Nếu như hành giả muốn tìm được sự giải thoát rốt ráo từ trong biển khổ sinh, lão, bệnh, tử, ưu buồn, khổ não thì phải tu Thiền Quán, từ đó mới có thể chứng được thực tướng cứu cánh và sự vắng lặng, tịch tĩnh. Tuy rằng tất cả đối tượng và kết quả đem lại của Thiền Rải Tâm Từ và Thiền Quán không giống nhau, nhưng hẳn nhiên cả hai có thể tạo thành một tổ hợp mang đến nhiều thuận duyên cho hành giả. Nghĩa là hành giả vừa có thể thuần thục Thiền Quán lại thạo rõ được Thiền Rải Tâm Từ. Đương nhiên kiên trì hành thiền là yếu tố quan trọng giúp hành giả mở ra cánh cửa giải thoát.
Phần sau cùng của Kinh Rải Tâm Từ đề cập đến Thiền Quán:
1. Không rơi vào tà kiến;
2. Đủ đầy trí tuệ;
3. Không còn tái sinh.
Tà kiến tức là chỉ những quan điểm trái ngược với thực tướng. Ví dụ như cho rằng vô thường là thường, lấy khổ làm vui, vô ngã tức hữu ngã. Kỳ thực, Tam cộng tướng hay còn gọi là Tam pháp ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã) chủ yếu dùng những ngôn ngữ khác nhau để chuyển tải những thực tướng không thể nói, không thể nghĩ bàn, nhằm để mọi người dễ hiểu hơn. “Kiến” (ditthi) là những quan điểm chỉ cho những ý kiến hay nhận xét lệch lạc đối với những vấn đề nghiêm trọng. Tất cả nhằm nhấn mạnh những tín ngưỡng không đúng, đồng thời cứng nhắc và làm ảnh hưởng đến ba nghiệp nơi thân, miệng và ý. Đây vốn là những vấn đề quan trọng đối với việc tu tâm và hành nghiệp. Nếu như vẫn còn tà kiến thì không thể chứng ngộ được.
Đôi lúc bạn sẽ phải ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng người đạt được tâm từ sâu đôi khi vẫn còn tà kiến. Một hành giả nếu chưa trải qua quá trình Thiền Quán thì cho dù là nhà tư tưởng, nhà lý luận giỏi khi phân tích khái niệm cũng có những tư duy và kết luận sai lầm. Đó là vì chân lý ở tầng thứ sâu sẽ vượt trên cả khái niệm, lúc này cần phải có tuệ giác nhạy bén trực tiếp thể nghiệm, may ra mới có thể chứng ngộ được.
Nhưng những điều vừa nêu không thể ngăn chặn chúng ta dùng tâm từ bi và một trái tim ấm để lan tỏa việc thiện lành, đây chỉ là mảng khuyết của phần liễu ngộ thực tướng ở tầng sâu mà thôi. Định sâu của tâm từ cũng sản sinh từ khái niệm, chúng ta có thể sẽ đưa ra những kết luận mang tính hư vọng, cho rằng những thể nghiệm đó là chân lý tuyệt đối, cho nên phải luôn tỉnh thức, đồng thời phải chú tâm và cẩn thận để không rơi vào tà kiến.
“Trí kiến” ở đây là chỉ cho “quán trí”, tức là nhờ chứng ngộ thực tướng mà hiểu rõ bản chất vấn đề, điểm chính ở đây là “vô ngã”, là bộ phận thường khiến con người hiểu sai. Quan điểm “vô ngã” với ý nghĩa xóa bỏ những quan niệm tiêu cực về tự ngã thường tồn hay thân tâm bất biến, đồng thời nó cũng hàm chứa cả mặt tích cực, nghĩa là sự hiển hiện của vạn pháp tự nhiên. Tướng trạng của nó đều được trải nghiệm trực tiếp thông qua giác tri thanh tịnh. Chỉ cần có được giác tri sâu sắc thì sự thể nghiệm càng uyên thâm. Do đề tài vừa nêu đã vượt ra ngoài phạm vi của quyển sách, nên ở đây tôi chỉ có thể trình bày sơ lược như sau: Phương pháp Thiền Quán, chính là “rõ biết quán chiếu”, cho đến khi hoàn toàn chứng ngộ, vượt qua khỏi sinh tử thì cũng chính ngay đó chuyển hóa được sinh tử luân hồi, tịnh hóa hoàn toàn phiền não và cuối cùng đạt được giải thoát.
Vậy làm sao để thực hành cùng lúc giữa Thiền Rải Tâm Từ và Thiền Quán? Dường như có sự mâu thuẫn nội dung giữa Thiền Quán với Thiền Rải Tâm Từ? Còn nhớ có người hỏi tôi: “Nếu như sự nhìn thấy tất cả mọi thứ chỉ là hiện tượng, hoặc chỉ là thực tướng, thì xem ra tâm từ rất thô và nông cạn, vậy thì mục đích Thiền Rải Tâm Từ là gì?”
Thực tế là đối tượng quán chiếu của Thiền Rải Tâm Từ hay Thiền Quán không thể xuất hiện cùng lúc trong tâm, đây cũng chính là điểm khác biệt giữa hai loại thiền pháp vừa nêu. Đối tượng của Thiền Rải Tâm Từ là khái niệm về một đối tượng nào đó (tức cá nhân), còn với Thiền Quán là thực tướng (tức là tự tướng của sắc pháp và danh pháp hoặc là tam pháp ấn). Nhưng mỗi khi chúng ta nghĩ rằng khái niệm đến từ thực tướng, như vậy cả hai đều hàm chứa tính quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt.
Khái niệm và thực tướng giống như hai tầng lớp hoặc là hai lối đi, khái niệm chỉ cho con người sống trong cõi thế, còn thực tướng chính là kỹ năng vận hành của mỗi cá nhân trong đời sống thế tục. Thế nên, ta không thể nào chia tách thành hai thể riêng biệt được.
Ví dụ khi hành giả tu tập Thiền Quán, học đến nhân vô ngã1, và tất cả chỉ là quá trình, nếu như hướng về đời sống thế tục, điều này không có chút ý nghĩa nào cả. Nhưng trải qua một thời gian, chúng ta mới phát hiện ra rằng tâm từ mạnh hơn nhiều so với lúc trước. Điều này có được là do Thiền Quán mang đến cho tâm hành giả một sự tịch tĩnh và vắng lặng. Kỳ thật đây là tâm từ đối với bản thân, sau khi tâm từ đã được lan tỏa đầy khắp tự thân thì hành giả mới tiếp tục rải tâm từ cho những người khác.
1 Nhân vô ngã: Thân và tâm của chúng sinh đều do Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp thành, đều bị vô thường chỉ phối, do đó không có một chủ thể nào là bất biến cả.
Bước tiếp theo, chúng ta đều là một bộ phận trong quá trình tiến hóa của thiên nhiên, cho nên có thể nhìn thấy được tiềm năng và sự lương thiện của người khác. Giữa mỗi cá nhân chẳng phải khác biệt lớn như chúng ta đã thấy. Hiểu như thế sẽ làm cho tâm từ của chúng ta biến mãn khắp nơi.
Vấn đề thứ hai, một vấn đề tương đối thực tế, đó chính là làm sao để dung hòa được hai phương pháp Thiền Quán và Thiền Rải Tâm Từ. Cơ bản có ba cách như sau:
1. Trước tiên nên tu Thiền Rải Tâm Từ, sau đó tu Thiền Quán;
2. Tu Thiền Quán trước, sau đó thực hành Thiền Rải Tâm Từ để trợ duyên;
3. Thực hành Thiền Quán và Thiền Rải Tâm Từ cùng lúc.
Mỗi một cách thức thiền tu sẽ được giải thích rõ phía sau:
Cách thức thứ nhất có thể nảy sinh vấn đề: “Trước khi chuyển đổi qua Thiền Quán, thì tâm từ đạt đến trình độ như thế nào?” Câu trả lời ít nhất phải đạt được Cận hành định, nhờ đó năm triền cái mới không sinh khởi. Đây chính là nền tảng căn bản của Thiền Quán. Nếu như dư dả thời gian, ta sẽ thực hành Thiền Rải Tâm Từ chuyên sâu hơn nữa.
Đối với cách thứ hai, khi hành giả hiểu rõ về Thiền Quán đến một trình độ nhất định thì có thể chuyển đổi sang Thiền Rải Tâm Từ. Ở đây đặt ra giả thiết rằng hành giả đã đạt đến quán trí thứ tư trong mười sáu pháp quán trí: Sinh diệt tùy quán trí. Nhưng nếu như hành giả đã thành tựu được một số kỹ năng, phương pháp luyện tập căn bản thì chuyển qua Thiền Rải Tâm Từ cũng được. Thực tế khi tu tập Thiền Chỉ, hành giả khó tránh khỏi “rơi vào tà kiến” hoặc là đắm chìm trong “mười loại quán nhiễm”1.
1 Mười loại quán nhiễm: 1. Ánh sáng; 2. Trí; 3. Vui mừng; 4. Khinh an; 5. Lạc; 6. Thắng giải; 7. Thôi thúc; 8. Hiện khởi; 9. Xả; 10. Dục.
Có nhiều phương pháp khác nhau, nếu cảm thấy phù hợp, thích ứng thì có thể thay đổi giữa Thiền Quán với Thiền Rải Tâm Từ. Nhưng tôi khuyên quý hành giả, trong giai đoạn này, chúng ta chỉ nên chuyên tu một thiền pháp. Và dường như trong rừng thiền thì việc đồng thời thực hành hai loại thiền pháp có vẻ dễ dàng hơn. Như vậy, hành giả phải nắm bắt được nền tảng căn bản của một trong hai thiền pháp, để tránh khỏi xung đột. Nếu muốn tránh sự xung đột sâu hơn, hành giả cần phải có quyết định sáng suốt cụ thể và rõ ràng đối với nhân duyên, điều kiện và thời gian của việc Thiền Quán. Có như vậy mới tránh khỏi phát sinh vấn đề khi thay đổi pháp tu, uyển chuyển thay đổi vốn dĩ là một nghệ thuật cần phải học tập.
Mặt quan trọng khác nữa là khi Thiền Rải Tâm Từ cần phải bảo đảm việc duy trì chính niệm. Nói cách khác, có nghĩa là nếu như khi Thiền Quán đủ sâu và đã có được thói quen tốt, chính niệm sẽ tự xuất hiện trong lúc đang thực hành Thiền Rải Tâm Từ. Thoạt nghe có vẻ như mâu thuẫn, nhưng sự thật tâm chúng ta đủ khả năng chuyển đổi hai phương pháp thiền với nhau một cách nhanh chóng và suôn sẻ.
Đối với những vị thiền sinh mới mà nói, một khi đã học được cả hai kỹ thuật thiền tập thì mới gặp phải vấn đề vừa nêu. Ở đây, chủ yếu chỉ cho quá trình đã trải qua sự huấn luyện bài bản về một loại thiền pháp trong suốt thời gian tham gia khóa thiền.
Về phần thiền tập mỗi ngày, vì không cần phát khởi định sâu, nên hành giả có thể tự chọn cho mình một phương pháp thiền phù hợp. Ví dụ trong thời gian một tiếng, hành giả nên Thiền Rải Tâm Từ khoảng mười lăm phút, thời gian còn lại thì Thiền Quán cũng được. Bên cạnh đó, cũng có thể tùy nghi thay đổi, miễn sao cảm thấy thoải mái và an yên là được.
Ngoài ra, nếu cảm thấy Thiền Rải Tâm Từ đã dần thành thói quen thì hành giả nên tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, hành giả cũng có thể sắp xếp thời khóa buổi sáng chuyên Thiền Rải Tâm Từ và buổi tối chuyên về Thiền Quán, hoặc ngược lại, tùy theo sở thích của mỗi người.
Nhưng có một điều cần phải lưu ý là trước khi muốn thay đổi phương pháp, hành giả cần phải tự mình đưa ra quyết định rõ ràng và không được thay đổi lung tung.
Qua nhiều năm quan sát thực tiễn, tôi phát hiện có những thiền sinh chỉ muốn chuyên về Thiền Rải Tâm Từ không thôi. Ở đây có một yếu tố cần được nhìn lại, đó chính là trình độ căn cơ và nhu cầu thực tế của mỗi người. Nếu vị nào tâm sân hận còn nhiều hay chưa làm chủ được cảm xúc, nên chuyên về Thiền Rải Tâm Từ. Nhờ vào sự nỗ lực thực hành thường xuyên, chắc chắn các mối quan hệ xã giao của vị ấy cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Ở giai đoạn sơ cơ, chúng ta không vội bởi vì trước sau gì cũng cần phải bước vào con đường Thiền Quán, sau đó hành giả mới có thể giải thoát sinh tử được.
Vì vậy, “Vipassanā mới là phương pháp hữu hiệu duy nhất đưa hành giả trở về với ngôi nhà chân chính thuộc về mình và ngôi nhà ấy luôn hiện hữu trạng thái vắng lặng, tịch tĩnh...”