T
om đặt vé máy bay tới Luân Đôn vào trưa thứ Ba. Như vậy thì anh sẽ chỉ có vài tiếng đồng hồ để trang điểm và diễn tập ngắn gọn. Không đủ thời gian để thấy lo lắng. Tom lái xe tới Melun để rút chút tiền mặt – franc Pháp – ở ngân hàng.
Lúc này là mười một giờ bốn mươi và ngân hàng đóng cửa lúc mười hai giờ. Tom đứng thứ ba trong hàng người xếp trước cửa sổ nhận tiền, nhưng không may là một người phụ nữ đang chuyển tiền lương hoặc gì đó ở cửa này, đã kéo vài túi đựng tiền xu trong khi hai chân vẫn áp chặt vào mấy cái túi còn lại nằm trên sàn. Sau lưới sắt, một nhân viên có ngón cái dấp nước đang đếm các chồng tiền giấy nhanh hết mức có thể và ghi chú lại tổng số tiền trên hai tờ giấy khác nhau. Tom tự hỏi chuyện này sẽ kéo dài bao lâu, đồng hồ thì vẫn nhích dần tới mười hai giờ. Tom thích thú quan sát khi hàng người tan tác.
Giờ có ba người đàn ông và hai người phụ nữ ép chặt gần lưới sắt, mắt đờ đẫn nhìn chằm chằm vào đống tiền, như những con rắn hăm hở, như thể đó là khoản thừa kế do một người họ hàng đã làm lụng vất vả cả đời tích góp để lại cho họ. Tom bỏ cuộc và rời khỏi ngân hàng. Anh nghĩ mình vẫn sẽ xoay xở được khi không có tiền, và thực tế thì anh chỉ nghĩ sẽ đưa hoặc bán nó cho những người bạn Anh sắp đến Pháp mà thôi.
Vào sáng thứ Ba, khi Tom đang đóng gói hành lý, bà Annette gõ cửa phòng ngủ của anh. “Tôi đến Munich đây,” Tom vui vẻ nói. “Có một buổi hòa nhạc ở đó.”
“A, Munich! Bavaria! Anh phải mang theo quần áo ấm đấy nhé.” Bà Annette đã quen với những chuyến đi ngẫu hứng của anh. “Đi bao lâu thế, anh Tome?”
“Hai ngày, có thể là ba. Đừng lo về thư tín. Tôi có thể sẽ gọi điện về hỏi xem có bức thư nào không.”
Đúng lúc ấy Tom nghĩ đến một thứ có thể sẽ hữu dụng, một chiếc nhẫn Mexico mà anh có – anh nghĩ vậy – trong hộp đựng đồ trang sức của mình. Nó đây rồi, giữa đống khuy rời và khuy cài áo, một chiếc nhẫn bạc nặng trịch được thiết kế như hai con rắn cuộn tròn. Tom không thích nó và cũng đã quên làm sao mình lại có nó, nhưng ít nhất thì nó là đồ Mexico. Tom thổi đi, lau nhẫn vào một bên ống quần và đút nó vào túi.
Thư nhận lúc mười rưỡi sáng gồm ba thứ: một hóa đơn điện thoại phồng lên trong phong bì vì nó gồm nhiều hóa đơn nhỏ cho mỗi cuộc điện thoại ngoài vùng Villeperce, một bức thư từ Heloise, và một bức thư gửi bằng đường hàng không từ Mỹ mà chữ viết tay trên thư Tom không nhận ra. Anh lật phong bì lại và ngạc nhiên khi nhìn thấy cái tên Christopher Greenleaf ở đằng sau với địa chỉ chuyển hoàn ở San Francisco. Christopher là ai nhỉ? Anh mở thư của Heloise ra đầu tiên.
11 tháng Mười 19…
Chéri5,
Giờ em đang cực kỳ hạnh phúc và bình yên. Đồ ăn siêu ngon. Bọn em bắt cá gần thuyền. Zeppo gửi tình yêu tới anh. (Zeppo là vị chủ nhà Hy Lạp da ngăm đen của cô và Tom có thể chỉ cho anh ta biết phải làm gì với tình yêu của mình).
Em đã học cách đi xe đạp khéo léo hơn rồi. Chúng em rất hay đi dạo vào trong đất liền vì nó khô ráo. Zeppo chụp ảnh đấy. Belle Ombre thế nào rồi anh? Em nhớ anh lắm. Anh có vui không? Nhiều mời mọc chứ? (Từ đó có nghĩa là khách khứa hay lời mời vậy?) Anh có vẽ không? Em chẳng nhận được tin gì từ Papa hết.
Hôn bà A. Em ôm anh.
5 (Tiếng Pháp): anh yêu.
Đoạn còn lại bằng tiếng Pháp. Cô muốn anh gửi một bộ đồ tắm màu đỏ mà anh sẽ tìm được trong một cái tủ com-mốt trong phòng tắm của cô. Anh nên gửi bằng đường hàng không. Chiếc du thuyền có một bể bơi nước nóng. Tom ngay lập tức đi lên gác – bà Annette vẫn đang dọn dẹp trong phòng anh – và chuyển giao nhiệm vụ này cho bà ta, đưa thêm tờ một trăm franc, vì anh nghĩ bà ta có thể sẽ thấy hốt hoảng trước giá tiền gửi đồ bằng đường hàng không và nảy ra ý định gửi nó bằng đường bưu điện.
Rồi anh xuống nhà và vội vàng mở bức thư của Greenleaf ra, vì mấy phút nữa là anh phải khởi hành đến Orly rồi.
12 tháng Mười, 19…
Anh Ripley thân mến,
Tôi là em họ của Dickie và tuần tới tôi sẽ tới châu Âu, chắc sẽ đến Luân Đôn đầu tiên, dù tôi không thể quyết định xem hay là nên tới Paris trước. Dẫu sao đi nữa, tôi nghĩ chúng ta mà gặp được nhau thì sẽ thật tuyệt. Chú Herbert đã cho tôi địa chỉ của anh và ông nói anh không ở xa Paris. Chưa có số điện thoại của anh nhưng tôi có thể tự tìm được.
Giới thiệu cho anh biết đôi điều về bản thân tôi, tôi hai mươi tuổi và học ở Đại học Stanford. Tôi đã tham gia quân ngũ một năm, trong khoảng thời gian đó tạm dừng việc học. Tôi sẽ quay lại Stanford học ngành kỹ sư nhưng trong thời đoạn này tôi sẽ nghỉ ngơi một năm để tới châu Âu thả lỏng. Ngày nay rất nhiều người trẻ đều làm như vậy. Áp lực muôn nơi đúng là một thứ đáng sợ. Ý tôi là ở Mỹ, nhưng biết đâu anh đã ở châu Âu lâu đến mức không rõ ý tôi là gì nữa rồi.
Chú tôi đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều về anh. Ông nói anh là bạn thân của Dickie. Tôi gặp Dickie khi tôi mới 11 còn anh ấy 21 tuổi. Tôi chỉ nhớ một anh chàng tóc vàng cao ráo. Anh ấy đã tới thăm gia đình tôi ở California.
Hãy báo cho tôi nếu anh vẫn ở Villeperce vào cuối tháng Mười, đầu tháng Mười một nhé. Trong lúc đó tôi sẽ ngồi đây hy vọng được gặp anh.
Trân trọng
Chris Greenleaf
Anh sẽ lịch sự từ chối người này, Tom nghĩ. Không cần thiết phải tiếp xúc gần gũi hơn với gia đình Greenleaf. Họa hoằn lắm ông Herbert Greenleaf mới viết thư cho anh và Tom luôn hồi âm với những lời lẽ tử tế, lịch sự.
“Bà Annette, nhớ giữ lửa cháy trong lò nhé,” Tom nói khi khởi hành.
“Anh vừa nói gì cơ?”
Anh cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Pháp.
“Tạm biệt nhé anh Tome! Chúc anh thượng lộ bình an!” Bà Annette vẫy tay chào anh ở cửa trước.
Tom lái chiếc Alfa Romeo đỏ, một trong hai chiếc ô-tô trong gara. Đến sân bay Orly, anh đưa xe vào gara trong nhà, báo nó sẽ nằm đó khoảng hai đến ba ngày. Anh mua một chai whiskey trong nhà ga để mang cho băng đảng. Anh đã có một chai Pernod to đùng trong va-li rồi (vì anh chỉ được phép mang một chai rượu vào Luân Đôn), vì Tom phát hiện ra rằng nếu anh đi qua lối đi xanh lục và cầm cái chai trong tầm mắt thì các thanh tra viên sẽ không bao giờ yêu cầu anh mở va-li ra. Trên máy bay anh đã mua thuốc lá Gauloises không có đầu lọc, loại này lúc nào cũng được ưa chuộng ở Luân Đôn.
Ở Anh trời mưa lất phất. Xe buýt lăn bánh dọc lề trái đường, đi qua những căn biệt thự mang những cái tên luôn khiến Tom thấy thú vị, dù hiện giờ anh hầu như không đọc nổi tên chúng trong cảnh trời xám xịt. Ở MỘT LÁT. Thật không tin nổi. MILFORD KHÔNG ĐI LANG THANG. Chúng được viết trên những tấm biển nhỏ. GÓC LÒ SƯỞI. NGỒI LẠI ĐÂY. Chúa lòng lành. Rồi sau đó là đến dãy nhà Victoria nằm sát sạt nhau đã được chuyển đổi thành các khách sạn nhỏ mang những cái tên hào nhoáng dưới ánh đèn nê-ông nhấp nháy giữa những cây cột kiểu Hy Lạp: BINH CHỦNG MANCHESTER, VUA ALFRED, NHÀ CHESHIRE. Tom biết thừa là sau những hành lang hẹp đầy vẻ đáng kính và thượng lưu đó, vài tên sát nhân tài ba nhất thời đại đang tạm lánh nạn một, hai đêm, trông cũng ra điều đáng kính. Nước Anh đúng là nước Anh, Chúa phù hộ cho nó!
Điều tiếp theo thu hút sự chú ý của Tom là một tấm poster dán trên cột đèn bên trái đường. Dòng chữ DERWATT được bôi đậm nằm chéo xuống – đó là chữ ký của Derwatt – và bức tranh được sao chép lại bằng màu dưới ánh đèn lờ mờ trông có vẻ là tím sậm hoặc đen thẫm và có phần giống như nắp đàn piano được dựng lên. Không nghi ngờ gì, lại là một tác phẩm giả mạo mới của Bernard Tufts. Cách đó vài mét lại có một tấm poster như thế nữa. Thật kỳ lạ khi thấy mình được “điểm danh” khắp Luân Đôn nhưng lại đặt chân đến đây một cách lặng lẽ như thế này, Tom nghĩ khi bước xuống khỏi chiếc xe buýt ở trạm West Kensington mà không một ai để ý.
Từ trạm, anh gọi điện tới studio của Jeff Constant. Ed Banbury nghe máy.
“Nhảy lên tắc-xi và tới thẳng đây đi!” Ed nói, giọng sung sướng một cách điên rồ.
Studio của Jeff nằm ở St John’s Wood. Tầng hai – tầng một đối với người Anh – ở bên tay trái. Nó là một tòa nhà xinh xắn gọn gàng, không phô trương mà cũng chẳng tồi tàn.
Ed bật tung cửa ra. “Chúa ơi, Tom, thật tuyệt khi được gặp anh!”
Họ bắt tay nhau một cách mạnh mẽ. Ed cao hơn Tom với mái tóc vàng thẳng và rũ xuống, loà xoà trước tai anh ta, nên anh ta phải liên tục hất nó sang một bên. Anh ta tầm ba lăm tuổi.
“Còn Jeff đâu rồi?” Tom lôi bao thuốc Gauloises và chai whiskey ra khỏi cái túi lưới đỏ, tiếp đến là chai Pernod lậu giấu trong va-li. “Quà thăm nhà.”
“Tuyệt quá đi mất! Jeff đang ở phòng triển lãm. Nghe này, Tom, anh sẽ làm việc đó chứ?... Vì tôi đã có đủ đồ ở đây rồi và không có nhiều thời gian đâu.”
“Tôi sẽ thử xem sao,” anh nói.
“Bernard sắp đến. Anh ấy sẽ giúp chúng ta. Chỉ dẫn chiến thuật.” Ed hăm hở nhìn đồng hồ đeo tay của mình.
Tom đã cởi áo khoác ngoài và áo vest ra. “Derwatt không thể đến muộn hơn một chút à? Khai mạc vào lúc năm giờ phải không?”
“À, tất nhiên. Cũng không cần phải tới đó trước sáu giờ làm gì, nhưng tôi muốn thử trang điểm, Jeff bảo phải nhắc anh là anh không lùn hơn Derwatt là bao… nhưng ai mà thèm nhớ mấy con số đấy cơ chứ? Giả như tôi đã từng viết về chúng ở bất kỳ đâu chăng nữa? Với cả Derwatt có đôi mắt màu xám ánh xanh dương. Nhưng mắt của anh cũng được.” Ed cười. “Muốn uống trà không?”
“Không cảm ơn.” Tom đang nhìn bộ âu phục màu xanh dương sậm trên tràng kỷ của Jeff. Trông nó quá rộng và cũng không được là lượt. Một đôi giày đen khủng khiếp nằm cạnh tràng kỷ trên sàn nhà. “Sao anh không uống một chút rượu nhỉ?” Tom gợi ý cho Ed vì trông anh ta bồn chồn như mèo vậy. Như thường lệ, thái độ lo lắng của người khác lại khiến Tom cảm thấy bình thản.
Chuông cửa reo.
Ed để Bernard Tufts vào.
Tom chìa một bàn tay ra. “Bernard, anh khỏe không?”
“ Khỏe, cảm ơn anh,” Bernard nói, giọng nghe thật khổ sở. Anh ta gày nhẳng, da ngăm ngăm, mái tóc đen thẳng và đôi mắt đen dịu dàng.
Tom nghĩ tốt nhất là bây giờ đừng nên cố nói chuyện với Bernard làm gì, chỉ cần làm việc thật hiệu quả là được.
Ed lấy một chậu nước trong căn phòng tắm nhỏ xíu nhưng hiện đại của Jeff và Tom gội qua đầu để làm tóc anh trông sậm màu hơn. Mãi sau khi nhận được sự giục giã quả quyết rồi nài nỉ của Ed, Bernard mới góp ý vài câu.
“Anh ấy đi hơi khom người,” anh ta nói. “Giọng anh ấy… Anh ấy hơi rụt rè ở chỗ đông người. Giọng kiểu đều đều, tôi nghĩ thế. Như thế này, tôi sẽ cố mô phỏng cho anh nghe,” Bernard nói bằng giọng đều đều. “Thỉnh thoảng anh ấy sẽ phá lên cười.”
“Không phải chúng ta đều thế sao!” Tom nói, bản thân anh cũng cười một cách lo lắng. Giờ Tom đang ngồi trên một chiếc ghế lưng thẳng, được Ed chải đầu. Bên phải Tom là một cái khay trông như đựng rác quét nhà của tiệm cắt tóc, nhưng Ed rũ nó và hóa ra đó là một bộ râu được dính vào một tấm gạc màu da trông như thật. “Chúa lòng lành, tôi mong là đèn lờ mờ thôi,” Tom lầm bầm.
“Chúng tôi sẽ lo liệu chuyện đó,” Ed nói.
Trong khi Ed xử lý bộ râu, Tom tháo hai chiếc nhẫn của anh ra, một là nhẫn cưới, một là nhẫn của Dickie Greenleaf, và đút chúng vào túi. Anh nhờ Bernard đưa mình chiếc nhẫn từ túi quần bên trái và anh ta giúp anh. Các ngón tay mảnh dẻ của Bernard lạnh băng và run cầm cập. Tom muốn hỏi thăm anh ta về Cynthia rồi nhớ ra Bernard không còn gặp cô ta nữa. Anh nhớ họ còn định cưới nhau rồi. Ed đang dùng kéo tỉa tóc của Tom, tạo một chỏm ở trước trán.
“Với cả Derwatt…” Bernard dừng lại vì giọng anh ta có phần nghẹn ngào.
“Ôi, ngậm mồm lại đi, Bernard!” Ed nói, cười như điên. Bernard cũng cười theo. “Xin lỗi. Thật sự, tôi vô cùng xin lỗi.” Anh ta có vẻ ăn năn, như thể thật lòng thấy vậy.
Bộ râu được dùng keo dán vào.
Ed nói, “Tôi muốn anh đi dạo quanh đây một vòng, Tom. Để làm quen. Đến phòng triển lãm… Anh không cần phải ra trước đám đông, chúng tôi đã quyết định sẽ không làm thế. Có một cánh cửa phía sau và Jeff sẽ đưa chúng ta vào bằng đường đó. Chúng tôi sẽ mời vài nhà báo vào văn phòng, và chỉ bật một cây đèn đứng ở đầu phòng bên kia thôi. Chúng tôi đã bỏ một cái đèn nhỏ và bóng đèn trên trần để nó không sáng được, anh hiểu chứ”.
Bộ râu dán keo thật lạnh lẽo trên mặt Tom. Trong tấm gương trong phòng vệ sinh của Jeff, trông anh hơi giống D.H. Lawrence6, anh nghĩ thầm. Xung quanh miệng anh đầy tóc. Đó là một cảm giác mà Tom không thích. Dưới gương, trên một cái giá nhỏ, là ba bức ảnh của Derwatt – Derwatt mặc áo sơ-mi thoải mái, ngồi trên một cái ghế đọc sách, Derwatt đứng cùng một người đàn ông mà Tom không biết, nhìn về phía máy ảnh. Trong tất cả các bức ảnh, Derwatt đều đeo kính.
6 David Herbert Lawrence (bút danh là D. H. Lawrence) là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết kịch và họa sĩ người Anh.
“Kính,” Ed nói, như thể đọc được suy nghĩ của Tom.
Anh nhận lấy chiếc kính gọng tròn mà anh ta đưa rồi đeo nó vào. Thế này trông ổn hơn rồi đấy. Tom mỉm cười, một cách nhẹ nhàng để không làm hỏng bộ râu đang dần khô. Cặp kính là thủy tinh không độ, rõ ràng là thế. Tom khom người đi vào trong studio, và nói bằng giọng mà anh hy vọng là giống Derwatt, “Giờ hãy kể cho tôi nghe về gã Murchison này nào…”
“Trầm hơn!” Bernard nói, bàn tay gày gò của anh ta vung lên loạn xạ.
“Gã Murchison này,” Tom lặp lại.
Bernard nói, “Ông M… Murchison, theo lời Jeff, nghĩ rằng… Derwatt đã quay lại với kỹ thuật vẽ tranh cũ. Bức tranh ‘Đồng Hồ’, anh hiểu không. Tôi không rõ ý ông ta là gì, nói thật với anh là vậy.” Bernard vội vã lắc đầu, rút một chiếc khăn tay ra từ đâu đó và xì mũi. “Tôi đã ngắm một trong các bức ảnh Jeff chụp tấm ‘Đồng Hồ’. Ba năm rồi tôi chưa nhìn thấy nó, anh biết đấy. Không phải tranh thật.” Bernard nói nhỏ như sợ tường đang nghe trộm.
“Ông Murchison này có phải chuyên gia không?” Tom hỏi, nghĩ, chuyên gia là gì nhỉ?
“Không, ông ta chỉ là một doanh nhân người Mỹ thôi,” Ed nói. “Ông ta sưu tầm tranh. Ông ta dai như đỉa đói vậy.”
Còn hơn như vậy, Tom nghĩ, không thì họ đã chẳng lo lắng thế này. “Tôi có nên chuẩn bị một cái gì cụ thể không?”
“ Không,” Ed nói. “Có đúng không, Bernard?”
Bernard thở dốc rồi gượng cười, và trong khoảnh khắc, trông anh ta hệt như mấy năm trước đây, trẻ trung hơn, ngây thơ. Tom nhận ra Bernard gày hơn so với lần cuối cùng anh nhìn thấy anh ta, ba hay bốn năm trước gì đó.
“Ước gì tôi biết,” Bernard nói. “Anh chỉ phải… kiên trì bảo vệ bức tranh đó, bức tranh ‘Đồng Hồ’, là tranh của Derwatt.”
“Cứ tin tôi,” Tom nói. Anh đang đi lòng vòng, tập dáng đi khọm người, khoác lên một nhịp điệu chậm chạp mà anh hy vọng là đúng.
“Nhưng,” Bernard tiếp tục, “nếu ông Murchison muốn tiếp tục bám theo những gì mà ông ta vẫn lải nhải, bất kể đó là gì đi nữa – mà anh đang giữ bức tranh ‘Người Ngồi Trong Ghế’ đấy, Tom…”
Bức tranh giả. “Ông ta sẽ không bao giờ được nhìn thấy bức tranh đó,” Tom nói. “Bản thân tôi rất thích nó.”
“Bức ‘Bồn Tắm,’” Bernard nói thêm. “Nó cũng có mặt trong buổi triển lãm.”
“Anh lo lắng về bức tranh đó à?” Tom hỏi.
“Nó cũng được vẽ bằng kỹ thuật tương tự,” Bernard nói. “Có thể thế.”
“Vậy anh biết kỹ thuật mà ông Murchison đang nói đến là kỹ thuật gì phải không? Nếu lo lắng thì sao anh không bỏ bức ‘Bồn Tắm’ ra khỏi buổi triển lãm đi?”
Ed nói, “Nó đã được thông báo trong chương trình. Chúng tôi sợ rằng nếu bỏ nó đi thì ông Murchison lại muốn xem nó, muốn biết ai mua nó, đủ thứ đại loại như vậy”.
Cuộc đối thoại chẳng đi đến đâu vì Tom không thể moi được thông tin rõ ràng về thứ kỹ thuật mà họ, hoặc ông Murchison, nói đến trong các bức tranh đó.
“Anh sẽ không bao giờ chạm mặt ông Murchison đâu, nên đừng có lo lắng nữa,” Ed nói với Bernard.
“Anh đã gặp ông ta chưa?” Tom hỏi Ed. “Chưa, chỉ mới có Jeff gặp thôi. Sáng nay.”
“ Ông ta thế nào?”
“Jeff nói khoảng tầm năm mươi tuổi, tạng người to béo đúng kiểu Mỹ. Cũng khá lịch sự nhưng cứng đầu. Không phải cái quần đó có thắt lưng sao?”
Tom thắt chặt thắt lưng trên quần. Anh khịt mũi ngửi ống tay áo vest. Có mùi băng phiến thoang thoảng, hẳn sẽ không dễ nhận ra dưới mùi khói thuốc lá. Dẫu sao đi nữa, Derwatt có thể đã mặc đồ Mexico suốt mấy năm vừa rồi còn đồ châu Âu của anh ta thì được cất đi. Tom nhìn mình trong tấm gương dài, dưới một bóng đèn sáng rực rỡ của Jeff mà Ed mới bật lên và đột ngột gập người xuống cười nắc nẻ. Anh quay lại và nói, “Xin lỗi, tôi chỉ vừa nghĩ là cân nhắc đến khoản thu nhập đáng kinh ngạc của Derwatt thì chắc chắn là anh ta quá quý mến mấy bộ đồ cũ của mình!”.
“Không sao cả, anh ấy là người lánh đời mà,” Ed nói. Điện thoại reo. Ed nghe máy, và Tom nghe thấy anh ta đang trấn an ai đó, không nghi ngờ gì là Jeff, rằng Tom đã đến và sẵn sàng lâm trận.
Tom chưa cảm thấy sẵn sàng lắm. Mồ hôi anh túa ra vì lo lắng. Anh nói với Bernard, cố ra giọng vui vẻ, “Cynthia thế nào rồi? Anh có gặp lại cô ấy nữa không?”.
“Tôi không còn gặp cô ấy nữa. Ít nhất thì cũng không thường xuyên lắm.” Bernard liếc nhìn Tom rồi lại nhìn xuống sàn.
“Cô ấy sẽ nói gì khi phát hiện ra Derwatt đã quay về Luân Đôn vài ngày?” Tom hỏi.
“Tôi không nghĩ là cô ấy sẽ nói bất kỳ điều gì cả,” Bernard trì độn đáp lại. “Cô ấy sẽ không… phá hoại, tôi chắc chắn thế.”
Ed chấm dứt cuộc trò chuyện qua điện thoại. “Cynthia sẽ không nói gì đâu, Tom. Cô ấy là như thế đấy. Anh vẫn nhớ cô ấy chứ, Tom?”
“Có. Loáng thoáng,” Tom nói.
“Nếu đến giờ này mà cô ấy còn chưa nói gì cả thì cô ấy cũng sẽ không nói gì đâu,” Ed nói. Cái cách anh ta nói nghe như kiểu “Cô ta không phải kiểu người dở dở ương ương hay ba hoa chích chòe đâu”.
“Cô ấy khá tuyệt vời,” Bernard mơ màng nói, chẳng với ai cả. Đột nhiên anh ta đứng bật dậy và lao vào phòng tắm, có thể vì anh ta cần đi vệ sinh nhưng nhiều khả năng là để nôn.
“Đừng lo về Cynthia, Tom,” Ed nhẹ nhàng nói. “Chúng tôi sống với cô ấy, anh biết đấy. Ý tôi là, ở Luân Đôn này. Cô ấy đã giữ im lặng ba năm rồi. À thì, từ khi cô ấy chia tay với Bernard. Hoặc là anh ta chia tay với cô ấy.”
“Cô ấy hạnh phúc chứ? Tìm được ai khác chưa?”
“ À, cô ấy có bạn trai rồi, tôi nghĩ thế.”
Bernard vừa quay lại.
Tom uống một ly scotch. Bernard uống một ly Pernod và Ed thì không uống gì cả. Theo lời anh ta nói thì anh ta không dám vì vừa uống thuốc giảm đau. Đến năm giờ, Tom đã được tổng hợp hoặc nhồi lại vài thứ: thị trấn ở Hy Lạp nơi Derwatt đã được chính thức nhìn thấy cách đây khoảng sáu năm. Tom, phòng trường hợp bị hỏi, phải nói anh đã rời Hy Lạp dưới một cái tên khác trong một tàu chở dầu từ Hy Lạp đến Vera Cruz, trong vai người tra dầu và họa sĩ trên tàu.
Họ mượn áo khoác ngoài của Bernard, trông còn cũ hơn cả áo của Tom hoặc bất kỳ cái áo nào Jeff có trong tủ quần áo của anh ta. Rồi Tom và Ed khởi hành, để Bernard lại trong studio của Jeff, nơi lát nữa bọn họ sẽ gặp lại nhau.
“Chúa ơi, anh ta rầu rĩ quá,” Tom nói khi đang đi trên vỉa hè. Anh đang khom cả người xuống để đi bộ. “Anh ta có thể tiếp tục như thế này bao lâu nữa?”
“Đừng đánh giá dựa vào ngày hôm nay. Anh ấy sẽ tiếp tục được thôi. Cứ lúc nào có triển lãm là anh ấy lại thành ra thế này.”
Bernard là con ngựa thồ già nua, Tom đoán vậy. Ed và Jeff thì mê mải với tiền bạc, thức ăn ngon, đời sống cao. Bernard thì chỉ mải sản xuất ra những bức tranh biến những chuyện đó thành hiện thực.
Tom vội vã lùi lại tránh một chiếc tắc-xi, không ngờ nó sẽ lao tới dọc lề đường bên trái.
Ed mỉm cười. “Tuyệt lắm. Cứ tiếp tục phát huy nhé.” Họ đến chỗ chờ tắc-xi và ngồi vào một chiếc xe.
“Mà này… người quản lý hay người giám sát ở phòng triển lãm,” Tom nói. “Tên anh ta là gì nhỉ?”
“Leonard Hayward,” Ed nói. “Anh ta tầm hai sáu tuổi. Quái đản cực kỳ, nên thuộc về một cửa tiệm thời trang trên đường King, nhưng anh ta ổn lắm. Jeff và tôi đã cho anh ta vào hội. Buộc phải thế. Thật ra thì như thế an toàn hơn, vì anh ta không thể gửi thư tống tiền nếu ký vào bản thỏa thuận cùng chúng tôi quản lý nơi này, và anh ta đã ký. Chúng tôi trả anh ta khá hậu hĩnh và anh ta cũng thấy hứng thú. Anh ta còn mang lại vài người mua hàng giàu có nữa.” Ed nhìn Tom và mỉm cười. “Đừng quên chút ngữ điệu của dân lao động nhé. Theo tôi nhớ thì anh có thể giả vờ khá tốt.”