Τứ vô lượng tâm là những tâm thái khác nhau của hành giả đối với chúng sinh. Dẫu cho ở mỗi một tâm đều có những đặc tính riêng của nó, nhưng các tâm ấy đều là tâm thái hướng thượng tích cực, đồng thời, giúp ta duy trì được các mối quan hệ giữa người với người một cách cân bằng và hoàn mỹ. Thế giới hiện ta đang sống là một nơi đầy rẫy sự bất an và biến động, những tâm lượng bất thiện như: vô minh, ngạo mạn, tật đố, tham dục, sân hận, nghi ngờ, keo kiệt, bủn xỉn, v.v. tranh nhau giằng xé. Chính lúc này, Tứ vô lượng tâm sẽ giúp ta có được sự bình yên nhẹ nhàng và niềm hạnh phúc thật sự.
Có một lần vua trời Đế Thích (Deva King Sakka) thưa hỏi Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn!
Tại sao có những chúng sinh mong muốn có được sự giải thoát, không muốn tranh cãi, không muốn bị ngược đãi, đồng thời chỉ mong có được hạnh phúc và tự do, v.v. nhưng rồi cuối cùng vẫn không thể nào đạt được, mà còn chịu sự đau khổ giày vò nữa?”
Đức Phật trả lời câu hỏi ngắn gọn và đầy đủ rằng: “Tất cả những sự xung đột, thù hằn, đau khổ và kiếp nạn đều có nguyên do từ tật đố và bủn xỉn”.
Tật đố có nghĩa là người nào đó muốn có được hạnh phúc nhưng thực tế lại không thể đạt được, và tâm của họ ắt sẽ không thể nào chấp nhận được sự thật là người khác hạnh phúc hơn mình. Còn bủn xỉn là tâm lý của người không muốn chia sẻ hạnh phúc cho bất kỳ ai, và cũng không muốn người khác có được hạnh phúc, kết quả dẫn đến là tranh cãi xảy ra, rồi họ tìm cách công kích đối phương. Những hành vi vừa nêu đều do tâm sân hận gây ra và tâm ấy khởi lên từ tâm tham và si.
Tứ vô lượng tâm chính là một sách lược hòa hoãn và cũng là phương pháp hòa giải hữu hiệu nhất đối với các xung đột hay mâu thuẫn vừa nêu. Như bài kệ số 5 trong Kinh Pháp cú có nói như sau:
Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
Còn với tâm bủn xỉn, ta nên dùng tâm từ và tâm bị để bố thí san sẻ. Như bài kệ số 223 trong Kinh Pháp cú có nói:
Lấy bình an chiến thắng phẫn nộ,
Lấy tâm thiện chiến thắng bất thiện,
Lấy bố thí chiến thắng bủn xỉn,
Lấy chân thật chiến thắng hư ngụy.
Nếu trong tâm ta xuất hiện những phiền não ấy, thì dùng các tâm vô lượng là thích hợp nhất. Có một điều cần lưu ý, nếu muốn ngăn ngừa những tâm sân hận mãnh liệt, thì ta cần phải có được một tâm từ tương ứng đủ mạnh để hạn chế lại. Ở đây, ta sẽ có những cặp phạm trù đối đãi giữa các tâm thái với nhau như tật đố và tùy hỷ, bủn xỉn và rộng rãi, tàn bạo và nhân nghĩa. Khi mới bắt đầu, có thể ta chưa quen, lúc này nên chuyển đổi sang tâm buông xả hoặc tâm lìa chấp và tăng dần cấp độ.
Có một trường hợp thực tế khi gặp phải một kẻ quá ư hung ác, lúc này tâm từ khó mà phát huy tác dụng được, ta nên nhanh chóng khởi sang tâm bi và giả dụ tâm bi vẫn không phát huy tác dụng được, cuối cùng ta đành phải dùng tâm xả. Ngoài ra, còn một tổ hợp tâm vô lượng gồm tâm từ kèm với tâm bị hay tâm hỷ đi với tâm xả, v.v. sẽ được sinh khởi trong quá trình thiền tập.
Tùy theo khả năng thích ứng mà mỗi hành giả khởi những tâm vô lượng khác nhau hoặc tự mình chuyển đổi sao cho phù hợp với An chỉ định. Lúc này, thiền sinh khéo biết uyển chuyển điều hòa giữa các tâm vô lượng với nhau, miễn sao đạt hiệu quả cao nhất là được.
Ví dụ hành giả có thể chọn lựa tâm từ để nhập vào trạng thái Sơ thiền và Nhị thiền, dùng tâm bị nhập vào Tam thiền, dùng tâm hỷ để đạt đến cảnh giới Tứ thiền, dùng tâm xả nhập vào Ngũ thiền. Sau đó, hành giả dùng tâm bị để nhập vào Sơ thiền và Nhị thiền, dùng tâm hỷ nhập vào Tam thiền, dùng tâm từ nhập vào Tứ thiền, dùng tâm xả nhập vào Ngũ thiền. Hành giả tự mình lựa chọn các tổ hợp tâm vô lượng với nhau, chỉ cần lưu ý một điều là muốn đạt được trạng thái Ngũ thiền, nhất định phải rải tâm xả1.
1 Quan điểm ở đây dựa theo phân tích năm tầng thiền trong Luận A tỳ đàm (Abhidhamma), chứ không phải bốn tầng thiền như kinh điển Nikāya truyền thống.
Tiếp theo, hành giả có thể luân phiên rải tâm vô lượng đến những nhóm người khác nhau, như các nhóm đối tượng của tâm từ có giới hạn cũng như không giới hạn, cuối cùng là nhân rộng thành mười phương.
Ở từng lời phát nguyện, hành giả có thể tự chọn cho mình mỗi một tâm vô lượng hoặc mỗi một tầng thiền. Với những tâm vô lượng như vậy, hành giả cần phải tập cho thuần thục cho đến khi tự mình cảm nhận được những trạng thái cơ bản của tâm như vắng lặng và an yên. Một khi ta phát nguyện rải tâm từ, lúc này sẽ sinh ra một cảm xúc tích cực và mạnh mẽ, nhờ đó tự nhiên sinh ra tâm nhu nhuyến linh hoạt cho mình và cho người. Bất kể ai cũng sẽ đổi thay và đổi thay nhanh chóng nữa là khác. Nếu như ta không tự mình điều tiết để thích ứng với những hiện thực như vậy, thì người chịu khổ chính là ta chứ không phải ai khác. Đây là chân lý muôn đời!
Có một câu hỏi được đặt ra rằng: “Khi chưa chứng được thiền định, ta có thể tự mình đổi thay không?”
Câu trả lời là có, nhưng vì đối tượng rải tâm vô lượng bị phân tán không có tính hệ thống và tâm sở cũng không đồng với nhau, bởi định chưa đủ mạnh, nên ta khó mà đạt được An chỉ định. Chỉ cần kiên trì luyện tập với phương pháp đã được hướng dẫn, mỗi thiền sinh đều sẽ sở hữu được một tâm thức uyển chuyển và phù hợp với mỗi một chúng sinh ở bất cứ tình huống nào.
Chúng ta thường hay đọc tụng lời phát nguyện về Tứ vô lượng tâm như sau:
“Mong cho tất cả loài hữu tình; tất cả loài có hơi thở, tất cả các loài nghiệp sinh, tất cả mọi người; tất cả tính cách;
Mong cho tất cả người nữ, tất cả người nam; tất cả bậc thánh, tất cả phàm phu; tất cả chư Thiên; tất cả nhân loại; hết thảy chúng sinh trong cõi lành.
Mong họ không có ý đối địch; không còn đau khổ; giữ được niềm vui;
Mong cho họ không mất đi những thứ đã có; họ chính là chủ nhân thật sự về nghiệp lực của mình”.