Trong Kinh Thi Ca La Việt (Sigālovāda Sutta) - một bài kinh quan trọng của Phật giáo Thượng tọa bộ miêu tả như sau: “Một hôm, Đức Phật thuyết giảng cho cư sĩ Thi Ca La Việt (Sigālovāda) về cuộc sống của người tại gia, và dạy họ cách để duy trì mối quan hệ giữa người với người, cũng như trách nhiệm tự thân của họ”. Chúng ta cần phải hiểu rằng nội dung bài kinh chắc chắn nói về bối cảnh văn hóa xã hội Ấn Độ đương thời, thế nhưng tới ngày hôm nay nội dung ấy vẫn còn giá trị ứng dụng, chẳng những thích hợp với nơi ta đang sinh sống, mà còn hợp với xã hội phương Tây nữa.
Cư sĩ Thi Ca La Việt được Đức Phật dạy là nên lễ lạy sáu phương với những mối quan hệ luân thường đạo lý thường gặp như sau:
Cha mẹ - con cái
Thầy cô - học trò
Chồng - vợ
Cấp trên - nhân viên
Tăng ni - Phật tử
Mỗi người chúng ta đều có một bổn phận, vai trò khác nhau và đương nhiên không phải ai cũng được bình đẳng ngang nhau. Có một câu nói phổ biến hiện nay: “Mỗi người đều bình đẳng như nhau, nhưng có một số người sẽ được bình đẳng hơn”. Câu nói ấy không trái với nhân quyền, mà là giúp ta rõ biết sự thật về nhân quyền là như vậy. Nhờ đó ta mới có thể thay đổi suy nghĩ tích cực để đời sống được trở nên tốt hơn. Thực tế cho thấy có một số người may mắn được thừa hưởng một số đặc quyền, bên cạnh đó thì nhiều người lại rất bất hạnh như xuất thân trong tầng lớp thấp của xã hội và hầu như không có cơ hội để tiến thân nữa, v.v.
Vô minh (hoặc có thể còn nhiều nguyên do khác nữa) làm cho ta tham ái, tật đố, va chạm xung đột và không tin tưởng lẫn nhau. Khi hiểu rõ được thực tướng của các pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã sẽ giúp ta có được thái độ nhận thức đúng đắn, đồng thời sẽ hướng về tâm bị, biết cảm ơn và yêu thương. Kế đến, ta sẽ hiểu rõ được vai trò của mình trong mọi hoàn cảnh. Nếu như diễn đúng vai của mình thì chắc chắn ta sẽ có được bình yên và hạnh phúc. Còn nếu ta diễn trật vai, tự mình cần phải biết tùy duyên thay đổi một cách sáng suốt, có như thế mới tốt hơn được.
Ta cần lưu ý rằng, bất kể mối quan hệ nào đi nữa, đều có sự xuất hiện của con người trong đó cả. Nếu ta không khéo diễn vai của mình, mối quan hệ ấy chắc chắn sẽ tan vỡ. Trong các mối quan hệ, tuy người có tâm thanh tịnh không bị áy náy về những lỗi lầm, nhưng cũng phải cần tâm từ đủ mạnh để cải thiện và duy trì được mối quan hệ của cả hai.
Ở đây tôi muốn đưa ra một câu hỏi như sau: “Bạn có muốn làm bạn với người không giữ chữ tín không?” Chắc chắn câu trả lời của bạn là không rồi. “Bạn có muốn làm bạn với người không biết giao tiếp không?” Và đáp án cũng tương tự câu hỏi vừa rồi. Có thể bạn sẽ thắc mắc về tính hiệu dụng của việc rải tâm từ cho tất cả chúng sinh để xem ta có thể làm bạn được với họ hay không? Nhất là đối với những người mình chưa từng quen biết, làm sao có thể ảnh hưởng tới họ cho được? Theo nguyên lý đích thực là như vậy, nhưng phần nhiều tâm từ của chúng ta chưa đủ lớn và mạnh đến mức có thể làm tình bạn xa lạ được đâm chồi nảy lộc. Điều cần thiết lúc này là ta phải làm sao để giữ được sự tín nhiệm và thiện chí trong mối quan hệ của cả hai.
Trách nhiệm giữa bạn bè với nhau:
1. Tặng quà biếu lễ,
2. Nói lời hòa ái;
3. Tôn trọng riêng tư;
4. Xem bạn như mình;
5. Giữ gìn uy tín.
Trách nhiệm giữa chồng với vợ hoặc người yêu với nhau:
1. Chăm sóc bạn đời;
2. Trông giúp của cải;
3. Làm nơi nương tựa;
4. Đùm bọc lẫn nhau;
5. Quan tâm con cái.
Mối quan hệ vừa nêu trên được xem như là một cam kết về đồng cam cộng khổ và tôn trọng lẫn nhau, nhất là sự chân thành quan tâm, giúp đỡ, yêu thương ở ba phương diện “thân miệng - ý” của nhau. Dang tay giúp đỡ để bạn có một nơi nương tựa tinh thần là việc cần phải làm và rất đáng được khen ngợi. Khi cần, có mặt kịp lúc, đây mới thật sự là bạn bè. Những lúc khốn khó, gian nguy, mới biết ai là người sẽ đồng hành với bạn đến cuối cuộc đời.