K
hách sạn Mandeville khá sang trọng nhưng không đời nào có thể sánh bằng khách sạn Dorchester. Tom đến nơi lúc tám giờ mười lăm phút tối và đăng ký, ghi địa chỉ ở Villeperce-sur-Seine. Anh đã thoáng nghĩ đến việc đọc tên giả và địa chỉ là ở một vùng nông thôn nước Anh nào đó vì anh có thể sẽ lâm vào rắc rối đáng kể với ông Murchison và phải nhanh chóng biệt tích, nhưng cũng có khả năng anh sẽ mời ông ta tới Pháp, trong trường hợp đó thì Tom có thể cần đến tên thật của mình. Anh nhờ người khuân vác hành lý mang va-li của mình lên phòng rồi anh ngó nghiêng trong quầy bar, hy vọng ông Murchison có mặt ở đó. Không thấy ông ta, nhưng Tom vẫn quyết định uống một chai bia nhẹ và chờ đợi giây lát.
Sau mười phút uống bia chờ đợi và đọc Evening Standard, anh vẫn chẳng thấy bóng dáng ông Murchison đâu. Khu vực này có vô số nhà hàng, Tom biết, nhưng làm sao anh có thể tiến lại gần bàn của ông Murchison và tìm cách làm quen chỉ nhờ việc nói rằng hôm nay đã gặp ông ta ở buổi triển lãm Derwatt được. Hay là anh có thể nhỉ – nói rằng anh cũng đã thấy ông Murchison đi vào phòng trong để gặp Derwatt? Được. Tom đang định ra ngoài khám phá các nhà hàng địa phương thì thấy ông Murchison bước vào quầy bar, ra dấu cho ai đó đi theo.
Và trước sự ngạc nhiên, thậm chí là kinh hãi của Tom, anh thấy rằng người còn lại chính là Bernard Tufts. Tom vội vã chuồn ra cửa ở đầu phòng bên kia, dẫn ra vỉa hè. Bernard không nhìn thấy anh, Tom khá chắc. Anh nhìn một vòng tìm bốt điện thoại, hoặc tìm một khách sạn khác để gọi điện nhưng không thấy gì hết, nên anh lại quay vào Mandeville bằng cửa chính và nhận chìa khóa phòng, số 411.
Vào phòng, Tom gọi ngay đến studio của Jeff. Ba, bốn, rồi năm hồi chuông đổ và trong sự nhẹ nhõm của anh, Jeff nghe máy.
“Xin chào, Tom! Tôi vừa đi xuống cầu thang với Ed thì nghe thấy tiếng điện thoại. Có chuyện gì thế?”
“Anh có tình cờ biết Bernard hiện đang ở đâu không?”
“ À, hôm nay chúng tôi sẽ để anh ta ở một mình. Anh ta đang buồn bực.”
“Anh ta đang uống rượu với ông Murchison ở trong quầy bar của khách sạn Mandeville.”
“Gì cơ?”
“Tôi đang gọi từ phòng khách sạn của tôi. Giờ thì bất kể anh định làm gì, Jeff… Anh có còn nghe không đấy?”
“Có, có đây.”
“Đừng có nói với Bernard là tôi đã nhìn thấy anh ta. Cũng đừng nói là tôi đang ở Mandeville. Và đừng có rối loạn vì bất kỳ chuyện gì hết. Đấy là nếu đến giờ Bernard còn chưa khai tuốt ra, tôi cũng không rõ nữa.”
“Chúa tôi ơi,” Jeff rên rỉ. “Không, không đâu. Bernard sẽ không kể hết ra đâu. Tôi không nghĩ vậy.”
“Tối muộn hôm nay anh có ở nhà không?”
“ Có, trước… Ôi, tôi sẽ về nhà trước nửa đêm.”
“Tôi sẽ cố gắng gọi cho anh. Nhưng đừng lo nếu tôi không gọi. Đừng cố gọi cho tôi làm gì vì… biết đâu tôi lại có khách trong phòng.” Tom vừa nói vừa bật cười.
Jeff cũng cười, nhưng có vẻ yếu ớt, “Được rồi, Tom”. Anh dập máy.
Anh nhất định phải gặp ông Murchison tối nay. Liệu ông ta và Bernard có ăn tối không? Chờ hết bữa thì chán chết. Tom treo một bộ âu phục và cất vài chiếc áo sơ-mi vào trong ngăn kéo. Anh lại vẩy nước lên mặt và nhìn vào gương để bảo đảm mọi dấu keo đều đã biến mất.
Vì bồn chồn, anh rời khỏi phòng, áo khoác vắt trên cánh tay. Anh sẽ đi dạo, có thể là đến Soho, và tìm một chỗ ăn tối. Lúc bước vào sảnh, anh nhìn qua cánh cửa kính của quán bar Mandeville.
Anh gặp may. Ông Murchison ngồi một mình, đang ký hóa đơn và cửa dẫn ra đường của quán bar vừa đóng lại, có thể chính là để tiễn biệt Bernard. Tuy vậy, Tom vẫn liếc một vòng trong sảnh, phòng trường hợp anh ta chỉ đi vào phòng vệ sinh và có thể sẽ quay lại. Anh không nhìn thấy Bernard và anh đợi tới khi ông Murchison đã đứng hẳn lên chuẩn bị rời đi rồi mới vào quầy bar. Tom trông thật rầu rĩ và trầm tư, và trên thực tế thì anh cũng cảm thấy đúng như vậy. Anh nhìn ông Murchison hai lần, mắt ông ta chạm mắt anh một lần, giả bộ như thể anh nhớ đã gặp ông ta ở đâu đó.
Rồi Tom tiếp cận ông ta. “Xin lỗi. Tôi nghĩ hôm nay đã gặp ông ở buổi triển lãm Derwatt.” Tom sử dụng giọng Mỹ, vùng trung tây với chữ r trong Derwatt được nhấn mạnh.
“À, đúng là tôi đã ở đó,” ông Murchison nói.
“Tôi đã nghĩ trông ông giống người Mỹ mà. Tôi cũng là người Mỹ đây. Ông thích Derwatt chứ?” Tom đang cố gắng tỏ ra trong sáng và thẳng thắn hết mức có thể mà không có vẻ quá ngờ nghệch.
“Có chứ, chắc chắn rồi.”
“Tôi sở hữu hai bức tranh sơn dầu của anh ta,” Tom tự hào nói. “Tôi tính mua thêm một trong các bức tranh trong buổi triển lãm hôm nay – nếu vẫn còn. Tôi vẫn chưa quyết định xong. Bức ‘Bồn Tắm’.”
“Vậy à? Tôi cũng sở hữu một bức đấy,” ông Murchison đáp lại bằng vẻ bộc trực tương đương.
“Thật sao? Nó tên là gì?”
“Sao anh không ngồi xuống nhỉ?” Ông Murchison đang đứng nhưng ra hiệu về phía chiếc ghế đối diện với mình. “Anh có muốn uống gì không?”
“Cảm ơn, thế nào cũng được.”
Ông Murchison ngồi xuống. “Bức tranh của tôi có tên là ‘Đồng Hồ’. Thật vui khi gặp được một người cũng sở hữu một bức tranh Derwatt… à, tận hai bức!”
Một phục vụ đi tới.
“Tôi uống scotch. Còn anh?” Ông ta hỏi Tom.
“Gin và tonic,” Tom nói. Anh thêm, “Tôi đang ở tại khách sạn Mandeville này nên hãy tính tiền đồ uống cho tôi”.
“Chúng ta sẽ tranh luận về điều đó sau. Kể cho tôi nghe về hai bức tranh anh có đi.”
“Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’,” Tom nói, “và…”
“Thật à? Một viên đá quý! Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ ý. Anh có sống ở Luân Đôn không?”
“Không, ở Pháp.”
“Ôi,” đầy vẻ thất vọng. “Bức còn lại là gì?”
“Bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’.”
“Tôi không biết bức tranh đó,” ông Murchison nói.
Trong vài phút, họ thảo luận về tính cách kỳ lạ của Derwatt, và Tom kể anh đã thấy ông Murchison đi vào phòng trong của phòng triển lãm nơi anh nghe nói Derwatt đang có mặt.
“Chỉ nhà báo được phép vào trong, nhưng tôi đã phá cửa,” ông Murchison bảo với Tom. “Anh thấy đấy, tôi có một lý do khá đặc biệt để ở đây đúng lúc này, và khi tôi nghe nói Derwatt cũng có mặt ở đây vào buổi chiều hôm nay ở phòng triển lãm, tôi không thể để tuột mất cơ hội.”
“Vậy à? Lý do của ông là gì thế?” Tom hỏi.
Ông Murchison giải thích rằng Derwatt có thể đang bị giả mạo tranh và Tom lắng nghe với sự chú tâm cao độ. Vấn đề là hiện Derwatt đang sử dụng hỗn hợp màu xanh thẫm và đỏ cadmium, suốt năm năm qua (từ trước khi anh ta chết, Tom nhận ra, vậy nên Derwatt mới là người bắt đầu sử dụng nó chứ không phải Bernard) nhưng trong bức “Đồng Hồ” và “Bồn Tắm”, anh ta lại quay lại màu tím cô-ban đơn giản từ thời kỳ trước đó. Ông Murchison cũng lấy vẽ tranh làm sở thích, ông ta kể với Tom như vậy.
“Tôi không phải chuyên gia, tin tôi đi, nhưng tôi đọc hầu như mọi quyển sách về các họa sĩ và hội họa có trên đời. Chẳng cần đến một chuyên gia hay kính hiển vi mới nhận ra sự khác biệt giữa một màu đơn sắc và màu pha, nhưng ý tôi muốn nói ở đây là, anh sẽ chẳng bao giờ tìm được một họa sĩ nào quay lại sử dụng một màu sắc mà anh ta đã cố tình hoặc vô thức vứt bỏ. Tôi nói là vô thức vì khi một họa sĩ chọn một màu sắc mới hoặc các màu sắc mới thì chủ yếu đó là một quyết định vô thức. Dù không phải Derwatt sử dụng màu oải hương trong mọi bức tranh, không phải thế. Nhưng kết luận của tôi là bức tranh ‘Đồng Hồ’ của tôi và có thể là cả vài bức tranh khác nữa, trong đó có cả bức ‘Bồn Tắm’ mà tiện thể anh có hứng thú ấy, không phải tranh của Derwatt.”
“Thú vị thật. Cực kỳ thú vị. Vì tình cờ thay bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ của tôi có vẻ khớp với những gì ông vừa nói. Tôi nghĩ vậy. Và bức đó khoảng bốn năm tuổi. Tôi mong sao ông có thể xem nó. Thế ông định xử lý bức ‘Đồng Hồ’ của mình như thế nào?”
Ông Murchison châm một điếu Chesterfield của mình lên. “Tôi vẫn chưa kể xong câu chuyện của mình đâu. Tôi vừa uống rượu với một người Anh tên là Bernard Tufts, cũng là một họa sĩ, và có vẻ anh ta cũng có chung nghi ngờ như tôi về Derwatt.”
Tom cau có. “Thật sao? Nếu có kẻ đang giả mạo Derwatt thật thì chuyện này khá nghiêm trọng đấy. Anh ta đã nói gì?”
“Tôi có cảm giác anh ta biết nhiều hơn những gì anh ta kể. Tôi không nghĩ anh ta có can dự trong vụ này. Anh ta không phải kiểu lừa đảo và trông cũng không có vẻ có nhiều tiền. Nhưng hình như anh ta rất hiểu về thế giới nghệ thuật Luân Đôn. Anh ta chỉ đơn giản cảnh cáo tôi, ‘Đừng mua thêm bức Derwatt nào nữa, ông Murchison’. Nào, anh nghĩ sao về chuyện đó?”
“Hừm. Nhưng anh ta có chứng cứ gì không?”
“Như tôi nói, tôi không rõ. Tôi không moi được gì từ anh ta cả. Nhưng anh ta mất công tìm kiếm tôi ở đây và anh ta còn nói đã gọi cho tám khách sạn ở Luân Đôn mới tìm được tôi. Tôi đã hỏi làm sao anh ta biết tên tôi và anh ta trả lời là, ‘À thì có tin đồn’. Rất kỳ lạ, vì mấy người ở Buckmaster Gallery là những người duy nhất tôi nói chuyện cùng. Anh không nghĩ vậy sao? Ngày mai tôi sẽ có hẹn với một người ở Tate Gallery, nhưng đến cả anh ta cũng chưa hề biết tôi hẹn để nói chuyện liên quan tới một bức tranh Derwatt.” Ông Murchison uống thêm một chút scotch và nói, “Khi các bức tranh bắt đầu được chuyển về từ Mexico… Anh có biết ngày mai tôi định làm gì ngoài việc cho anh Riemer ở Tate Gallery xem bức ‘Đồng Hồ’ không, tôi sẽ hỏi xem tôi hoặc anh ta có quyền xem hóa đơn hoặc sổ sách của những người ở Buckmaster Gallery về việc các bức tranh của Derwatt được gửi về từ Mexico hay không. Tôi không mấy hứng thú với tên tranh, và Derwatt cũng đã bảo tôi là không phải lúc nào anh ta cũng tự đặt tên cho chúng, mà tôi quan tâm đến số lượng tranh. Chắc chắn là chúng được hải quan hoặc chỗ nào đó đưa vào, và nếu có những bức tranh không được ghi chép lại thì cũng có lý do cả. Hẳn sẽ đáng kinh ngạc lắm nếu chính bản thân Derwatt cũng đang bị bịt mắt và vài bức tranh Derwatt – à, chẳng hạn như mấy bức được nói là bốn đến năm năm tuổi đi – đã được vẽ ra ngay chính tại Luân Đôn này?”.
Phải, Tom nghĩ. Đáng kinh ngạc thật. “Nhưng ông vừa kể là đã nói chuyện với Derwatt. Ông có nói chuyện về bức tranh của mình với anh ta không?”
“Tôi còn cho anh ta xem tranh! Anh ta nói đó là tranh của mình nhưng lại không chắc chắn trăm phần trăm, theo ý kiến của tôi. Anh ta không nói ‘Chúa ơi, đó là tranh của tôi chứ gì nữa!’. Anh ta nhìn bức tranh mấy phút rồi mới nói, ‘Tất nhiên, đó là tranh của tôi’. Có thể là tôi đang quá cả gan, nhưng tôi đã bảo với Derwatt là tôi nghĩ có khả năng anh ta quên mất một, hai bức tranh sơn dầu của mình, một bức vô danh mà anh ta đã vẽ cách đây vài năm.”
Tom cau mày như thể anh không đồng ý với điều đó, đúng là thế thật. Kể cả một họa sĩ có không đặt tên cho bức tranh của mình đi nữa thì anh ta cũng phải nhớ bức tranh đó, Tom nghĩ, thậm chí có khi còn nhớ cả một bức phác thảo ấy chứ. Nhưng anh vẫn để ông Murchison tiếp tục nói.
“Còn nữa, tôi không thích mấy người ở Buckmaster Gallery lắm. Jeffrey Constant. Và nhà báo Edmund Banbury, người rõ ràng là bạn thân của Constant. Tôi nhận thấy họ là bạn thân của Derwatt. Ở Long Island nơi tôi sống có bán tờ The Listenter, Arts Review và cả tờ Sundays Times. Tôi cũng thường thấy các bài báo của Banbury, rất hay kèm quảng cáo cho tranh Derwatt, đấy là nếu bài báo đó không dành riêng để tán tụng một bức tranh Derwatt. Và anh biết tôi chợt nghĩ gì không?”
“ Gì vậy?” Tom hỏi.
“Rằng… chỉ là biết đâu chính Constant và Banbury là người dàn xếp vài bức tranh giả mạo để bán nhiều tranh Derwatt hơn số tranh Derwatt có thể sản xuất ra. Tôi không dám nói là Derwatt cũng nhúng tay vào chuyện đó. Nhưng không phải sẽ buồn cười lắm sao nếu Derwatt đãng trí đến mức anh ta thậm chí không thể nhớ được mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh?” Ông Murchison cười lớn.
Buồn cười thật, Tom cho là vậy, nhưng chẳng có gì đáng cười hết. Không buồn cười bằng sự thật đâu, ông Murchison. Tom mỉm cười. “Vậy là ngày mai ông sẽ cho chuyên gia xem bức tranh của mình à?”
“Lên gác xem nó luôn bây giờ đi!”
Tom cố gắng giành trả tiền nhưng ông Murchison khăng khăng đòi ký hóa đơn.
Anh cùng ông ta đi vào thang máy. Ông Murchison cất bức tranh trong một góc tủ đồ, vẫn được bọc lại hệt như Ed đã bọc nó chiều hôm ấy. Tom nhìn nó đầy hứng thú.
“Nó là một bức tranh đẹp,” Tom nói. “À, không ai có thể phủ nhận điều đó!”
“Ông biết đấy…” Tom đặt bức tranh lên bàn làm việc và giờ đang nhìn nó từ xa với tất cả các ngọn đèn đã được bật sáng. “Nó có nét tương tự với bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ của tôi đấy. Sao ông không ghé chỗ tôi và xem bức tranh của tôi nhỉ? Tôi ở rất gần Paris. Nếu ông nghĩ bức tranh của tôi cũng bị giả mạo thì tôi sẽ để ông mang nó theo về Luân Đôn để giám định.”
“Hừm,” ông Murchison nói, ngẫm nghĩ. “Nghe được đấy nhỉ.”
“Nếu ông bị lừa thì tôi cũng vậy, tôi nghĩ thế.” Đề nghị trả tiền vé máy bay cho ông Murchison là một hành động sỉ nhục ông ta, Tom nghĩ vậy, nên anh không đề cập đến. “Tôi có một căn nhà khá lớn và hiện giờ tôi đang sống một mình, ngoài bà quản gia.”
“Được rồi, tôi sẽ đi,” ông Murchison nói, vẫn chưa chịu ngồi xuống.
“Tôi định đi vào chiều mai đấy.”
“Được, vậy tôi sẽ hoãn cuộc hẹn với Tate Gallery lại.”
“ Tôi cũng có nhiều bức tranh khác nữa. Dù tôi không phải nhà sưu tập đâu.” Tom ngồi xuống chiếc ghế rộng nhất.
“Tôi mong ông có thể xem qua chúng. Một bức Soutine. Hai bức Magritte.”
“Thật à?” Mắt ông Murchison bắt đầu trông có vẻ hơi mơ màng. “Anh sống cách Paris bao xa?”
Mười phút sau, Tom đã về phòng anh ở tầng dưới. Ông Murchison đã đề nghị họ ăn tối cùng nhau nhưng Tom nghĩ tốt nhất là nói mình có hẹn lúc mười giờ tối ở Belgravia nên anh không dư thời gian. Ông Murchison đã tin tưởng để Tom đặt vé máy bay cho hai người tới Paris vào chiều mai, vé khứ hồi cho ông Murchison. Tom nhấc điện thoại lên và đặt hai ghế trên một chuyến bay cất cánh vào hai giờ chiều ngày mai, thứ Tư, tới Orly. Tom cũng có vé quay về của mình. Anh để lại tin nhắn dưới quầy tiếp tân cho ông Murchison về thông tin chuyến bay. Sau đó Tom gọi một chiếc sandwich và nửa chai Médoc. Rồi anh ngủ một giấc tới mười một giờ và gọi điện cho Reeves Minot ở Hamburg. Cuộc điện thoại này mất gần nửa tiếng đồng hồ.
Reeves không có mặt, một người đàn ông đặc giọng Đức nói.
Tom quyết định cứ liều thử xem vì anh đã chán ngấy Reeves rồi, và hỏi, “Tom Ripley đây. Reeves có tin nhắn nào cho tôi không?”.
“Có. Tin nhắn vào thứ Tư. Ngày mai Bá tước sẽ đến Milan. Ngày mai anh có thể tới Milan không?”
“Không, ngày mai tôi không thể tới Milan được. Es tut mir leid8.” Tom chưa muốn báo cho gã này biết, bất kể gã là ai đi nữa, chuyện Bá tước đã nhận được lời mời tới thăm anh lần tới ông ta đến Pháp rồi. Reeves không thể kỳ vọng anh lúc nào cũng bỏ hết tất cả mọi chuyện trong tay được – Tom đã làm vậy hai lần – bay tới Hamburg hoặc Rome (dù đúng là anh cũng rất thích đi du lịch một chút), giả vờ vô tình có mặt ở mấy thành phố đó, và mời “vật chủ”, như Tom vẫn luôn nghĩ về những người mang đồ, tới nhà của mình ở Villeperce. “Tôi nghĩ cũng chẳng có gì quá phức tạp hết,” Tom nói. “Anh có thể cho tôi biết địa chỉ của Bá tước ở Milan không?”
8 (Tiếng Đức): Vô cùng xin lỗi.
“Grand Hotel,” giọng cộc cằn đáp.
“Anh có thể báo với Reeves là tôi sẽ gọi lại, chắc là ngày mai. Tôi có thể liên lạc với anh ta ở đâu?”
“Sáng mai tại Grand Hotel ở Milan. Anh ấy sẽ đi tàu tới Milan tối nay. Anh ấy không thích máy bay, anh biết đấy.”
Tom không biết. Kỳ lạ, một người đàn ông như Reeves mà lại không thích máy bay. “Tôi sẽ gọi cho anh ta. Và giờ tôi không ở Munich. Tôi đang ở Paris.”
“Paris à?” nói vẻ ngạc nhiên. “Tôi biết Reeves đã cố gọi cho anh ở Munich, khách sạn Vierjahreszeiten.”
Không may cho anh ta. Tom lịch sự gác máy.
Kim đồng hồ đeo tay của Tom di chuyển về phía mười hai giờ đêm. Anh ngẫm nghĩ xem lát nữa nên nói gì với Jeff Constant. Và phải làm gì với Bernard nữa. Một bài diễn văn trấn an tinh thần nảy đến trong đầu Tom, vẫn còn thời gian để gặp anh ta trước khi anh đi vào chiều mai, nhưng Tom chỉ sợ Bernard sẽ thấy buồn bực và bi quan hơn nếu có người thể hiện nỗ lực trấn an anh ta. Nếu Bernard nói với ông Murchison là, “Đừng mua thêm bức Derwatt nào nữa” thì xem chừng là anh ta sẽ không vẽ thêm một bức Derwatt nào nữa và điều đó, tất nhiên, sẽ khiến tình hình kinh doanh trở nên xấu đi. Một viễn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn nữa là Bernard có khi đang chực muốn thú tội với cảnh sát hoặc vài người mua tranh Derwatt giả.
Thật sự thì trạng thái tinh thần của anh ta như thế nào và anh ta dự tính làm gì nhỉ?
Tom quyết định là mình không nên nói gì với Bernard cả. Bernard biết rõ là anh, Tom, đã đề xuất anh ta vẽ tranh giả. Tom đi tắm và bắt đầu hát:
Babbo non vuole
Mamma nemmeno
Come faremo
A far all’ amor ...
Các bức tường của Mandeville mang lại cảm giác – có thể chỉ là ảo giác – cách âm tốt. Tom đã lâu không hát bài này. Anh hài lòng vì nó bất chợt xuất hiện trong đầu mình, vì đó là một bài ca vui vẻ, và Tom xem đó là điềm lành.
Anh mặc đồ ngủ và gọi tới studio của Jeff.
Jeff nghe máy ngay lập tức. “Xin chào. Thế nào rồi?”
“Tối nay tôi đã nói chuyện với ông M và chúng tôi khá hợp cạ. Ngày mai ông ta sẽ cùng tôi tới Pháp. Chuyện đó sẽ giúp trì hoãn vụ này lại, anh biết đấy.”
“Và… ý anh là anh sẽ cố gắng thuyết phục ông ta hoặc làm gì đó.”
“Đúng thế. Có vẻ là vậy.”
“Muốn tôi tới khách sạn của anh không, Tom? Chắc anh đã quá mệt để ghé lại đây. Hay anh vẫn tới đây được?”
“Tôi không đủ sức, nhưng cũng không cần thiết. Vả lại anh có thể chạm trán ông M nếu anh tới đây, và chúng ta thì không muốn điều đó.”
“Đúng là không.”
“Anh có tin tức gì của Bernard không?” Tom hỏi. “Không.”
“Hãy nói với anh ta là…” Tom cố gắng tìm từ thích hợp. “Nói với anh ta là anh – chứ không phải tôi nhé – vô tình biết được ông M sẽ đợi thêm vài ngày trước khi đưa ra quyết định sẽ làm gì với bức tranh của mình. Tôi rất lo lắng không muốn Bernard phá hỏng vụ này. Anh cố gắng lo liệu việc đó nhé?”
“Sao anh không nói chuyện với Bernard nhỉ?”
“Vì như thế không ổn,” Tom nói có phần gắt gỏng. Vài người thật chẳng biết cái quái gì về tâm lý học hết!
“Tom, hôm nay anh thật tuyệt vời,” Jeff nói. “Cảm ơn anh nhiều.”
Tom mỉm cười, hài lòng với giọng nói thắm thiết của Jeff. “Lo phần Bernard nhé. Tôi sẽ gọi điện lại cho anh trước khi cất cánh.”
“Tôi định sẽ ở trong studio cả sáng mai.”
Họ chúc nhau ngủ ngon.
Nếu anh kể cho Jeff về ý định đòi hóa đơn hoặc sổ sách ghi chép về việc các bức tranh được gửi tới từ Mexico của ông Murchison thì Jeff sẽ lo lắng nhặng xị lên, Tom nghĩ thầm. Sáng mai anh sẽ phải cảnh báo cho Jeff về vụ đó, gọi cho anh ta từ một bốt điện thoại trên vỉa hè hoặc từ một bưu điện nào đó. Tom quan ngại về những người trực điện thoại ở khách sạn. Tất nhiên, anh hy vọng có thể can ngăn ông Murchison cố chấp với giả thuyết của ông ta, nhưng nếu anh không thể thì tốt nhất là Buckmaster Gallery nên bịa ra vài sổ sách trông thật một chút.