K
hi điện thoại reo, Tom đang ở ngoài vườn. Anh để cho bà Annette, quản gia của anh nghe máy, còn mình tiếp tục cạo lớp rêu ẩm ướt bám chặt lấy hai bên bậc thềm đá. Tháng Mười năm đó khá ẩm ướt.
“Thưa anh Tome!” Giọng the thé của bà Annette réo lên. “Luân Đôn gọi!”
“Đến đây,” Tom trả lời. Anh quẳng cái bay xuống và đi lên thềm.
Điện thoại dưới tầng ở trong phòng khách. Tom không thể ngồi xuống chiếc sô-pha vàng bọc xa-tanh vì anh đang mặc đồ Levi’s.
“Xin chào, Tom. Jeff Constant đây. Anh đã…” Rè.
“Anh nói to hơn một chút được không? Đường truyền kém quá.”
“Thế này đã rõ hơn chưa? Tôi vẫn nghe rõ tiếng anh nói mà.”
Mấy người ở Luân Đôn lúc nào cũng vậy. “Chỉ đỡ hơn chút thôi.”
“Anh đã nhận được thư của tôi chưa?”
“ Chưa,” Tom nói.
“Ôi. Chúng ta gặp rắc rối rồi. Tôi muốn cảnh báo cho anh. Có một…”
Rè rè, tắc bụp, một tiếng tích buồn tẻ, và họ đã mất kết nối.
“Chết tiệt,” Tom làu bàu. Cảnh báo cho anh? Có gì không ổn ở phòng triển lãm chắc? Với công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt? Cảnh báo cho anh? Tom có liên đới sâu đâu nhỉ. Đúng là anh đã vẽ ra ý tưởng về công ty đó, và anh cũng thu được một khoản thu nhập nhỏ từ nó, nhưng… Tom liếc điện thoại, đợi nó reo bất kỳ lúc nào. Hay anh nên gọi cho Jeff nhỉ? Thôi, anh nào có biết anh ta đang ở phòng triển lãm hay ở studio đâu. Jeff Constant là một nhiếp ảnh gia.
Tom tiến lại gần ô cửa sổ kiểu Pháp mở ra vườn sau. Anh nghĩ chắc mình sẽ tiếp tục cạo rêu thêm một chút nữa. Tom làm vườn thường xuyên, và anh thích dành một tiếng mỗi ngày cho việc đó, cắt cỏ bằng máy cắt cỏ đẩy tay, cào và đốt cành cây khô, nhổ cỏ dại. Đó là hoạt động rèn luyện sức khoẻ, và anh còn có thể mơ màng giữa ban ngày ban mặt. Anh chỉ vừa mới sờ tay đến cái bay thì điện thoại lại reo lên ầm ĩ.
Bà Annette đang tiến vào phòng khách, tay cầm một cái phất trần. Bà ta lùn tịt và rắn chắc, tầm sáu mươi tuổi, cũng khá hăng hái. Bà ta chẳng biết một từ tiếng Anh nào và có vẻ cũng chẳng đủ sức học dù chỉ là câu chào buổi sáng, một việc khiến Tom hết sức hài lòng.
“Tôi sẽ nghe máy,” anh nói và nhấc điện thoại lên.
“Xin chào.” Giọng Jeff vang lên. “Xem này, Tom, không biết anh có tới đây được không nhỉ. Tới Luân Đôn ấy, tôi…”
“Anh làm sao?” Đường truyền vẫn kém, nhưng không quá chập chờn như lúc trước.
“Tôi vừa nói… Tôi đã giải thích cặn kẽ trong thư rồi. Tôi không thể nói được ở đây. Nhưng chuyện này quan trọng lắm đấy, Tom.”
“Có ai phạm sai lầm gì à?... Bernard à?”
“Xét theo một khía cạnh nào đó thì đúng là vậy. Có một người từ New York đến đây, chắc mai sẽ tới.”
“Ai thế?”
“Tôi đã giải thích trong thư rồi đấy. Anh biết là buổi triển lãm của Derwatt sẽ khai mạc vào thứ Ba đúng không. Tôi sẽ giữ ông ta lại cho tới hôm đó. Ed và tôi đơn giản là không rảnh.” Giọng Jeff nghe có vẻ khá bất an. “Anh có thời gian không, Tom?”
“À… có.” Nhưng Tom không muốn tới Luân Đôn.
“Cố giấu Heloise nhé. Việc anh đến Luân Đôn ấy.”
“ Heloise đang ở Hy Lạp rồi.”
“Ôi, thế thì tốt quá.” Biểu hiện nhẹ nhõm đầu tiên xuất hiện trong giọng nói của Jeff.
Bức thư của Jeff đến vào khoảng năm giờ chiều hôm đó, gửi hỏa tốc.
104 Charles Place
N.W.8
Tom thân mến,
Buổi triển lãm Derwatt mới sẽ được khai mạc vào thứ Ba, ngày 15, buổi triển lãm đầu tiên của anh ta trong hai năm trở lại đây. Bernard có mười chín bức tranh sơn dầu mới và chúng tôi cũng mượn lại được vài bức tranh khác. Giờ là đến tin xấu đây.
Có một người Mỹ tên là Thomas Murchison, không phải là người môi giới mà là một nhà sưu tập – đã về hưu với cả gia tài. Ông ta đã mua một bức tranh Derwatt từ chỗ chúng ta cách đây ba năm. Ông ta so sánh nó với một bức Derwatt ra đời sớm hơn mà ông ta thấy ở nước Mỹ và giờ quả quyết bức tranh của mình là đồ giả. Tất nhiên là như vậy, không sai, vì đó là tranh Bernard vẽ mà. Ông ta đã gửi thư tới Buckmaster Gallery (tới tôi) nói rằng ông ta nghĩ bức tranh mà mình có không phải là tranh thật, vì kỹ thuật và màu sắc thuộc về phong cách vẽ của Derwatt cách đây khoảng năm, sáu năm.
Tôi có linh cảm là ông Murchison định làm lớn chuyện này lên. Vậy chúng ta phải làm sao? Anh luôn có những ý tưởng xuất sắc, Tom.
Anh có thể tới bàn bạc với chúng tôi không? Mọi chi phí sẽ do Buckmaster Gallery chi trả? Chúng tôi cần một liều tự tin hơn bất kỳ thứ gì. Tôi không nghĩ Bernard đã phạm sai lầm với các bức tranh mới. Nhưng anh ta đang rối như tơ vò và chúng tôi không muốn anh ta có mặt, kể cả ở buổi khai mạc, đặc biệt là ở buổi lễ khai mạc.
Xin hãy đến ngay lập tức nếu anh có thể!
Trân trọng,
Jeff
Tái bút: Bức thư của ông Murchison khá nhã nhặn, nhưng xem chừng ông ta là loại người sẽ khăng khăng đòi gặp Derwatt ở Mexico để xác nhận, vân vân?
Vấn đề cuối cùng đúng là đáng quan tâm, Tom nghĩ thầm, vì Derwatt không hề tồn tại. Câu chuyện (do Tom bịa ra), mà Buckmaster Gallery và nhóm bạn nhỏ trung thành của Derwatt lan truyền, là Derwatt đã tới sống tại một ngôi làng nhỏ ở Mexico, và anh ta không chịu gặp ai hết, cũng không có điện thoại, cấm phòng triển lãm cho bất kỳ ai biết địa chỉ của mình. À, nếu ông Murchison tới Mexico thì ông ta sẽ có một cuộc tìm kiếm vất vả đủ để khiến cho bất kỳ người nào bận rộn cả đời.
Tom có thể đoán được là ông Murchison – hẳn ông ta sẽ mang theo bức tranh Derwatt sang đây – định sẽ trao đổi với các bên môi giới nghệ thuật khác và cả báo chí nữa. Điều đó có thể dấy lên sự hoài nghi, và Derwatt sẽ tan thành tro bụi. Liệu băng đảng đó có lôi anh vào mớ bòng bong này không? (Tom luôn nghĩ nhóm người trong phòng triển lãm, bạn cũ của Derwatt, là “băng đảng”, dù anh ghét cụm từ đó mỗi lần nó xuất hiện trong đầu). Và Bernard có thể sẽ nhắc đến Tom Ripley, Tom nghĩ thầm, không phải vì thù hằn ác ý mà chỉ vì cái thói thành thật – gần giống Chúa Jesus – điên khùng của mình.
Tom đã giữ gìn tên tuổi và danh tiếng của mình trong sạch, trong sạch tuyệt đối, cân nhắc đến hết thảy những gì anh đã gây ra. Hẳn sẽ bẽ bàng lắm nếu báo chí Pháp đăng tin Thomas Ripley của xứ Villeperce-sur-Seine, chồng Heloise Plisson, con gái Jacques Plisson, triệu phú sở hữu công ty dược phẩm Plisson, đã vẽ ra câu chuyện lừa lọc ăn tiền về công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt, và nhiều năm nay đã được trích phần trăm lợi nhuận từ đó, dù chỉ có mười phần trăm ít ỏi. Anh sẽ trở nên đáng khinh lắm cho mà xem. Thậm chí cả Heloise, người mà Tom đánh giá là đạo đức gần như không tồn tại, cũng sẽ có phản ứng gì đó, và chắc chắn cha cô sẽ gây áp lực với cô (bằng cách chặn tiền trợ cấp) để bắt ly dị.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt giờ đã rất lớn mạnh, sự sụp đổ của nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đi đời đầu tiên là dòng vật liệu nghệ thuật sinh lời mang tên “Derwatt” mà ở đó cả băng đảng, lẫn Tom, đều nhận được tiền hoa hồng. Rồi đến Học viện Nghệ thuật Derwatt ở Perugia, chủ yếu dành cho các quý bà lớn tuổi dễ thương và các cô gái Mỹ trong các kỳ nghỉ, nhưng vẫn là một nguồn thu nhập. Trường nghệ thuật không thu được nhiều tiền từ việc dạy vẽ và bán dụng cụ “Derwatt” mà bằng việc đóng vai đại lý cho thuê, tìm nhà và các căn hộ đã được trang hoàng đầy đủ, với giá cả đắt đỏ nhất có thể, cho các du khách sinh viên lắm tiền nhiều của, và nhận phần trăm từ đó. Trường học được điều hành bởi một đôi đồng tính người Anh, hai người họ không liên quan gì đến chuyện mạo danh Derwatt cả.
Tom vẫn chưa thể quyết định được việc mình có tới Luân Đôn hay không. Anh có thể nói gì với họ đây? Và Tom cũng không hiểu vấn đề là gì nữa: một họa sĩ không thể quay lại phong cách vẽ trước đây của mình, dù chỉ với một bức tranh chắc?
“Tối nay ngài thích dùng đùi cừu hay thịt nguội?” Bà Annette hỏi Tom.
“Đùi cừu, chắc là vậy. Cảm ơn bà. Răng của bà thế nào rồi?” Sáng nay, bà Annette đã tới chỗ bác sĩ nha khoa trong làng, người mà bà ta đặt niềm tin lớn lao, để khám một cái răng đã khiến bà ta thức chong chong cả đêm.
“Không còn đau nữa rồi. Ông ấy tử tế lắm, bác sĩ Grenier ấy! Ông ấy nói cái răng bị áp-xe nhưng ông ấy đã mở răng ra và tủy sẽ rụng ra thôi.”
Tom gật đầu nhưng tự hỏi làm sao tủy răng có thể rụng ra được, có lẽ là do trọng lực. Có lần các bác sĩ đã phải khoan rất sâu mới lấy được tủy răng của anh ra, mà đấy còn là răng trên.
“Anh có tin tốt lành từ Luân Đôn sao?”
“Không… chỉ là một người bạn gọi hỏi thăm thôi.”
“ Có tin gì từ cô Heloise không?”
“Hôm nay thì không.”
“Ôi, hãy nghĩ đến ánh nắng! Hy Lạp!” Bà Annette đang lau chùi mặt rương bằng gỗ sồi vốn đã sáng loáng cạnh lò sưởi. “Nhìn mà xem! Villeperce chẳng có tí mặt trời nào. Mùa đông đã đến.”
“Đúng thế.” Gần đây hôm nào bà Annette cũng nói như vậy.
Tom không nghĩ sẽ gặp lại Heloise cho tới gần Giáng sinh. Mặt khác, cô có thể đột ngột xuất hiện trong nhà – do có chút xích mích nhỏ nhưng vẫn có thể làm lành được với đám bạn, hoặc chỉ đơn giản là đã đổi ý, không còn muốn ở lỳ trên thuyền suốt quãng thời gian dài như vậy. Heloise có tính cách bốc đồng.
Tom bật một đĩa nhạc của Beatles lên để nâng tinh thần, rồi đi lòng vòng trong căn phòng khách rộng rãi, tay đút túi quần. Anh yêu căn nhà này. Đó là một căn nhà đá màu xám vuông vức hai tầng với bốn tháp canh trên bốn phòng tròn trong các góc trên gác, khiến căn nhà trông như một tòa lâu đài nhỏ. Vườn rộng mênh mông và kể cả theo chuẩn Mỹ thì nơi này vẫn đáng giá một gia tài. Ba năm trước cha của Heloise đã tặng căn nhà này cho họ làm quà cưới. Trong khoảng thời gian trước khi kết hôn, Tom cần thêm tiền, do khoản tiền từ nhà Greenleaf không đủ cho anh tận hưởng đẳng cấp cuộc sống mà anh đã dần say mê, nên Tom mới quan tâm đến phần ăn chia của mình trong vụ Derwatt. Giờ thì anh thấy hối hận về điều đó. Anh đã chấp nhận mười phần trăm, khi mười phần trăm còn rất ít ỏi. Thậm chí đến anh cũng chẳng lường được là thương vụ Derwatt sẽ sinh lời như thế này.
Buổi tối hôm ấy của Tom cũng giống như phần lớn các tối khác, một mình và lặng lẽ, nhưng suy nghĩ của anh thì rất mông lung. Anh bật nhạc êm dịu trong khi ăn và anh đọc Servan-Schreiber bằng tiếng Pháp. Có hai từ Tom không biết. Tối nay anh sẽ tra nghĩa của chúng trong cuốn từ điển của Harrap cạnh giường mình. Anh rất giỏi giữ từ mới trong trí nhớ để tìm kiếm.
Sau bữa tối, anh mặc áo mưa vào, dù trời không mưa, và đi tới một quán cà phê-bar nhỏ cách đó một phần tư dặm. Anh từng tới đây vài tối để uống cà phê, đứng ở quầy bar. Lúc nào cũng vậy, chủ quán, Georges, lại hỏi thăm về Heloise, và bày tỏ sự tiếc nuối vì Tom phải ở một mình suốt quãng thời gian dài như vậy. Tối nay Tom đáp lời một cách vui vẻ:
“À, tôi không chắc là cô ấy sẽ ở lại trên con thuyền đó thêm hai tháng nữa đâu. Cô ấy sẽ chán cho mà xem.”
“Thật xa hoa,” George mơ màng lầm bầm. Ông ta là một người đàn ông bụng phệ với khuôn mặt tròn trịa.
Tom chẳng tin thái độ hài hước vui vẻ nhẹ nhàng và thường trực của ông ta là thật. Vợ ông ta, Marie, là một phụ nữ tóc nâu cao lớn, giàu năng lượng, luôn tô son môi đỏ tươi, gai góc một cách thẳng thắn, nhưng bù lại bà ta có một tiếng cười hoang dã vui tươi. Đây là quán bar của dân lao động, và Tom không có gì phản đối điều đó hết, nhưng nó cũng chẳng phải chỗ yêu thích của anh. Chỉ là tình cờ nó lại ở gần nhất. Ít nhất thì Georges và Marie chưa một lần nhắc đến tên Dickie Greenleaf. Vài người ở Paris, người quen của anh hoặc Heloise, có thói quen đó, cũng như chủ của khách sạn St. Pierre, nhà trọ duy nhất ở Villeperce. Ông chủ khách sạn từng hỏi, “Phải chăng anh là Ripley người bạn của một anh Granelafe người Mỹ?”. Tom đã xác nhận đúng là như vậy. Nhưng đó là câu chuyện từ cách đây ba năm, và kiểu câu hỏi như vậy – nếu nó không bao giờ đi xa hơn – không khiến Tom lo lắng, nhưng anh thích tránh chủ đề đó. Báo chí nói rằng anh đã nhận được một khoản tiền khá lớn, vài tờ còn viết là một khoản thu nhập cố định, sự thật thì đúng là như vậy, theo di chúc của Dickie. Ít nhất thì chưa có một tờ báo nào từng ám chỉ rằng chính Tom đã viết bản di chúc đó, mà đó cũng là sự thật. Người Pháp luôn nhớ kỹ các tiểu tiết về tài chính.
Sau khi uống cà phê, Tom đi bộ về nhà, nói “Bonsoir2” với vài dân làng trên đường, thi thoảng lại bị trượt chân trên đám lá mục nát dồn ứ ở rìa đường. Ở đây không có vỉa hè để mà nhắc đến. Anh đã mua một chiếc đèn pin vì đèn đường quá chập chờn. Anh thoáng thấy hình ảnh những gia đình quây quần trong bếp, xem ti-vi, ngồi quanh những chiếc bàn trải những tấm khăn dính đầy mỡ. Vài con chó bị xích sủa inh ỏi trong các khoảng sân nhỏ. Rồi anh mở cánh cổng sắt – cao ba mét – của nhà mình ra, và giày của anh nghiến lạo xạo trên sỏi. Đèn phòng bà Annette vẫn sáng, Tom nhìn thấy ánh sáng tỏa ra. Bà ta cũng có bộ ti-vi riêng. Tom thường hay vẽ vào buổi tối, chỉ để tiêu khiển cho bản thân. Anh biết mình vẽ xấu, xấu hơn cả Dickie. Nhưng tối nay anh không có tâm trạng vẽ vời. Thay vào đó, anh viết thư cho một người bạn ở Hamburg, Reeves Minot, một người Mỹ, hỏi xem anh ta nghĩ khi nào thì cần đến anh? Reeves định cấy một tấm vi phim – hoặc thứ gì đó – lên hành lý của một vị Bá tước Bertolozzi người Ý. Sau đó Bá tước sẽ đến thăm Tom khoảng một, hai ngày ở Villeperce, và Tom sẽ lấy vật đó ra khỏi một chỗ trên va-li hoặc bất kỳ chỗ nào mà Reeves báo cho anh, và gửi cho một người mà Tom hoàn toàn không quen biết ở Paris. Tom thường xuyên cung cấp dịch vụ bảo đảm như thế này, thỉnh thoảng cho cả bọn trộm trang sức. Để Tom tự lấy đồ đạc từ các vị khách của mình sẽ dễ dàng hơn so với việc để một người khác cố gắng làm điều tương tự trong một phòng khách sạn ở Paris, khi người bê đồ không có mặt. Tom quen sơ sơ với Bá tước Bertolozzi từ một chuyến du lịch gần đây ở Milan, khi Reeves, người sống ở Hamburg, cũng ghé qua Milan. Tom đã tán gẫu về tranh với ngài Bá tước. Thường thì Tom cũng khá dễ dàng thuyết phục mọi người dành chút thời gian rỗi rãi đến Villeperece ở với anh một, hai ngày và ngắm tranh của anh – ngoài Derwatt ra thì anh còn có một bức Soutine, họa sĩ mà Tom đặc biệt yêu thích, một bức Van Gogh, hai bức Magritte, và các bức vẽ của Cocteau và Picasso, cùng như rất nhiều tranh vẽ của các họa sĩ ít tên tuổi hơn mà anh thấy cũng đẹp tương đương hoặc thậm chí là đẹp hơn. Villeperce gần Paris và các vị khách của anh cũng thích thú tận hưởng chút phong vị đồng quê trước khi lên thành thị. Trên thực tế thì Tom thường dùng ô-tô của anh đến đón họ ở sân bay Orly, Villeperce nằm cách khoảng bốn mươi dặm về phía nam của Orly. Tom chỉ thất bại đúng một lần, khi một vị khách người Mỹ đã thấy không khỏe ngay khi còn ở trong nhà Tom do một món gì đó mà anh ta hẳn đã ăn trước khi đến đây và Tom không thể sờ tới va-li của anh ta vì vị khách đó liên tục nằm ỳ trên giường và mắt mở thao láo. Vật đó – một tấm vi phim nào đó – đã được tay chân của Reeves vất vả lấy lại ở Paris. Tom không hiểu giá trị của mấy món đó, như anh không phải lúc nào cũng hiểu rõ các tiểu thuyết gián điệp mà mình đọc, và Reeves chỉ là một hàng rào bảo vệ ngoài rìa và được nhận hoa hồng mà thôi. Tom luôn lái xe tới một thị trấn khác để gửi các món hàng đó đi và luôn gửi chúng với tên người hoàn trả và địa chỉ hoàn trả giả mạo.
2 (Tiếng Pháp): Chào buổi tối.
Đêm hôm ấy, Tom không thể ngủ được, nên anh đã ra khỏi giường, mặc chiếc áo choàng ngủ len màu tím – mới toanh và dày dặn, đầy họa tiết rằn ri và tua rua, một món quà sinh nhật từ Heloise – và đi xuống bếp. Anh đã nghĩ đến việc uống một chai bia Super Valstar, nhưng lại quyết định pha ít trà. Anh hầu như không bao giờ uống trà nên theo nghĩa nào đó thì thứ đồ uống này khá phù hợp cho đêm nay, vì anh cảm thấy đây là một đêm lạ lùng. Anh rón rén đi trong bếp để không đánh thức bà Annette. Trà Tom pha có màu đỏ sậm. Anh đã bỏ quá nhiều trà vào ấm. Anh mang khay vào trong phòng khách, rót một tách, đi đi lại lại trong phòng, giữ im lặng không một tiếng động với đôi dép nỉ đi trong nhà. Sao không đóng vai Derwatt nhỉ, anh nghĩ thầm. Chúa ơi, đúng vậy! Đó chính là giải pháp, giải pháp hoàn hảo, và cũng là giải pháp duy nhất.
Derwatt tầm tuổi anh, khoảng cách khá nhỏ – Tom ba mươi mốt còn Derwatt sẽ tầm ba mươi lăm. Đôi mắt màu xanh dương xám, Tom nhớ Cynthia (bạn gái của Bernard) hoặc chính Bernard đã nói vậy trong một trong những bài ca ngợi về Derwatt Bóng Bẩy. Derwatt có một bộ râu ngắn, điều đó sẽ cực kỳ hữu ích đối với Tom.
Jeff Constant chắc chắn sẽ thấy hài lòng với ý tưởng này. Một cuộc phỏng vấn trên báo. Tom phải nghiên cứu kỹ lưỡng về những câu hỏi mà anh có thể phải trả lời cũng như câu chuyện anh phải kể. Derwatt có cao như anh không? Chà, đám nhà báo có ai biết điều đó cơ chứ? Tóc Derwatt sậm màu hơn, Tom nghĩ. Nhưng điều đó có thể chỉnh trang được. Tom uống thêm trà. Anh lại tiếp tục đi lòng vòng trong phòng. Anh nên xuất hiện một cách bất ngờ, bất ngờ kể cả đối với Jeff và Ed – và Bernard, tất nhiên rồi. Không thì họ sẽ để lộ với đám nhà báo.
Tom thử hình dung đến cảnh đối mặt với ông Thomas Murchison. Bình tĩnh, tự chủ, đó là điều cốt lõi. Nếu chính Derwatt nói rằng bức tranh này là của anh ta, do chính tay anh ta vẽ, thì ông Murchison là ai mà phản đối?
Đang trên đà hưng phấn, Tom tiến về phía điện thoại. Thường thì vào giờ này các tổng đài viên đã ngủ say – hơn hai giờ sáng – và phải mất mười phút mới có người nghe máy. Tom kiên nhẫn ngồi ở mép sô-pha vàng. Anh đang nghĩ là Jeff hoặc ai đó sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng đồ trang điểm xịn. Tom ước mình có thể trông cậy vào một cô gái, Cynthia chẳng hạn, để cô ta xử lý việc đó, nhưng Cynthia và Bernard đã chia tay cách đây khoảng hai hay ba năm gì đó. Cynthia biết rõ hành vi giả mạo Derwatt của Bernard và không chịu chấp nhận điều đó, không thèm nhận một xu lợi nhuận, theo Tom nhớ.
“’Allo, j’ecoute3,” nữ tổng đài viên nói bằng giọng bực bội như thể Tom đã lôi cô ta ra khỏi giường để giúp đỡ anh vậy. Tom báo số điện thoại studio của Jeff mà anh lưu trong một quyển sổ địa chỉ đặt cạnh điện thoại. Tom khá may khi điện thoại thông sau năm phút. Anh mang tách trà đục ngầu thứ ba của mình lại gần điện thoại hơn.
3 (Tiếng Pháp): Xin chào, tôi nghe đây.
“Chào, Jeff. Tom đây. Mọi chuyện thế nào rồi?”
“Chẳng tốt hơn chút nào. Ed cũng đang ở đây. Chúng tôi vừa nghĩ xem có nên gọi điện cho anh không. Anh có tới đây được không?”
“Có, và tôi có một ý tưởng rất hay ho đây. Sao không để tôi đóng vai người bạn mất tích của chúng ta trong vài tiếng đồng hồ nhỉ?”
Jeff mất đúng một giây để hiểu. “Ôi, Tom, quá tuyệt vời! Anh đến đây vào thứ Ba được không?”
“Chắc chắn là được.”
“Thế anh có thể tới vào thứ Hai, ngày kia không?”
“Tôi không nghĩ là kịp. Nhưng thứ Ba thì có thể. Nghe này, Jeff, chuyện trang điểm... phải xịn vào đấy nhé.”
“Đừng lo gì cả! Đợi một chút!” Anh ta rời máy để nói với Ed rồi quay lại. “Ed bảo rằng anh ta có nguồn cung rồi.”
“ Đừng thông báo gì với công chúng hết,” Tom nói tiếp bằng giọng bình tĩnh, vì Jeff nghe như thể đang nhảy cẫng lên vì sung sướng vậy, “Thêm một chuyện nữa, nếu nó không có tác dụng, nếu tôi thất bại... thì chúng ta phải nói đó chỉ là một trò đùa mà một người bạn của các anh nghĩ ra – chính là tôi. Việc đó chẳng liên quan gì tới... anh biết đấy”. Ý Tom nói đến việc xác nhận bức tranh giả mạo của ông Murchison, nhưng Jeff hiểu ngay lập tức.
“Ed có lời muốn nói này.”
“Chào, Tom,” giọng nói trầm hơn của Ed vang lên. “Chúng tôi rất vui vì anh sẽ tới đây. Ý tưởng đó thật sự phi thường. Với cả anh biết không, Bernard có quần áo và đồ đạc của Derwatt đấy.”
“Tôi sẽ để hai vị xử lý chuyện đó.” Đột nhiên Tom cảm thấy hoảng hốt. “Quần áo là thứ ít phải lo nhất. Quan trọng là khuôn mặt. Hành động nhanh nhẹn vào, được chứ?”
“Yên tâm đi. Chúa phù hộ cho anh.”
Họ dập máy. Rồi Tom ngồi sụp xuống ghế sô-pha và thả lỏng, gần như nằm ườn người ra. Không, anh sẽ không đến Luân Đôn quá sớm làm gì. Hãy lên sân khấu vào phút chót, mạnh mẽ và hăng hái. Quá nhiều chỉ dẫn và tập dượt biết đâu lại dở.
Tom cầm cốc trà nguội ngắt đứng dậy. Nếu anh mà đóng giả thành công thì chắc sẽ thú vị và buồn cười lắm, anh nghĩ thầm khi nhìn vào một bức tranh của Derwatt treo trên lò sưởi. Nó là một bức vẽ hồng nhạt của một người đàn ông ngồi trên một chiếc ghế, ông ta chỉ là vài nét phác họa thô sơ, trông như thể người ta đang nhìn vào bức tranh qua cặp mắt kính lệch lạc của người khác. Có người nói rằng tranh Derwatt làm họ nhức mắt. Nhưng từ khoảng cách ba mét, ba mét rưỡi thì không sao. Đây không phải là một bức tranh Derwatt xịn mà là tranh giả thời kỳ đầu của Bernard Tufts. Đối diện bên kia phòng treo một bức tranh Derwatt xịn, “Đôi Ghế Đỏ”. Hai cô bé ngồi cạnh nhau, vẻ mặt hãi hùng, như trong ngày đầu tiên đi học, hoặc đang nghe một câu chuyện kinh khủng nào đó ở nhà thờ. Bức tranh “Đôi Ghế Đỏ” chỉ khoảng tám đến chín năm tuổi. Sau lưng hai cô bé, bất kể chúng đang ngồi ở đâu đi nữa, tất cả đang bốc cháy rừng rực. Những ngọn lửa vàng và đỏ nhảy múa, những ngọn lửa điểm đốm trắng khiến cho chúng không ngay lập tức thu hút sự chú ý của người xem. Nhưng khi họ đã nhìn đến nó thì hiệu quả cảm xúc mới thật chấn động. Tom yêu thích cả hai bức tranh này. Nhưng giờ thì anh gần như đã quên phải nhớ, khi nhìn chúng, một là tranh giả còn một là tranh thật.
Tom nhớ lại thời kỳ đầu vô định của thứ giờ là công ty Derwatt. Anh đã gặp Jeffrey Constant và Bernard Tufts ở Luân Đôn ngay sau khi Derwatt chết đuối – xem chừng là tự tử – ở Hy Lạp. Chính Tom cũng mới từ Hy Lạp về, không lâu sau cái chết của Dickie Greenleaf. Thi thể của Derwatt chưa bao giờ được phát hiện, nhưng vài ngư dân của làng chài nói rằng một sáng nọ họ thấy anh ta đi bơi nhưng không thấy anh ta quay về. Bạn bè của Derwatt – Tom đã gặp Cynthia Gradnor trong chính chuyến đi ấy – đã hoảng loạn trầm trọng, bị chấn động theo một cách mà Tom chưa bao giờ chứng kiến sau sự ra đi của một người, kể cả đó là người thân trong gia đình đi nữa. Jeff, Ed, Cynthia, Bernard đều đờ đẫn. Họ đã mơ màng, nhiệt thành kể về Derwatt không chỉ như một người nghệ sĩ mà còn như một người bạn, và như một con người thực thụ. Anh ta đã sống một cuộc đời giản đơn, ở Islington, có những lúc phải ăn uống kham khổ, nhưng lúc nào cũng hào phóng với những người khác. Trẻ em trong khu anh ta sống luôn ngưỡng mộ anh ta, ngồi làm mẫu cho anh ta mà không mong được trả công, nhưng lúc nào Derwatt cũng thò tay vào trong túi tìm những đồng xu có thể là cuối cùng của mình để đưa chúng. Nhưng ngay trước khi đi Hy Lạp, Derwatt đã gặp phải một nỗi thất vọng lớn lao. Anh ta đã vẽ một bức tranh tường trong một dự án của chính phủ cho một bưu điện địa phương ở bắc Anh Quốc. Bức phác họa đã được duyệt nhưng bức vẽ hoàn thiện lại bị từ chối: có người khỏa thân trong tranh, hoặc quá khỏa thân, và Derwatt đã từ chối thay đổi. (“Tất nhiên anh ấy chẳng làm gì sai cả!” Nhóm bạn trung thành của Derwatt đã cam đoan với Tom như vậy.) Nhưng điều này khiến Derwatt mất đi một nghìn bảng mà anh ta cần có. Có vẻ như đây là giọt nước làm tràn ly – mà nỗi khủng hoảng ấy bạn bè Derwatt đều không nhận ra, và vì thế mà họ tự trách mình. Trong bức tranh còn có một người phụ nữ nữa, Tom mang máng nhớ là vậy, một nguyên nhân khác đem đến nỗi thất vọng cho Derwatt, nhưng có vẻ là người phụ nữ ấy đối với anh ta không quan trọng bằng nỗi thất vọng trong công việc. Tất cả bạn bè của Derwatt đều là dân chuyên nghiệp, chủ yếu hành nghề tự do, và khá bận rộn, và trong những ngày cuối đời khi Derwatt nhờ cậy họ – không phải vay tiền mà chỉ muốn có người bầu bạn vài tối – họ lại bảo không có thời gian gặp anh ta. Những người đó không hề hay biết rằng Derwatt đã bán hết đồ đạc anh ta có trong studio và tự đi tới Hy Lạp, nơi anh ta viết một bức thư dài tuyệt vọng cho Bernard. (Tom chưa từng nhìn thấy bức thư ấy.) Sau đó là tin tức anh ta biến mất hoặc đã chết.
Việc đầu tiên mà bạn bè của Derwatt làm, trong đó có cả Cynthia, là thu thập toàn bộ tranh vẽ của anh ta và cố gắng bán chúng đi. Họ muốn giữ tên tuổi anh ta sống mãi, muốn cả thế giới biết và trân trọng những gì anh ta đã làm. Derwatt không có họ hàng, và như Tom nhớ, anh ta là trẻ mồ côi, thậm chí còn chẳng biết cha mẹ mình là ai. Huyền thoại về cái chết bi thảm của anh ta đã giúp ích, thay vì cản trở việc bán tranh, thường thì các phòng tranh không có hứng thú với các bức họa của một họa sĩ trẻ vô danh đã chết, nhưng Edmund Banbury, một nhà báo tự do, đã dùng quan hệ cá nhân cũng như tài năng viết lách của mình để viết về Derwatt trên báo, in hẳn trong phụ trương màu, lẫn các tạp chí nghệ thuật, còn Jeffrey Constant đã chụp ảnh tranh của Derwatt làm minh họa. Chưa đầy vài tháng sau cái chết của Derwatt, họ đã tìm được một phòng tranh, Buckmaster Gallery và nhiều phòng trách khác ở phố Bond, sẵn sàng nhận các tác phẩm của anh ta, chẳng bao lâu sau các bức tranh sơn dầu của Derwatt được bán với giá từ sáu đến tám trăm bảng.
Sau đó là một chuyện không thể tránh khỏi. Tất cả các bức tranh đều được bán hết, hoặc gần hết, đây là quãng thời gian Tom đang sống ở Luân Đôn (anh đã ở đây hai năm trong một căn hộ ở S.W.1, gần quảng trường Eaton) và vô tình chạm mặt Jeff, Ed, và Bernard một tối nọ ở quán rượu Salisbury. Một lần nữa họ lại rầu rĩ vì các bức tranh của Derwatt sắp được bán sạch, và chính Tom là người đã nói, “Các anh đang buôn bán rất phát đạt, thật đáng tiếc nếu kết thúc như vậy. Bernard không thể tạo ra vài bức vẽ theo phong cách của Derwatt à?”. Tom chỉ định nói đùa thôi, hoặc nửa đùa nửa thật. Anh cũng chẳng thân quen gì với bộ ba này, chỉ biết rằng Bernard là họa sĩ. Nhưng Jeff, một kiểu người thực dụng hệt như Ed Banbury (và hoàn toàn không giống Bernard) đã quay sang Bernard và bảo, “Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Anh nghĩ sao?”. Tom quên mất câu trả lời chi tiết của Bernard, nhưng anh nhớ là anh ta đã cúi gằm đầu xuống như xấu hổ hoặc hãi hùng trước ý tưởng giả mạo thần tượng của mình, Derwatt. Mấy tháng sau, Tom gặp Ed Banbury trên một con phố ở Luân Đôn và Ed hào hứng kể rằng Bernard đã thành công vẽ ra hai bức “Derwatt” tuyệt phẩm và họ còn bán được một bức ở Buckmaster như tranh thật.
Rồi một thời gian sau nữa, ngay sau khi Tom kết hôn với Heloise, không còn sống ở Luân Đôn, Tom, Heloise, và Jeff đã cùng dự một bữa tiệc, một kiểu tiệc cocktail đông đúc mà người ta chẳng bao giờ gặp mặt hay thậm chí là nhìn thấy chủ tiệc đâu, và Jeff đã ra hiệu cho Tom đi vào một góc.
Jeff nói, “Lát nữa chúng ta có thể gặp ở đâu đó không? Đây là địa chỉ của tôi,” đưa một tấm danh thiếp cho Tom. “Anh có thể tới vào khoảng mười một giờ tối nay không?”
Vậy nên Tom đã một mình tới nhà Jeff, một việc thật đơn giản, vì Heloise – ở thời điểm ấy cô không biết nhiều tiếng Anh – đã uống đủ rượu sau bữa tiệc cocktail và muốn trở về khách sạn của họ. Heloise mê mẩn Luân Đôn – áo len Anh và phố Carnaby4, những cửa hàng bán thùng rác in hình quốc kỳ Anh, các tấm biển hiệu in những dòng chữ như là “Cáu điên”, những từ mà Tom thường phải giải nghĩa cho cô, nhưng cô nói là đầu mình đau như búa bổ sau khi cố gắng nói tiếng Anh suốt một tiếng đồng hồ.
4 Phố Carnaby là một con phố mua sắm tập trung nhiều cửa hàng.
“Rắc rối của chúng tôi là,” tối hôm ấy Jeff nói chuyện với anh, “chúng tôi không thể tiếp tục giả vờ lại tìm được một bức tranh Derwatt ở đâu đó mãi được. Bernard thì vẫn vẽ ổn nhưng... Anh có nghĩ là chúng tôi nên mạo hiểm tìm ra cả một kho tranh Derwatt ở đâu đó không, như Ai-len, nơi anh ấy đã đến vẽ một thời gian, rồi bán tống chúng đi và dừng tay? Bernard cũng rất lưỡng lự về việc vẽ tiếp. Anh ta cảm thấy như đang phản bội Derwatt vậy... theo một cách nào đó”.
Tom cân nhắc một lúc rồi nói, “Thế nếu Derwatt vẫn đang sống ở đâu đó thì sao? Một chỗ ẩn dật nào đó, gửi tranh tới Luân Đôn? Đó là, nếu Bernard vẫn có thể tiếp tục”.
“Ừm. À... được lắm. Hy Lạp, có thể là thế. Một ý tưởng siêu phàm, Tom! Nó có thể kéo dài mãi mãi!”
“Thế Mexico thì sao? Tôi nghĩ nó an toàn hơn Hy Lạp đấy. Cứ nói Derwatt đang sống trong một ngôi làng nhỏ nào đó. Anh ta không chịu nói tên ngôi làng cho bất kỳ ai, có thể chỉ trừ anh, Ed, và Cynthia...”
“Cynthia thì thôi. Cô ấy... Chậc, Bernard không còn gặp gỡ cô ấy nhiều nữa. Hệ quả là chúng tôi cũng vậy. Tốt nhất là đừng để cô ấy biết quá nhiều về chuyện này.”
Tối hôm ấy Jeff đã gọi cho Ed để kể cho anh ta nghe về ý tưởng này, Tom nhớ là vậy.
“Đó chỉ là một ý tưởng thôi,” anh đã nói vậy. “Tôi cũng không chắc liệu nó có hiệu quả không.”
Nhưng nó có hiệu quả. Các bức tranh của Derwatt bắt đầu đổ về từ Mexico, như họ nói, và câu chuyện “tái sinh” kịch tính của anh ta được khai thác theo hướng có lợi bởi Ed Banbury và Jeff Constant trong nhiều bài báo trên các tạp chí, đăng kèm với ảnh Derwatt cùng các bức vẽ mới nhất của anh ta (của Bernard), tuy vậy không hề có một bức ảnh nào của Derwatt ở Mexico vì anh ta chặn mọi nhà báo hay thợ ảnh. Các bức tranh được gửi đến từ Vera Cruz và thậm chí cả Jeff lẫn Ed đều không biết tên ngôi làng anh ta sống. Derwatt chắc phải gặp bất ổn nặng nề về tinh thần nên mới sống ẩn dật như vậy. Các bức tranh của anh ta đều có vẻ bệnh tật và tuyệt vọng, theo lời vài nhà phê bình. Nhưng giờ chúng nằm trong số các bức tranh được định giá cao nhất trong số các nghệ sĩ còn sống ở nước Anh, ở toàn châu Âu, hay thậm chí là cả châu Mỹ. Ed Banbury đã viết thư cho Tom ở Pháp, đề nghị chia cho anh mười phần trăm lợi nhuận, nhóm bạn nhỏ trung thành (giờ chỉ có ba người, Bernard, Jeff, và Ed) là những người được hưởng lợi duy nhất từ tiền bán tranh của Derwatt. Tom đồng ý, chủ yếu vì anh cân nhắc thấy sự đồng thuận của mình như một lời bảo đảm giữ yên lặng về công việc sao chép. Nhưng Bernard Tufts lại vẽ tranh như điên vậy.
Jeff và Ed đã mua Buckmaster Gallery. Tom không chắc liệu Bernard có sở hữu cổ phần ở đó không. Có vài bức tranh Derwatt nằm trong bộ sưu tập trọn đời của phòng triển lãm, và tất nhiên, ở đây cũng trưng bày tranh của các nghệ sĩ khác nữa. Công việc này chủ yếu là của Jeff chứ không phải của Ed, và Jeff đã thuê một trợ lý, kiểu nhân viên quản lý cho phòng triển lãm. Nhưng động thái này, động thái mua Buckmaster Gallery, chỉ xảy ra sau khi Jeff và Ed được một nhà sản xuất dụng cụ vẽ tranh có tên là George Janopolos hoặc gì đó tương tự tiếp cận, ông ta muốn cho ra đời một dòng sản phẩm dán nhãn “Derwatt”, bao gồm tất cả mọi thứ từ tẩy cho tới bộ màu sơn dầu, và ông ta đề nghị trả cho Derwatt một khoản tiền bản quyền một phần trăm. Ed và Jeff quyết định thay mặt anh ta chấp nhận (hẳn là dưới sự đồng ý của Derwatt). Sau đó một công ty đã được thành lập mang tên công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt.
Tất cả những chuyện này được Tom hồi tưởng lại lúc bốn giờ sáng, anh thấy hơi rùng mình dù đang mặc một chiếc áo choàng ngủ lộng lẫy. Bà Annette luôn tằn tiện vặn nhỏ lò sưởi trung tâm xuống vào buổi đêm. Anh ôm cốc trà ngọt lừ nguội ngắt giữa hai tay và thất thần nhìn vào một bức ảnh của Heloise – mái tóc vàng dài xõa xuống hai bên mặt thon thả, đối với Tom thì giờ nó chỉ là một thiết kế dễ chịu và vô nghĩa chứ không còn là một khuôn mặt có ý nghĩa nữa – và anh nghĩ đến cảnh Bernard bí mật thực hiện việc giả mạo các bức tranh của Derwatt trong một căn phòng kín đáo, thậm chí được khóa chặt trong căn hộ studio của anh ta. Chỗ ở của Bernard khá nhếch nhác, lúc nào cũng vậy. Tom chưa từng nhìn thấy chốn bất khả xâm phạm nơi anh ta vẽ ra các kiệt tác của mình, các bức tranh Derwatt mang lại cả nghìn bảng. Nếu một người vẽ nhiều tranh giả mạo hơn chính tranh của mình thì không phải sự giả mạo sẽ trở nên tự nhiên hơn, thật hơn, chân thực với chính người đó hơn cả tranh của họ sao? Rồi đến một ngày họ không cần nỗ lực nữa mà việc đó trở thành bản năng thứ hai của họ?
Cuối cùng Tom cuộn người trên chiếc sô-pha vàng, dép tuột khỏi chân, hai bàn chân thu lại dưới áo choàng, ngủ thiếp đi. Anh không ngủ được bao lâu trước khi bà Annette đến đánh thức anh dậy với một tiếng thét chói tai, hoặc một tiếng thở dốc hãi hùng, đầy ngạc nhiên.
“Hẳn tôi đã ngủ thiếp đi trong khi đọc sách,” Tom nói, mỉm cười, ngồi dậy.
Bà Annette vội vã đi pha cà phê cho anh.