1. Cha mẹ - con cái
Cha mẹ: dạy dỗ, trách nhiệm - thương yêu
Con cái: nghe lời, hiếu thảo - thương kính
Cha mẹ thường được xem là người bạn đầu đời hoặc là vị Bà la môn1 của những đứa trẻ. Những người đã làm cha mẹ rồi đều biết được sự hy sinh của mình dành cho con cái.
1 Bà la môn (brāhmana): Gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả hay các vị lãnh đạo tôn giáo, v.v. tức là những người giữ đặc quyền thống trị tinh thần, chuyên phụ trách về lễ nghi và cúng bái. Ấn giáo xếp Bà la môn vào hàng giai cấp thượng đẳng và quan niệm rằng, họ được sinh từ miệng thần Brāhma, nên có những đặc quyền ưu tiên, đáng được tôn kính, nhất là được an hưởng đời sống vật chất sung túc. Ngày nay, người Ấn vẫn rất tôn sùng giai cấp này. Trong mắt họ, đây này là giai cấp thượng đẳng.
Có một vị từng nói với tôi rằng, nếu như thật sự yêu thương những đứa trẻ của mình thì sự hy sinh ấy có thấm tháp gì đâu. Do đó, con cái phải có trách nhiệm nghe lời để biểu tỏ sự tri ân của mình đối với cha mę...
Thực tế thì sự việc diễn ra phức tạp hơn nhiều, có một số người làm cha làm mẹ nhưng bản thân chưa được giáo dục tốt hoặc không có đủ niềm tin kiên định đối với tôn giáo của mình, bên cạnh đó thì những đứa trẻ không thể nào hiểu được bản chất ý nghĩa thật sự của kiếp nhân sinh hoặc những suy nghĩ của người lớn, dần dà dẫn đến khoảng cách giữa hai thế hệ.
Vậy tâm từ có thể giải quyết được vấn đề này không? Nếu như ta biết vận dụng và kết hợp giữa tri thức thế gian với trí tuệ xuất thế, chắc chắn là làm được. Tuy nhiên, cũng có một số người nhận định rằng trí tuệ xuất thế chiếm tỷ trọng nhiều hơn.
Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái:
1. Ngăn không cho con làm điều xấu;
2. Ủng hộ con tiếp tục làm điều tốt;
3. Rèn kỹ năng sống cho con;
4. Chọn người bạn đời phù hợp với con;
5. Để lại di sản thừa kế cho con.
Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ:
1. Nuôi dưỡng cha mẹ khi họ về già
2. Gánh vác trách nhiệm gia đình;
3. Giữ gìn truyền thống gia đình;
4. Kế thừa và phát huy di sản cha mẹ để lại;
5. Sau khi cha mẹ qua đời, làm phước cúng dường và hồi hướng cho cha mẹ.
Có một thực tế thường thấy khi con cái lớn khôn nên người, lúc này cha mẹ cũng đến hồi già yếu và cần nương tựa vào chúng. Thế là cán cân trong mối quan hệ vừa nêu dần nghiêng về những đứa con, nếu chúng có hiếu biết quan tâm, hỏi han thì đây đúng là phúc của những người đến tuổi xế chiều; còn bằng không thì...
2. Thầy cô - học trò
Thầy cô: nghiêm từ
Học trò: chăm học
Mối quan hệ giữa thầy và trò không được gắn bó lâu dài bằng mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Thầy cô có vị rất nghiêm khắc, nhưng có vị dễ tính và cũng có vị thì không khó cũng không dễ. Vì vậy, có thể nói thái độ của thầy cô như thế nào còn phải tùy thuộc vào biểu hiện của mỗi học sinh nữa.
Đức Phật từng nói rằng: “Dạy học trò hệt như huấn luyện ngựa vậy, có con mới vừa thấy roi vung lên đã sợ mà tự khắc chạy nhanh rồi, nhưng cũng có con dù bị đánh thương tích đầy mình mà vẫn không chịu cất vó rảo bước nữa”. Điều này cho thấy, “roi vọt” thật sự rất cần thiết cho một số học sinh cứng đầu.
Đức Phật có cách thức riêng để xử lý vấn đề đối với những người đệ tử bất kham của mình là rải tâm xả và không nói nữa. Thực tế, từng có một vài vị thầy cô đã trở thành kẻ độc tài do lạm dụng uy quyền “gõ đầu trẻ” của mình, làm cho một số học sinh mang tâm lý sợ hãi, từ đó dẫn đến tình trạng trốn tránh hoặc tính cách trở nên nổi loạn.
Xã hội ngày nay đa phần theo chủ nghĩa bình đẳng, trật tự các mối quan hệ không còn được xem trọng như trước. Nhờ sự kết nối thâm tình giữa thầy và trò, giúp cho việc học trở nên ý nghĩa và hiệu quả cao hơn.
Qua bao nhiêu năm dạy thiền, tôi đúc kết thêm được một kết luận là thầy cô cần phải có trí tuệ gồm cả hai mặt đời và đạo, và đây chính là điểm ưu việt của thầy cô so với những giáo viên bình thường. Mỗi em học sinh đều có trình độ và khả năng khác nhau, vì vậy mức độ quan tâm của thầy cô cũng có phần khác nhau. Đương nhiên, lý tưởng nhất vẫn là cố hết sức mình quan tâm theo dõi, và nhất là phải bao gồm cả tâm từ trong đó nữa. Khi nhận được sự quan tâm đúng mức và đúng thời điểm, tự nhiên các em học sinh sẽ cảm nhận được tâm từ và nghe lời dạy của các thầy cô giáo thôi.
Trách nhiệm của thầy cô giáo đối với học trò:
1. Dụng tâm hướng dẫn và dạy dỗ;
2. Bảo đảm học sinh sẽ tốt nghiệp khóa học;
3. Truyền trao hết các tri thức hay kỹ thuật ngành nghề;
4. Giới thiệu, tiến cử học trò cho bạn bè hay đồng nghiệp của mình;
5. Là nơi nương tựa, là chốn quay về cho các em học sinh đang chịu cảnh “mồ côi tinh thần”.
Trách nhiệm của học trò đối với thầy cô giáo:
1. Đứng dậy hành lễ với thầy cô giáo;
2. Phục vụ trà nước khi thầy cô giảng dạy;
3. Chuyên tâm lắng nghe bài giảng;
4. Tiếp thu kiến thức mà thầy cô giáo truyền dạy với thái độ cung kính;
5. Sẵn sàng học hỏi thầy cô giáo khi cần thiết.
3. Chồng - vợ
Chồng: tín nhiệm và trung thực
Vợ: tín nhiệm và trung thực
Thời Đức Phật còn tại thế, vị thế người nam trong gia đình tuy rất cao, nhưng về mặt trung thực thì cần đến từ cả hai phía chồng và vợ.
Thông thường, chúng ta hay nghĩ rằng sự thân mật trong mối quan hệ vợ chồng là điều hiển nhiên, nhưng trên thực tế, điều ấy chỉ đúng ở mặt nghĩa đen về thân xác thôi; còn về mặt tâm lý mà nói thì còn tùy thuộc vào lương tâm của mỗi người nữa.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vì muốn giữ thể diện cho bản thân hoặc cho dòng họ, nên đôi khi người ta thường hay đóng giả một cặp vợ chồng hạnh phúc trước mặt người ngoài, nhưng thực chất họ đã ngầm ly thân từ lâu rồi. Điển hình như xã hội phương Tây, vấn đề bất bình đẳng giới tính tuy đã không còn nhiều nữa, nhưng điều này không có nghĩa là hai vợ chồng có thể dành cho nhau tâm từ dài lâu và thường xuyên.
Có một điều khá thú vị là hơn hai mươi sáu thế kỷ trước, Đức Phật đã từng đưa ra mẫu hình lý tưởng của người phụ nữ với những vai trò thiêng liêng như: làm mẹ, làm chị, làm bạn và làm người hầu gái, v.v.
Có rất nhiều câu chuyện thực tế cho ta thấy, nếu tâm từ của những cặp vợ chồng đủ mạnh và lớn thì cuộc sống hôn nhân mới hạnh phúc được. Nếu cả hai vợ chồng đến với nhau chỉ vì cảm xúc nhất thời hay vì thuần vật chất, chắc chắc tới một lúc nào đó cả hai rồi cũng sẽ đường ai nấy đi mà thôi.
Trách nhiệm của chồng đối với vợ:
1. Hết mực yêu thương vợ;
2. Không được xem thường vợ;
3. Sống thật lòng với vợ,
4. Chia sẻ quyền với vợ;
5. Tặng quà ý nghĩa cho vợ.
Trách nhiệm của vợ đối với chồng:
1. Thật lòng thật dạ với chồng;
2. Sử dụng đồng tiền hợp lý;
3. Quán xuyến công việc gia đình;
4. Giữ gìn của cải gia đình;
5. Tháo vát siêng năng việc nhà.
4. Cấp trên - nhân viên
Cấp trên: đức độ, bao dung
Nhân viên: trung thành, tận tụy
Đối với mối quan hệ cấp trên - nhân viên, thường thì người cấp trên sẽ tận dụng uy quyền để thưởng phạt nhân viên của mình. Cũng có những trường hợp do bất mãn với đãi ngộ lương bổng mà các nhân viên tập hợp với nhau biểu tình phản kháng lại cấp trên, thậm chí là sát hại cấp trên của mình, hệt như cuộc đại cách mạng ở nước Nga trước đây vậy.
Trong một xã hội tương đối bình đẳng như ngày nay, quyền hạn của người sếp thường sẽ bị giới hạn theo luật pháp của nước sở tại. Nếu không khéo thì vết xe lịch sử vẫn cứ tiếp diễn, vì vậy từ bi và trí tuệ là điều không thể thiếu trong mối quan hệ này. Đôi khi mối quan hệ giữa cấp trên với nhân viên cũng sẽ bị thay đổi trật tự khi người nhân viên vì một lý do gì đó như được thăng cấp trên cả người sếp hiện tại nữa. Dù thực tế có công bằng hay không, điều quan trọng nhất là vẫn phải chấp nhận sự thật này. Từ đó cho thấy, mọi thứ đều có thể thay đổi, vì vậy cần phải sống tốt với vai trò hiện tại của mình là điều cần thiết.
Trách nhiệm của cấp trên đối với nhân viên:
1. Sắp xếp công việc phù hợp với khả năng từng nhân viên;
2. Trả lương nhân viên đầy đủ và đúng hẹn;
3. Quan tâm nhân viên khi họ ốm đau;
4. Thỉnh thoảng chiêu đãi khen thưởng nhân viên;
5. Không bóc lột sức lao động của nhân viên.
Trách nhiệm của nhân viên đối với cấp trên:
1. Đi làm đúng giờ;
2. Ra về đúng giờ;
3. Làm đúng vai trò;
4. Tận tụy với công việc;
5. Trung thành với cấp trên.
5. Tăng ni - Phật tử
Tăng ni: từ bi, trí tuệ
Phật tử: cầu học, khiêm cung
Mối quan hệ giữa chư Tăng ni với Phật tử cũng giống như mối quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh vậy, tuy nhiên có phần ưu việt hơn ở góc độ tâm linh tôn giáo. Quý Tăng ni là trưởng tử của Như Lai, là những người sống một đời sống phạm hạnh cho đạo pháp và dân tộc, nên các vị ấy phải vượt qua một số vấn đề cơ bản của con người và hoàn thành sứ mệnh hoằng pháp. Có câu nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tư”, và trong thực tế cũng có một số vị không làm tròn chức trách của mình, nên đã làm cho hình ảnh “chiếc áo thầy tu” bị bóp méo rất nhiều.
Từ xưa đến nay, phương diện tinh thần luôn vượt qua bề mặt vật chất thế gian. Nếu ta quán chiếu thấy được thực tướng này sẽ không còn phát sinh vấn đề gì nữa. Và mối quan hệ giữa quý Tăng ni với Phật tử sẽ rất đẹp nếu cả hai cùng giữ được bổn phận và trách nhiệm của mình. Vì xã hội ngày nay là một xã hội thiên về chủ nghĩa bình đẳng, nên đôi khi vai trò của mỗi người cũng khá mờ nhạt, và điều mà mọi người đặc biệt quan tâm chính là đức hạnh, hay còn được gọi là đạo đức của người tại gia và xuất gia đó. Nếu như hàng Phật tử đủ duyên, đủ phúc báo sẽ gặp được bậc thiện tri thức và học được kinh nghiệm quý báu, nhất là biết cách ứng dụng những kinh nghiệm ấy vào trong đời sống hằng ngày, nhờ đó có được một cuộc sống chất lượng cao nơi thân và tâm.
Trách nhiệm của Tăng ni đối với Phật tử:
1. Khuyên ngăn Phật tử không làm việc ác;
2. Khuyến khích Phật tử tiếp tục làm việc thiện;
3. Từ bi, đức độ giáo hóa Phật tử;
4. Khai thị thuyết pháp cho Phật tử nghe;
5. Hướng dẫn Phật tử phương pháp tu tập thiết thực.
Trách nhiệm của Phật tử đối với Tăng ni:
1. Thân sống theo lời dạy nhân từ;
2. Miệng nói những lời nhân từ;
3. Ý nghĩ về những điều nhân từ;
4. Cúng dường chư Tăng ni với tâm cung kính;
5. Phát tâm hộ trì chính pháp Như Lai.
Trong cuộc sống ngày nay, thi thoảng chúng ta giống như một người diễn viên với nhiều vai diễn khác nhau, đôi khi cần phải “nhập thế” để hoàn thành tốt những vai diễn của mình. Có lúc làm cha mẹ khi thì làm con cái, cũng có lúc làm cấp trên khi thì làm nhân viên, v.v. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ bổn phận và trách nhiệm của mình được, nhất là ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, một xã hội luôn đề cao trật tự đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Trong thực tế, đôi khi vì quá nhập vai nên các mối quan hệ ấy cũng rối ren, phức tạp không kém. Ở một số làng quê, quan hệ vợ chồng vẫn còn nhiều mâu thuẫn, bên thì tự cho mình có quyền quát tháo, còn bên thì dễ đâu cam chịu lắng nghe. Vì thế, mối quan hệ của cả hai đôi khi không được nồng ấm.
Thường thì Phật tử quá kỳ vọng vào quý Tăng ni mà xem họ như những người siêu phàm. Khi họ thấy được mặt khiếm khuyết của các vị tu sĩ, bèn mất đi tín tâm và có ý khinh chê. Đối với một hành giả tu thiền thì không nên có thái độ như vậy. Khi quán chiếu và rõ biết thực tướng các pháp, ta sẽ hiểu được ai cũng cần có thời gian để trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình, kể cả các vị tu sĩ cũng vậy, vì họ cũng là con người như ta, cũng còn những phàm tình thế gian. Khi tâm hành giả đủ lớn, đủ bao dung, sẽ dễ dàng chấp nhận được sự thật vì “nhân vô thập toàn”.
Một hành giả khi diễn đúng vai của mình thì những tâm thiện như tâm từ, tâm bi, tâm hỷ đều sẽ tăng trưởng tỷ lệ thuận theo thời gian. Và chính niệm tỉnh thức sẽ bảo vệ cũng như vun bồi tâm thiện rất nhiều, lúc này trí tuệ sẽ cho ta biết nên diễn vai gì là thích hợp nhất.
Muốn cải thiện tốt các mối quan hệ, điều cần thiết là ta phải biết vun bồi hạt giống “thiện” và loại bỏ những tạp chất không cần thiết. Tâm từ giống như người lính mở đường hướng tới đức hạnh vậy, mọi thứ rồi sẽ trở nên tươi sáng và quang đãng.
Đức hạnh có nghĩa là gì và phối hợp với tâm từ như thế nào? Nội dung này sẽ được nói rõ hơn ở chương sau.
Nếu như nhận biết rõ những đức hạnh này, chúng có thể sẽ được bồi dưỡng để trở thành nền tảng thanh tịnh giúp ta đảm nhiệm những vai diễn, nó cũng giống như việc tu thiền vậy.
Xã hội phương Tây tương đối bình đẳng, cho dù vai diễn có thay đổi hay tính trọng yếu có giảm thiểu đi nữa thì những đức tính tốt đẹp này vẫn có đủ năng lực giữ gìn mối quan hệ gắn kết giữa người với người. Sở dĩ, được như vậy vì người phương Tây tương đối chú trọng vào nỗi khó khăn và sự thiện lương ở mỗi người, chứ không nhìn vào địa vị hay mối quan hệ xã hội như người châu Á. Một khi gặp thất bại, họ cũng dễ dàng sinh tâm xả ly hơn.
Ví như ở xã hội phương Tây, sau khi hai vợ chồng ly hôn thì họ vẫn có thể làm bạn tốt và vẫn còn qua lại với nhau, điều này rất khó xảy ra đối với những người Á Đông. Thật ra điều này cũng dễ lý giải bởi vì ở mỗi nền văn hóa khác nhau làm cho con người ta có những nhận thức và hành động không giống nhau. Điều cần chú ý ở đây là có người chỉ thích hợp đóng một số vai nhất định, nếu đóng vai khác họ sẽ không còn phù hợp và bị đuối sức. Duy chỉ khéo léo uyển chuyển đồng thời kết hợp với tâm từ cùng trí tuệ, hành giả mới có thể thích ứng được với hầu hết mọi vai diễn.