Kình Rải Tâm Từ (Karanīyametta Sutta) là một bộ kinh rất quan trọng và phổ biến trong đạo Phật, nhất là hệ phái Thượng tọa bộ (Theravāda). Nội dung bài kinh tuy ngắn gọn nhưng thiết thực, chủ yếu là lời dạy của Đức Phật về phương pháp làm sao để sinh khởi tâm từ một cách hiệu quả với hai phần như sau:
- Rải tâm từ chính là nền tảng của đạo đức và thích hợp với mọi mối quan hệ xã giao.
- Kết hợp trưởng dưỡng tâm từ cùng với các tâm vô lượng khác.
Kinh Rải Tâm Từ mở đầu nội dung như sau: “Nếu hành giả muốn đạt được trạng thái tịch tĩnh, việc cần làm là phải khéo biết làm những việc lợi ích”. Đây cũng chính là lời vàng cho việc hành trì với nguyện vọng mong muốn đạt được cảnh giới tịch tĩnh (Niết bàn) dành cho các hành giả.
Nhân duyên của kinh này bắt nguồn từ việc có một vị Tỳ kheo đang ở trong một khu rừng thì bị loài quỷ thần làm cho kinh sợ, Đức Phật dạy vị ấy nên nuôi dưỡng lòng từ.
Nội dung bài dạy này có thể ứng dụng với mọi trường hợp, nhất là đối với những người thường hay có mối quan hệ xã giao rộng rãi, thậm chí cũng rất thích hợp với những người tâm hay sân.
MƯỜI LĂM ĐỨC HẠNH
Sau đây là mười lăm loại đức hạnh được nhắc đến trong kinh và mối tương quan giữa chúng với Thiền Rải Tâm Từ:
1. Năng lực (sakka)
Nếu như ta đủ giàu về vật chất và tinh thần thì mới có khả năng giúp đỡ được những người xung quanh. Người nghèo không thể ban tặng người khác của cải vật chất, còn người không có đạo đức thì không có cách nào chỉ dạy người khác bồi dưỡng và phát triển đức hạnh. Có năng lực tức là có tiềm lực và khả năng giải quyết vấn đề.
Nhiều người cho rằng, đời sống tinh thần mới quan trọng, thế nhưng chúng ta không thể nào xem nhẹ vật chất. Điều quan trọng nhất là, làm sao để sinh tồn giữa một xã hội sống vì vật chất như ngày nay. Cho nên, có vị thiền sư từng nói rằng: “Cho dù chứng được Niết bàn, hành giả vẫn cần thức ăn và vật dụng”. Trong xã hội phương Tây, việc thiền tập rất được trân quý. Nhìn từ mặt tâm linh, nó có năng lực phát khởi tín tâm, là chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa tâm thiện. Muốn yêu thương người khác, trước tiên phải biết thương yêu bản thân mình. Muốn làm từ thiện, đầu tiên phải biết trao tặng cho người thân mình trước. Chúng ta phải biết cách khai mở phương tiện này thì mới có thể đi sâu vào nền tảng của tâm từ (chỉ cho định tâm từ).
2. Thẳng thắn (uju)
Lòng dạ ngay thẳng và bộc trực chính là biểu hiện cho sự thành khẩn, nếu như ta không thành thật với chính mình thì làm sao có thể chân thành được với người khác. Nếu thiếu đi kết nối, giao thoa, nối liền tâm với tâm, gắn kết giữa người và người thì không cách nào phát triển mối thâm tình sâu hơn. Đặc biệt là đối diện với những vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc thay đổi và điều chỉnh một số người. Lòng ngay thẳng và bộc trực luôn thích hợp với mỗi đời sống cá nhân, dù là trong công việc hay tu thiền cũng vậy.
Chúng ta cần phải định vị lại sở trường và sở đoản của chính mình, hẳn nhiên, làm được như thế cũng không dễ chút nào. Bên cạnh đó, ta cũng nên quan sát lại những sở trường và sở đoản của người khác, để tiện cho việc đưa ra quyết định có nên tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa họ với ta hay không. Để xem giữa được và mất là gì? Những điều này rất cần đến sự chuyên chú chính niệm, có như thế thì trí tuệ mới phát sinh được. Nhờ đó tâm từ mới có thể dễ dàng sinh khởi và hoàn mỹ.
3. Hết sức thẳng thắn (suhuju)
Sự ngay thẳng và lòng thành khẩn hết mực được giải thích là những tố chất bồi dưỡng và trải qua quá trình sàng lọc trong một thời gian dài, có nghĩa là khả năng mang đến niềm tin sâu sắc cho người. Thông thường, người ta dễ mở cánh cửa lòng đối với những người có phẩm chất này vì khi cần giúp đỡ, họ luôn có mặt kịp lúc. Người có tố chất ấy, thường rất kiên định với những nguyên tắc đúng đắn, đồng thời dũng cảm hướng thượng và khéo hiểu lòng người. Tóm lại, họ là những người đáng tin cậy nhất.
4. Uyển chuyển (suvaco)
Uyển chuyển ở đây được hiểu là người dễ tính và không chấp trước. Mặt khác, chấp trước ở đây chính là tự phụ, độc đoán và dễ sân giận, thậm chí còn giải đãi. Cho nên, dù ta vì muốn ai đó tốt hơn mà nói nhưng họ vẫn không chấp nhận. Như vậy, làm sao họ có thể tiếp thu hiệu quả để thay đổi chính mình được (bao gồm cả tâm từ)? Cần hiểu rằng, chúng ta có thể học tập được rất nhiều từ những lời phê bình của người khác, thậm chí của cả trẻ nhỏ.
Chúng ta nhận ra rằng thật thoải mái biết bao nếu gần gũi với một người biết sống uyển chuyển, khéo léo. Chớ nhận định rằng người khéo uyển chuyển là người mềm yếu, dễ phục tùng, quen dựa dẫm, cam chịu những điều bất công và dễ bị làm phiền, đồng thời dễ bị thỏa hiệp với những điều bất thiện. Ngược lại, người sống uyển chuyển chẳng những biết cách nhu hòa mà lại rất khiêm tốn, nhất là rất biết cách lan tỏa tâm hoan hỷ, khéo léo tiếp nhận những điều hay lẽ phải. Đây chính là phẩm chất quan trọng của tâm từ, nó tạo cho người ấy khả năng giao tiếp hữu hiệu với hết thảy mọi người.
5. Nhu nhuyến (mudu)
Nhu nhuyến trái ngược với sự cứng nhắc, vì con người rất nhạy cảm nên thông thường cứng nhắc sẽ chứa đựng tính xâm chiếm và gây sự, khiến người khác tổn thương. Còn kiêu ngạo cũng giống như vết thương bị bong tróc, nếu muốn chữa lành nó, ta cần phải biết nhu nhuyến và khéo léo.
Nhu nhuyến nếu như được biểu hiện ra ngoài thì nhất định giống như sự vỗ về để đứa trẻ đi vào giấc ngủ. Một người nếu có được sự nhu nhuyến thì những áp lực sẽ không dễ dàng xuất hiện, ngược lại lòng sẽ thấy hoan hỷ, vui vẻ, rồi dễ dàng sinh định, cũng nhờ đó mà vô cùng dễ phát khởi và tăng trưởng tâm từ. Chúng ta chỉ cần có một chút tâm sân thì không cần phải nói hay bàn đến làm gì cả.
Sự nhu nhuyến của ba nghiệp thân, miệng, ý ngoài việc giúp ta tránh được những xung đột không cần thiết ra, nó còn mang đến những hiệu dụng tuyệt vời. Cho nên học hạnh nhu nhuyễn là điều cần phải làm.
6. Khiêm cung (anatimānī)
Kiêu mạn, cống cao và tự phụ đều có mối tương quan với hữu ái (tồn tại sự kỳ vọng), do đó nguồn gốc của chúng bắt nguồn từ vô minh. Đồng thời giới hạn và quyền hành của chúng nằm trong tay của mỗi người, một khi bị mạo phạm thì tâm lý ấy bùng dậy cùng với tâm sân, chúng tạo nên tính hủy diệt vô cùng lớn. “Không kiêu ngạo” có công năng làm mềm dịu những phiền não trong tâm, hơn thế còn có thể loại bỏ chúng. Nhìn từ góc độ tích cực, đây chính là nét đẹp của lòng khiêm hạ, nhún nhường. Xưa nay, mọi người đều xem đức tính này là hình ảnh tượng trưng cho bậc trí. Có được khiêm cung, bản ngã mới không bị nhấn chìm bởi những điều tốt đẹp khác, đồng thời ta cũng sẽ không bị trói buộc bởi tự ngã.
Khi kiêu ngạo nổi lên, chúng ta khó nhìn thấy được những mong muốn và ưu điểm của người khác, ngược lại còn hạ thấp họ để đưa bản thân mình lên cao. Tốt nhất hãy nhớ rằng: “Thậm chí những người xấu cũng có nhiều ưu điểm, bên cạnh đó, người tốt cũng có những khuyết điểm”. Sau khi nhớ nghĩ như thế, chúng ta tập trung tư duy về vô thường, để rồi cuối cùng loại bỏ sạch tính tự phụ.
Chỉ cần trong tâm ta đủ khiêm hạ, thì những đức tính tốt khác như sự khen ngợi, lòng biết ơn và tâm tôn kính, v.v. đều được hiện hữu đồng thời với tâm ấy.
7. Tri túc (santutthi)
Tri túc có nghĩa là biết đủ với đời sống hiện tại. Còn người không biết đủ thì lúc nào cũng đòi hỏi mọi thứ nhiều hơn, đây chính là biểu hiện của lòng tham ái, vì họ cho rằng những vật chất ấy có khả năng mang đến đời sống hạnh phúc. Đầu tiên, hành giả cần phải nhổ sạch tham sân không thanh tịnh và lòng tham ái ích kỷ, như thế mới không để chúng ảnh hưởng đến những việc làm thiện lành, hay khiến cho hiệu dụng của tâm từ biến thành rắc rối, phức tạp đến mức phá hủy mọi thứ tốt đẹp. Tâm biết đủ sẽ giúp cho chúng ta có được sự an lạc với đời sống xuất ly.
Vậy làm sao để tu tâm biết đủ? Và tri túc có ảnh hưởng đến ước muốn tương lai không? Câu trả lời còn phải xem bạn có cần đời sống xuất ly thế tục hay không, dù bạn muốn nhiều hay ít, thì tự khắc bạn sẽ đưa ra hành động phù hợp với tâm ấy. Tri túc biết đủ không phải chỉ vì đời sống xuất ly, mục đích chính là vừa không tham vừa chấp nhận được sự thật hiện tại của mình.
8. Dễ nuôi dưỡng (subharu)
Đức Phật thường hay khuyên dạy chúng Tỳ kheo không nên yêu cầu cư sĩ tại gia cúng nhiều vật phẩm, đây cũng chính là một trong những phương pháp để dưỡng nuôi tâm từ. Cho dù, nếu không được cúng dường vật phẩm, đôi khi hành giả sẽ gặp chút khó khăn về vật chất nhưng bù lại hành giả sẽ không mang phiền hà đến cho người khác. Đồng thời, khi cần giúp đỡ cũng không vì tính kiêu ngạo mà không dám thừa nhận mình đang cần sự trợ duyên từ người khác.
Con người chúng ta đôi khi cần phải biết cách nương tựa vào những người xung quanh mình, bởi vì không một cá thể nào có thể tồn tại độc lập, kể cả những ẩn sĩ trong rừng sâu thi thoảng vì một việc cấp bách nào đó mà cũng phải xuống núi. Mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người không chỉ thể hiện ở việc ban cho ai điều gì đó, mà đôi khi chúng ta cũng phải biết khéo léo đón nhận, vì đây cũng là một trong những cách để mình tri ân. Do đó, nếu như đưa ra yêu cầu và mong muốn quá nhiều tất nhiên là, có vay thì có trả, đôi lúc chúng ta còn phải trả nhiều hơn. Lòng biết ơn sẽ sản sinh sự cảm kích và nó trợ duyên nối dài cho sợi dây tâm từ.
9. Chuyên chú vào một việc (appakicco)
Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần có thời gian để vun bồi, hơn nữa kết nối là một việc không phải dễ, niềm tin và sự tín nhiệm cũng cần được kiến lập từ từ theo thời gian. Muốn rải tâm từ cho người, trước tiên ta cần phải có thời gian kết nối cùng họ.
Cha mẹ thường bận rộn công việc để cho con cái tự chăm sóc bản thân, làm cho mối quan hệ ngày một trở nên xa cách. Hẳn nhiên, cha mẹ thường nghĩ rằng cố gắng kiếm thật nhiều tiền sẽ mang đến điều kiện vật chất cho con cái, thế nhưng như vậy chúng lại thiếu đi tình yêu thương, mà tình thương lại là một yếu tố vô cùng quan trọng để kết nối tình thân với nhau. Cũng vậy, thiền tập và trưởng dưỡng tâm từ cũng cần có thời gian.
Hành giả cần phải tinh tấn tham gia Thiền Quán trong một thời gian dài và liên tục thì mới nhanh chóng đạt được hiệu quả và tiến bộ. Phải biết khéo léo sắp xếp công việc thì mới có thời gian để tu tập, đó cũng chính là nền tảng cơ bản của việc tri túc.
10. Sống tối giản (sallahukavutti)
Sống tối giản và tri túc có một vài nét tương đồng với nhau. Đôi khi không cần quá nuông chiều bản thân mình, làm được như vậy thì hành giả mới có thể giảm thiểu tâm tham muốn vật chất. Nếu con người không quá bận rộn với khối tài sản kếch xù, đời sống tinh thần sẽ giảm hẳn sự ưu lo dính mắc, từ đó mới có thể tự do tự tại dạo khắp nhân gian.
Hành giả với một đời sống tối giản, dù đến nơi nào cũng đều có thể thích nghi hoàn cảnh sống mới. Họ biết cách linh hoạt, khéo léo xử lý vấn đề, lợi mình lợi người và lợi cả hai. Từ đó ta thấy được phẩm chất này cũng phù hợp với tâm từ và nên trưởng dưỡng chúng.
11. Thanh tịnh sáu căn (santindriyo)
Sáu căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, những căn này đều là cửa ngõ của các ý niệm và chúng tạo nên đời sống hiện hữu của mỗi người. Ở đó, thông qua những hành động hợp hay không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức để phản ánh. Trong quá trình trưởng dưỡng tâm trí, hành giả khéo bỏ những hành động bất thiện trói buộc thân tâm mình, từ đó giúp cho mỗi ý niệm và tâm an định trở nên tĩnh lặng. Như vậy, mới giúp cho hành giả đi vào định sâu.
Trong đạo Phật, Giới rất quan trọng, sau đó là Định và tiếp theo nữa là Tuệ. Hành giả chỉ có thể giữ gìn chính niệm bằng cách kiểm soát cũng như hạn chế phiền não sinh khởi, từ đó mới thành tựu được đường tu. Bởi vậy, hành giả phải nỗ lực Thiền Quán để tâm vắng lặng, tịch tĩnh, nhờ đó tâm từ mới phát triển mạnh mẽ hơn được và nhất là khiến cho phiền não không còn cơ hội để hiện khởi.
12. Thành thục (nipako)
Thành thục nghĩa là hiểu rõ cái gì là hợp thời và cái gì là không, từ đó mang đến lợi ích thiết thực, nhất là lĩnh vực tâm linh. Nếu chỉ có phát tâm và sinh khởi tâm từ thanh tịnh thôi vẫn chưa đủ. Ví dụ, đưa ra những thông tin mà người khác không cần thiết, sẽ khiến cho họ tức giận, còn đưa ra những thông báo sai lầm thì hậu quả khó mà tưởng tượng được. Có một vài người cảm thấy dễ dàng lợi dụng sự giúp đỡ của người khác, chúng ta cần phải biết cách bảo vệ bản thân và làm chủ chính mình.
Trong thời gian thực hành Thiền Rải Tâm Từ, hành giả nên tư duy về nghiệp duyên của chính mình, xem thử có phù hợp để trưởng dưỡng tâm từ hay không. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, thành thục là việc rất cần thiết, khi phát triển Thiền Quán ở tầng định sâu hơn, đó chính là trí tuệ.
13. Không lỗ mãng (appagabbho)
Lỗ mãng là những hành động thô lỗ. Quá trình tu tập Thiền Quán giúp hành giả phát triển được cảnh giới nội tâm, tâm nhờ trải qua sự tinh lọc lắng đọng trở lại rồi được tịnh hóa vào tầng lớp sâu lắng hơn, từ đó hành giả không còn những cử chỉ hay lời nói thô lỗ nữa. Các thứ lớp của thiền định cũng đồng với Giới - Định - Tuệ. Luyện tập cho tâm không còn thô lỗ nữa, ít nhất giúp cho ta giảm trừ được phiền não. Bên cạnh đó, hành giả còn có thể trưởng dưỡng tâm thức ngày thêm vắng lặng và thanh tịnh hơn. Nếu quan sát biểu hiện bên ngoài, hành giả sẽ thấy được thành quả tu hành thông qua những hành động từ thân, miệng, ý đối với những người xung quanh. Thông thường, tâm từ càng mạnh, càng lớn, hành động càng tịnh hóa, càng nhẹ nhàng. Sự mềm mỏng, ôn hòa khi hành động không thô lỗ là vô cùng quan trọng, đây chính là thành quả do bản thân thiền sinh tích lũy lâu dài mà có được.
14. Không tham luyến đời sống thế tục (kulesu ananugiddho)
Thẳng thắn mà nói, tất cả chúng ta đều là hạng phàm phu và đang sống trong một đời sống thế tục, nhưng chỉ khác nhau ở chỗ tâm dính mắc nhiều hay ít mà thôi. Đôi khi điều này cũng được thể hiện rõ ở việc tâm ta có khởi tham ái và chấp thủ vào những thứ người khác đem đến cho mình hay không. Nếu ta không khéo điều tiết lại, những hành động này lâu ngày có thể sẽ khiến cho đối phương phản cảm. Khi hành giả khởi tâm chấp trước, tâm từ sẽ bị ô nhiễm. Lúc ấy, sự thần kỳ tốt đẹp mất đi và phiền não cũng bắt đầu trỗi dậy theo sau đó.
15. Không dễ dàng phạm phải bất kỳ lỗi lầm nhỏ nhặt nào mà bậc trí đã khiển trách (Na ca khuddamācare kiñci, yena viññū pare upavadeyyum)
Bậc trí thường khiển trách tất cả những việc làm bất thiện, cho dù là việc bất thiện ấy có vi tế đến đâu thì cũng phá hủy đi sự thuần tịnh nơi tâm. Tất cả những ác hạnh, dù là rất nhỏ, tuy không thấy được nhưng không được xem thường chúng. Hành giả hết sức cẩn thận để tránh gặp phải lỗi lầm. Hơn nữa, hành giả cần phải giữ gìn chính niệm đối với thân hành, đồng thời bảo vệ sáu căn, những điều này đối với việc phát khởi tâm từ vô cùng quan trọng.
Mong cho tất cả chúng sinh bình an hạnh phúc (Sabbe sattā bhavantu sukhitattā)!
Bao gồm tất cả các loài chúng sinh (Ye keci pāṇabhūtatthi).
Những loài yếu đuối hay mạnh mẽ, v.v. tất cả đều không sót (Tasā vā thāvarā vanavasesā);
Những loài hoặc dài, hoặc thô, hoặc trung tính, v.v. (Dīghā vā ye va mahantā majjhimā);
Những loài hoặc nhỏ, hoặc ngắn, hoặc béo, hoặc gầy, v.v. (Rassakā anukathūlā);
Những loài hoặc gần, hoặc xa, v.v. (Ye va dūre vasanti avidūre);
Những loài hoặc đã sinh, hoặc còn trong bào thai, v.v. (Bhātā va sambhavesī va);
Mong cho tất cả chúng sinh bình an hạnh phúc (Sabbe sattā bhavantu sukhitattā)!
Mong cho mọi người không lừa dối lẫn nhau (Na paro param nikubbetha)!
Cũng không xem thường nhau (Nātimaññetha katthaci nam kiñci);
Không phẫn nộ, cũng không có niệm ác đối với mọi người (Byārosanā patighasaññā);
Cũng không vui mừng vì người khác chịu khổ (Nāññamaññassa dukkhamiccheyya);
Giống như mẹ hiền nhớ nghĩ đến con thơ (Mātā yathā niyam puttam);
Không tiếc thân mạng mình (Āyusā ekaputtamanurakkhe).
Mong cho mọi người phát tâm từ vô lượng đối với tất cả chúng sinh (Evampi sabbabhūtesu)!
Mong cho tâm từ bi mở rộng (Mānasam bhāvaye aparimāṇam)!
Tâm từ bi vô lượng rộng khắp trần gian (Mettañca sabbalokasmi);
Từ phương Trên, phương Dưới cho đến khắp mười phương (Uddham adho ca tiriyañca);
Không có chướng ngại, sân nhuế, hận thù (Asambādham averamasapattam).
Cho dù đi, đứng, nằm, ngồi (Tittham caram nisinno va sayāno va);
Mỗi thời đều tỉnh thức (Yāva tāssa vigatamiddho);
Đều giữ gìn chính niệm và tâm từ (Etam satim adhiṭṭheyya);
Xây dựng đời sống an bình giữa thế gian (Brahmametam vihāramidhamāhu).
NĂM ĐIỀU LƯU Ý
Sau khi Đức Phật dạy chúng đệ tử phương pháp trưởng dưỡng đạo đức, Ngài còn hướng dẫn cách rải tâm từ cho các loài hữu tình, nhằm để phát khởi tâm từ vô lượng phổ biến khắp nơi. Hành giả có thể vận dụng bất kỳ phương pháp nào để thực hành Thiền Rải Tâm Từ. Sau cùng, Thế Tôn khuyên răn chúng đệ tử chớ rơi vào tà kiến bằng cách kiến lập chính kiến, như vậy mới có thể quán chiếu sâu sắc, đồng thời tìm cầu con đường liễu sinh thoát tử rốt ráo. Đức Phật đã từng dạy năm việc như sau:
1. Phương pháp hành trì
Trong phần trước đã giới thiệu một cách giản lược về phương pháp Thiền Rải Tâm Từ, về chi tiết có thể tham khảo thêm Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) của Tôn giả Phật Âm (Buddhaghosa), trong đó Tôn giả đã dựa vào kinh điển để trình bày các phương pháp một cách cụ thể nhất.
2. Tinh tấn tu hành
Nhìn từ sự chuyên cần tinh tấn Thiền Quán, hành giả mới có thể hiểu rõ được là không đưa đến lợi ích gì nếu chỉ nói suông mà không thực hành, vì đây không chỉ là sự nghiên cứu về mặt tri thức. Bất luận là thực tập hằng ngày hay là thiền quán hành giả đều phải đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết, nhất là trong việc tu định thì càng cần thiết hơn. Do đó, thiền bao gồm cả bốn oai nghi “đi, đứng, nằm, ngồi”. Bên cạnh đó, sự kiên trì tinh tấn là rất quan trọng.
3. Loại trừ tà kiến
4. Nuôi dưỡng chính kiến
5. Bước vào Thánh đạo
Ba điểm trên sẽ được phân tích kỹ hơn ở chương Thiền Rải Tâm Từ và Thiền Quán.
PHÂN TÍCH KINH VĂN
Nội dung đạo đức được đề cập trong bài Kinh Rải Tâm Từ được tổng kết như sau:
1. Mục tiêu
Mong muốn đạt được cảnh giới tịch tĩnh, vắng lặng.
2. Đức tính
a) Năng lực (sakka)
b) Thẳng thắn (uju)
c) Hết sức thẳng thắn (suhuju)
d) Uyển chuyển (suvaco)
e) Nhu nhuyến (mudu)
f) Khiêm cung (anatimānī)
g) Tri túc (santutthi)
h) Dễ nuôi dưỡng (subharu)
i) Chuyên chú vào một việc (appakicco)
j) Sống tối giản (sallahukavutti)
k) Thanh tịnh sáu căn (santindriyo)
l) Thành thục (nipako)
m) Không lỗ mãng (appagabbho)
n) Không tham luyến đời sống thế tục (kulesu ananugiddho)
o) Không dễ dàng phạm phải bất kỳ lỗi lầm nhỏ nhặt nào mà bậc trí đã khiển trách (na ca khuddamācare kiñci, yena viññū pare upavadeyyum).
3. Hành động
a) Rải tâm từ cho tất cả chúng sinh (phương pháp).
b) Thiền Quán trong mọi hoàn cảnh (tinh tấn).
4. Quán chiếu hành vi
a) Không rơi vào tà kiến.
b) Đủ đầy trí tuệ.
c) Không còn tái sinh.
Hành giả có thể đưa một số phẩm hạnh đạo đức liên kết với phương pháp thiền tập. Ví dụ đức tính “tri túc” (2g) là đức tính tốt đẹp hay nền tảng của các cặp phẩm hạnh “dễ nuôi dưỡng” (2h), “sống đời tối giản” (2j), “không tham luyến đời sống thế tục” (2n).
Khi “không lỗ mãng” (2m), hành giả sẽ trở nên “uyển chuyển” (2d), “nhu nhuyến” (2e), “khiêm cung” (2f).
“Ngăn ngừa ba nghiệp bất thiện” (20) và “Thanh tịnh sáu căn” (2k), cơ bản là tương đồng với nhau, phía trước là hướng vào thân nghiệp, còn nội dung phần sau tương đối rộng.
Ba nhóm phẩm chất đạo đức vừa nêu trên đều là nền tảng cơ bản giúp hành giả dễ dàng trưởng dưỡng tâm từ.
Còn những đặc tính khác như “năng lực” (2a), “thẳng thắn” (2b), “hết sức thẳng thắn” (2c) dường như đều có thể ứng dụng với toàn bộ quá trình thiền tập. Trong đó (2b) và (2c) được hình thành từ (2a). “Thành thục” (2l) cũng hình thành từ những bước ứng dụng như trên.
Duy chỉ có “chuyên chú vào một việc” (2i) là chưa được đề cập đến ở đây, vì đức tính này không chỉ là tiền đề của tri túc (đối với nhu cầu của thế gian) mà còn cần nhiều thời gian để tu tập Thiền Quán.
Biểu đồ tóm tắt
Từ biểu đồ tóm tắt ở trên, ta thấy được một số điểm trọng yếu như sau:
1. Tịch tĩnh, vắng lặng là điều kiện cần thiết để trưởng dưỡng tâm thiện;
2. Một khi nội tâm được tịnh hóa rồi thì tâm sẽ trở nên nhu nhuyến, đồng thời mang đến cho tâm từ sức hấp dẫn thù thắng, định lực và hạnh phúc;
3. Biết tri túc sẽ được nhiều thuận duyên để tu tập Thiền Quán như: thời gian và tỉnh thức.
4. Thành thục, chín muồi là ánh sáng chiếu tỏ quá trình tu tập.