V
ì sao suy nghĩ "Tôi là một tâm hồn bình an" lại tốt hơn suy nghĩ "Tôi là một thân xác"? Trong bài học trước, chúng ta đã đề cập đến vấn đề này, rằng chính suy nghĩ ấy giúp ta tách rời khỏi phần vai chúng ta diễn. Ở đây, ta cần hiểu rõ ý nghĩa của từ "tách rời". Tách rời không có nghĩa là xa cách, hướng nội đến mức cách biệt hoàn toàn hay cắt đứt mọi quan hệ giao tiếp. Nó cũng không có nghĩa là nhìn cuộc sống một cách hời hợt, lơ đãng. Ý nghĩa thật sự của "tách rời" là chỉ cần đơn giản ý thức mình là một diễn viên; qua đó, ta hoàn thành tốt phần vai của mình với tất cả nhiệt thành và yêu thương, nhưng ta không để cho những kỳ vọng, gánh nặng và lo âu từ hoàn cảnh bên ngoài và từ người khác có thể tác động đến sự hiểu biết về bản thân ta, rằng ta là một thực thể bình an. Thật ra, có một từ thường được dùng nhất đi cùng với "tách rời" là "yêu thương". Khi nhận thức mình là một tâm hồn, ta trải nghiệm bản chất tự nhiên trong ta để qua đó, ta cảm nhận được rằng tách rời không hề đi cùng với thái độ chán nản hay thờ ơ, mà là bình an, yêu thương và hạnh phúc.
Ý thức tâm hồn giúp ta sống tích cực với bản thân mình và người khác như thế nào? Ta thường có thói quen so sánh mình với mọi người dựa trên tài năng và lỗi lầm của họ. Đôi khi điều này có thể dẫn đến cảm giác thất vọng, tự đay nghiến mình và mang thêm nhiều cảm giác tối tăm khác. Nhờ trải nghiệm ý thức tâm hồn, ta thấy rõ giá trị của chính mình và thôi không còn so sánh mình với những người xung quanh. Khi cố gắng trải nghiệm bản chất tốt đẹp thực sự của mình, ta sẽ vượt qua mọi nỗi giày vò. Và như vậy, điều ta đạt được chẳng phải là gì lớn lao, mà là sự quân bình và lòng tự tin, thay thế nỗi nghi ngờ bằng niềm tin sâu sắc về bản thân mình.
Nếu bạn nhận thức mình là một tâm hồn bình an, hãy hiểu rằng người khác cũng như thế. Với nhận thức ấy, ta có thể kết nối với họ trong mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng, với một cái nhìn như là anh chị em của nhau. Đôi lúc cuộc sống lại diễn ra trái ngược với điều này. Ai đó nổi giận với ta, và ta cảm thấy hoảng sợ nên phản ứng lại một cách gay gắt. Sau đó, cuộc tranh luận có nguy cơ nóng dần lên. Đây chính là một sự phản ứng dựa trên "ý thức về cơ thể". Thay vì nhìn thấy người khác như là một tâm hồn bình an đang đóng vai của họ, ta lại chỉ thấy phần vai của họ và nghĩ rằng đó chính là bản chất thật sự của họ.
Thay vào đó, nếu ta xem người khác cũng là một tâm hồn, ta sẽ phản ứng khác hơn trước cơn nóng giận của họ. Vì ta biết rằng cơn giận ấy chỉ là nhất thời và không phải là bản chất thật sự của họ. Thay cho việc đáp trả một cách tức tối hoặc luôn phòng thủ, chúng ta hãy thoát khỏi sự cố này, thậm chí bỏ qua mọi việc. Một cách hết sức tự nhiên, hãy giữ mình điềm tĩnh để có thể giúp đỡ họ. Ta sẽ nhận ra rằng cơn giận xuất hiện chỉ để nói lên sự rối loạn trong bản thân họ. Thái độ nhìn nhận tích cực như vậy sẽ bảo vệ chúng ta; và từ giờ phút đó, ta không còn cảm giác chịu đựng sự khiêu khích. Hơn thế, phản ứng nhẹ nhàng và điềm tĩnh của ta sẽ làm lắng dịu tình huống căng thẳng.
Ý thức tâm hồn cũng hỗ trợ chúng ta giúp đỡ mọi người bằng nhiều cách khác nhau. Làm sao người ta có thể cho đi cái mà bản thân họ không có. Khi nhìn thấy những người bạn rơi vào nỗi buồn đau, điều bình thường ai trong chúng ta cũng làm được là tỏ ra thương cảm và xót xa. Có thể như thế sẽ làm người bạn cảm thấy yên lòng, nhưng việc làm này của chúng ta thật sự chẳng giúp ích gì được cả. Khi đối diện với nghịch cảnh, cái mà con người cần nhất là sức mạnh và sự sáng suốt. Tình huống khó khăn bao giờ cũng khiến tâm trí con người rối loạn và yếu đuối, làm cho họ khó có thể nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng. Nếu những ứng xử và gợi ý của ta không chỉ dừng lại ở sự cảm thông mà còn tràn ngập bình an, sức mạnh và thiết thực thì ta không chỉ mang đến cho họ sự an tâm mà còn tạo nên những giá trị tích cực hơn nhằm giúp họ giải quyết vấn đề. Một tâm trí mạnh mẽ và thông suốt là điều cần thiết hơn cả trong lúc này.
Ý thức tâm hồn cũng tạo điều kiện cho ta tự nhiên hơn khi giao tiếp với người khác. Sự hài hòa dễ dàng trong chúng ta sẽ giúp những người bạn đồng hành cùng ta cảm thấy thật thoải mái, vì họ không cảm thấy ta đòi hỏi ở họ điều gì cả. Với ý thức tâm hồn, chúng ta có khuynh hướng nhìn vào những điều tốt lành ở những người xung quanh, nhìn thấy không phải chỉ những ưu điểm bên ngoài mà còn những đức hạnh ẩn kín bên trong của họ. Rốt cuộc ta có thể giúp mọi người nhận ra được phần tốt đẹp và nét đặc biệt nhất của chính họ. Tình yêu thương và sự trân trọng sâu sắc đối với các tâm hồn khác sẽ nảy nở tự nhiên khi ta thấu hiểu mối liên hệ tinh thần mật thiết nối kết mọi người. Khi ấy, ta nhận ra rằng tất cả chúng ta như là những thành viên trong gia đình vĩ đại, cùng sống dưới mái nhà thế giới này.
Thực hành thiền định
Thiền định là quá trình nhận thức ra bản tính tự nhiên của bản thân. Nó không có gì khó. Cũng không phải là cái ta tự áp đặt cho mình. Ta không thể ép mình phải ngồi thiền. Trên thực tế, càng cố nhiều chừng nào, ta càng ít đạt được trải nghiệm thiền chừng nấy. Sự tập trung quá căng thẳng khiến người tập thiền bị đau đầu, và thay vì khỏe khoắn và thư giãn, ta chỉ nhận được sự nặng nề.
Bước đầu tiên chỉ đơn giản là thư giãn. Nhiều người cho rằng việc họ có thể thư giãn vào lúc nào họ muốn chính là một bước thành công. Trong thiền định, một khi ta trở nên thư giãn, những lo lắng và sợ hãi của cuộc sống hàng ngày sẽ được xua tan hết và tinh thần ta được tự do ngao du trong thế giới tinh tế hiền hòa. Thế giới của ta chính là sản phẩm sáng tạo của tâm trí ta. Đó là lý do tại sao cần đổ tràn vào tâm trí dòng chảy ý thức tâm hồn; nghĩ về bình an sẽ giúp ta có trải nghiệm được cảm giác bình an.
Càng thư giãn nhiều bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy tĩnh lặng, hài hòa bấy nhiêu; cho đến khi nào đạt tới trạng thái thiền định mạnh mẽ, chúng ta sẽ thật sự tận hưởng sự thanh tịnh trỗi dậy từ nội tâm. Khi bạn đã tiến bộ, thiền định không còn dừng lại ở mức độ thư giãn nữa. Mục tiêu chính của thiền không chỉ là sự thư giãn mà còn hơn thế nữa, nó giúp chúng ta trở thành một con người bình an, tràn ngập niềm bình an. Trải nghiệm bình an đạt được thông qua những giây phút thư giãn đơn giản ấy chỉ như là một giọt nước trong đại dương an lạc mênh mông, một cảm giác bình an bất tận đạt được qua thiền định sâu.
Hãy giữ cho suy nghĩ và chủ đề trải nghiệm của bạn thật đơn giản khi thực hành thiền định. Có lẽ chỉ cần hai hay ba chủ đề là đủ. Hãy nhắc lại các chủ điểm ấy một cách lặng lẽ từ tốn, hãy cho phép mình thảnh thơi khám phá cảm giác đằng sau chúng là gì. Chẳng hạn như: "Bình an giống như khi chìm vào một tấm đệm bằng lông mềm mại...", "Nhẹ nhàng giống như những đám mây bồng bềnh trôi...", "Tình yêu thương là ánh sáng vàng óng, ấm áp trong tâm trí tôi..."
Càng ngày, bạn càng bị thu hút nhiều hơn vào suy nghĩ và trải nghiệm như thế, dần dần bạn sẽ xua đi những ám ảnh và căng thẳng từ cuộc sống, cho đến khi nào bạn trở nên nhẹ nhõm và tự do.
Giờ đây, chúng ta đã trở nên ý thức tâm hồn, và nhận ra bản chất thật sự của mình rồi. Mỗi chúng ta đều mong muốn mang ý thức này vào cuộc sống hàng ngày để dù cho có bất kỳ trở ngại nào đến trước mặt, ta đều có thể giải quyết chúng một cách dễ dàng và hiệu quả.
LỜI DẪN THIỀN
Trong vài ngày tới, bạn chỉ nên chọn lấy hai, ba chủ đề hoặc cụm từ đơn giản, ví dụ "Tôi là một tâm hồn bình an", "Tôi là ánh sáng và tình yêu, tôi đang lan tỏa những cảm giác này đến mọi người và toàn thế giới", và "Tôi là một chấm sáng tinh tế có ý thức, tôi không phải là cơ thể hữu hình này". Hãy nhẹ nhàng lặp lại những suy nghĩ này, để chúng lắng sâu vào bên trong cho đến khi suy nghĩ trở thành cảm nghiệm. Khi đạt tới trạng thái này, sự căng thẳng giữa sự mong cầu hành động với cái mà ta đang thực hiện sẽ tan biến, và tâm hồn ta cảm thấy hài lòng, đầy đủ. Ngoài ra, hãy thực hành cách nhìn nhận người khác như một tâm hồn, một "diễn viên" đang diễn phần vai của mình.