C
húng ta phải hiểu được chủ thể tạo ra thời gian – quá khứ, hiện tại và tương lai – vì thời gian là sinh ra và chết đi. Ý thức về thời gian tạo nên tính liên tục, tính bất diệt, nhưng nó không vĩnh viễn, nó không vô tận.
Chủ thể tạo ra thời gian là bản ngã, ý thức về cái “tôi” và cái “của tôi”: tài sản của tôi, con trai của tôi, sức mạnh của tôi, thành công của tôi, kinh nghiệm của tôi và danh tiếng muôn đời của tôi. Sự quan tâm của cái tôi về địa vị của chính nó tạo nên thời gian. Bản ngã là nguyên nhân gây ra ngu dốt và đau khổ; nguyên nhân và hệ quả của nó là dục vọng, sự thèm khát quyền lực, giàu sang, danh vọng. Bản ngã này được hợp nhất bởi ý chí của khao khát, với những ký ức trong quá khứ, quyết định trong hiện tại và sự xác định tương lai. Khi đó, tương lai trở thành một dạng thèm muốn, hiện tại là con đường dẫn tới tương lai, còn quá khứ là động cơ thúc đẩy. Bản ngã là một bánh xe nằm trong vòng quay thăng trầm của vui sướng và đau khổ, thích thú và sầu muộn, yêu thương và thù hận, tàn nhẫn và hòa nhã. Những trạng thái đối lập này được tạo ra vì lợi ích của riêng nó, vì những gì nó thu được, từ sự bất định của chính nó. Đây là nguyên do tôi sinh ra, tôi chết đi. Tư duy bị ý chí của khát khao, ý chí của bản ngã nắm giữ, nhưng phiền não và đau khổ sẽ bắt đầu công việc thức tỉnh tư duy; và nếu sự tỉnh thức này không được duy trì, thì tư duy sẽ trượt dài vào những niềm tin mang tính dỗ dành, vào những huyễn tưởng và hy vọng cá nhân.
Nhưng nếu tư duy đang chậm rãi thức tỉnh đó bắt đầu nghiên cứu một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn nguyên nhân của sự đau khổ và nhờ đó bắt đầu hiểu được nó, thì nó sẽ nhận ra rằng có một ý chí khác nữa: ý chí thấu hiểu. Ý chí thấu hiểu này không mang tính cá nhân. Nó không có tổ quốc, không quê hương, không dân tộc, không tôn giáo. Và chính ý chí này mở ra cánh cửa đi tới vĩnh cửu, tới vô tận.
Nghiên cứu về bản ngã là khởi đầu cho tư duy đúng – bản ngã bị nắm giữ trong ý chí của khao khát. Bản ngã này tạo ra tính liên tục bằng cách thèm khát sự bất tử, nhưng đi liền với nó là bất tận những buồn đau, khổ sở, cùng sự mâu thuẫn của cái “tôi” và cái “của tôi”. Sự cứu rỗi trong ý chí thấu hiểu không bao giờ chấm dứt, chỉ nó mới tiêu trừ được nguyên nhân của đau khổ.
Hãy nhận thức về quá trình diễn biến của khao khát, từ đó tư duy đúng sẽ được sinh ra. Đức hạnh đang giải thoát tư duy khỏi cái “tôi” và cái “của tôi” vì thương cho tình trạng bất định mà sự tự khao khát gây ra.