N
gồi xuống và trải nghiệm bình an chỉ là một việc; song, ứng dụng thiền định để thay đổi cuộc đời mình lại là một chuyện hoàn toàn khác. Có khoảng cách rất lớn giữa ý muốn và hành động, và thực tế là đôi khi chúng ta buộc phải biện hộ cho mình: "Tôi không muốn làm điều đó, nhưng...", hoặc "Xin lỗi, tôi không có ý nói như thế". Để hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình, ta không chỉ biết mà còn phải hiểu rõ quá trình biến chuyển từ ý muốn đến hành động.
Chẳng hạn như, một lô vật liệu thô chuyển tới một nhà máy sản xuất ô tô: lá thép, ốc vít, dây điện, nước sơn, v.v. Những nguyên liệu thô này giống như những kinh nghiệm sống và ý muốn hành động của chúng ta. Suốt trong quá trình ở nơi sản xuất, các nguyên liệu được xử lý để cuối cùng tạo thành những chiếc xe ô tô. Giờ đây, ta hình dung rằng sẽ có một lỗi nào đó trong dây chuyền sản xuất. Trước mỗi sản phẩm bị hỏng, ta sẽ lần lượt sửa chữa từng chiếc một; nhưng việc này sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Thở dài chán nản, ta tự hỏi phải chăng người ta xây dựng cái nhà máy kia chắc là chỉ để tạo ra những chiếc xe hỏng bét.
Cũng tương tự như thế, thay đổi hành động bên ngoài không bao giờ dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc cuộc sống chúng ta. Sau một thời gian thay đổi những cái bên ngoài ấy, mọi việc lại đâu vào đấy, và chúng ta lại tiếp tục đối mặt với những hành động sai lầm từ "dây chuyền sản xuất", và rồi chúng ta lại vật vã sửa chữa, như một thứ lao động cực nhọc mà chẳng được tưởng thưởng xứng đáng. Thay vì như thế, bạn hãy nhìn lại những kinh nghiệm sống bề bộn của mình, và làm quen dần với "quá trình sản xuất" ra những khát khao và hành động của bạn. Một người kỹ sư chỉ biết chung chung những gì diễn ra ở xưởng máy thì không thể gọi là đủ. Để sửa chữa lỗi sản xuất, anh ta phải nắm rõ những công việc cụ thể đang được tiến hành như thế nào. Càng hiểu rõ máy móc nhiều bao nhiêu, anh ta càng dễ sửa chữa lỗi của sản phẩm bấy nhiêu. Cũng như thế, chúng ta càng hiểu biết chắc chắn công việc của mình, chúng ta càng dễ dàng giới hạn những hành động sai lầm của mình lại. Qua thiền định, ta kiểm tra lại những "nguyên liệu ban đầu", kiên quyết chọn lấy những thứ chất lượng tốt nhất và không bao giờ để nguồn nguyên liệu tốt ấy cạn kiệt nửa chừng.
Vậy, "quá trình sản xuất" ở đây là gì? Cái có mặt trước tiên giữa ý muốn và hành động chính là suy nghĩ. Suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí. Thiền Raja Yoga không quan niệm tâm trí là một tồn tại vật chất, nó được hiểu là một bộ phận của tâm hồn, và như thế, tâm trí cũng là phi vật chất. Nhờ vào tâm trí, chúng ta có thể tưởng tượng, suy nghĩ và hình thành các ý tưởng. Quá trình suy nghĩ này là nền tảng cho toàn bộ cảm xúc, mong ước và cảm giác của chúng ta. Nhờ có tâm trí, ta có thể làm sống lại những trải nghiệm quá khứ, tạo ra hạnh phúc hoặc khổ đau, và trở nên tự do giữa cuộc đời thực tại.
Khi nảy ra ý nghĩ: "Tôi muốn có một tách trà" thì hành động tiếp theo của chúng ta sẽ được thực hiện một cách tự nhiên. Song, có phải suy nghĩ sinh ra chỉ để nối kết ý muốn và hành động không? Sao lại có lời khuyên: "Nghĩ rồi hẵng nói"? Phải chăng, suy nghĩ đến trước khi chúng ta mở lời, hay là không có cái nào đến trước? Vậy, câu nói này ở đây nghĩa là gì? Dường như có hai khía cạnh của suy nghĩ. Khía cạnh thứ nhất là suy nghĩ. Khía cạnh thứ hai là nhận thức và hiểu biết về suy nghĩ ấy. Cần phải có trí tuệ sáng suốt mới hiểu được suy nghĩ. Thông qua bộ phận thứ hai của tâm hồn - chính là trí tuệ - chúng ta có thể ước định giá trị cho những gì hiện ra trong tâm trí mình. Câu tục ngữ "Nghĩ rồi hẵng nói" nhằm chỉ ra tầm quan trọng của sự vận dụng trí tuệ, qua đó chúng ta liệu xem suy nghĩ của mình có đáng để chuyển thành lời nói hay hành động được không. Bên cạnh đó, trí tuệ còn có nhiều chức năng khác nữa như: lý giải, nhận thức, cân nhắc, phán đoán, và thực hành sức mạnh ý chí.
Trí tuệ là phần tối quan trọng; bằng trí tuệ, chúng ta mới tập cho mình làm chủ được tâm trí và bản thân chúng ta. Mục đích của thiền định là trau dồi sức mạnh cho trí tuệ, nhờ đó ta trở nên nhạy bén và sâu sắc, có nhiều khả năng hơn trong việc giải quyết những khó khăn trong đời. Ta nhận ra trí tuệ vì hiệu quả của nó. Chẳng hạn như, một người giải thích với chúng ta một việc gì đó và ta không thể hiểu được. Dù anh ta cố gắng nói bằng ba bốn cách, ta vẫn chưa hiểu ra. Cuối cùng, đến lần thứ năm, ta bỗng như người bừng tỉnh, thấy trong đầu lóe lên một tia sáng; đó chính là lúc ta nhận thức được người bạn mình muốn nói gì. Hoạt động trí tuệ đã làm nên nhận thức đó.
Một ví dụ khác: bạn phải làm gì, lên kế hoạch hành động thế nào khi có đến hai hoặc ba chọn lựa khác nhau cùng một lúc? Bạn phải cân nhắc lợi và hại của từng chọn lựa để tự mình tìm ra một phương án phù hợp nhất. Giống như tâm trí, trí tuệ cũng tinh tế, phi vật chất, thuộc về tâm hồn chứ không nằm nơi thể xác.
Bộ phận thứ ba của tâm hồn bao gồm mọi ấn tượng để lại trong tâm hồn từ những hành động đã qua. Đó chính là tâm ấn - sanskara. Những thói quen, xu hướng cảm xúc, tính khí, đặc điểm nhân cách..., tất cả đều được tâm ấn ghi dấu lại trong tâm hồn thông qua mỗi hành động đã thể hiện trước đó. Phương thức tâm ấn tạo ra một nhân cách giống như phương thức người ta dựng nên một bộ phim truyện từ những tình tiết riêng lẻ có liên quan với nhau. Mỗi hành động đều được ghi lại, dù đó là một khoảnh khắc hành động, một lời nói hay thậm chí một ý nghĩ. Chính chúng ta đã tự ghi lại dấu vết mình vào bộ phim cuộc đời, vào tâm hồn chúng ta. Mọi suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí đều xuất phát từ tâm ấn. Chính tâm ấn đã quyết định nên nhân cách - đặc trưng có tính chất nền tảng nhất của mỗi một tâm hồn riêng biệt, nét độc đáo của mỗi tâm hồn.
Tâm trí, trí tuệ và tâm ấn vận hành phối hợp cùng nhau thành một vòng tròn khép kín quy định mọi hành động, ý nghĩ, thậm chí trạng thái của mỗi chúng ta. Trước tiên, tâm trí tạo ra suy nghĩ và các luận chứng để trí tuệ có thể phán đoán, suy xét. Sau quá trình này, chúng ta biết mình có nên hành động hay không. Dù cho hành động ấy có được thực hiện hay không thì vẫn được ghi lại trong tâm ấn, để lần sau, nó sẽ là bằng chứng trong tâm trí chúng ta.
Lấy ví dụ việc tạo thành một thói quen như hút thuốc chẳng hạn. Lần đầu tiên chúng ta được mời hút một điếu thuốc. Ngay khi đó, có nhiều suy nghĩ trái ngược nhau nảy ra trong tâm trí: "Hút thuốc chẳng tốt cho sức khỏe tí nào", "Không biết vị của nó ra sao nhỉ?", "Nhưng hút thử thì dễ bị nghiện lắm", "Có ai không hút thuốc không nhỉ?", v.v... Dựa trên những suy nghĩ này, trí tuệ bắt đầu quyết định. Đặt trường hợp trí tuệ đưa ra quyết định cho phép hút thử. Vậy là một tâm ấn đã được hình thành. Một ngày nào đó, bạn lại được mời một điếu thuốc, và hành động hút thuốc lần trước trở thành bằng chứng trong tâm trí, như một ký ức "Trước đây ta hút một lần rồi". Nếu chúng ta lại quyết định hút thêm lần nữa tức là làm hằn sâu thêm vào tâm ấn thói quen cũ, giống y như khi ta cố khắc sâu vào một mảnh gỗ. Cuối cùng cái thói quen thôi thúc ta "Hút đi, Hút đi" trở nên mạnh mẽ đến nỗi ta không có cách nào cưỡng lại được nữa. Trí tuệ sẽ trở nên yếu đuối vô cùng, thậm chí dường như nó đã chết rồi. Nó không thể lựa chọn hay suy xét được nữa. Một suy nghĩ mạnh mẽ trong tâm trí: "Cho tôi một điếu thuốc!" và tiếp theo là cứ tự nhiên mà hút. Chúng ta không thể tự chủ được nữa, những hành động quá khứ nằm trong tâm ấn đang điều khiển toàn bộ hiện tại của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dùng chính tiến trình ấy để tạo ra những tâm ấn bình an và tích cực. Khi ta ngồi thiền, ta trải nghiệm mình như một tâm hồn bình an. Chính trải nghiệm ấy cũng tạo nên một tâm ấn. Đến một lúc nào đó, khi sắp sửa nổi giận, theo thói quen, tâm trí ta sẽ gửi đi một thông điệp ngược lại: "Tôi là một tâm hồn bình an". Theo đó, trí tuệ sẽ bắt đầu suy xét tình huống. Nếu trí tuệ đạt được sức mạnh ý chí thông qua thiền định, nó sẽ hành động dễ dàng hơn dựa trên tâm ấn bình an, trong thế đối ngược lại với những tâm ấn tiêu cực. Trí tuệ điều khiển cả tâm trí và hành động của chúng ta. Chính Ta - tâm hồn làm chủ hiện tại. Chính Ta - tâm hồn không còn làm nô lệ cho quá khứ. Dần dần, chúng ta sẽ đạt tới một trạng thái mà mọi hành động đều được những suy nghĩ tốt đẹp nâng đỡ - những suy nghĩ chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đạt tới hạnh phúc và mãn nguyện suốt đời.
Thực hành thiền định
Hãy chọn một khía cạnh của bản thân mà bạn muốn mình thay đổi. Trong một ngày, bạn cố gắng tạo ra một hoặc hai ý nghĩ thật tích cực để có thể thay đổi những thói quen hoặc cá tính không hay của mình. Hãy thực hành theo cách trên bằng tất cả sự nỗ lực và nhiệt tâm mà bạn có. Như vậy, bạn sẽ tạo được một "tâm ấn" vô cùng mạnh mẽ. Khi suy nghĩ tích cực ấy đi sâu vào tâm trí bạn một lần nữa, nó sẽ mang theo những trải nghiệm nhiệt thành, để rồi sau đó, nó sẽ giúp bạn chuyển từ ý định thành hành động vào đúng thời điểm thích hợp. Ví dụ như khi muốn từ bỏ thói quen chỉ trích người khác, bạn hãy nuôi dưỡng ý nghĩ tích cực sau đây trong suốt cả ngày: "Tôi nhìn thấy người khác như những tâm hồn bình an. Thay vì chỉ trích điểm yếu của họ, tôi chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp nơi họ" hoặc "Tôi phải sửa lỗi mình trước khi phê phán người khác".