Đ
ó là một trong những bữa trưa chán ngán nhất mà Tom phải trải qua, gần như ngang tầm với bữa trưa cùng Heloise và cha mẹ cô sau khi Heloise thông báo cho họ biết là anh và cô đã kết hôn. Nhưng ít nhất thì bữa trưa này không kéo dài như thế. Bernard vẫn chìm đắm trong tâm trạng tuyệt vọng vô phương cứu chữa của một diễn viên, Tom thấy vậy, người vừa có một màn trình diễn mà tự anh ta thấy là thảm hoạ, vậy nên an ủi chẳng có ích gì. Bernard vẫn đang chịu đựng cảm giác kiệt sức – Tom cũng từng nếm trải – của một tuyển thủ sau khi đã dốc cạn sức lực.
“Anh biết không, tối qua,” Chris nói, uống nốt cốc sữa mà cậu ta đã uống cùng rượu vang, “tôi đã nhìn thấy một chiếc ô-tô lùi ra khỏi con đường mòn trong rừng ấy. Hẳn là tầm một giờ đêm. Tôi không nghĩ nó quan trọng. Chiếc xe lùi ra đường chính và bật đèn rất ít, như thể ai đó không muốn bị bắt gặp”.
Tom nói, “Chắc là… cặp tình nhân”. Anh sợ Bernard sẽ phản ứng theo một cách nào đó – như thế nào nhỉ? – khi nghe thấy chuyện này, nhưng dường như Bernard không để tâm lắm.
Bernard xin cáo lỗi và đứng dậy.
“Chúa ơi, thật đáng buồn khi anh ta cứ rầu rĩ như vậy,” Chris nói sau khi Bernard đã khuất khỏi tầm tai. “Tôi sẽ khởi hành ngay lập tức. Tôi hy vọng mình không ở lại đấy quá lâu.”
Tom muốn kiểm tra các chuyến tàu buổi chiều nhưng Chris lại có một ý tưởng khác. Cậu ta thích đi nhờ xe lên Paris hơn. Không thể can cậu ta cho nổi. Chris một mực tin rằng đó sẽ là một chuyến phiêu lưu thú vị. Giải pháp thay thế là một chuyến tàu lúc năm giờ chiều, theo Tom biết. Chris mang các va-li của cậu ta xuống dưới nhà và đi vào bếp để chào tạm biệt bà Annette.
Sau đó họ ra gara.
“Nhờ anh,” Chris nói, “chuyển lời chào tạm biệt anh Bernard giùm tôi nhé? Cửa phòng anh ta đóng kín. Tôi có cảm giác là anh ta không muốn bị làm phiền, nhưng tôi không muốn anh ta nghĩ tôi bất lịch sự”.
Tom trấn an cậu ta là anh sẽ giúp Bernard bình ổn lại. Tom lái chiếc xe Alfa Romeo ra.
“Anh có thể thả tôi xuống bất kỳ chỗ nào cũng được, thật đấy,” Chris nói.
Tom nghĩ Fontainebleau là chốn hợp lý nhất, có đường cao tốc tới Paris ở gần đài tưởng niệm. Chris trông đúng với bản chất của một thanh niên Mỹ cao ráo đang đi nghỉ hè, chẳng giàu cũng chẳng nghèo, và Tom nghĩ cậu ta sẽ dễ dàng xin đi nhờ xe lên Paris thôi.
“Vài ngày nữa tôi gọi cho anh nhé?” Chris hỏi. “Tôi hào hứng muốn biết chuyện gì đang diễn ra. Tất nhiên, tôi cũng sẽ theo dõi báo.”
“Được chứ,” Tom nói. “Để tôi gọi cho cậu nhé. Khách sạn Louisiane, đường Seine, đúng không?”
“Đúng. Tôi không thể diễn tả hết cảm giác tuyệt vời của mình – chỉ cần được tham quan bên trong một căn nhà Pháp đã mê ly rồi.”
À, cậu ta biết cách miêu tả đấy chứ. Nhưng mà, cậu ta cần gì phải nói với anh, Tom nghĩ. Trên đường về, Tom lái xe nhanh hơn thường lệ. Anh cảm thấy vô cùng lo lắng, nhưng lại không biết chính xác mình nên lo lắng về chuyện gì. Anh cảm thấy mất liên lạc với Jeff và Ed, và việc anh hoặc họ cố gắng liên lạc với nhau bây giờ cũng không khôn ngoan. Anh nghĩ tốt nhất là nên cố gắng thuyết phục Bernard ở lại đây. Chuyện đó có thể khó khăn. Nhưng quay trở lại Luân Đôn cũng có nghĩa là buổi triển lãm Derwatt sẽ lại đập thẳng vào mặt Bernard, các tấm poster trên đường phố, có khi còn phải gặp Jeff và Ed, hai người cũng đang lo sợ và mất thăng bằng. Tom cất xe vào gara và đi thẳng lên phòng Bernard, gõ cửa.
Không ai trả lời.
Tom mở cửa ra. Giường vẫn được gấp hệt như hồi sáng khi Bernard ngồi, và giờ anh nhìn thấy chỗ lõm nhẹ trên ga giường, nơi anh ta đã ngồi. Nhưng tất cả đồ đạc của Bernard đã biến mất, túi đeo vai, bộ đồ nhàu nhĩ mà Tom đã cất vào trong tủ áo. Anh qua xem phòng mình. Bernard cũng không có ở đó. Và không có một lời nhắn nào. Bà Clusot đang hút bụi trong phòng anh và Tom chào bà ta, “Xin chào bà”.
Anh đi xuống gác. “Bà Annette ơi!”
Bà Annette không ở trong bếp mà ở trong phòng của mình. Tom gõ cửa và sau khi nghe tiếng bà ta đáp lại, anh mở cửa ra. Bà Annette đang ngồi dựa vào đầu giường, đắp một cái chăn đan màu hoa cà, đọc Marie-Claire.
“Bà không cần đứng dậy đâu!” Tom nói. “Tôi chỉ muốn hỏi anh Bernard đâu rồi?”
“Cậu ta không ở trong phòng mình à? Chắc cậu ta ra ngoài đi dạo rồi.”
Tom không muốn kể với bà ta là có vẻ anh ta đã dọn hết đồ đạc và bỏ đi. “Anh ta không nói gì với bà à?”
“Không, thưa ngài.”
“Vậy thì…” Tom gượng cười. “Đừng lo nghĩ gì nữa. Có cuộc điện thoại nào không?”
“Không, thưa ngài. Và tối nay sẽ có bao nhiêu người dùng bữa vậy?”
“Hai người, tôi nghĩ vậy, cảm ơn bà, bà Annette,” Tom nói, nghĩ chắc Bernard sẽ quay lại. Anh ra ngoài và đóng cửa lại.
Chúa tôi, Tom nghĩ thầm, lao vào đọc vài bài thơ Goethe an ủi. Der Abschied hoặc một bài tương tự. Một chút sự vững chắc của người Đức, sức thuyết phục của Goethe dành cho sự ưu việt và – chắc là cả thiên tài nữa. Đó là điều anh cần. Tom rút quyển sách – Goethes Gedichte – xuống khỏi giá, và do số mệnh hoặc tiềm thức sắp đặt, anh mở ra đúng bài Der Abschied. Tom đã gần như thuộc lòng nó, dù anh sẽ chẳng bao giờ dám trích dẫn bài thơ này cho bất kỳ ai vì sợ giọng của mình không hoàn hảo. Giờ những dòng thơ đầu làm anh buồn bực:
Lass mein Aug’ den Abschied sagen,
Den mein Mund nicht nehmen kann!
Hãy để đôi mắt nói hộ lời bờ môi.
Schwer, wie schwer ist er zu tragen!
Und ich bin…
Tom giật mình khi nghe tiếng cửa ô-tô đóng sập lại. Có người đến. Bernard đã bắt tắc-xi quay lại, Tom nghĩ thầm.
Nhưng không, đó là Heloise.
Cô đứng đó, đầu để trần, mái tóc vàng dài tung bay trong gió, vụng về lấy ví ra.
Tom lao về phía cửa và mở tung nó ra. “Heloise!”
“Ôi, Tome!”
Họ ôm nhau. Ôi, Tome, ôi, Tome! Tom đã dần quen với cái tên mọt sách này, và khi nó được phát ra từ Heloise thì anh thích mê.
“Em cháy nắng hết rồi!” Tom nói bằng tiếng Anh, nhưng ý anh là da rám nắng. “Để anh đuổi gã này đi đã. Bao nhiêu tiền thế?”
“Một trăm bốn mươi franc.”
“Thằng khốn. Từ Orly gã chỉ phải…” Tom kìm nén từ anh chuẩn bị bật ra dù định nói bằng tiếng Anh. Tom trả hóa đơn. Lái xe không buồn giúp dỡ hành lý.
Tom mang tất cả các thứ vào nhà.
“Ôi, thật tuyệt khi được về nhà!” Heloise nói, dang rộng cánh tay. Cô quăng một cái túi to trông như tấm thảm – một sản phẩm của Hy Lạp – lên chiếc sô-pha vàng. Cô đang đi sandal da màu nâu, quần chuông màu hồng, và áo khoác có hai hàng cúc màu xanh navy kiểu Mỹ. Tom tự hỏi cô đã mua được cái áo đó ở đâu và bằng cách nào?
“Mọi chuyện đều tốt đẹp. Bà Annette đang nghỉ ngơi trong phòng,” Tom nói, chuyển sang tiếng Pháp.
“Em vừa trải qua một kỳ nghỉ kinh khủng khiếp!” Heloise ngồi dựa vào sô-pha và châm một điếu thuốc lên. Cô sẽ cần vài phút để bình tĩnh lại, nên anh bắt đầu mang va-li của cô lên gác. Cô hét lên với một cái va-li trong số đó vì trong va-li có một món đồ gì đó phải để dưới nhà, nên Tom bỏ nó lại và xách chiếc khác lên. “Anh có cần năng suất và đậm chất Mỹ như thế không?”
Không thì sao? Đứng đó chờ cô nghỉ ngơi chắc? “Có.” Anh mang các món đồ khác lên phòng của cô.
Khi anh xuống nhà, bà Annette đã ra phòng khách, bà ta và Heloise đang trò chuyện về Hy Lạp, du thuyền, căn nhà ở đó (rõ ràng là trong một ngôi làng nhỏ ven biển), nhưng Tom để ý là họ chưa nói về ông Murchison. Bà Annette thích Heloise vì bà ta thích phục vụ, và Heloise thì thích được phục vụ. Hiện giờ Heloise không cần gì cả, dù sau khi bà Annette khăng khăng nài nỉ, cô đồng ý uống một tách trà.
Sau đó Heloise kể cho anh về chuyến du lịch của cô trên Princesse de Grèce, du thuyền của một thằng ngốc tên là Zeppo, cái tên khiến Tom nghĩ đến anh em nhà Marx29. Tom đã xem ảnh của tên quái vật lông lá này, sự tự tin của gã ta có thể sánh ngang với mọi vua hàng hải của Hy Lạp, theo Tom đánh giá, dù Zeppo chỉ là con trai của một tên lừa đảo nhà đất nhỏ, người bé như hạt đậu. Một doanh nhân lừa gạt nhân viên của chính mình, bản thân lão ta cũng bị lừa bởi các ông trùm phát xít ở đó, theo lời Zeppo và Heloise, vậy nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền đến mức con trai lão ta có thể lượn lờ trên du thuyền, quẳng trứng cá muối cho lũ cá và đổ đầy sâm-panh vào bể bơi của du thuyền, sau đó còn đốt nóng bể bơi lên để có thể bơi được ở trong. “Zeppo phải giấu sâm-panh đi, nên anh ta đã đổ nó vào bể bơi,” Heloise giải thích.
29 Anh em nhà Marx là một nhóm năm diễn viên hài kịch người Mỹ đóng trong vaudeville, kịch sân khấu, phim, và TV.
“Thế ai ngủ với Zeppo? Không phải phu nhân tổng thống Mỹ chứ?”
“Bất kỳ ai,” Heloise nói bằng tiếng Anh, giọng ghê tởm, và phả khói ra.
Nhưng không phải Heloise, Tom chắc chắn. Thỉnh thoảng cô cũng – nhưng không thường xuyên – lả lơi, nhưng Tom chắc chắn là cô không nhảy lên giường của bất kỳ ai trừ anh từ khi họ kết hôn. Tạ ơn Chúa, không phải là Zeppo, một con khỉ đột đúng nghĩa. Heloise sẽ chẳng bao giờ mê gã ta được. Cách đối xử với phụ nữ của Zeppo có vẻ ghê tởm, nhưng thái độ của Tom với chuyện đó – một chuyện mà anh chẳng bao giờ dám bộc bạch với một người phụ nữ nào – là nếu phụ nữ chấp nhận nó ngay từ đầu chỉ để nhận một chiếc vòng tay kim cương hoặc một căn villa ở miền nam nước Pháp thì sao sau đó họ lại phàn nàn gì? Sự bực bội của Heloise chủ yếu là do ghen tị với một người phụ nữ tên là Norita, vì có một người đàn ông trên thuyền đã để ý đến Heloise. Tom chỉ lơ mơ lắng nghe những câu chuyện tầm phào ngớ ngẩn này, anh còn bận băn khoăn không biết làm sao để kể cho Heloise nghe các tin tức mới của mình mà không khiến cô phiền muộn.
Tom cũng đợi bóng dáng hốc hác của Bernard xuất hiện trước cửa bất kỳ lúc nào. Anh chậm chạp đi đi lại lại trong phòng, mỗi lần quay người đều liếc nhìn cửa. “Anh đã đến Luân Đôn.”
“Vậy à? Nó thế nào?”
“Anh mua quà cho em đấy.” Tom chạy lên gác – mắt cá chân của anh đã đỡ nhiều – và mang theo chiếc quần mua trên phố Carnaby trở xuống. Heloise mặc thử đồ trong phòng ăn. Nó vừa như in.
“Em mê nó quá!” Heloise nói, ôm chầm lấy Tom và hôn lên má anh.
“Anh đã về nhà cùng một người tên là Thomas Murchison,” Tom nói và tiếp tục kể những gì đã xảy ra cho cô nghe.
Heloise chưa nghe đến chuyện ông ta mất tích. Tom trình bày chuyện ông Murchison hoài nghi bức “Đồng Hồ” của ông ta là tranh giả, còn Tom thì tin tưởng là không có chuyện tranh của Derwatt bị làm giả, vậy nên, cũng giống cảnh sát, anh chẳng thể giải thích vì sao ông Murchison biến mất. Heloise không biết gì về phi vụ làm giả, cô cũng chẳng biết gì về khoản thu nhập Tom rút ra từ công ty Derwatt, tầm 12,000 đô la một năm, ngang với khoản tiền anh thu được từ cổ phần của Dickie Greenleaf. Heloise có hứng thú với tiền nhưng không có hứng thú với nguồn gốc của tiền. Cô biết chuyện tiền của gia đình cô cũng góp phần duy trì chi tiêu trong nhà của họ ngang với Tom, nhưng chưa bao giờ lôi nó ra cãi nhau với anh, và Tom biết là cô cũng chẳng để bụng, một tính cách nữa của Heloise mà anh đánh giá cao. Tom đã kể với cô là công ty Derwatt khăng khăng đòi trả cho anh một phần nhỏ doanh thu của họ vì anh đã giúp họ tổ chức doanh nghiệp nhiều năm trước, trước cả khi anh và Heloise gặp nhau. Thu nhập của Tom ở công ty Derwatt được gửi cho anh, hoặc được xử lý bởi một công ty ở New York là nhà phân phối các dụng cụ vẽ dán nhãn Derwatt. Một phần tiền này được Tom đầu tư lại ở New York, một phần thì anh chuyển đến Pháp để đổi thành đồng franc. Chủ tịch của công ty cung cấp dụng cụ vẽ Derwatt (tình cờ thay cũng là người Hy Lạp) biết rõ Derwatt không tồn tại và đang bị giả mạo.
Tom tiếp tục: “Một vấn đề nữa đây. Bernard Tufts – anh nghĩ là em chưa từng gặp anh ta – đang đến đây chơi vài ngày, và chiều nay anh ta có vẻ đã ra ngoài đi dạo – mang theo đồ đạc của mình. Anh cũng không rõ anh ta có quay lại đây hay không”.
“Bernard Toofts? Người Anh à?”
“Phải. Anh không thân với anh ta lắm. Anh ta là bạn của một người bạn. Anh ta là họa sĩ, hiện giờ có hơi suy sụp vì bạn gái. Chắc anh ta đã đến Paris. Anh chỉ nghĩ nên kể cho em biết về anh ta phòng trường hợp anh ta quay lại.” Tom cười. Anh ngày càng cảm thấy chắc chắn là Bernard sẽ không quay lại nữa. Phải chăng anh ta đã bắt tắc-xi tới sân bay Orly để nhảy lên chuyến bay đầu tiên về Luân Đôn mà anh ta mua vé được? “Với cả… một tin nữa là ngày mai chúng ta được mời tới nhà Berthelin ăn tối nhé. Họ sẽ sung sướng lắm khi thấy em đã về! À, suýt thì anh quên mất. Anh cũng đã tiếp một vị khách khác – Christopher Greenleaf, em họ của Dickie đấy. Cậu ta đã ở lại đây hai đêm. Em không nhận được thư anh kể chuyện cậu ta à?” Nhưng hẳn là cô chưa nhận được vì anh mới gửi hôm thứ Ba.
“Trời đất ơi, anh bận thật đấy nhỉ!” Heloise nói bằng tiếng Anh, giọng có phần ghen tị đến buồn cười. “Anh có nhớ em không đấy, Tome?”
Anh vòng tay ôm lấy cô. “Anh nhớ em nhiều lắm… thật sự đấy.”
Thứ mà Heloise muốn để dưới nhà hóa ra là một cái bình, thấp và vững chãi với hai tay cầm, trên bình có hai con bò đen cúi đầu gườm gườm nhau. Nó trông thật thú vị và Tom không hỏi nó có giá trị không, có phải đồ cổ không, hay bất kỳ một câu hỏi nào khác, vì tại thời điểm ấy anh không quan tâm. Anh bật bản nhạc Bốn Mùa của Vivaldi lên. Heloise đang dỡ đồ ở trên gác và nói rằng cô muốn đi tắm.
Đến sáu rưỡi tối, Bernard vẫn chưa về. Tom có cảm giác là anh ta đang ở Paris chứ không phải Luân Đôn, nhưng đó chỉ là cảm giác, một thứ mà anh không tin. Trong bữa tối mà anh và Heloise ăn ở nhà, bà Annette tán gẫu với Heloise về người Anh đã đến nhà sáng hôm nay để hỏi chuyện ông Murchison. Heloise có hứng thú nhưng không nhiều, và chắc chắn là cô không thấy lo lắng, theo Tom để ý. Cô quan tâm tới Bernard nhiều hơn.
“Anh nghĩ anh ta sẽ quay về đây à? Tối nay?”
“Thực ra thì… bây giờ anh không nghĩ như vậy nữa,” Tom nói.
Sáng thứ Năm đến và đi một cách bình yên, thậm chí còn chẳng có lấy một cú điện thoại, dù Heloise gọi điện cho ba hay bốn người gì đó ở Paris, gồm cả cha cô ở văn phòng Paris của ông. Giờ Heloise đang mặc quần Levi’s bạc màu và đi chân trần trong nhà. Chẳng có gì trong tờ Parisien hôm nay của bà Annette viết về ông Murchison hết. Buổi chiều khi bà Annette ra ngoài – bề ngoài là để mua đồ, nhưng thật sự thì chắc là để đến chỗ bà bạn Yvonne và kể cho bà này nghe việc Heloise đã về nhà và có một sĩ quan cảnh sát Luân Đôn tới nhà họ – Tom nằm ôm Heloise trên sô-pha vàng, uể oải, đầu dựa vào ngực cô. Sáng hôm ấy họ đã làm tình. Tuyệt diệu. Đáng ra đó phải là một sự kiện chấn động. Tom còn thấy nó chẳng quan trọng bằng việc ngủ cùng Heloise tối hôm trước, ôm cô trong tay. Heloise hay nói, “Ngủ với anh thích lắm, vì anh xoay người không giống như có động đất làm cả giường rung lên. Thật đấy, em còn chẳng biết anh xoay người lúc nào nữa”. Điều đó làm Tom hài lòng. Anh thậm chí còn chưa bao giờ hỏi ai là người tạo ra động đất trên giường. Heloise tồn tại. Điều đó đối với Tom thật kỳ lạ. Anh không thể xác định mục tiêu sống của cô. Cô giống như một bức tranh trên tường vậy. Cô từng nói có thể một ngày nào đó sẽ muốn có con. Trong lúc này, cô tồn tại. Dù bản thân Tom cũng chẳng dám khoe khoang về mục đích sống của mình sau khi đã đạt được cuộc sống hiện thời, nhưng anh vẫn cảm thấy có chút say mê khi nắm bắt những niềm vui thú mà giờ anh đã có đủ khả năng thực hiện, nhưng có vẻ Heloise thiếu cảm xúc say mê này, có thể vì cô đã có đủ đầy mọi thứ mà cô mong muốn từ ngày lọt lòng. Thỉnh thoảng Tom cảm thấy kỳ lạ khi làm tình với cô, vì phân nửa thời gian anh thấy mình tách biệt, như thể anh tìm kiếm khoái lạc từ một thứ vô tri vô giác, không thật, từ một cơ thể thiếu nhân dạng. Hay đó là do bản thân anh thấy e thẹn và có phần đạo đức nhỉ? Hay nỗi sợ bộc lộ bản thân trọn vẹn (về mặt tinh thần) đang dọa dẫm anh rằng “Nếu mình giao toàn bộ bản thân ra, nếu mình mất Heloise, mình không thể tồn tại được nữa”. Tom biết rằng anh có khả năng tin điều đó, kể cả chuyện liên quan đến Heloise, nhưng anh không thích tự thú nhận như thế, không cho phép điều đó xảy ra, và chắc chắn cũng chưa một lần nói vậy với Heloise, vì nó sẽ (trong tình trạng hiện giờ) là một lời nói dối. Theo anh cảm giác thì trạng thái dựa dẫm hoàn toàn vào cô chỉ là một khả năng có thể xảy ra. Nó chẳng hề liên quan tới tình dục, Tom nghĩ thầm, cũng không hề dựa vào tình dục. Thường thì Heloise coi thường những thứ mà anh cũng coi thường. Cô là một cộng sự, theo một cách nào đó, dù có phần thụ động. Có bạn đời là một cậu thanh niên hoặc một người đàn ông thì Tom chắc sẽ cười nhiều hơn – có thể đó chính là sự khác biệt chủ yếu. Vậy nhưng Tom nhớ có dịp họ ở cùng cha mẹ cô, khi anh nói, “Con chắc chắn là mọi thành viên của Mafia đều đã được rửa tội, thế điều đó có khiến họ trở nên tốt đẹp không?” và Heloise phá ra cười. Cha mẹ cô thì không. Họ (cha mẹ) bằng cách nào đó đã moi được từ chỗ Tom chuyện anh đã không được rửa tội ở Mỹ – một chuyện mà đến Tom còn thấy mơ hồ, nhưng chắc chắn là cô Dottie của anh chưa từng đề cập tới. Cha mẹ của Tom đã chết đuối khi anh còn rất nhỏ, vậy nên anh cũng chưa từng nghe họ nói về chủ đề này. Không thể giải thích điều đó với vợ chồng ông Plisson, những người theo Công giáo, là ở Mỹ, lễ rửa tội, lễ Mi-xa, thú tội, tai xỏ khuyên, địa ngục, và Mafia đều, theo một nghĩa nào đó, có tính Công giáo chứ không phải Tin Lành, Tom thì chẳng theo đạo nào cả, nhưng nếu anh chắc chắn về một chuyện gì đó thì đó là anh không phải người Công giáo.
Những lần Tom thấy Heloise sống động nhất là khi cô nổi khùng lên. Cô rất hay nổi khùng và nóng nảy. Tom không tính những lần nổi nóng vì có món đồ chậm chuyển từ Paris tới, khi Heloise thề thốt (chẳng tin được) là sẽ không bao giờ mua sắm ở mấy cái cửa hàng đó nữa. Những cơn thịnh nộ nghiêm trọng của cô xuất hiện lúc buồn chán hoặc có người châm chọc nhẹ lòng kiêu hãnh của cô, có thể xảy ra ngay khi một vị khách nào đó nói thẳng hoặc phủ nhận ý kiến của cô trong một cuộc thảo luận ở bàn ăn. Heloise sẽ kiềm chế cho tới khi vị khách hoặc các vị khách đó ra về – một nỗ lực đáng khen – nhưng sau đó, cô sẽ đi đi lại lại trong phòng, ném gối vào tường, gào thét, “Fous-moi la paix! - Salauds!” (“Cút ra khỏi đây! – Lũ hợm hĩnh!”) với Tom là khán giả duy nhất. Anh sẽ nói gì đó an ủi và đánh lạc hướng, Heloise sẽ rũ xuống, một giọt lệ chảy ra khỏi hai bên mắt, và một giây sau cô lại cười được. Tom đoán đó là tính La-tinh. Chắc chắn đây không phải tính Anh rồi.
Tom làm việc khoảng một tiếng đồng hồ trong vườn, rồi đọc cuốn Les Armes Secrètes của Julio Cortazar. Sau đó anh lên nhà và hoàn thành nốt bức chân dung của bà Annette – hôm nay là ngày nghỉ của bà ta, thứ Năm. Tới sáu giờ chiều, Tom gọi Heloise vào xem tranh.
“Nó không tệ đâu, anh biết không? Anh đâu có dành nhiều công sức cho nó lắm. Em thích nó đấy.”
Tom hài lòng với lời khen này. “Đừng cho bà ấy biết nhé.” Anh cất nó vào góc phòng chờ khô, mặt tranh quay vào phía tường.
Sau đó họ chuẩn bị để tới nhà Berthelin. Ăn mặc không quá trang trọng. Levi’s là được. Vincent là một ông chồng cũng làm việc ở Paris và cứ đến cuối tuần lại quay về ngôi nhà ở vùng nông thôn của mình.
“Cha có nói gì không?” Tom hỏi.
“Cha mừng vì em đã quay lại Pháp.”
Cha cô không thích anh lắm, Tom biết, nhưng ông cũng mơ hồ cảm nhận được là Heloise bỏ bê anh. Phẩm chất của giai cấp tư sản đấu tranh với việc có nên xía mũi vào chỉ trích tính cách người khác, Tom cho là vậy. “Còn Noelle?” Đó là một người bạn sống ở Paris mà Heloise yêu quý.
“À, cũng thế. Cô ấy bảo chán chết. Cô ấy chẳng bao giờ thích mùa thu.”
Nhà Berthelin, dù cũng khá giả, cố tình sống nghèo khó ở vùng nông thôn, với phòng vệ sinh ngoài nhà, bồn rửa trong bếp thì không có vòi nước nóng. Nước nóng được đun trong ấm trên bếp lò dùng củi. Khách của họ, nhà Clegg, cặp vợ chồng người Anh, tầm năm mươi tuổi, cùng tuổi với nhà Berthelin. Con trai của ông Vincent Bertherlin, người mà Tom chưa từng gặp bao giờ, là một thanh niên tóc đen hai mươi hai tuổi (ông Vincent kể cho Tom biết tuổi của cậu ta trong bếp, khi ông ta và Tom uống Ricards, ông Vincent nấu ăn), giờ đang sống cùng một cô bạn gái ở Paris, đang trên đà bỏ học kiến trúc ở Beaux Arts, một việc khiến ông Vincent lo lắng vô cùng. “Con bé đó không xứng đáng!” Ông Vincent nổi giận đùng đùng với Tom. “Đó là ảnh hưởng của nước Anh, cậu biết chứ?” Ông Vincent là người ủng hộ Charles de Gaulle.
Bữa tối xuất sắc, gà, cơm, xa-lát, phô mai, và bánh tart táo do bà Jacqueline nướng. Đầu óc Tom còn mải mê với những chuyện khác. Nhưng anh hài lòng, hài lòng đến mức mỉm cười, vì Heloise mang tâm trạng phấn chấn kể về hành trình ở Hy Lạp, cuối cùng họ còn thử rượu ouzo Hy Lạp mà Heloise mang đến.
“Vị tởm thật, cái rượu ouzo đấy! Còn chán hơn cả Pernod!” Heloise nói ở nhà, đánh răng ở bồn rửa trong phòng tắm của cô. Cô đã thay sang váy ngủ, một cái váy ngắn màu xanh dương.
Trong phòng mình, Tom mặc bộ pyjama mà anh mới mua ở Luân Đôn vào.
“Em xuống nhà lấy sâm-panh đây!” Heloise hét lên.
“Để anh lấy cho,” Tom vội vã xỏ dép vào.
“Em phải tống khứ cái vị này đi. Thêm vào đấy em cũng muốn uống sâm-panh. Xét cái thứ mà nhà Berthelin mang ra mời chúng ta uống, anh sẽ tưởng họ nghèo lắm. Rượu thường!” Cô chuẩn bị đi xuống nhà.
Tom ngăn cô lại.
“Để em lấy cho,” Heloise nói. “Lấy đá đi.”
Không hiểu sao Tom không muốn cô đi xuống hầm. Anh vào bếp. Anh vừa mới lôi một khay đá ra thì nghe có tiếng hét – một tiếng hét nghèn nghẹn do khoảng cách nhưng chính là tiếng hét của Heloise, một tiếng hét khủng khiếp. Tom lao qua hành lang.
Thêm một tiếng hét nữa vang lên và anh chạm mặt cô trong phòng vệ sinh thừa.
“Trời ơi! Có người treo cổ ở dưới đó!”
“Ôi, Chúa ơi!” Tom đỡ Heloise và dẫn cô lên cầu thang. “Đừng đi xuống, Tome! Nó kinh khủng lắm!”
Đó là Bernard, tất nhiên rồi. Tom run lập cập khi đi theo cô lên cầu thang, cô nói tiếng Pháp còn anh nói tiếng Anh.
“Hứa với em là anh sẽ không xuống đó đi! Gọi cảnh sát đi, Tome!”
“Được rồi, anh sẽ gọi cảnh sát.”
“Ai thế?”
“Anh không biết.”
Họ vào phòng ngủ của Heloise.
“Ở lại đây nhé!” Tom nói.
“Không, đừng bỏ mặc em!”
“Anh yêu cầu em đấy!” Tom nói bằng tiếng Pháp, chạy ra khỏi phòng và xuống cầu thang. Rượu scotch nguyên chất là tốt nhất, anh nghĩ. Heloise hiếm khi uống rượu nên nó sẽ có ích với cô ngay lập tức. Sau đó là đến thuốc an thần. Tom mang bình rượu cùng một cái cốc từ xe đẩy lên gác. Anh rót nửa cốc, và khi Heloise ngập ngừng, anh uống trước một ít rồi đặt cốc vào giữa môi cô. Răng cô đang va lập cập.
“Anh sẽ gọi cho cảnh sát chứ?”
“Có chứ!” Ít nhất thì đây cũng là vụ tự tử, Tom nghĩ. Điều đó chắc sẽ chứng minh được. Đây không phải là vụ giết người. Tom thở dài, run rẩy, gần như ngang với Heloise. Cô vẫn đang ngồi ở mép giường. “Uống sâm-panh có được không? Có rất nhiều sâm-panh.”
“Được. Không! Anh không được phép xuống dưới đó! Gọi cảnh sát đi!”
“Được rồi.” Tom xuống cầu thang.
Anh đi vào phòng vệ sinh thừa, do dự đúng một giây trước cánh cửa mở toang – đèn tầng hầm vẫn bật – rồi bắt đầu đi xuống cầu thang. Cả người anh run lên khi nhìn thấy một bóng người đen xì, treo lủng lẳng, đầu ngoẹo sang một bên.
Dây thừng rất ngắn. Tom chớp mắt. Dường như không có bàn chân. Anh tiến lại gần hơn.
Đó chỉ là hình nộm.
Tom mỉm cười, rồi cười lớn. Anh đập vào đôi chân èo uột – chẳng có gì ngoài một cái quần trống không, quần của Bernard Tufts. “Heloise!” Anh hét lên, chạy lên cầu thang, không quan tâm có đánh thức bà Annette không. “Heloise, đó chỉ làhình nộm thôi!” Anh nói bằng tiếng Anh. “Không phải thật đâu! Đó chỉ là ma-nơ-canh thôi! Em không cần sợ!”
Anh phải mất một lúc mới thuyết phục được cô. Chắc đó là trò đùa mà Bernard bày ra – có thể là cả Christopher nữa, Tom nói thêm. Dẫu sao thì anh đã sờ chân và anh chắc chắn.
Dần dần, Heloise chuyển sang giận dữ, một dấu hiệu bình phục. “Mấy gã người Anh này đùa ngu thật! Ngu ngốc! Dại dột!”
Tom cười nhẹ nhõm. “Anh sẽ xuống lấy sâm-panh! Cả đá nữa!”
Tom lại đi xuống nhà. Hình nộm móc vào một cái thắt lưng mà Tom nhận ra là của anh. Móc áo đỡ chiếc áo khoác màu xám sậm, quần được cài nút vào nút áo khoác, đầu là một cái giẻ xám, được buộc dây ở cổ. Tom vội vã lấy một cái ghế từ trong bếp – mừng thay là bà Annette hoàn toàn không tỉnh giấc suốt toàn bộ quá trình – quay xuống hầm và đưa hình nộm xuống. Thắt lưng móc vào đinh trên xà nhà. Tom bỏ bộ quần áo xuống sàn. Rồi anh vội vã chọn sâm-panh. Anh bỏ móc áo ra khỏi áo khoác, mang theo cả thắt lưng. Anh cũng lấy xô đá từ trong bếp, tắt đèn, rồi đi lên gác.