Chức năng của công án chính là làm cho tâm trí bạn mệt mỏi đến mức bỏ cuộc. Nếu có câu trả lời, tâm trí sẽ tìm ra. Chẳng quan trọng là bạn thông minh hay không thông minh – không loại thông minh nào có thể tìm ra câu trả lời.
Thiền không phải một tôn giáo, không phải một tín điều, không phải một tín ngưỡng; Thiền thậm chí không phải một cuộc tìm kiếm, một cuộc điều tra; nó là phi triết học. Nền tảng tiếp cận của Thiền là tất cả đều đã đúng như nó phải thế, không thiếu gì hết. Trong chính khoảnh khắc này mọi thứ là hoàn hảo. Đích đến không ở đâu khác; nó là ở đây, nó là bây giờ. Ngày mai không tồn tại. Chính khoảnh khắc này là thực tại duy nhất. Cho nên, trong Thiền không có phân biệt giữa phương thức và mục tiêu, biện pháp và mục đích.
Mọi triết lí và tôn giáo trên thế giới đều tạo ra nhị nguyên; dù họ có thể tiếp tục nói về phi nhị nguyên thế nào đi nữa, họ vẫn tạo ra một nhân cách bị phân tách.
Đó là tai họa lớn nhất xảy đến cho nhân loại: Tất cả những người thích làm điều tốt cho người khác đã tạo ra chứng tâm thần phân liệt ở con người. Khi bạn phân chia thực tại thành biện pháp và mục tiêu, bạn phân chia cả nhân loại; bởi vì đối với con người, thực tại gần nhất là chính họ.
Ý thức của một cá nhân trở nên bị phân tách. Anh ta sống ở đây nhưng không hẳn; anh ta luôn luôn ở kia, nơi nào đó khác. Anh ta luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn truy vấn; không bao giờ sống, không bao giờ hiện hữu. Luôn luôn làm – trở nên giàu hơn, quyền lực hơn, tâm linh hơn, thiêng liêng hơn, thần thánh hơn – luôn luôn hơn và hơn nữa. Ham muốn thêm nữa không dứt này tạo ra căng thẳng, đau khổ; trong khi đó, anh ta đánh mất tất cả những gì mà hiện hữu tạo ra cho anh ta. Anh ta quan tâm đến cái xa xôi, tuy nhiên Thượng Đế lại ở ngay gần. Mắt anh ta tập trung vào những vì sao, nhưng Thượng Đế lại ở bên trong anh ta.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về cách bắt đầu của một trong những công án Thiền nổi tiếng nhất:
Đại phu Lục Hoàn từng đề nghị Thiền sư kì lạ Nam Tuyền giải thích cho ông công án con ngỗng ở trong chai.
“Giả sử một người bỏ con ngỗng con vào trong một cái chai,” Lục Hoàn nói, “và nuôi nó cho đến khi nó lớn hoàn toàn thì làm sao người đó lấy được con ngỗng ra mà không giết nó hoặc làm vỡ chai?”
Nam Tuyền vỗ tay thật lớn và hét: “Lục Hoàn!”
“Vâng, thưa thầy,” đại phu nói với sự ngỡ ngàng.
“Nhìn xem,” Nam Tuyền nói, “con ngỗng ở ngoài rồi!”
Mấu chốt chỉ là cách nhìn; mấu chốt chỉ là trở nên cảnh giác, tỉnh táo; mấu chốt chỉ là thức dậy. Con ngỗng ở trong chai nếu bạn ở trong mơ, con ngỗng không bao giờ ở trong chai nếu bạn thức. Và trong mơ không có cách nào lấy con ngỗng ra khỏi chai. Hoặc con ngỗng sẽ chết hoặc cái chai sẽ bị vỡ, và chọn một trong hai đều không được phép. Một con ngỗng lớn trong một cái chai nhỏ... Làm sao bạn lấy nó ra ngoài? Đây được gọi là một công án.
Công án không phải câu đố thông thường, nó không phải một câu đố bởi vì không thể giải đáp được nó. Một câu đố là thứ phải có khả năng giải đáp được, bạn chỉ phải tìm ra câu trả lời đúng. Bạn sẽ tìm ra nó – chỉ cần trí thông minh là có thể tìm ra câu trả lời cho câu đố, nhưng một câu đố thì không thể không có lời giải.
Công án không có lời giải; bạn không thể giải đáp được nó, bạn chỉ có thể hóa giải nó. Và con đường để hóa giải nó là thay đổi bình diện bản thể của bạn từ mơ sang tỉnh. Trong giấc mơ con ngỗng ở trong chai và không có cách nào mang nó ra khỏi chai mà không làm vỡ chai hoặc giết chết con ngỗng – trong giấc mơ. Cho nên, chừng nào còn là giấc mơ thì câu đố là bất khả thi; không thể làm gì được. Nhưng hãy nhớ rằng có một cách thoát ra mà không phải làm gì với câu đố. Bạn phải thức dậy. Chẳng phải làm gì với cái chai và cũng chẳng phải làm gì với con ngỗng. Bạn phải thức dậy. Có vài thứ phải làm với bạn. Đó là lí do Nam Tuyền không trả lời câu hỏi.
Lục Hoàn hỏi: “Giả sử một người bỏ con ngỗng con vào trong một cái chai và nuôi nó cho đến khi nó lớn hoàn toàn thì làm sao người đó lấy được con ngỗng ra mà không giết nó hoặc làm vỡ chai?”
Nam Tuyền không trả lời. Mặt khác, ông vỗ tay thật lớn và hét: “Lục Hoàn!”
Bây giờ, đây không phải câu trả lời cho câu hỏi – điều này hoàn toàn chẳng quan hệ gì đến câu hỏi – nó không liên quan, không tương thích. Nhưng nó giải đáp được câu đố; trên thực tế, nó hóa giải câu đố. Khoảnh khắc Nam Tuyền hét: “Lục Hoàn!”, vị đại phu ngỡ ngàng nói: “Vâng, thưa thầy.” Toàn bộ bình diện bản thể của ông được chuyển hóa bằng một chiến lược đơn giản.
Thiền sư không phải một nhà giáo; ông ấy không dạy bạn, ông ấy chỉ bày ra những phương thức đánh thức bạn dậy. Tiếng vỗ tay đó là một phương thức, tiếng vỗ tay đó mang Lục Hoàn vào trong hiện tại. Và nó quá bất ngờ... Khi bạn đang hỏi một công án tâm linh như thế, bạn không trông đợi bậc thầy trả lời bạn bằng một tiếng vỗ tay lớn rồi hét tên bạn.
Đột nhiên Lục Hoàn được mang ra khỏi quá khứ, ra khỏi tương lai. Đột nhiên trong một khoảnh khắc, ông quên luôn vấn đề. Cái chai ở đâu và con ngỗng ở đâu? Chỉ có bậc thầy, trong một dáng bộ lạ lùng, vỗ tay và hét tên Lục Hoàn. Đột nhiên vấn đề bị loại bỏ. Ông trượt ra khỏi vấn đề mà thậm chí không biết mình đã trượt ra khỏi nó. Ông trượt ra khỏi vấn đề như con rắn lột da. Trong tích tắc, thời gian ngừng lại. Trong tích tắc, đồng hồ ngừng chạy. Trong tích tắc, tâm trí dừng lại. Trong tích tắc, chẳng có gì hết. Bậc thầy, tiếng vỗ tay – và sự thức tỉnh đột ngột. Vào chính khoảnh khắc bậc thầy nói: “Nhìn đi! Nhìn xem đi, con ngỗng ở ngoài rồi!”, nó được hóa giải.
Công án chỉ có thể được hóa giải chứ không thể được giải đáp. Một câu đố không thể được hóa giải nhưng có thể được giải đáp. Cho nên hãy nhớ rằng công án không phải một câu đố.
Khi những người đã quen với suy nghĩ liên tục, quen với lập luận logic, bắt đầu nghiên cứu Thiền, họ đã bước sai ngay từ đầu. Không thể nghiên cứu Thiền; phải sống theo nó, hấp thụ nó – nó là sự truyền đạt vượt khỏi ngôn từ, sự truyền đạt của nguồn sáng. Nguồn sáng là vô hình.
Khi bạn bước vào thế giới của Thiền, đó là vô trí. Thiền tương đương với vô trí. Nó không phải là sự tự do của tâm trí, nó là sự tự do khỏi tâm trí, và có rất nhiều khác biệt, khác biệt không thể nhầm lẫn. Tâm trí không tự do, bạn tự do khỏi tâm trí. Tâm trí không còn nữa, dù tự do hay không tự do; tâm trí đơn giản là ngừng lại. Bạn đã đi qua một cánh cửa mới vốn luôn luôn sẵn có cho bạn nhưng bạn chưa bao giờ gõ cửa – cánh cửa của bản thể, cánh cửa của vĩnh hằng.
Thiền, chính từ thiền xuất phát từ từ tiếng Phạn là dhyana. Dhyana nghĩa là “suy ngẫm” nhưng từ “suy ngẫm” không truyền tải đầy đủ ý nghĩa của nó. “Suy ngẫm” cho cảm tưởng rằng tâm trí đang làm gì đó: Tâm trí trầm ngâm, tập trung, quán tưởng, nhưng tâm trí ở đó. Dhyana nghĩa là trạng thái không có tâm trí – trên thực tế, không tập trung, không quán tưởng, không trầm ngâm – chỉ im lặng, một sự im lặng sâu sắc, uyên thâm mà ở đó tất cả suy nghĩ tan biến.
Không có gợn sóng trên mặt hồ ý thức; ý thức đang vận hành giống như tấm gương phản chiếu tất cả mọi thứ hiện hữu – những vì sao, cây cối, chim muông, con người, tất cả mọi thứ hiện hữu – chỉ phản chiếu mà không bóp méo, không diễn dịch, không mang vào định kiến nào.
Tâm trí của bạn là như thế: định kiến của bạn, ý thức hệ của bạn, tín điều của bạn, thói quen của bạn. Tâm trí không bao giờ có thể tự do. Tự do và tâm trí không bao giờ gặp nhau. Tâm trí nghĩa là ràng buộc, tâm trí là nhà tù. Trong tâm trí, bạn sống một cuộc sống bị đóng gói, bị bao vây bởi tất cả các loại ý nghĩ, học thuyết, hệ thống, triết lí, lịch sử nhân loại, tất cả các kiểu mê tín – Hindu giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo. Tâm trí bạn được làm bằng những viên gạch Kinh Thánh, kinh Koran, kinh Gita... Bạn có thể đã làm nhà tù của mình khác nhà tù của người khác, bạn có thể đã chọn một kiến trúc sư khác, nhưng nhà tù thì vẫn là nhà tù.
Kiến trúc sư có thể là Sigmund Freud, Albert Einstein – bạn có thể chọn: Nhà tù với đủ mọi hình dạng, kích thước và việc trang trí nội thất tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể đem vào những bức tranh mĩ miều, bạn có thể trải thảm từ bức tường này qua bức tường kia, bạn có thể quét sơn theo những gì bạn thích và không thích. Bạn có thể có vài thay đổi ở đây và ở đó, một cửa sổ nằm bên trái hay bên phải, một tấm màn chất liệu này hay chất liệu kia. Nhưng nhà tù là nhà tù. Tâm trí giống như nhà tù và mọi người đang sống trong tù. Trừ khi bạn thoát ra khỏi nhà tù, còn không thì bạn sẽ không bao giờ biết tự do là gì. Nhà tù của bạn có thể ấm cúng, thoải mái, tiện nghi; nó có thể được trang trí đẹp, dát vàng, khảm kim cương, và sẽ khó để rời bỏ nó. Bạn đã làm việc đầy chăm chỉ để tạo ra nó, sẽ không dễ dàng. Nhưng nhà tù là nhà tù, làm từ vàng hay từ bùn cũng không tạo ra khác biệt gì. Bạn sẽ không bao giờ biết cái vô hạn của tự do, bạn sẽ không bao giờ biết vẻ đẹp và sự tráng lệ của tự do, sự tráng lệ của bạn sẽ chết trong chai. Bạn sẽ không bao giờ biết rằng con ngỗng luôn luôn ở ngoài.