C
. hỏi vì sao cô ấy cảm thấy mệt mỏi thế này. Dù dành nhiều năng lượng cho công việc chung, nhưng sâu bên trong cô cảm thấy rã rời.
Sau khi trò chuyện một lát, chúng tôi khám phá ra rằng cô lệ thuộc rất nhiều vào chồng và môi trường của mình. Sự phụ thuộc này, vốn không phải về mặt tài chính, đã khiến cô hay bồn chồn, kiệt sức, lo lắng, mất kiên nhẫn và dễ nóng giận.
Một nhu cầu nào đó về mặt tâm lý nhất thiết phải tạo ra sự lệ thuộc, điều này ngăn cản khả năng phối hợp và hòa nhập.
C. nói rằng cô nhận ra nhu cầu này, nhưng vì lý do nào đó cô không thể vượt qua nó. Cô đã quyết tâm không để mình bị lệ thuộc, nhưng rồi vẫn không thể thoát khỏi nó. Chúng ta đều đồng ý rằng lệ thuộc không phải là thiếu vắng yêu thương, mà nó gây rối loạn yêu thương. Nó đem đến những yếu tố không thuộc về yêu thương; nó tạo ra sự bất ổn và xa rời.
Sự lệ thuộc dẫn đến hành động tách biệt và gắn bó, một mối xung đột liên tục không có sự thấu hiểu, không có lối thoát. C. phải nhận thức được quá trình gắn bó và tách rời này, nhận thức mà không chỉ trích, không phán xét, thì lúc đó cô sẽ hiểu được ý nghĩa sự xung đột của các trạng thái đối lập này.
Nếu C. nhận thức sâu sắc, và do đó, chủ ý hướng tư duy về hướng thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sự lệ thuộc và nhu cầu về mặt tâm lý, khi tâm trí hữu thức của cô rộng mở và hiểu rõ về nó, thì vô thức với những động cơ, sự theo đuổi và mục đích ẩn chứa bên trong sẽ phóng chiếu chính nó vào ý thức. Khi điều này xảy ra, C. phải nghiên cứu và hiểu được mỗi gợi ý của tiềm thức. Nếu C. làm điều này nhiều lần, nhận thức được sự hiện hình của tiềm thức sau khi ý thức đã suy nghĩ rõ ràng hết mức về vấn đề ấy, thì dù cô có dành sự chú ý cho những vấn đề khác đi nữa, ý thức và vô thức cũng sẽ giải quyết vấn đề lệ thuộc đó hay bất cứ vấn đề nào khác. Nhờ đó, một nhận thức liên tục được hình thành, thứ sẽ kiên nhẫn và nhẹ nhàng mang lại sự hòa nhập. Nếu sức khỏe và cách ăn uống của cô ấy đều ổn cả, thì điều này sẽ mang lại sự sống trọn vẹn.