E
d Banbury ấn chuông của một cánh cửa màu đỏ sậm nằm chìm trong tường tòa nhà. Tom nghe có tiếng vặn khóa, rồi cửa mở và Jeff đứng đó, cười toe toét với họ.
“Tom! Thật siêu thực!” Jeff thì thào.
Họ đi qua một hành lang ngắn, vào trong một văn phòng ấm cúng với bàn làm việc và máy đánh chữ, sách, các bức tường màu kem, thảm lót kín phòng. Các bức tranh sơn dầu và các khung tranh nằm dựa vào tường.
“Tôi không biết làm cách nào để tán dương trông anh giống đến mức nào – Derwatt!” Jeff vỗ mạnh vai Tom. “Tôi hy vọng động tác này không làm râu của anh rụng xuống.”
“Đến bão cũng phải chịu thua,” Ed xen vào.
Jeff Constant đã tăng cân, mặt thì hồng hào – hoặc có thể là vì anh ta sử dụng đèn nhuộm da. Ống tay áo sơ mi của anh ta được trang trí bằng khuy măng-sét vàng hình vuông, bộ âu phục đen sọc xanh dương trông mới toanh. Tom để ý thấy có một chỏm tóc giả – như cách họ gọi thời nay – che đi phần hói trên đỉnh đầu của Jeff, mà anh biết rõ là chỗ đó bây giờ trọc lốc rồi. Qua cánh cửa đóng chặt dẫn tới phòng tranh, rất nhiều giọng nói hứng khởi vọng vào, trong đó có một tiếng phụ nữ cười cao chót vót như cá heo nhảy lên khỏi mặt biển dữ dội, Tom nghĩ thầm, dù lúc này anh chẳng có tâm trạng làm thơ.
“Sáu giờ,” Jeff thông báo, lật ống tay áo lên để nhìn đồng hồ. “Giờ tôi sẽ nhỏ nhẹ báo cho vài nhà báo biết rằng Derwatt đang ở đây. Trên toàn nước Anh này, sẽ không có một…”
“Ha ha! Không có một cái gì?” Ed cắt lời.
“… không có một vụ huyên náo nào đâu,” Jeff nói một cách kiên định. “Tôi sẽ bảo đảm điều đó.”
“Anh cứ ngồi lại đây. Hoặc đứng, tùy ý,” Ed nói, ra dấu vào chiếc bàn nằm trong góc và một cái ghế sau bàn.
“Thằng cha Murchison cũng có mặt ở đây chứ?” Tom hỏi bằng giọng của Derwatt.
Nụ cười bất diệt của Jeff rạng rỡ hơn nhưng có phần không thoải mái. “À, có đấy. Anh phải gặp ông ta, tất nhiên rồi. Nhưng sau khi gặp báo giới nhé.” Jeff háo hức, nóng lòng muốn ra ngoài, dù trông anh ta có vẻ muốn nói thêm điều gì đó. Chìa khóa vặn trong ổ.
“Có nước ở đâu đó không?” Tom hỏi.
Ed chỉ cho anh một phòng vệ sinh nhỏ bị giấu sau một giá sách chòi ra ngoài. Tom vội vàng uống một ngụm nước và khi anh vừa bước ra, hai người đàn ông trong đám nhà báo đang cùng Jeff bước vào, mặt họ ngơ ngác vì ngạc nhiên và tò mò. Một người tầm năm mươi có lẻ, người còn lại ở độ tuổi hai mươi, nhưng biểu cảm thì khá tương đồng.
“Xin cho phép tôi giới thiệu ông Gardiner của tờ Telegraph,” Jeff nói. “Derwatt. Và anh…”
“ Perkins,” chàng trai trẻ nói. “Tờ Sunday…”
Một tiếng gõ cửa vang lên trước khi họ kịp chào hỏi lẫn nhau. Tom khom người đi về phía bàn, cứ như bị thấp khớp. Cây đèn duy nhất trong phòng nằm gần cánh cửa dẫn tới phòng tranh, cách anh đến tận ba mét. Nhưng Tom đã để ý thấy Perkins mang theo một chiếc máy ảnh có đèn flash.
Có thêm bốn người đàn ông và một người phụ nữ được mời vào. Trong hoàn cảnh này, Tom sợ cặp mắt của phụ nữ hơn bất kỳ thứ gì khác. Cô ta được giới thiệu với anh là cô Eleanor Gì Đó của tờ Manchester Gì Đó.
Rồi các câu hỏi bắt đầu tới tấp bay đến, mặc dù Jeff gợi ý các nhà báo nên lần lượt đặt câu hỏi thôi. Đây là một lời đề nghị vô dụng vì bọn họ đều quá hăm hở muốn thắc mắc của mình được giải đáp.
“Anh có định sống mãi mãi ở Mexico không, anh Derwatt?”
“Anh Derwatt, chúng tôi cực kỳ bất ngờ khi thấy anh ở đây. Điều gì đã khiến anh quyết định tới Luân Đôn?”
“Đừng có gọi tôi là anh Derwatt,” Tom gắt gỏng nói. “Derwatt không là đủ rồi.”
“Anh có thích bộ tranh sơn dầu mới nhất mà mình vẽ không? Anh có nghĩ chúng là các tác phẩm xuất sắc nhất của mình không?”
“Derwatt, anh sống một mình ở Mexico à?” Eleanor Gì Đó hỏi.
“Đúng thế.”
“Anh có thể nói cho chúng tôi biết tên ngôi làng anh đang ở không?”
Có thêm ba người đàn ông bước vào và Tom thấy Jeff đang khuyên một người trong số họ đứng chờ bên ngoài.
“Có một thứ mà tôi sẽ không bao giờ nói cho các vị đó là tên ngôi làng tôi sống,” Tom chậm rãi nói. “Như vậy không công bằng đối với các cư dân khác.”
“Derwatt, này…”
“Derwatt, có vài nhà phê bình đã nói…”
Có người đang dùng nắm tay nện cửa.
Jeff nện trả và hét, “Hiện giờ không ai được vào nữa!”.
“Có vài nhà phê bình đã nói…”
Giờ thì cửa vang lên tiếng răng rắc và Jeff lấy vai chặn lại. Cánh cửa sẽ không đầu hàng, Tom thấy vậy, và hướng đôi mắt bình tĩnh sang người vừa đặt câu hỏi.
“… đã nói rằng tác phẩm của anh tương đồng với một giai đoạn của Picasso liên quan tới thời kỳ lập thể của ông ta, khi ông ta bắt đầu bóc tách các khuôn mặt và hình khối.”
“Tôi không có giai đoạn vẽ tranh nào hết,” Tom nói. “Picasso mới có các giai đoạn. Đó là lý do người ta không thể định vị Picasso – đấy là nếu có người muốn làm vậy. Không thể nói ra câu ‘Tôi thích Picasso’, vì làm gì có giai đoạn nào xuất hiện trong đầu ta. Picasso đùa giỡn với hội họa. Không sao hết. Nhưng khi làm vậy thì ông ta cũng đã phá hủy bản chất thiên tài của mình – một thiên tài và một cá tính dung hòa. Cá tính của Picasso là gì?”
Các nhà báo cần mẫn ghi chép.
“Bức tranh nào anh yêu thích trong buổi triển lãm hôm nay? Anh nghĩ mình thích bức nào hơn hết thảy?”
“Tôi không có… Không, tôi không thể nói là mình có một bức họa đặc biệt yêu thích trong buổi triển lãm này. Cảm ơn anh.” Derwatt có hút thuốc không nhỉ? Kệ đi. Tom với lấy bao thuốc Craven A của Jeff và châm một điếu bằng bật lửa để bàn trước khi hai nhà báo có thể lao tới châm lửa giúp anh. Tom lùi lại để bảo vệ bộ râu của mình trước ngọn lửa. “Bức tranh ưa thích nhất của tôi có lẽ là các bức tranh cũ – ‘Đôi Ghế Đỏ,’ ‘Người Phụ Nữ Đang Rơi,’ có thể là thế. Đã bán được, ơn trời.” Chẳng biết từ đâu mà Tom nhớ ra tiêu đề bức tranh cuối cùng. Nó có tồn tại.
“Nó ở đâu? Tôi không biết bức tranh đó, nhưng có nghe đến tên nó,” có người nói.
E dè, như một người có thói lánh đời, Tom vẫn dán chặt mắt vào bàn thấm bọc da trên bàn Jeff. “Tôi quên mất rồi.
‘Người Phụ Nữ Đang Rơi’. Tôi nghĩ hình như được bán cho một người Mỹ.”
Các nhà báo lại dồn dập xông lên. “Anh có hài lòng với doanh số bán hàng của mình không, Derwatt?”
(Ai lại không thấy hài lòng chứ?)
“Mexico có truyền cảm hứng cho anh không? Tôi để ý thấy không có bức tranh sơn dầu nào trong buổi triển lãm này lấy bối cảnh Mexico hết.”
(Một chướng ngại vật nhỏ, nhưng Tom vẫn vượt qua được. Lúc nào anh chẳng vẽ từ trí tưởng tượng.)
“Ít nhất thì anh có thể miêu tả căn nhà nơi anh sống ở Mexico chứ, Derwatt?” Eleanor hỏi.
(Việc này thì Tom làm được. Một căn nhà một tầng có bốn phòng. Trước cửa có một cây chuối. Có một cô gái đến dọn dẹp vào mười giờ sáng hàng ngày, và mua sắm ít đồ hộ anh hàng trưa, mang về bánh tortilla mới nướng nóng hôi hổi, sẽ được anh ăn cùng đậu đỏ – frijoles – thành bữa trưa.
Đúng là thịt hơi khan hiếm nhưng cũng có ít thịt dê. Tên cô gái à? Juana.)
“Trong làng họ có gọi anh là Derwatt không?”
“Hồi trước thì có và họ cũng có cách phát âm cực kỳ khác, tôi nói cho các anh biết. Giờ thì họ gọi Filipo. Không cần một cái tên nào khác ngoài Don Filipo.”
“Họ hoàn toàn không biết anh chính là Derwatt à?”
Tom lại cười nhẹ. “Tôi không nghĩ họ bận tâm nhiều đến tờ The Times hay Arts Review hay mấy tờ báo đại loại như thế đâu.”
“Anh có nhớ Luân Đôn không? Đối với anh nó trông như thế nào?”
“Có phải chỉ vì một ý thích bất chợt khiến anh quay lại lúc này không?” Perkins trẻ tuổi hỏi.
“Đúng thế. Chỉ là một ý thích bất chợt.” Tom nở nụ cười mệt mỏi, thản nhiên của một người đàn ông đã ngắm nhìn sông núi Mexico, trong cô đơn, suốt nhiều năm dài.
“Anh có bao giờ cải trang để tới châu Âu không? Chúng tôi biết anh thích sự riêng tư…”
“Derwatt, tôi sẽ cực kỳ biết ơn nếu được anh bỏ ra mười phút ngày mai. Tôi có thể hỏi nơi anh đang ở…”
“Xin lỗi nhé, tôi vẫn chưa quyết định được là mình sẽ ở đâu,” Tom nói.
Jeff nhẹ nhàng giục các nhà báo ra về và máy ảnh bắt đầu chớp lên. Tom cúi mặt xuống rồi ngẩng mặt lên cho một, hai bức ảnh theo yêu cầu. Jeff đưa một người phục vụ mặc áo vest trắng cầm theo một khay đồ uống vào. Cái khay trong nháy mắt trống không.
Tom nhấc một bàn tay lên ra hiệu bẽn lẽn, hòa nhã chào tạm biệt. “Cảm ơn tất cả các vị.”
“Không phỏng vấn nữa,” Jeff nói ở cửa. “Nhưng tôi…”
“À, ông Murchison. Mời ông vào,” Jeff nói. Anh ta quay sang giới thiệu cho Tom. “Derwatt, đây là ông Murchison. Từ Mỹ.”
Ông Murchison to con với khuôn mặt dễ chịu. “Anh thế nào, anh Derwatt?” Ông ta tươi cười hỏi thăm. “Thật là một bất ngờ tuyệt vời khi được gặp anh ở đất Luân Đôn này!”
Họ bắt tay.
“Chào ông,” Tom nói.
“Còn vị này là Edmund Banbury,” Jeff nói, “thưa ông Murchison.”
Ed và ông Murchison chào hỏi nhau.
“Tôi có một bức tranh của anh – bức ‘Đồng Hồ’. Trên thực tế, tôi đã mang nó theo đây.” Giờ ông ta đang tươi cười rạng rỡ, nhìn Tom đầy vẻ nhiệt thành và kính trọng, và Tom hy vọng vì mải ngạc nhiên khi được tận mắt nhìn thấy anh mà mắt ông ta bị lóa.
“À, ra thế,” Tom nói.
Jeff một lần nữa lặng lẽ khóa cửa lại. “Ông không ngồi xuống sao, ông Murchison?”
“Được, cảm ơn anh.” Murchison ngồi xuống một chiếc ghế lưng thẳng.
Jeff bắt đầu lặng lẽ thu dọn những chiếc cốc không từ rìa các giá sách và bàn làm việc.
“Đi thẳng vào trọng tâm nhé, anh Derwatt, tôi… tôi có hứng thú với một số thay đổi nhất định về mặt kỹ thuật mà anh thể hiện ra trong bức tranh ‘Đồng Hồ’. Hiển nhiên là anh biết bức tranh tôi muốn nói đến chứ?” Ông ta hỏi.
Đó là một câu hỏi thông thường hay có tính công kích nhỉ, Tom phân vân. “Tất nhiên,” anh nói.
“Anh có thể miêu tả nó không?”
Tom vẫn đang đứng thẳng. Một cơn ớn lạnh lan đi khắp cơ thể anh. Tom mỉm cười. “Tôi chẳng bao giờ có thể miêu tả các bức tranh của mình. Tôi cũng sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu trong đó không có cái đồng hồ nào. Ông Murchison, ông có biết là không phải lúc nào tôi cũng tự đặt tên cho các tác phẩm của mình không? Sao người ta có thể nghĩ ra cái tên ‘Trưa Chủ Nhật’ từ một bức tranh sơn dầu thì tôi cũng chịu.” (Tom đã liếc qua chương trình triển lãm hai mươi tám bức họa Derwatts đang được trưng bày, một tờ chương trình mà Jeff hoặc ai đó đã thấu đáo mở ra và đặt lên bàn thấm trên bàn làm việc.) “Có phải đó là công lao của anh không, Jeff?”
Anh ta bật cười. “Không, tôi nghĩ là của Ed. Ông có muốn uống gì không, ông Murchison? Tôi sẽ lấy đồ uống cho ông từ quầy bar.”
“Không, cảm ơn anh, tôi không cần.” Rồi ông ta chuyển hướng sang Tom. “Đó là một chiếc đồng hồ màu đen xanh dương được cầm bởi… Anh có nhớ không?” Ông ta mỉm cười như thể chỉ đang hỏi một câu đố ngây thơ.
“Tôi nghĩ là một bé gái… quay mặt về phía người xem, đúng không nhỉ?”
“Hừm. Không sai,” ông Murchison nói. “Nhưng mà anh cũng đâu có vẽ bé trai bao giờ?”
Tom cười khẽ, nhẹ nhõm vì mình đã đoán đúng. “Tôi đoán là mình thích các bé gái hơn.”
Ông Murchison châm một điếu Chesterfield. Ông ta có đôi mắt màu nâu, mái tóc xoăn màu nâu sáng, và một quai hàm mạnh mẽ chỉ là có quá nhiều da, như cả cơ thể của ông ta. “Tôi muốn cho anh xem bức tranh của tôi. Tôi có lý do. Xin chờ trong giây lát. Tôi đã để nó ở chỗ áo khoác.”
Jeff để ông ta ra ngoài rồi lại khóa cửa lại.
Jeff và Tom nhìn nhau. Ed đang đứng dựa vào một bức tường sách, im lìm. Tom thì thào nói:
“Này mấy anh, nếu cái bức tranh chết tiệt đấy đã nằm trong phòng thay đồ suốt chừng đó thời gian, một người trong số các anh không thể nhón nó ra và đốt đi được à?”
“Ha ha!” Ed cười, lo lắng.
Nụ cười làm cả khuôn mặt đầy đặn của Jeff co rúm lại, dù anh ta vẫn duy trì tư thế, như thể ông Murchison vẫn còn ở trong phòng.
“Thôi, nghe ông ta trình bày nốt nào,” Tom nói bằng giọng Derwatt chậm rãi và tự tin. Anh cố gắng giũ ống tay áo, nhưng chúng không nhúc nhích.
Ông Murchison quay lại, mang theo một bức tranh được bọc giấy nâu kẹp dưới nách. Đó là một bức tranh Derwatt cỡ trung bình, rơi vào khoảng 60 x 90 cm. “Tôi đã trả mười nghìn đô la cho bức tranh này,” ông ta nói, mỉm cười. “Có thể anh nghĩ tôi thật bất cẩn khi vứt nó trong phòng để áo khoác, nhưng tôi có xu hướng tin người.” Ông ta đang dùng dao nhíp tháo giấy bọc bức tranh ra. “Anh có biết bức tranh này không?” Ông ta hỏi Tom.
Tom mỉm cười với bức tranh. “Tất nhiên rồi.”
“ Anh vẫn nhớ đã vẽ nó à?”
“Đó là tranh của tôi,” Tom nói.
“Chính màu tím trong bức tranh này thu hút tôi. Màu tím. Đây là màu tím cô-ban – chắc anh có thể phân biệt rõ hơn tôi.” Ông Murchison thoáng mỉm cười có phần hối lỗi. “Bức tranh ít nhất ba năm tuổi, vì tôi đã mua nó cách đây ba năm. Nhưng nếu tôi không nhầm thì anh đã bỏ màu violet xanh thẫm để chuyển sang màu đỏ cadmium và xanh thẫm từ cách đây năm, sáu năm gì đó rồi. Tôi cũng không thể chỉ rõ ngày tháng năm được.”
Tom im lặng. Trong bức tranh mà ông Murchison mua, chiếc đồng hồ có màu đen và tím. Đường cọ và màu sắc tương tự với “Người Ngồi Trong Ghế” (do Bernard vẽ) ở nhà anh. Tom không hiểu rõ ông Murchison chỉ trích cái gì về mặt sắc tím. Một cô bé mặc chiếc váy màu hồng pha màu xanh táo đang giữ chiếc đồng hồ, hay đúng hơn là đặt tay lên trên nó, vì cái đồng hồ rất to và đang đứng trên bàn. “Nói thật với ông nhé, tôi đã quên mất rồi,” Tom nói. “Có thể tôi đã dùng màu tím cô-ban ở đấy đấy.”
“Còn cả bức tranh mang tên ‘Bồn Tắm’ ngoài kia nữa,” ông Murchison nói, hất đầu về phía phòng triển lãm. “Nhưng trong các bức tranh khác lại không có. Tôi thấy hiếu kỳ. Một họa sĩ thường không quay lại sử dụng một màu sắc mà anh ta đã vứt bỏ. Sự kết hợp của màu đỏ cadmium và xanh thẫm thú vị hơn nhiều – theo ý kiến của tôi. Đó là sự lựa chọn sau này của anh đấy.”
Tom chẳng mảy may lo lắng. Có phải anh nên thấy lo lắng hơn? Anh khẽ nhún vai.
Jeff đã đi vào căn phòng vệ sinh nhỏ và đang lọ mọ với gạt tàn và cốc.
“Anh đã vẽ bức tranh ‘Đồng Hồ’ cách đây bao lâu?” Ông Murchison hỏi.
“Tôi e là không thể cho ông biết điều đó được,” Tom nói với thái độ thẳng thừng. Anh đã nắm được luận điểm của ông Murchison, ít nhất là về mặt thời gian, và anh cũng nói thêm, “Có thể là bốn đến năm năm trước. Đó là một bức tranh cũ rồi”.
“Khi bán cho tôi nó không hề cũ. Cả bức ‘Bồn Tắm’ nữa. Nó được đề ngày vẽ là trong năm ngoái, và trong bức tranh đó cũng có màu tím cô-ban.”
Màu cô-ban dùng làm bóng tối không hề nổi bật trong bức “Đồng Hồ”. Ông Murchison hẳn có cặp mắt cú vọ. Tom nghĩ bức “Đôi Ghế Đỏ” – bức tranh cũ hơn và là tác phẩm gốc của Derwatt – cũng có màu sắc ấy, và anh tự hỏi nó có ngày tháng cụ thể bên trên không? Nếu anh có thể nói bức “Đôi Ghế Đỏ” chỉ mới ba năm tuổi, bằng cách nào đó chứng minh được điều đó thì ông Murchison cút đi được rồi. Lát nữa phải đối chiếu lại với Jeff và Ed mới được, Tom nghĩ thầm.
“Anh nhớ rõ là mình đã vẽ bức ‘Đồng Hồ’ chứ?” Ông Murchison hỏi.
“Tôi biết đó là tranh của tôi,” Tom nói. “Tôi chắc đã ở Hy Lạp hoặc thậm chí là Ireland khi vẽ nó, vì tôi không nhớ ngày tháng chính xác, và ngày tháng ở phòng triển lãm không phải lúc nào cũng là thời điểm tôi vẽ tranh.”
“Tôi không nghĩ bức tranh ‘Đồng Hồ’ là tác phẩm của anh,” ông Murchison nói với vẻ tin tưởng thiện lành của người Mỹ.
“Chúa nhân từ, vì sao lại không?” Vẻ thiện lành của Tom giống y chang ông Murchison.
“Tôi có linh cảm rủi ro như thế, tôi biết. Nhưng tôi đã từng xem vài tác phẩm thời kỳ đầu của anh trong một bảo tàng ở Philadelphia. Nếu tôi được phép nói, anh Derwatt, anh…”
“Cứ gọi Derwatt là được. Tôi thích thế hơn.”
“Derwatt. Anh sáng tác rất nhiều, tôi nghĩ cũng có khả năng anh quên mất… hay nên nói là không nhớ một bức tranh. Giả dụ bức ‘Đồng Hồ’ đúng là phong cách của anh và chủ đề cũng mang nét đặc trưng của anh…”
Jeff, cũng như Ed, đang chăm chú lắng nghe, và khi ông ta tạm dừng, Jeff nói, “Nhưng sau rốt thì, tất cả những bức tranh này đều đến từ Mexico cùng với vài bức tranh khác của Derwatt. Anh ấy luôn gửi hai đến ba bức tranh cùng một lúc”.
“Đúng thế. Bức ‘Đồng Hồ’ có ghi ngày ở mặt sau. Nó ba năm tuổi, được viết bằng cùng màu mực đen mà Derwatt ký tên,” ông Murchison nói, lật ngược bức tranh lại để tất cả có thể nhìn thấy nó. “Tôi đã cho người giám định chữ ký và ngày tháng ở Mỹ. Tôi đã điều tra kỹ lưỡng đến mức đấy đấy,” ông Murchison nói, mỉm cười.
“Tôi không hiểu vấn đề là gì nữa,” Tom nói. “Nếu ngày tháng được ghi là ba năm trước bằng chính chữ viết tay của tôi thì tức là tôi đã vẽ nó ở Mexico chứ sao.”
Ông Murchison nhìn Jeff. “Anh Constant, anh nói đã nhận được bức ‘Đồng Hồ’ cùng với hai bức khác, chắc vậy, trong cùng một kiện hàng?”
“Đúng thế. Giờ theo tôi nhớ… Tôi nghĩ hai bức còn lại vẫn còn ở đây do những người chủ ở Luân Đôn cho mượn… Bức ‘Kho Thóc Màu Cam’ và… Anh có nhớ bức còn lại không, Ed?”
“ Tôi chắc là bức ‘Bóng Chim Ma’. Có đúng không?”
Từ cái gật đầu của Jeff, Tom có thể thấy đó là sự thật, không thì Jeff rất giỏi giả vờ.
“Chính là nó,” Jeff nói.
“Chúng không được sử dụng cùng một kỹ thuật với bức vẽ này. Trong chúng cũng có màu tím nhưng được tạo bởi các màu sắc trộn lẫn. Hai bức tranh mà hai vị đang nói đến là tranh thật – các bức tranh thật ở giai đoạn sau, trăm phần trăm.”
Ông Murchison có phần nhầm lẫn rồi, chúng cũng đều là tranh giả cả thôi. Tom gãi râu, nhưng hết sức nhẹ nhàng. Anh giữ vẻ lặng lẽ, nhưng có phần thích thú.
Ông Murchison nhìn từ Jeff sang Tom. “Các anh có thể nghĩ tôi rất tự phụ, nhưng nếu anh thứ lỗi cho tôi, Derwatt, thì tôi nghĩ anh đã bị giả mạo. Tôi sẽ nhận lấy rủi ro trong vụ này, dám cá cả tính mạng là bức ‘Đồng Hồ’ không phải do anh vẽ.”
“Nhưng ông Murchison,” Jeff nói, “đó chỉ đơn giản là vấn đề…”
“Cho tôi xem hóa đơn của một số bức tranh nhất định trong một năm nào đó à? Các bức tranh được nhận từ Mexico mà thậm chí còn không được đặt tên? Thế nếu Derwatt không đặt tên cho chúng thì sao?”
“Buckmaster Gallery là nhà bán tranh duy nhất được phép bán các tác phẩm của Derwatt. Ông đã mua bức tranh đó từ chỗ chúng tôi.”
“Tôi ý thức rõ về điều đó,” ông Murchison nói. “Và tôi không buộc tội các anh hay Derwatt. Tôi chỉ đang nói rằng tôi không nghĩ đây là một bức tranh của Derwatt. Tôi cũng không thể giải thích rõ cho các anh biết chuyện gì đã xảy ra được.” Ông Murchison lần lượt nhìn bọn họ, có phần xấu hổ vì sự bộc phát của mình, nhưng vẫn giữ niềm tin vững chắc vào bản thân. “Giả thuyết của tôi là một họa sĩ sẽ không bao giờ quay lại sử dụng một màu sắc hoặc một bộ màu sắc kết hợp mà anh ta đã từng sử dụng một khi anh ta đã chuyển sang một màu sắc khác cũng tinh tế và quan trọng như màu tím oải hương trong các bức tranh của Derwatt. Anh có đồng ý như vậy không, Derwatt?”
Tom thở dài và dùng ngón trỏ chạm vào râu của mình. “Tôi cũng không biết. Có vẻ tôi không phải là một nhà lý thuyết giống như ông.”
Tất cả im lặng.
“Thôi, ông Murchison, thế ông muốn chúng tôi làm gì với bức tranh ‘Đồng Hồ’ đây? Hoàn tiền cho ông nhé?” Jeff hỏi. “Chúng tôi rất sẵn lòng làm vậy, bởi vì… Derwatt vừa xác nhận lại rồi, và nói thẳng ra là giờ nó đáng giá hơn mười nghìn đô la đấy.”
Tom hy vọng ông Murchison sẽ đồng ý, nhưng ông ta không phải kiểu người như thế.
Ông Murchison từ tốn cân nhắc, đút hai tay vào túi quần và nhìn Jeff. “Cảm ơn anh, nhưng tôi có hứng thú với giả thuyết của tôi – ý kiến của tôi, hơn là tiền bạc. Và vì tôi vẫn còn ở Luân Đôn, nơi có những chuyên gia giám định tranh tài ba như ở bất kỳ đâu trên thế giới, có khi còn là những người giỏi nhất, tôi có ý định để một chuyên gia xem bức tranh ‘Đồng Hồ’ và so sánh nó với… vài bức tranh Derwatt không có gì phải nghi ngờ khác.”
“Được thôi,” Tom hòa nhã nói.
“Cảm ơn rất nhiều vì đã chịu gặp tôi, Derwatt. Rất hân hạnh được gặp anh.” Ông Murchison chìa bàn tay ra.
Tom bắt tay ông ta một cách mạnh mẽ. “Rất hân hạnh, ông Murchison.”
Ed giúp ông ta bọc tranh của mình lại và đưa thêm dây vì dây của ông Murchison không còn buộc được nữa.
“Tôi có thể liên hệ với anh qua phòng tranh này không?” Ông Murchison nói với Tom. “Mai chẳng hạn?”
“Được chứ,” Tom nói. “Họ sẽ biết tôi ở đâu.”
Khi ông Murchison rời khỏi phòng, cả Jeff và Ed đều thở phào nhẹ nhõm.
“Này… chuyện nghiêm trọng đến mức nào?” Tom hỏi. Jeff hiểu biết về tranh hơn. Anh ta khó khăn lên tiếng.
“Nếu ông ta lôi một chuyên gia vào cuộc thì chuyện nghiêm trọng đấy, tôi nghĩ thế. Và ông ta sẽ làm những gì vừa nói. Ông ta có lý về màu tím. Người ta có thể xem nó là một manh mối dẫn đến những chuyện tệ hại hơn.”
Tom nói, “Sao chúng ta không thể quay lại studio của anh nhỉ, Jeff? Anh có thể lại đưa tôi lẻn ra qua cửa sau… như cô bé Lọ Lem vậy?”.
“Được thôi, nhưng tôi muốn nói chuyện với Leonard đã.” Jeff cười toét miệng. “Tôi sẽ kéo anh ta vào gặp anh.” Anh ta ra ngoài.
Tiếng xì xào từ phòng triển lãm giờ đã lắng xuống. Tom nhìn Ed, mặt anh ta có phần nhợt nhạt. Tôi thì có thể biến mất, nhưng mấy người thì không, anh nghĩ. Tom vươn thẳng vai và giơ ngón tay thành hình chữ V. “Hất cao cằm lên, Banbury. Chúng ta sẽ giải quyết êm thấm chuyện này.”
“Hoặc họ sẽ giải quyết chúng ta,” Ed đáp lại, với một cử chỉ khiếm nhã hơn nhiều.
Jeff quay lại cùng Leonard, một người đàn ông trẻ tuổi nhỏ người, gọn gàng, mặc một bộ âu phục kiểu Edward với quá nhiều khuy và cổ áo bằng nhung. Leonard phá ra cười khi nhìn thấy Derwatt, và Jeff bảo anh ta im lặng.
“Phi thường, quá phi thường!” Leonard nói, nhìn Tom từ đầu tới chân với một vẻ ngưỡng mộ chân thành. “Tôi đã xem vô số bức ảnh, anh biết đấy! Tôi chưa từng nhìn thấy cái gì tuyệt vời đến mức này từ khi tôi đóng Toulouse-Lautrec với bàn chân bị trói lại sau lưng! Đó là chuyện của năm ngoái.” Leonard chăm chú nhìn Tom. “Anh là ai thế?”
“Điều đó,” Jeff nói, “anh sẽ không được phép biết. Chỉ cần nói rằng…”
“Chỉ cần nói rằng,” Ed nói, “Derwatt vừa có một buổi phỏng vấn tuyệt vời trước báo chí”.
“Và ngày mai không còn Derwatt nữa. Anh ta sẽ quay lại Mexico,” Jeff thì thầm. “Giờ thì quay lại với công việc của anh đi, Leonard.”
“Ciao7,” Tom nói, giơ một tay lên.
7 (Tiếng Ý): Chào.
“Vô cùng tôn kính,” Leonard nói, cúi người xuống. Anh ta lùi ra cửa và nói thêm, “Đám đông đã ra về gần hết rồi. Rượu cũng sắp hết”. Anh ta lách ra ngoài.
Tom thì không thấy vui vẻ cho lắm. Anh chỉ muốn thoát khỏi bộ đồ cải trang này. Tình huống này là một rắc rối chưa được giải quyết.
Quay lại studio của Jeff, họ phát hiện ra là Bernard Tufts đã bỏ đi. Ed và Jeff có vẻ ngạc nhiên. Và Tom thì thấy có phần bất an, vì Bernard hẳn biết được chuyện gì đang diễn ra.
“Các anh có thể liên hệ với Bernard, tất nhiên rồi nhỉ,” Tom nói.
“Tất nhiên,” Ed nói. Anh ta đang tự pha trà cho mình trong bếp của Jeff. “Bernard lúc nào cũng thích ru rú ở nhà. Anh ta có điện thoại.”
Tom chợt nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa, đến cả điện thoại cũng không còn an toàn để sử dụng.
“Ông Murchison chắc sẽ muốn gặp lại anh đấy,” Jeff nói. “Cùng vị chuyên gia. Vậy nên anh phải lặn đi. Mai anh sẽ phải về Mexico – một cách chính thức. Có thể là phải về ngay tối nay.” Jeff đang nhấp Pernod. Anh ta trông tự tin hơn, chắc vì buổi phỏng vấn với đám nhà báo và thậm chí cả buổi nói chuyện với ông Murchison đều đã diễn ra một cách tương đối ổn thỏa, Tom nghĩ thầm.
“Mexico cái của khỉ,” Ed nói, mang theo cốc trà vào. “Derwatt sẽ ở đâu đó trong nước Anh này với bạn bè anh ta, và đến cả chúng ta cũng không biết được là ở đâu. Cứ để qua vài ngày đã. Rồi anh ta mới về Mexico. Bằng phương tiện nào à? Ai mà biết được cơ chứ?”
Tom cởi chiếc áo vest thùng thình ra. “Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ có ghi ngày không?”
“Có,” Jeff nói. “Nó sáu năm tuổi.”
“Tôi cho là chỉ vài bức được ghi lại ngày tháng thôi, phải không?” Tom hỏi. “Tôi đang nghĩ hay là cập nhật lại bức đó – để giải quyết cho xong vụ màu tím này đi.”
Ed và Jeff liếc nhìn nhau rồi Ed nói vội, “Không, nó được in trong quá nhiều catalogue tranh”.
“Có một cách giải quyết nữa, bảo Bernard vẽ thêm vài bức tranh sơn dầu – hai đi – có cùng cái màu tím cô-ban đó. Kiểu chứng minh rằng anh ta dùng cả hai loại màu tím.” Nhưng Tom cảm thấy cách này không khả thi ngay khi nói ra, và anh biết vì sao. Tom cảm thấy chính Bernard là người mà họ không thể dựa dẫm vào nữa. Anh không nhìn Jeff và Ed. Họ vẫn còn mơ hồ. Anh cố gắng đứng thẳng dậy, cảm thấy tự tin trong bộ dạng giả mạo Derwatt. “Tôi đã bao giờ kể cho hai anh về tuần trăng mật của mình chưa?” Tom hỏi bằng giọng đều đều của Derwatt.
“Không, hãy kể cho chúng tôi nghe về tuần trăng mật của anh đi!” Jeff nói, sẵn sàng phá ra cười và chưa gì miệng đã toe toét rồi.
Tom lại đi khom người theo kiểu Derwatt. “Thứ… thứ ức chế nhất… là không khí. Ở Tây Ban Nha. Chúng tôi đã thuê phòng khách sạn, hai người biết đấy, và tôi ở đó với Heloise, dưới gác, ở sân trong, có một con vẹt hát Carmen – dở ẹc. Và mỗi lần chúng tôi… à thì, nó lại hát: ‘Ah-ha-ha-ha-ha-ha-ha- haaaaa! Ah-ha-ha-ha-ha-ha-ha-ha-ha-ha-ha-haaaaa!’. Mọi người đều ngó ra ngoài cửa sổ, hét ầm lên bằng tiếng Tây Ban Nha là ‘Ngậm cái mỏ dơ bẩn của mày lại! Ai lại dậy… cái thứ không đáng nói tên kia hát Carmen không biết? Giết nó đi! Nấu canh đi!’. Không thể làm tình trong khi cười được. Các anh đã thử bao giờ chưa? Đấy… người ta bảo tiếng cười phân biệt con người với động vật. Và… thứ còn lại thì chắc chắn là giống nhau rồi. Ed, anh có thể giúp tôi thoát khỏi bộ cánh này không?”
Ed đang cười ngặt nghẽo và Jeff lăn người trên ghế sô-pha nhẹ nhõm – mà Tom biết chỉ là tạm thời – sau trạng thái căng thẳng lúc nãy.
“Vào phòng tắm đi.” Ed bật nước nóng trong bồn rửa mặt lên.
Tom thay sang quần áo của mình. Nếu bằng cách nào đó anh có thể dụ ông Murchison tới nhà anh, trước khi ông ta nói chuyện với vị chuyên gia mà ông ta nhắc đến, biết đâu – Tom cũng chưa biết mình định làm gì – tình huống này có thể được giải quyết. “Ông Murchison ở đâu ở Luân Đôn?”
“Một khách sạn nào đó,” Jeff nói. “Ông ta không nói là nơi nào.”
“Anh có thể gọi tới vài khách sạn xem xem có thể tìm được ông ta không?”
Trước khi Jeff kịp sờ tới điện thoại thì nó đã reo. Tom nghe thấy Jeff báo với ai đó là Derwatt đã lên một chuyến tàu về phía bắc và Jeff cũng không biết anh ta định đi đâu. “Anh ta là một kẻ đơn độc,” Jeff nói. “Một nhà báo khác,” Jeff nói khi dập máy, “cố gắng có một cuộc phỏng vấn cá nhân”. Anh ta mở danh bạ ra. “Tôi sẽ thử gọi tới Dorchester trước. Ông ta trông giống kiểu thích ở Dorchester.”
“Hoặc Westbury,” Ed nói.
Phải cẩn thận nhấp rất nhiều nước mới tháo được bộ râu ra. Sau đó là gội đầu để làm sạch màu tóc nhuộm trên đầu anh. Cuối cùng Tom cũng nghe Jeff vui vẻ nói, “Không, cảm ơn anh, lát nữa tôi sẽ gọi lại”.
Rồi anh ta nói, “Khách sạn Mandeville. Nó nằm ở gần đường Wigmore”.
Tom mặc chiếc áo hồng mua ở Venice của anh vào. Rồi anh đi tới chỗ điện thoại và đặt một phòng ở khách sạn Mandeville dưới tên Thomas Ripley. Anh thông báo mình sẽ đến vào tầm tám giờ hơn.
“Anh định làm gì đấy?” Ed hỏi.
Tom khẽ cười, “Tôi cũng chưa rõ,” anh nói, đó là sự thật.