Từ (mettā), bi (karunā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā) được gọi chung là Tứ phạm trú (catubrahma vihāra). Phạm (brahma) nghĩa là cao quý hay chỉ cho thiên giới. Trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) miêu tả thì Phạm thiên là thù thắng nhất và thuần khiết nhất. Ý ở đây nói đến việc một hành giả tu bốn tâm vô lượng, sẽ có được một tâm thanh tịnh hệt như Phạm thiên. Trú (vihāra) nghĩa là an trú. Vì vậy “phạm trú” có ý nghĩa đầy đủ là an trú (sinh sống) trên cõi Phạm thiên - một nơi chỉ có sự an lạc, không một phiền muộn. Bốn pháp này là tâm thái đối đãi của chúng sinh, từ đó các mối quan hệ giữa người với người cũng được xây dựng một cách lý tưởng, đồng thời tâm thái ấy có thể lan tỏa đến khắp thảy chúng sinh trong mười pháp giới, vì vậy Tứ phạm trú còn được gọi là Tứ vô lượng tâm.
Tâm bị và tâm hỷ là hai phương diện của tâm từ, tâm bị có thể thấu rõ nỗi khổ của chúng sinh, từ đó nỗ lực đoạn khổ. Tâm hỷ có thể rõ biết hạnh phúc của chúng sinh. Vì vậy tâm từ cũng được vận dụng vào hai phương diện này, hệt như một người bạn đem hạnh phúc đến cho ta vậy, tuy nhiên tâm bị và tâm hỷ cũng mang những tính chất đặc thù riêng và hiệu quả nhất định của nó.
Riêng tâm xả sẽ khác hẳn, nó được sinh ra từ cảm thọ thứ ba (xả thọ). Đây là một tâm thái bình đẳng khi đối đãi với chúng sinh, nó đến từ việc hiểu rõ về sự vận hành của nhân duyên, nhất là quy luật của nghiệp lực. Tác dụng của tâm xả ở chỗ cân bằng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Và nó cũng là nền tảng để ta chứng được Tứ thiền.
Người Thái Lan biến tấu Phạm Thiên thành “Phật Bốn Mặt”1, điều này làm cho tôi cảm thấy hình ảnh biến tấu ấy giống hệt như quái thú vậy, nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ rất có óc sáng tạo. Ở mỗi nét mặt của “Phật Bốn Mặt” đều có những biểu cảm như từ, bi, hỷ, xả. Trên bốn gương mặt ấy sẽ không có su xuất hiện của tham, sân, si. Bức tượng này thường được phụng thờ ở các chùa, tư gia, nơi ngã tư công cộng, v.v. của xứ sở chùa vàng với mục đích cơ bản là hoan nghênh hết thảy mọi người, nhất là du khách gần xa.
1 Phật Bốn Mặt (Sa. Para Brahma; Th. Phra Phrom): Đây là tên gọi nhầm của vị thần Phạm Thiên (brahmā) - một trong ba vị thần chủ tể của Ấn giáo. Phạm Thiên hay còn được gọi là Đại Phạm Thiên Vương, vốn là một vị thần sáng tạo ra muôn loài, kể cả thể chữ viết Brāhmĩ trong tiếng Phạn cổ. Trong tín ngưỡng dân gian Thái Lan, Thần Bốn Mặt tiêu biểu cho thần tài, đồng thời cũng bảo hộ bình an cho các tín đồ. Hiện nay, một số nơi trên thế giới như Đài Loan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Macau, v.v. cũng đều thờ tự vị thần này. Vì vậy, phải gọi là “Thần Bốn Mặt” thì mới đúng danh xưng.
TÂM BI
Mục đích của tâm bi là giúp chúng sinh bớt khổ. Cách ứng dụng của nó khá giống với tâm từ, nghĩa là có đến mười một lợi ích. Cảnh giới cao nhất có thể chứng được Tam thiền.
Tâm bị rất dễ sinh ra khi ta đủ sự chuyên chú, hoặc không e ngại việc chú tâm tỉnh giác vào sự đau khổ của chúng sinh. Khi mới tu, ta nên tư duy về những tác hại của tâm hại (kẻ thù trực tiếp của ta) và những công đức của tâm bi.
Kế đến, ta rải tâm từ cho một đối tượng đang chịu sự bất hạnh, nhớ không phải là những người thân của ta nhé! Vì như thế rất dễ sinh ra tâm bi lụy. Còn đối với những người ta oán ghét, cũng khó mà cân bằng cảm xúc được. Và cũng không nên chọn những người đã mất hay người khác giới tính với ta. Chỉ cần chọn một người bất hạnh mà xưa nay ta chưa hề quen biết, có được như vậy tâm bị sẽ rất dễ sinh khởi.
Ta có thể vào viện thăm một người bạn hay vào cô nhi viện, viện dưỡng lão, kể cả nhà xác, v.v. những nơi này đều có thể giúp ta thể nghiệm được những nỗi khổ của kiếp người. Bên cạnh đó, nhà thương điên thường được ví von như “địa ngục trần gian”, nhưng đôi khi nhờ những người điên mà ta nhận ra một điều là trí óc minh mẫn tỉnh táo quan trọng đến dường nào.
Nỗi khổ niềm đau được chia làm ba loại cơ bản như sau:
1. Khổ nơi thân tâm
Đây là nỗi khổ thường gặp nhất, khổ thân sẽ dẫn đến khổ tâm và nỗi khổ trong tâm là khó chịu nhất. Con người ta thường hay có thói quen che giấu nỗi khổ đang hiện hữu trong lòng mình, nếu người khác muốn thấy được thì cần phải dùng tâm để quan sát.
2. Khổ do phiền não
Là một dạng của khổ tâm, nó rất vi tế do nằm sâu trong tâm thức, vì vậy đôi khi ta nhìn bề ngoài những người khổ tâm nhưng lại không hề thấy họ buồn bã gì cả. Cũng như người bị tâm thần nhẹ, họ hát ca suốt cả ngày đêm không dứt, còn những người nghiện thuốc thì đắm chìm trong sự vui sướng tột độ với những làn khói trắng. Cũng có những người hệt như loài ốc sên vậy, chỉ biết mỗi chuyện bò chầm chậm, mà không hề nhận thức được ý nghĩa quan trọng của kiếp nhân sinh. Muốn nhận chân được những niềm đau, nỗi khổ như vậy, tâm ta phải đủ sáng và tỉnh thức.
3. Khổ trong tam giới
Nỗi khổ do sinh tử luân hồi triền miên không dứt. Có những chúng sinh khổ vô cùng cực và bên cạnh đó cũng có những người sống rất hạnh phúc. Ta có thể hiểu như sau: Một người khi mới vừa đầu thai tái sinh, sẽ rất đau khổ và khó chịu vô cùng. Đối với những người tu hành có năng lực thiền định, thì họ cũng có thể chọn lựa cho mình một nơi để tái sinh theo ý muốn. Nhưng tiếc là phần lớn con người chúng ta không thể nào nhớ về tiền kiếp của mình được, thậm chí cũng không thể nhận biết được những kiếp quá khứ nữa. Nhờ thiền định ta sẽ thấy rõ và ghi nhận nó, từ đó có được sự tỉnh thức tối cao, hệt như Đức Phật Gotama một bậc toàn trí toàn giác và từ bi quảng đại.
Đồng cảm thương người chính là nghệ thuật giúp ta nuôi dưỡng tâm bi, nghĩa là ta sẽ dễ dàng cảm nhận được những nỗi đau khổ, niềm thương yêu hay sự tuyệt vọng khốn cùng của chúng sinh đang chịu cảnh trầm luân. Quan trọng nhất là ta phải duy trì được chính niệm tỉnh thức của mình một cách liên tục cho đến khi tâm bị tuôn trào như suối nguồn tươi mát. Một khi ta đã cảm nhận đủ nỗi khổ càng nhiều, tâm bi tuôn chảy cũng tỷ lệ thuận theo. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ ta phải xem những chúng sinh đang chịu khổ chính là đối tượng cần cứu giúp, chứ không phải mình là nan nhân chịu khổ như họ.
Ranh giới giữa tâm bị và đau thương rất mong manh, nếu ta không khéo làm chủ cảm xúc, tâm bị rất dễ biến thành đau thương, và lúc này đau thương được xem như là một biến thể khác của tâm sân.
Nếu không may xảy ra tình trạng như vậy, ta cần phải nuôi dưỡng tâm bị lại từ đầu bằng cách sinh khởi chính niệm và tâm từ ngay tự thân của chúng ta; kế đó nghĩ về nghiệp lực và sinh khởi tâm xả.
Những cảm thọ lúc bấy giờ có thể sẽ rất mạnh, nên ta cần phải duy trì sự rõ biết của mình một cách bền vững, đồng thời giữ gìn sự bình yên và nhu nhuyến. Một khi tâm bị đủ mạnh để lan tỏa đến hết thảy vạn vật, lúc này ta sẽ cảm nhận một sức mạnh khó mà miêu tả, và ta cần phải làm chủ cũng như tịnh hóa được nguồn năng lượng này.
Có một lần tôi rải tâm từ cho một người bạn đang bị ốm, nhưng do không tập trung, cho nên tôi nhận thấy mình hệt như người có vấn đề về tinh thần vậy. Lúc ấy trời đã về khuya, mọi người trong thiền đường đều đã an giấc nồng, không ai có thể giúp được, may mà tôi đã tự mình “cứu chữa”. Từ đó ta thấy, nếu một hành giả thiếu đi trí tuệ, thì không thể làm chủ được cảm xúc và sẽ đưa đến kết quả khó mà lường trước.
Căn cứ theo lời dạy trong Kinh Rải Tâm Từ miêu tả, ở đây tôi áp dụng nội dung lời nguyện như sau: “Mong anh ấy / cô ấy không còn đau khổ” (Dukkhā pamuccantu)!
Cách ứng dụng của lời nguyện trên hệt như bốn lời nguyện của tâm từ: Với mục đích làm sinh khởi tâm bi và duy trì trạng thái hiện hữu của tâm đó, mãi cho đến khi một nguồn năng lượng tích cực dần hình thành và tuôn trào, tạo nên “sức sống” mãnh liệt hơn. Bí quyết để tăng trưởng định ở đây chính là duy trì tâm thanh tịnh dành cho đối tượng được rải tâm từ.
Vì để giảm bớt sự đơn điệu cho lời nguyện, nên tôi thường thêm vào một số ý như sau:
- Mong anh ấy / cô ấy không còn khổ thân!
- Mong anh ấy / cô ấy không còn khổ tâm!
- Mong anh ấy / cô ấy không còn khổ trong ba cõi!
Thỉnh thoảng tôi cũng sẽ phát nguyện như sau:
- Mong hôm nay anh ấy / cô ấy không còn đau khổ!
- Mong ngày mai anh ấy / cô ấy không còn đau khổ!
- Mong mai này anh ấy / cô ấy không còn đau khổ!
Tất cả những lời phát nguyện như trên đều linh nghiệm cả.
Có một điểm hành giả cần phải lưu ý là nếu như cùng lúc phát nhiều nguyện sẽ làm cho ta dễ bị phân tâm, thay vào đó chỉ cần biết cách vận dụng một vài lời nguyện một cách uyển chuyển cũng đủ giúp ta thuần thục kỹ năng này và đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, hành giả cần đặc biệt lưu ý là đừng để cho mình bị cuốn vào những lời nguyện không thực tế, hư vọng hão huyền, đồng thời để chúng “dắt mũi” ta lang thang vô định.
Tâm bị có sức mạnh chữa trị rất hiệu quả, vì vậy nó có thể hỗ trợ giúp ta chữa bệnh cho tất cả chúng sinh, và đây cũng chính là công hạnh đặc thù của chư Phật Bồ tát khi phát tâm đại bi. Điểm quan trọng ở đây là cần phải chấp nhận thực tướng của khổ (dukkha), sau mới có thể chuyển hóa được; có nghĩa là sinh khởi tâm bị thì mới có thể diệt khổ ban vui được. Bên cạnh đó, ta cũng nên để cho mọi thứ dần quen với quỹ đạo, lúc này tâm an yên mới có thể khắc phục được đau khổ và tật bệnh, từ đó mới có thể sinh khởi được niềm hỷ lạc.
Khi đã thuần thục được pháp tu này, ta sẽ thấy được tầm quan trọng của tâm bị khi nó phát huy được sức mạnh nhờ vào nguồn năng lượng dồi dào. Lúc ấy, chỉ có loại cảm thọ này liên tục hướng về đối tượng được rải tâm bị và ngay lúc đó mọi ngôn từ thuật ngữ sẽ không còn cần thiết ở đây nữa.
Lần lượt hướng về các đối tượng được rải tâm bi như người thân, người bình thường, người ghét ta và người ta ghét, nhờ thế sẽ thành tựu được thiền định và thiền định tự tại. Nếu ta cảm nhận được trong lòng của những người ta ghét đầy ắp những nỗi khổ đau, lúc này hành giả cũng có thể xem người ấy là đối tượng cần được rải tâm bi.
Kế đến, ta rải tâm bị không giới hạn cho năm loại đối tượng, rải tâm bị có giới hạn cho bảy loại đối tượng, cuối cùng là nhân thành mười hướng cụ thể như sau:
1. Mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ (Sabbe sattā dukkhā pamuccantu)!
2. Mong cho tất cả các loài có hơi thở không còn đau khổ (Sabbe pānā dukkhā pamuccantu)!
3. Mong cho tất cả các loài nghiệp sinh không còn đau khổ (Sabbe bhātā dukkhā pamuccantu)!
4. Mong cho tất cả mọi người không còn đau khổ (Sabbe puggalā dukkhā pamuccantu)!
5. Mong cho tất cả tính cách không còn đau khổ (Sabbe attabhāva pariyāpannā dukkhā pamuccantu)!
6. Mong cho tất cả người nữ không còn đau khổ (Sabbe itthiyo dukkhā pamuccantu)!
7. Mong cho tất cả người nam không còn đau khổ (Sabbe purisā dukkhā pamuccantu)!
8. Mong cho tất cả chư Thiên không còn đau khổ (Sabbe devā dukkhā pamuccantu)!
9. Mong cho tất cả nhân loại không còn đau khổ (Sabbe manussā dukkhā pamuccantu)!
10. Mong cho tất cả chúng sinh ác đạo không còn đau khổ (Sabbe vinipātikā dukkhā pamuccantu)!
Kế đến, khởi tâm bi đối với chúng sinh nơi mười hướng như sau:
1. Hướng về phương Đông, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
2. Hướng về phương Tây, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
3. Hướng về phương Bắc, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
4. Hướng về phương Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
5. Hướng về phương Đông Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
6. Hướng về phương Đông Bắc, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
7. Hướng về phương Tây Bắc, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
8. Hướng về phương Tây Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
9. Hướng về phương Trên, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
10. Hướng về phương Dưới, mong cho tất cả các loài hữu tình không còn đau khổ!
TÂM HỶ
Tâm hỷ là trong lòng sinh tâm hoan hỷ khi thấy người khác hạnh phúc, điều này giống như niềm vui được nhân lên gấp đôi, cho nên hỷ lạc có được nhiều hơn so với tâm từ và tâm bi. Nhưng trong thực tế khi gặp khổ đau, chẳng ai đem các tâm ấy so sánh với nhau cả. Thông thường, khi thấy người khác hạnh phúc hơn ta, trong lòng ta tự nhiên sẽ sinh ra một kẻ thù không đội trời chung của tâm hỷ - tâm đố kỵ, ganh ghét. Cũng chính vì lý do đó mà tâm hỷ là phương pháp đối trị phiền não rất hữu hiệu. Và nguyên nhân gần hơn nữa đó là có được niềm vui - đây chính là đối tượng chính của tâm hỷ. Có tâm hỷ đồng nghĩa với việc thấy được hạnh phúc của tha nhân và cũng có thể cân bằng được với tâm bi, đây là tầng thứ tích cực của tâm từ.
Hãy đến một nơi vắng lặng và cảm nhận những bình yên, cũng như hoan hỷ ngay nơi ấy, ta sẽ phát hiện ra rằng hạnh phúc chủ yếu đến từ hai phương diện chính:
1. Lợi dưỡng vật chất;
2. Niềm vui tinh thần.
Ta nên đến những nơi cụ thể để tận mắt thấy những người đủ đầy phúc báo thế gian. Họ đang có được sự thoải mái từ thân thể khỏe mạnh đến đời sống vật chất no đủ. Để được hưởng thụ những điều kiện tốt đẹp như vậy, không phải ai muốn cũng được và quan trọng hơn nữa là không phải ai cũng biết cách giữ được những của cải ấy. Thế nhưng nếu không khéo, chính họ sẽ rơi sâu vào tâm tham đắm vật dục thế gian và tâm tham ấy có thể hủy diệt một con người bất kể lúc nào không hay. Cho nên niềm vui ở phương diện tinh thần là an toàn hơn cả.
Ta cũng có thể đi đến những nơi thánh địa tâm linh và cảm nhận năng lượng từ trường ở những nơi ấy. Nhờ đó ta thấy được cách mà những vị tu hành đức độ đã thanh lọc thân tâm, cũng như giải thoát sự trói buộc phiền não thông qua thái độ bình thản và tâm hoan hỷ của họ. Thực tế, có những chùa chuyên về làm thiện tu phúc, hoặc cũng có những tịnh viện nghiêm trì giới luật, v.v. Và hành giả nên trú ngụ tại rừng thiền hay trung tâm thiền - một nơi chuyên tu pháp quán chiếu là thích hợp nhất.
Niềm vui về mặt tinh thần sẽ giúp ta có được sự an toàn và hạnh phúc lâu dài mai này, khi hiểu được điều quan trọng như vậy, tâm ta sẽ dễ hoan hỷ hơn. Một khi đủ sự hoan hỷ rồi, ta sẽ cảm nhận được điều gì là hạnh phúc đích thực và thứ gì là tật đố ích kỷ.
Hành giả cần lưu ý rằng, hỷ cũng có một kẻ địch hiện hữu, đó chính là tham chấp cuộc sống thế tục, thứ tham chấp này hệt như một số người tham đắm vào những sự hưởng thụ của cải vật chất vậy. Do đó, hành giả cần đặc biệt lưu ý và cẩn trọng để tránh sai lầm không đáng có.
Tâm hỷ giúp hành giả nhận biết được mặt tốt của mọi vật một cách nhanh nhạy và rõ ràng. Nếu không có tâm hỷ, hành giả sẽ biến thành một kẻ vô tình chạy theo chủ nghĩa cơ hội.
Khi mới bắt đầu rải tâm hỷ, ta nên chọn đối tượng gần gũi với mình, nhờ vậy trong lòng sẽ dễ cảm nhận được những sự thành công và hạnh phúc của đối phương một cách hân hoan nhất. Còn những đối tượng ở xa ta quá thì rất khó mà cảm nhận rõ được. Cùng một nguyên lý giống như rải tâm từ và tâm bi, hành giả không nên rải tâm hỷ cho những người đã khuất, cũng như người không cùng giới tính với mình.
Hỷ chắc chắn sẽ mang đến niềm vui, một khi hành giả cảm thọ được những niềm vui ấy, hãy lan tỏa để trong thâm tâm của đối tượng được rải tâm hỷ có được ấn tượng sâu sắc và rõ ràng nhất có thể.
Một trong những đặc tính của tâm hỷ chính là khá vắng lặng và nhẹ nhàng so với tâm từ và tâm bi. Khi mới bắt đầu học cách rải tâm hỷ, ta khó mà cảm nhận được, bởi nó rất yếu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tâm hỷ không phải là một trạng thái thường diễn ra trong tâm thức của mỗi người. Do đó, hành giả cần phải có lòng kiên nhẫn, tinh tấn và nỗ lực một cách liên tục nhất. Một khi nguồn năng lượng này đủ nhiều và mạnh, tự nhiên tâm ta sẽ phấn chấn và dồi dào hơn rất nhiều.
Tôi biết có một thiền sinh thường hay rải tâm hỷ, nên mỗi khi vị ấy nhấc chân cất bước đều nhẹ nhàng hệt như cơn gió thoảng vậy. Và đôi khi vị ấy chỉ cần thốt ra lời nói: “Tốt! Tốt lắm!” cũng đủ làm cho người nghe cảm nhận được sự thoải mái và dễ chịu.
Nhằm để tâm hỷ dễ sinh khởi hơn, hành giả nên phát ra những lời nguyện như sau:
Mong cho anh ấy / cô ấy không mất đi những thứ đã có (Yathā laddha sampattito māvigacchantu)!
Từ lời nguyện vừa nêu, ta cũng có thể nhân rộng thành bốn lời nguyện:
1. Mong cho anh ấy / cô ấy không mất đi những thứ đã có (Yathā laddha sampattito māvigacchantu)!
2. Mong cho anh ấy / cô ấy không mất đi danh dự mà mình đã có được (Yathā laddha yasato māvigacchantu)!
3. Mong cho anh ấy / cô ấy không mất đi lời khen mà mình đã nhận được (Yathā laddha pansanisato māvigacchantu)!
4. Mong cho anh ấy / cô ấy không mất đi hạnh phúc mà mình đã có được (Yathā laddha sukhato mavigacchantu)!
Kế đến, hành giả cũng có thể thêm vào một vài lời nguyện như: “Mong cho anh ấy / cô ấy luôn giữ được những thứ mà mình có được!”
Để thiền sinh dễ thực tập, tôi thường hay đưa vào những lời nguyện như sau:
1. Mong cho anh ấy / cô ấy thân khỏe!
2. Mong cho anh ấy / cô ấy luôn được thân khỏe!
3. Mong cho anh ấy / cô ấy tâm an!
4. Mong cho anh ấy / cô ấy luôn được tâm an!
Đương nhiên, bạn cũng có thể tự mình thêm vào một số ý nhằm để phù hợp với tình hình thực tế, đại khái như: “Mong cho anh ấy / cô ấy có được những vật dụng cần thiết, cũng như hạnh phúc mỹ mãn!”
Sau cùng, hệt như nguyên lý của tâm từ vậy, tâm hỷ cần được duy trì một cách liên tục cho đến khi tổng hợp thành một nguồn năng lượng tuôn chảy như suối nguồn.
Thực tế, ta sẽ phát hiện ra được rằng nguồn năng lượng “tuôn chảy” của hỷ giống hệt hình ảnh của những đám mây hay sương mù đang tỏa khắp, dần dần biến chuyển thành một trận gió to. Ta cần phải rõ biết điều này khi rải tâm hỷ, đồng thời cần phải làm chủ được nguồn năng lượng đang tuôn chảy này bằng một tâm thanh tịnh và vắng lặng. Ta duy trì tâm ấy hướng về đối tượng đang được lan tỏa một cách liên tục, cho đến khi chứng được thiền định và thiền định tự tại.
Cứ thế, ta lần lượt rải tâm hỷ cho các đối tượng khác nhau, như người bình thường và người thù hận ta. Bên cạnh đó, ta cũng có thể trưởng dưỡng tâm hỷ rộng hơn cho những đối tượng có giới hạn và đối tượng không giới hạn bằng cách lan tỏa thành mười hướng.
Mong cho hết thảy chúng hữu tình không mất đi những thứ đã có (Sabbe sattā yathā laddha sampattito maviggacchantu)!
Kế đến, hành giả nhân rộng tất cả các loài hữu tình lên thành mười hướng như sau:
1. Hướng về phương Đông, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
2. Hướng về phương Tây, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
3. Hướng về phương Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
4. Hướng về phương Bắc, mong cho tất cả loài các hữu tình không mất đi những thứ đã có!
5. Hướng về phương Đông Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
6. Hướng về phương Đông Bắc, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
7. Hướng về phương Tây Nam, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
8. Hướng về phương Tây Bắc, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
9. Hướng về phương Trên, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
10. Hướng về phương Dưới, mong cho tất cả các loài hữu tình không mất đi những thứ đã có!
TÂM XÃ
Xả có nghĩa là thấy được quả của chúng sinh do nhân duyên hòa hợp mà có, cũng như thấy được những trạng thái cân bằng và tâm bình đẳng. Trong suốt quá trình Thiền Quán, tâm xả được sinh khởi do thấy được nghiệp (hành vi tạo tác) thiện và ác. Vì vậy, ta cũng cần phải hiểu được “xả” bao hàm những ý nghĩa gì? Xả là một loại cảm thọ trung tính, nên thường bị lý giải sai là “lạnh nhạt”. Thật ra, trạng thái của xả rất sâu, hành giả nhờ vào trạng thái ấy mà đạt được sức mạnh của định một cách sâu nhất. Điển hình là trong Tứ vô lượng tâm, duy chỉ có tâm xả mới đưa hành giả đạt vào trạng thái Tứ thiền.
Mỗi khi Thiền Quán Tứ vô lượng tâm, tôi hay nhìn vào hình ảnh mình được phản chiếu ở trong gương, mỗi lần như thế hình ảnh phản chiếu đều hiện ra những biểu cảm hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể như sau: Tâm từ hân hoan, tâm bị nhu nhuyến, tâm hỷ an vui; nhưng đến tâm xả thì “Ôi! Khó nhìn quá!”, hệt như khuôn mặt của bức tượng với đôi mắt vô hồn, không chút cảm xúc. Ấy thế mà khi nhìn kỹ và chuyên chú hơn nữa, thì tâm lúc này rất thanh thoát, nhu nhuyễn và vắng lặng. Tóm lại, kết quả mà tôi đạt được hoàn mỹ và tuyệt diệu vô cùng, hệt như câu nói: “Đừng đánh giá vẻ ngoài của bất kỳ ai, mà hãy nhìn vào nội tại của người ấy!”
Công đức có được của tâm xả hệt như tâm từ vậy. Bên cạnh đó, nó cũng có những đặc tính riêng như giúp hành giả đạt được Cận hành định, cũng như định ở tầng thứ sâu hơn nữa. Thiền sinh có thể làm việc hay suy nghĩ một cách tập trung nhất, hiệu quả nhất khi có được tâm xả, vì vậy người có được tâm xả là người rất đáng được tin cậy!
Lợi ích mà tâm xả đem lại chính là thấu hiểu, đồng cảm và kiên định. Nhờ vậy hành giả có thể duy trì được định ở trạng thái chuyên sâu và dài lâu.
Hành giả cần phải xác định rõ là sự thấu hiểu không phải tự nhiên mà có. Muốn có được, tự thân ta phải quan sát nghiên cứu và tư duy nghiền ngẫm. Tâm xả là dấu hiệu của sự trưởng thành, của nhân duyên chín muồi. Một trong những cách để thực tập Thiền Rải Tâm Xả chính là quán tâm vô thường với những trạng thái sinh diệt thay đổi liên tục, cụ thể là tâm trạo cử trong lúc hành thiền. Một trạng thái dễ nhận biết, đó là trong tâm ta cứ mãi lăn tăn với bao điều tham, sân, si. Để tâm được vắng lặng hơn, hành giả cần phải liên tục quán sát những dòng tâm thức một cách chuyên chú và tỉnh thức.
Ngoài ra, còn một cách ứng dụng khác nữa là từ một dạng thiền định này chuyển sang một dạng thiền định khác, hành giả xả bỏ hết những thiền chi ở dạng thô, chỉ lưu giữ lại thiền chi thuộc dạng vi tế. Sau cùng, hành giả nên tư duy: “Lạc” thô hơn nhiều so với Nhất cảnh tính và Xả. Khi làm được điều này, đồng nghĩa là hành giả đã đạt được cảnh giới của Tứ thiền.