N
gài Issac Newton đã vẽ ra bức tranh về chiếc đồng hồ trái đất, nơi thời gian trôi bên trong một đồng hồ vũ trụ. Thời gian là cái gì đó tuyệt đối. Một giây là một giây, không dài hơn, không ngắn hơn. Chúng ta ở bất kỳ nơi nào, trong phòng khách hay trên một vì sao cách ta hàng triệu năm ánh sáng, chúng ta làm bất kỳ việc gì, thời gian vẫn trôi, không lệ thuộc vào những ảnh hưởng bên ngoài. Đó là quan điểm chung về thời gian của các nhà khoa học châu Âu cách nay gần 300 năm sau Newton.
Vào đầu thế kỷ XX, nhân vật kỳ lạ Einstein đã đưa ra một lý thuyết mới có sức công phá vào nền tảng khoa học của ba thế kỷ trước. Đó là thuyết Tương đối. Một phần phát kiến của Einstein là con người có một cách duy nhất để đo thời gian với chiếc đồng hồ, hoặc là chiếc đồng hồ nước mà từng giọt tương ứng với từng giây, hoặc là chiếc đồng hồ cơ học gõ từng nhịp một. Về cơ bản, chiếc đồng hồ luôn chuyển động, và do đó, thời gian lệ thuộc vào sự chuyển động, thời gian không thể tự nó xuất hiện. Einstein không phải là người đầu tiên nghĩ như thế. Nhưng ông là người đầu tiên đưa ra lý thuyết toán học về thời gian (nằm trong công thức nổi tiếng: E = mc2). Chúng ta cùng trở lại lý thuyết của Newton để hiểu rõ hơn. Chiếc đồng hồ vũ trụ ngoài kia vẫn lắc lư bất chấp việc con người có thể đo lường nó. Cái đồng hồ mà Newton ám chỉ không phải là đồng hồ "thật", mà nó gợi đến một ý niệm về sự không ngừng nghỉ. Thời gian luôn trôi qua, độc lập trước mọi sự. Hãy lấy một ví dụ nhỏ. Hãy hình dung chúng ta đi ngủ vào một buổi tối, và khi sáng thức dậy, mọi vật đều chuyển động chỉ bằng một nửa tốc độ từ trước đến nay. Theo lý thuyết Newton, thời gian "thật" vẫn trôi như thế, còn chúng ta phải làm việc gấp đôi thời gian. Cuối cùng, ta nghĩ từ 9 đến 5 giờ là 8 tiếng, kỳ thực lại kéo dài đến 16 tiếng.
Einstein cho rằng thời gian là điều bất khả tri với con người, khi họ thức dậy sau sự kiện kỳ lạ kia và nhận ra rằng mọi việc đang được thực hiện chỉ bằng một nửa tốc độ cũ. Không thể tồn tại thời gian thực sự để con người có thể đo lường được mọi thứ xảy ra. Thời gian là thước đo hoạt động con người. Nếu toàn bộ đồng hồ trên thế giới bị chậm lại một nửa, bản thân thời gian cũng bị chậm lại một nửa. Nói cách khác, thời gian của Newton là tuyệt đối, còn thời gian của Einstein là tương đối.
Khi thức giấc vào buổi sáng, mọi việc có vẻ như bình thường. Chúng ta không cảm thấy tất cả đều bị chậm lại, bởi vì cách duy nhất để đoán định cái gì đang chậm lại là so sánh chúng với một cái gì đó nhanh hơn. Có thể suy ra là, mọi vật đều chuyển động cùng một tốc độ tương ứng với nhau. Hai ý tưởng này có ý nghĩa thực tiễn nào không với chúng ta? Trước hết, theo cách nhìn nhận thời gian của chúng ta, thì hoặc ta làm chủ thời gian, hoặc là nô lệ nó. Theo quan điểm của Newton, chúng ta trở thành nô lệ của thời gian, vì "thời gian không chờ đợi ai"; như thế, ta cảm thấy cần phải gấp rút sắp xếp hoạt động của mình đến từng giây đồng hồ. Liệu cách nhìn thời gian của Einstein sẽ hỗ trợ cho chúng ta nhiều hơn chăng?
Theo Einstein, thời gian lệ thuộc vào tốc độ thay đổi. Vậy, cái gì trong ta đang thay đổi, mà nó sẽ chi phối tốc độ nhanh hay chậm của thời gian? Đó chính là suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta làm chậm suy nghĩ, thời gian sẽ được nới rộng ra. Nếu ta tăng tốc, thời gian sẽ thu ngắn lại. Không phải chúng ta làm chậm suy nghĩ của mình như thể làm chậm một đĩa nhạc. Đơn giản là ta để nhiều "khoảng trống" giữa mỗi suy nghĩ, thậm chí giữa mỗi lời nói. Từ từ, ta không chỉ nhận thức về suy nghĩ của mình mà còn nhận thức cả những "khoảng trống" ấy nữa. Nhận thức những "khoảng trống bình an" giữa mỗi suy nghĩ dẫn ta đến thực tại, tạo cho ta cảm giác luôn có chỗ để xoay xở, thời gian như được kéo dài thêm.
Lần đầu tiếp nhận cái mới, ví dụ như một công thức nấu ăn, ta đọc rất kỹ hướng dẫn. Sau đó, chỉ nghĩ về công thức ấy, ta bắt đầu tiến hành công việc, rồi quay trở lại xem sách nấu ăn sau khi hoàn tất. Trình tự này giúp ta làm đúng mọi thao tác và đạt được kết quả tốt nhất. Hãy tự thu xếp cho mình thời gian và những khoảng trống cần thiết để công việc nào cũng đạt được hiệu quả mong đợi.
Bây giờ, hãy so sánh ví dụ trên với tình huống mà những người dẫn đường (chính là ẩn dụ cho những ý nghĩ) đã nối theo nhau thật nhanh, đến nỗi ta gần như không kịp hành động theo một ý nghĩ này trước khi một ý nghĩ khác ập tới. Kết quả là, khi đang làm một việc gì đó, tâm trí ta lại thôi thúc ta hãy nhanh nhanh chuyển sang công việc tiếp theo. Và ta cảm thấy căng thẳng. Rõ ràng ta không đủ thời gian để thực hiện mọi thứ thật hoàn hảo. Rồi ta nhận ra chẳng có việc gì xong cả. Thay vì hài lòng, ta chỉ thấy nặng nề và lo âu. Nếu như tốc độ suy nghĩ khớp với tốc độ làm việc, ta sẽ không cảm thấy sức ép nào, và có đủ thời gian để chu tất mọi kế hoạch. Phải chăng như vậy chúng ta đã tự sáng tạo ra thời gian của mình?
Thực hành làm chủ hành động và ứng xử của mình, bạn sẽ tiến bộ thấy rõ. Những vận động viên vĩ đại đều tự làm chủ được tâm trí mình khi tập luyện. Như Bjorn Borg - một vận động viên quần vợt nổi tiếng - chẳng hạn. Cái ý thức bên trong ra lệnh cho cơ thể anh ta chính xác và rõ ràng đến nỗi mỗi cú đưa vợt của anh ta đều hiệu quả và nhẹ nhàng. Không một nỗ lực nào bị hoài phí.
"Khoảng trống" giữa mỗi suy nghĩ cho phép chúng ta đổi hướng dễ dàng và nhanh chóng. Khi nhiều ý nghĩ cùng đuổi theo nhau, chúng giống như một chiếc xe thu hết năng lượng để lao đi với vận tốc kinh hồn. Chỉ cần bất ngờ rẽ trái, ta phải đạp thắng gấp, gây hoảng loạn cho những người ngồi trên xe và cả bản thân mình. Rất có thể ta phải đi quá đoạn đường cần rẽ, rồi mất thêm thời gian, công sức để chạy vòng lại và đi đúng đường. Tương tự như thế khi sự quá đà diễn ra trong tâm trí, ta vội vã dừng lại và hoang mang chao đảo, làm người thân và bạn bè bất an theo. Khoảng trống giữa các ý nghĩ giống như thời gian ta tạm dừng ở một sân ga nào đó. Hãy dừng lại, hết sức nhẹ nhàng và đơn giản chọn lấy một con đường không gây phiền hà cho ai.
Nghĩ chậm lại, và cho mình thêm thời gian, điều đó chỉ mang đến ích lợi mà thôi. Nhưng trên hết, phương thức nghĩ chậm giúp ta đến gần ý thức tâm hồn dễ dàng hơn. Trong khoảng trống giữa những suy nghĩ, chúng ta tận hưởng cảm giác tuyệt vời của bình an và mãn nguyện, những phẩm chất tự nhiên của tâm hồn.
Hẳn nhiên, thời gian theo quan điểm Newton là khoảng thời gian chi phối thế giới vật chất quanh ta. Không có hệ tham chiếu cố định này, mọi sự trở nên hỗn loạn. Nhưng qua "khung cửa" của Einstein, chúng ta vượt thoát khỏi thế giới vật chất và bay vào khoảng không bao la vô thời gian - thế giới của tâm hồn. Nơi đây không bị chi phối bởi thời gian, không vận động, chỉ có sự thanh tịnh vĩnh cửu. Trú ngụ trong ngôi nhà tinh thần của mình, ta có thể học cách suy nghĩ chậm lại đến mức ngưng đọng mọi ý nghĩ; khi đó, trong trạng thái tĩnh lặng, tĩnh tại và mãn nguyện, chúng ta bắt đầu hành trình khám phá vẻ đẹp vĩnh cửu.
Thực hành thiền định
Luyện tập thói quen nhắc mình: "Quá khứ chỉ là quá khứ". Tiếp tục hướng về phía trước. Nếu gặp trắc trở, đừng mang cảm giác tội lỗi. Hãy nghĩ cách chiến thắng nghịch cảnh. Hướng dòng năng lượng từ những suy nghĩ tội lỗi hoặc hối tiếc sang cho những suy nghĩ tích cực và ý chí mạnh mẽ. Tâm hồn sẽ lên tiếng: "Vâng, tôi đang nỗ lực thay đổi đời mình".
LỜI DẪN THIỀN
Tôi trải nghiệm mình như một thực thể không mang hình hài...
một điểm sáng bình an và mạnh mẽ trong một thế giới tràn ngập ánh sáng...
Tôi cảm thấy mọi thứ đều bất động...
vô tận... Không có gì chuyển động...
chỉ còn cảm giác mãn nguyện sâu sắc...
Tâm hồn không mong cầu thêm điều gì...
Tôi ở cùng Tâm hồn Thánh thiện trong ngôi nhà tĩnh lặng...
Tôi tắm mình trong Biển cả Bình an...
Tôi ở bên suối nguồn đức hạnh bất tận này và đổ tràn nguồn ấy vào bản thân tôi...
Tôi đang tràn đầy ánh sáng và bình an...
lan tỏa những phẩm chất thánh thiện của Tâm hồn Thánh thiện vào thế giới này...