Người ta đang dịch sách Thiền, người ta đang bình luận sách Thiền, nhưng tất cả bình luận và bài nói của họ về Thiền đều là trí năng. Họ tìm kiếm thứ gì đó tươi mới, nhưng mặc dù họ tìm thấy ở Thiền những tri kiến mới mẻ, cách tiếp cận của họ vẫn là của phương Tây, cách tiếp cận của trí óc. Cách tiếp cận của họ vẫn theo kiểu Socrates, Aristotle1. Họ là những người đẹp đẽ, nhưng Thiền của họ chỉ là một hiện tượng của tâm trí; họ chưa trải nghiệm nó. Nó không phải chân lí của chính họ, họ đã vay mượn nó từ những nguồn khác.
Giới trí thức phương Tây đã quen thuộc với Thiền, thậm chí đã rơi vào tình yêu với Thiền, nhưng họ vẫn đang cố gắng tiếp cận Thiền từ tâm trí. Họ vẫn chưa thấu hiểu rằng Thiền chẳng liên quan gì đến tâm trí. Công việc lớn lao của nó là đưa bạn ra ngoài nhà tù tâm trí. Nó không phải triết học trí tuệ. Nó hoàn toàn không phải một triết lí. Nó cũng không phải tôn giáo, bởi vì nó không hư cấu, không lừa dối, không an ủi. Nó là tiếng gầm của sư tử. Điều vĩ đại nhất Thiền đã mang vào trong thế giới là sự tự do khỏi chính mình.
1 Những triết gia Hy Lạp cổ đại, những bậc thầy về trí óc.
Tất cả các tôn giáo đã nói về việc vứt bỏ bản ngã của bạn. Nhưng nó là một hiện tượng kì quặc: Họ muốn bạn vứt bỏ bản ngã của mình, và bản ngã chỉ là cái bóng của Thượng Đế. Thượng Đế là bản ngã của vũ trụ, và bản ngã là cá tính của bạn. Giống như Thượng Đế là trung tâm của hiện hữu theo như các tôn giáo, bản ngã của bạn là trung tâm của tâm trí bạn, của cá tính bạn. Tất cả họ đều nói về vứt bỏ bản ngã, nhưng không thể vứt bỏ nó trừ khi vứt bỏ Thượng Đế. Bạn không thể vứt bỏ một cái bóng hay một phản chiếu trừ khi cái gốc bị phá hủy.
Cho nên các tôn giáo đã nói liên tục trong nhiều thế kỉ rằng bạn nên tống khứ bản ngã – nhưng họ đưa ra những lí do sai. Họ đã yêu cầu bạn vứt bỏ bản ngã của mình để bạn có thể đầu hàng trước Thượng Đế, đầu hàng trước tu sĩ, đầu hàng trước bất kì kiểu vô nghĩa nào, bất kì kiểu học thuyết, mê tín, hệ thống niềm tin nào.
Thiền vượt khỏi bản ngã và vượt khỏi cái tôi. Ngoại trừ Thiền, không tôn giáo nào đi tới điểm vượt khỏi cái tôi, vượt khỏi linh hồn bạn, vượt khỏi tính cá nhân của bạn. Thiền về bản chất là tự do khỏi chính mình. Bạn đã nghe về những tự do khác, nhưng tự do khỏi chính mình là tự do tối thượng – không tồn tại, và cho phép hiện hữu biểu hiện chính nó trong tất cả sự ngẫu hứng và cao quý. Nhưng đó là hiện hữu – không phải bạn, không phải tôi. Chính cuộc sống tự nó nhảy múa – không phải bạn, không phải tôi.
Chỉ có Thiền trong 25 thế kỉ qua đã tinh chế những phương thức và phương pháp làm cho bạn nhận thức rằng bạn không hiện hữu, bạn chỉ là ngẫu nhiên, chỉ là một ý niệm.
Khi bạn vượt khỏi tâm trí, ngay cả ý niệm “tôi” cũng biến mất. Khi “tôi” cũng tan biến và bạn bắt đầu cảm thấy sự gắn bó sâu sắc trong hiện hữu, không ranh giới, chỉ khi đó Thiền mới nở hoa trong bạn.
Trên thực tế, đó là trạng thái, không gian của ý thức đã thức tỉnh. Nhưng nó không có “tôi” ở trung tâm.
Tôi sẽ làm rõ cho bạn. Socrates nói: “Hãy biết chính mình.” Đức Phật nói: “Hãy biết – chỉ biết thôi, còn bạn sẽ không tìm thấy chính mình.” Bước vào trong nhận thức của bạn, và bạn càng đi sâu hơn, cái tôi của bạn càng tan chảy. Có lẽ đó là lí do tại sao không tôn giáo nào ngoài Thiền từng thực hiện thiền định – bởi vì việc thiền định sẽ phá hủy Thượng Đế, phá hủy bản ngã, phá hủy cái tôi. Nó sẽ để bạn lại trong cái không tuyệt đối. Chỉ có tâm trí khiến cho bạn sợ cái không. Tôi nhận được câu hỏi này hầu như mỗi ngày: “Tại sao chúng ta lại sợ cái không?” Bạn sợ bởi vì bạn không biết cái không. Bạn chỉ sợ bởi vì bạn hiểu một cách trí óc.
“Mấu chốt là gì? Nếu trong thiền định bạn phải biến mất, thì tốt hơn là cứ ở trong tâm trí.” Ít nhất thì bạn hiện hữu – có thể hão huyền, có thể chỉ là một ý niệm, nhưng ít nhất bạn hiện hữu. Sao phải làm toàn bộ những việc không cần nỗ lực này chỉ để tan biến vào cái không?
Tâm trí khiến bạn không sẵn sàng vượt khỏi ranh giới của nó, bởi vì vượt khỏi ranh giới của tâm trí bạn sẽ không tồn tại nữa. Đó sẽ là cái chết tối thượng.
Tâm trí sợ hãi, và nó dường như logic, hiển nhiên. Mấu chốt là gì? Tại sao một người nên làm cái điều mà trong đó anh ta biến mất?
Người ta nói đi nói lại với Đức Phật: “Ông là một gã kì lạ. Chúng tôi tới để nhận ra cái tôi của mình, nhưng thiền định của ông lại tước bỏ cái tôi của chúng tôi.”
Socrates là một thiên tài, nhưng bị giới hạn trong tâm trí: “Hãy biết chính mình.” Chẳng có cái mình nào để biết. Đó là thông điệp Thiền dành cho thế giới. Chẳng có gì để biết. Bạn chỉ phải là một với cái toàn thể. Chẳng cần phải sợ hãi...
Nghĩ một lát xem: Khi bạn chưa được sinh ra, có lo âu, lo lắng, hối lỗi nào không? Khi bạn không ở đó, chẳng có vấn đề gì. Bạn là vấn đề, khởi đầu của vấn đề, và khi bạn lớn lên, ngày càng nhiều vấn đề... Trước khi bạn chào đời, có vấn đề nào không?
Các Thiền sư liên tục hỏi những người mới đến: “Bạn ở đâu trước khi cha bạn được sinh ra?” Một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng ý nghĩa bao la. Họ đang hỏi bạn: “Nếu bạn không hiện hữu, chẳng có vấn đề nào cả. Vậy thì lo lắng cái gì?” Nếu cái chết của bạn trở thành cái chết tối thượng và tất cả ranh giới biến mất, bạn sẽ không ở đó, nhưng hiện hữu sẽ ở đó. Vũ điệu sẽ ở đó, nhưng vũ công sẽ không ở đó. Bài ca sẽ ở đó, nhưng ca sĩ sẽ không ở đó.
Chỉ có thể trải nghiệm điều này bằng cách rơi sâu hơn, xa hơn tâm trí, đến chính độ sâu của bản thể bạn, chính cội nguồn của sự sống mà từ đó sự sống của bạn đang tuôn chảy ra. Đột nhiên bạn nhận ra hình ảnh của bản thân mình chỉ là ngẫu nhiên. Bạn không có hình ảnh, bạn là vô hạn. Bạn đang sống trong lồng. Khoảnh khắc bạn nhận ra nguồn cội của mình là vô hạn, cái lồng biến mất và bạn có thể mở đôi cánh bay vào bầu trời xanh rồi tan biến. Sự tan biến này là tự do khỏi chính mình. Nhưng điều này không thể xảy ra thông qua trí óc, nó chỉ có thể xảy ra thông qua thiền định.
Hàng trăm cuốn sách đẹp đẽ đã xuất hiện ở phương Tây kể từ khi con người lạ lùng, D. T. Suzuki, giới thiệu Thiền cho phương Tây. Ông đã làm một việc tiên phong, nhưng ông không phải Thiền sư hay thậm chí một hành giả Thiền. Ông là một học giả lớn, và tác động của ông lan đến giới trí thức ở tất cả các quốc gia. Ngay lập tức ông có được sức hấp dẫn to lớn.
Vào khoảnh khắc D. T. Suzuki xuất hiện ở phương Tây, ông là người đầu tiên nói về Thiền ở các trường đại học và cao đẳng phương Tây, và công việc của ông vô cùng hấp dẫn những người trí tuệ, bởi vì họ đã mất niềm tin vào những tôn giáo có tổ chức.
D. T. Suzuki xuất hiện ở phương Tây cùng một cách tiếp cận mới với hiện hữu. Ông hấp dẫn mọi người vì ông là người học rộng, hết sức uyên bác, và ông đã mang cho tâm trí phương Tây một khái niệm mới về tôn giáo. Nhưng nó vẫn là một khái niệm, vẫn là một lí lẽ của tâm trí; nó không bao giờ đi sâu hơn thế.
Điều tương tự đã xuất hiện ở Trung Hoa. Trước khi Bồ Đề Đạt Ma đến ở Trung Hoa, Trung Hoa đã được cải đạo sang Phật giáo. Bồ Đề Đạt Ma đi đến đó 14 thế kỉ trước, nhưng triết lí và tôn giáo của Đức Phật đã tới Trung Hoa hai ngàn năm trước, sáu trăm năm trước khi Bồ Đề Đạt Ma đến đó. Trong sáu trăm năm đó, các học giả đã cải đạo cả nước Trung Hoa sang Phật giáo.
Vào những ngày đó, thật dễ dàng để cải đạo cả quốc gia. Bạn chỉ cần cải đạo hoàng đế, và thế rồi toàn bộ triều đình của ông ta được cải đạo, rồi toàn bộ quân đội của ông ta được cải đạo, rồi toàn thể bộ máy của ông ta được cải đạo. Và khi hoàng đế cùng toàn thể bộ máy, quân đội và tất cả những người được xem là thông thái của triều đình được cải đạo, số đông đơn giản làm theo.
Số đông chưa bao giờ tự mình quyết định chuyện gì. Họ chỉ theo sau những người tự tuyên bố là vĩ đại, quyền lực, trí tuệ, giàu sang. Nếu những người này được cải đạo, số đông đơn giản làm theo.
Cho nên trong sáu trăm năm đó, hàng ngàn học giả Phật giáo tới Trung Hoa và cải đạo Trung Hoa – các hoàng đế, quan lại. Nhưng nó vẫn chưa phải thông điệp thực sự của Đức Phật. Mặc dù Trung Hoa đã theo Phật giáo, Đức Phật vẫn chưa xuất hiện. Bồ Đề Đạt Ma được sư phụ ông, một phụ nữ, cử đến. Bà nói: “Các học giả đã chuẩn bị con đường, giờ con hãy đi đi. Rất cần con ở đó.” Bồ Đề Đạt Ma là vị Phật đầu tiên vào Trung Hoa, và ông mang đến một tầm nhìn hoàn toàn khác, không phải của tâm trí mà của vô trí. Trong sáu trăm năm ở Trung Hoa, Phật giáo chỉ là một bài tập trí óc, một bài thể dục bổ ích. Nhưng khi Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Hoa, ông thay đổi toàn bộ ý niệm về Thiền. Mọi người đang nói về Thiền như thể nó là một triết lí khác, nhưng không phải; như thể nó là một tôn giáo khác, nhưng không phải. Nó là cuộc nổi dậy chống lại tâm trí, và tất cả các tôn giáo cùng triết lí của bạn đều là một phần của tâm trí.
Đây là cuộc nổi dậy duy nhất chống lại tâm trí, chống lại cái tôi, cuộc nổi dậy duy nhất nhằm rút lại tất cả những giới hạn đã giam cầm bạn và thực hiện cú nhảy lượng tử vào cái không. Nhưng cái không này rất sống động. Nó là cuộc sống, nó là hiện hữu. Nó không phải giả thuyết. Và khi bạn thực hiện cú nhảy, trải nghiệm đầu tiên là bạn đang biến mất. Trải nghiệm cuối cùng là bạn đã trở thành cái toàn thể.
Tại sao có quá nhiều trí thức phương Tây bị thu hút vào một cuộc kiểm tra của Thiền? Họ đang cảm thấy một khoảng chân không to lớn và họ muốn lấp đầy nó. Bạn không thể sống với một khoảng chân không. Chân không là trống không, và từ sự trống không đó, cuộc sống trở nên buồn bã, nghiêm trọng.
Người đương đại đứng ở một vị trí kì lạ: Cái cũ đã sụp đổ, nó là sự lừa gạt, nhưng cái mới vẫn chưa đến. Cho nên có một khoảng trống, một khoảng hở, và giới trí thức phương Tây đang cố gắng tìm ra cái gì đó không dối trá, cái sẽ không chỉ cho bạn an ủi mà còn chuyển hóa bạn, cái sẽ là một cuộc cách mạng sâu sắc trong bản thể bạn.
Thiền chắc chắn là cách tiếp cận đúng đắn đối với hiện hữu, đối với chân lí tối thượng. Không cần tin vào điều gì, không cần là môn đồ hay tín đồ, bạn bước vào bên trong chính mình và vào trong cái không bao la của cái toàn thể. Nó chính là cái không mà bạn đã đến từ đó và sẽ lại đi tới đó.
Thiền nghĩa là đơn độc tới mức không có gì để hành thiền. Không đối tượng, chỉ một mình chủ thể tồn tại – ý thức không gợn một bóng mây, một bầu trời thanh khiết.
Khi cội nguồn và đích đến trở thành một, bạn sẽ có một lễ hội lớn. Trong lễ hội đó bạn không hiện hữu, nhưng tất cả hiện hữu sẽ tham gia. Cây cối sẽ làm mưa hoa, chim chóc sẽ hát những bài ca, và đại dương sẽ cùng hân hoan với sông suối.
Toàn thể hiện hữu trở thành nhà của bạn vào khoảnh khắc trái tim bạn tan chảy vào trái tim vũ trụ. Đó là nơi Thiền xảy ra. Trong sự tan chảy vào vũ trụ ấy, bạn trở lại nguồn cội tươi mới, vĩnh hằng, bất biến với thời gian và vô cùng bao la. Chỉ cần duy nhất một điều, đó là sự tự do khỏi chính mình. Đây là tinh túy của Thiền. Bạn đã từng nghe nhiều sự tự do: tự do chính trị, tự do tâm lý, tự do kinh tế – có nhiều loại tự do. Sự tự do tối thượng là Thiền, tự do khỏi chính mình. Không thể chấp nhận điều này như một niềm tin, phải trải nghiệm nó. Chỉ khi đó bạn mới biết. Nó là một vị. Bất kỳ ai cũng có thể miêu tả đường là ngọt, nhưng nếu bạn chưa bao giờ nếm đường thì bạn sẽ nghe từ ngọt mà không hiểu nó là gì. Cách duy nhất là có ai đó bỏ một món đồ ngọt vào miệng bạn.
Chức năng của bậc thầy trong Thiền là nhét cái không vào trong kinh nghiệm của bạn, hay nói cách khác, mang bạn đến cái không của riêng mình. Bậc thầy bày ra các phương thức và khi chúng trở nên cũ kĩ, thành thông lệ, thì ông sẽ vứt bỏ chúng, tìm những phương thức mới, những cách thức mới.
Đã 25 thế kỉ từ khi Đức Phật trao bông hoa sen cho Ma Ha Ca Diếp, không cần một lời nào, và bảo với tăng đoàn của mình: “Cái gì có thể nói ta đã nói cho các vị. Cái ta không thể nói – mặc dù ta muốn nhưng đơn giản là không thể – ta đang chuyển giao cho Ma Ha Ca Diếp.” Bông hoa sen đó là một biểu tượng: Trừ phi bạn mở ra giống như bông hoa sen trong ánh mặt trời buổi sớm khi những giọt sương đang sáng lấp lánh như những viên ngọc trên lá sen... Nó là sự chuyển giao nguồn sáng trong im lặng. Không có gì được nói ra.
Ma Ha Ca Diếp lần đầu tiên lại gần Đức Phật, nhận bông sen, chạm chân Đức Phật, quay trở lại ngồi im lặng dưới gốc cây của mình. Ma Ha Ca Diếp là Tổ đầu tiên của Thiền. Cho nên huyết thống Thiền, gia đình Thiền là một nhánh, một nhánh im lặng của Phật giáo. Họ yêu Đức Phật, bởi vì Thiền thực sự khởi nguồn trong sự biến mất của ông. Ông chuyển giao nó cho Ma Ha Ca Diếp, và từ đó trách nhiệm của Ma Ha Ca Diếp là tiếp tục tìm kiếm những người ông có thể chuyển giao.
Cho nên kể từ khoảnh khắc đó, 25 thế kỉ trước, nó đã được chuyển giao mà không cần cách thức độc đoán nào, không cần ngôn ngữ nào, từ bậc thầy sang đệ tử; từ người đã về nhà sang người vẫn đang lang thang không thể tìm thấy đường.
Bậc thầy thực hiện chức năng của một người bạn. Ông nắm tay bạn và đưa bạn vào con đường đúng, giúp bạn mở mắt, giúp bạn có khả năng vượt khỏi tâm trí. Đó là khi con mắt thứ ba của bạn mở ra, khi bạn bắt đầu nhìn vào bên trong. Một khi bạn nhìn vào bên trong, công việc của bậc thầy kết thúc. Giờ đây nó tùy thuộc ở bạn.
Bạn có thể du hành qua khoảng trống nhỏ bé giữa tâm trí và vô trí trong một khoảnh khắc duy nhất đầy mãnh liệt và gấp rút phi thường. Hoặc bạn có thể du hành chậm rãi, ngập ngừng, dừng lại, sợ rằng đang đánh mất tâm trí, đang đánh mất tính cá nhân, rằng tất cả ranh giới đang tan biến. Bạn đang làm gì? Trong tích tắc bạn có thể nghĩ: “Điều này có thể mang tới sự sụp đổ. Tôi có thể không quay về lại tâm trí mình được nữa. Và ai biết được cái gì sắp xảy ra phía trước? Mọi thứ đang tan biến...”
Nếu bạn quá để tâm đến những thứ đang tan biến, bạn sẽ dừng lại vì sợ hãi. Bậc thầy giúp bạn tập trung tâm trí vào những thứ đang xảy ra, không phải những thứ đang biến mất. Ông ấy buộc bạn nhìn vào phúc lạc, vào sự im lặng đang giáng xuống bạn. Nhìn vào bình an, nhìn vào vui sướng, nhìn vào cực lạc. Ông liên tục nhấn mạnh vào cái đang xảy ra, không phải cái đang ra đi – lo âu, tuyệt vọng, hối hận, thống khổ; ông thậm chí không cho phép bạn lưu ý đến chúng. Cái gì đang tan biến thì không đáng giữ. Hãy liên tục nhìn vào điều đang xuất hiện từ cái không.
Thế là bạn thu hết can đảm, trở nên liều lĩnh hơn. Bạn biết sẽ không có gì sai. Mỗi xê xích bạn dịch chuyển lại có điều gì đó lớn lao hơn đang xảy đến. Cuối cùng, khi bạn bước vào cội nguồn bản thể bạn, trung tâm bản thể bạn, vũ trụ rơi vào trong bạn, như thể cả đại dương rơi vào trong một giọt sương.
Ngay khi bạn trải nghiệm chân phúc này, cực lạc này, cơn say thần thánh này, ai quan tâm về tính cá nhân nữa? Ai quan tâm về cái tôi nữa? Cái tôi đã cho bạn điều gì ngoại trừ lo âu, ngoại trừ địa ngục? Và cái không này quá thuần khiết, không có ranh giới. Lần đầu tiên bạn tìm thấy cái vô cùng, cái vĩnh hằng, và tất cả những điều huyền bí của hiện hữu đột nhiên mở cửa ra với bạn. Và chúng tiếp tục mở ra... hết cánh cửa này đến cánh cửa khác...
Không có kết thúc cho hành trình này, nó là cuộc hành hương vô tận. Bạn luôn luôn đến và đến nữa, nhưng bạn không bao giờ đến nơi. Mỗi khoảnh khắc bạn đều đang đi sâu hơn vào trong phúc lạc, vào trong cực lạc, vào trong chân lí, nhưng không có dừng lại hẳn.
Không có kết thúc cho hành trình này, nó là cuộc hành hương vô tận. Bạn luôn luôn đến và đến nữa, nhưng bạn không bao giờ đến nơi.
Một Tuyên ngôn Thiền là tuyệt đối cần thiết, bởi vì những tôn giáo cũ đang sụp đổ. Trước khi chúng sụp đổ và nhân loại hoàn toàn trở nên điên rồ, Thiền phải được truyền bá khắp Trái Đất. Trước khi ngôi nhà cũ sụp xuống, bạn phải tạo ra ngôi nhà mới.
Và lần này đừng phạm phải lỗi lầm cũ. Bạn đã sống trong một ngôi nhà không tồn tại; cho nên, bạn phải chịu mưa gió, mùa đông, mặt trời, bởi vì ngôi nhà là tưởng tượng. Lần này hãy bước vào trong ngôi nhà nguyên thủy của bạn, đừng vào bất cứ ngôi đền nhân tạo nào, tôn giáo nhân tạo nào. Bước vào trong sự tồn tại của riêng bạn. Tại sao phải tiếp tục là một bản sao?
Lần này thật quý giá. Bạn được sinh ra vào một thời khắc may mắn, khi cái cũ đã mất giá trị, mất sự chứng thực, khi cái cũ chỉ đang lượn lờ xung quanh bạn bởi vì bạn không đủ dũng cảm để thoát khỏi nhà tù. Mặt khác, các cửa đều mở – trên thực tế, chẳng có cánh cửa nào, bởi vì ngôi nhà bạn đang sống hoàn toàn là tưởng tượng. Thần linh của bạn là tưởng tượng, tu sĩ của bạn là tưởng tượng, kinh sách thiêng liêng của bạn là tưởng tượng. Lần này, đừng có phạm phải lỗi lầm cũ. Lần này nhân loại phải thực hiện bước nhảy lượng tử từ sự dối trá thối nát cũ kĩ đến chân lí tươi mới vĩnh hằng.
Đây là Tuyên ngôn Thiền. D. T. Suzuki nói: “Thiền phải được nắm bắt bằng đôi tay trần không đeo găng.” Phát biểu của ông đẹp đẽ một cách đầy lí trí. Bạn nên nắm bắt Thiền bằng đôi tay trần, trơ trụi, không đeo găng. Ông muốn nói rằng bạn nên bước vào trong thế giới của Thiền mà không có đức tin nào, không có sự bảo vệ nào, không có sự an toàn nào, không có đôi găng nào. Bạn nên bước vào trong Thiền với những đôi tay trần, với sự trần trụi.
Nhưng phát biểu của ông vẫn thuộc về trí tuệ. Ông không phải một Thiền sư hay thậm chí một hành giả Thiền. Nếu ông là một Thiền sư, ông hẳn không thể nói như vậy. Một Thiền sư không thể nói rằng Thiền phải được nắm bắt. Mấu chốt không phải là nắm bắt Thiền. Đây là ngôn ngữ cũ của tâm trí, của “chinh phục tự nhiên”. Giờ đây nó trở thành chinh phục Thiền.
Thiền là thực tại của bạn. Bạn sẽ nắm bắt ai đây? Bạn sẽ chinh phục ai đây. Bạn là Thiền.
Và ông ấy muốn nói gì bằng từ “với đôi tay trần”? Đôi tay sẽ không với tới đó, dù trần hay đeo găng. Đôi tay tượng trưng cho chuyển động ra ngoài, chúng luôn luôn chỉ ra bên ngoài. Tất cả giác quan của bạn mở ra phía ngoài, chúng đều hướng ngoại. Tai bạn nghe âm thanh đến từ bên ngoài, mắt bạn nhìn màu sắc, ánh sáng đến từ bên ngoài, tay bạn liên tục cầm nắm – nó là bên ngoài bạn. Không giác quan nào của bạn có thể với tới cái bên trong. Với cái bên trong có một sự nhạy cảm khác, con mắt thứ ba. Không có đôi tay.
Ngay giữa hai lông mày, ở chính giữa, là nơi có thể nhìn vào bên trong. Khi bạn đang nhắm mắt, cố gắng nhìn vào trong, tập trung về phía trung tâm của mình, bạn đang liên tục đánh vào con mắt thứ ba. Bởi vì nó đã không được mở trong nhiều thế kỉ, nó đã quên mất làm thế nào để mở.
Không có đôi tay, và không có vấn đề chinh phục. Nó là bản chất của bạn. Chính ý niệm Thiền phải được nắm bắt tạo ra nhị nguyên: Bạn là người sẽ nắm bắt Thiền, và Thiền là thứ gì đó không phải bạn. Nó tạo ra nhị nguyên. Đó là cái giúp tôi biết rõ một người đang trí thức hóa hay thực sự đã có trải nghiệm.
Tâm trí là nhị nguyên; nó luôn luôn chia mọi thứ thành hai cực đối nghịch: kẻ chinh phục và người bị chinh phục, người quan sát và vật bị quan sát, đối tượng và chủ thể, ngày và đêm. Nó tách rời mọi thứ vốn không tách rời. Ngày không tách rời khỏi đêm, cũng như sinh không tách rời khỏi tử. Chúng là một năng lượng. Nhưng tâm trí liên tục chia rẽ mọi thứ thành các cực, các đối lập. Không có gì đối lập trong hiện hữu, mọi mâu thuẫn chỉ ở bề ngoài. Sâu bên dưới, tất cả các mâu thuẫn cùng gặp gỡ nhau.
Vì vậy, khi có người nói: “Hãy nắm bắt, hãy chinh phục”, anh ta vẫn đang nói thứ ngôn ngữ của tâm trí và vẫn đầy bạo lực. Ngôn từ đã thể hiện điều này.
Thiền không là đối tượng cũng không là chủ thể. Nó là một trải nghiệm siêu việt. Siêu việt lên mọi dạng nhị nguyên: Người quan sát và vật bị quan sát trở thành một, người biết và cái biết trở thành một. Cho nên không có vấn đề chinh phục hay nắm bắt, nó là vấn đề buông lỏng vào trong chính mình.
Nó không phải một trận đánh hay một cuộc chiến, nó là sự nghỉ ngơi thuần khiết, chìm sâu vào trong sự thư thái của bạn. Và khi bạn chìm ngày một sâu hơn, bạn thấy mình đang tan chảy. Khoảnh khắc bạn trở thành một với hiện hữu, bạn đã đi tới bản chất của mình. Nó chỉ có thể xảy ra thông qua buông lỏng, thông qua nghỉ ngơi.
Thiền là cách tiếp cận mang tính hiện sinh duy nhất trên thế giới.