Nghiệp (kamma) có nghĩa cơ bản là hành vi (action) và nó tương đương với hành (volition). Nếu ta không nắm rõ những giáo lý cơ bản của đạo Phật, thì khó mà thực hành tốt được. Có một bài kệ giúp ta dễ hiểu hơn:
Trong tất cả các pháp,
Tâm là người dẫn đường,
Tâm làm chủ hết thảy,
Mọi thứ do tâm tạo,
Nếu tâm ta nhiễm ô,
Tạo nghiệp thân và miệng,
Quả xấu theo đó đến ...
Còn bằng tâm thanh tịnh,
Quả lành tự nhiên tới.
Nói một cách dễ hiểu, tâm tạo tác ra thế giới mà chúng ta đang ở, và tạo tác ở đây do “hành” quyết định hết. “Hành” được dịch từ chữ “cetanā” trong tiếng Pāli, có nghĩa là “ý chí”, là sức mạnh chủ động của hành vi tạo tác, mặc dù trong ấy cũng mang hàm nghĩa bị động. Những trạng thái thiện hay bất thiện trong tâm ta đều có liên quan mật thiết với nhau cả và chính điều này dẫn đến quả báo khổ hay sướng.
Tâm bất thiện chủ yếu có nguồn gốc từ tham, sân, si. Và điều này cũng rất dễ hiểu nếu như ta kiểm chứng từng thứ một. Tham: giống như đói khát lâu ngày, sân: hệt như bạo hành thân thể, còn si: chính là mê muội mù quáng.
Ví dụ khi ta nổi sân, nguồn năng lượng tiêu cực tự nhiên xuất hiện với sự bạo lực. Khi hạt giống này được gieo trồng, đủ duyên nó sẽ trổ thành quả tương ứng với bạo lực, và điều đáng sợ nhất chính là nghiệp quả này diễn ra liên tục trong nhiều đời về sau.
Ngược lại, nếu ta không tham đồng nghĩa với tự do, không sân sẽ sinh từ ái, không si chính là có ánh sáng (trí tuệ). Ví như trong mỗi hành động của một người kèm theo sự thương yêu thì những người bên cạnh tự nhiên sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng này, từ đó họ có được thứ cảm giác an toàn, thoải mái và như nhiên, v.v.
Đương nhiên, dù ta không thể đổ thừa tất cả đều do nghiệp, nhưng nghiệp chính là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra mọi kết quả, từ đó làm cho tâm hòa cùng với nhân duyên.
Khi hành giả muốn hành trì Tứ vô lượng tâm, trước tiên phải có sức mạnh đến từ ý chí giúp sinh khởi ra ý niệm muốn tạo duyên cho mình bằng cách tìm một người thầy, tìm một phương pháp, hoặc đi đến một thiền viện, sắp xếp thời gian, v.v. để cầu học pháp tu Thiền Quán.
Thiền Rải Tâm Từ nếu được thực hành một cách tinh tấn nỗ lực sẽ giúp cho ta có được sự trải nghiệm hạnh phúc sâu hơn nữa. Và việc cần làm lúc này chính là thay đổi chính mình bằng cách hạn chế tâm sân, và đương nhiên đời ta sẽ thay đổi khác hẳn. Điều này thoạt nghĩ đơn giản, nhưng kỳ thật không hề giản đơn chút nào. Có những người do nội tâm rất phức tạp, nên tạo ra một nguồn năng lượng tiêu cực, từ đó dẫn đến một quả báo không thể ngờ và diễn ra trong rất nhiều kiếp về sau.
Ta hiểu rằng trái ngược với tâm từ chính là tâm sân và thứ tâm này làm cho sức khỏe con người bị giảm sút đáng kể, bạn bè lánh xa, kẻ thù thêm nhiều, của cải hao tổn, giấc ngủ mộng mị, đọa vào ác đạo, v.v.
Khi tu Thiền Rải Tâm Xả, hành giả bắt đầu bằng một đối tượng quen biết bình thường, tốt nhất là người mà bạn đã quen biết một thời gian nhất định, nhờ đó có thể hiểu rõ thân thế gia đình và thói quen sinh hoạt của người ấy. Điều này không có nghĩa là bạn thấu hiểu được nghiệp quả của người ấy, vì nguyên do nghiệp quả đó còn phụ thuộc vào những nhân duyên của nhiều kiếp trước nữa.
Nói một cách dễ hiểu, hành vi của một người sẽ tạo ra từ trường xung quanh người ấy và ở một góc độ nào đó, điều này cũng rất dễ lý giải. Nhờ nghe pháp và trải nghiệm, hành giả sẽ được tăng trưởng tri thức về nghiệp, từ đó có thể sinh trưởng ra tâm xả.
Theo những gì trong kinh miêu tả, bốn lời nguyện giúp cho tâm xả được tuôn chảy như suối nguồn giống hệt như tâm từ vậy: “Anh ấy / cô ấy là chủ nhân thật sự nghiệp lực của mình” (kammassakatā hotu). Suy niệm về sự “đón nhận” cũng được áp dụng ở đây. Để nội dung lời phát nguyện được phong phú hơn, ta cũng có thể tự mình thêm vào một vài ý, nhưng cần lưu ý là phát nguyện không phải dành cho mình mà là cho người.
1. Anh ấy / cô ấy là chủ nhân thật sự của nghiệp.
2. Anh ấy / cô ấy là người thừa kế thật sự của nghiệp.
3. Anh ấy / cô ấy đến từ nghiệp do mình tạo tác.
4. Nghiệp chính là người thân thật sự của anh ấy / cô ấy.
5. Nghiệp chính là nơi nương tựa thật sự của anh ấy / cô ấy và quá trình này được diễn ra liên tục do suy niệm sinh khởi.
Đối tượng được rải tâm xả lúc này chính là người quen bình thường của ta, một khi đạt được trạng thái thiền định và thiền định tự tại, bạn có thể áp dụng tiếp với những đối tượng cần được lan tỏa khác như người thân thương hay người ghét ta. Tiếp đến, bạn rải tâm ấy tới khắp những đối tượng có giới hạn và đối tượng không giới hạn. Cuối cùng là nhân rộng thành mười hướng.