Định tâm từ thường được sinh khởi trong các khóa tu miên mật, nhờ môi trường yên tĩnh vắng lặng mà hành giả có thể đạt được sự thành tựu nhất định, nhưng thực tế định tâm từ còn có thể sinh khởi từ trong đời sống hằng ngày. Như khi ta đang làm một việc gì đó khá nguy hiểm cũng đều cần có một sự tập trung cao độ, nhưng vì khi đó đối tượng ta chuyên chú khác với lúc thiền nên không cần sức định quá lâu mà thôi.
Nếu bạn muốn có được định hằng ngày thì cần phải thường xuyên luyện tập, một khi đã thuần thục rồi sẽ sinh định rất nhanh và sâu nữa. Những lo âu trong cuộc sống tự nhiên cũng được giảm thiểu đáng kể. Lúc này, hành giả cần phải tự mình rõ biết lúc nào và ở đâu nên nhập định sâu, nhằm có thể điều chỉnh phù hợp với ý muốn của mình.
Sau khi bạn trải qua được quá trình huấn luyện thành công, lúc này tự bạn sẽ biết cách tạm gạt mọi thứ sang một bên, nhập sâu vào định tâm từ. Dù là ngắn chỉ vài phút hay vài giây, với từng ấy thời gian cũng đủ để bạn khôi phục lại sức khỏe cho mình một cách diệu kỳ. Trong cơ thể của bạn lúc này tràn đầy sinh khí hơn bao giờ hết.
Khi cho con trẻ đi ngủ, cũng chính là dịp để bạn rải tâm từ trong một vài ba phút. Đọc một biến Kinh Rải Tâm Từ, nhắm mắt lại và tập trung rải tâm từ cho con.
Khi bạn nhận một cuộc điện thoại, tai vừa nghe tiếng nói, vừa vận tâm rải tâm từ cho người bên kia cuộc gọi. Nếu bạn vừa nói vừa đi thì tâm từ lúc này vẫn có thể rải được, nhưng hiệu quả không cao.
BÍ QUYẾT THÀNH TỰU
Nhằm tạo cho mình sự thoải mái và kiên định nhất có thể, bạn nên đi kinh hành vài phút trước khi chuẩn bị ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn.
Buổi sáng là thời gian vàng, là thời điểm lý tưởng nhất để ngồi thiền sau một đêm ngủ nghỉ đầy đủ. Những quãng thời gian khác còn lại trong ngày cũng đều được cả, thường thì chỉ cần 30 phút ngồi yên định tâm là đủ. Nếu bạn thường xuyên luyện tập, chắc chắn sẽ dễ nhanh sinh định hơn nhiều. Vì vậy, bạn cũng chớ nên xem thường việc hành thiền mỗi ngày, đây là điều mà các vị thiền sinh tham gia khóa tu miên mật thường hay bỏ lỡ. Họ cho rằng ngồi thiền ít như vậy sao đủ hiệu nghiệm cơ chứ, điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi họ mong muốn quá nhiều. Nếu ta không thường ngồi thiền, thì tâm sân rất dễ sinh khởi, đôi khi dẫn đến những hành động đáng tiếc làm cho ta ân hận không kịp. Vì vậy, việc ngồi thiền mỗi ngày là một việc quan trọng và cần thiết cho mỗi thiền sinh.
SÁNG TẠO KỲ TÍCH
Kỳ tích ở đây có thể được tạm hiểu là một chuyện tốt lành hay như một phép màu đã xảy ra. Với ý nghĩa như vậy, ta cũng có thể tạo ra kỳ tích cho chính mình bằng việc khởi tâm từ càng nhiều càng tốt.
1. Kỳ tích đến từ gia đình và xã hội
Có một người nói với tôi là cô ấy đang gặp chuyện bất hòa với người thân của mình. Nghe xong, tôi khuyên cô ấy là nên thường xuyên rải tâm từ cho người thân đó. Và kỳ tích đã đến như mong đợi, hiện nay hai người họ rất hòa thuận với nhau. Người thiền sinh ấy đã vô cùng kinh ngạc vì cô ấy vốn cho rằng sức định của mình không đủ sâu.
Nếu như trên thế gian này, ai cũng là bạn tốt của nhau, thế chẳng phải những ngày tháng yên bình sẽ nhiều sao, nhất là đối với những người sống cùng với nhau hoặc làm chung công việc. Bất luận là đang ở đâu như trong nhà, văn phòng, chùa chiền, v.v. sao ta không thường cùng nhau luyện tập rải tâm từ. Như mỗi buổi sáng, cả nhà cùng rải tâm từ cho nhau và ngồi lại nói chuyện với nhau, nếu làm được như thế chắc chắn những bất hòa hay hiểu nhầm trong gia đình sẽ không còn nữa. Lúc này, ngôi nhà mới thật sự là nơi ấm cúng, tràn đầy hạnh phúc. Cũng cùng một nguyên lý đó, ta có thể áp dụng vào bất cứ đoàn thể nào, như công ty, xí nghiệp, văn phòng, v.v.
2. Kỳ tích đối với việc chữa trị
Bạn có thể rải tâm từ cho một người đang bệnh nặng. Tôi tin rằng tâm từ có một sức mạnh vô biên và tâm vô lượng có công năng đặc trị hữu hiệu.
Đầu tiên, ta nên khích lệ người bệnh phấn chấn tinh thần, bởi vì một khi tâm vui thì nỗi khổ sẽ vơi đi rất nhiều, và cơ thể nhờ đó mà hồi phục rất nhanh. Tôi có một người bạn bị ung thư, cơ thể người bạn ấy bị giày vò đau đớn vô cùng. Lúc này, tôi thử vận dụng tâm từ để hỗ trợ giảm nhẹ sự đau đớn thể xác của người bạn ấy, và tôi nghiệm ra rằng nhờ đó mà tâm bạn của tôi cũng có phần dễ chịu hơn. Bởi vì, tâm sẽ truyền tâm. Đồng thời, tôi cũng thấy được rằng đồng bộ với tâm vắng lặng chính là một cơ thể khỏe khoắn, nhờ đó mà sự phục hồi diễn ra rất nhanh. Kết quả là đã hạn chế được ít nhiều sự đau đớn thể xác, mặc dù chưa được nhiều cho lắm.
Sao ta không thường xuyên đi thăm người bệnh, người già hay những người đang chịu khổ? Đương nhiên, mỗi người đều có thể tự mình đi, nhưng tốt nhất là mọi người cùng đi. Khi rải tâm bị cho một người đang chịu khổ, lúc này ta có thể cảm thọ được sự lan tỏa của tâm bị đang phủ khắp trái tim của người bất hạnh kia. Đồng thời, ta cũng có thể cảm nhận được một sự rung động đến từ tâm bị đang trùm lấy toàn thân của người ấy. Đau khổ sẽ được giảm thiểu rất nhiều khi nhập định sâu và dài.
3. Kỳ tích đến từ cánh rừng già
Khu rừng thường được cho rằng là một nơi ẩn chứa nhiều sự hiểm nguy, do có nhiều động vật hoang dã như: hổ, báo, rắn độc, v.v. xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi. Hơn nữa, nơi này còn có cả những cõi vô hình mà mắt thường không thể nhìn thấy được như ma quỷ chẳng hạn. Khi nghĩ tới hay bước chân vào một khu rừng, lúc này, ta cần có tâm từ đủ mạnh mới có thể chế ngự được những nỗi sợ vô hình.
Có một câu chuyện nói về tâm từ mà mọi người rất thích nghe như sau: Một hôm Đức Phật gặp phải một con voi rừng hung hãn đã bị chuốc rượu say, lúc này Ngài vận dùng tâm từ làm cho nó tỉnh rượu, voi rừng liền phủ phục quỳ dưới chân Đức Phật.
Riêng tôi cũng đã từng nghe được một câu chuyện về một vị Tỳ kheo sống trong rừng với tâm từ rất dũng mãnh. Có một con hổ mẹ cũng vì cảm nhận được nguồn năng lượng tâm từ ấy nên mới dám sinh và nuôi dưỡng con mình ngay tại nơi ở của vị thầy đức độ kia. Động vật có sự cảm nhận rất tốt đối với những người có tâm từ, đương nhiên cảm nhận còn tốt hơn cả con người chúng ta nữa.
Có lần tôi đi vào khu rừng, đi một hồi rồi bị lạc mất phương hướng, lúc này trời lại rất tối. Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ trước đây có người nói rằng nên hướng về thần cây mà rải tâm từ thì sẽ được chỉ dẫn đường đi. Thế là tôi bắt đầu thực hiện và nhờ thế tôi đã nhanh chóng ra khỏi khu rừng. Mọi người xem thử có trùng hợp không? Quá trình diễn tiến hôm ấy như sau: Đầu tiên tâm từ giúp tôi không bị hoảng loạn, nhờ đó giữ được chính niệm để xác định lối ra. Dù là tôi không chắc thần cây có thật sự giúp mình hay không, nhưng suốt con đường tôi đi ra khỏi khu rừng rất suôn sẻ và đúng lối.
Còn ở câu chuyện này, chắc chắn là có vị trời đã ra tay giúp người có tâm từ thoát khỏi ách nạn. Vị A la hán Tu Bồ Đề (Subhūti) có tâm từ rất thù thắng. Một hôm, Ngài ngồi thiền trong một cánh đồng nọ, thấy vậy các vị trời không cho mưa xuống. Nhưng vì thế mà những người nông dân rất lo lắng bị hạn hán, và rồi họ đã quyết định làm mái che cho Tôn giả. Mái che vừa được làm xong thì trời bỗng nhiên mưa như trút nước.
Chúng ta thường thấy mỗi khi đất nước lâm nguy, nhân dân bá tính gặp nạn, quý thầy cô cùng các hàng Phật tử đều tụ hợp lại cùng nhau tụng niệm hoặc rải tâm từ cho khắp cả pháp giới, trời người, hết thảy chúng sinh, ngưỡng nguyện Tam bảo phù hộ độ trì, v.v. Từ đó, ta thấy việc rải tâm từ có công năng ngăn ngừa, cũng như tránh được những nguy hiểm rình rập.
4. Kỳ tích vĩ đại
Những câu chuyện nói về tâm từ vừa nêu trên cho thấy sức mạnh của tâm từ rất kỳ diệu, năng lượng của tâm ấy có thể giảm bớt được những nỗi khổ, niềm đau của chúng sinh. Nhưng có một điều ta cần phải lưu ý rằng, không được khởi tâm ích kỷ vì mình, đề cao cái tôi như cống cao ngã mạn hay cố chấp cho mình là đúng.
Trong tất cả những điều kỳ diệu, sự kỳ diệu lớn nhất của tâm từ chính là tịnh hóa thân tâm. Khi trong ta có đủ tâm từ, chắc chắn sẽ đối trị được những phiền não, nhất là tâm hại và tâm sân. Tâm từ bao trùm lấy thân ta, hệt như nó có thể loại trừ được những sự đau khổ về thể xác như khi ta bị rắn độc cắn và nọc độc chạy khắp thân thể.