T
om khởi đầu buổi sáng với sự lạc quan kiên định. Anh mặc một bộ đồ cũ thoải mái – sau khi ngồi trên giường thưởng thức cốc cà phê tuyệt vời của bà Annette, một cốc cà phê đen để làm anh tỉnh táo – rồi đi xuống nhà xem xem ông Murchison đã tỉnh giấc hay chưa. Giờ là chín giờ kém mười lăm.
“Quý ông cũng ăn sáng trong phòng,” bà Annette nói.
Trong khi bà Annette dọn dẹp phòng của anh, Tom cạo râu trong phòng vệ sinh. “Tôi nghĩ chiều nay ông Murchison sẽ ra về,” Tom nói để trả lời cho câu hỏi về thực đơn bữa tối của bà Annette. “Nhưng hôm nay là thứ Năm. Bà nghĩ liệu có thể mua một cặp cá bơn…” Tom nuốt nước bọt và nghĩ đến “giày, ván trượt” trong tiếng Anh “… ngon lành từ hàng bán cá cho bữa trưa nay không?” Có một xe tải bán cá đến làng hai lần một tuần. Trong thị trấn không có cửa hàng bán cá nào vì Villeperce quá nhỏ.
Bà Annette thấy hứng thú với lời đề nghị này. “Nho ở cửa hàng bán hoa quả tươi mọng lắm,” bà ta nói. “Anh sẽ không thể tin được…”
“Mua một ít đi.” Tom chỉ mới nghe đã đồng ý.
Tầm mười một giờ trưa, Tom và ông Murchison đi dạo trong khu rừng sau nhà của anh. Tom có tâm trạng, hay phải nói là trạng thái đầu óc, thật kỳ cục. Cảm giác thân thiết chân thành trào dâng, hoặc bất kể người ta muốn gọi nó là gì, Tom đã dẫn ông Murchison đi xem nỗ lực nghệ thuật của mình ở căn phòng trên gác nơi anh vẽ. Tom chủ yếu vẽ tranh phong cảnh và chân dung. Anh luôn cố gắng đơn giản hóa mọi thứ, noi theo tranh mẫu của Matisse trước mặt, nhưng chẳng mấy thành công, anh nghĩ. Chỉ có một bức chân dung của Heloise, hẳn là bức thứ mười hai của Tom, không tệ lắm, và ông Murchison đã khen ngợi nó. Chúa lòng lành, Tom nghĩ thầm, mình sẽ phơi bày linh hồn này ra, cho ông ta xem những bài thơ mình đã viết tặng Heloise, lột trần thân thể này và múa kiếm, chỉ cần ông ta… nhìn nhận mọi việc như mình! Nhưng vô dụng.
Chuyến bay của ông Murchison đến Luân Đôn là vào lúc bốn giờ chiều. Họ vẫn dư thời gian thưởng thức một bữa trưa tử tế ở đây vì sân bay Orly chỉ cách khoảng một tiếng đi xe trong tình trạng thời tiết tốt. Trong khi ông Murchison đổi giày để đi dạo, Tom đã bọc bức tranh “Người Ngồi Trong Ghế” bằng ba lớp giấy bìa các-tông, buộc dây, bọc giấy nâu, rồi lại buộc dây. Ông Murchison định sẽ mang theo bức tranh lên máy bay, ông ta bảo Tom như vậy. Ông Murchison kể đã đặt phòng ở khách sạn Mandeville tối nay.
“Nhưng hãy nhớ, phần tôi sẽ không có đơn kiện nào,” Tom nói, “cho bức ‘Người Ngồi Trong Ghế’”.
“Điều đó không có nghĩa là anh phủ nhận việc nó là tranh giả,” ông Murchison mỉm cười nói. “Anh sẽ không khăng khăng nói nó là tranh thật nữa à?”
“Không,” Tom nói. “Chính xác. Tôi sẽ cúi người trước các chuyên gia.”
Khu rừng công cộng không phải là nơi thích hợp cho một cuộc đối thoại chuẩn bị đi vào cốt lõi vấn đề, Tom cảm thấy như vậy. Hay còn phải có một đám mây xám xịt khổng lồ nữa mới thích hợp? Tom không vui, không một chút nào, khi nói chuyện với ông Murchison trong khu rừng này.
Vì việc khởi hành của ông Murchison mà Tom nhờ bà Annette chuẩn bị bữa trưa khá sớm, và họ bắt đầu ăn lúc một giờ kém mười lăm.
Tom quyết tâm xoay cuộc trò chuyện quanh chủ đề tranh vì anh không muốn từ bỏ mọi hy vọng. Anh lại gợi lên chuyện Van Meegeren, người có một sự nghiệp mà ông Murchison cũng đã biết. Tranh Van Meegeren giả mạo Vermeer cuối cùng cũng có giá trị của riêng nó. Van Meegeren có thể ban đầu chỉ công khai điều đó để tự bảo vệ bản thân, để làm ra vẻ can đảm, nhưng về mặt thẩm mỹ, không có gì phải nghi ngờ việc Van Meegeren đã sáng tạo ra những tác phẩm Vermeer “mới” khiến cho những người mua chúng thấy hài lòng.
“Tôi không thể hiểu nổi sao anh có thể gạt bỏ hoàn toàn mối quan hệ với sự thật,” ông Murchison nói. “Phong cách của một nghệ sĩ là sự thành thật, chân thật của anh ta. Liệu một người khác có quyền sao chép nó không, cũng như chuyện một người sao chép chữ ký của người khác? Vì cùng một mục đích cả, để lợi dụng danh tiếng của anh ta, sử dụng tài khoản ngân hàng của anh ta? Danh tiếng đã được xây dựng bởi tài năng của anh ta?”
Họ đang tấn công nốt miếng cá bơn và bơ cuối cùng trong đĩa, cùng với mẩu khoai tây cuối cùng. Món cá bơn ngon xuất sắc và rượu vang trắng cũng vậy. Đây là một bữa trưa mà trong bất kỳ tình huống nào khác sẽ đem lại sự thỏa mãn, thậm chí là hạnh phúc, sẽ truyền cảm hứng cho những cặp tình nhân lên giường – có thể là sau khi uống cà phê – làm tình và rồi chìm vào giấc ngủ. Vẻ đẹp của bữa trưa hôm nay không có tác dụng gì với Tom.
“Tôi chỉ nói ra suy nghĩ của mình,” Tom nói. “Tôi vẫn hay như vậy. Tôi không có ý định gây ảnh hưởng tới ông. Tôi chắc là mình không thể. Nhưng ông có quyền chuyển lời với… ai nhỉ, anh Constant, đúng rồi, là tôi tương đối hạnh phúc với tác phẩm giả mạo của mình và muốn giữ nó.”
“Tôi sẽ nói vậy với anh ta. Nhưng anh không nghĩ đến tương lai sao? Nếu có người tiếp tục làm chuyện này…”
Đến món soufflé chanh. Tom vật vã mãi mới ăn hết. Anh tin chắc vào luận điểm của mình. Vì sao anh không thể nói thành lời nhỉ, nói ra sao cho đủ sức thuyết phục ông Murchison? Ông Murchison không biết thưởng thức cái đẹp. Không thì ông ta đã chẳng nói chuyện như thế này. Ông Murchison không đánh giá cao Bernard. Vì lẽ chết tiệt gì mà ông Murchison lại phải lôi cả tính chân thực, chữ ký, và biết đâu thậm chí cả cảnh sát vào, so sánh với những gì Bernard đang làm trong studio của anh ta, không nghi ngờ gì là đang tạo ra những tác phẩm của một họa sĩ tài ba? Van Meegeren đã nói như thế nào nhỉ (hoặc Tom đã nói như thế nào, trong một quyển sổ của anh)? “Một nghệ sĩ làm mọi thứ một cách tự nhiên, không cần nỗ lực. Một quyền năng nào đó dẫn lối cho bàn tay của anh ta. Một kẻ giả mạo thì phải vật lộn, và nếu anh ta thành công, thì đó là một thành tựu chân thực.” Tom nhận ra đó là câu nói do anh cải biên. Nhưng chết tiệt, lão Murchison thiển cận mà tự mãn, lên mặt đạo đức ấy! Ít nhất thì Bernard còn là một người có tài, tài năng hơn lão Murchison với hệ thống ống nước, đặt ống dẫn, hệ thống vận chuyển hàng hóa qua ống dẫn, một ý tưởng mà thực ra đến từ một kỹ sư trẻ ở Canada, chính lão ta đã kể như thế.
Cà phê. Cả hai đều không uống brandy dù chai rượu ngay trong tầm tay.
Khuôn mặt của ông Thomas Murchison, nọng thịt, có phần hồng hào – khuôn mặt ông ta như đá đối với Tom. Đôi mắt của ông Murchison sáng rực rỡ, khá thông minh, và chống lại anh.
Lúc đó là một rưỡi chiều. Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa họ sẽ khởi hành đến sân bay Orly. Anh có nên quay lại Luân Đôn ngay sau khi Bá tước ra về không nhỉ, Tom tự hỏi? Nhưng anh có thể làm được gì ở Luân Đôn? Gã Bá tước chết tiệt, Tom nghĩ. Công ty trách nhiệm hữu hạn Derwatt quan trọng hơn cái thứ vớ vẩn, rẻ tiền mà Bá tước đang mang. Tom nhận ra là Reeves đã không dặn anh phải tìm chỗ nào trong va- li hoặc cặp táp hoặc bất kể thứ gì trong tay Bá tước. Tom đoán là tối nay anh ta sẽ gọi điện. Tom cảm thấy khổ sở và anh đơn giản là phải hành động, ngay lập tức, rời xa cái ghế mà anh đã ngồi vặn vẹo suốt mười phút.
“Tôi muốn ông mang theo một chai rượu vang từ hầm rượu của tôi,” Tom nói. “Chúng ta có nên xuống đó xem qua một chút không?”
Nụ cười của ông Murchison trở nên rạng rỡ hơn. “Thật là một ý tưởng tuyệt diệu! Cảm ơn anh, Tom.”
Hầm rượu có thể vào được từ bên ngoài, đi xuống vài bậc thềm đá là tới một cánh cửa màu xanh lục, hoặc đi qua một cánh cửa ở phòng vệ sinh không dùng đến dưới nhà, cạnh một sảnh nhỏ nơi các vị khách treo áo khoác. Tom và Heloise đã cho xây cầu thang trong nhà để tránh phải ra ngoài trong điều kiện thời tiết xấu.
“Tôi sẽ mang theo chai rượu về Mỹ. Sẽ thật đáng buồn khi một mình khui nó ra ở Luân Đôn,” ông Murchison nói.
Tom bật đèn trong hầm lên. Hầm rượu rộng, xám xịt, lạnh như trong tủ lạnh, hoặc có vẻ là vậy khi so với căn nhà được sưởi ấm từ trung tâm. Có đến năm hoặc sáu thùng rượu tròn trên giá, không phải tất cả đều đầy rượu, và có rất nhiều giá rượu vang cạnh tường. Trong một góc hầm là một cái thùng chứa chất đốt cho hệ thống sưởi và một thùng khác chứa nước nóng.
“Đây là rượu vang đỏ,” Tom nói, ra dấu về một bức tường đầy giá rượu vang với hơn nửa số chai sẫm màu bám đầy bụi.
Ông Murchison huýt sáo tán thưởng.
Nó phải được xử lý dưới này, Tom nghĩ thầm, nếu có chuyện cần xử lý. Vậy nhưng anh chưa lên kế hoạch kỹ lưỡng, anh còn chưa có một kế hoạch gì cả. Cứ hành động đi đã, anh tự nhủ, nhưng tất cả những gì anh làm là lững thững đi dạo quanh hầm, ngắm nghía các chai rượu của mình, chạm vào một đến hai cổ chai được bọc giấy thiếc đỏ. Anh rút một chai ra. “Margaux. Ông thích nó.”
“Siêu phẩm,” ông Murchison nói. “Cảm ơn anh rất nhiều Tom. Tôi sẽ kể cho bạn bè nghe về hầm rượu nơi nó được lấy đi.” Ông Murchison cẩn trọng nhận lấy chai rượu.
Tom nói, “Chắc ông sẽ không đổi ý về việc nói chuyện với chuyên gia ở Luân Đôn đâu nhỉ, chỉ vì sự trung thực. Tôi đang nói đến việc giả mạo tranh ấy”.
Ông Murchison cười khẽ. “Tom, tôi không thể. Tính trung thực! Bằng cả tính mạng này tôi cũng chẳng thể tài nào hiểu nổi vì sao anh lại muốn bảo vệ họ, trừ phi…”
Ông Murchison thoáng trầm tư, và Tom biết ông ta đang nghĩ gì, Tom Ripley cũng dính phần trong đó, nhận được lợi ích hoặc lợi nhuận từ nó. “Đúng thế, tôi có cổ phần ở đó,” Tom nói thật nhanh. “Ông biết đấy, tôi biết chàng trai đã nói chuyện với ông ở khách sạn của ông hôm trước. Tôi biết tất cả về anh ta. Anh ta chính là họa sĩ giả mạo.”
“Cái gì? Người… người…”
“Đúng, anh chàng yếu bóng vía đó. Bernard. Anh ta quen Derwatt. Chuyện khởi đầu một cách khá lý tưởng, ông biết đấy…”
“Ý anh là Derwatt biết chuyện đó à?”
“Derwatt đã chết. Họ nhờ người đóng giả anh ta.” Tom khai ra tất cả, cảm thấy mình chẳng còn gì để mất và có thể còn đạt lại được gì đó. Ông Murchison mới là người đang phải giành giật tính mạng của mình, nhưng Tom đâu thể nói điều đó thành lời, nói trắng ra được.
“Vậy là Derwatt đã chết… từ bao giờ?”
“Năm hay sáu năm gì đó. Anh ta thật sự đã chết ở Hy Lạp rồi.”
“Vậy là tất cả các bức tranh…”
“Bernard Tufts… Ông đã hiểu con người anh ta rồi đấy. Anh ta sẽ tự tử nếu việc anh ta đang giả mạo tranh vẽ của người bạn đã mất bị lộ ra ngoài. Anh ta đã khuyên ông đừng mua thêm tranh nữa. Như thế chưa đủ sao? Phòng triển lãm đề nghị Bernard vẽ vài bức tranh theo phong cách Derwatt, ông biết đấy…” Tom nhận ra chính anh là người đã đưa ra đề xuất đó, nhưng không quan trọng. Tom cũng nhận ra là anh đang tranh luận một cách vô ích, không chỉ vì ông Murchison rất cương quyết mà còn vì trong lập luận của chính Tom có một kẽ hở, một kẽ hở mà anh rất hiểu. Anh hiểu đâu là đúng, đâu là sai. Vậy nhưng cả hai nửa của anh đều thật sự chân thành: cứu Bernard, cứu thương vụ làm giả tranh, thậm chí cứu cả Derwatt, là những gì Tom đang trình bày. Ông Murchison sẽ chẳng bao giờ hiểu được. “Bernard muốn rút lui, theo tôi biết. Tôi không nghĩ là ông sẽ muốn mạo hiểm để một người phải tự tử vì hổ thẹn chỉ để chứng minh luận điểm của mình, phải không?”’
“Anh ta nên nghĩ về sự hổ thẹn ngay khi bắt đầu chứ!” Ông Murchison nhìn xuống bàn tay của Tom, nhìn mặt anh, rồi lai nhìn bàn tay của anh. “Có phải anh chính là người đóng giả Derwatt không? Đúng thế. Tôi đã để ý đến đôi bàn tay của Derwatt.” Ông Murchison mỉm cười một cách cay đắng. “Vậy mà mọi người nghĩ tôi không để ý đến những chi tiết vụn vặt!”
“Ông rất có tài quan sát,” Tom nói nhanh. Đột nhiên anh cảm thấy giận dữ.
“Chúa tôi, tôi có thể đề cập đến nó từ ngày hôm qua. Lúc đó tôi đã nghĩ đến nó. Bàn tay của anh. Anh không thể gắn râu cho đôi tay phải không?”
Tom nói, “Cứ để cho họ yên đi, được không? Họ có gây hại gì đâu? Tranh của Bernard cũng đẹp lắm, ông không thể phủ nhận điều đó”.
“Tôi sẽ bị nguyền rủa nếu ngậm miệng về việc đó! Không! Cho dù anh hay ai khác đề nghị cho tôi một đống tiền để ngậm miệng lại cũng không!” Mặt ông Murchison đỏ bừng và hàm run lên. Ông ta đặt mạnh chai rượu vang xuống sàn nhưng nó không vỡ.
Việc ông ta từ chối chai rượu vang của anh là một sự sỉ nhục nhẹ, hoặc đó chỉ là cảm giác lúc này của Tom, việc này nhỏ thôi nhưng khiến anh thấy thêm sỉ nhục và cáu kỉnh. Tom nhấc chai rượu lên gần như ngay lập tức và đập mạnh nó vào ông Murchison, vào đầu ông ta. Lần này chai rượu vỡ tung tóe, rượu văng ra, và đáy chai rượu rơi xuống sàn. Ông Murchison lảo đảo dựa vào giá rượu vang, lắc nó rung bần bật nhưng không có gì ngã xuống ngoài ông Murchison, ông ta khuỵu xuống, va vào các nắp chai rượu nhưng không làm rơi một chai nào hết. Tom nắm lấy thứ đầu tiên trong tầm tay – tình cờ là một cái thùng đựng than trống không – và vụt nó vào đầu ông Murchison. Tom vụt lần thứ hai. Đáy thùng than rất nặng. Ông Murchison đang chảy máu, nằm nghiêng, cơ thể vặn vẹo trên sàn đá. Ông ta không nhúc nhích nữa.
Phải làm gì với vũng máu này đây? Tom xoay một vòng, tìm xem có cái giẻ cũ nào ở đâu không, hoặc báo cũng được. Anh đi qua thùng nhiên liệu. Dưới thùng là một cái giẻ to, cứng đờ vì bụi bẩn lâu năm. Anh cầm nó quay lại và lau sàn, nhưng từ bỏ nhiệm vụ vô vọng đấy sau giây lát và lại nhìn một vòng xung quanh. Hãy đặt ông ta vào dưới một cái thùng tròn, anh nghĩ. Anh túm lấy mắt cá chân ông Murchison rồi ngay lập tức thả nó xuống và sờ cổ của ông ta. Dường như không có mạch đập nữa. Tom hít sâu và vòng tay xuống dưới nách ông Murchison. Anh kéo và giật, lôi cái xác nặng trịch về phía thùng rượu tròn. Góc phòng sau cái thùng tròn rất tối. Chân ông Murchison hơi thòi ra. Tom gập đầu gối ông ta lại để bàn chân không lộ ra ngoài nữa. Nhưng vì cái thùng tròn đứng trên một cái giá cao hơn mặt đất tầm bốn mươi xăng-ti-mét, ông Murchison vẫn thấp thoáng nhìn thấy được nếu có người đứng giữa hầm rượu và nhìn thẳng vào góc đấy. Chỉ cần ai đó khom người xuống là có thể nhìn thấy toàn bộ cơ thể của ông Murchison. Đúng vào lúc này lại chẳng thể tìm nổi một cái giẻ cũ, một miếng vải dầu, một tờ báo, bất kỳ thứ gì để che phủ cũng được, Tom nghĩ thầm! Cái thói sạch sẽ của bà Annette thật là!
Tom quăng cái giẻ dính đầy máu đi và nó hạ cánh xuống chân ông Murchison. Anh đá vài mảnh chai vỡ trên sàn – giờ rượu vang đã hòa lẫn với máu – rồi nhanh chóng cầm cổ chai rượu lên và đập vào bóng đèn móc trên dây thừng trên trần nhà. Bóng vỡ và rơi lả tả xuống sàn.
Rồi, khẽ thở dốc, cố gắng đưa nhịp thở bình ổn trở lại, Tom di chuyển về phía cầu thang trong bóng tối và trèo lên. Anh đóng cửa hầm lại. Phòng vệ sinh không dùng đến có một cái bồn rửa và anh nhanh chóng rửa sạch tay ở đây. Máu làm nước chảy biến thành màu hồng và Tom vẫn nghĩ đó là máu của ông Murchison cho tới khi anh thấy nó vẫn cứ chảy miết và nhận ra anh đã cắt vào ngón tay cái. Nhưng vết thương không sâu, nó có thể đau hơn nhiều, nên anh thấy mình cũng may mắn. Anh kéo giấy vệ sinh từ cuộn giấy trên tường và cuốn nó quanh ngón tay cái.
Giờ bà Annette đang bận bịu trong bếp, lại một may mắn khác. Nếu bà ta ra ngoài, Tom nghĩ, anh sẽ bảo là ông Murchison đã ở trong xe ô-tô rồi – trong trường hợp bà Annette hỏi thăm ông ta đang ở đâu. Đến giờ khởi hành rồi.
Tom chạy lên phòng ông Murchison. Thứ duy nhất ông ta chưa đóng gói là áo khoác và mấy món đồ cá nhân trong phòng vệ sinh. Tom cất chúng vào một ngăn trong va-li của ông Murchison và đóng nó lại. Rồi anh mang theo va-li và áo khoác xuống cầu thang, đi ra khỏi cửa trước. Anh cất chúng vào xe Alfa Romeo rồi chạy ngược lên cầu thang lấy bức tranh “Đồng Hồ” của ông Murchison, nó vẫn đang được bọc kín. Ông ta đã tự tin đến mức không thèm tháo bọc bức “Đồng Hồ” ra để so sánh với bức “Người Ngồi Trong Ghế”. Kiêu hãnh luôn dẫn đến sự thất bại, Tom nghĩ. Anh mang bức “Người Ngồi Trong Ghế” được bọc chặt của mình từ phòng ông Murchison về phòng anh và cất nó vào sau tủ quần áo, rồi mang bức “Đồng Hồ” xuống gác. Anh lấy áo mưa xuống khỏi một cái móc bên ngoài phòng vệ sinh không dùng đến và đi ra xe ô-tô. Anh lái xe tới sân bay Orly.
Hộ chiếu và vé máy bay của ông Murchison chắc nằm trong túi áo khoác của ông ta, Tom nghĩ. Anh sẽ xử lý nó sau, chắc tốt nhất là đốt chúng đi khi bà Annette ra ngoài vào buổi sáng, nhàn nhã đi mua sắm như thường lệ. Anh cũng chợt nhớ ra là chưa báo cho bà Annette về chuyến viếng thăm của Bá tước. Tom sẽ gọi điện cho bà ta từ đâu đó, nhưng không phải từ sân bay Orly, vì anh không muốn nấn ná lại đó.
Thời gian rất khớp, như thể ông Murchison thật sự định bay vậy.
Tom tiến đến nhà ga đi. Ở đây các tắc-xi và xe tư, miễn là không dừng quá lâu, có thể thả hoặc đón hành lý và hành khách. Tom dừng lại, bỏ va-li của ông Murchison ra ngoài, đặt nó lên vỉa hè, rồi đặt bức tranh “Đồng Hồ” dựa vào va-li, đặt áo khoác của ông Murchison lên trên. Tom lái xe đi. Anh đã để ý thấy còn vài hành lý khác trên vỉa hè. Anh lái về hướng Fontainebleau và dừng lại ở một quán cà phê kết hợp quán bar ven đường, một trong vô vàn kiểu quán cỡ trung dọc tuyến đường từ sân bay Orly tới đầu xa lộ Sud.
Anh gọi bia và hỏi xin chip để gọi điện thoại. Không cần chip cũng gọi được nên Tom nhấc điện thoại trên quầy bar gần chỗ thu ngân và gọi về nhà.
“Xin chào, tôi đây,” Tom nói. “Ông Murchison đã phải đi vội vào phút chót nên nhờ tôi chuyển lời tạm biệt và cảm ơn bà.”
“À, tôi hiểu mà.”
“À này… có một vị khách nữa sẽ đến tối nay, Bá tước Bertolozzi, người Ý. Tôi sẽ đón ông ta ở sân bay Orly và chúng tôi sẽ về nhà trước sáu giờ tối. Giờ thì bà có thể mua… gan bê không?”
“Hiện giờ hàng thịt có đùi cừu ngon tuyệt!”
Không hiểu sao Tom không có tâm trạng thưởng thức bất kỳ món gì có xương hết. “Nếu không quá phiền thì tôi vẫn thích gan bê hơn.”
“Và uống Margaux nhé? Hay Meursault?”
“ Cứ để rượu vang đấy cho tôi.”
Tom trả tiền – anh nói là mình đã gọi điện thoại tới Sens, nó còn xa hơn làng của anh – và ra xe. Anh thong thả lái xe về sân bay Orly, đi qua nhà ga đến và nhà ga đi, nhận thấy đồ đạc của ông Murchison vẫn ở đúng nơi anh đã để. Áo khoác sẽ là thứ biến mất đầu tiên, Tom nghĩ, bị một thanh niên táo bạo cuỗm mất. Và nếu hộ chiếu của ông Murchison còn nằm trong áo khoác thì kẻ trộm biết đâu lại biến nó thành lợi thế cho anh. Tom khẽ cười khi lái xe vào khu P4, một bãi đỗ xe một tiếng.
Tom từ tốn đi bộ qua cửa kính đang mở ra khi anh đến gần, mua một tờ Neue Züricher Zeitung ở quầy báo rồi kiểm tra giờ máy bay của Eduardo hạ cánh. Máy bay hạ cánh đúng giờ và anh còn vài phút thảnh thơi. Tom đến quầy bar đông đúc – lúc nào nó cũng đông đúc – vất vả mãi cũng chen vào được và gọi được một tách cà phê. Sau khi uống cà phê, anh mua vé và đi tới nơi người ta đón hành khách xuống máy bay.
Bá tước đang đội một chiếc mũ Homburg xám. Ông ta có bộ ria mép đen dài mảnh và bụng phệ, có thể nhìn thấy rõ dưới chiếc áo khoác không cài khuy. Bá tước nở nụ cười, một nụ cười thoải mái đậm chất Ý và vẫy tay chào. Ông ta đang trình diện hộ chiếu.
Rồi họ bắt tay, ôm nhau một cái và Tom giúp ông ta xách đồ đạc hành lý. Bá tước còn có cả một cái cặp xách tay. Ông ta đang mang theo thứ gì, ở đâu? Va-li của ông ta thậm chí còn không bị mở ra do được một sĩ quan Pháp ra dấu cho đi qua.
“Ông chờ ở đây chút nhé để tôi đi lấy xe,” Tom nói khi họ đã ra vỉa hè. “Nó chỉ cách đây vài mét thôi. Tom chạy nước kiệu và quay lại trong vòng năm phút.
Anh phải lái xe qua ga đi và để ý thấy va-li và tranh của ông Murchison vẫn còn nguyên ở đó nhưng áo khoác thì đã biến mất. Xong một và còn hai.
Trên đường lái xe về nhà, họ thảo luận, không sâu lắm, về tình hình chính trị nước Ý, nước Pháp hiện thời và Bá tước hỏi thăm Heloise. Tom chẳng thân quen lắm với ông ta và nghĩ đây mới chỉ là lần thứ hai họ gặp nhau nhưng ở Milan họ đã tán gẫu về hội họa, một niềm đam mê cuồng nhiệt của Bá tước.
“Hiện đang có một buổi triển lãm Derwatt ở Luân Đôn. Tôi sẽ đến đó vào tuần sau, thật đáng mong đợi. À mà anh nghĩ sao về việc Derwatt đến Luân Đôn? Tôi đã thấy sửng sốt đấy! Bức ảnh đầu tiên chụp anh ta trong mấy năm trở lại đây!”
Tom không thèm mua một tờ báo Luân Đôn nào. “Một bất ngờ lớn. Họ nói là anh ta chẳng thay đổi nhiều lắm.” Tom không đề cập đến việc gần đây anh cũng tới Luân Đôn và đã tham dự buổi triển lãm.
“Tôi rất mong được nhìn thấy bức tranh của anh ở nhà. Nó tên gì ấy nhỉ? Bức có mấy cô bé ấy?”
“Bức ‘Đôi Ghế Đỏ’,” Tom nói, ngạc nhiên vì Bá tước vẫn còn nhớ. Anh mỉm cười và bấu chặt vô-lăng hơn. Bất chấp cái xác trong hầm rượu, bất chấp một ngày rùng rợn, bất chấp một buổi chiều hết hồn, Tom vẫn sẽ thấy vô cùng vui sướng khi được về nhà – về hiện trường gây án, như người ta nói. Tom không cảm thấy đó là một vụ án mạng. Hay đến ngày mai, thậm chí là tối nay anh mới có cảm nhận gì đó nhỉ? Anh hy vọng là không.
“Nước Ý đang sản xuất ra những loại espresso thứ cấp. Trong các quán cà phê,” Bá tước phát biểu với giọng nam trung nghiêm túc. “Tôi tin chắc như vậy. Chắc có sự can thiệp của bọn Mafia ở cuối dây chuyền.” Ông ta chua chát trầm tư nhìn ra ngoài cửa sổ hồi lâu, rồi lại tiếp tục, “Còn cả các thợ làm tóc ở Ý nữa, Chúa tôi! Tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có biết chính đất nước của mình nữa hay không! Giờ trong tiệm làm đầu ưa thích lâu năm của tôi gần đường Veneto, họ thuê những thanh niên hỏi tôi muốn dùng loại dầu gội gì. Tôi trả lời ‘Cứ gội đầu cho tôi đi… tôi còn mấy sợi tóc trên đầu đâu!’ ‘Nhưng tóc có thể dầu hoặc khô mà, thưa ngài? Chúng tôi có ba loại dầu gội. Ngài có gàu không?’ ‘Không!’ Tôi trả lời. ‘Ngày nay chẳng lẽ người ta không thể có mái tóc thường à, hay là dầu gội thường không còn tồn tại nữa rồi?’”.
Cũng giống như ông Murchison, Bá tước khen ngợi cấu trúc đối xứng vững chãi của Belle Ombre. Khu vườn, dù chẳng còn một bông hồng nào sau hè, vẫn có vườn cỏ hình chữ nhật đẹp đẽ bao quanh bởi hàng thông dày và đáng sợ. Đây là nhà anh, cũng không khiêm tốn cho lắm. Một lần nữa bà Annette lại chào đón họ ở cửa, hiếu khách và nhiệt tình hệt như ngày hôm qua khi ông Thomas Murchison đặt chân đến. Một lần nữa Tom lại dẫn khách lên phòng, căn phòng đã được bà Annette thu dọn sẵn sàng. Hơi muộn để uống trà nên Tom nói anh sẽ ở dưới nhà khi Bá tước muốn xuống ngồi cùng anh. Bữa tối lúc tám giờ.
Sau đó Tom tháo bọc cho bức “Người Ngồi Trong Ghế” trong phòng anh rồi mang nó xuống nhà và treo lên chỗ quen thuộc. Bà Annette chắc đã để ý thấy nó biến mất vài tiếng đồng hồ nhưng nếu bà ta có hỏi thì Tom định nói rằng ông Murchison đã mang nó về phòng của anh để ngắm nó dưới một độ sáng khác.
Tom tách chiếc rèm đỏ nặng nề của ô cửa sổ kiểu Pháp ra và nhìn khu vườn sau của mình. Các bóng râm màu xanh sậm đang chuyển đen khi màn đêm buông xuống. Tom nhận ra là anh đang đứng thẳng trên đầu ông Murchison dưới hầm rượu và anh nhích người đi. Anh bắt buộc phải, dù là tối muộn hôm nay, đi xuống hầm và làm những gì có thể để dọn dẹp rượu vang và vết máu. Biết đâu bà Annette lại có lý do phải xuống hầm: bà ta vẫn luôn để mắt trông chừng thùng nhiên liệu. Và rồi làm sao để tống khứ cái xác ra khỏi nhà nhỉ? Trong nhà kho dụng cụ có một cái xe cút kít. Anh có thể đẩy ông Murchison – được phủ bởi một mảnh vải dầu cũng có trong nhà kho – vào khu rừng sau lưng ngôi nhà và chôn ông ta ở đó không? Phương pháp thô sơ, gần ngôi nhà đến mức không thoải mái, nhưng có thể đó chính là cách tốt nhất.
Bá tước đi xuống nhà, nhanh nhẹn và nhún nhảy dù có cả tảng bụng mỡ. Ông ta cũng khá cao.
“À ha! À ha!” Cũng như ông Murchison, ông ta mê mẩn bức “Đôi Ghế Đỏ” được treo ở bên kia phòng. Nhưng Bá tước xoay người lại ngay lập tức, nhìn về hướng lò sưởi và có vẻ càng thấy ấn tượng hơn trước bức “Người Ngồi Trong Ghế”. “Đáng yêu! Đẹp đẽ!” Ông ta nhìn cả hai bức tranh chăm chú. “Anh không làm tôi thất vọng. Chúng thật tuyệt vời. Cả căn nhà của anh cũng thật tuyệt vời. Ý tôi là cả các bức tranh chì trong phòng tôi nữa.”
Bà Annette đẩy xe chở xô đá và vài cái ly vào.
Bá tước nhìn thấy chai Punt e Mes, nói sẽ uống chai đó. “Phòng triển lãm ở Luân Đôn có đề nghị anh cho mượn các bức tranh để trưng bày không?”
Ông Murchison cũng đã hỏi câu hỏi tương tự cách đây hai mươi tư tiếng, nhưng chỉ hỏi đúng về bức “Người Ngồi Trong Ghế” và cũng chỉ vì tò mò về thái độ của phòng triển lãm đối với những bức tranh sơn dầu mà nhất định họ cũng biết là hàng giả. Tom cảm thấy đầu hơi choáng váng như thể sắp ngất ra đấy. Anh đã cúi gập người xuống trên xe đẩy và giờ đứng thẳng dậy. “Có. Nhưng ông biết đấy, phiền phức lắm, chuyện vận chuyển rồi bảo hiểm. Tôi từng cho mượn bức ‘Đôi Ghế Đỏ’ để triển lãm cách đây hai năm.”
“Có thể tôi sẽ mua một bức tranh Derwatt,” Bá tước trầm ngâm nói. “Đấy là nếu tôi có đủ sức mua. Với cái giá tranh của anh ta thì tôi chỉ mua nổi một bức tranh nhỏ thôi.”
Tom rót rượu scotch nguyên chất lên một cốc đá cho ông ta.
Điện thoại reo.
“Xin thứ lỗi cho tôi,” Tom nói và nghe máy.
Eduardo đi dạo xung quanh phòng, nhìn các thứ khác treo trên tường.
Người gọi là Reeves Minot. Anh ta hỏi Bá tước đã đến chưa và Tom có ở một mình không.
“Không.”
“Nó ở trong…”
“Tôi không nghe rõ.”
“Kem đánh răng,” Reeves nói.
“Ôi trời.” Tom gần như rên rỉ, vì mệt mỏi, khinh miệt, thậm chí là chán nản. Đây là trò trẻ con chắc? Hay một cảnh trong một bộ phim tệ hại? “Được rồi. Còn địa chỉ? Vẫn như lần trước à?” Tom có một địa chỉ ở Paris, thật ra là ba, bốn cái gì đấy, nơi mấy lần trước anh gửi đồ đạc của Reeves đến.
“Cũng được. Giống lần gần đây nhất. Mọi chuyện vẫn ổn cả chứ?”
“Ừ, tôi nghĩ vậy, cảm ơn anh,” Tom nói một cách thoải mái. Anh cũng định gợi ý Reeves nói vài lời với Bá tước, chỉ để tỏ ra thân thiện, nhưng chắc Bá tước không biết chuyện Reeves đã gọi điện thì tốt hơn. Tom cảm thấy hơi mất phong độ, khởi đầu không được thuận lợi lắm. “Cảm ơn đã gọi.”
“Không cần gọi cho tôi nếu mọi chuyện đều ổn đâu,” Reeves nói và dập máy.
“Thứ lỗi cho tôi một chút nhé, Eduardo,” Tom nói và chạy lên gác.
Anh đi vào phòng Bá tước. Một va-li của ông ta đã mở ra trên cái thùng gỗ cổ mà các vị khách và bà Annette hay đặt va-li, nhưng Tom nhìn vào phòng vệ sinh trước. Bá tước chưa bỏ đồ cá nhân của mình ra. Tom đi về phía va-li và tìm được một cái túi nhựa mờ có khóa. Anh thử mở túi ra và thấy thuốc lá. Còn một túi nhựa khác thì đựng đồ cạo râu, bàn chải đánh răng và kem đánh răng, và anh bỏ kem đánh răng ra. Đáy tuýp kem đánh răng hơi nhám nhưng kín. Chắc người của Reeves có một loại kẹp nào đấy để hàn kim loại lại. Tom cẩn trọng bóp cái tuýp và sờ thấy một chỗ gồ cứng ở gần đáy tuýp kem. Anh lắc đầu ghê tởm, nhét tuýp kem đánh răng vào túi, rồi trả túi nhựa về chỗ cũ. Anh vào phòng mình và nhét tuýp kem đánh răng vào sau ngăn kéo tủ trên cùng bên trái, nó đựng một cái hộp khuy cài và rất nhiều cổ áo đã được hồ là.
Tom xuống chỗ Bá tước dưới gác.
Trong bữa tối họ tán gẫu về sự trở lại đầy bất ngờ của Derwatt và bài phỏng vấn anh ta mà Bá tước đọc trên báo.
“Anh ta đang sống ở Mexico phải không?” Tom hỏi.
“Đúng thế. Và anh ta không chịu nói là ở đâu. Giống B. Traven, anh biết đấy. Ha! Ha!”
Bá tước khen ngợi bữa tối và ăn một cách nhiệt tình. Ông ta có khả năng nói chuyện khi miệng vẫn còn nhồm nhoàm của người châu Âu, một việc mà không người Mỹ nào có thể làm được mà không trông hoặc khiến chính họ cảm thấy cực kỳ vô duyên.
Sau bữa tối, Bá tước, nhìn thấy máy hát của Tom, bày tỏ khao khát được nghe nhạc và chọn bản Pelléas et Mélisande. Ông ta muốn nghe hồi ba – bản song ca, có phần cuồng nhiệt, giữa một giọng nữ cao và giọng nam trầm. Trong khi nghe, thậm chí là cả hát theo, Bá tước vẫn xoay xở để trò chuyện được.
Tom cố gắng tập trung vào Bá tước và gạt âm nhạc đi, nhưng anh cảm thấy khó mà làm vậy được. Anh cũng chẳng có tâm trạng nào mà nghe Pelléas et Mélisande. Điều anh cần là nhạc của Giấc Mộng Đêm Hè, khúc mở màn diệu kỳ, và trong khi một bản nhạc khác được phát với giai điệu kịch tính nặng nề thì bản nhạc dạo đầu của Mendelssohn lại vang lên trong đầu Tom – âu lo, hóm hỉnh, đầy sáng tạo. Anh cần sự sáng tạo đến tuyệt vọng.
Họ chuyển sang nhấm nháp brandy. Tom gợi ý sáng mai họ có thể lái xe và ăn trưa ở Moret-sur-Loing. Eduardo nói rằng ông ta muốn lên chuyến tàu chiều về Paris. Nhưng trước tiên ông ta muốn bảo đảm là đã nhìn thấy hết các báu vật nghệ thuật của Tom, nên anh đã dẫn ông ta đi thăm quan ngôi nhà. Vào cả phòng của Heloise, có một bức Marie Laurencin ở đó.
Rồi họ chúc nhau ngủ ngon và Eduardo về phòng với hai quyển sách nghệ thuật của Tom.
Trong phòng mình, Tom lấy tuýp kem đánh răng của Vademecum ra khỏi ngăn tủ, cố gắng dùng móng cái cạy đáy nó ra, và chịu thua. Anh vào căn phòng mà mình hay vẽ tranh và cầm chiếc kìm trên bàn làm việc theo. Về phòng, anh cắt tuýp kem đánh răng ra và một cái trụ đen rơi ra. Tất nhiên, một tấm vi phim. Tom tự hỏi nó có chống thấm nước không, quyết định không rửa nó mà chỉ dùng khăn giấy Kleenex lau đi mà thôi. Nó có mùi bạc hà. Anh gửi phong bì thư tới:
Ông Jean-Marc Cahannier
16 phố Tison
Paris IX
Rồi bọc cái trụ vào trong vài tờ giấy viết thư và nhét nó vào trong phong bì. Tom tự thề sẽ rút chân ra khỏi công việc ngớ ngẩn này vì nó khiến anh thấy mất phẩm giá. Anh có thể nói chuyện với Reeves mà không làm anh ta thấy phiền lòng. Reeves có cái ý nghĩ kỳ lạ là một vật phẩm càng qua tay nhiều người thì càng an toàn. Anh ta cũng rất bảo thủ. Nhưng chắc chắn là anh ta cũng mất ối tiền để trả cho từng đấy người, dù chỉ trả một khoản nhỏ. Hay sẽ có người làm việc đó chỉ vì được Reeves nhờ?
Tom mặc pyjama và áo choàng ngủ vào, nhìn ra hành lang và hài lòng khi thấy không còn ánh đèn hắt ra dưới cửa phòng ông Eduardo nữa. Anh lặng lẽ đi xuống bếp. Có hai cánh cửa từ phòng bếp tới phòng ngủ của bà Annette, vì còn có một lối đi nhỏ dành cho người giúp việc sau bếp nên chắc bà ta sẽ không nghe thấy anh hay nhìn thấy đèn từ bếp. Tom lấy một cái giẻ lau màu xám dày bịch và một thùng Ajax18, lấy một bóng đèn trong tủ và nhét nó vào trong túi. Anh đi xuống hầm. Anh run lẩy bẩy. Giờ anh mới nhận ra mình cần có đèn pin và một cái ghế để trèo lên, nên anh quay lại bếp và cầm một cái ghế đẩu gỗ cạnh bàn bếp theo rồi lấy một chiếc đèn pin từ ngăn kéo bàn trong sảnh.
18 Ajax là một thương hiệu sản phẩm tẩy rửa gia dụng.
Anh kẹp đèn pin dưới nách, tháo cái bóng đèn đã vỡ ra và thay bóng mới vào. Hầm rượu sáng trưng. Giày của ông Murchison vẫn lộ ra ngoài. Rồi Tom hãi hùng nhận ra chân ông ta đã duỗi thẳng vì tử thi co cứng. Hay biết đâu ông ta vẫn còn sống? Tom ép mình phải đảm bảo chắc chắn về điều đó, không thì tối nay anh sẽ không thể ngủ yên được. Tom đặt mu bàn tay vào bàn tay của ông Murchison. Thế là đủ. Tay ông ta lạnh ngắt và cứng đờ. Tom phủ tấm giẻ xám lên giày của ông Murchison.
Trong góc phòng có một cái chậu rửa tay có nước lạnh. Tom giặt giẻ lau và bắt tay vào việc. Một ít màu thấm vào tấm giẻ và được anh giặt sạch nhưng anh không thấy màu sàn nhà cải thiện gì nhiều, dù chắc bây giờ màu sẫm đấy là do ướt. Bỏ đi, anh có thể bảo với bà Annette là anh đã làm rơi vỡ một chai rượu vang nếu bà ta hỏi. Tom dọn nốt mẩu bóng đèn và chai rượu vang vỡ cuối cùng, cẩn thận giặt sạch tấm giẻ trong chậu rửa tay, nhặt các mẩu thủy tinh từ trong ống của chậu rửa tay và đút chúng vào túi áo choàng ngủ. Anh lại một lần nữa lấy giẻ lau sàn. Rồi anh đi lên nhà, dưới ánh đèn bếp sáng rõ hơn, anh bảo đảm màu đỏ trên giẻ đã biến mất hoặc biến mất gần hết. Anh phơi cái giẻ lên đường ống thoát nước dưới chậu rửa.
Nhưng vẫn còn cái xác chết tiệt. Tom thở dài và nghĩ xem có nên khóa hầm lại cho tới chiều mai anh quay lại sau khi tiễn ông Eduardo đi, nhưng nếu bà Annette muốn vào thì không phải bà ta sẽ thấy có gì đó kỳ cục sao? Và bà ta cũng có chìa khóa riêng, cả cửa trong lẫn cửa ngoài, hai khóa khác nhau. Tom cẩn thận mang một bình rượu hoa hồng và hai bình Margaux lên, đặt chúng trên bàn bếp. Có những lúc có người hầu cũng thật là phiền toái.
Khi Tom về giường, mệt mỏi hơn cả đêm qua, anh nghĩ đến việc cho xác ông Murchison vào một cái thùng rượu tròn. Nhưng anh đoán chắc phải có thợ đóng thùng thì cái đai chết tiệt mới có thể được lắp lại như cũ. Và xác ông Murchison cũng phải được dìm trong một thứ chất lỏng nào đó, không thì sẽ va lọc cọc trong cái thùng rỗng. Mà làm sao anh có thể tự nhét cả cái xác của ông Murchison vào trong thùng được chứ? Bất khả thi.
Tom nghĩ đến va-li và bức tranh “Đồng Hồ” của ông Murchison ở sân bay Orly. Chắc chắn đến giờ này đã có người lấy chúng đi rồi. Có thể ông Murchison sẽ có một quyển sổ địa chỉ, một cái phong bì thư cũ nào đó trong va-li. Đến mai, người ta sẽ thông báo ông ta “đang mất tích”. Hoặc ngày kia. Người ở Tate Gallery sẽ đợi ông Murchison đến vào sáng mai. Tom tự hỏi không biết ông Murchison có kể cho ai nghe chuyện ông ta định đến ở nhà Tom Ripley hay không? Anh hy vọng là không.