã nghĩ… khi sự cuồng nhiệt này lắng xuống thì tôi sẽ tới gặp anh ấy trước khi anh ấy trở về Mexico.”
Webster cười và vỗ đùi. “Này, nếu anh tìm được anh ta thì nhớ báo lại cho chúng tôi. Chúng tôi muốn hỏi chuyện anh ta về vấn đề giả mạo tranh tiềm tàng này. Tôi đã nói chuyện với cả anh Banbury và Constant. Họ xem bức ‘Đồng Hồ’ và nói đó là tranh thật, nhưng tất nhiên là họ sẽ nói thế, theo ý tôi,” anh ta nói thêm khi mỉm cười liếc nhìn Tom, “vì chính họ bán bức tranh đó mà. Họ cũng nói rằng Derwatt đã kiên quyết khẳng định đó là tranh của anh ta. Nhưng sau rốt thì tôi chỉ mới có lời khai – hiện giờ nhé – của anh Banbury và Constant trong chuyện đó, vì chưa tìm được Derwatt hay ông Murchison. Nếu Derwatt phủ nhận nó hoặc biết đâu lại thấy nghi ngờ thì chắc sẽ thú vị lắm… À mà, tôi đâu có viết truyện trinh thám, kể cả trong trí tưởng tượng đi nữa!”. Webster cười vui vẻ, hai khóe miệng cong lên tươi tỉnh, và anh ta khẽ lắc người trên sô-pha. Nụ cười của anh ta hấp dẫn và có khả năng lây nhiễm, bất chấp hàm răng quá khổ và hơi ố vàng.
Tom biết Webster định nói gì: mấy người ở Buckmaster Gallery có đủ động cơ để khiến Derwatt ngậm miệng lại bằng cách nào đó hoặc kết liễu anh ta. Khiến cả ông Murchison ngậm miệng nữa. Tom nói, “Nhưng chính ông Murchison đã kể cho tôi cuộc trò chuyện của ông ấy với Derwatt. Ông ấy nói là Derwatt nhận ra bức tranh ấy. Điều khiến ông Murchison bận tâm là ông ấy nghĩ Derwatt có thể đã quên việc anh ta vẽ nó. Hay tôi phải nói là quên mất việc anh ta đã không vẽ nó. Nhưng có vẻ Derwatt vẫn nhớ là đã vẽ bức tranh ấy”. Giờ đến Tom cười.
Thanh tra điều tra Webster nhìn Tom và chớp mắt, giữ im lặng, theo Tom thấy thì có vẻ là muốn tỏ ra lịch sự. Cứ như thể anh ta đang nói, “Giờ tôi đã nhận được lời khai của anh rồi, mà nó cũng chẳng có giá trị cho lắm”. Cuối cùng Webster nói, “Tôi khá chắc chắn là có người nào đó vì một lý do nào đó nghĩ rằng ông Thomas Murchison đáng bị trừ khử. Tôi còn có thể nghĩ gì khác được nữa đây?”. Anh ta lịch sự chuyển ngữ câu này lại cho bà Annette.
Bà Annette nói, “Ở đây á!” và Tom cảm nhận được sự hốt hoảng của bà ta, dù anh còn không liếc nhìn.
Tom mừng vì Webster không biết chuyện anh quen Jeff và Ed, dù chỉ là quen sơ sơ. Thật buồn cười vì Webster còn không trực tiếp hỏi anh có quen họ không, Tom nghĩ. Hay là Jeff và Ed đã khai với anh ta là họ quen sơ sơ Tom Ripley vì anh đã mua hai bức tranh từ chỗ họ nhỉ? “Bà Annette, có thể chúng tôi cần ít cà phê. Tôi có thể mời anh uống cà phê không, thanh tra, hoặc bất kỳ đồ uống gì khác?”
“Tôi đã thấy một chai Dubonnet trên giá của anh. Tôi muốn uống một ít với đá và một lát chanh, nếu việc đó không quá phiền.”
Tom chuyển lời cho bà Annette.
Không ai muốn uống cà phê hết. Chris, dựa vào lưng một chiếc ghế gần ô cửa sổ kiểu Pháp, không muốn uống gì hết. Cậu ta có vẻ mê mẩn những chuyện đang diễn ra.
“Chính xác thì vì sao,” Webster hỏi, “ông Murchison lại nghĩ tranh của ông ta là giả?”.
Tom trầm ngâm thở dài. Câu hỏi này là dành cho anh. “Ông ấy đã nói về linh hồn của bức tranh. Còn cả cái gì đó về kỹ thuật vẽ nữa.” Tất cả đều mơ hồ.
“Tôi khá chắc chắn,” Bernard nói, “là Derwatt sẽ không dung túng việc giả mạo tác phẩm của anh ấy. Không cần hoài nghi về chuyện đó. Nếu anh ấy nghĩ bức ‘Đồng Hồ’ là tranh giả thì anh ấy sẽ là người đầu tiên lên tiếng. Anh ấy sẽ đi thẳng tới chỗ – tôi cũng không biết nữa – cảnh sát, tôi nghĩ vậy”.
“Hoặc đám người ở Buckmaster Gallery,” điều tra viên nói.
“Đúng thế,” Bernard nói một cách quả quyết. Anh ta đột ngột đứng dậy. “Mọi người thứ lỗi cho tôi một phút nhé?” Anh ta đi lên cầu thang.
Bà Annette phục vụ đồ uống cho Webster.
Bernard mang một quyển sổ màu nâu dày xuống, đã khá cũ nát, anh ta cố gắng tìm gì đó trong quyển sổ ấy trong lúc băng qua phòng. “Nếu ông muốn biết vài thông tin về Derwatt – thì tôi đã sao chép vài thứ trong nhật ký của anh ấy ở đây.
Chúng bị bỏ lại trong một cái va-li ở Luân Đôn khi anh ấy tới Hy Lạp. Tôi đã mượn chúng một thời gian. Nhật ký của anh ấy chủ yếu nói về hội họa, những khó khăn mà anh ấy phải đương đầu mỗi ngày, nhưng có một đoạn… Nó đây rồi. Nó đã bảy năm tuổi rồi. Đây thật sự là Derwatt. Tôi đọc lên nhé?”
“Anh cứ đọc đi,” Webster nói.
Bernard đọc, “‘Không có gì là tuyệt vọng đối với người nghệ sĩ trừ thời khắc người đó quay lại với Bản Ngã.’ Anh ấy viết Bản Ngã viết hoa, ‘Bản Ngã là một thấu kính phóng đại sự rụt rè, tự đắc, ích kỷ, tỉnh táo không bao giờ được nhìn kỹ. Thỉnh thoảng ta lại thoáng nhận ra nó giữa dòng đời, khi đó nó là nỗi khiếp hãi thực sự, và giữa các bức vẽ, và trong các kỳ nghỉ… nên đừng bao giờ đi nghỉ’”. Bernard cười khẽ. “‘Sự tuyệt vọng lớn lao ấy chứa đựng, ngoài sự đau khổ, những câu hỏi hão huyền kiểu như sống vì mục đích gì? Và cảm thán, tôi đã thiếu sót biết bao nhiêu! Và khám phá ra cả một chuyện còn tồi tệ hơn nữa mà đáng nhẽ tôi nên nhận ra từ lâu rồi mới phải, tôi thậm chí không thể dựa dẫm vào những người tự nhận yêu thương tôi vào thời điểm mà tôi cần đến họ. Người ta không cần đến họ khi mọi việc thuận lợi. Tôi không được phép bộc lộ bản thân trong khoảnh khắc yếu đuối này. Sau này nó sẽ, chắc là sẽ đánh ngược lại tôi, như một chỗ nương tựa đáng bị thiêu rụi… tối nay. Cứ để ký ức về những đêm mịt mù sống trong lòng tôi thôi.’ Đoạn tiếp theo nhé,” Bernard sùng kính nói. “‘Có thật những người có thể thật lòng tâm sự với nhau mà không sợ bị trả đũa sẽ có cuộc hôn nhân đẹp đẽ nhất không? Lòng tốt và sự tha thứ đã biến đi đâu trong thế giới này rồi? Tôi tìm thấy chúng trên gương mặt của những đứa trẻ ngồi làm mẫu cho tôi, ngắm nghía tôi, quan sát tôi với đôi mắt mở to ngây thơ không phán xét. Còn bạn bè? Trong khoảnh khắc vật lộn với kẻ thù là Tử thần, khả năng tự tử tiềm tàng gọi cho họ. Từng người một, họ không ở nhà, điện thoại không có người nghe, hoặc nếu có nghe thì cũng bảo tối nay bận – một công việc quan trọng nào đó mà họ không trốn được – và tôi đây thì quá kiêu hãnh chẳng thể gục ngã và nói rằng tôi nhất định phải gặp cậu tối nay! Đây là nỗ lực liên lạc cuối cùng. Thật đáng thương, thật con người, thật cao quý – còn gì thần thánh hơn là việc giao tiếp đây? Người sắp tự tử biết rằng nó có quyền năng diệu kỳ.’” Bernard gập quyển nhật ký lại. “Tất nhiên là anh ấy còn khá trẻ khi viết ra điều đó. Chưa đến ba mươi.”
“Rất truyền cảm hứng,” thanh tra nói. “Anh bảo anh ta viết đoạn nhật ký đó vào lúc nào ấy nhỉ?”
“Cách đây bảy năm. Vào tháng Mười một,” Bernard đáp lại. “Anh ấy đã cố tự tử ở Luân Đôn vào tháng Mười. Anh ấy viết ra đoạn nhật ký này khi hồi phục lại. Cũng không cần vật lộn nhiều. Chỉ uống thuốc ngủ mà thôi.”
Tom bất an lắng nghe. Anh chưa hề nghe đến chuyện Derwatt từng cố tự tử.
“Có thể anh nghĩ nó quá kịch,” Bernard nói với thanh tra. “Nhật ký của anh ấy không viết cho người ngoài đọc. Buckmaster Gallery giữ những quyển còn lại. Trừ phi Derwatt đòi lại.” Bernard bắt đầu lắp bắp, trông có vẻ không thoải mái, chắc là vì anh ta đang cẩn thận cố gắng nói dối.
“Vậy là anh ta thuộc tuýp thích tự tử à?” Webster hỏi.
“Ôi, không! Anh ấy có lúc vui lúc buồn chứ. Hoàn toàn bình thường. Ý tôi là, bình thường đối với một họa sĩ. Vào thời điểm viết đoạn nhật ký này thì anh ấy đang suy sụp. Một bức tranh bích họa bị từ chối, mà đấy là Derwatt thậm chí còn vẽ xong rồi. Người thuê từ chối nó vì có vài người khỏa thân trong tranh. Bức tranh được thuê để vẽ lên tường một bưu điện ở đâu đó.” Bernard cười như thể giờ thì chuyện đó không còn quan trọng nữa.
Và kỳ lạ thay, mặt của Webster bỗng trở nên trầm tư và nặng nề.
“Tôi đọc đoạn này lên để cho anh thấy rằng Derwatt là một người trung thực,” Bernard tiếp tục, ngoan cường. “Không một kẻ gian dối nào có thể viết ra điều này – hoặc bất kỳ một đoạn nào khác trong quyển sổ nhật ký này về chủ đề hội họa – hoặc đơn giản là về cuộc sống.” Bernard dùng mu bàn tay gõ mạnh lên quyển sổ. “Tôi chính là một trong những người quá bận rộn nên không tới gặp anh ấy khi anh ấy cần đến tôi. Tôi không hề biết là anh ấy lại rơi vào trạng thái xấu như vậy, anh hiểu chứ. Toàn bộ chúng tôi đều không biết. Anh ấy thậm chí còn cần tiền nhưng quá kiêu hãnh nên không hỏi mượn ai. Một người như vậy sẽ không ăn trộm, sẽ không tự… ý tôi là cho phép việc giả mạo tranh.”
Tom cứ ngỡ thanh tra Webster sẽ nghiêm trang nói “Tôi hiểu” như lúc trước, nhưng anh ta chỉ ngồi dang hai chân ở đó, tiếp tục trầm tư, một bàn tay thả xuống đùi.
“Tôi nghĩ những gì anh vừa đọc thật là phi thường,” Chris nói sau một hồi im lặng kéo dài. Khi không ai lên tiếng, cậu ta cúi đầu xuống rồi lại ngẩng lên như thể sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình.
“Sau đó còn có đoạn nhật ký nào nữa không?” Webster hỏi. “Tôi khá hứng thú với những gì anh vừa đọc, nhưng…”
“Một, hai đoạn gì đấy,” Bernard nói, lật sổ nhật ký ra. “Một đoạn cách đây sáu năm nhé. Chẳng hạn, ‘Việc mãi mãi thua kém là thứ duy nhất đuổi sự sợ hãi ra khỏi hành động sáng tạo,’ Derwatt vẫn luôn… nể phục tài năng của mình. Tôi cũng không biết phải diễn tả thành lời thế nào nữa.”
“Tôi nghĩ là tôi hiểu,” Webster nói.
Tom ngay lập tức cảm nhận được sự thất vọng gay gắt, có phần cá nhân của Bernard. Anh liếc nhìn bà Annette, bà ta đang dè dặt đứng sau sô-pha và trước khung cửa vòm.
“Anh có nói chuyện gì với Derwatt ở Luân Đôn không, dù là qua điện thoại?” Webster hỏi Bernard.
“Không,” Bernard nói.
“Hoặc là với Banbury hoặc Constant… khi Derwatt cũng ở đó?”
“Không. Tôi không thường gặp họ.”
Không một ai có thể nghi ngờ Bernard nói dối, Tom nghĩ thầm. Anh ta trông vô cùng trung thực.
“Nhưng anh vẫn giữ mối quan hệ tốt với họ chứ?” Webster hỏi, nghiêng đầu, trông có vẻ hơi hối lỗi vì câu hỏi như vậy. “Tôi biết là anh đã quen họ cách đây nhiều năm khi Derwatt còn sống ở Luân Đôn đúng không?”
“Đúng thế. Sao lại không giữ quan hệ tốt chứ? Nhưng ở Luân Đôn tôi hiếm khi đi chơi.”
“Anh có biết liệu Derwatt có người bạn nào,” Webster vẫn tiếp tục nói với Derwatt bằng tông giọng khá nhẹ nhàng của anh ta, “có máy bay trực thăng hoặc một chiếc thuyền hoặc vài chiếc thuyền có thể đưa anh ta vào nước Anh rồi bỏ đi – như mèo Xiêm hay người Pakistan không?”.
“Tôi không biết. Chắc chắn theo tôi biết là không có.”
“ Một câu hỏi nữa, chắc chắn là anh đã viết thư gửi Derwatt ở Mexico khi anh biết tin anh ta còn sống, đúng không?”
“Không, tôi không hề viết.” Bernard thở dốc, và yết hầu khá to của anh ta cho thấy có vẻ anh ta rơi vào trạng thái lo âu. “Như đã nói, tôi không liên hệ nhiều với… Jeff và Ed ở Buckmaster Gallery. Và họ cũng không biết gì về ngôi làng Derwatt sống hết, tôi biết điều đó vì các bức tranh được gửi đi bằng thuyền từ Vera Cruz. Tôi nghĩ là Derwatt có thể viết thư cho tôi nếu anh ấy muốn. Vì anh ấy không viết nên tôi cũng không viết thư cho anh ấy làm gì. Tôi cảm thấy…”
“Sao cơ? Anh cảm thấy gì?”
“Tôi cảm thấy là Derwatt đã kinh qua đủ thứ lắm rồi. Về mặt tinh thần. Có thể là ở Hy Lạp hoặc trước khi đến Hy Lạp. Tôi nghĩ là chuyện đó đã thay đổi anh ấy và khiến anh ấy cảm thấy chán ghét những người bạn cũ của mình, và nếu anh ấy không muốn liên lạc với tôi – thì đó là cách hành động và nhìn nhận của anh ấy.”
Tom có thể khóc vì Bernard. Anh ta đang nỗ lực hết mình dù đau đớn. Bernard khốn khổ như một người, không phải diễn viên, đang cố diễn kịch trên sân khấu và ghét từng giây từng phút một.
Thanh tra Webster liếc nhìn Tom rồi lại nhìn Bernard. “Lạ thật… Ý anh là Derwatt đã…”
“Tôi nghĩ Derwatt đã thấy ớn đến tận cổ,” Bernard ngắt lời, “thấy ớn với loài người khi anh ấy đến Mexico. Nếu anh ấy muốn ẩn dật thì tôi cũng không cần cố gắng phá vỡ ước muốn ấy làm gì. Đáng nhẽ tôi có thể đến Mexico và dành cả đời tìm kiếm anh ấy – tức là cho đến khi tôi tìm được anh ấy”.
Tom suýt nữa cũng tin vào những lời anh vừa được nghe. Anh tự nhủ mình phải tin vào những điều ấy. Nên anh bắt đầu tin. Tom ra quầy bar để rót thêm Dubonnet vào cốc của Webster.
“Tôi hiểu rồi. Và bây giờ – khi Derwatt trở về Mexico, và có thể là anh ta đã ra về rồi, anh không biết phải viết thư gửi đi đâu cho anh ta đúng không?” Webster hỏi.
“Chắc chắn là không. Tôi chỉ biết là anh ấy vẫn đang vẽ tranh và… theo tôi đoán, đang hạnh phúc.”
“Thế còn Buckmaster Gallery? Họ cũng không biết tìm anh ta ở đâu à?”
Bernard lại lắc đầu. “Theo tôi biết thì họ cũng chịu.”
“ Họ gửi số tiền mà anh ta kiếm được đi đâu?”
“Tôi nghĩ… là gửi tới một ngân hàng ở thành phố Mexico và họ sẽ chuyển nó cho Derwatt.”
Cảm ơn rất nhiều vì câu trả lời trôi chảy này, Tom nghĩ khi cúi xuống rót rượu Dubonnet ra. Anh rời khỏi phòng để lấy đá và cầm theo cái xô trên xe đẩy. “Thanh tra, anh ở lại ăn trưa với chúng tôi nhé? Tôi đã báo với quản gia của mình là sẽ giữ anh lại rồi đấy.”
Bà Annette đã đi vào bếp.
“Không, không, cảm ơn anh nhiều,” thanh tra Webster mỉm cười nói. “Tôi có hẹn ăn trưa với cảnh sát Melun. Tôi nghĩ đó cũng là dịp duy nhất tôi có thể thong thả trò chuyện với họ. Cực kỳ Pháp, phải không? Tôi phải tới Melun lúc một giờ kém mười lăm, nên việc tiếp theo tôi nên làm là gọi một chiếc tắc-xi.”
Tom gọi dịch vụ tắc-xi ở Melun.
“Tôi muốn đi dạo quanh khu đất của anh,” viên thanh tra nói. “Nó trông đáng yêu quá!”
Tom thấy đây có thể là động thái thay đổi tâm trạng, như một người đòi xem hoa hồng để tránh một buổi uống trà nói chuyện nhạt nhẽo, nhưng thực sự thì Tom không cho là vậy.
Chris hẳn đã định đi theo họ, cậu ta quá phấn khích với cảnh sát Anh, nhưng Tom liếc nhìn cậu ta phản đối, và đi riêng ra ngoài với viên thanh tra. Đi xuống những bậc thang đá mà hôm qua Tom đã suýt ngã sấp mặt, chỉ mới hôm qua thôi, trong lúc đuổi theo Bernard đang dầm mưa. Trời cũng chẳng nóng lắm, mặt cỏ đã gần khô. Thanh tra viên đút hai tay vào túi quần thụng. Tom nghĩ Webster không khẳng định trăm phần trăm là anh đã phạm tội, nhưng anh có cảm giác là mình cũng chưa hoàn toàn trong sạch trong mắt anh ta. Tôi đã chơi khăm chính quyền và họ biết chuyện đó. Sao Shakespeare lại xuất hiện trong đầu anh vào một buổi sáng kỳ quặc thế này chứ.
“Những cây táo. Đào. Anh hẳn là có một cuộc sống tuyệt vời ở đây. Anh có nghề nghiệp gì không, anh Ripley?”
Câu hỏi sắc bén như của một điều tra viên về nhập cư, nhưng đến giờ Tom đã quen với nó. “Tôi làm vườn, vẽ, và học những gì tôi muốn. Tôi không có nghề nghiệp nếu theo định nghĩa phải tới Paris hàng ngày hay thậm chí là hàng tuần. Tôi hiếm khi lên Paris.” Tom nhặt một hòn đá làm xấu bãi cỏ của anh lên và nhắm ném nó vào một thân cây. Hòn đá đập mạnh vào thân cây, và Tom cảm thấy đau nhói ở bên mắt cá chân bị trật.
“Và khu rừng này. Nó cũng là của anh à?”
“Không. Theo tôi biết thì đây là rừng cộng đồng. Hoặc của nhà nước. Thỉnh thoảng tôi thu gom một ít gỗ trong rừng, củi, từ những cái cây đã đổ. Anh có muốn đi dạo một chút không?” Tom ra dấu về phía đường mòn.
Thanh tra Webster tiến thêm năm đến sáu bước về phía đường mòn, nhưng sau khi đã liếc nhìn dọc con đường, anh ta quay lại. “Bây giờ thì thôi, cảm ơn anh. Tôi nghĩ mình nên ra chỗ tắc-xi rồi.”
Tắc-xi đang chờ ở cửa khi họ quay lại.
Tom chào tạm biệt viên thanh tra và Chris cũng vậy. Tom chúc anh ta “Bon appétit27.”
27 (Tiếng Pháp): Chúc ngon miệng.
“Thú vị quá!” Chris nói. “Thật đấy! Anh có dẫn anh ta đi xem ngôi mộ trong rừng không? Tôi đã không nhìn theo qua cửa sổ vì thấy như thế thật bất lịch sự.”
Tom mỉm cười. “Không.”
“Tôi đã định nói đến nó rồi nhưng lại nghĩ làm vậy thì tôi chẳng khác nào đứa ngốc vậy. Chỉ dẫn manh mối giả.” Chris cười. Đến cả răng của cậu ta cũng giống răng của Dickie, răng nanh nhọn hoắt còn những chiếc răng còn lại nằm khá hẹp trong miệng. “Cứ thử nghĩ mà xem nhỡ viên thanh tra đào nó lên để tìm ông Murchison thì sao?” Chris lại tiếp tục.
Tom cũng cười. “Phải, nếu tôi thả ông ấy xuống sân bay Orly rồi thì làm sao ông ấy quay về đây được nữa?”
“Ai đã giết ông ấy?” Chris hỏi.
“Tôi không nghĩ là ông ấy chết rồi,” Tom nói. “Bị bắt cóc à?”
“Không rõ. Có thể lắm. Cùng bức tranh của ông ấy. Tôi cũng không biết phải nghĩ gì nữa. Bernard đâu rồi?”
“Anh ta lên gác rồi.”
Tom lên gác thăm Bernard. Cửa phòng anh ta đóng kín. Anh gõ cửa và nghe có tiếng lầm bầm trả lời.
Bernard đang ngồi ở mép giường, hai tay đan vào nhau. Trông anh ta kiệt quệ và thảm thương.
Tom vui vẻ nói hết sức có thể, hoặc dám, “Mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp, Bernard. Tout va bien28”.
28 (Tiếng Pháp): Tốt lắm.
“Tôi đã thất bại,” Bernard đáp, với đôi mắt khốn khổ. “Anh đang nói về chuyện gì vậy? Anh đã thể hiện rất xuất sắc mà.”
“Tôi đã thất bại. Đó là lý do anh ta hỏi đủ thứ chuyện về Derwatt. Cách tìm ra anh ấy ở Mexico. Derwatt đã thất bại và tôi cũng thế.”