Trải qua nhiều thế kỷ, mọi người vẫn luôn tôn kính đức Phật cùng với sự giác ngộ của Ngài. Họ đã cố gắng bày tỏ lòng tôn kính ấy bằng cách vẽ, viết trên đá và chất liệu đồng. Một số người cảm động khi nghe giáo pháp nhất quán, hợp lý, súc tích và nhân văn. Những người khác được truyền cảm hứng từ nhân cách, cử chỉ, đức hạnh cho đến hảo tướng của Ngài. Niềm tịnh tín hỷ lạc và lòng cảm kích được gợi lên khi hoài niệm về nhân cách và khi cất lên những bài ca tán thán, mang đến cho mọi người sức mạnh cần thiết để vững tiến trên con đường giác ngộ. Đối với họ, giáo pháp trở nên sống động qua cuộc đời và những câu chuyện về đức Phật, một trong số đó là nhà thơ Mātṛceta. Ông sinh ra ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (SCN) và đã được nhà triết học vĩ đại Āryadeva cải hóa từ đạo Hindu sang Phật giáo. Ông đã sáng tác hàng chục tác phẩm đặc sắc và được xem là một trong những thi sĩ vĩ đại nhất của Ấn Độ.1 Ngài Nghĩa Tịnh, nhà chiêm bái người Trung Quốc sang Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII (SCN) đã bình luận về bài thơ của Mātṛceta như sau:
1 Cuốn Văn học Thơ Ấn Độ (Nguyên tác tiếng Anh: A. K. Warder, Indian Kāvya Literature, Delhi: 1974), tập II, chương 7, chứa nội dung phân tích cụ thể về thông tin, nội dung và phép điệp âm trong những tác phẩm của Mātṛceṭa và vị trí của chúng trong truyền thống Thi ca Ấn Độ.
“Những cảm tác tuyệt vời này đẹp như những bông hoa trên thiên đàng và chuẩn mực nội hàm đỉnh cao như núi. Do đó, ở Ấn Độ, tất cả những người sáng tác Thi tán đều học theo phong cách của ông, coi ông là cha đẻ của lĩnh vực văn học này. Ngay cả Bồ tát Long Thọ và Thế Thân cũng rất ngưỡng mộ ông. Ở khắp đất nước Ấn Độ, bất kỳ ai khi trở thành tu sĩ đều được dạy các bài Thi tán của Mātṛceta ngay lúc trùng tuyên xong Ngũ giới và Thập thiện giới”.
Ngài Nghĩa Tịnh cũng kể lại một câu chuyện cho thấy sự nổi tiếng của Mātṛceta:
“Khi còn tại thế, trong một lần đức Phật cùng chúng Tỳ kheo vào rừng, có một chú chim sơn ca nhìn thấy Phật… liền bắt đầu hót líu lo những bản nhạc du dương như muốn ca ngợi Ngài. Ngài nhìn chúng đệ tử và dạy rằng: Chú chim này đã xúc động mạnh mẽ khi gặp ta và từ vô thức thốt ra những bản nhạc du dương đó. Nhờ nhân duyên tốt lành này, sau khi ta diệt độ, chú chim sẽ được tái sinh làm người và có tên là Mātṛceta, ca ngợi đức hạnh của ta với những lời tán thán chân thành”.
Chỉ với một ít thông tin này, chúng ta không thể biết nhiều về Mātṛceta. Và hiện nay, tên gọi đó chỉ được nhắc đến gắn liền với tác phẩm vĩ đại nhất của ông là Śaptapañcaśatka.
Tên văn học của Śaptapañcaśatka là Bản Thi tán 150 bài, mặc dù thực tế có cả thảy 152 bài (hoặc trong một số bản có 153 bài). Tác phẩm thuộc văn hệ Bhakti hay các thể loại văn học mang tính cầu nguyện ở Ấn Độ nhưng được viết với phong cách mới mẻ, không bóng bẩy, làm nên điểm đặc trưng của tác phẩm. Shackleton-Bailey đánh giá: “Văn phong của bản Thi tán này đơn giản và trực tiếp, không thổi phồng, phức tạp mà dí dỏm, tỉ mỉ”.1 Warder thì bảo rằng: “Sự giản dị của những bài Thi tán này là tính chuyên môn hoàn hảo về phương pháp, khả năng diễn đạt ý nghĩa phong phú với ngôn từ được lựa chọn cẩn thận mà không cần minh chứng bằng sự bộc lộ hết ra bề ngoài”. Ông còn nói thêm, những Thi tán này “được viết theo cách gợi ý kín đáo tâm khiêm tốn và tính vô tư của nhà thơ, cả hai đều thể hiện được tính chân thành”.2 Chắc chắn với những ai đã quen thuộc với các bài Thi tán trong tiếng Phạn nguyên gốc đều thừa nhận vẻ đẹp tuyệt vời về ngôn ngữ cũng như ý nghĩa của chúng. Vào thời Ấn Độ cổ đại đã có rất nhiều bình phẩm về các bài Thi tán. Chúng được phổ biến trong các trường Phật học và được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tāranātha, nhà sử học vĩ đại của Tây Tạng cho rằng: những bài Thi tán góp phần quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Và tác phẩm càng trở nên nổi tiếng do tạo ra được nguồn hứng khởi về đức Phật và giáo pháp của Ngài.
1 150 kệ thi tán của Mātṛceṭa (bản tiếng Anh: Shackleton-Bai- ley, The Satapacasatka of Mātṛceṭa, Cambridge: 1951).
2 Tham khảo trang 234 cuốn Văn học Thơ Ấn Độ tập II (Nguyên tác tiếng Anh: A. K. Warder, Indian Kāvya Litera-ture, Delhi: Motilal Banarsidass, 1974).
Nhiều thế kỷ trước Mātṛceta, gia chủ Upāli đã được truyền cảm hứng lúc gặp đức Phật khiến ông sáng tác một bài Thi tán để ca ngợi Ngài. Khi được hỏi lý do vì sao làm được điều đó, ông trả lời: “Như có một đống hoa với nhiều loại khác nhau, một người khéo tay có thể làm thành một vòng hoa hoặc một người học nghề có thể xâu thành một vòng hoa đa sắc màu. Cũng thế, đức Phật có nhiều phẩm chất tuyệt vời. Và ai lại không ca ngợi một người xứng đáng được ca ngợi?”1
1 Kinh Trung Bộ.
Chắc chắn bản Thi tán của Mātṛceta thể hiện sự sùng kính sâu sắc đến đức Phật và lòng ngưỡng mộ những đức hạnh cao đẹp của Ngài. Nhưng hoàn toàn nằm ngoài động lực sáng tác bản Thi tán của tác giả, giá trị và mục đích thực sự của bản tán dương đức Phật có hai khía cạnh:
(i) Bản Thi tán là công cụ đánh thức đức tin của chúng ta.
Mātṛceta nhận ra rằng đức tin vào bậc giác ngộ đã tạo động lực khơi dậy nhiệt huyết và năng lượng tích cực mạnh mẽ. Rất lâu trước khi được trải nghiệm trực tiếp về điều đó, đức tin giúp chúng ta có sự kiên định vào mục tiêu. Khi vấp ngã và thất bại, đức tin giúp chúng ta đứng dậy; khi những nghi ngờ khiến chúng ta chùn bước, đức tin thôi thúc chúng ta tiến tới; và khi bị lầm đường lạc bước, đức tin dẫn dắt chúng ta đi về chánh đạo. Nếu không có niềm tin vào đức Phật và giáo pháp của Ngài, chúng ta sẽ không thể áp dụng những lời dạy chân lý ấy vào thực tiễn. Như Bồ tát Long Thọ (Nāgārjuna) từng nói: “Một người sống với giáo pháp cần phải có đức tin; nhưng người chứng được chân lý là nhờ liễu tri; sự liễu tri là yếu tố chính, còn đức tin chỉ đóng vai trò tiền đề”.1
1 Nguồn: Bảo Man Luận (Ratnavali).
Chúng ta tôn kính đức hạnh của đức Phật và niềm tin ấy càng được tăng trưởng mạnh mẽ khi được mô tả vô cùng đầy đủ, đẹp đẽ qua những câu thơ của Mātṛceta.
(ii) Bản Thi tán thúc đẩy chúng ta thực hành theo giáo pháp của đức Phật.
Mātṛceta đã làm nổi bật nét hòa nhã, lòng khoan dung tha thứ, tính kiên nhẫn và những đức hạnh khác của đức Phật. Và ông biết rằng khi chúng ta có sự tôn kính sâu sắc đến một ai đó thì hiển nhiên sẽ luôn cố gắng học theo những điều tốt của người ấy. Ông cảm thấy, khi sử dụng thơ ca một cách khéo léo với hy vọng tràn đầy, chúng ta sẽ được truyền cảm hứng đủ để lấy đức Phật làm hình mẫu lý tưởng và tấm gương cho chúng ta noi theo. Khi biết được đức Phật dang rộng vòng tay yêu thương đến tất cả chúng sinh, không loại trừ ai, chúng ta sẽ cố gắng làm điều tương tự như Ngài. Khi được nhắc nhở rằng đức Phật đã chịu đựng sự chửi rủa và khó khăn mà không phàn nàn, chúng ta được học hỏi, tăng thêm tính kiên nhẫn. Khi sầu não bởi mọi việc không xảy ra một cách hoàn hảo khiến chúng ta suy sụp, không điều gì có thể khiến chúng ta tràn đầy nhiệt huyết và hăng hái vượt qua khó khăn bằng cách quán niệm về quả vị giác ngộ của Phật. Lúc đó, tâm học hỏi sẽ chuyển từ sự ngưỡng mộ sang thực tiễn ứng dụng tu tập theo những đức hạnh của Ngài.
Bản Thi tán cũng có thể mang một giá trị khác, đó là trợ giúp cho sự tu tập Thiền định. Lúc hành giả tập trung thiền định, dòng cảm xúc hoàn toàn vắng lặng. Trong Thiền chánh niệm, tư tưởng được quán một cách độc lập nhưng trong Thiền hồi niệm, tư tưởng được hướng đến một chủ đề cụ thể và tư sát kỹ lưỡng. Đức Phật dạy: “Các thầy, một vị Tỳ kheo tư sát hay hồi tưởng về bất cứ điều gì thì tâm thức vị ấy cuối cùng sẽ thiên về hướng đó”1. Và điều này chắc chắn đúng đắn. Bất kỳ suy nghĩ nào thường xuyên xuất hiện trong ý thức sẽ ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của chúng ta. Suy nghĩ tích cực, tập trung và có ý thức giúp cho tư tưởng khởi lên một cách hoàn toàn tự nhiên, nhờ đó các hành động tích cực sẽ nảy sinh. Khi hồi tưởng về đức Phật (Buddhānussati), chúng ta tĩnh tọa, khiến tâm tiếp nhận và nhớ lại các đức hạnh và thiện nghiệp của Ngài. Đúng thời điểm, hai nền tảng tâm linh quan trọng là niềm tin và sự tôn kính bắt đầu được lớn mạnh, bồi dưỡng thêm năng lượng và nhiệt huyết trong tu tập. Những người thực hành Thiền định thường đọc hay học thuộc công án nổi tiếng “Như thị” (Iti’pi so) để giúp họ điều dẫn được tư tưởng. Họ có thể nhận thấy những điều rút ra từ việc đọc bản Thi tán về đức Phật được sử dụng cùng với công án đó, hoặc đôi khi thay thế cho công án, mang lại kết quả rất tích cực.
1 Kinh Trung Bộ.
D. R. Shackleton-Bailey đã hoàn chỉnh một bản dịch tiếng Anh bản Thi tán đức Phật, còn Edward Conze thì có dịch một số phần trong đó.1 Cả hai bản dịch đều mang tính văn chương và uyên thâm nhưng chưa toát lên đầy đủ về tinh thần của tác phẩm và chủ ý của tác giả trong việc sáng tác ra bản Thi tán đó – chính là sự truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần. Bằng cách sửa lại những hạn chế từ hai bản dịch này và đôi lúc tham khảo bản tiếng Sanskrit với sự giúp đỡ của Đại đức Hippola Paññakithi, tôi đã nỗ lực cho ra đời một bản dịch có thể lột tả được tầm quan trọng và tuyệt mỹ của bản Thi tán này. Những ai quan tâm về mặt học thuật của tác phẩm, tôi khuyên các vị nên đọc bản dịch của Shackleton- Bailey với những chú thích đầy đủ về mặt ngôn ngữ, các thủ bản khác nhau cũng như những khó khăn về văn bản.
1 Văn điển Phật giáo qua các thời đại (Nguyên tác tiếng Anh: Edward Conze, Buddhist Texts through The Ages, New York: Kensington, 1954.