Thiền định thiết thực
Cho sự bình an, tình yêu và hạnh phúc đích thực trong cuộc sống
C
on người muốn đạt được nhiều điều khác nhau từ việc thiền định. Người thì muốn tìm đến bình an, người thì muốn có sự tự chủ, người lại hy vọng nâng cao sức mạnh nội tâm, và số khác lại mong muốn tĩnh lặng. Nhưng, trên tất cả các lý do cụ thể ấy, con người đều muốn có được Bình an, hay là Bình an Tâm trí. Thoạt nhìn có vẻ như không có gì khác biệt giữa hai khái niệm trên, nhưng xét về bản chất, chúng ta biết rằng chúng rất khác nhau. Trong khi Bình an chỉ đơn giản là sự trải nghiệm, thì Bình an Tâm trí lại là một lối sống.
Đôi khi, tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác bình an trong một khoảnh khắc nào đó, dù khoảnh khắc ấy trôi qua rất nhanh. Trải nghiệm cảm giác bình an là điều đơn giản đối với con người. Bình an là cái gì đó dễ dàng đạt được trong suốt quá trình thiền định, bởi lẽ Bình an chính là điều mà Thiền định cốt mang đến cho chúng ta. Tuy nhiên, vươn tới Bình an Tâm trí lại là sự trú ngụ vĩnh viễn trong bình an.
Trong cuộc sống hằng ngày, ta cần tự chủ đến mức có thể đạt được bất kỳ trải nghiệm nào ta muốn có và vào bất kỳ thời điểm nào. Nhưng để đạt tới Bình an Tâm trí, ta cần một cái gì đó nhiều hơn là các nguyên tắc thiền định. Giữa cuộc tranh cãi với người bán hàng vì số tiền thừa trả lại, ta không thể tự ngồi xuống và dành năm phút để lắng đọng vào nơi sâu kín lòng mình, để lấy lại chút bình an nội tâm vừa mới bị đánh mất sao? Trải nghiệm bình an có được trước hết là nhờ thiền định, một hình thức luyện tập mà ta cần trong cuộc sống thực tế, nhất là những khi ta không thể bình an. Nếu như ta không thể đưa được lợi ích của thiền định vào cuộc sống của mình, liệu nó có thực sự giúp ích được cho ta không?
Vậy nên, trọng tâm của các bài tập thiền sẽ gồm hai phần:
- Một là, hướng dẫn phương pháp thiền hiệu quả và đơn giản - thiền Raja Yoga; trò chuyện và chia sẻ các ý tưởng: bằng cách nào có thể đào sâu thêm những trải nghiệm đã đạt được.
- Hai là, tìm ra nguyên nhân đằng sau mọi căng thẳng và nặng nề trong cuộc sống của bạn, và bằng sự hiểu biết, bạn sẽ bắt đầu thay đổi những nguyên nhân gốc rễ ấy, sử dụng sức mạnh đạt được qua thiền định. Các bài tập cũng giúp phân định rõ ràng cách chuyển hóa cảm giác bình an thành hành động trong trạng thái bình an, để cuối cùng từ sự Bình an đơn giản, bạn sẽ tới được Bình an Tâm trí.
Thiền định là gì?
Thiền định là một quá trình nhận biết sâu sắc hơn về bản thân : Tôi là ai? Và tôi phản ứng như thế nào với "thế giới bên ngoài"? Điều quan trọng hơn cả nằm ở chỗ: thiền định chính là "niềm vui khám phá bản thân" theo đúng nghĩa của từ này. Nhờ thiền định, ta khám phá ra một "con người" mới mẻ, khác hoàn toàn với "con người" luôn căng thẳng lo âu mà bấy lâu ta vẫn xem đó chính là con người thật của mình. Thiền định giúp ta nhận ra rằng bản chất thật sự của ta, "con người đích thực", thật sự vô cùng tích cực và tốt đẹp. Và khi ấy, ta tìm thấy cả một đại dương an lạc hiển hiện trong mỗi bước đi.
Một câu chuyện rất hay của Ấn Độ kể về một vị hoàng hậu đánh rơi một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai quý giá. Buồn tiếc vô hạn, hoàng hậu tìm kiếm nó khắp nơi; và đúng vào lúc sắp sửa từ bỏ mọi hy vọng, nàng bỗng dừng lại và nhận ra chiếc vòng đang nằm ngay trên cổ mình. Và bình an cũng giống như vậy. Nếu ta cứ mãi tìm kiếm nó ở bên ngoài ta hoặc ở người khác, ta sẽ luôn luôn thất vọng. Nhưng nếu ta biết tìm kiếm bình an ở đâu và ra sao trong chính con người mình, ta sẽ thấy rõ: bình an vẫn luôn ở ngay trong ta.
Từ "Thiền định" được dùng để diễn tả khả năng kiểm soát tâm trí để đem lại lợi ích khác với sự trầm tư và suy tưởng để tụng niệm hoặc cầu nguyện. Bản thân từ "thiền định" bắt nguồn từ chữ Latin "mederi", nghĩa là "chữa lành".
Thiền định có thể được nhìn nhận như một quá trình "chữa lành" - một cách chữa lành cảm xúc lẫn tinh thần, và ở một góc độ nào đó, cho cả thể chất. Định nghĩa đơn giản nhất về Thiền định là: sử dụng đúng sức mạnh của tâm trí và suy nghĩ tích cực. Phương pháp thiền này không hề loại bỏ suy nghĩ, ngưng suy nghĩ, mà sử dụng chúng một cách đúng đắn. Hầu hết mọi hình thức thiền định đều bao hàm hai phương pháp thực tập chính sau:
Tập trung sự chú ý, thường người ta hay lấy một bông hoa hoặc một ngọn nến làm tiêu điểm;
Nhắc đi nhắc lại một câu khẩu niệm nào đó.
"Mantra" - câu khẩu niệm nghĩa là một nhóm từ, một từ hoặc một âm thanh có tính chất thiêng liêng được nhắc lại nhiều lần, theo kiểu nói nhỏ, nói thầm hoặc chỉ hiện ra trong ý nghĩ. Về mặt từ nguyên, "man" nghĩa là "tâm trí", và "tra" nghĩa là "giải thoát". Vì vậy, "mantra" có thể hiểu như một cái gì đó nhằm "giải thoát tâm trí". Thiền Raja Yoga cũng cần đến sự tập trung, nhưng không hướng vào một đối tượng cụ thể hữu hình nào. Đối tượng tập trung chính là "nội tâm" của ta. Khi tập thiền, ta vẫn có thể mở mắt một cách tự nhiên, thoải mái và nhẹ nhàng nhìn hướng vào một điểm phía trước mặt. Thay vì thì thầm câu khẩu niệm, chúng ta hãy sử dụng tâm trí của mình theo một cách tự nhiên, đừng cố chặn đứng dòng suy nghĩ của mình lại. Chính dòng chảy suy nghĩ tích cực ấy được hình thành từ sự hiểu biết sâu sắc bản thân mình. Nó là chiếc chìa khóa để mở ra một kho báu vô tận là những trải nghiệm bình an có sẵn ngay bên trong ta.
Thực hành thiền định
Ngồi trong một tư thế thoải mái, lưng thẳng. Bạn cũng có thể ngồi theo cách khác: khoanh chân trên một tấm nệm nhỏ đặt ngay trên sàn nhà. Hoặc giản tiện hơn, bạn cứ ngồi trên một chiếc ghế. Chọn nơi yên tĩnh để mọi tiếng ồn và hình ảnh bên ngoài không khuấy động được bạn. Sau đó, hãy bật một bài nhạc không lời êm dịu. Trên nền nhạc ấy, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn trong một không gian thanh thoát, nhẹ nhàng. Đặt cuốn sách này trước mặt, đọc thầm những lời sau đây một cách chậm rãi. Hãy trải nghiệm và mường tượng theo những lời dẫn này trong tâm trí, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc những điều đang được mô tả...
LỜI DẪN THIỀN
Tôi hình dung rằng không có gì tồn tại bên ngoài căn phòng này...
Tôi cảm thấy tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài và tự do khám phá nội tâm mình...
Tôi hướng sự chú ý vào bên trong, tập trung năng lượng suy nghĩ của mình vào chính giữa trán...
Tôi cảm thấy mình đang tách biệt dần với cơ thể cũng như với sự vật xung quanh...
Tôi nhận rõ sự tĩnh lặng xung quanh tôi và trong chính tôi...
Một cảm giác bình an bắt đầu lan tỏa khắp tôi... Làn sóng bình an ấy nhẹ nhàng quấn lấy tôi, gột sạch những âu lo và nặng nề ra khỏi tâm trí...
Tôi tập trung cảm nhận niềm bình an sâu sắc... Chỉ có bình an thôi...
Tôi... đang... bình an...
Bình an là trạng thái thật sự của tôi...
Tâm trí tôi trở nên tĩnh lặng và rõ ràng...
Tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng... khi được quay trở về trạng thái bình an vốn có của mình...
Tôi ngồi trong tĩnh lặng một lúc để tận hưởng cảm giác êm dịu và an lành này...
Hãy luyện tập theo cách lặp lại những lời trên, hoặc tự nghĩ ra những ý nghĩ tương tự như thế cho riêng mình, thực hành khoảng 10 phút, ít nhất là hai lần một ngày. Khoảng thời gian tốt nhất để thực hành bài tập thiền này là vào buổi sáng sau khi đã tắm rửa xong, trước lúc bạn bắt đầu công việc bận rộn một ngày mới. Buổi chiều tối cũng là thời gian luyện tập lý tưởng, khi mọi lo toan náo động trong một ngày đã kết thúc. Suốt cả ngày, trong mọi hành động, bạn hãy luôn tự nhủ: "Bình an là bản chất thật sự của tôi".
Khi thực hành phương pháp thiền định này, những suy nghĩ tích cực và bình an như thế sẽ lớn lên trong tâm trí bạn ngày một dễ dàng hơn, và Bình an Tâm trí sẽ được bồi đắp tự nhiên theo thời gian.