Nhiều năm trước đây, Stephen muốn tôi hiệu chỉnh lại quyển sách có nội dung nói về tâm từ, ấy vậy mà mãi đến hôm nay tôi mới có thời gian chấp bút sau nhiều lần bận rộn công tác Phật sự.
Trước đây, sở dĩ tôi chưa muốn làm ngay là bởi vì còn có một số việc muốn làm nữa, ví dụ như ngồi thiền hay kinh hành chẳng hạn... Vả lại, tôi cũng còn có lý do quan trọng hơn, đó chính là tự mình cần phải tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nội dung quyển sách lần trước viết khá sơ sài, với những phương hướng chưa được chuẩn xác, hơn nữa cách thức biểu đạt chưa đủ tính hệ thống và chuyên sâu.
Trong thời gian này, tôi thường ở lại khu resort của bố mẹ Stephen, nằm ở vùng quê hẻo lánh ở Richerenches thuộc Provence nước Pháp. Ngồi dưới tán cây Platanus, tôi bắt đầu viết ra những dòng tâm tư từ Berne để gửi đến các bạn.
Sau mấy tiếng lái xe đi từ vùng Berne đến đây, chiều hôm ấy, sau khi ăn nhẹ xong, tôi đặt lưng xuống giường để nghỉ ngơi một lát. Sau đó, tôi hé mở cánh cửa nội tâm và bắt đầu đón nhận những thông tin do tâm mình cung cấp để viết nên quyển sách này. Không bao lâu sau, tôi cảm nhận được một cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng bay bổng. Tôi dõi mắt theo bóng dáng của những chú chim đang bay lượn, những ý tưởng đầu tiên thành hình từ tấm áo màu trắng tuyết, từ đôi cánh chim màu xanh da trời. Sau đó là bóng của chú chim cú mèo giống như hình dáng của ngôi nhà nhỏ này, v.v.
Rất dễ nhận thấy người chủ ở đây đặc biệt yêu thích cú mèo, bởi vì khắp mọi nơi trên tường, thậm chí trên nóc nhà hay những sản phẩm được làm bằng sứ trong nhà đều mang hình dáng của chúng. Hiển nhiên, hiện đang có một con cú mèo đang xem nơi này - nơi không một bóng người như là nhà của nó... Chuyện này hiếm khi thấy được ở những nơi náo nhiệt khác. Do đó, tôi đã lý giải những cảnh tượng vừa xảy ra như là một sự tự do của nội tâm. Trước đây trong những lần dạy thiền, tôi thường hay dùng hình ảnh của những chú chim bay lượn để ví dụ cho việc rải tâm từ rộng khắp mười phương.
Người ta thường thắc mắc “Tâm” là gì? Và họ rất hay liên tưởng đến những cảm xúc, nhưng nếu chỉ như thế thì rất hạn hẹp, bởi nó còn chứa đựng một hàm ý sâu hơn, sâu đến nỗi có thể chạm vào sự sống cũng như sự hiện hữu nơi mỗi người.
Nhiều năm trước đây, tôi từng đọc được một quyển sách khá thú vị, nội dung nói về lời khuyên của một người bà dành cho người cháu, và lời khuyên ấy cũng là tiêu đề của quyển sách Dõi theo tim em1, điều này đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhất là mỗi khi ta chọn lý trí mà phớt lờ sự hiện diện của tâm, lúc này rất dễ rơi vào trạng thái “chảo dầu đang nóng!” Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, ta nên ngồi lại nhìn rõ để thấu hiểu trái tim của mình. Điều này đối với tôi mà nói, chính là trực giác và cũng là trí tuệ đến từ nội tâm. Nó rất giống với cảm thọ nhưng lại rạch ròi đâu vào đấy, không một “điểm mừ” nào cả.
1 Tên gốc tiếng Ý là Va’ dove ti porta il cuore, dịch sang tiếng Anh lấy tên là Follow Your Heart. Tác giả là Susanna Tamaro (1957), bản dịch tiếng Trung là ( ) (tạm dịch: Dõi theo tim em), Nxb Thời Báo, 1997.
Cần có một khoảng trống cho trái tim, vì rằng tiếng nói của con tim cũng cần để người khác nghe được. Trong cuộc sống, chúng ta thường hay quên đi điều này! Nhất là những người thiên về lý trí lại càng như vậy, họ thường hay trốn tránh hiện thực, cho nên sau những đau khổ chồng chất càng dày, sức khỏe tinh thần cũng xuống cấp không kém. Những người đến chỗ tôi học thiền, đa phần đều có những vấn đề như vậy, họ thường bộc bạch rằng hay bị nhức đầu, khó thở, căng cơ, chằng dây thần kinh, hệ tiêu hóa có vấn đề, v.v.
Nếu như ta biết cách khởi tâm và an trú chính niệm tỉnh thức với bài thiền tập “Quét toàn thân” thì những áp lực nội tâm hay đau nhức toàn thân sẽ tự nhiên tan biến hoàn toàn.
Những cảm giác đau khổ hay hạnh phúc mà ta cảm nhận được đều có sự liên hệ mật thiết với tâm, vì vậy hành giả không thể nào chỉ biết đón nhận mỗi hạnh phúc mà ghẻ lạnh với nỗi khổ niềm đau được. Muốn có được hạnh phúc thật sự, thì nhận thức đầu tiên chính là cần phải hiểu rõ cả hai một cách trung thực và sâu sắc nhất. Lắng nghe bằng đôi tai với một tấm lòng cởi mở, điểm này giữa Thiền Quán rất giống với Thiền Rải Tâm Từ.
Nếu muốn biết được tâm đang hiện hữu nơi nào, chúng ta không nên để lý trí chiếm ngự hoàn toàn, hãy gạt lý trí sang một bên, để cho sự tỉnh thức vi tế nơi nội tâm bừng dậy. Đây được gọi là trực giác và nó rất giống với cảm thọ; với một tiến trình đồng bộ như vậy, nội tâm tự nhiên sẽ được đánh thức, từ đó giúp ta tìm ra đáp án chính xác nhất và nhanh nhất. Loại trực giác này rất quan trọng và đừng nhầm lẫn nó với sự thuần phục con tim hoang dại.
Có một bà cụ sau khi tham gia khóa thiền của thầy tôi dạy đã nói rằng: “Sư đã giúp cho con ngộ được bản chất của kiếp sống”. Và thầy tôi trả lời: “Một khi con người ta thiếu đi tình yêu dành cho chính mình, thì mọi thứ trở nên vô nghĩa”.
Tình yêu dành cho chính mình? Có lẽ điều này hơi khó đối với những người phương Tây, nhưng đối với người phương Đông thì xem nó như là một chuyện hiển nhiên. Vậy rốt cuộc cái gì mới là tình yêu dành cho bản thân? Tôi phát hiện ra rằng, nếu khéo léo kết hợp đồng bộ giữa hai loại Thiền Quán và Thiền Rải Tâm Từ lại với nhau, chỉ bấy nhiêu cũng đủ giúp cho ta phát tâm dũng mãnh và tiến tu trên con đường chứng đắc quả vị. Sự kết hợp này được gọi là tâm.
Như bây giờ, tôi xem tâm là một ý nghĩa thực sự của đời sống và sự hiện hữu. Trực giác giống như đôi mắt ẩn chứa nội tâm của một người, có thể thấy được những tầng thứ vượt trên cả cái thấy của lý trí. Trực giác đến từ thực tướng, niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau luôn tồn tại nơi ấy. Đến nay, tôi đã hiểu được những thứ này chính là “tiếng nói của con tim” và cũng là “sức mạnh của trí tuệ”. Đúng vậy! Tôi dám chắc rằng nó có thể quay về với bản thể của “chân lý tuyệt đối”, hay “tâm yếu vạn pháp”1. Nếu như không biết những điều này, thì ta sẽ không thể nào cảm nhận được sự hoàn thiện của bản thân, thế là cứ mãi mù quáng đi tìm “thức ăn” bồi bổ cho tâm tham ái và càng không thể nào có được hạnh phúc thật sự.
1 Vạn pháp (dhamma): Hết thảy vạn vật đều là những hiện tượng tự nhiên, vật lý, tâm lý, v.v. Mọi thứ mắt thường có thể nhìn thấy được, tai có thể nghe được, cơ thể có thể tiếp xúc được hoặc tâm có thể nghĩ đến được, v.v. đều thuộc về pháp cả. Pháp cũng chính là đạo lý, nguyên lý; do những thứ ấy mà có thể sản sinh ra được những hoạt động của con người và sự vật, sự việc.
Một khi có được sự tỉnh thức rồi, tâm tự khắc sẽ hướng về tự do - một nơi an trú đích thực. Khi ta tìm lại được ngôi nhà thực thụ của mình rồi, tâm tự nhiên sẽ trở nên tịch tĩnh vắng lặng thực sự, đồng thời hằng luôn an trú nơi vốn dĩ thuộc về nó. Có thể nói rằng, tâm chính là suối nguồn tươi mát của hạnh phúc vĩnh hằng nơi thế giới đầy ắp khổ đau này.
Khi nghĩ đến đây, tôi bắt đầu ngồi dậy và đặt bút viết ra những dòng tâm tư này...
Tôi an trú nơi này được khoảng mười hôm, một quãng thời gian đủ để viết ra một câu chuyện đến từ trái tim - ít ra đây cũng chính là những kinh nghiệm mà tôi từng hướng dẫn thực hành Thiền Rải Tâm Từ và tình tiết câu chuyện là những cung bậc cảm xúc đến từ tâm. Vì vậy, khoảng thời gian này được xem như là một kỳ nghỉ đúng nghĩa tuyệt vời nhất dành cho tôi.
Ô kìa! Này người bạn lý trí của tôi ơi! Xin hãy nhường chỗ cho con tim (tâm) nói lên tiếng lòng của mình nhé!
Bạn vẫn chưa hiểu được rốt cuộc tâm là gì đúng không? Vậy thì hãy “soi gương” ngay đi! Chắc chắn lúc ấy bạn sẽ thấy được “hình bóng” của tâm mình đang hiện hữu đâu đấy thôi.