Cuộc sống mỗi ngày là một sự tiếp diễn muôn hình vạn trạng và không cố định, vì vậy ta khó mà nhập vào định ở tầng thứ sâu, nhưng điều này không có nghĩa là ta hoàn toàn không thể nhập định được. Ở một góc độ khác, định có thể được dùng nhiều cách thức để phát huy, hệt như những tán cây trong rừng vậy, nếu không muốn khô héo, thì chúng phải tự tìm cách sinh trưởng.
Nếu biết cách rải tâm từ hiệu quả trong cuộc sống thực tế, ta sẽ thấy được tâm từ có thể ứng dụng được ở mọi nơi. Và lúc này có thể ta sẽ rất ngạc nhiên vì tính thích ứng rộng rãi của tâm từ.
Chúng ta đang hiện hữu trong một thế giới phong phú, nhiều màu sắc, và dễ đổi thay. Có lúc ta nghĩ vấn đề nào đó là đúng, nhưng cũng có khi chưa chắc phù hợp. Dù cho thế giới ấy có thế nào đi nữa, thì ta vẫn cần có một sự an yên vắng lặng, vơi đi muộn phiền. Đương nhiên, quan trọng nhất là làm sao để ta có được sự hoan hỷ trong việc đưa ra quyết định có đúng hay không? Vấn đề được xử lý có phù hợp chưa? Những câu hỏi ấy thoáng nghe qua rát quen thuộc đúng không? Mấu chốt ở đây là làm sao để có liên hệ với tâm ta đây?
Thông thường, tâm từ phù hợp với hết thảy mọi tình huống. Đương nhiên, tâm từ sẽ giúp ta có được một nguồn năng lượng tích cực và lợi lạc, từ đó có thể diệt trừ được khổ đau cũng như mở ra cánh cửa hay con đường dẫn đến hạnh phúc. Ấy thế, mọi thứ đều cần có đủ thời gian thì mới giải quyết được vấn đề, nhất là khi ta có được trí tuệ cũng như biết cách trưởng dưỡng định lực.
Do đó, ta phải biết khéo uyển chuyển với mỗi tình huống thực tế. Lúc này, ta cần tập luyện kiên trì để có thể kết tinh được nhiều trí tuệ hơn, đồng thời cũng cần tư duy hơn về mục đích khởi tâm là gì và làm sao để mục đích ấy phù hợp với mỗi thời gian, không gian một cách cụ thể nhất và thích hợp nhất.
Thực tế cho thấy dù là trong các khóa thiền miên mật hay đời sống hằng ngày, tâm từ rất khó duy trì lâu dài được. Đôi khi hành giả cũng cần phối hợp với những tâm vô lượng khác nữa, và giữ chính niệm là một sự lựa chọn khôn ngoan. Như khi đang lái xe, lúc này bạn cần để tâm đến các biển báo giao thông và hẳn nhiên sẽ không thể đem cảm xúc để nghĩ về bất kỳ một ai đó. Những lúc đang xếp hàng trật tự, thì bạn cũng có thể rải tâm từ cho đối tượng cần được rải. Hay như trước khi muốn cho ai đó đi nhờ xe của mình, lúc này bạn rất cần trí tuệ để phán đoán và đưa ra quyết định đúng đắn, nếu không có thể bạn sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu hại mình.
Khi cần đánh văn bản bằng máy tính cho đúng, bạn cũng cần phải để tâm chú ý đến từng con chữ, từng dấu chấm phẩy. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên viết một lá thư tay, lúc này tâm từ sẽ được hiện hữu trên từng dòng chữ còn chưa ráo mực. Và có một điều chắc chắn rằng, những dòng chữ mà bạn dùng khi ấy sẽ rất sinh động như đang nhảy múa vậy.
Kế đến, tâm từ cũng có thể luân phiên được sử dụng với các tâm vô lượng khác như tâm hỷ, tâm bị và tâm xả. Trong mọi mối quan hệ giao tế giữa người với người, thứ tâm được lan tỏa ấy là thứ tâm đẹp nhất.
Khi ta gặp một người đang chịu khổ, tâm bị sẽ được sinh khởi; khi ta gặp một người đang hạnh phúc, tâm hỷ sẽ được sinh khởi theo; hay như khi ta gặp một người mà ta không thể nào giúp được, lúc này tâm xả cũng sẽ được sinh khởi. Nếu chưa quen cách rải tâm vô lượng vừa nêu thì ta cũng có thể rải tâm từ cho các đối tượng trong mọi tình huống xảy ra, miễn sao tối thiểu phải rải được một tâm vô lượng.
Ví dụ: Buổi sáng, khi vừa thức dậy, một người liền rửa mặt, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi làm (trẻ con thì đi học), v.v. Sau khi tan ca, người đó có thể giải trí, rồi nghỉ ngơi, ăn tối và sau cùng là lên giường đi ngủ kết thúc một ngày bận rộn.
Vậy với những trường hợp không có thời gian để rải tâm từ như vậy thì phải làm sao?
Thông thường, tâm từ sẽ được rải cho đối tượng là một người hiện vẫn còn đang có mặt trên cõi đời này, chỉ cần ta có cơ hội tiếp xúc với người đó, tự nhiên sẽ thích hợp sinh khởi tâm từ cũng như các tâm vô lượng còn lại.
Đơn cử như khi đang ăn sáng cùng nhau và lúc này ta sẽ có nhiều cơ hội để mỉm cười chào đối phương, đúng không? Hoặc cũng có thể là hành động nhường chỗ ngồi, hoặc chia sẻ thức ăn, xếp hàng trật tự không chen lấn, v.v. của ta với người khác. Nếu như đang trao đổi vấn đề, ta hãy nói ra những lời thiện ý và từ ái, khen ngợi việc làm của người khác, hoặc cảm thông cho những người đang gặp áp lực cuộc sống, v.v. Thậm chí, đôi khi ta giữ im lặng trong chính niệm cũng là cách rải tâm từ hữu hiệu nhất. Những tưởng mình rải tâm từ như thế là đủ rồi, nhưng thực tế cho thấy việc này cũng hệt như thức ăn vậy, dù ta không đói nhưng vẫn phải ăn để đủ dưỡng chất nuôi cơ thể.
Khi ta lái xe trên đường, ngoại trừ việc tập trung lái và quan sát mọi thứ ra, ta đều không cần thiết phải quan tâm tới những chuyện khác. Bỗng nhiên, có người muốn lấn đường hay vượt đèn đỏ, lúc này ta cần Thiền Rải Tâm Từ vì an toàn là trên hết, mọi vấn đề khác hãy để cho cảnh sát giải quyết. Như bạn thấy đó, mọi nguyên nhân của tai nạn giao thông đều do tính nóng vội và háo thắng. Những lúc tắc đường cũng là cơ hội để tăng sự nhẫn nại của bạn thông qua việc luyện tập rải tâm từ và quan sát mọi hiện tượng diễn ra xung quanh mình.
Cùng nguyên lý như vậy, bạn có thể rải tâm từ cho những người cũng đang bị tắc đường như mình; hoặc khởi lên ý niệm hiện tại của mình còn may mắn hơn một số người khác rất nhiều. Bất luận như thế nào đi nữa thì một tâm thái đúng đắn là điều quan trọng hơn bao giờ hết, vì vậy tâm từ luôn thích hợp với hầu hết mọi hoàn cảnh.
Khi bạn đi làm cũng có thể mỉm cười chào hỏi các đồng nghiệp của mình. Bên cạnh đó, cũng có những ngành nghề đặc thù không cần sự giao tiếp thường xuyên, lúc này chỉ cần bạn giữ chính niệm là được. Nhưng thời gian còn lại bạn cũng nên giao tiếp với cấp trên hay đồng nghiệp của mình. Chúng ta có thể áp dụng những lời dạy của Đức Phật dành cho Thi Ca La Việt trong Kinh Thi Ca La Việt (Sigālovāda Sutta) thuộc Trường bộ để xử lý một số tình huống thường gặp.
Theo tôi biết có một số ngành nghề rất thích hợp cho hành giả ứng dụng Thiền Rải Tâm Từ:
1. Giáo dục: Giáo viên, v.v. là những người thầy dạy cho ta tri thức và đạo đức.
2. Y tế: Bác sĩ, y tá, v.v. là những người giúp cho ta lành bệnh, khỏe mạnh.
3. Dịch vụ: Nhà hàng, khách sạn, v.v. là những nơi mà ở đó ta có thể gặp được nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.
Ngoài ra, còn có rất nhiều ngành nghề giúp ta có được cơ hội để trưởng dưỡng tâm từ.
Qua nhiều năm dạy thiền, tôi rút ra được kinh nghiệm như sau: Nếu hành giả thật sự khởi tâm từ thì sẽ cảm thấy rất khỏe; hơn nữa tinh thần vị ấy phấn chấn như được nạp “pin” đầy đủ. Nếu hai bên cùng rải tâm từ cho nhau, đương nhiên hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội phần. Thỉnh thoảng cũng có vài trường hợp ngoại lệ, hệt như có những con ký sinh trùng đang ăn mòn sức lực của bạn đến kiệt quệ không thôi. Bất luận là tình huống xảy ra như thế nào đi nữa, chỉ cần bạn biết cách nói “không” một cách trí tuệ, mọi thứ sẽ trở lại bình thường ngay.
Được về nhà đoàn tụ cùng gia đình là một điều hạnh phúc và cực kỳ ý nghĩa, bởi vì nơi đó có sự hiện hữu của những người thân yêu của chúng ta. Ấy thế, sống chung lâu ngày dài tháng với nhau, vì những va chạm ít nhiều trong cuộc sống, đôi khi cũng là một chuyện làm cho ta cảm thấy mệt mỏi. Có một số cặp vợ chồng chỉ vì cái tôi cá nhân mà đôi bên bắt đầu trách cứ đối phương rồi dẫn đến kết quả là đường ai nấy đi. Lúc này tâm từ sẽ rất có ích cho hai người họ, nếu như biết cách khởi tâm từ và duy trì trạng thái tâm ấy dài lâu. Quan trọng nhất là cả hai cùng thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau, vì vậy dành cho nhau thời gian để quan tâm chia sẻ cũng là điều cần thiết. Nếu như vợ chồng cứ mãi mạnh ai nấy sống mà không biết cách chia sẻ tình cảm cho nhau, dù là giữ im lặng không tranh cãi nảy lửa, thì thực tế cả hai vẫn dần xa cách. Đây là những biểu hiện thường gặp của một cặp vợ chồng trước khi “đôi ngã chia lìa”.
Khi ta đi du lịch, dã ngoại, lúc này dành thời gian để cho mình hạnh phúc cũng rất quan trọng. Ta có thể làm những việc có ý nghĩa như rải tâm từ cho chính mình, hoặc gặp những người bạn thân, tham gia những hoạt động thiện nguyện xã hội, v.v. nhờ vậy tâm từ rất dễ sinh trưởng. Còn bạn sẽ làm gì khi rảnh rỗi? Bỏ phố về quê, hưởng cảnh thanh nhàn? Hay là tham gia một trận đấu thể thao?
Có một việc không nên bỏ sót, đó là tham gia khóa tu miên mật. Hàng Phật tử cũng nên dành một chút thời gian hộ trì cho trung tâm thiền hay ngôi chùa mà mình đang theo tu học, bởi vì từ trường những nơi này thanh tịnh hơn hẳn những nơi công cộng khác. Tâm từ rất quan trọng trong việc tu thiền, chẳng những ta có thể chuyển hóa những người vô minh tham ái, mà còn duy trì được một quan hệ bằng hữu tốt đẹp.
Nhờ đó, ta may mắn gặp được những vị thầy có kinh nghiệm tu thiền, hướng dẫn và sách tấn ta tiến tu. Ta cũng có thể phát tâm công quả bằng cách phụ bếp nấu ăn, lái xe chở khách, giặt giũ vệ sinh, sửa chữa điện nước, v.v. ở những nơi tịnh viện chẳng hạn.
Đặc biệt những nơi đang tổ chức khóa thiền miên mật thì sẽ tạo ra được một nguồn năng lượng lớn lao vô cùng, nhờ một đoàn thể đang tu Thiền Rải Tâm Từ. Cũng cùng nguyên lý ấy, khi đang làm việc trong văn phòng với rất nhiều đồng nghiệp, nơi mọi người đang giao tiếp và hỗ trợ công việc lẫn nhau, ta cũng có thể nương vào đó để hướng về những người bên cạnh mình, nhờ vậy sẽ giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa mình với người.
Khi nằm trên giường chuẩn bị ngủ, ta cũng có thể hồi ức lại trong một ngày từ sáng đến tối đã xảy ra những chuyện gì đối với mình, xem thử có việc gì mà bản thân cần sửa đổi, khắc phục tình hình để tiến bộ hơn không. Một thời Thiền Rải Tâm Từ sẽ giúp cho ta có được giấc ngủ ngon và một trái tim yên bình.
Trong một năm sẽ có một số ngày lễ rất đặc biệt, lúc này ta nên giữ cho tâm mình có thể tương ưng được với thời khắc quan trọng ấy bằng cách Thiền Rải Tâm Từ như sau:
- Sinh nhật: Khởi tâm từ dành cho một mối quan hệ mới.
- Hôn lễ: Khởi tâm từ cho một lời hứa sắt son thủy chung.
- Tang lễ: Khởi tâm từ, sự an ủi hay tâm xả cho đoạn kết của một kiếp người.
- Đoàn viên: Khởi tâm từ cho sự kết nối giữa ta với người.
- Lễ Vesak: Khởi tâm từ cho hạnh phúc của nhân loại khi một vị thánh giáng thế.
- Xuất gia: Khởi tâm từ dâng lên các vị trưởng tử của Như Lai.
Xuất gia có nghĩa là rời khỏi đời sống thế tục, tránh làm các việc ác và tăng trưởng các điều thiện. Đạo nghiệp sẽ được thành tựu dần trong trí tuệ và tâm từ cũng sẽ được hưng khởi nhờ từ bi.