B
uổi sáng hôm sau, khi đang ăn sáng tại giường – một đặc quyền cho những người trả thêm vài đồng shilling ở Anh – Tom gọi điện cho bà Annette. Chỉ mới tám giờ nhưng Tom biết bà ta hẳn đã dậy được gần một tiếng đồng hồ rồi, vừa ca hát vừa hoàn thành mấy việc vặt như bật lò sưởi (một cái công tắc nhỏ trong bếp), pha hỗn hợp tinh tế của mình (trà), vì uống cà phê vào buổi sáng khiến tim bà ta đập nhanh và chỉnh lại vị trí các chậu cây trên các bệ cửa sổ khác nhau để chúng có thể đón được nhiều ánh nắng nhất. Và bà ta sẽ thấy sung sướng vô ngần nếu nhận được điện thoại thăm hỏi của anh từ Londres9.
9 (Tiếng Pháp): Luân Đôn.
“‘Alo!... Alo… alo!” Tổng đài viên cáu kỉnh.
“‘Alo?” Kỳ quặc.
“‘Alo!”
Ba tổng đài viên người Pháp cùng nhấc máy, cộng thêm người phụ nữ trực điện thoại ở đầu khách sạn Mandeville nữa.
Cuối cùng cũng đến lượt bà Annette nghe máy. “Sáng nay ở đây trời đẹp lắm. Có nắng!” Bà ta nói.
Tom mỉm cười. Anh đang rất cần nghe một giọng nói tươi vui. “Bà Annette… Đúng, tôi cực kỳ khỏe, cảm ơn bà. Răng bà thế nào rồi?... Tốt quá! Tôi gọi điện để báo là chiều nay tôi sẽ về nhà vào tầm bốn giờ cùng với một quý ông người Mỹ.”
“À!” Bà Annette nói, hài lòng.
“Khách ở nhà chúng ta đêm nay, có thể là hai đêm nữa, ai biết được? Bà có thể chuẩn bị phòng khách chu đáo không? Có thêm chút hoa hoét? Và bữa tối thì chắc làm món tournedos10 kèm với nước sốt béarnaise11 ngon tuyệt vời của bà được không?”
10 Món steak thăn nội cắt khoanh tròn.
11 Nước sốt làm từ lòng đỏ trứng, bơ, hẹ tây, ngải giấm, giấm.
Bà Annette nghe có vẻ sướng điên lên vì Tom sẽ có khách và bà ta lại có một công việc rõ ràng để làm.
Sau đó Tom gọi cho ông Murchison và họ đồng ý hẹn gặp nhau ở sảnh khách sạn vào tầm trưa và cùng đi tắc-xi tới Heathrow.
Tom ra ngoài, định đi dạo tới quảng trường Berkeley, ở gần đó có một cửa hàng bán đồ lót nam nơi anh luôn mua một bộ pyjama lụa như một nghi lễ nhỏ hầu hết mỗi lần anh tới Luân Đôn. Đây cũng có thể là cơ hội cuối cùng trong chuyến đi này của anh để đi tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm là một phần đời sống Luân Đôn, và Tom cũng là người ngưỡng mộ các tác phẩm graffiti dưới lòng đất. Mặt trời đang cố gắng xuyên thủng lớp sương mù ẩm ướt trong vô vọng, dù trời không đổ mưa hẳn. Tom đi vào ga đường Bond cùng với vài vị khách lạc lõng cuối cùng, chắc vậy, trong giờ cao điểm buổi sáng. Điều khiến Tom ngưỡng mộ về những người vẽ graffiti ở Luân Đôn đó là khả năng vẽ vời từ các thang cuốn đang di chuyển của họ. Các tấm poster quần lót nhan nhản khắp nơi cạnh thang cuốn, chẳng có gì ngoài các cô gái mặc áo nịt ngực và quần lót, được trang trí thêm bởi hình giải phẫu học của những người đàn ông và phụ nữ khác, thỉnh thoảng còn kèm thêm cả câu dài: TÔI SUNG SƯỚNG LÀM NGƯỜI LƯỠNG TÍNH! Họ làm thế nào vậy nhỉ? Đi ngược hướng với chiều chạy của thang cuốn trong khi viết ư? Câu DA MÀU CÚT ĐI! được viết khắp nơi, thỉnh thoảng lại có biến thể DA MÀU CÚT NGAY! Dưới ga tàu, Tom nhìn thấy một tấm poster quảng cáo Romeo và Juliet của Zeffirelli, Romeo thì cởi trần nằm ngửa còn Juliet bò trên người anh ta với một lời đề nghị đáng ngạc nhiên thốt ra khỏi miệng. Câu trả lời của Romeo trong bong bóng hộp thoại là “Được rồi, sao không?”.
Tom mua được bộ pyjama lúc mười rưỡi. Anh chọn một bộ màu vàng. Anh đã định mua màu tím vì đến giờ vẫn chưa có bộ nào màu này, nhưng dạo gần đây anh đã có đủ màu tím trong đời rồi. Tom đi tắc-xi tới phố Carnaby. Anh mua cho mình một chiếc quần vải xa-tanh ống nhỏ. Quà cho Heloise là một chiếc quần ống loe kiểu hippy bằng vải len đen, eo cỡ hai sáu. Phòng thử đồ nơi Tom thử quần nhỏ đến mức anh không thể bước ra xa gương để xem chiều dài đã được chưa, nhưng bà Annette thích điều chỉnh những thứ nho nhỏ như thế giúp anh và Heloise. Bên cạnh đó, có hai người Ý liên tục nói “Bellissimo12!” cứ cách giây lại kéo rèm ra, chờ được vào trong thử đồ. Khi Tom đang trả tiền, hai người Hy Lạp bước vào và bắt đầu ầm ỹ thảo luận giá cả bằng đồng drachma13. Cửa hàng chỉ rộng 2 x 4 m và không ngạc nhiên khi nó chỉ có đúng một người bán hàng, vì làm gì có chỗ cho hai người.
12 (Tiếng Ý): Đẹp tuyệt vời.
13 Đồng Drachma là đơn vị tiền tệ của Hy Lạp được sử dụng trước khi bị đồng Euro thay thế.
Cầm theo những món đồ đã mua trong một chiếc túi giấy to kêu sột soạt, Tom tiến lại gần một bốt điện thoại trên vỉa hè và gọi cho Jeff Constant.
“Tôi đã nói chuyện với Bernard,” Jeff nói, “và anh ta sợ ông Murchison chết khiếp. Tôi đã hỏi anh ta nói gì với ông Murchison vì chính Bernard kể cho tôi là anh ta đã nói chuyện với ông Murchison, anh hiểu chứ. Bernard nói là anh ta đã bảo ông ta đừng mua thêm tranh nữa. Như thế là tệ lắm rồi đấy nhỉ?”.
“Phải,” Tom nói. “Còn gì nữa?”
“À thì… tôi đã cố gắng dỗ Bernard là anh ta đã nói tất cả những gì có thể và nên nói. Rất khó giải thích cho anh vì anh không hiểu Bernard, nhưng anh ta cứ canh cánh trong lòng cảm giác tội lỗi về khả năng thiên tài của Derwatt, đại loại thế. Tôi đã cố gắng thuyết phục Bernard là anh ta đã bớt cảm giác cắn rứt lương tâm khi nói vậy với lão Murchison rồi thì sao không để kệ mọi chuyện đi?”
“Sau đó Bernard trả lời như thế nào?”
“Anh ta rầu rĩ đến mức khó mà hiểu anh ta nói gì. Tranh trong buổi triển lãm đã được bán sạch bách, chỉ còn sót lại đúng một bức. Tưởng tượng mà xem! Thế mà Bernard lại thấy tội lỗi về chuyện đó!” Jeff bật cười. “Bức ‘Bồn Tắm’. Đó là một trong những bức mà lão Murchison nhắm đến.”
“Nếu hiện giờ anh ta không muốn vẽ thêm tranh nữa thì đừng ép buộc anh ta.”
“Đó cũng chính là thái độ của tôi đấy. Anh nói quá đúng, Tom. Nhưng tôi nghĩ chỉ sau một đêm là anh ta lại hăng hái trở lại thôi. Tiếp tục vẽ tranh. Chỉ vì căng thẳng do buổi triển lãm cũng như thấy anh đóng vai Derwatt mà ra vậy. Anh ta tôn sùng Derwatt hơn phần lớn mọi người tôn sùng Chúa Jesus.”
Tom không cần ai nói cũng biết điều đó. “Thêm một chuyện vụn vặt này nữa, Jeff. Ông Murchison có khi lại muốn xem sổ sách của phòng triển lãm liên quan đến tranh của Derwatt. Từ Mexico. Anh có lưu giữ sổ sách gì không?”
“Từ… từ Mexico thì không.”
“Anh có thể bịa ra cái gì đấy không? Phòng trường hợp tôi không thể thuyết phục ông ta cho qua vụ này?”
“Tôi sẽ cố gắng, Tom.” Giọng Jeff có vẻ run run.
Tom nóng nảy. “Giả mạo đi. Làm nó trông cũ vào. Không nói đến ông M thì việc có vài quyển sổ sách báo cáo không phải cũng là ý hay để chứng minh…” Tom khựng lại. Có vài người không biết cách điều hành doanh nghiệp, kể cả là một doanh nghiệp thành công như công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt.
“Được rồi, Tom.”
Tom đi vòng tới Burlington Arcade, nơi anh ghé qua một tiệm trang sức và mua một cái kẹp bằng vàng – hình một con khỉ nhỏ đang khom người – cho Heloise, được anh trả bằng séc du lịch Mỹ. Sinh nhật Heloise vào tháng tới. Rồi anh đi bộ về phía khách sạn của mình, qua phố Oxford, nó vẫn đông đúc như thường lệ với những người mua hàng, phụ nữ xách các túi căng phồng và cầm hộp quà, trẻ con đi thành hàng. Một người đàn ông đeo hai biển hiệu quảng cáo trên người cho một studio chụp ảnh hộ chiếu, dịch vụ nhanh và rẻ. Ông già ấy mặc một chiếc áo khoác cũ mèm, mũ xẹp xuống, và ngậm một điếu thuốc lá chưa châm bẩn thỉu. Ông ta nên tự lấy hộ chiếu để lên thuyền tới đảo Hy Lạp đi, Tom nghĩ, nhưng ông già này sẽ chẳng bao giờ đi du lịch hết. Tom bỏ điếu thuốc ra và nhét một điếu Gauloise vào giữa môi ông ta.
“Hút một điếu nhé,” Tom nói. “Lửa đây.” Anh nhanh chóng châm thuốc bằng diêm của mình.
“Cảm ơn,” ông ta nói qua bộ râu.
Tom đút nốt bao Gauloise rồi cả bao diêm của anh vào cái túi rách bươm trên áo khoác của ông ta và lỉnh đi, đầu cúi gằm xuống, hy vọng không ai nhìn thấy mình.
Tom gọi cho ông Murchison từ phòng anh và họ mang hành lý xuống gặp nhau dưới sảnh.
“Sáng nay tôi đã đi mua ít đồ cho vợ tôi,” ông Murchison nói trong xe tắc-xi. Tâm trạng ông ta có vẻ tốt.
“Vậy à? Tôi cũng thế. Một đôi quần trên phố Carnaby.”
“Tôi mua áo len Marks and Spencer cho Harriet. Cả khăn choàng Liberty nữa. Thỉnh thoảng thêm cả vài cuộn len. Bà ấy đan len và thích nghĩ len đến từ nước Anh cổ kính, anh hiểu chứ?”
“Ông đã hủy buổi hẹn sáng nay à?”
“Phải. Chuyển sang sáng thứ Sáu. Ở nhà ông ta.” Ở sân bay, họ dùng một bữa trưa khá ngon miệng với một chai rượu vang đỏ. Ông Murchison khăng khăng đòi trả tiền. Trong bữa ăn, ông ta kể cho Tom nghe về con trai của mình, là một nhà sáng chế làm việc trong một phòng thí nghiệm ở California. Con trai và con dâu ông ta mới có đứa con đầu lòng. Ông Murchison cho Tom xem ảnh con bé và tự cười giễu mình vì đúng là một người ông tận tụy, nhưng đó là đứa cháu đầu tiên của ông ta, được đặt tên là Karin theo tên bà ngoại con bé. Để trả lời cho các câu hỏi của ông Murchison, Tom nói mình đã chọn sống ở Pháp vì đã cưới một cô gái Pháp cách đây ba năm.
Ông Murchison không sống sượng hỏi Tom kiếm sống bằng cách nào mà chỉ hỏi anh giết thời gian như thế nào.
“Tôi đọc sách sử,” Tom nói một cách tự nhiên. “Tôi học tiếng Đức. Chưa kể tiếng Pháp của tôi vẫn cần cải thiện. Rồi làm vườn. Tôi có một khu vườn khá lớn ở Villeperce. Tôi cũng vẽ nữa,” anh nói thêm, “chỉ cho vui thôi”.
Họ đến sân bay Orly lúc ba giờ chiều và Tom lên một chiếc xe buýt chạy xăng để đến lấy ô-tô của anh trong gara, sau đó anh đón ông Murchison ở gần chỗ chờ xe tắc-xi cùng va-li của họ. Mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ và trời không lạnh như ở Anh. Tom lái xe tới Fontainebleau và đi qua lâu đài để ông Murchison có thể ngắm nó. Ông Murchison nói phải mười lăm năm rồi mình không ngắm nó. Họ đến Villeperce vào tầm bốn rưỡi chiều.
“Nơi chúng tôi mua phần lớn thực phẩm của mình,” Tom nói, ra dấu vào cửa hàng ở phía bên trái anh trên con đường chính trong làng.
“Cực kỳ xinh đẹp. Chưa bị phá hoại,” ông Murchison nói. Và khi họ tới nhà của Tom: “Trời ơi, tuyệt diệu quá! Cực kỳ đẹp đẽ!”.
“Ông nên nhìn thấy nó vào mùa hè,” Tom nói, cực kỳ khiêm tốn.
Bà Annette, nghe thấy tiếng xe, ra ngoài chào đón họ và giúp mang hành lý vào, nhưng ông Murchison không chịu được việc nhìn một người phụ nữ mang những món đồ nặng, chỉ để bà ta mang mấy cái túi nhỏ đựng thuốc lá và đồ uống mà thôi.
“Mọi chuyện tốt đẹp cả chứ, bà Annette?” Tom hỏi.
“Tất cả. Kể cả người thợ sửa ống nước cũng đã đến sửa phòng vệ sinh.”
Tom nhớ một phòng vệ sinh đã bị rò nước.
Anh và bà Annette dẫn ông Murchison về phòng ông, có một phòng tắm liền kề. Thật ra thì đó là phòng tắm của Heloise và phòng của cô nằm ở bên kia phòng tắm. Tom giải thích là vợ anh giờ đang ở Hy Lạp cùng bạn bè của cô. Anh để ông Murchison ở lại tắm rửa và dỡ đồ ra khỏi va-li, báo rằng anh sẽ ở trong phòng khách dưới nhà. Ông Murchison đã bắt đầu hào hứng nhìn vài bức tranh trên tường rồi.
Tom đi xuống nhà và bảo bà Annette pha chút trà. Anh tặng bà ta một chai dầu thơm từ Anh Quốc, “Hương Hồ” – được anh mua ở Heathrow.
“Ôi, anh Tome, comme vous êtes gentil14!”
14 (Tiếng Pháp): anh tốt bụng quá.
Tom mỉm cười. Bà Annette lúc nào cũng khiến anh thấy biết ơn lòng biết ơn của bà ta. “Tối nay có món tournedos ngon lành chứ?”
“À, oui15! Và món tráng miệng sẽ là mousse au chocolat16.”
15 (Tiếng Pháp): có chứ.
16 Món kem mousse sô-cô-la.
Tom vào phòng khách. Nơi đây có hoa, và bà Annette đã tăng nhiệt độ lên. Có một lò sưởi và Tom rất yêu ánh lửa, nhưng anh cảm thấy mình phải nhìn nó liên tục, hoặc cũng có thể chỉ là anh mê nhìn nó đến mức không thể dứt ra, nên anh quyết định giờ sẽ không đốt lò lên. Anh nhìn chằm chằm vào bức “Người Ngồi Trong Ghế” trên lò sưởi và đứng nhún nhảy vì thỏa mãn – thỏa mãn với sự thân thuộc, xuất sắc của nó. Bernard giỏi thật. Anh ta chỉ phạm vài sai lầm không đáng kể suốt cả giai đoạn vẽ của mình. Mà bố khỉ mấy cái giai đoạn chết tiệt. Về mặt logic, bức “Đôi Ghế Đỏ”, một bức Derwatt thật, đáng ra phải được nhận vị trí trang trọng trên lò sưởi trong phòng. Đúng là tính cách của anh khi treo bức tranh giả ở chỗ trang trọng ấy, anh nghĩ thế. Heloise không biết là bức “Người Ngồi Trong Ghế” là hàng giả và trên thực tế cũng hoàn toàn không biết gì về việc giả mạo tranh Derwatt. Cô chỉ có hứng thú thường thường với hội hoạ. Nếu cô có đam mê thì sẽ là dành cho việc du lịch, thử đồ ăn kỳ quái, và mua sắm quần áo. Đồ đạc trong hai tủ đồ trong phòng của cô trông như một bảo tàng trang phục quốc tế chỉ thiếu ma-nơ-canh. Cô có áo chiết eo từ Tunisia, áo khoác tua rua không tay từ Mexico, quần thụng kiểu quân đội của Hy Lạp mà khi mặc vào cô trông cũng khá hấp dẫn, cùng với áo khoác thêu từ Trung Quốc mà cô đã mua được bằng cách nào đó ở Luân Đôn.
Rồi Tom đột nhiên nhớ ra Bá tước Bertolozzi và đi về phía điện thoại. Anh không muốn ông Murchison nghe được tên của Bá tước, nhưng mặt khác thì Tom cũng sẽ chẳng làm hại gì Bá tước, biết đâu duy trì thái độ cởi mở lại có lợi. Anh đề nghị nối máy tới Milan và đọc số cho tổng đài viên người Pháp. Cô ta báo cho Tom biết là cuộc gọi có khi phải mất nửa tiếng mới thông máy.
Ông Murchison đi xuống. Ông ta đã thay đồ và đang mặc quần vải flannel màu xám, áo khoác tweed màu xanh lục pha đen. “Cuộc sống đồng quê!” Ông ta nói, cười rạng rỡ. “À!” Ông ta thoáng nhìn thấy bức “Đôi Ghế Đỏ” thẳng trước mặt ở cuối phòng, và tiến lại gần để nghiên cứu kỹ hơn. “Đúng là một tuyệt phẩm phi thường. Đây mới đúng là hàng thật này!”
Không nghi ngờ về điều đó, Tom nghĩ, một cảm giác tự hào lan đi trong người khiến anh cảm thấy có phần hơi ngớ ngẩn. “Đúng thế, tôi rất thích nó.”
“Tôi nghĩ mình đã nghe về nó. Tôi nhớ cái tên này ở đâu đó. Chúc mừng anh, Tom.”
“Còn kia là bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ của tôi,” Tom nói, hất đầu về phía lò sưởi.
“À,” ông Murchison nói với tông giọng khác hẳn. Ông ta tiến lại gần và Tom nhìn thấy thân hình cao to, chắc nịch của ông ta căng lên vì tập trung. “Bức tranh này bao nhiêu tuổi?”
“Khoảng bốn năm tuổi,” Tom thành thật nói.
“Anh đã trả bao nhiêu tiền, xin phép được hỏi một câu hơi thô lỗ?”
“Bốn nghìn bảng Anh. Trước khi bị sụt giá. Khoảng tầm mười một nghìn hai trăm đô,” Tom nói, tính tỷ giá bảng là hai trăm tám mươi.
“Tôi rất mừng khi nhìn thấy cái này,” ông Murchison nói, gật đầu. “Anh thấy đấy, màu tím y xì đúc lại xuất hiện. Ở đây có rất ít thôi, nhưng nhìn này.” Ông ta chỉ vào mép ghế. Do chiều cao của bức tranh và độ rộng của lò sưởi, ngón tay của ông Murchison còn cách bức tranh sơn dầu chục phân, nhưng Tom biết ông ta đang nói đến vệt màu tím nào. “Màu tím cô- ban thuần.” Ông Murchison băng qua phòng và lại nhìn vào bức “Đôi Ghế Đỏ”, nhìn chằm chằm vào nó từ khoảng cách hơn chục phân. “Và đây là một trong những bức tranh cũ. Cũng có màu tím cô-ban thuần.”
“Ông thật sự nghĩ bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ là tranh giả à?”
“Đúng là thế. Giống như bức ‘Đồng Hồ’ của tôi. Chất lượng khác. Thứ cấp hơn so với bức ‘Đôi Ghế Đỏ’. Chất lượng là một thứ mà ta không thể đo đạc được với sự trợ giúp của kính hiển vi. Nhưng ở đây tôi có thể nhìn thấy nó. Với lại… tôi cũng chắc chắn về màu tím cô-ban thuần ở đây.”
“Vậy thì,” Tom nói với vẻ bình thản, “biết đâu là do Derwatt sử dụng màu tím cô-ban thuần và cả màu kết hợp mà ông đã đề cập đến – luân phiên”.
Ông Murchison cau mày, lắc đầu. “Tôi không nghĩ thế.”
Bà Annette đang đẩy trà vào trên một cái xe. Một bên bánh xe kêu cót két. “Voila le thé17, anh Tome.”
17 (Tiếng Pháp): trà đây.
Bà Annette đã nướng bánh quy nâu, và chúng tỏa ra mùi hương vani dễ chịu. Tom rót trà.
Ông Murchison ngồi xuống sô-pha. Dường như ông ta không nhìn thấy bà Annette đến và đi. Ông ta vẫn nhìn chằm chằm vào bức tranh “Người Ngồi Trong Ghế” như choáng váng hoặc thích thú. Rồi ông ta chớp mắt với Tom, mỉm cười, và khuôn mặt trở lại vẻ tốt bụng. “Tôi nghĩ anh không tin tôi. Đó là quyền của anh.”
“Tôi không biết phải nói gì. Tôi không nhìn thấy sự khác biệt về chất lượng. Có thể do tôi trì độn. Nếu, như ông nói, ông sẽ nhờ một chuyên gia giám định tranh của mình thì tôi sẽ tin theo những gì chuyên gia đó nói. Và tiện thể, ông có thể mang theo bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ về Luân Đôn, nếu ông muốn.”
“Tôi rất mong là như vậy. Tôi sẽ viết hóa đơn, thậm chí mua bảo hiểm cho nó cho anh.” Ông Murchison cười nhẹ.
“Nó đã được bảo hiểm rồi. Đừng lo.”
Qua hai tách trà, ông Murchison hỏi thăm Tom về Heloise, cô đang làm gì. Họ đã có con chưa? Chưa. Heloise mới hai lăm. Không, Tom không nghĩ phụ nữ Pháp khó tính hơn các phụ nữ nước khác, nhưng họ có quan điểm riêng về sự tôn trọng mà họ nên được nhận. Chủ đề này không có gì tiến triển vì mọi phụ nữ đều mong muốn được đối xử với sự tôn trọng nhất định, và dù Tom hiểu rõ kiểu của Heloise thì anh cũng chịu không tài nào nói rõ thành lời được.
Điện thoại reo và Tom nói, “Xin lỗi nhé, tôi nghĩ mình sẽ nhận điện trong phòng”. Anh lao lên cầu thang. Sau rốt thì, ông Murchison chắc sẽ đoán đó là điện thoại của Heloise và anh muốn nói chuyện riêng với cô.
“Xin chào?” Tom nói. “Eduardo! Ông thế nào? Tôi thật may mắn vì gọi được cho ông… Qua tin đồn thôi. Một người bạn chung ở Paris hôm nay đã gọi điện và kể cho tôi nghe là ông đang ở Milan… Nào, ông có thể tới chỗ tôi chơi không? Sau rốt thì, ông đã hứa rồi còn gì.”
Bá tước, một người thích hưởng thụ luôn sẵn lòng bị lôi kéo khỏi công việc kinh doanh gấp gáp của mình (xuất nhập khẩu) thể hiện chút do dự về việc thay đổi kế hoạch đi Paris rồi hào hứng đồng ý tới chỗ Tom. “Nhưng tối nay thì không được. Mai nhé. Ổn chứ?”
Như thế là khá sớm với Tom, anh còn chưa dám chắc ông Murchison sẽ mang đến những rắc rối nào. “Được, kể cả thứ Sáu cũng…”
“Thứ Năm chứ,” Bá tước nói một cách quả quyết, không nắm được vấn đề.
“Được rồi. Tôi sẽ đón ông ở Orly. Mấy giờ nhỉ?”
“Máy bay của tôi đến lúc… chờ tí nhé.” Bá tước mất kha khá thời gian tìm kiếm, quay lại điện thoại và nói, “Đến lúc năm giờ mười lăm. Chuyến bay số 306 Alitalia”.
Tom ghi lại. “Tôi sẽ có mặt ở đó. Rất vui vì ông có thể đến, Eduardo!”
Rồi Tom đi xuống gác với ông Thomas Murchison. Đến giờ họ đều gọi nhau là Tom, dù ông Murchison bảo rằng vợ ông ta gọi ông ta là Tommy. Ông Murchison nói rằng mình là một kỹ sư thủy lợi với một công ty đặt ống dẫn có trụ sở chính ở New York. Ông Murchison là một trong các giám đốc ở đó.
Họ đi dạo quanh vườn sau của Tom, nằm cạnh khu rừng nguyên sơ. Anh khá thích ông Murchison. Chắc chắn là anh có thể thuyết phục ông ta, làm thay đổi suy nghĩ của ông ta, Tom nghĩ. Anh nên làm gì nhỉ?
Trong bữa tối, trong khi ông Murchison kể về một thứ mới toanh trong nhà máy của ông ta – vận chuyển hàng bằng đường ống và tất cả mọi thứ được đặt trong những cái hộp chỉ nhỏ như hộp thiếc đựng súp – Tom băn khoăn không biết mình có nên mất công bảo Jeff và Ed lấy một ít giấy viết thư của một công ty Mexico từ một công ty vận chuyển nào đó để liệt kê các bức tranh của Derwatt lên đó không? Chuyện này liệu có thể được giải quyết nhanh chóng hay không? Ed là nhà báo và chẳng lẽ anh ta không thể xử lý một công việc văn thư như vậy, còn có Leonard, quản lý phòng triển lãm, và Jeff giẫm lên chúng trên sàn để trông chúng cũ như đã được năm, sáu năm tuổi sao? Bữa tối ngon xuất sắc và ông Murchison có lời khen ngợi bà Annette, được ông ta nói bằng thứ tiếng Pháp tàm tạm, cho món tráng miệng mousse và kể cả món phô mai Brie nữa. “Chúng tôi sẽ uống cà phê trong phòng khách,” Tom nói với bà ta. “Và bà có thể mang brandy ra không?”
Bà Annette đã châm lò sưởi. Tom và ông Murchison ngồi xuống trên chiếc sô-pha vàng lớn.
“Buồn cười thật,” Tom bắt đầu, “tôi cũng thích ‘Người Ngồi Trong Ghế’ ngang ngửa với ‘Đôi Ghế Đỏ’. Nếu nó là tranh giả. Buồn cười thật nhỉ?” Tom vẫn đang nói bằng giọng vùng trung tây. “Ông có thể thấy là nó được nhận một vị trí trang trọng trong căn nhà này.”
“Thì anh đâu có biết nó là tranh giả!” Ông Murchison cười nhẹ. “Sẽ rất thú vị – cực kỳ thú vị – khi biết ai giả mạo.”
Tom duỗi chân ra và hút xì gà. “Đúng là buồn cười thật,” anh tiếp tục, lật con bài cuối cùng và cũng là con bài tốt nhất của anh ra, “nếu có một kẻ giả mạo đang vẽ toàn bộ tranh của Derwatt ở Buckmaster Gallery, tất cả những bức mà chúng ta đã xem ngày hôm qua ấy. Nói cách khác, một người cũng giỏi như Derwatt vậy”.
Ông Murchison mỉm cười. “Vậy thì Derwatt đang làm gì? Ngồi chơi xơi nước và tận hưởng à? Đừng có lố bịch thế. Derwatt giống hệt như những gì tôi đã nghĩ về anh ta. Lánh đời và có phần hơi lỗi thời.”
“Ông đã bao giờ nghĩ đến việc thu thập tranh giả chưa? Tôi biết một người ở Ý làm vậy đấy. Đầu tiên chỉ là thú vui thôi và giờ thì ông ta bán chúng cho các nhà sưu tập khác với mức giá khá cao.”
“À, tôi cũng đã nghe đến chuyện đó rồi. Phải. Nhưng tôi muốn biết là mình đang mua tranh giả khi mua chúng.”
Tom cảm giác mình đã động chạm đến một chỗ không dễ chịu và khó xoay xở. Anh thử lại lần nữa. “Tôi thích mơ màng giữa ban ngày – về những chuyện ngớ ngẩn như thế đấy. Theo một cách nào đó, sao lại quấy nhiễu một kẻ giả mạo đang tạo ra những tác phẩm xuất sắc thế kia chứ? Tôi vẫn giữ ý định tin vào bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ đấy.”
Ông Murchison cứ như chưa nghe thấy bình luận của Tom. “Với cả anh biết không,” ông ta nói, vẫn đang chăm chú nhìn bức tranh mà Tom nhắc đến, “không chỉ là màu tím oải hương mà còn là linh hồn của bức tranh nữa. Nếu không phải tôi đang thấy thư giãn sau bữa tối và đồ uống tuyệt hảo của anh thì tôi đã chẳng nói thế đâu”.
Họ vừa uống xong một chai Margaux hảo hạng, chai rượu ngon nhất trong hầm rượu của Tom.
“Anh có nghĩ mấy người ở Buckmaster Gallery là bọn lừa đảo không?” Ông Murchison hỏi. “Nhất định là thế rồi. Chứ sao họ lại chịu đựng một kẻ giả mạo cơ chứ? Đưa tranh giả vào lẫn với tranh thật?”
Tom nhận ra là ông Murchison nghĩ rằng các bức tranh Derwatt mới khác, tất cả các bức tranh trong buổi triển lãm hiện thời, trừ bức “Bồn Tắm”, là tranh thật. “Đó là nếu chúng là tranh giả mạo thật – bức ‘Đồng Hồ’ của ông và các bức khác.
Tôi cho là mình vẫn chưa bị thuyết phục.”
Ông Murchison mỉm cười vui vẻ. “Chỉ vì anh thích bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’ của mình quá thôi. Nếu tranh của anh đã bốn năm tuổi còn tranh của tôi ít nhất ba năm tuổi thì sự giả mạo này đã diễn ra một thời gian khá dài rồi đấy. Có thể còn nhiều bức tranh khác ở Luân Đôn không được đem cho buổi triển lãm mượn cũng là tranh giả. Nói thật, tôi nghi Derwatt đấy. Tôi nghi ngờ anh ta có móc ngoặc với mấy người ở Buckmaster để kiếm thêm tiền. Thêm vào đó… mấy năm nay làm gì có bức tranh chì nào của Derwatt. Điều đó kỳ lạ thật.”
“Thật à?” Tom hỏi, giả vờ ngạc nhiên. Anh biết điều đó và anh cũng biết ông Murchison đang định nói gì.
“Tranh chì thể hiện nhân cách của người nghệ sĩ,” ông Murchison nói. “Bản thân tôi đã tự nhận ra điều đó, và rồi tôi đọc thêm tài liệu vài nơi – chỉ để chứng thực lý lẽ của mình.” Ông ta cười. “Chỉ vì tôi sản xuất ống dẫn nên người ta không chịu đánh giá cao sự nhạy cảm của tôi! Nhưng tranh chì cũng giống như chữ ký của người họa sĩ, một chữ ký cực kỳ phức tạp. Anh có thể nói là việc giả mạo chữ ký hay tranh sơn dầu dễ hơn nhiều so với giả mạo tranh chì.”
“Chưa từng nghĩ đến điều đó,” Tom nói, và dụi đầu xì gà vào gạt tàn. “Ông nói là thứ Bảy ông sẽ đến gặp người ở Tate Gallery nhỉ?”
“Đúng thế. Chắc anh đã biết, ở Tate có vài bức tranh Derwatt cũ. Sau đó tôi sẽ nói chuyện với người ở Buckmaster mà không có lời báo trước nào hết – nếu Riemer xác thực suy nghĩ của tôi.”
Trí óc của Tom bắt đầu đưa ra những bước nhảy đau đớn. Thứ Bảy là ngày kìa. Riemer biết đâu lại muốn so sánh bức “Đồng Hồ” và “Người Ngồi Trong Ghế” với các bức Derwatt ở Tate Gallery và những bức tranh trong buổi triển lãm hiện thời. Liệu tranh của Bernard Tufts có chịu được cuộc thử lửa hay không? Nếu không thì sao? Anh rót thêm brandy cho ông Murchison và cũng rót cho mình một ít dù không muốn. Anh khoanh tay trước ngực. “Ông biết đấy, tôi không nghĩ là mình sẽ kiện – hoặc bất kể là người ta hay xử lý việc này thế nào – nếu thật sự có chuyện giả mạo.”
“Ha! Tôi thì chính thống hơn một chút. Cổ lỗ, có thể là thế. Nói về thái độ của tôi ấy. Giả sử Derwatt thật sự nhúng tay vào thì sao?”
“Tôi nghe nói Derwatt như một vị thánh vậy.”
“Đó là truyền thuyết. Có thể hồi anh ta trẻ và nghèo thì anh ta giống một vị thánh hơn. Anh ta đã sống ẩn dật. Bạn bè ở Luân Đôn đưa anh ta lên sân khấu, đơn giản thế thôi. Rất nhiều chuyện có thể xảy ra với một người đàn ông nghèo nếu anh ta đột nhiên trở nên giàu có.”
Tom không thể đi xa hơn trong buổi tối hôm đó. Ông Murchison muốn về phòng sớm vì thấy mệt.
“Tôi sẽ xử lý vé máy bay vào buổi sáng. Tôi nên đặt vé ở Luân Đôn mới đúng. Tôi đúng là ngớ ngẩn thật.”
“Ôi, tôi hy vọng ông đừng đi vào buổi sáng,” Tom nói.
“Tôi sẽ đặt vé vào buổi sáng. Tôi sẽ cất cánh vào buổi chiều, nếu anh thấy không vấn đề gì.”
Tom dẫn vị khách của mình lên phòng, bảo đảm ông ta đã có tất cả những gì ông ta cần.
Anh thoáng nghĩ đến việc gọi cho Jeff hoặc Ed. Nhưng anh đâu có tin gì mới trừ việc vẫn chưa đi đến đâu trong hành trình cố gắng thuyết phục ông Murchison đừng đi gặp người ở Tate Gallery nữa? Với lại Tom cũng không muốn số điện thoại của Jeff xuất hiện quá thường xuyên trên hóa đơn của mình.